HÀ GIANG…. NGƯỜI ĐÀN BÀ HIẾM CÓ TRONG ”TRẠI TÙ” LAO CẢI (Phạm Tín An Ninh)-Truyện ngắn hay

Tác giả Phạm Tín An Ninh:

Phạm Tín An Ninh : Sinh ra và lớn lên tại Khánh Hòa, Tuổi Quý Mùi. Mất mẹ lúc 3 tuổi, nên sống với ông bà nội. Lúc nhỏ, theo học tại trường Trung học Văn Hóa và Võ Tánh Nha Trang. Nhập ngũ: Khóa 18 SQ Trừ Bị Thủ Đức. Phục vụ tại Sư Đoàn 23 BB. Sau tháng 4/75: Đi tù tại các trại tù Nam và Bắc Việt Nam.(Thân sinh cũng bị đi tù và chết trong tù cải tạo vào tháng 6/1976). Vượt biên, định cư tại Vương Quốc Na-Uy từ năm 1984. Đi học và làm việc trong ngành Ngân Hàng Bưu Điện. Về hưu từ đầu năm 2008. Tác phẩm: Ở Cuối Hai Con Đường (2008), Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân (sẽ xuất bản)
Nghỉ hè ở Mallorca

1-
Mallorca, một hòn đảo du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha, nằm trong quần đảo Balearic. Trước khi đến đây, vì nghĩ là đảo, nên tôi tưởng chỉ có rừng núi và biển cùng một vài làng mạc hay khu phố nhỏ. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi phi cơ đáp xuống phi trường Palma rộng lớn, kiến trúc tân kỳ, sang trọng còn hơn nhiều phi trường quốc tế khác mà tôi đã từng đi qua. Palma là thủ phủ tráng lệ của Mallorca, nằm trên một dãy đồi cao nhìn xuống biển xanh. Đặc biệt khu nhà thờ Cathedral nằm bên cạnh giáo đường Mussulman, gồm những kiến trúc độc đáo, nổi tiếng theo kiểu Mediterranean Gothic từ thế kỷ thứ 13.

Chiếc xe bus của công ty du lịch đưa chúng tôi đi qua vài thành phố cảng, sang trọng và sầm uất, nằm dọc theo bờ biển, để đến Alcudia, khu nghỉ mát nằm phía đông bắc Palma chừng ba giờ xe. Chúng tôi chọn nơi này, vì bờ biển đẹp, một cái vịnh nhỏ, nằm khuất sau dãy núi Victoria, nên không có sóng và khá an toàn cho trẻ em. Những em bé năm, sáu tuổi có thể lội ra cách bờ 50-60 mét.
Thực ra kỳ nghỉ hè này chỉ là món nợ mà vợ chồng tôi phải trả cho con bé cháu nội. Trước đây hai năm tôi hứa với cô bé là sẽ thưởng một kỳ nghỉ hè hai tuần lễ ở Mallorca nếu nó đọc và viết được tiếng Việt. Chúng tôi ở trong một khách sạn, đi bộ ra biển chừng vài phút. (Đa số khách sạn ở vùng này giống như những khu apartment, mỗi phòng trọ, ngoài các phòng ngủ, còn có phòng khách và bếp với đầy đủ dụng cụ nấu ăn). Ở Bắc Âu thời tiết lạnh đến bảy, tám tháng, không có nhiều dịp được ra biển tắm, nên con bé cháu nội rất mê biển. Sáng nào, mới vừa thức dậy, con bé cũng giục ông bà nội ra biển, mãi đến chiều, khi trời sắp tắt nắng mới chịu trở về. Đã vậy khi về đến khách sạn, cô bé còn xin được tiếp tục bơi lội trong hồ tắm của khách sạn đến tối mịt mới chịu vào phòng. Trong khi bà xã làm thức ăn, tôi có nhiệm vụ ngồi trên bờ hồ trông chừng con bé.

Ở đây, hầu hết khách du lịch đến từ Âu Châu, đa số là người Bắc Âu và Đức. Suốt tuần lễ đầu tiên, tôi không gặp người Á châu nào, ngoại trừ gia đình người Tàu làm chủ một nhà hàng buffet, sinh sống ở đây đã lâu năm. Một hôm, khi nằm trên chiếc ghế dựa bên hồ tắm nhìn trời, bất ngờ nghe cô bé cháu nội nói chuyện bằng tiếng Việt với một người nào đó. Nhìn xuống hồ tôi nhận ra một cô gái tóc đen đang tắm và đùa giỡn với con bé. Thấy tôi nhìn, cô gái lạ đưa tay vẫy, và nở một nụ cười chào tôi. Giữa một nơi xa lạ, người đồng hương dễ quen nhau.

Trưa hôm sau, trong lúc vợ chồng tôi nằm trốn nắng dưới cây dù lớn ngoài bãi tắm, con bé cháu nội dắt tay cô gái đến chào chúng tôi. Cô gái tự giới thiệu tên mình là Lam Khê, khoảng chừng 19, 20 tuổi, khuôn mặt khá xinh và đôi mắt thật to, tự nhiên dễ mến. Nhưng điều làm tôi chú ý chính là cái tên Lam Khê, trùng hợp với một địa danh vẫn còn đậm trong ký ức, cho dù cuộc đời thăng trầm đây đó của tôi còn có biết bao nhiêu cái tên để nhớ.

Buổi chiều, khi vợ chồng tôi và cô bé cháu nội đang ăn tối trong nhà hàng buffet của một người chủ gốc Tàu, thì bất ngờ thấy Lam Khê đi vào cùng với một người đàn bà Việt Nam và một người đàn ông ngoại quốc. Có lẽ Lam Khê đã kể về chúng tôi, nên cả hai người đến chào và bắt tay chúng tôi. Khi đứng lên bắt tay bà mẹ, tôi bất ngờ đến giật mình khi nhận ra người đàn bà này chính là người mà tôi vừa nghĩ tới sáng nay khi gặp Lam Khê. Trong khi tôi đang ngạc nhiên về những cuộc hạnh ngộ bất ngờ trong đời mình, thì bà nở nụ cười giới thiệu người đàn ông ngoại quốc đi bên cạnh:
-Đây là ông xã em. Anh người Đức. Chúng em sống ở thành phố Hamburg.
Tôi đưa tay bắt tay và gật đầu chào người đàn ông, nhưng lại hỏi bà:
-Xin lỗi, tên bà có phải là Hà Giang?
-Sao ông bà biết tên tôi? Người đàn bà trố mắt nhìn chúng tôi ngạc nhiên.
-Không ngờ tôi lại gặp bà ở đây – Tôi vừa nói vừa kéo ghế mời cả ba người- Hóa ra chúng ta đã từng gặp nhau. Chúng tôi xin được mời ông bà và cháu Lam Khê.
Bà ngồi xuống bên cạnh vợ tôi, nét ngạc nhiên vẫn còn nguyên trên mặt. Để đánh tan không khí căng thẳng, tôi giải thích:
– Tôi biết bà khi tôi đang ở tù ngoài miền Bắc. Sáng nay khi gặp và biết tên cháu Lam Khê, tôi đã nghĩ ngay đến bà. Bởi cái tên Lam Khê, tôi và đám bạn tù không thể nào quên. Không ngờ bây giờ lại gặp bà ở đây. Xin cám ơn tình cảm và lòng tốt của bà đã dành cho chúng tôi trong những ngày sa cơ khốn khó.
Bà nhìn tôi dò xét. Suốt bữa ăn, chúng tôi nhắc lại những ngày vui buồn ở vùng núi xa xăm ấy. Trong khung cảnh vui vẻ, nhưng nhìn khuôn mặt và nụ cười không trọn, tôi có cảm giác bà ta đang ưu tư một điều gì đó.

Lam Khê, cái tên khá đẹp đó lại là một khu núi rừng Thanh Hóa, tiêu điều hoang vắng, nằm sát biên giới Lào-Việt, mà bọn tù “cải tạo” chúng tôi bị đưa đến đây để phát rừng trồng cây, xây dựng một lâm trường, trong một mùa hè nắng và gió Lào muốn cháy cả thịt da.
Ngày đầu mới đến, giữa một khu núi rừng xa xôi hẻo lánh, chúng tôi chỉ thấy có hai căn nhà lá cọ vừa mới dựng lên, trong đó chỉ có vài người ở. Họ được giới thiệu là “những bảo vệ và cán bộ lâm trường”. Điều làm chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú là sự có mặt của một cô con gái trẻ, trông dáng dấp e ấp thư sinh, mà lại là “thủ trưởng” toàn bộ lâm trường này. Tôi nhớ một câu ví von của người nào đó: “Hoa lạc giữa rừng gươm”!

Cả đội tù chúng tôi trên sáu mươi người được lệnh ngồi trên một bãi cỏ bên bìa rừng, để “nghe nữ đồng chí giám đốc lâm trường lên lớp”. Mặc một bộ đồ công nhân màu xanh, rộng thùng thình, khuôn mặt không một chút phấn son, nhưng trông khá xinh với đôi mắt thật to và buồn. Cô chào chúng tôi bằng một nụ cười, nói năng từ tốn, tự giới thiệu tên là Hà Giang, trước khi nói về địa thế, đặc tính khu rừng, cách thức phát hoang và phương pháp an toàn. Cô gọi chúng tôi là các chú và xưng mình là em. Sự kiện chưa từng thấy trong những năm tù. Cuối cùng cô nhờ anh đội trưởng cắt cử cho cô năm người để cô hướng dẫn việc đo đạc, cấm cọc, căng giây. Tôi được may mắn nằm trong năm thằng được chọn.

Dường như từ ngày có chúng tôi, đôi mắt của cô trông bớt buồn hơn. Nhiều lúc cô đùa giỡn rất thân tình. Mỗi ngày năm đứa chúng tôi theo cô vào rừng để đo đạc. Những lúc ấy cô thường ngồi tâm tình. Cô kể về đời mình và thường hỏi mỗi người chúng tôi về hoàn cảnh cha mẹ, vợ con ở quê nhà. Nghe chúng tôi kể sự gian truân của gia đình cùng nỗi nhớ thương vô vọng, nhiều lần cô đã lau nước mắt. Thấy một anh đeo trên cổ tấm ảnh của vợ lồng trong mảnh gỗ mun nhỏ, cô xin được xem rồi bảo nhỏ “các chú thật chung tình”.

Hà Giang là một sinh viên giỏi, được gửi sang Đông Đức học về Lâm Nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trở về đúng vào lúc đảng Cộng Sản phát động phong trào “trí thức đi thực tế”, cô được đưa lên Lào Cai, hướng dẫn những người dân tộc trồng và bảo vệ rừng. Mới đến Lào Cai vài tháng, chưa quen với khí hậu khắc nghiệt và tập quán địa phương, thì giặc “bành trướng” Trung Quốc tràn qua biên giới. Rất may mắn, lúc ấy cô đang về học một lớp chính trị ở Hà Nội, nên thoát nạn và được Bộ điều vào Thanh Hóa để thành lập lâm trường mới. Đó chính là lâm trường mà chúng tôi đang có mặt. Thực ra đây chỉ là một vùng núi rừng hoang vắng, với ban điều hành gồm năm người, do cô làm giám đốc, cơ sở chỉ là hai căn nhà lá, công nhân là 60 thằng tù khổ sai bọn tôi, và dụng cụ chỉ có toàn dao phát rừng và vài cái cuốc chim!

Một hôm, thấy thấp thoáng một người đàn ông lạ, chúng tôi hỏi cô. Ngập ngừng một lúc thì cô mới buồn bã tâm sự. Người đàn ông ấy là một công nhân máy kéo tiên tiến, đang phục vụ ở một lâm trường khác, cách nơi này hơn hai mươi cây số, có nhiều tuổi đảng, được đảng bộ sắp xếp để lâp gia đình với cô, làm gương cho kế hoạch “trí thức cùng chung sống với công nhân” của đảng mới đề ra. Mục đích làm cho đám công nhân ít học, phấn khởi trước sự ưu ái của đảng, đem hết sức lực ra phục vụ và trung thành với đảng. Đây cũng là “phần thưởng” để cô được bổ nhậm về lâm trường mới này với chức danh giám đốc!

Chúng tôi ngạc nhiên, vì gã công nhân tiên tiến này trông lớn hơn cô nhiều tuổi, rổ mặt, đen đủi, cục mịch. Không có điều nào hợp với cô con gái có học và dễ thương này. Cô còn bảo là trong trái tim cô, không hề có một ngăn nhỏ nào dành cho anh ta, nhưng không dám làm trái ý đảng, sẽ bị kỷ luật nặng, vì vậy cô phải gật đầu, nhưng tìm cách trì hoãn đám cưới được ngày nào hay ngày ấy. Cô nói là cô đang trong thời kỳ “nín thở qua sông”!

Mặc dù có cảm tình và tội nghiệp cô, nhưng chúng tôi luôn “đề cao cảnh giác” không dám nói điều gì. Vì kinh nghiệm cho chúng tôi biết, Cộng Sản luôn gài nhiều cái bẫy chung quanh, và chuyện “mỹ nhân kế” không phải bây giờ mới có. Một hôm, trong lúc ngồi nghỉ trưa, cô lấy ra từ chiếc bao nhỏ, mời chúng tôi mỗi người một củ khoai lang luôc, rồi buột miệng hỏi:
-Nghe nói các anh ở trong trại bị bọn công an hành hạ dữ lắm phải không?
– Bọn tôi là những người thua trận, thì chuyện bị tù đày, hành hạ cũng là lẽ thường tình – Một anh bạn tù trong bọn tôi trả lời.
Cô trầm ngâm giây lác rồi lên tiếng:
– Theo em thì trong cuộc chiến ấy, tất cả chúng ta, miền Bắc và miền Nam, chẳng có ai chiến thắng. Chỉ có những kẻ ngu muội, luôn cúi đầu làm tay sai ngoại bang, mà cứ tưởng là mình đại thắng, để cầm tù và hành hạ lẫn nhau thôi. Chỉ trong các nước Cộng Sản mới có chuyện lạ đời: một lũ ngu dốt lại được giao trách nhiệm “giáo dục, cải tạo” những người trí thức, mà đòi hỏi người ta phải tiến bộ tốt! Khôi hài thật!

Bọn tôi chỉ im lặng. Những lần nói chuyện sau đó cô thường bảo là cô rất ghê tởm cái đảng Cộng sản, nhưng muốn chống lại hay thoát ra, phải trả bằng mạng sống, có khi làm khốn khổ cho cả gia đình. Điều làm chúng tôi vui là được lao động thoải mái, không cần phải đạt một chỉ tiêu nào, và thường được cô cho bồi dưỡng bằng khoai, có khi mì sợi. Anh em nào có áo quần dân sự hay khăn tắm mang theo, Cô nhận mang đi đổi lấy gạo, đường hay vài loại thực phẩm khác.
Lâm trường mới khởi công vừa được hơn ba tuần thì trại tù có lệnh biên chế. Tôi bị chuyển sang một trại mới, tiếc nuối những ngày lao động tương đối thoải mái, hiếm hoi trong gần bảy năm tù.

2-
Chiều hôm sau, khi dắt con bé cháu nội ra hồ tắm trong khách sạn, tôi bất ngờ gặp Hà Giang và cô con gái Lam Khê. Hai mẹ con đang nằm trên ghế đọc sách. Thấy tôi, Hà Giang ngồi dậy, mời tôi ngồi vào ghế bên cạnh và vui vẻ bảo Lam Khê xuống hồ bơi và chơi đùa với con bé cháu nội của tôi, dặn dò trông chừng con bé, và có nhã ý muốn đến phòng trọ thăm bà xã của tôi.
Chúng tôi mời cơm, nhưng bà từ chối, chỉ xin uống trà. Khi tách trà vừa cạn, bà đề nghị chúng tôi cứ gọi bà bằng cô và đột ngột hỏi tôi:
– Anh còn nhớ anh Đôn không ?
Thấy tôi chau mày, bà nói thêm như để xác định:
– Trần Chánh Đôn!
Tôi hỏi lại:
– Đôn pilot, cùng toán đo đạc với tôi lúc làm việc với cô ở lâm trường?
Hà Giang gật đầu, không nói. Một lúc, tôi thấy bà đưa khăn tay lau nước mắt. Và sau đó, vợ chồng tôi ngồi nghe tâm sự của bà:
– Anh Đôn đã chết rồi! Tất cả là do lỗi của em. Chính em đã cung cấp cho anh Đôn thực phẩm, thuốc men, tấm bản đồ và một chiếc la bàn, em lấy của lâm trường khi ấy, và chỉ vẽ cho anh cách thức trốn khỏi lâm trường cùng với ba người bạn tù khác. Với tấm bản đồ, cái la bàn và sự hướng dẫn tường tận của em, em tin chắc là các anh ấy đã dễ dàng trốn được qua khỏi biên giới. Không ngờ sau hơn ba tuần, khi em đang khấp khởi mừng thầm thì được tin tất cả đều bị bắt tại Lào. Em như muốn quỵ xuống, mất ăn mất ngủ, nhưng cũng cố giữ bình tĩnh tìm cách hỏi một số cán bộ công an trại giam.

Họ cho biết là tất cả bốn anh đều bị công an bắn chết trên đường dẫn độ từ Lào về trại, bởi các anh đã chống cự để tìm cách thoát thân. Mặc dù tin tưởng vào thái độ kiên cường và tư cách của các anh, dù có tra tấn thế nào các anh cũng sẽ không khai ra sự tiếp tay trợ giúp của em, nhưng em vẫn lo sợ bị liên lụy, nếu họ phát hiện tấm bản đồ và cái la bàn của lâm trường thì hậu quả khôn lường, nên em đã khẩn trương chạy về Bộ, năn nỉ và hối lộ tất cả số tiền dành dụm để ông Thứ Trưởng cho em được trở lại Đông Đức hai tuần, đệ trình cho trường đại học cũ một số nghiên cứu mà em vừa viết xong, sau hơn một năm tốt nghiệp và ra thực tế ngoài lâm trường. May mắn em được ông ta gật đầu, và liên lạc can thiệp bên tòa đại sứ Đức cấp visa sớm. Chỉ hơn mười ngày là em rời khỏi nước. Tất nhiên đó chỉ là cái cớ. Sau khi sang Đức, em trốn lại ở nhà vợ chồng người bạn Đức mà em quen thân lúc còn học ở đây. Ông chồng em mà anh chị gặp tối hôm qua trong quán ăn, là anh ruột của cô bạn thân này. Anh ấy đã hết lòng lo lắng và chở che em.

Rời khỏi Việt Nam, ngoài quê hương và gia đình, em còn mang theo hình ảnh của anh Đôn. Xin anh chị đừng ngạc nhiên, em yêu anh ấy! Ngoài sự hiểu biết, đẹp trai với nụ cười độ lượng, em còn nhìn thấy bên trong của anh Đôn là sự thủy chung và lòng tự trong, có cả một chút nghệ sĩ lãng mạn nữa.Thời gian làm việc bên nhau, trong khu núi rừng Lam Khê ấy, em đã học được ở anh rất nhiều điều hay, nghe anh hát những bản tình ca, đọc những bài thơ lãng mạn, tuyệt vời. Trái tim em lần đầu tiên biết rung động. Tội nghiệp, em yêu anh Đôn trong một hoàn cảnh quá nghiệt ngã. Điều duy nhất mà em có thể làm được cho người yêu của mình là giúp anh trốn trại, vượt ra khỏi khung cảnh đày ải man rợ, để anh ấy luôn được xứng đáng với những điều anh đang có. Vì chính những điều ấy đã làm cho trái tim em rung động, để em biết thế nào là một tình yêu, mà nếu không gặp anh ấy, có lẽ suốt cả đời em không có được. Quan trọng hơn, đó lại là thứ vũ khí tốt nhất, hiệu quả nhất giúp em đủ can đảm và nghị lực để chống lại số phận, mà trước đó em nghĩ là sẽ tới một ngày em sẽ phải đầu hàng, buông xuôi, bất lực.

Hà Giang ngưng lại, lau tiếp những giọt nước mắt chảy dài trên gò má. Tôi rót thêm trà mời cô.
Bà xã tôi hỏi:
– Cô có giữ tấm ảnh nào của anh Đôn?
– Tiếc là khi ấy anh Đôn không có tấm ảnh nào hết. Anh có cho em địa chỉ của bố mẹ anh ở thành phố Nha Trang, nhưng em gởi mấy cái thư về địa chỉ ấy đều bị trả lại, với lý do: người nhận không còn ở tại địa chỉ này. Nghe nói bố mẹ anh đều là thầy giáo, không biết có bị đi vùng kinh tế mới hay không?
Tôi đưa tay ngăn lời cô:
– Cô còn nhớ địa chỉ ấy không? Chúng tôi cũng đều là người gốc Nha Trang. Tôi có thể hỏi thăm tin tức cho cô. Nhân tiện chúng tôi cũng muốn biếu cha mẹ anh ít tiền, vì Đôn cũng là bạn tù của tôi.
Hà Giang chau mày:
– Lâu quá, nên em quên, nhưng có thể em còn giữ ở nhà. Em xin địa chỉ e-mail để gởi đến anh chị, nếu em tìm lại được. Em thiết tha muốn gặp bố mẹ anh Đôn, nếu các người còn sống.

Thực ra chuyện Hà Giang yêu Đôn, cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên nhiều lắm. Đúng như Hà Giang nói: Đôn là một phi công trẻ. Bao nhiêu năm trong cảnh khốn cùng, đã không làm mất đi nét đẹp trai, tính nghệ sĩ và tư cách của Đôn. Bạn tù ai cũng quí mến. Chuyện Đôn cùng ba người bạn tù khác trốn trại, khi tôi đã bị chuyển đi trại khác hơn tám tháng, sau này ra hải ngoại, tôi có nghe đám bạn bè kể lại, nhưng mỗi người mỗi cách.

Chỉ hơn một tuần về lại nhà, sau kỳ nghỉ hè khá thú vị, nhất là bất ngờ gặp lại Hà Giang, hồi tưởng lại một thời tù đày, tôi nhận được e-mail của Hà Giang gởi thăm, có ghi địa chỉ của ông bà Trần Chánh Nghị, cha mẹ Đôn, ở Nha Trang.
Tôi viết thư nhờ người bạn thân còn ở lại Nha Trang, tìm đến địa chỉ nhà Đôn mà Hà Giang vừa mới cho. Tôi cũng cho anh bạn biết là gia đình Đôn đã dọn đi nơi khác, nhưng từ đó hỏi thăm biết đâu có thể tìm ra manh mối.

Sau gần hai tháng, tôi nhận được thư hồi âm của người bạn cũ. Một đoạn trong thư làm tôi bất ngờ, nhưng sáng lên hy vọng:
“Đúng như mày viết, gia đình người này đã dọn đi khá lâu rồi. Nhưng có người láng giềng cho biết là ông bà chủ nhà đã qua đời hơn hai mươi năm nay. Ông bà chỉ có người con trai duy nhất bị tàn tật, hình như là đang đi tu ở một ngôi chùa nào đó. Tao dò tìm khắp nơi theo lời kể khá mơ hồ của những người hàng xóm, đến nay vẫn chưa gặp được…“
Tôi đọc đi đọc lại dòng chữ “Ông bà chỉ có người con trai duy nhất“, rồi chạy ra ngân hàng gởi một ít tiền cho người bạn, kèm theo lời nhắn: Mày cố gắng mọi cách tìm gặp người con trai này, và hỏi có phải tên là Trần Chánh Đôn. Có gì ra bưu điện gọi điện thoại cho tao biết.

Tôi nôn nao chờ đợi, bỗng một hôm, lúc nửa đêm, điện thoại reo. Bốc ống nghe lên, tôi vui mừng và hồi họp khi nghe tiếng của người bạn từ Việt Nam:
“Tao đã tìm được anh ta. Đúng là Trần Chánh Đôn. Bây giờ là đại đức Thích Thiện Hòa. Anh đang tu ở một ngôi chùa nhỏ, nằm dưới triền núi, phía trên đèo Ngoạn Mục, đèo Bellevue đó, thuộc quận Đơn Dương, cách Đà Lạt gần bốn mươi cây số. Chùa do người bác ruột xây dựng và làm trụ trì. Tội nghiệp, ông Thiện Hòa bị mù một con mắt và què cả hai chân, nhưng khuôn mặt trông đẹp và phúc hậu lắm. Tao nghĩ là ông không bao giờ rời khỏi chùa, vì từ dưới chân núi đi lên, tao đếm hơn năm mươi bậc tam cấp.“
Tôi viết e-mail cho Hà Giang, báo cho cô cái tin bất ngờ này. Đắn đo mãi, cuối cùng mới quyết định nói thật mọi điều. Nhớ lại nhiều lần cô lau nước mắt khi kể về Đôn với vợ chồng tôi ở Mallorca, tôi nghĩ là cô sẽ đau lòng lắm khi nhận được tin này.

Sáng hôm sau tôi nhận e-mail hồi âm của Hà Giang:
“Anh Chị ơi.
Em đã khóc hết nước mắt khi nhận được tin anh Đôn. Suốt cả đêm hôm qua em không thể nào chợp mắt. Em phải xin nghỉ làm hôm nay, và bây giờ lòng dạ cứ thẫn thờ. Không thể ngờ là anh Đôn vẫn còn sống. Em vừa mừng nhưng cũng vừa đau lòng lắm, khi biết anh đã bị mù một mắt và tàn phế cả đôi chân.
Suy nghĩ mãi, em mới dám nói ra điều này với anh chị, vì anh cũng là bạn của anh Đôn và với em như là một người anh, người chú.
– Cháu Lâm Khê, đứa con gái mà anh chị đã gặp ở Mallorca, chính là giọt máu của anh Đôn. Trước ngày chia tay, để anh ra đi, chúng em có đôi ngày hạnh phúc ngắn ngủi trong rừng, em tự nguyện dâng hiến cho anh, thay cho lời hẹn ước, là dù góc biển chân trời nào, dù có phải trải qua bao nhiêu giông bão, chúng em cũng sẽ tìm gặp để đoàn viên. Nhưng rồi ông trời đã hại em, vì em cứ đinh ninh là anh ấy đã chết. Để tang cho anh đến sáu năm, em mới lấy ông chồng này, đền đáp lòng yêu thương và cưu mang đùm bọc của ông khi em thân cô trôi dạt xứ người. Bây giờ biết được anh Đôn còn sống, nhưng đã trở thành một vị đại đức, em vừa hối hận vừa băn khoăn, không biết phải làm sao. Em tha thiết xin anh chị cho em một lời khuyên, để em biết mình sẽ phải làm gì. Bây giờ chắc anh ấy chẳng cần một sự giúp đỡ vật chất nào, nhưng còn Lam Khê, dù sao nó cũng l giọt máu của anh. Làm thế nào để cha con nhận ra nhau? Lam Khê cũng nghĩ là ba nó đã chết. Thỉnh thoảng cháu hỏi em về ba nó. Cháu thương và hãnh diện về ba cháu lắm.“

3-
Cuối cùng, vợ chồng tôi bàn tính mãi nhưng cũng không tìm ra một lời khuyên nào để giúp Hà Giang, ngoài việc hỏi cô nếu muốn gặp Đôn, vợ tôi có thể giúp cô, cùng về Việt Nam, vì vợ tôi sống ở Nha Trang khá lâu, lại có thằng bạn thân ở đó, biết rõ đường đi đến vùng núi Đơn Dương, Đà Lạt, nơi có ngôi chùa.

Không ngờ Hà Giang mừng rỡ đón nhận đề nghị này, và xin vợ tôi về Việt Nam ngay trong tuần để đón giùm mẹ con cô tại phi trường Tân Sơn Nhất. Đây là lần đầu tiên cô bước chân đến miền Nam Việt Nam. Số chuyến bay và giờ đến phi trường, cô sẽ cho biết sớm.

Và dưới đây là lời kể của vợ tôi, về cuộc trùng phùng:
…Họ gặp nhau và nhận ra nhau. Mới đầu, Hà Giang ôm chầm lấy Đôn mà khóc nức nở. Cô quên mất anh đang là một vị thầy tu. Xúc động nhất là khi Hà Giang cho anh biết Lam Khê chính là con của anh. Hai cha con họ ôm lấy nhau thật lâu và cả hai đầm đìa nước mắt. Thầy đem cả triết lý đời và đạo để an ủi, khuyến khích và hướng dẫn Lam Khê bước đi trong cuộc sống có quá nhiều muộn phiền và bất trắc. Thầy nói thật hay và cảm động.

Thầy kể lại chuyện trốn tù, lý do vì sao bị bắt, chuyện thầy bị đánh vỡ một con mắt và bị bắn nát hai bàn chân chỉ vì thầy nhất định không khai người nào đã giúp thầy cùng ba người bạn tù trốn trại một cách tài tình mà chúng nghi ngờ, mặc dù thầy đã kịp giấu tấm bản đồ và cái la bàn dưới một tảng đá trước khi bị bắt. Họ không đưa về trại cũ mà giao cho một trại tù khác. Bị biệt giam ở đây đến mấy năm mà thầy chẳng biết vì sao không chết. Hà Giang ngồi khóc nức nở.
Sau khi mọi người tìm lại được sự bình tĩnh, Hà Giang xin cúng dường cho chùa một số hiện kim, nhưng thầy Thiện Hòa từ chối, bảo là nhà chùa không cần một số tiền lớn như vậy. Hà Giang tha thiết xin được đưa thầy đi sang Đức làm đôi chân giả và thay con mắt mù lòa, thầy cũng chối từ, bảo thầy đã quen rồi với những mất mát ấy, hơn nữa bây giờ thầy đã tu hành, năm tháng chỉ quanh quẩn trong chùa, không cần thiết phải đi đó đi đây. Thầy có mở một lớp học dạy các em học sinh nghèo hiếu học trong vùng, nhưng phòng học là gian nhà trống vách ngay phía sau chùa.

Đêm cuối cùng ở Nha Trang, Hà Giang quyết định đổi vé máy bay, ở lại một thời gian nữa. Cô cho biết là mẹ con cô sẽ cố gắng thuyết phục Đôn, để mua cho anh cái xe lăn, xin được xây lại ngôi chùa mới, thay những bậc tam cấp bằng con đường lát đá, đặc biệt phía sau chùa, từ gian phòng Thầy dạy học nhìn ra, đã có sẵn khu rừng với ít hoa dã quỳ, cô sẽ cho sửa sang lại thành một khu vườn đẹp đẽ, trồng thêm hoa, làm suối nước, và xin đặt tên là Lam Khê Viên, vì chữ Lam nghe cũng hợp với khung cảnh chùa chiền…

Khi ngồi viết những dòng này, tôi không biết là những điều mong ước của Hà Giang có được thầy Thích Thiện Hòa chấp nhận hay không, và cuộc tình đẹp và bi tráng này có còn sống mãi trong lòng mỗi người cho đến thiên thu.

PHẠM TÍN AN NINH


 

Được xem 16 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay