Hiến pháp của đảng hay của dân?

Hiến pháp của đảng hay của dân?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-12-03

12032013-hienphap-tq.mp3

017_195431-305.jpg

Những người buôn bán hàng rong ngồi dưới một pano tuyên truyền của ĐCS hôm 30/11/2013.

AFP photo

Sau khi Quốc Hội VN thông qua bản Hiến pháp với tỷ lệ phiếu tán thành gần như tuyệt đối, thì công luận vốn đã hoài nghi từ lâu giờ lại mạnh mẽ đặt nghi vấn về vai trò của Quốc Hội VN. Thanh Quang tìm hiểu và trình bày về vấn đề này như sau:

Hiến pháp mới nhưng không mới

Tại một nước mà lãnh tụ đảng CS khẳng định Hiến pháp là văn bản quan trọng nhất sau Cương lĩnh đảng, thì hẳn người dân VN không ngạc nhiên khi Quốc Hội VN gồm đại đa số đảng viên thông qua một bản Hiến Pháp cũ sửa đổi để hình thành Hiếp Pháp mới 2013 với nội dung bị than phiền “chẳng những không có gì mới mà thậm chí còn thụt lùi”.

Nhưng có lẽ điều gây ngạc nhiên là, sau khi giới cầm quyền kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi Hiếp pháp mà “không có vùng cấm”, sau thời gian bàn cãi, đề nghị, góp ý sôi nổi, kể cả tại diễn đàn Quốc Hội…, thì cái tỷ lệ phiếu tán thành tới 97,59%  – tức 486/488 và không có phiếu chống – của các đại biểu khiến công luận không khỏi liên tưởng đến những “đại diện của dân”, thêm một lần nữa, trở thành “đại diện của đảng”.

Có lẽ đây là một lý do khiến nhà báo Hạ Đình Nguyên trong nước lưu ý rằng “Hiến pháp là của đảng, không phải là của dân, vì không do dân, nên cũng không vì dân”.

Câu hỏi mà đã từ lâu, và đặc biệt là bây giờ, được mạnh mẽ nêu lên là đại biểu Quốc Hội VN có thực sự do người dân bầu chọn và thật sự đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của dân hay không ? Hay họ dưới hình thức cơ quan lập pháp để làm công cụ và phục vụ cho đảng ?

“Vấn đề Quốc Hội đề ra việc sửa đổi Hiến pháp và lấy ý kiến toàn dân cũng chỉ là, một lần nữa, đảng CS tiếp tục dùng chiêu bài Hiến pháp để mị dân và lừa dối quốc tế.
– MS Nguyễn Trung Tôn”

Từ Đà Lạt, TS Hà Sĩ Phu chua chát rằng “Nếu phải ngụy tạo một ưu thế đẹp thì dù được 100% nghị gật bỏ phiếu cũng nên giảm đi còn 70-80% thôi mới đáng mặt những kẻ nói dối thức thời. Con số 97,59% dù thật hay giả cũng là một con số dại dột trong tuyên truyền, vì nó gây ấn tượng một con số chua chát đáng buồn… cười!”.

Lên tiếng với Đài ACTD, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cho biết:

Quốc hội hiện nay không đáp ứng được nguyện vọng của rất nhiều quần chúng. Rất nhiều người không tán thành việc Hiến pháp được thông qua… Họ là những người mà quần chúng mất hết sự tin tưởng.

Nhưng khi kịp nghĩ lại, có thể công luận cũng bớt ngạc nhiên về kết quả biểu quyết cao ngất ngưỡng tại Quốc Hội như vừa nói, vì, Dân Làm Báo nhắc lại, “ đối với một Quốc hội có đến 500 đại biểu đều là đảng viên CS thì ai cũng biết trước kết quả…”.

TS Hà Sĩ Phu cũng không quên lưu ý rằng “đa số trong Quốc hội với 95% đảng viên chính là một ‘nhóm lợi ích’ khổng lồ mà quyền và lợi gắn chặt với điều 4 và với ‘sở hữu toàn dân” thì đa số ấy chỉ là đa số của một phe nhóm”. TS Hà Sĩ Phu nhân tiện trích dẫn lời nhà khoa học Albert Einstein từng khẳng định “Chúng ta không thể thắng được lũ ngu bởi chúng quá đông.

Như vậy là bản Hiến Pháp 2013 của VN – một văn kiện “hạng hai sau cương lĩnh đảng” – tiếp tục dọn đường cho vai trò mà nhà báo Hạ Đình Nguyên gọi là “thế thiên hành đạo” của ĐCSVN quyết định số phận của người dân Việt “vô hạn định qua Điều 4”. Nó làm bình phong để thể chế hóa cương lĩnh của đảng; để, ngòai việc đảng lãnh đạo tuyệt đối, những vấn đề mà người dân muốn có đổi thay sẽ vẫn không có gì thay đổi, từ việc “kiên định” theo con đường CNXH dù “đến hết thế kỷ này không biết đã CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”, cho đến chuyện công hữu đất đai, quân đội trung thành với đảng, công an chỉ biết “còn đảng còn mình”, quốc doanh chủ đạo kinh tế thị trường…

Nhà báo Hiệu Minh từ Hoa Kỳ báo động rằng “Hiến pháp được thông qua với điều 4 ‘Đảng lãnh đạo toàn diện’ được giữ nguyên tại kỳ họp Quốc hội này thì các vị (đại biểu) ‘Yes – Đồng ý’ sẽ giúp cho ‘quyền lực tuyệt đối’ được tiếp tục”.

Quốc hội hiện nay không đáp ứng được nguyện vọng của rất nhiều quần chúng. Rất nhiều người không tán thành việc Hiến pháp được thông qua… Họ là những người mà quần chúng mất hết sự tin tưởng.
– Anh Nguyễn Lân Thắng”

Nhà báo Hùynh Ngọc Chênh xem chừng như không “dằn được bực tức” mà phải thốt lên rằng “Đến cái cơ quan gọi là lập pháp cũng không được quyền công khai góp ý sửa đổi hiến pháp” và “người ta dựng ra cả một hệ thống cơ quan dân cử từ trung ương xuống tận xã, phường để ngồi họp bàn và thông qua những vấn đề mà người ta đã quyết định sẵn từ trước. Người ta có thể huy động toàn dân một cách tốn kém vào việc góp ý để thay đổi hiến pháp nhưng rồi hiến pháp vẫn cứ như xưa”.

Từ Thanh Hóa, MS Nguyễn Trung Tôn cảnh báo:

Vấn đề Quốc Hội đề ra việc sửa đổi Hiến pháp và lấy ý kiến toàn dân cũng chỉ là, một lần nữa, đảng CS tiếp tục dùng chiêu bài Hiến pháp để mị dân và lừa dối quốc tế. Nhưng thực ra chẳng có điều gì thay đổi cả.

Theo nhà báo Hạ Đình Nguyên thì việc 97,59% “những khuôn mặt trên các chiếc ghế trong Quốc Hội” thông qua bản Hiến Pháp 2013 vừa rồi chỉ có ý nghĩa là “một bài toán cộng” trong nội bộ giới cầm quyền, nhưng lại là “bài toán trừ” đối với cộng đồng rộng lớn vì “tâm thế dân tộc đã đổi khác”. Nhà báo Hạ Đình Nguyên khẳng định “Tư tưởng của một bộ phận (đảng) có thể suy thoái, nhưng tư tưởng của “toàn thể” (nhân dân) thì không thể suy thoái”, và ông bày tỏ tin tưởng rằng bản “Hiến pháp tân trang” hiện nay sẽ được thay bằng một Hiến pháp mới, bởi chính nhân dân Việt Nam, vào một lúc nào đó, “không phải hôm nay thì sáng mai vậy!”.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay