Vụ oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là hiếm’

Vụ oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là hiếm’

Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, 'những vụ oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là hiếm’.

Theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, ‘những vụ oan sai như ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là hiếm’.

VOA Tiếng Việt

05.11.2013

Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân ở Hà Nội, đã nhận định như vậy với VOA Việt Ngữ về trường hợp một người đàn ông ở Việt Nam mới được tạm tha sau 10 năm ngồi tù chung thân vì bị cho là phạm tội giết người.

Theo báo chí trong nước, ông Nguyễn Thanh Chấn, 52 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang đã được ‘tạm đình chỉ thi hành án để chờ Tòa án Nhân dân Tối cao mở phiên tái thẩm’, sẽ diễn ra vào ngày 6/11.

Ông Triển cho rằng việc ông Chấn được thả ‘không phải là một điều bất ngờ’, và ông nói thêm rằng ‘ở một nền tố tụng nào của một nước nào cũng có thể dẫn đến sự oan sai như vậy’.

“Tôi cho rằng việc oan sai như thế này, thực tế cũng không phải là hiếm. Trong thời gian vừa qua, thì cũng đã có nhiều trường hợp mà các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã giải quyết những việc oan sai như thế này rồi, chứ đây không phải là một vụ việc độc nhất vô nhị”.

“Những việc như thế này thường gây bức xúc cho dư luận. Người ta cho rằng là để một con người oan sai trong 10 năm bị tù tội như vậy thì người ta đặt ra cái dấu hỏi của các cơ quan tố tụng trước đây đã giải quyết như thế nào dẫn đến sự oan khuất như vậy…

Luật sư Trần Ðình Triển.”

Ông Chấn bị bắt giữ năm 2003 và bị tòa án tỉnh Bắc Giang tuyên án tù chung thân vì tội giết người.

Người đàn ông này đã thụ án 10 năm qua cho tới khi một người khác ở cùng thôn ra đầu thú về hành vi giết hại một người phụ nữ tại nhà riêng. Ông Chấn đã được tạm tha vào ngày hôm qua 4/11.

Luật sư Trần Đình Triển cũng cho rằng việc xem xét lại vụ án một cách khách quan như trong trường hợp ông Chấn cho thấy ‘sự tiến bộ của việc cải cách tư pháp’.

“Tôi cho rằng kể cả 10 năm mà cơ quan tiến hành tố tụng từ công an, tòa án cho tới viện kiểm sát rồi các ban ngành có chức năng xem xét để giải oan cho một vụ việc đã thi hành án hoặc đã bị giam giữ 10 năm. Tôi cho rằng đấy là một sự tiến bộ. Chúng ta không đánh giá gì ở đây cả. Nhưng những việc như thế này thường gây bức xúc cho dư luận. Người ta cho rằng là để một con người oan sai trong 10 năm bị tù tội như vậy thì người ta đặt ra cái dấu hỏi của các cơ quan tố tụng trước đây đã giải quyết như thế nào dẫn đến sự oan khuất như vậy. Nhưng mà trong luật, về phía Việt Nam, trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ Luật hình sự và đặc biệt là Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quy định nhưng việc oan sai thì phải tiến hành bồi thường oan sai cho họ. Đó là một tiến bộ trong cải cách tư pháp”.

Hình ảnh đăng tải trên truyền thông trong nước cho thấy ông Chấn ra tù trong vòng tay của người thân và nhiều người dân xóm làng.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA tối 5/11, bà Thân Thị Hải, một người đại diện cho gia đình ông Chấn, cho biết cảm xúc ‘không thể diễn tả bằng lời’.

“Người ta đi Tây, đi Tàu về nó có một cảm xúc khác còn đây đi tù về thì lại là một cảm xúc khác. Người ta phạm tội người ta đi tù thì lại là một cảm xúc khác nhưng đây mình lại bị oan sai, bị những người có chức có quyền người ta làm cho sai lệch vấn đề đi để bị oan sai rồi nay lại được trả công bằng thì gia đình rất chi là sung sướng và xúc động”.

“Nhà người ta đã thiệt thòi về tinh thần, về tất cả mọi mặt, về chính trị, nhất là chính trị, con cái, gia đình. Mẹ già thì không ai chăm nom. Vợ thì tuổi xuân mất đi. Con cái đang đi học thì bị người ta khinh rẻ, chửi bới, nói chung tất cả các thứ. Dân làng thì phỉ báng. Tiền thì bao nhiêu cho đủ với nỗi đau này?

Bà Thân Thị Hải, đại diện cho gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn.”

​Trả lời báo chí trong nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng nguyên nhân dẫn tới vụ việc ‘không phải cố ý’ và là do ‘việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo’.

Ông Cường cũng cho biết, trách nhiệm thuộc về tòa án, và tiền bồi thường cho ông Chấn lấy từ ngân sách nhưng cá nhân để xảy ra sai sót phải bồi hoàn.

Bà Hải cho biết gia đình sẽ ‘kêu lên trên’ nếu mức bồi thường đưa ra không thỏa đáng.

“Nhà người ta đã thiệt thòi về tinh thần, về tất cả mọi mặt, về chính trị, nhất là chính trị, con cái, gia đình. Mẹ già thì không ai chăm nom. Vợ thì tuổi xuân mất đi. Con cái đang đi học thì bị người ta khinh rẻ, chửi bới, nói chung tất cả các thứ. Dân làng thì phỉ báng. Tiền thì bao nhiêu cho đủ với nỗi đau này? Luật người ta đã đưa ra rồi. Cái thiệt hại về sức khỏe, về con người, về những năm tháng không làm ra tiền của để nuôi mẹ, nuôi con thì đã có luật rồi”.

Vụ thả ông Chấn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam.

Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ‘có sai sót và đó là bài học xác đáng với các cơ quan tố tụng’.​

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay