5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá (bài 1)

5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá

ÐHY Phanxicô Xaviê

Nguyễn Văn Thuận

1. Chiếc Bánh Thứ Nhất

Sống Phút Hiện Tại

Các bạn có thể gặp Chúa Giêsu, dọc theo những nẻo đường của cuộc sống mỗi ngày!… Ðây là chiều kích nền tảng của sự gặp gỡ đó: Không phải các bạn gặp một biến cố hay một sự vật gì đó, nhưng các bạn gặp một con người, đó là Thiên Chúa hằng sống. (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 1)

Tên tôi là Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, người Việt Nam. Ðối với người ngoại quốc tên tôi khó đọc, nên ở Tanjania, Nigeria, Ðại Hàn, Ðài Loan, các bạn trẻ gọi tôi là “Bác Francis” (Uncle Francis) hay đơn giản hơn nữa là “Francis!”

Ðến 23-4-1975 tôi làm Giám mục đã được tám năm, tại Nha Trang, Trung phần Việt Nam, Giáo phận đầu tiên Tòa Thánh trao phó cho tôi. Tôi đã sống những ngày tháng hạnh phúc ở đó và Nha Trang vẫn chiếm một chỗ đặc biệt trong quả tim tôi. Ngày 23-4-1975, Ðức Phaolô VI đã đặt tôi làm Tổng Giám mục phó Sàigòn. Khi cộng sản đến Sàigòn, họ đã bảo rằng: “Việc bổ nhiệm một Giám mục một tuần trước khi chúng tôi đến Sàigòn là một âm mưu giữa Vatican và đế quốc, nhằm tổ chức chống cộng sau này”.

Ba tháng sau, ngày 15-8-1975, tôi được mời vào Dinh Ðộc lập lúc 2 giờ chiều và bị bắt ở đó.

Ðêm đó, trên đường dài 450 km, xe công an chở tôi về nơi quản thúc. Bao nhiêu tâm tình lẫn lộn trong đầu óc tôi: lo lắng có, cô đơn có, mệt mỏi có, sau mấy tháng căng thẳng… nhưng trong trí tôi, một quyết định sáng tỏ đã đánh tan mây mù. Tôi nhớ lời Ðức Cha John Walsh, một Giám mục truyền giáo gốc Mỹ, đã nói lúc ngài được tự do sau 12 năm tù ở Trung cộng: “Tôi đã mất nữa đời người để chờ đợi”. Rất đúng! tất cả mọi tù nhân, trong đó có tôi, phút giây nào cũng mong đợi tự do. Suy nghĩ kỹ, trên chiếc xe Toyota trắng, tôi đã đặt cho mình một quyết định: “Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”.

Ðây không phải là một cảm hứng đột xuất, nhưng là một xác tín đã ấp ủ suốt quãng đời mãi từ tiểu chủng viện: “Nếu tôi mất giờ đợi chờ, không làm gì hết, biết đâu những điều tôi đợi sẽ không bao giờ đến. Chỉ có một điều, dù không đợi cũng vẫn đến, đó là sự chết!”

Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.

Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?

Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Ðơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”

Sáng hôm sau, vừa mới tinh sương, giữa tháng 10 năm 1975, tôi làm hiệu cho một cậu bé 7 tuổi, tên Quang, vừa đi lễ 5 giờ ra, trời còn mù và lạnh: “Quang! con về nói má con mua cho ông mấy “bloc” lịch cũ, ông cần dùng”. Chiều tối, chú bé mang lại mấy “bloc” lịch cũ. Thế là mỗi đêm trong tháng 10 và tháng 11, 1975, tôi đã đóng hết cửa, lấy giấy xi-măng dán bên trong và viết “Sứ điệp từ ngục tù” cho giáo dân của tôi, dưới ánh đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi tha hồ đốt.

Mỗi sáng thực sớm tôi trao cho bé Quang, mấy tờ lịch tôi đã viết sau lưng, mang về cho anh, chị của Quang chép lại kẻo mất. Nếu để trên bàn tôi, “ông An” (một giáo dân) thấy sẽ sinh tai họa. Ðấy là đầu đuôi sách “Ðường Hy Vọng“, sứ điệp lao tù thành hình là như thế. Hiện nay sách đã được xuất bản bằng tám thứ tiếng.

 

Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”. Ngày 8-12-1975, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Tội, tôi đã tạ ơn Ðức Mẹ cho tôi viết xong “Ðường Hy Vọng” và trao trong tay Ðức Mẹ gìn giữ, đó là của Ðức Mẹ, nhờ ơn của Ðức Mẹ, xin Ðức Mẹ tiếp tục lo liệu. Ðoán vậy mà không sai, đến ngày 18-3-1976, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất.

Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Ðường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hy Vọng”.

Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương.

Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn”… Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9, 1). Trên thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng” (Lc 23, 42-43). Trong tiếng “hôm nay” của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.

Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: “Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện”. Tôi đã nghe Ðức Cha Helder Camara nói: “Cả cuộc đời là học yêu thương”. Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: “Ðiều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc“.

Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là “đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi : tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa…

Tôi đã viết trong sách Ðường Hy Vọng: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ÐHV 997).

Các bạn trẻ thân mến, trong thời đại này, Chúa Giêsu cần đến các bạn. Ðức Gioan Phaolô II tha thiết kêu gọi các bạn hãy đương đầu với những thách đố của thế giới hôm nay:

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy biến chuyển kinh khủng. Những lý thuyết được xem là đủ sức thi gan cùng tuế nguyệt nay đã đến lúc xế chiều. Trên hoàn cầu, cần phải phác họa lại ranh giới của nhiều quốc gia. Nhân loại tự cảm thấy mình rất lúng túng, hốt hoảng, lo lắng (Mt 9, 36). Nhưng lời Chúa không bao giờ qua đi; đọc lại lịch sử, chúng ta thấy bao nhiêu biến cố thăng trầm, đang lúc ấy lời Chúa đứng vững và chiếu sáng (Mt 24, 35). Ðức tin của Hội thánh được xây dựng trên Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu thế độc nhất: hôm qua hôm nay và mãi mãi (Eb 13, 18). (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 2)

Cây Vông, Nha Trang

nơi tôi bị quản thúc

16-8-1975, hôm sau lễ Ðức Mẹ Lên Trời.

2. Chiếc Bánh Thứ Hai

Phân biệt giữa Chúa và

việc của Chúa

Thật đúng vậy, Chúa Giêsu là một người bạn hay đòi hỏi, hay chỉ cho ta nhắm những mục đích cao cả, … Hãy đạp đổ những rào cản của nông nỗi và sợ hãi bao vây các bạn! Hãy nhận ra mình là những “con người mới”.

(Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 3)

Lúc tôi còn là một linh mục sinh viên ở Roma, có một người đã bảo tôi: “Ðức tính lớn nhất của bạn là “hăng say nhiệt tình”, còn tính xấu tệ nhất là “hay tấn công””. Dù thế nào đi nữa, tôi là một người ham hoạt động: hướng đạo sinh, tuyên úy tráng đoàn Lavang, cắm trại trên núi Bạch mã… Một tư tưởng thúc bách tôi mỗi ngày: phải chạy đua với đồng hồ! Làm tất cả những gì có thể được để củng cố và phát triển Giáo hội trong Giáo phận Nha Trang, trước khi thời gian khốn khó xảy đến, khi phải sống dưới chế độ cộng sản!

Trọng tâm hoạt động của tôi là huấn luyện nhân sự: gia tăng đại chủng sinh từ 42 đến 147 trong tám năm; gia tăng số tiểu chủng sinh từ 200 đến 500 trong bốn chủng viện; tu nghiệp các linh mục trong sáu giáo phận của Giáo tỉnh miền Trung; phát triển và huấn luyện các phong trào thanh niên, giáo dân, các hội đồng giáo xứ, mục vụ… Tôi rất quí mến giáo phận đầu tiên của tôi là Nha Trang.

Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm. Không kịp từ biệt những ai đã từng hiệp nhất với tôi trong cùng một lý tưởng, cùng một quyết tâm, cùng chia sẻ hân hoan và thử thách.

Ðêm ấy 7-5-1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha Trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang – vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha.

Tiếp đến là gian khổ thử thách tại Sàigòn, là bị bắt đưa trở lại Nha Trang, nơi mà tôi đã bị biệt giam khắc nghiệt nhất, không xa Tòa Giám mục của tôi. Sáng tối tôi nghe tiếng chuông nhà thờ chánh tòa như xé nát tim tôi. Ðêm đến tôi nghe tiếng sóng biển vỗ cạnh buồng biệt giam.

Từ Nha Trang tôi bị đưa trở lại Sàigòn, ở trại Thủ Ðức, vùng Tam Hà, ngày đêm nghe không biết bao nhiêu tiếng chuông nhà thờ. Ðêm 1-12-1975, cùng với 1,500 bạn tù đói, mệt, chán nản, còng tay hai người chung một khóa số 8, bước xuống gầm tàu “Hải Phòng” đậu tại bến Tân cảng gần cầu Xa lộ, để chở ra trại cải tạo Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phú, trong thung lũng núi Tam Ðảo, mùa đông 1976-77 rét 20C.

Ðặc biệt nhất là nỗi gian khổ của 9 năm biệt giam một mình với hai người gác, không bạn bè, không có việc làm, tôi ở trong một sự trống rỗng tuyệt đối, đến mức có thể điên đi được. Tôi đi lại suốt ngày trong buồng giam, để vận động cơ thể kẻo nằm luôn thì tôi sẽ chết vì thấp khớp, viêm phổi.

Nhiều lúc một mình, tôi bị đau khổ giày vò, tại sao đang lúc mình 48 tuổi, trưởng thành và khỏe mạnh, sau tám năm Giám mục tôi đã có nhiều kinh nghiệm mục vụ, lại phải vào phòng biệt giam, xa giáo phận những 1,700 km?

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: “Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa.

Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo… tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa!

Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”

Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi “một sự bình an mà thế gian không cho được”.

Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con “Hãy theo Thầy” hay “Hãy theo việc nọ, người kia?” Ðể đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc.

Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài; dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra. Sau này hai linh mục bị giam cách tôi 2 lớp cửa, đã thuật lại cho tôi biết: “Một hôm cô Thanh, cấp dưỡng, đã mỡ cửa cho chúng con ra đứng nhìn Ðức Cha nằm dưới đất và bảo: cho hai anh nhìn thấy ông Thuận, ông sắp chết!” Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi!

Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác.

Lúc tôi bị nhốt dưới khoang tàu Hải Phòng cùng với 1,500 anh em tù nhân bị đưa ra Bắc, tôi đã thấy trên nét mặt của họ nỗi thất vọng, lòng căm thù. Tôi chia sẻ đau khổ của họ. Nhưng tôi lại nghe tiếng: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa!” Tôi đã thưa: “Lạy Chúa, chính đây là nhà thờ chánh tòa của con. Ðây là dân Chúa trao cho con phục vụ, con phải làm cho Chúa hiện diện giữa những người anh em chán nản, cùng khổ này. Ðây là ý Chúa, nên con phải chọn”.

Khi tôi lên trại cải tạo, giữa thung lũng núi Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phú, tôi gặp 250 anh em cùng một chuyến đi, đa số không Công giáo, tôi vẫn nghe tiếng ấy thúc bách: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa. – Lạy Chúa, Chúa sai con đến đây để làm cho tình thương của Chúa hiện diện giữa các anh em con, giữa đói khát và giá lạnh, giữa lao động cải tạo nhọc nhằn và tủi nhục bất công. Con xin chọn Chúa, không phải chọn công việc của Chúa. Con chọn thánh ý Chúa, giờ đây con là tông đồ truyền giáo của Chúa”.

Từ giây phút ấy, một sự bình an mới tràn ngập tâm hồn tôi, ở với tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy thấm thía sự yếu hèn của tôi; tôi lặp lại sự chọn lựa của tôi, lúc ấy không bao giờ Chúa để lòng tôi thiếu an bình. Tất cả là hồng ân của Chúa.

Mỗi khi tôi tuyên bố: “Vì Chúa, vì Hội thánh”, tôi phải thinh lặng trước mặt Chúa, và thành thật hỏi Chúa: “Chúa thấy con hành động hoàn toàn vì ai? Con đã chọn vinh danh Chúa, sống và hành động tuyệt đối vì Chúa? hay Chúa là lý do thứ yếu, còn lý do khác mạnh hơn, con không tiện nói?”

Ðây là một sự chọn lựa tuyệt vời, nhưng không phải dễ dàng. Ðức Gioan Phaolô II kêu gọi các bạn :

Các bạn trẻ thân mến, như các môn đệ thuở ban đầu, hãy theo Chúa Giêsu! Ðừng sợ lại gần Chúa … Ðừng sợ “cuộc sống mới” mà Chúa muốn trao cho các bạn vì chính Ngài cho các bạn đủ sức đón nhận và thực hiện cuộc sống ấy, Ngài ban ân sủng của Ngài và Thánh thần của Ngài cho các bạn. (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 3)

Ðức Thánh Cha lại lấy gương thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu để soi sáng các bạn trẻ:

Hãy cùng Têrêxa tiến lên trên đường khiêm nhường và đơn sơ, trong tinh thần Công giáo trưởng thành, trong trường học của Phúc âm. Hãy cùng Têrêxa sống trong “quả tim” của Hội thánh, và triệt để chọn Ðức Kitô. (Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 9)

Cậu bé trong Phúc âm đã có sự chọn lựa triệt để ấy, cậu đã hiến dâng tất cả: Năm chiếc bánh và hai con cá, trong tay Chúa Giêsu với lòng tin tưởng. Thế rồi Chúa Giêsu đã làm “việc của Chúa”: với chừng ấy, Ngài đã nuôi cả năm ngàn, cả vạn người!

Cầu Nguyện

Chúa và việc của Chúa

Vì lòng thương vô hạn,

Chúa gọi con theo Chúa,

làm con Chúa, làm môn đệ Chúa.

Rồi Chúa trao cho con một sứ mạng.

Không ai giống ai, nhưng cùng một mục đích

làm tông đồ, làm chứng nhân cho Chúa.

Tuy nhiên, kinh nghiệm bản thân cho con thấy,

nhiều lần con lẫn lộn hai điều này:

Chúa và việc của Chúa.

Chúa trao cho con công việc của Chúa,

cao trọng có, khiêm tốn có,

tầm cỡ có, bình dân có.

Con làm mục vụ giáo xứ,

mục vụ giới trẻ, mục vụ học đường,

mục vụ nghệ thuật, mục vụ gia đình,

mục vụ thanh niên, mục vụ lao động,

mục vụ truyền thông.

Con đổ vào đó tất cả nhiệt tình,

tất cả những gì có thể được.

Con không tiếc một điều gì, kể cả mạng sống con.

Giữa lúc con tận tụy, hăng say như thế,

con gặp thất bại ê chề.

Vì người ta vô ơn, vì không ai chịu cộng tác,

vì bạn bè hiểu lầm, vì bề trên không nâng đỡ,

vì bịnh tật ốm đau, vì thiếu phương tiện…

Có lúc con đang trên đà thành công rực rỡ,

mọi người hân hoan ca ngợi con, quyến luyến con.

Thì đùng một cái,

con phải thuyên chuyển,

nhận nhiệm vụ mới.

Con choáng váng như rơi vào đêm tối.

Sao Chúa bỏ con?

Con không muốn bỏ dở việc Chúa,

con phải làm cho hoàn thành việc Chúa.

Phải xây xong thánh đường, tổ chức xong hội đoàn…

Tại sao người ta phá việc Chúa?

Không ủng hộ việc Chúa vô cùng chính đáng?

Nhưng trước bàn thờ

Bên Mình Thánh Chúa,

con nghe Chúa Giêsu bảo con:

Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa!”

“Nếu Chúa muốn, con hãy trao việc Chúa lại trong tay Chúa,

Chúa sử dụng ai tiếp tục, mặc ý Chúa.

Có Chúa lo, mà Chúa lo thì muôn vạn lần hơn con lo.

Con hãy chọn một mình Chúa“.

Biệt giam tại Hà Nội

ngày 11-2-1985

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hiện ra tại Lộ Ðức

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay