Cuộc thập tự chinh đơn độc của Nguyễn Phú Trọng

Báo Tiếng Dân

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Hồ Động Đình, dịch

12-3-2023

Tổng bí thư Việt Nam chấp nhận hy sinh năng lực để đổi lấy sự trung thành

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là người bỏ cuộc. Hơn 10 năm qua, ông đã nỗ lực làm trong sạch Đảng Cộng sản Việt Nam, thoát khỏi tham nhũng và sự mềm yếu về giáo lý. Tháng 6 vừa qua, ông Trọng đưa ra một số thống kê ấn tượng: Gần 17.000 vụ án tham nhũng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đã bị truy tố, 175.000 đảng viên Đảng CSVN bị kỷ luật hoặc bị trừng phạt.

Tuy nhiên, riêng ông Trọng chỉ có thể kết luận rằng, càng bỏ tù các quan chức sai phạm bao nhiêu thì mọi thứ càng không thay đổi bấy nhiêu. Đó là một điều mang tính cấu trúc: Từ trên xuống dưới, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào chất bôi trơn để hoạt động. Tham nhũng vặt cũng phổ biến, nhưng cảnh sát chấp nhận phong bì kèm theo tiền của bạn thay vì ghi phiếu phạt vi phạm nhỏ của bạn, [những cảnh sát như vậy] không phải là kẻ xấu ở xứ này. Anh ta chỉ bắt chước cấp trên của mình. Tham nhũng lớn thường ít thấy rõ hơn: Ai đó muốn đứng tên một phần tài sản mà họ chọn, hoặc một hợp đồng tốt để cung cấp hàng hóa, hay dịch vụ của một doanh nghiệp nhà nước, kết nối bí mật với một quan chức cấp cao, người đó có thể biến điều này thành hiện thực.

Những giao dịch này nhất thiết được thực hiện trong bóng tối, ngoài tầm nhìn của công chúng. Ngược lại, các vụ bê bối liên quan đến Covid-19 nổ ra ở Việt Nam vào cuối năm 2021 đã xảy ra một cách trắng trợn. Họ đã chạm trực tiếp vào phần lớn tầng lớp trung lưu. Bộ mặt quốc gia trông xấu xí. Những kẻ gian ác đang bị trừng phạt.

Những vụ bê bối công khai này cũng tạo cho Trọng một cái cớ để thắt chặt kỷ luật đảng đối với một chính phủ rộng lớn, do các quan chức thường chỉ quan tâm về mặt hình thức đối với hệ tư tưởng. Sau một thập niên nhắm vào những cá nhân cơ hội, Trọng đã tái tập trung chiến dịch của mình vào văn hóa quản lý của Việt Nam. Giờ đây, ông lập luận rằng, những nhà quản lý không quan tâm đến sự tham nhũng của cấp dưới cũng đáng bị khinh bỉ như những người kiếm lợi từ việc đó.

Mở mặt trận mới này trong cuộc chiến chống tham nhũng hồi sáu tháng trước, tổng bí thư “thúc đẩy việc sa thải kịp thời những quan chức làm việc kém hiệu quả và những người vi phạm, sai phạm”. Sau đó, khi năm 2023 bắt đầu, Trọng đã cho người dân Việt Nam thấy những gì ông ta nghĩ trong đầu. Hai phó thủ tướng bị thanh trừng, kết quả là do không để ý đến những hành vi sai trái của cấp dưới, hoặc – có lẽ tệ hơn – vì dung túng cho những hoàn cảnh cho phép những hành vi sai trái đó phát triển.

Sau đó đến lượt đối thủ gần như chắc chắn của Trọng, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thất bại trong nỗ lực kế nhiệm Trọng làm Tổng Bí thư Đảng CSVN, Phúc đã nhận chức Chủ tịch nước. Vài tháng trước khi bị thanh trừng, Phúc đã được báo Tuổi Trẻ, tờ báo có đông đảo người đọc, dẫn lời khi ông ta nói với người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh rằng, “bên cạnh phòng, chống tham nhũng, việc phòng, chống lãng phí cũng cần quan tâm, vì đây là vấn nạn còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng”.

Thay mặt Phúc gửi lời chúc Tết Nguyên Đán tới toàn dân, ông Trọng bảo đảm với gần 100 triệu đồng bào rằng, những sự kiện vừa qua đã “củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đó là một sự khoe khoang khá liều lĩnh, bởi vì kết quả rõ ràng nhất về trọng tâm mới của Tổng Bí thư đối với văn hóa quản lý của Việt Nam là làm tê liệt quá trình ra quyết định trong toàn bộ bộ máy hành chính. Kết quả không lường trước này đã được Michael Tatarski tường thuật đặc biệt trong bản tin Vietnam Weekly của ông ấy. Tatarski nhận xét: “Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất của vụ này là sự thất bại liên tục ở các cấp chính quyền trong việc giải ngân nguồn vốn công”. Ông trích lời nhà phân tích Lê Hồng Hiệp ở Singapore: “Một số ý kiến cho rằng không phải tất cả các quan chức này cố ý tham nhũng, mà do các quy định phức tạp, đặc biệt là về mua sắm công, nên có thể họ vô tình phạm sai lầm”.

Một số nhà bình luận nước ngoài coi việc sa thải Phúc, Đam và Bình Minh là bằng chứng cho thấy Hà Nội đang bám sát Trung Quốc của Tập Cận Bình, nhưng họ đã nhầm: Điều đó không có trong DNA của Việt Nam. Nguyễn Khắc Giang và những người khác đã lập luận hợp lý hơn rằng, bài học rút ra ở đây là chính phủ Việt Nam đã phục tùng Đảng CSVN một cách hiệu quả.

Những người hoài nghi đã nhanh chóng lưu ý rằng, việc trấn áp những suy đoán về ‘thất bại trong việc giám sát’ ở các cấp cao, tạo ra nhiều cơ hội cho Trọng đưa những người trung thành với mình vào các chức vụ cao nhất. Diễn lại một kịch bản thường thấy trong các chế độ Cộng sản, mục tiêu của Trọng là trao đảng vào tay những người vững về học thuyết, những tín đồ thật sự ‘đỏ’, những người có thể tin tưởng, để dập tắt những sai lệch của các ‘chuyên gia’ cơ hội.

Hãy xem xét việc phế truất Nguyễn Xuân Phúc và việc bổ nhiệm thành viên trẻ tuổi nhất trong Bộ Chính trị lên làm chủ tịch nước thay ông ta. Phúc từng là một thủ tướng có năng lực và khao khát kế nhiệm Trọng làm tổng bí thư tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng CSVN hồi năm 2021. Trọng đã cản trở tham vọng đó bằng cách đưa mình vào nhiệm kỳ thứ ba, mặc dù sức khỏe yếu và đã quá tuổi nghỉ hưu.

Có lẽ Trọng sợ rằng, khi Đại hội tiếp theo đến gần, các thành viên trong “phe chính phủ” của Ủy ban Trung ương Đảng CSVN có thể tập hợp xung quanh Phúc. Bây giờ ông ta không chỉ buộc Phúc từ chức, mà còn đưa lên vị trí chủ tịch nước một người mà ông ta có thể chỉ định làm người kế nhiệm, Võ Văn Thưởng, 52 tuổi. Giống như Trọng, Thưởng là một chuyên gia về “xây dựng đảng, khi còn giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – khi đó là một tổ chức khét tiếng tham nhũng – nhưng bản thân ông ta nổi tiếng là ‘trong sạch’.”

Thưởng được điều động ra Hà Nội làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN năm 2016. Năm 2021, ông được đề bạt làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phòng, chống tham nhũng và “các hiện tượng tiêu cực” (Ví dụ: Mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin-Tư tưởng Hồ Chí Minh). Vì vậy, trong hai khía cạnh quan trọng, Thưởng là phụ tá thân cận nhất của Trọng, và có lẽ là lựa chọn thích hợp nhất của ông ta với tư cách là người kế vị.

Trong chừng mực, việc giám sát bộ máy chính phủ được đặt vào tay những người đỏ hơn là giỏi, như Tổng Bí thư Trọng và các cộng sự của ông, thì có khả năng xảy ra nhiễu loạn chính sách và bỏ lỡ cơ hội. Theo quan điểm của Tổng Bí thư, điều đó không sao cả; ông sẵn sàng hy sinh một hoặc hai điểm tăng trưởng kinh tế nếu đó là điều cần thiết để bảo đảm rằng, khi Đại hội 14 sẽ được triệu tập chưa đầy ba năm tới, đường lối của Việt Nam được thiết lập bởi một đảng không bị thụt lùi về ý thức hệ.

Đó là một giả định hợp lý rằng một khối đáng kể các đảng viên, cũng như phần lớn công chúng ngoài đảng cẩn thận, giống như cựu Chủ tịch Phúc, gặp rắc rối với cái giá phải trả về kinh tế và xã hội trong việc bóp nghẹt sáng kiến và loại trừ những công dân sáng tạo nhất của đất nước, ra khỏi vai trò có ý nghĩa trong tiến trình chính trị. Nhiều người có thể đã kết luận rằng, sẽ hiệu quả hơn nếu trả lương xứng đáng cho các quan chức, cùng với tiền thưởng cho việc chấp nhận rủi ro để thành công, khuyến khích sáng kiến từ cấp cơ sở và để các phương tiện truyền thông quốc gia tự do đưa tất cả tin tức.

Để truyền lại nguyên vẹn di sản của mình cho người kế nhiệm đáng tin cậy, Trọng phải tập hợp đa số – 91 phiếu trở lên – khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập nhiều phiên họp vào năm 2025 để viết kịch bản cho Đại hội 14. Các quyết định của đại hội sẽ được thực hiện bằng bỏ phiếu kín và, ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, có thể có tới nửa tá ủy viên hiện tại của Bộ Chính trị vận động để kế nhiệm Trọng. Và, mặc dù đa số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương có thể được bổ nhiệm vì nổi tiếng về đạo đức chính trị, nhưng không có gì chắc chắn rằng, trong cuộc bỏ phiếu kín, họ sẽ bỏ phiếu cho một người hứa hẹn lãnh đạo như Nguyễn Phú Trọng.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay