Nhà văn Tam Lang đi học i-tờ sau 30/ 4/ 1975 ở Saigon                                              

Hoàng Hương Trang

Nhà báo Tam Lang (Họa sĩ TạTỵ vẽ)

Nhà văn Tam Lang ở Sàigòn từ 1954 đến sau 30/4/75, ông rất hoang mang, lo sợ; vì trước đó đã bị tuyên truyền, nhồi sọ: ‘Việt Cộng vào Sàigòn thế nào  cũng có cuộc tắm máu, đấu tố, tẩy não– nhất là thành phần trí thức + văn nghệ sĩ.’ (nhất là ‘văn nghệ sĩ di cư 1954 thì càng khó thoát!).

Lúc ấy; ông đã ngoài 70, già yếu, lụm cụm, từng được giới văn nghệ sĩ Sàigòn  bầu làm ‘tiên chỉ’ trong làng văn. Với nỗi lo sợ, hoang mang trên, tương tế tựu kế; khi mấy cán bộ phường đến từng nhà dân, ghi tên, năm sinh, trình độ học vấn — [thì] ông tự khai ‘mù chữ’, không biết ký tên, chỉ lấy ngón tay ‘chỉ điểm’ thay chữ ký.

Ít ngày sau, phường tổ chức lớp xóa mù chữ, trong danh sách những người cần đi học, có tên ‘ông già Vũ đình Chí’.

Thế là, đêm đêm ông cắp sách đi học i-tờ và đóng kịch rất khéo, làm như cả đời chưa hề học chữ bao giờ, cầm bút cứ lóng nga lóng ngóng, viết nét chữ xiên xẹo, ngoằn ngoèo đến độ cô giáo trẻ phải tới đứng sau lưng ông già, đưa tay choàng qua vai ông già, cầm bàn tay tập viết cho từng chữ một.

Ông già này rất ngoan ngoãn, đồ theo nét chữ cô giáo, tỏ ra chuyên cần, chí thú trong việc học. Cô giáo rất hài lòng.

Bất ngờ có một buổi nọ, một cán bộ từ Hà nội vào Sài gòn, được mời tới thăm một lớp học xóa mù chữ. Ông cán bộ vào lớp, chào cô giáo, chào cả lớp, rồi hỏi:

“Lớp này cũng có cả những bà con ta đã cao tuổi đi học it-ờ cơ à?”
Cô giáo nhỏ nhẹ, đáp:

“Dạ, thưa  ông chú cán bộ, có cả cụ ông tuổi đã 75, 76  xung phong đi học, học siêng năng; không nghỉ một buồi nào cả.”

“Thế ư? Vậy cô giáo cho tôi gặp ông cụ ấy được chứ, cô giáo?”

Cô giáo trẻ đon đả đưa ông cán bộ xuống dãy bàn cuối lớp; đưa tay chỉ vào một ông cụ đang cúi gằm tập viết, nói:

‘Thưa chú, là cụ này ạ “.

Ông cán bộ nhã nhặn chìa tay ra trước mặt ông cụ:
“Chào cụ, cụ đi học có vui không?”

Ông cụ nghe tiếng có người chào hỏi mình; vội buông bút, ngẩng mặt lên … chưa kịp trả lời — thì, ông cán bộ nọ la toáng:

“Ơ kìa, anh Tam Lang ! Có phải đúng là anh Tam Lang không đây?”

Ông cụ ngơ ngác một giây, cũng la lên,

“Kìa, anh Nguyễn công Hoan, phải vậy không?”

“Đúng rồi. Còn anh, sao lại đi học lớp i-tờ? ai bắt anh phải đi học?” — nói rồi, quay sang phía cô giáo — “… Này cô giáo, cô có biết là cô đang dạy ai đây không?  Đây là nhà văn Tam Lang-Vũ đình Chí đấy, tác giả phóng sự ‘Tôi kéo xe’, một tác giả nổi tiếng trong văn đàn tiền chiến; cớ sao ông cụ lại phải đi học i- tờ, thế này ?”

Cô giáo đứng sững như trời trồng, xanh mặt, há hốc miệng, trố mắt kinh ngạc, không biết trả lời sao –[thì], cụ già kia đã cười khì, đỡ lời cô giáo:
‘Thì … ngày xưa mình học ‘cái chữ’… xưa quá rồi; nay Cách mạng về, mình đi học lại ‘cái chữ mới’ xem có cái gì mới lạ không? Nếu lỡ có khác nhau chỗ nào, thì mình còn kịp ‘cập nhật hóa’ đặng mà còn viết lách với người ta nữa chứ.”

Cô giáo lúc bấy giờ mới hoàn hồn, từ tốn thưa:

“Trước đây, khi học Văn khoa Sàigòn; cháu đã học tác phẩm ‘Tôi kéo xe’ của cụ rồi, nào ai ngờ … Thôi xin cụ hãy về nghỉ cho khỏe; cũng xin cụ tha lỗi cho cháu ạ.”

Nhà văn [cách mạng] Nguyễn công Hoan, tác giả tiểu thuyết ‘Tấm lòng vàng’  bá vai nhà phóng sự Tam Lang ‘Tôi kéo xe’, đi ra khỏi lớp học giữa sự ngơ ngác của mấy chục đôi mắt nhìn theo.

Họ đi xa rồi mà tiếng cười còn dòn dã vang vọng./.

Hoàng Hương Trang

From: Anh Dang & KimBang Nguyen

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay