Bốn người bị bắt vì nhận lại quả trong vụ in sách giáo khoa

14/02/2023

Trụ sở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở Hà Nội

Trụ sở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ở Hà Nội

Bốn bị can, trong đó có một cựu lãnh đạo Nhà xuất bản giáo dục, hôm 13/2 đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về vụ án in sách giáo khoa gây thất thoát tài sản của Nhà nước, truyền thông trong nước đưa tin.

Bốn người bị khởi tố bao gồm ba người ở Nhà xuất bản giáo dục là các ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy và ông Đinh Quốc Khánh, lần lượt là Trưởng và phó Ban Kế hoạch Marketing. Ngoài ra còn có bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng vốn là đối tác cung cấp giấy in cho nhà xuất bản.

Các bị can này bị khởi tố về tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ và ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ xảy ra trong vụ việc in sách giáo khoa.

Theo cơ quan điều tra của Bộ Công an, các vị quan chức trên ở Nhà Xuất bản giáo dục đã thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc để tạo điều kiện cho công ty bà này trúng thầu một cách không công bằng và không minh bạch.

Bà Ngọc sau đó được gần như độc quyền cung cấp giấy in cho nhà xuất bản với giá cao, ‘gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước’. Ông Thái và bà Thủy đã được bà Ngọc lại quả, tờ Công an nhân dân cho biết.

Hiện tại, cơ quan điều tra đang làm rõ vai trò của từng bị can trong vụ án cũng như số tiền mà họ được lại quả.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục được công bố hồi cuối năm ngoái, cơ quan này đã chọn công ty Phùng Vĩnh Hưng cung cấp đến hơn 83% lượng giấy sử dụng để in sách giáo khoa trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019 với số tiền gần 1.900 tỉ đồng, cũng theo Công an nhân dân.

Thanh tra đã phát hiện giá giấy công ty Phùng Vĩnh Hưng bán cho Nhà xuất bản giáo dục ‘gấp khoảng 1,7 lần giá công ty này nhập khẩu trực tiếp’ và họ đã ăn tiền chênh lệch hàng trăm tỷ đồng.

Do đó, Thanh tra chính phủ cho rằng lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục trong thời kỳ này đã tổ chức đấu thầu cung cấp giấy in ‘có nhiều điểm bất thường’, ‘không bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế’.

Nhà xuất bản Giáo dục là đơn vị độc quyền xuất bản, in ấn và phát hành sách giáo khoa đến hàng chục triệu học sinh trên khắp cả nước. Học sinh bắt buộc phải mua sách của họ để học vì không còn lựa chọn nào khác.

Cơ quan này được cho là đã sai sót trong việc xác định giá sách dẫn đến việc học sinh phải mua sách giáo khoa với giá cao hơn giá đúng với số tiền chênh lệch là khoảng 85 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, Công an nhân dân dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết.

Nhà xuất bản giáo dục đã ‘có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để xây dựng và đăng ký mức giá sai’. Họ cũng không ‘rà soát cơ cấu chi phí, kế hoạch sản xuất kinh doanh, giảm tỷ lệ chiết khấu, không tiết kiệm chi phí…’ dẫn đến giá thành sách giáo khoa cao, cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi cuối năm ngoái.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay