Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R
Con người, khi bước ra khỏi cuộc đời này, đặc biệt trong giờ lâm tử, giờ hấp hối ai cũng muốn ra đi một cách thanh thản không vướng bận, không nợ nần ai để cho nhẹ cõi lòng. Nhẹ hay không nhẹ cũng do cách quản lý tài sản của mình khi còn sống. Nếu như ta biết cách vun vén, biết cách xử lý thì ắt hẳn ta sẽ không còn nợ nần ai và nếu hay hơn nữa thì người khác sẽ nợ ta chứ ta không nợ họ.
Câu chuyện người quản lý trong Tin Mừng theo Thánh Luca chương 16 từ câu 1 đến câu 8 mà người ta thường đặt tên cho đó là câu chuyện của “người quản lý bất lương”.
Những bài học về Nước Trời, Thầy Giêsu không chỉ dùng những hình ảnh, những câu chuyện, những nhân vật tốt mà Thầy còn dùng cả những câu chuyện nói được là không tốt gì cho lắm. Và khi dùng đến những câu chuyện, những hình ảnh, những nhân vật không tốt, Thầy Giêsu không cố ý cho các môn đệ bắt chước sống theo thái độ xấu nhưng để làm nổi bật một đặc tính nào đó và khuyên các đồ đệ hãy làm điều tốt với cùng một đặc tính như vậy.
Trong Mt 10,16 Thầy Giêsu đã dùng đến hình ảnh con rắn để khuyên các đồ đệ hãy khôn ngoan như con rắn; và trong Phúc Âm thánh Mátthêu chương 24, Thầy Giêsu so sánh mình với hình ảnh kẻ trộm đến ban đêm vào giờ chủ nhà không ngờ. Chúa không đề cao nếp sống của con rắn hay của tên ăn trộm, mà chỉ muốn nói đến đặc tính lanh lợi của con rắn để tránh những cạm bẫy và nhắc đến sự việc Chúa đến một cách bất ngờ như kẻ trộm, để kêu gọi các đồ đệ hãy tỉnh thức sẵn sàng luôn luôn.
Thời của Thầy Chúa Giêsu, tại vùng đất Palestina, những người sống về nghề quản lý tài sản cho người giàu là những kẻ có toàn quyền sắp đặt việc kinh doanh tài sản của ông chủ, miễn sao được lợi cho ông chủ. Và người quản lý được chia phần trong khoản lời kiếm được. Trong dụ ngôn Thầy Giêsu kể, sau khi biết rõ là ông chủ sẽ sa thải mình do những lỗi lầm đã phạm, người quản lý dùng quyền của mình mà bớt xuống số nợ và dĩ nhiên, khi làm như thế anh sẽ chịu thiệt thòi, vì tiền lời không còn nhiều và sẽ được chia lời với ông chủ ít đi. Nhưng anh chấp nhận chịu thiệt thòi như vậy trong hiện tại để có lợi khác là tình bằng hữu của những người mắc nợ ông chủ. Họ sẽ giúp lại anh sau đó khi anh mất việc.
Và đây chính là thái độ khôn ngoan của người đầy tớ bất trung. Ở câu cuối cùng của dụ ngôn: “Con cái tối tăm khôn ngoan hơn con cái sự sáng” nhấn mạnh đến ý nghĩa chính của dụ ngôn. Thầy Giêsu không nhắm đề cao người quản lý gian ngoan sắp bị ông chủ cho nghỉ việc, nhưng chỉ nhắm nhấn mạnh đến những cố gắng toan tính của người quản lý sao cho có lợi cho cuộc sống vật chất của mình.
Trong cuộc sống thường nhật, chẳng ai dám cho mình là hay trong chuyện quản lý tiền bạc và cả quyền lực. Có lúc đầy túi tiền và quyền lực hết sức mãnh liệt ở trong tay nhưng cũng có lúc thèm một bữa cơm đạm bạc cũng không có và muốn làm một người bình thường cũng chẳng ai cho. Những kinh nghiệm sống đó không còn ở trang Tin Mừng của Thầy Giêsu, trong lý thuyết nữa nhưng diễn ra mỗi ngày trong dòng chảy của cuộc đời.
Cách đây không lâu, chúng ta thấy một nghệ sĩ nổi tiếng đã rơi vào tình cảnh nợ nần. Anh chia sẻ : “Bất động sản đóng băng nên tôi bị đóng đinh”
Cũng vì muốn có tiền, anh đầu tư kinh doanh nhưng đáng tiếc rằng mọi việc không xảy ra như anh tưởng. Anh chia sẻ thêm : “Thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn nợ nần là bình thường. Hãy cảm thông, chia sẻ với chúng tôi”.
Và gần đây nhất, một ca sĩ cũng tên tuổi “đã đi đến đường cùng” vì nợ. Chị thừa nhận do kinh doanh thua lỗ, số nợ đã lên tới hàng tỷ đồng. Tuy con số không quá lớn, nhưng đối với một người nghệ sỹ đang ở chặng cuối của sự nghiệp như chị và đúng vào giai đoạn “show diễn khan hiếm” như hiện tại thì đó cũng là điều đáng ngại.
Vẫn còn may mắn hơn bao nười khác, hai nghệ sĩ này đã được bạn bè có lòng tốt đứng ra thay lời muốn nói cho họ. Hơn thế nữa, có những người có lòng tốt đã bỏ tiền ra để cứu họ trong khi họ gặp bế tắt.
Những tấm lòng này hiển nhiên được mở ra vì lòng cảm thông của tình người. Để được bạn bè, người thân “giải vây” trong lúc rơi vào tình trạng bế tắt chắc có lẽ do cách sống của họ, do khi còn tiền, còn vật chất họ đã chia sẻ cho người khác chứ không khư khư giữ cho riêng mình. Chính vì hiểu lòng của những người này nên nhiều người đã chung ta góp sức gỡ khó khăn.
Những câu chuyện rất thực và quá thực trong đời thường.
Dù lớn, dù bé, dù là thường dân hay quyền cao chức trọng, ta cũng chỉ là những người quản lý nó mà thôi. Nói chính xác hơn ta cũng chỉ là người quản lý tạm bợ bởi vì đến một lúc nào đó ta cũng phải nhắm mắt xuôi tay để trả lại tất cả tài sản, quyền lực mà trước đây ta có trong tay.
Chẳng có ai lột da sống đời và chẳng có ai giữ mãi tiền bạc và quyền lực trong tay cả. Một ngày nào đó ta sẽ chẳng còn gì cả ngoài căn phòng quạnh hiu bên trong chỉ có chiếc giường đơn giản nằm đó chờ … chết. Cuối đời, ai cũng như ai, dù sang hay giàu. dù nghèo hay hèn, dù quyền lực hay là bần dân khổ ải cũng chỉ nằm trong chiếc quan tài mà thôi.
Bớt chút thời gian để đến những viện dưỡng lão, những nhà hưu dưỡng … ta sẽ thấy bộ mặt thật của cuộc đời. Có những người từng một thời vang bóng, có những người từng một thời cao sang quyền quý và quyền lực trong tay nhưng cuối cùng cũng gia tài chỉ còn lại chiếc xe lăng hay chiếc giường được thiết kế tiện dùng cho người nằm liệt.
Nhìn cuộc đời rất thực như thế để ta cũng biết cách dùng những của cải, vật chất, quyền lực mà ta đang có trong tay để khi ta mất nó, ta về già, ta về với đất bụi cho lòng ta được thanh thản.
Lời mời gọi, bài học mà Thầy Giêsu vẫn còn văng vẳng bên tai ta. Những bài học, những lời mời gọi này tưởng chừng là cũ nhưng nó vẫn mới và vẫn còn giá trị cho mọi lúc mọi thời. Chuyện quan trọng là ta có nhớ để ta niệm, ta suy và ta áp dụng vào trong đời thường của ta hay không mà thôi.
Đừng để cho những bài học mà Thầy Giêsu đi qua đời ta một cách vô nghĩa. Và, hơn tất cả là đừng để những của cải, quyền lực mà Chúa trao cho ta nó làm hại đời của ta, nó làm ta mất tình mất nghĩa với anh em đồng loại và nhất là mất tình mất nghĩa với Chúa.
Anmai, CSsR