January 19, 2023
BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Sau 28 năm bị bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông bản xứ, lần đầu tiên bà Trần Thị Chiều, 58 tuổi, được trở về quê nhà đón Tết Quý Mão cùng con cháu ở xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Theo báo VNExpress hôm 19 Tháng Giêng, chồng bà ở tỉnh Bắc Giang qua đời từ khi đứa con trai thứ hai chưa chào đời, trong lúc con trai đầu mới 2 tuổi.
Bà Trần Thị Chiều (thứ hai từ trái) được con dâu và cháu nội đón tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, hồi trung tuần Tháng Mười Hai năm ngoái. (Hình: VNExpress)
Bà ở vậy làm ruộng, làm thuê nuôi con. Ba mẹ con sống trong túp lều xập xệ và rơi vào cảnh bữa đói, bữa no.
Hồi Tháng Mười Một, 1994, vài ngày trước đám giỗ chồng, bà Chiều được một người cháu tên Thắng, ở xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, rủ lên Lạng Sơn “chặt mía thuê.” Do muốn có tiền làm đám giỗ chồng tươm tất, bà đi theo lời đứa cháu.
“Mẹ để lại cho hai anh em tôi một con heo, bảy bao thóc và gần 20,000 đồng. Mẹ dặn đi ba ngày đến giỗ bố là về, nếu hết gạo, hai anh em chở thóc ra xát,” ông Phạm Xuân Mai, 37 tuổi, con trai thứ nhì của bà Chiều kể.
Hai đứa con đợi qua giỗ bố vẫn chẳng thấy mẹ về. Họ hàng, người trong thôn cho rằng bà Chiều khổ quá nên bỏ con mà đi biệt tích.
“Một tháng, một năm rồi đằng đẵng mấy chục năm đến khi chúng tôi cũng tin mẹ bỏ mình mà đi, nhưng chưa bao giờ ghét bà. Anh em tôi cứ nghĩ mẹ khổ quá mà phải bỏ con,” ông Mai nói và cho biết thêm hai anh em được một người chú ruột đón về nuôi.
Do gia cảnh của người chú cũng nghèo, hai đứa cháu được nuôi cho học hết lớp 8, lớp 9 thì tự mưu sinh.
Bà Chiều kể, hồi năm đó đi đến tỉnh Lạng Sơn, đứa cháu bảo đưa “chứng minh thư” và tiền để anh ta giữ giùm cho an toàn.
“Chiều đó, tôi thấy biển quảng cáo toàn chữ Trung Quốc mới nhận ra mình đã ở trên xứ người,” bà Chiều nói.
Bà bị đẩy vào nhà chứa cùng rất nhiều phụ nữ Việt Nam. Ở đó chừng mười ngày, bà và sáu phụ nữ khác bị đưa lên xe hơi chở vào rừng sâu. Tiếp đó, bà bị bán qua tay nhiều kẻ buôn người khác nhau, trước khi bị ép kết hôn với một người đàn ông hơn 6 tuổi ở tỉnh Quảng Đông.
Bà Chiều cho hay mình bị nhà chồng canh giữ cả ngày, đi một bước cũng có người theo sát. Bà phải lên rẫy trồng nương, ở nhà thì nuôi heo. Không tiền, không giấy tờ tùy thân, không biết tiếng Hoa, bà Chiều bơ vơ ở xứ người.
“Tôi nhớ các con, họ hàng, uất hận kẻ lừa bán mình mà chỉ biết khóc,” bà nhớ lại.
Người chồng Trung Quốc ra điều kiện bà phải sinh con và nuôi đứa trẻ đến khi vào đại học thì mới được về Việt Nam. Sau mười năm bị ép làm vợ, bà sinh một đứa con gái vào năm 2004.
Mãi đến năm 2021, con gái vào đại học, gia đình chồng giữ lời hứa, liên hệ với Sứ Quán Việt Nam để tìm cách cho bà Chiều hồi hương.
Không giấy tờ tùy thân, bà được yêu cầu khai thông tin về nguồn gốc tại Việt Nam và phải kết nối với hai người đang sống ở Việt Nam để xác thực.
Qua mạng xã hội, bà kết nối được với một tài xế taxi ở huyện Thường Tín, Hà Nội, người có chị gái cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Ông này đã đến tận nhà bên ngoại bà Chiều ở xã Nghĩa Hòa để xác nhận thông tin giúp bà làm sổ thông hành (passport) để về Việt Nam.
Hôm 22 Tháng Mười Hai năm ngoái, cả nhà ông Phạm Xuân Mai đi xe hơi lên cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, để đón mẹ hồi hương. Bài đăng trên mạng xã hội của ông có dòng tâm sự: “28 năm, nay tôi mới được gặp lại mẹ.”
Bà Trần Thị Chiều cùng hai con trai. (Hình: VNExpress)
Hiện tại, hai con trai bà Trần Thị Chiều đã làm đơn tố cáo đứa cháu lừa bán mợ, yêu cầu trả lại công bằng cho mẹ mình.
“Chúng tôi không muốn có thêm gia đình nào phải gánh nỗi đau chia ly mà mẹ con tôi từng trải qua. Cha mất, mẹ không ở bên, nhưng chúng tôi sống đàng hoàng, không gây họa cho ai, tại sao kẻ tàn ác lại được sống an nhàn, sung sướng,” ông Mai nói. (N.H.K)