NHỮNG NGƯỜI SAMARIA THỜI ĐẠI

NHỮNG NGƯỜI SAMARIA THỜI ĐẠI

Anmai, CSsR

Lời Chúa : một số người mang tâm trạng rằng “biết rồi ! Khổ lắm nói mãi !”.

Vâng ! Đúng là biết rồi khổ lắm nói mãi ! Nhưng nếu để tâm lắng đọng tâm hồn lại ta sẽ thấy Tin Mừng vẫn mới, mới mỗi ngày, mới mỗi giờ, mới mỗi phút, mới mỗi giây trong thực tại của cuộc sống.

Câu chuyện Chúa Giêsu đáp lời cho người thông luật trong trang Tin Mừng theo Thánh Luca chương 10, 25-37 thật hay. Câu chuyện đó vẫn mới, vẫn mới trong cuộc đời và câu chuyện đó vẫn chất vấn lòng, chất vấn lương tâm của chúng ta.

Thích thú, thấm thía và tâm đắc với câu chuyện mà người ta thường gọi là người Samaria nhân hậu này.

Thật khó để chia sẻ chứ không phải đơn giản. Đâu phải mình muốn nói gì thì nói bởi lẽ ngôn hành bất nhất và đôi khi suy nghĩ chưa tới nên cũng chẳng dám nói. Hôm nay, đụng chạm tới những gì rất thật trong đời thường nên chia sẻ.

Câu chuyện mà tôi thấy, tôi gặp, tôi chứng kiến ngày mỗi ngày đó là ngay cạnh bên tôi. Có nhiều người không phải là bị cướp như nạn nhân kia trong tin Mừng Luca. Họ cũng chẳng phải là những người đi từ Giêrusalem về Giêrikhô như nạn nhân kia. Họ là ai ? Xin thưa, họ là những người trở về từ khắp mọi miền của đất nước, thậm chí từ những vùng truyền giáo xa xăm ở ngoài nước trở về. Họ là những người dành cả cuộc đời dài để phục vụ anh chị em đồng loại, phục vụ anh chị em dân tộc thiểu số, phục vụ đồn điền, phục vụ những em học sinh … nay không phải bị cướp mà bị giới hạn của sức khỏe, của tinh thần nên cần băng bó, chữa lành, trợ giúp khi tuổi về chiều.

Họ là những người như thế, giờ đây đôi tay không còn vững để tự đưa cơm vào miệng nữa mà phải có bàn tay ai đó tay đỡ tay nâng. Có người giờ đây không còn khả năng ăn bằng miệng nữa mà phải cho thức ăn vào ống để đưa vào bao tử để sống những chuỗi ngày còn lại. Có người nằm đó sống đời sống thực vật gần hai chục năm trời … Họ nằm đó bất động hay đi lại một cách hết sức khó khăn thậm chí vệ sinh cá nhân cũng buông tay cho người khác giúp.

Bỗng dưng giữa những con người tàn hơi yếu sức đó lại có những người “samari” tự đâu Thiên Chúa gửi đến. Trong niềm tin, tôi tin là như vậy. Họ chẳng có họ hàng máu mủ gì với những tu sĩ linh mục thừa sai già yếu cả. Ấy vậy mà họ đã hy sinh sức khỏe, thời gian và nhất là cả tấm lòng để phục vụ những người đó.

Có những đêm về và nhất là những ngày này, thầy già nằm cạnh phòng thở gấp, thở vội, thở khó và những cơn ho kéo dài mệt mỏi nhưng những người đó vẫn sát bên với thầy. Có lẽ chẳng ai để ý và cũng chẳng ai muốn để ý đến đâu đó ở góc phòng của tu viện lại là những con người nằm đó tàn hơi yếu lực. Ở những căn phòng ấy, những người “samari” đâu đó đi ngang qua thấy thương và ở lại. Không chỉ đi công việc và hứa sẽ quay lại thanh toán nhưng họ ở lại, ở lại cho đến cuối cuộc đời.

Có những người “samari” thời đại quá nhân hậu. Nhân hậu đến mức ngoài sức tưởng tượng của ta. Họ đã hy sinh cả tuổi xuân, họ để lại ở nhà cả vợ, cả con của họ để ở bên những người mà chẳng có họ hàng máu mủ gì với họ cả. Có về nhà chăng cũng chỉ là thăm vội người thân một tí rồi lại trở về chăm sóc người già lão bệnh tật. Có người chẳng dám rời cha “của mình” nửa bước vì sợ người khác chăm sóc không cẩn thận. Hay là chỉ cần cha già ho mạnh một tí là chạy cuống cuồng lên và cái miệng cứ oai oái lên làm như không ai lo cho cha già vậy. Cũng vì thương cha già nên đôi khi cáu gắt với những người chung quanh. Cũng dễ hiểu vì người “samari” đó đã hết lòng với cha già đau yếu.

Chuyện những người Samaria thời đại mà tôi gặp thường ngày không chỉ ở gần tôi nhưng còn ở nhiều nơi trong nhiều nẻo đường của cuộc sống.

Những người Samari nhân hậu đó tôi bắt gặp trong các bệnh viện như Phạm Ngọc Thạch, Ung Bướu, 115 và nhiều bệnh viện nữa.

Ở viện Phạm Ngọc Thạch, có nồi súp từ thiện cho những con người nghèo khổ đau bệnh. Trong đó cũng có nhóm người cứ chiều đến là tự nguyện đến tắm rửa, lau chùi cho những bệnh nhân vô gia cư và cũng không còn người thân cận. Ở trung tâm ung bướu thì có nồi súp ngày nào cũng được nấu lên để chia sẻ bữa no bữa đói cho những người nghèo … ở bệnh viện 115 cũng vậy, vẫn thấy những phần cơm, phần cháo chờ sẵn để chia cho những người nghèo cần đến.

Những người Samaria thời đại vẫn hiện diện và sống với những bà lão neo đơn tuổi giả cô quạnh ở nhà dưỡng lão Bình Lợi, Tân Thông, Phước Tỉnh … hay cưu mang người bệnh như Nhà Cỏ, Cầu Dừa … mà tôi có dịp thăm viếng …

Nhiều và nhiều người Samari khác ngày đêm chung chia với những người nghèo và bất hạnh. Họ không nói và họ chỉ làm và làm thôi.

Những người Samari này phải chăng là những người thực thụ đi tìm Nước Thiên Chúa, đi tìm sự sống đời đời một cách thiết thực nhất trong đời sống phục vụ yêu thương của họ.

Xin cho góp một lời cảm ơn những anh chị em Samaria thời đại mà tôi có một lần quen biết, nhờ cậy và đặc biệt là những anh chị em Samaria thời đại đang ngày đêm chăm sóc những anh em đau yếu bệnh tật tàn hơi của chúng tôi.

Cảm ơn anh chị em rất nhiều bởi lẽ không có sự hiện diện, sự trợ giúp của anh chị em thì chúng tôi và chính bản thân tôi cũng không làm được gì.

Chuyện người Samari hôm nay ta nghe, ta đọc có phần nào thức tỉnh lòng ta hay không ? Hay là cứ nghe cho có nghe, cứ đọc như cứ đọc như một cái máy vậy ?

Cõi lòng, hành động của chúng ta như thế nào chỉ mình Chúa biết mà thôi.

Ta có mặc lấy lòng của người Samaria hay là ta sống theo kiểu của thầy tư tế hay thầy Lêvi vẫn là lời mời gọi tự do Chúa mời chúng ta.

Anmai, CSsR

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay