Dân miền Nam Việt Nam khốn đốn vì ‘cây xăng nào cũng hết’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Các cây xăng từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây hoặc bán cầm chừng, hoặc đóng cửa, làm đời sống dân chúng các địa phương bị đảo lộn.

“Những ngày qua, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang đã đóng cửa, ngừng bán vì hết hàng. Nhiều trạm xăng chưa đóng cửa hẳn nhưng bán cầm chừng,” tờ Dân Trí hôm Thứ Hai, 10 Tháng Mười, viết như vậy kèm theo nhiều hình ảnh.

Một cửa hàng xăng dầu ở Kiên Giang thông báo hết cả xăng lẫn dầu. (Hình: Dân Trí)
Tại Sài Gòn, rất nhiều cây xăng tuy mở cửa nhưng nhân viên nói hết xăng. Các cây xăng nào còn xăng để bán thì bán nhỏ giọt cho khách hàng, từ 20,000 đồng đến 30,000 đồng, tức chưa được một lít xăng cho tới hơn một lít, theo tin báo Zing hôm Thứ Hai.

Tờ Dân Trí thuật lời nhân viên của một cây xăng ở Kiên Giang cho biết họ chỉ được “doanh nghiệp đầu mối” cung cấp mỗi lần 2,000 lít xăng nên “chỉ đủ bán trong một buổi” rồi phải đóng cửa, chờ đợt được cung cấp tiếp theo.

Nhà cầm quyền địa phương còn cho hay ngay cả một số “doanh nghiệp đầu mối” tức công ty buôn bán sỉ, cũng không có hàng, làm người tiêu thụ khốn đốn.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở các tỉnh khác ở miền Tây như An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang.

Vẫn theo tờ Dân Trí, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm dừng hoạt động vì nếu tiếp tục mua vào để bán thì “thua lỗ, hoa hồng thấp, hết vốn…” Rất nhiều người đã phải đi xa cả chục km mới kiếm được chỗ mua ít xăng hay dầu, thật vất vả.

Một cây xăng ở Tiền Giang bịt luôn 2 trụ bơm xăng, chỉ để lại trụ bơm dầu. (Hình: Dân Trí)

Nguyên nhân chính yếu của cuộc khủng hoảng diện ra mấy ngày qua là, giá mua sỉ xăng dầu thì đắt hơn trong khi giá bán lẻ tới giới tiêu thụ sau cùng thì bị nhà nước “khống chế” thấp hơn, nên nhà buôn sẽ bị lỗ vốn. Khoảng hai phần ba xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam sản xuất trong nước, phần còn lại nhập cảng từ nước ngoài. Tuy sản xuất trong nước nhưng lại nhập cảng dầu thô.

Báo Dân Trí thuật lời một viên chức của công ty Thương Mại Đầu Tư Dầu Khí Nam Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nói xăng dầu có trữ trong kho không thiếu nhưng “đang gặp khó khăn bởi tình trạng mua hàng giá cao, bán giá thấp.”

Tại Sài Gòn, theo báo Zing, có 121 cây xăng đóng cửa vì “tạm thời hết xăng dầu.” Nơi nào có bán xăng, người tiêu thụ phải chầu chực cả giờ để được mua trên dưới một lít chứ không được đầy bình. Mấy ngày trước, thấy báo chí trong nước cũng nêu tình trạng đóng cửa cây xăng một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên.

Nhà cầm quyền CSVN điều hành giá cả, thị trường tuy khoe là theo “kinh tế thị trường” tức tự do kinh doanh. Tuy nhiên, lại thòng theo cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” tức là kinh tế thị trường “nói vậy mà không phải vậy.” Doanh nhân không có quyền ấn định giá bán xăng dầu để kinh doanh kiếm lời mà tùy thuộc nhà cầm quyền ấn định.

Dân Sài Gòn đội mưa, chờ mua xăng vào ban đêm. (Hình: Zing)

Dù thấy tình hình thị trường xăng dầu gặp khủng hoảng, nhà cầm quyền trung ương, qua Bộ Công Thương, hôm 7 Tháng Mười vẫn gửi một công văn đến các tỉnh thị địa phương thúc ép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán lẻ các các cửa hàng bán lẻ.”

Không những vậy, lại còn đòi các chủ cây xăng bán lẻ “chia sẻ khó khăn với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.”

Kiểu này, nhà cầm quyền CSVN bắt một dọc từ nhà buôn sỉ đến nhà bán lẻ nếu không lỗ vốn thì cũng không có lời, dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt, sinh hoạt xã hội bị xáo trộn.(TN) [kn]

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay