19-8-2022
1. Văn hoá là trí tuệ. Khoa học là khám phá, sáng tạo. Người thực sự có văn hoá không thể coi thường giá trị văn hoá, không thể coi thường sáng tạo nghệ thuật. Chỉ người ngu dốt, không thể tiếp nhận kiến thức văn hoá, văn hoá thực sự thấp kém mới rẻ rúng, coi thường giá trị văn hoá, mới ngạo mạn mang bạo lực quyền uy ra ứng xử với sáng tạo nghệ thuật.
Kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật chỉ vì một lỗi nhỏ xíu và rất thông thường về thủ tục hành chính là trưng bày tác phẩm nghệ thuật chưa trình báo để có giấy chấp thuận của cơ quan quản lí hoạt động văn hoá. Thứ quyền lực kí lệnh tiêu huỷ tác phậm nghệ thuật rõ ràng quá hợm quyền, quyền lực lấp đầy con người, choán hết cả con người. Chỉ có con người quyền lực. Không có con người văn hoá. Hoàn toàn trống vắng, thiếu hụt vốn văn hoá thường trực. Văn hoá thấp kém thảm hại mới coi thường, rẻ rúng giá trị nghệ thuật đến như vậy, coi tác phẩm nghệ thuật như rác rưởi tuỳ tiện tiêu huỷ!
Ông Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Chủ tịch thành Hồ, Dương Anh Đức kí lệnh tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật chỉ vì 29 tác phẩm trưng bày cho công chúng thưởng thức mà chưa đúng thủ tục hành chính thì chữ kí của ông Phó Giáo sư, ông Tiến sĩ là lời tố cáo đanh thép, là sự thú nhận xác đáng cái học hàm Phó Giáo sư, cái học vị Tiến sĩ chỉ là tờ giấy lộn, chỉ có danh Phó Giáo sư, Tiến sĩ mà không có thực nền tảng văn hoá, không có thực nhân cách văn hoá.
Chữ kí tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật đã phơi bày ra con người văn hoá trống rỗng ở con người có học hàm Phó Giáo sư, có học vị Tiến sĩ. Học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ là bằng cấp của người có học. Nhưng kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật thì chắc chắn là phẩm chất của người không học!
Ở thời loạn giá trị, mọi giá trị đều đảo lộn. Mọi bằng cấp đều mua được thì bằng cấp không thể là chứng chỉ trung thực của giá trị văn hoá. Không phải bằng cấp mà là ứng xử với giá trị văn hoá, ứng xử với sáng tạo nghệ thuật, ứng xử với con người mới là bằng chứng đích thực của một nhân cách văn hoá. Tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật bởi bất cứ lí do gì đều là ứng xử vô văn hoá.
2. Ở thời xã hội không có dân chủ, người dân không có quyền con người, không có quyền công dân, không được tự do bầu chọn người thực sự đại diện cho người dân quản lí nhà nước và xã hội, mọi chức vụ có được không phải do đức độ, tài năng và trí tuệ mà chỉ là sự thoả thuận, chia chác, sắp đặt trong bóng tối, sau lưng người dân.
Ở thời loạn giá trị, mọi giá trị đều đảo lộn. Mọi bằng cấp đều mua được mới nảy nòi ra ông Phó Giáo sư Tiến sĩ kí lệnh tiên huỷ tác phẩm nghệ thuật.
Ở thời không có dân chủ, người dân không có quyền con người, không có quyền công dân, người dân không được làm chủ xã hội không được làm chủ đất nước mới nảy nòi ra ông Phó Chủ tịch thành phố phụ trách văn hoá mà kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật, tiêu huỷ giá trị văn hoá.
Nghệ thuật làm đẹp tâm hồn con người. Nghệ thuật thuộc phạm trù cái đẹp. Chỉ có tâm hồn tăm tối và độc ác mới run sợ và thù ghét cái đẹp. Chỉ có bạo chúa mới đủ tối tăm và độc ác tiêu huỷ cái đẹp. Kí lệnh tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật, ông phó chủ tịch thành phố lớn nhất nước đã hiện hình là một bạo chúa, một quan cai trị không được người dân trao quyền lực, không mang gương mặt văn hoá đất nước mà chỉ mang ý chí của bộ máy cai trị, chỉ là sự sắp đặt, chia phần chiếc ghế quyền lực áp đặt bộ máy cai trị lên đầu dân.
3. Mảnh đất miền Nam là mảnh đất khai phá của những nghĩa khí và những tâm hồn rộng mở và bao dung. Có nghĩa khí mới sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách nghiệt ngã của miền đất hoang sơ của sức mạnh thiên nhiên và sức mạnh thú rừng. Có rộng mở mới đi đến cùng trời cuối đất. Có bao dung mới chấp nhận mọi cá tính con người, những kẻ lạc loài cùng khai phá miền đất mới và dung nạp, hài hoà với những giá trị văn hoá của cộng đồng xa lạ.
Miền Nam là đất nghĩa khí và bao dung thì Sài Gòn là nơi hội tụ của nghĩa khí và bao dung. Nghĩa khí và bao dung làm nên cá tính con người miền Nam, con người Sài Gòn. Nghĩa khí và bao dung cũng làm nên nghệ thuật miền Nam, nghệ thuật Sài Gòn.
Có chính trị cực đoan, độc tài nhưng nghệ thuật không thể cực đoan, độc tài, không thể độc tôn một phong cách nghệ thuật. Độc tôn một phong cách nghệ thuật là giết chết nghệ thật. Một thời các nước xã hội chủ nghĩa độc tôn phong cách nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã dẫn nghệ thuật xã hội chủ nghĩa chui vào ngõ cụt, mất trắng gần một thế kỉ không có thành tựu nghệ thuật, huỷ hoại nhiều thế hệ nghệ sĩ. Những tài năng lớn phải né tránh hiện thực xã hội chủ nghĩa mới có tác phẩm đóng góp cho kho tàng văn hoá nhân loại.
Có cực đoan, độc tài chính trị mới có thảm hoạ cải cách ruộng đất, thảm hoạ cải tạo tư sản, thảm hoạ Nhân Văn Giai Phẩm. Quyền lực kí lệnh tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật là sự tái hiện của quyền lực đấu tố địa chủ, đấu tố tư sản, đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm ở những năm tháng ngột ngạt, đen tối, bạo lực tràn lan, xã hội ai oán trong bạo lực cách mạng và hận thù giai cấp. Một thời chỉ thấy ngạo nghễ con người quyền lực tàn bạo mà không có con người lịch lãm văn hoá, không có con người hồn hậu nhân văn.
Một con người nhỏ nhen, hẹp hòi và độc ác hấp tấp kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật chỉ xứng là bạo chúa của thời mông muội xa xưa, không xứng là người dân bình thường và lương thiện của mảnh đất nghĩa khí và bao dung Sài Gòn, Nam Bộ.