Tác giả: Phùng Văn Phụng
Đến cuối cuộc đời, khi tuổi tác đã xế chiều, hay nói như nhà văn Huy Phương đến “Ga cuối đường tàu” rồi, ngẫm nghĩ, soát xét lại đời mình, có mấy điều ghi nhận như sau:
Những khó khăn nào rồi cũng qua đi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau đau khổ là có niềm vui. Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Chuyện thánh Job trong kinh thánh, chuyện tái ông mất ngựa hay luật bù trừ an ủi chúng ta rất nhiều.
Xưa nay, người ta thường nói “thất thập cổ lai hy”, sống được đến 70 tuổi khó lắm. Nay nhờ ơn Trời, được 80 tuổi, thì quý lắm rồi. Tạ ơn Trời. Cám ơn đời. Sống thêm ngày nào đều phải được xem là ân phúc, là “bonus” của Trời ban cho mà thôi.
Thi sĩ Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều, đã từng nói:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” còn tôi là người tầm thường, vô danh tiểu tốt, thì sao?
*1)Suy tư cuộc đời theo vận nước nổi trôi
Nhìn lại quãng đời đã qua từ lúc còn nhỏ, sinh ra ở làng Đông Thạnh, quận Cần Giuộc, nghèo nàn, đường sá trơn trợt mỗi khi trời mưa, có bao giờ dám nghĩ về một tương lai phải sống xa nơi chôn nhau cắt rún đến nửa vòng trái đất.
Nổ lực học tập, hết sức khó khăn, để qua được các kỳ thi ở trung học, ở trường Đại học, rồi hoạt động chính trị, đi tù cộng sản rồi ra tù, không được dạy học nữa, phải làm đủ các nghề linh tinh để sống. Qua Mỹ lại bắt đầu từ số không, lại làm việc cật lực-nghề không ưa thích- để sống và về hưu.
Tôi vẫn thích câu nói như sau: “Giá trị của bạn chính là việc bạn đã làm được gì, đóng góp gì, chứ không phải vỏ bọc hình thức bạn tốt nghiệp trường nào, có bao nhiêu bằng cấp.”
*Gia đình: – Tất cả kho tàng trên trái đất không thể nào so sánh nổi với hạnh phúc gia đình. (Calderon)
Tôi cám ơn gia đình tôi vì đến ngày hôm nay- tháng 07 năm 2022- đã sống với bà xã tôi, vài tháng nữa, được 55 năm. Sóng gió, gây gỗ, giận hờn, lục đục không biết bao nhiêu mà kể. Trong thời gian dài gần 8 năm tôi bị tù cộng sản, bà xã tôi một mình vừa đi dạy, vừa lo cái ăn, cái mặc cho bốn đứa con từ 8 tháng tuổi cho đến 7 tuổi. Khi đứa con gái út đi nằm nhà thương vì bịnh phổi có nước, cần săn sóc, mới là vấn đề nan giải. Làm sao sắp xếp thì giờ vừa đi dạy, vừa lo cho cháu nằm ở nhà thương, vừa lo cho các cháu còn lại ăn uống, tắm rửa, cơm nước, học hành?
Khi tôi bị đày ra Bắc, bà xã tôi phải vất vả thăm nuôi, mang đồ ăn từ trong Nam ra, lặn lội, gồng gánh, đem đến trại giam, ở trong thung lũng của rừng núi tỉnh Vĩnh Phú, gặp chồng được 15 phút rồi về. Tù chết quá nhiều nên trại mới cho thăm nuôi để gia đình của tù nuôi tù.
Cám ơn cha mẹ để gia đình vợ con cùng sống trong nhà, lúc tôi đi tù ở nơi rừng thiêng nước độc từ 1975 đến 1983. Để rồi sau khi tôi ra tù, qua thời gian dài 10 năm từ 1983-1993, gia đình tôi cũng nương tựa vào nhà ở của cha mẹ tôi mà làm ăn sinh sống.
* Sự nghiệp:
Thiên Chúa ban cho sức khỏe, khả năng, trí tuệ, sự hiểu biết; ta cần phải đem hết khả năng Thiên Chúa ban cho để kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình và đóng góp cho xã hội càng ngày càng tốt đẹp hơn. Làm việc đàng hoàng, kiếm tiền lo cho gia đình, cũng là đóng góp cho xã hội rồi.
*2)Đến cuối cuộc đời còn gì để tiếc?
Ôn lại cuộc đời đã qua tôi thấy gì?
Đau thương, đau khổ, vui mừng, đói khát, no đủ, đắng cay, ngọt bùi trong cuộc đời tôi nếm đủ cả.
–Tù đày: gần 8 năm trong các trại cải tạo miền Bắc, chịu nhục nhã, lạnh lẽo, đói khổ ở các vùng rừng núi âm u, sơn lam chướng khí, hy vọng sống còn để trở về gia đình rất mong manh. Địa danh Mai Côi, Thác Guồng ở K4 Vĩnh Phú là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với tôi cho đến ngày hôm nay.
–Con chết: Con trai mới 48 tuổi, tuổi đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong công ăn việc làm, lương bổng bắt đầu khá lên … Nhưng bất ngờ, đã ra đi, mọi sự đều bỏ dỡ hết. Để lại hai cháu nội ông bà phải để ý, lo toan.
Bôn ba làm việc kiếm tiền, đem hết trí khôn, sức lực để tạo một ngôi nhà để trú ngụ, một số tiền để dành khi hữu sự như bịnh hoạn hay rủi ro khác, rồi đến lúc nào đó, với tuổi già, không còn sức khỏe nữa… cuộc đời sẽ ra sao?
*Rồi 5, 10 năm nữa sau khi ta lìa đời, kẻ thương người ghét mình, chắc cũng chẳng ai còn nhớ đến mình đâu?
Con cái, cháu chắt, có thân phận của chúng nó, mình chỉ có thể làm việc hết khả năng của mình mà thôi. Thiên Chúa sẽ tiếp tục nâng đỡ, lo lắng cho các con cháu.
Tôi luôn tự nhủ rằng hãy cố gắng sống với tinh thần lạc quan, tích cực, vui tươi.
Tôi cố quên đi – nhưng vẫn nhớ – những đau khổ, khó khăn mà mình đã chịu đựng thí dụ gần 8 năm tù bị bỏ đói, sống lê lết trong các trại tù Long Thành, Thủ Đức, Lào Cai, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh… vừa đói, vừa lạnh, đi không muốn nổi vì bị suy dinh dưỡng…
*Con người có trí óc, khả năng để làm việc, để sống; nhưng con người còn có trái tim biết yêu thương, để biết phải quấy ở đời. Còn nợ ân nghĩa, ân tình làm sao mà trả được?
*Đã qua rồi những đau thương, khó khăn, khổ sở về vật chất và về tinh thần, gian nan, thử thách rất nhiều trong suốt thời gian đã qua. Vì vậy:
Tạ ơn trời – hôm nay tôi còn sống
Mắt còn nhìn, còn đọc được Emails…
Đời còn vui, đâu đến nỗi cô liêu.
……
* – Cám ơn tất cả các bạn đã cho tôi biết bao kỷ niệm vui buồn, những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được.
*. – Xin cám ơn tất cả … những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi từng biết mà chưa quen.
* – Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này thật vô cùng ý nghĩa …
*Tôi vẫn thường xuyên tập luyện, suy nghĩ vui tươi, lạc quan mỗi ngày, nghe những lời nói vui vẻ, nói những lời nói tích cực, tránh nghe lời nói chê bai, chỉ trích, công kích người khác. Để chi vậy? Để tâm hồn được thanh thoát, vui tươi, hạnh phúc từng ngày. Khó lắm. Nhưng, tạ ơn Chúa. Nhờ Chúa giúp sức mỗi ngày. Để giữ gìn cho tâm bình an, giúp ngủ được, nhờ đó giữ gìn được sức khỏe, giảm sự suy sụp, mệt mỏi.
Sống lâu, có sức khỏe thì tốt. Nếu sống lâu mà nằm một chỗ, không nói năng gì được, cuộc sống thực vật, không còn biết gì nữa, không tự sinh hoạt hay tự ăn uống được, sống bằng “máy thở, ống thức ăn”, nếu con cháu thấy bịnh không thể phục hồi được, không nên duy trì sự sống mà làm gì?
*Vì vậy nên cứ để cho người thân ra đi từ từ, vì sự chết là qui luật tất yếu của trời đất. Đâu có ai thoát được chuyện sinh tử đâu.
Hằng ngày, mỗi buổi sáng, khi vừa thức dậy cần nói “Tạ ơn Chúa vì tôi còn sống”, sẽ làm cho tâm hồn ta vui vẻ, bình an. “Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy, Cho con còn ngày nữa để yêu thương”.
*Mỗi ngày còn sống là một niềm vui
Tôi đã lo trước phần hậu sự. Con cái không phải lo lắng về chi phí cho đám tang. Khi chết, ở mộ bia nên ghi câu sau đây: “Chính lúc chết đi là khi sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi)
Mỗi tuần, chúng ta mất một giờ đi nhà thờ ca ngợi, chúc tụng Chúa, rồi khi chết, linh hồn được sống đời đời, được hưởng đời sống vĩnh cửu, thật tuyệt vời và đời sống chúng ta có ý nghĩa biết bao.
Khi còn sống, sinh hoạt cộng đồng hay ở nhà thờ, “sống cùng, sống với” bà con, bạn bè, người thân vẫn thú vị hơn. Kết thân, có thêm nhiều người bạn ở nhà thờ vẫn tốt hơn là kết thân với những người bạn ở Casino hay là kết thân với các bạn nhậu. Có phải như vậy không?
*Mặc dầu nước Việt Nam đã thống nhất sau 47 năm (gần nửa thế kỷ)
Lòng người vẫn ly tán, chưa có hòa hợp, hòa giải thực sự, vẫn phân biệt đối xử, vẫn chưa có tự do nghiệp đoàn, tự do bầu cử, tự do ngôn luận, chưa có đa đảng, đối lập chính trị; những quyền căn bản này đã được thực thi trước đây ở miền Nam Việt nam, cách nay 55 năm, dưới thời đệ nhị cộng hoà, với hiến pháp 01-04-1967.
-Nơi nào có tình thương yêu, thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu. (Loilla Cather)
-Yêu thương là cái gì đó vĩnh cửu. (Vincenl Van Gohg)
Cùng đích của cuộc đời chúng ta là gì?
Dân gian ta có câu “sống gởi, thác về”. Sự sống chỉ là tạm bợ. Chết mới là trở về. Trở về đâu? Trở về với cội nguồn, trở về với Thượng Đế, Đức Chúa Trời, đấng đã tạo dựng ra mình, rồi chúng ta sẽ gặp nhau ở nước Thiên đàng, gặp lại tất cả những người thân yêu, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân, bạn hữu của chúng ta, những người mà ta đã gặp gỡ ở trên trần thế này, đã ra đi trước chúng ta.
Tác giả: Phùng Văn Phụng
11 tháng 07 năm 2022
Kỷ niệm ngày sinh thứ 80
Mời xem thêm:
*BỨC THƯ CUỐI CÙNG CỦA MARIA THẢO LINH gửi cho các soeur…