Truyền thông Việt Nam im lặng trước tin có vẻ ‘không lành’ về VietJet Air và VinFast

Truyền thông Việt Nam im lặng trước tin có vẻ ‘không lành’ về VietJet Air và VinFast

June 17, 2022

Nguoi-Viet

SAN FRANCISCO, California (NV) – Truyền thông Việt Nam trong nước hoàn toàn im lặng trước hai sự kiện liên quan đến hai đại công ty tư nhân nổi tiếng VietJet Air và VinFast, tính đến ngày Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu.

Điều này làm cho dư luận nghi ngờ có sự liên hệ nào đó giữa chính quyền Việt Nam với VietJet Air và VinFast, hoặc hai công ty này có thể là “sân sau” của các “ông trùm.”

Xe VinFast VF trong cuộc triển lãm xe quốc tế ở New York. (Hình minh họa: Michael M. Santiago/Getty Images)

“Sân sau” có nghĩa là một ai đó đứng ra mở công ty, lợi nhuận được chia cho các nhà đầu tư, có thể là những cán bộ cao cấp, gọi là những “ông trùm.”

VietJet Air do tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm tổng giám đốc và là công ty con của tập đoàn SAVICO.

VinFast do bà Lê Thị Thu Thủy làm tổng giám đốc và thuộc tập đoàn VinGroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm tổng giám đốc. Bà Thủy cũng là phó tổng giám đốc VinGroup.

Hôm Thứ Tư, 15 Tháng Sáu, BBC News cho biết Bộ Giáo Dục Anh đang điều tra số tiền hiến tặng $155 triệu bảng Anh của bà Thảo cho đại học Oxford University để đổi tên thành Thao College.

Một ngày sau, theo Reuters, dựa theo thông tin của VinFast, cho biết bốn giới chức điều hành cao cấp của công ty vừa “ra đi.”

Bốn người này rời khỏi công ty sản xuất xe chạy điện mới thành lập gần đây, đúng lúc công ty chuẩn bị ra mắt kiểu xe đầu tiên cho thị trường ngoại quốc và khai trương một loạt các phòng triển lãm xe ở Mỹ cùng Châu Âu, theo tin từ công ty.

Bản tin của hãng thông tấn Reuters nói rằng việc ra đi của bốn người này xảy ra trong lúc VinFast chuẩn bị khởi công xây cất nhà máy trị giá khoảng $4 tỷ ở tiểu bang North Carolina, mở các phòng triển lãm xe đầu tiên của công ty ở California, tiến tới việc bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York và tìm kiếm sự hỗ trợ tài chánh từ chính phủ Mỹ.

Những giới chức vừa rời khỏi công ty là Emmanuel Bret, phó tổng giám đốc đặc trách thương vụ thế giới; Franck Euvrard, phó tổng giám đốc đặc trách phát triển sản phẩm; Hong Sang Bae, phó tổng giám đốc đặc trách phát triển kỹ thuật xe; và Bruno Tavares, tổng giám đốc tài chánh, cũng theo thông báo của VinFast.

Một phát ngôn viên của VinFast nói rằng “đã chấm dứt giao kèo lao động” với bốn người nêu trên và với sự đồng ý của họ. Nguồn tin này cho biết hai trong số bốn người từ chức “vì lý do cá nhân.”

Trong thông báo gửi tới Reuters, công ty VinFast cho biết: “Tất cả những người này đồng ý chấm dứt hợp đồng làm việc theo các điều khoản pháp lý. Việc điều chỉnh nhân sự là điều thường xảy ra trong lãnh vực kinh doanh ở khắp nơi trên thế giới. VinFast không là ngoại lệ.”

Ông Bret, một cựu giới chức điều hành BMW, vào làm việc cho VinFast hồi Tháng Giêng tại Hà Nội, được giao nhiệm vụ thiết lập hệ thống bán xe của công ty ở ngoại quốc. Ông Bret đã đến dự cuộc triển lãm xe ở New York hồi Tháng Tư khi VinFast “trình làng” các kiểu xe SUV chạy điện VF8 và VF9 của mình.

Ông Euvrard, gia nhập VinFast hồi Tháng Giêng sau khi rời khỏi Tata Technologies, một công ty Ấn Độ. Ông có nhiệm vụ phát triển các sản phẩm xe điện của VinFast.

Ông Hong Sang Bae, một giới chức từng làm việc cho Samsung Electronics, Faraday Future và Fisker, vào làm việc cho VinFast hồi Tháng Bảy năm ngoái.

Không ai trong số những người này trả lời phỏng vấn của Reuters.

Một văn thư nội bộ từ văn phòng tổng giám đốc điều hành công ty VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, mà Reuters có được, cho thấy tất cả những người này bị công ty cho nghỉ việc vì nhiều lý do liên quan đến hiệu quả làm việc của họ.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của công ty nói văn thư này chưa được duyệt xét và đã được thu hồi.

Ông Huy Chiêu, một cựu kỹ sư công ty GM, người gia nhập VinFast hồi Tháng Mười Một năm ngoái, được thăng chức để chỉ huy nỗ lực phát triển xe điện của công ty, sau khi đứng đầu chương trình phát triển chiếc VF8, theo một văn thư khác mà Reuters có được.

Xưởng sản xuất xe VinFast tại Hải Phòng. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Cũng văn thư này nói rằng công ty có các kỹ sư trưởng cho hai mẫu xe khác, nhưng không tiến tới giai đoạn chế tạo xe mẫu là VF5 và VF6.

VinFast xác nhận kỹ sư trưởng này đã được bổ nhiệm. Reuters chưa liên lạc được với ông Chiêu để có lời phát biểu của ông.

Bà Thủy lên giữ chức tổng giám đốc điều hành VinFast hồi Tháng Mười Hai, sau khi ông Michael Lohscheller, người Đức, từ chức. Ông Lohscheller trước đó từng là tổng giám đốc của Opel, trực thuộc Stellantis. Công ty VinFast nói ông Lohscheller từ chức vì lý do cá nhân.

VinFast đã có ba đời tổng giám đốc điều hành kể từ khi được thành lập vào năm 2017.

Công ty VinFast, khởi sự sản xuất xe từ năm 2019, đang có tham vọng tiến vào thị trường Mỹ và cạnh tranh với các công ty lâu đời cũng như các công ty mới hình thành trong lãnh vực xe điện. Công ty có hai kiểu xe SUV chạy điện và chương trình cho thuê dài hạn bình điện, một điều sẽ giúp giảm giá mua xe.

VinFast hứa hẹn sẽ tạo ra 7,500 việc làm tại xưởng ở North Carolina, nơi sẽ sản xuất xe VF8 lúc đầu và sau đó là kiểu VF9 đắt tiền hơn.

Công ty cũng dự trù xuất cảng hai kiểu xe chạy điện từ xưởng của mình ở Việt Nam vào thị trường Mỹ trước cuối năm nay. (V.Giang) 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay