Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc ra quyết định về trường hợp Nguyễn Bảo Tiên – Người giao sách của NXB Tự Do

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hợp Quốc ra quyết định về trường hợp Nguyễn Bảo Tiên – Người giao sách của NXB Tự Do

NXB Tự Do

28-5-2022

Công an công bố lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Bảo Tiên. Nguồn: Công an Phú Yên

Ngày 07/04/2022, Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hợp Quốc đã thông qua quyết định về vụ bắt giữ anh Nguyễn Bảo Tiên, người giao sách của Nhà xuất bản Tự Do, đã bị công an Việt Nam bắt giữ và bị Toà án Nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên 6 năm 6 tháng tù giam.

Trong quyết định này, Nhóm Công tác khẳng định: “Việc tước quyền tự do của anh Nguyễn Bảo Tiên là trái với điều 3, 6, 8, 9, 19, 20 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và các điều 2, 9, 14, 16, 19, 22 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị là tùy ý và thuộc loại I, II và III.

Nhóm Công tác đề nghị Chính phủ Việt Nam phải thực hiện sớm các bước cần thiết nhằm khắc phục tình trạng của anh Tiên, áp dụng các chuẩn mực quốc tế liên quan, bao gồm những chuẩn mực được nêu trong Tuyên ngôn chung về Quyền con người và Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Nhóm Công tác cho rằng, biện pháp khắc phục thích hợp là trả tự do cho anh Tiên ngay lập tức và bồi thường cho các tổn thất của anh phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhóm Công tác cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải đảm bảo điều tra đầy đủ và độc lập về các tình tiết xung quanh việc tự ý tước đoạt quyền tự do của anh Tiên và thực hiện các biện pháp thích hợp đối với những người chịu trách nhiệm về việc vi phạm các quyền của anh ta”.

Những kết luật trên được Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hợp Quốc thông qua sau một quá trình tiếp nhận và xem xét các đệ trình từ Nhà xuất bản Tự Do và Chính phủ Việt Nam.

Phía Chính phủ Việt Nam cho rằng anh Tiên bị bắt do đã tàng trữ và phát tán 108 cuốn sách có nội dung xuyên tạc thông tin về đường lối, chính sách của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kích động lật đổ chính quyền nhân dân. Tuy nhiên Nhà xuất bản Tự Do bác bỏ đệ trình của Chính phủ rằng việc bắt và giam giữ anh Tiên là phù hợp với pháp luật trong nước và luật quốc tế và cho rằng Chính phủ không chứng minh được điều này khi tranh biện. NXBTD cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ đã không thiết lập được mối quan hệ nhân quả liên kết giữa việc anh Tiên sở hữu 108 cuốn sách và việc anh tìm cách lật đổ Chính phủ.

Điều đặc biệt nghiêm trọng trong vụ bắt giữ anh Tiên là việc anh bị mất tích trong thời gian khoảng 18 tháng. NXBTD cáo buộc rằng, anh Tiên bị bắt từ ngày 5/10/2019 khi đang đi gửi 21 bưu kiện là sách của NXBTD, nhưng mãi đến ngày 20/04/2021, Công an tỉnh Phú Yên mới ra lệnh tạm giam đối với anh, như vậy anh không rõ tung tích trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2021. Chính phủ Việt Nam không bác bỏ nội dung đệ trình này cũng như không giải thích về nơi ở của anh Tiên trong khoảng thời gian này. Vì lý do này, Nhóm Công tác xác định rằng anh Tiên đã bị cưỡng bức biến mất trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2021, Nhóm lưu ý rằng sự biến mất này có biểu hiện cấu thành một hình thức giam giữ tùy tiện đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm điều 6 của Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người.

Quyết định này cũng cho biết anh Tiên không hề được gặp gia đình và không có luật sư bảo vệ. Chính phủ Việt Nam nêu lý do vì đại dịch Covid nên hạn chế việc thăm nuôi, chỉ cho gia đình gửi quà cho anh. Tuy nhiên, Nhóm Công tác nhận thấy rằng các hạn chế đặt ra đối với việc tiếp xúc của anh Tiên với gia đình đã vi phạm quyền tiếp xúc với thế giới bên ngoài của anh và điều này ảnh hưởng xấu đến khả năng được hỗ trợ pháp lý của anh ta. Việc thăm nuôi hoàn toàn có thể thực hiện mà vẫn bảo đảm sức khoẻ cho các bên khi thực hiện các quy tắc về giãn cách và đeo khẩu trang.

Nhóm Công tác nhận xét thêm rằng các hoạt động của anh Tiên không đủ cơ sở để đưa ra tố tụng trước tòa án theo các điều 3, 8 và 9 của Tuyên ngôn chung về Quyền con người, điều 2 và 9 (4) của Công ước, và các nội dung số 11, 32, 37 và 38 của nguyên tắc. Các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản của Liên Hợp Quốc về các biện pháp và thủ tục pháp lý nhằm bảo đảm Quyền của bất kỳ ai khi bị tước đoạt quyền tự do và khởi kiện trước tòa án, khẳng định rằng quyền phản đối đối với tính hợp pháp của việc bị giam giữ trước tòa án là một quyền cơ bản của quyền con người. Việc người bị bắt giữ không có quyền này cấu thành hành vi vi phạm nhân quyền và là điều cần thiết để bảo vệ tính hợp pháp trong một xã hội dân chủ. Quyền này, trên thực tế là một quy phạm bắt buộc của luật quốc tế, áp dụng cho mọi hình thức và tình huống bị tước quyền tự do.

Anh Nguyễn Bảo Tiên sinh năm 1986, thường trú tại số nhà 22, đường Nguyễn Hồng Sơn, khu B Bích Hợp, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Anh là tài xế cho một doanh nghiệp ở tỉnh Phú Yên. Anh có vợ và 2 con nhỏ. Là một công dân có trách nhiệm, một người quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước, anh thường chia sẻ và đăng tải các thông tin liên quan đến công cuộc đấu tranh dân chủ, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, tình hình Biển Đông… những thông tin mà nhà cầm quyền Việt Nam gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Việc anh Nguyễn Bảo Tiên giúp Nhà xuất bản Tự Do phát hành sách là một việc làm nhằm thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin một cách ôn hoà, hoàn toàn không phải là một hoạt động tội phạm. Đồng thời, việc anh Tiên dám nhận công việc phát hành sách trong hoàn cảnh nhà cầm quyền đang ráo riết truy bức Nhà xuất bản Tự Do và những người liên quan đến Nhà xuất bản là một hành động rất can đảm.

Xem thêm: Letter to source – Op. No. 35 2022  —— AUV Op. 35 2022 WGAD 07042022 —— Nguyen-Bao-Tien-_-The-UN-Working-Group-on-Arbitrary-Detention-1-VIETNAM_compressed

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay