CỌP CHẾT ĐỂ DA…

CỌP CHẾT ĐỂ DA…

Sáng nay 14.5.2022 (NZ) chuông điện thoại reo đánh thức tôi lúc 4 giờ. Cầm lên thấy tên của bạn tù Thanh Cẩm Đặng Hữu Chí ở Seattle, Chí nói: “ Con biết giờ này cậu bảy đang ngủ, nhưng con phải gọi báo tin, anh Bảy Chà vừa mất sáng nay”. Nghe tin này tôi bàng hoàng. Sau vài câu trao đổi ngắn gọn, Chí cúp máy. Tôi nằm yên nhắm mắt, hình ảnh và kỷ niệm xưa về người bạn tù vừa mất và khung cảnh của địa ngục trần gian khu kỷ luật của trại tù Thanh Cẩm hiện về nhảy múa trong đầu.

Một lúc sau, Lê Sơn một bạn tù ở Mỹ nhắn tin, rồi vài bạn tù Thanh Cẩm khác cũng gọi hoặc nhắn tin…Sở dĩ nhiều bạn tù thông báo vì ai cũng biết tôi quý mến anh Bảy Chà một cách đặc biệt.

Vậy anh “Bảy Chà” là ai?

Trở về quá khứ…

… Lúc đó tôi đang bị cùm chân trong nhà kỷ luật trại tù Thanh Cẩm đã được 2 năm sau vụ vượt ngục bất thành ngày 2 tháng 5 năm 1979. Vụ này đã làm mất mạng hai anh Đặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn như tôi đã nói từng chi tiết trong Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG.

Trưa hôm đó, tôi đang ở buồng 2 khu kỷ luật với 3 anh tù hình sự khác. Nhìn qua song sắt cửa sổ ra sân , chờ anh Trật Tự gánh thức ăn lên như mọi ngày. Tôi rất ngạc nhiên, hôm đó một anh Trật Tự mới gánh thức ăn . Anh chàng này cao to vạm vỡ nước da ngăm đen trông rất ngầu. Tôi quay lại nói nhanh với 3 anh trong buồng:“ Chết mẹ rồi tụi bây ơi! Ra đây coi , mình có Trật Tự mới. Anh chàng này tướng tá gồ ghề như võ sĩ đô vật, chắc là không khá rồi!”

Cả bọn vội chen nhau tại cửa sổ nhìn ra. Có anh lắc đầu nói: “ Đu Mẹ! Chắc là không khá rồi. Tướng anh chàng này coi bộ không thua gì Bùi Đình Thi!”

Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy anh Trật Tự mới thay thế cho Trật Tự Nguyễn Tấn Đạt. Anh Trật Tự mới mà tôi đang nói đây chính là anh Bảy Chà vừa mới mất sáng hôm nay và tôi đang ngồi viết mấy hàng này để khóc anh!

Anh tên là Nguyễn Văn Bảy nhưng vì nước da anh ngăm đen nên chúng tôi gọi cách thân mật là anh “Bảy Chà”. Anh Bảy Chà là tù quân đội, cấp bậc Đại Úy được chuyển từ trại Hoàng Liên Sơn về Thanh Cẩm sau tôi ít lâu. Anh là một trong 8 anh Trật Tự mà tôi gặp trong trại này như tôi có viết trong Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG như sau.

“ Vì vai trò của các anh Trật Tự ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của tù kỷ luật và Kiên giam chúng tôi, nên tôi nhớ rất rõ chi tiết của mỗi người. ( Trật Tự là anh tù được cán bộ đặt lên và ban cho quyền hạn rất lớn để giúp cán bộ khống chế các tù nhân trong trại tù)

Thời gian 10 năm (1978-1988) tôi sống trong trại tù Thanh Cẩm, có những anhTrật Tự theo thứ tự sau đây:

  1. Phạm Đình Thăng

  2. Trương Văn Phát

  3. Bùi Đình Thi

  4. Trần Chiêu Quan

  5. Nguyễn Tấn Đạt

  6. Anh Danh ( không biết họ ),

  7. Nguyễn Văn Bảy, còn gọi là “ Bảy Chà”

  8. sau cùng là anh Tơ, tù hình sự.

Cặp hung thần Bùi Đình Thi và Trương Văn Phát, vì chúng đã gây nên quá nhiều tội ác trong trại tù Thanh Cẩm, kể cả giết người nên tôi đã nói đến nhiều Bút Ký này.

Riêng anh Nguyễn Văn Bảy chúng tôi gọi là “ Bảy Chà” là trường hợp đặc biệt. Anh quá tốt, tốt hiếm có. Phải nói anh “Bảy Chà” là một ân nhân lớn của tôi và của các anh tù trong thời gian tôi ở kỷ luật và kiên giam. Tôi rất biết ơn và quý mến anh “Bảy Chà”trong suốt quảng đời còn lại của tôi.

(Trích Bút ký TÔI PHẢI SỐNG, Chương 11: Tướng Cướp Bình Thanh )

Anh Bảy Chà, mặc dù dáng vẽ rất ngầu, mới trông qua đã thấy nhợn, nhưng ngược lại anh là con người có tướng Hộ Pháp, nhưng có tâm Bồ Tát. Khi làm Trật Tự anh đã tận tình giúp đỡ các enh em tù trong kỷ luật và kiên giam.

Nếu trước đây cặp Trật Tự hung thần Thi-Phát lúc nào cũng rình mò và đánh đập các anh em tù nhân không thương tiếc khi bắt gặp vi phạm nội quy, thì ngược lại Trật Tự Bảy Chà còn tự tay chuyển giúp qùa cáp qua lại giữa các tù nhân kỷ luật và kiên giam. Có khi Anh cũng đứng canh chừng cán bộ cho các anh tù kỷ luật đi lại giao du giữa các buồng vì anh biết là tù kỷ luật đã quá khổ. Một điều mà chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy dưới sự “thống trị” của các Trật Tự trước, đặc biệt là Bùi Đình Thi và Trương Văn Phát.

Riêng hoàn cảnh của tôi lúc đó. Sau khi bị đánh đập hành hạ đến cùng cực và sau 2 năm cùm chân trong nhà luật, tôi không còn là hình dạng con người nữa. Lúc đó tôi chỉ còn da bọc xương, bụng xẹp lép như bụng nhái, cổ chân chỉ to bằng cái ống bơm xe đạp. Có nhiều ngày tôi không đứng nỗi phải bò 4 chân dưới sàn. Chính lúc tình trạng của tôi tệ nhất thì anh Bảy Chà lên làm Trật Tự. Và chính anh Bảy Chà đã cứu sống tôi!

Thời gian đó có 25 linh mục khác đang bị nhốt trong 4 buồng khu của kiên giam kế bên. Ở khu kiên giam không bị cùm, chỉ bị nhốt ngày đêm chỉ trừ hai bữa ăn được mở cửa cửa ra ngoài lấy thức ăn và đổ các ống bẩu. Ở kiên giam các linh mục được gặp người nhà thăm nuôi và được nhận quà tiếp tế. Trước đó các linh mục khu kiên giam biết tôi sắp chết vì kiệt sức nhưng không có cách gì gởi thức ăn qua cho, vì việc này bị nghiêm cấm. ( Nhớ có lần ở khu kiên giam cha Mai Quang Bao ở khu kiên giam xin phép Trật Tự Trương Văn Phát qua buồng bên xin lửa hút thuốc, nhưng lén chuyền cho Cha già Nguyễn Huy Chương một gói bột Bích Chi. Chẳng may bị Phát bắt gặp và “ người Samaritano nhân hậu Mai Quang Bao” bị Trật Tự Trương Văn Phát cùng 2 tên cán bộ nện cho một trận đòn nhừ tử. )

Chính anh Bảy Chà đã liên lạc mang thức ăn và đồ dùng cần thiết của các linh mục bên khu kiên giam giúp tôi dần dần phục hồi sức lực. Phải nói là chính lòng nhân hậu của anh Bảy Chà đã giúp cứu sống tôi! Tôi muốn có mấy lời với anh Bảy Chà, người bạn và cũng là ân nhân của tôi như sau:

Anh Bảy thân mến,

Mặc dù lúc này dương gian cách trở nhưng tôi tin là anh nhìn thấy tôi đang ngồi viết những dòng này để tưởng niệm anh. Tôi chỉ biết anh thời gian ngắn trong trại tù Thanh Cẩm nhưng cũng đủ cho tôi nói anh là người nhân hậu hiếm có trên đời. Nếu không gặp anh trong thời gian đó chắc là không có những hàng chữ này đâu anh. Sáng nay tôi có gọi qua gặp chị Liên, bà xã của anh, chúng tôi nói chuyện về anh rất lâu. Qua đó tôi mới biết tại sao trong mấy tháng qua tôi gọi qua Mỹ thăm anh nhiều lần nhưng không ai bắt máy, thì ra anh đã yếu liệt từ mấy tháng trước khi anh lìa đời! Anh Bảy ơi! Người đời có câu “ CỌP CHẾ ĐỂ DA, NGƯỜI TA CHẾT ĐỂ TIẾNG”.

Anh đã chết đi nhưng cái danh thơm tiếng tốt của anh còn lại mãi trong tôi và nhiều người, nhất là các bạn tù Thanh cẩm.

Sáng mai tôi sẽ dâng lễ cầu nguyện riêng cho anh. Dù vậy tôi phải nói, một con người như anh Bảy Chà, khi từ giả cõi đời này thì Chúa cũng nhận mà Phật cũng đón.

Tôi không thể viết hết về anh, tôi chỉ muốn kết luận như sau: Nếu cái tên Bùi Đình Thi được ghi trong lịch sử trại tù Thanh Cẩm bằng bằng nét mực đen nhòe nhoẹt va bẩn thỉu thì ngược lại tên của anh Nguyễn Văn Bảy , mà anh em gọi cách thân thương là Anh Bảy Chà, được ghi vào lịch sử trại tù Thanh Cẩm bằng một nét son với hàng chữ vàng sáng chói.

Vài hàng thương nhớ về anh từ một người bạn và anh vẫn thân ái gọi là “Huynh Lễ!” Cách gọi đặc biệt của anh dành cho tôi.

Huynh Lễ

Auckland. New Zealand

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay