Đọc sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của LM Nguyễn Văn Tuyên DCCT

Đọc sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của LM Nguyễn Văn Tuyên DCCT (1)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

  • Sự Đau khổ.

Vì đọc cuốn sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” thấy có nhiều điều đáng suy gẫm và học hỏi nên tôi xin ghi lại vài suy tư về đề tài này mặc dầu trước đây tôi cũng đã có viết bài: “Đời là bể khổ: Thái độ của chúng ta trước đau khổ. (2)

*Chúng ta khổ vì bị thương tật, mất tay, mất chân, tàn tật… hay chết chóc do tai nạn xe cộ, tàu thuyền, máy bay hay do chiến tranh như ở Việt Nam trước năm 1975, ở Ukraine hiện nay (2022). Chúng ta khổ vì nhà cửa bị bom đạn tàn phá, gia đình ly tán, chạy tị nạn khắp nơi, đói khát, đau bịnh… bị khủng hoảng tâm lý, hoảng loạn tinh thần … Một phần tư người Ukraine phải bỏ xứ đi tị nạn ra nước ngoài, tình trạng cũng giống như người Việt chúng ta bỏ nước ra đi sau tháng 04 năm 1975 và tiếp tục tị nạn như vậy, vượt biên bằng thuyền, máy bay, đi bộ…  nhiều năm sau đó…

*Chúng ta khổ tâm vì những sự đau lòng, buồn phiền… sự bất như ý như ly dị, ly thân, con cái bỏ nhà ra đi, tù tội vì bài bạc, say rượu, hút xách, sì ke ma túy, con cái không chịu học hành, chỉ ăn chơi lêu lổng… Khổ vì vợ chồng con cái bất đồng quan điểm, gây gỗ, xung đột … tính tình quá khác biệt, quan liêu, bảo thủ, gia trưởng… Khổ vì nợ nần chồng chất không thể trả nỗi…

2)Nhìn đau khổ với đời sống đức tin kitô giáo.  

Với đức tin của người Kitô giáo, gặp sự đau khổ là để chúng ta thông phần với Chúa Giêsu Kitô chịu khổ nạn trên thập giá. Người ta thường nói, sau cơn mưa trời lại sáng, hết mưa trời sẽ nắng, hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai. Cho nên người bình dân vẫn tin tưởng ở tương lai dầu đang gặp đau khổ.

Còn đối với người Kitô hữu: Trong sách “Ý nghĩa sự đau khổ” tác giả có viết:

Sự khó chỉ là con đường đưa đến thánh thiện (trang 107)

Lạy Chúa, con sung sướng vì được chịu đau khổ cho được lòng Chúa. (trang 110)

Không gì đẹp lòng Chúa, không gì ích lợi cho chúng ta ở đời này bằng vui lòng chịu đau khổ vì Chúa Giêsu Kitô. (trang 146)

Không qua núi sọ không thể tới núi Cây Dầu là chỗ Chúa đã lên trời…” (trang 147)

Cố gắng nên giống Chúa: Yêu đau khổ, nhẫn nại chịu đau khổ và vui mừng chịu đau khổ (trang 131)

3)Vài trường hợp đau khổ tiêu biểu để học hỏi

*Chuyện Thánh Gióp bị mất hết tài sản, con cái chết hết mà không có một lời oán trách Thiên Chúa. Thánh Gióp vẫn một lòng ca ngợi, tôn vinh, chúc tụng Chúa. (trang 162 và Cựu Ước)

*Chuyện thánh nữ Lidvi (trang 165)

Năm 15 tuổi, cô bị sảy chân ngã trên nước đông, gãy một xương sườn, phải nằm liệt ba mươi tám năm, nghĩa là nằm liệt cho đến chết.

Để được an ủi, bà chỉ còn biết ngày đêm ngắm sự thương khó Chúa.

*Chuyện thánh An phong sô (trang 166-168)

Thánh An phong sô bị chứng đau đầu khiến Người có lúc như bị hấp hối. Suốt mười bảy năm trường chứng bịnh tê thấp của Người khiến Người biến hình, đầu Người gập quặp xuống ngực…

Nhưng Thánh nhân luôn luôn vui vẻ tuân theo Thánh Ý Chúa. Không ai thấy Người tỏ dấu buồn phiền hay thốt ra lời ta thán… Người nói: “… Lạy Chúa con cám ơn Chúa vì đã thương gởi đến sự đau đớn cho con… Chúa không ném con xuống hỏa ngục đã là may cho con lắm rồi… Con sẵn sàng chịu hết mọi sự đau đớn… Chúa muốn định về con thế nào tùy Thánh Ý Chúa…” (trang 168)

4)Nhờ đau khổ mới đi đến vinh quang, hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu.

Sách “Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo” đã giải thích Thiên đàng như sau:

Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa vì họ thấy Ngài “đúng như Ngài là”, “mặt giáp mặt” (Câu 1023)

Thiên đàng là cùng đích tối hậu và là sự thực hiện những khát vọng sâu xa nhất của con người đó là tình trạng hạnh phúc cao nhất và vĩnh viễn. (Câu 1024)

Mắt chưa từng xem thấy, tai chưa từng nghe thấy, lòng trí con người chưa từng nghĩ tới, đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai yêu mến Ngài (Câu 1027)

Theo tác giả, Lm Nguyễn Văn Tuyên nói về Thiên đàng như sau:

Thiên đàng là chốn nghỉ ngơi đời đời. Trên Thiên đàng không còn đau khổ nữa, không còn bịnh tật nữa, trên thiên đàng không còn chết nữa: trên thiên đàng chỉ có nghỉ ngơi trong một cuộc đời dài vô tận, không còn bị phản bội nữa…

… được nhìn ngắm chính sự Đẹp, được yêu chính tình yêu, được hưởng chính hạnh phúc, được hưởng thật tất cả những thứ ấy cùng một lúc và đời đời: đó là Thiên đàng.

Kết: Như vậy sự đau khổ ở đời này chính là môi trường, cơ hội, hoàn cảnh để chúng ta học hỏi, suy gẫm, áp dụng, thực hành để xứng đáng được làm môn đệ Chúa, bắt chước Chúa, noi gương Chúa, tuân theo Thánh Ý Chúa. Không ai muốn đau khổ cả, nhưng nếu gặp hoàn cảnh đau khổ, chúng ta sẵn sàng vui vẻ chịu đau khổ ở đời này để được hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Phùng Văn Phụng

Ngày 17 tháng 04 năm 2022

(Lễ Phục Sinh)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay