KỶ YẾU MỘT “H O”

 

KỶ YẾU MỘT “H O”

PHƯỚC AN THY.

Cha Mẹ tôi vốn là phú nông, còn buôn bán thêm từ Huế ra Vinh.

Hồi nhỏ, tôi học trường Don Bosco tại Quảng Trạch – Quảng Bình, do các Cha và các Thầy dòng dạy.

Tháng Bảy 1954, hiệp định Genève ngừng bắn, gia đình tôi Di cư vào Nam lập nghiệp tại Kim Long – Huế.

Vào Nam tôi học các trường Nguyễn Công Trứ – Phan Thanh Giản

– Sao Mai.

Ra trường đi làm và tự lập.

Năm 1959, Cha Mẹ từ Huế vào cưới vợ cho tôi tại Ðà Nẵng.

Ðến năm 23 tuổi, tôi được động viên học khóa 12 Trần Hưng Ðạo – Sĩ quan Thủ Ðức.

Tháng Tám 1960 ra trường với cấp bậc Chuẩn úy.

Ðược tuyển chọn một trong số 10 người trên 1250 sinh viên, về ngành An Ninh Quân Ðội ANQĐ – Bộ Quốc Phòng.

Ðậu thủ khoa trên 25 Sĩ quan và trên 100 Hạ sĩ quan, tôi được Ðại tá Ðỗ Mậu – Giám đốc Nha ANQÐ – Bộ Quốc Phòng, sau là Thiếu tướng thông tin, trao bằng Danh dự cùng quà tặng trước sự hiện diện của Quân nhân, gia đình binh sĩ và ban Văn nghệ bậc nhất thời bấy giờ.

Ra trường, tôi được Ðại úy Dương Tiến, sau là Trung tá Chánh Sở I ANQÐ, giới thiệu về làm việc ở Sở I ANQÐ.

Tôi được chỉ định làm Trưởng Ban I/ Phòng Nhân viên, theo dõi điều chỉnh hồ sơ, vẽ sơ đồ..

Sau một thời gian, tôi nhận được công điện thuyên chuyển về cục ANQÐ tại Saigon, được “bố trí” trưởng ban I, phòng bảo vệ do Ðại úy Phạm Thành Kiếm làm Trưởng phòng.

Tại Cục ANQÐ, tôi được yêu cầu huấn luyện cho Sĩ quan, Hạ sĩ quan về đề tài bảo vệ Cơ sở.

Sau đó lại được hoán đổi về Sở I ANQÐ tại Ðà Nẵng, Sở yêu cầu tôi tổ chức liên tục các khóa An ninh căn bản cho Sĩ quan, Hạ sĩ quan An ninh trong đơn vị, trong số học viên khóa tu bổ tại Ðà Nẵng có Trung tá Tài là cấp bậc lớn nhất.

Mỗi khóa học một tháng, số học viên từ 40 đến 50 người, bằng cấp do Trung tá chánh Sở ký, với kiến thị của Trung tướng Tư lịnh Quân đoàn I.

Sau đó tôi được theo học hai khóa cấp I và cấp II tình báo tại trường Quân báo Cây Mai, rồi Du học tại trường phản tình báo Okinawa – Nhật Bản, tốt nghiệp hạng ưu.

Ðại tá Chu Văn Sáng về làm Chánh Sở I ANQÐ, gia đình tôi được cho ở trong dãy nhà Sĩ quan tại sở.

Trong 17 năm làm việc tại Sở I ANQÐ, tôi đã giữ các chức vụ:

Phụ tá Trưởng ty ANQÐ Quảng Trị, phụ tá Trưởng Phòng An Ninh Quân đoàn cho Thiếu tá Hồ Văn Thống, Trưởng phòng Ban Khai Thác, Chánh văn phòng.

Ngày 1 tháng 3, Ðại tá Sáng vào Nha Trang nhận chức Chánh Sở II ANQÐ, tôi vào nhận chức Trưởng chi ANQÐ Ninh Hòa.

Sau đó tôi làm Trưởng ban phản tình báo Cam Ranh – Khánh Hoà cho tới ngày “mất nước”, thầy trò dắt nhau đi ở tù “cải tạo.”

Sau 30/4/1975, vợ và các con tôi không nhà, không nơi nương tựa phải đi “kinh tế mới”.

Mấy mẹ con lên kinh tế mới được một năm thì vợ tôi bị bịnh sốt rét, và qua đời tại bịnh viện Khánh Hòa.

Cha Mẹ tôi đưa xác về chôn cất tại Cam Ranh.

Một người vợ hiền lành, mảnh mai, lâm cảnh cơ hàn, chết bơ vơ trong cảnh đổi đời.

Các con mồ côi, đào bới đất đá nơi núi rừng mà sống.

Còn tôi trong trại tù, lao động cực khổ, sắn ăn cầm hơi. Tôi lãnh “ba nhiệm kỳ”, chín năm tù, ra trại bị quản chế tại kinh tế mới ở Khánh Hòa ba năm.

Ở trại tù miền Bắc, tôi được cho đi làm ngoài, toán sáu người đi chặt nứa. Anh em lo chặc nứa phần của tôi, để tôi vào nhà dân mua bán đổi chác giùm anh em. Anh em đưa áo quần cho tôi nhờ đổi con gà luộc hoặc ký đường cát.

Nhờ vậy mà mỗi ngày tôi có điều kiện luộc sắn cho anh em ăn, còn đem về trại cho một hai anh em bạn thân khác, trong số có người bạn quê Lệ Thủy là ưu tiên.

Về sau, hắn đổi qua láng khác, tôi vẫn cho đồ ăn, nhưng hắn ghen tỵ nên báo cáo để cán bộ bắt quả tang.

Thật ra, mua bán đổi chác chỉ nhốt năm ba bữa, nhưng tôi bị xui là buổi sinh hoạt đêm qua, tôi phát biểu về mánh khóe bớt xén gạo nhà bếp của Thượng úy Tẩu làm hậu cần, quê ở Quảng Nam.

Tên này, do tôi tố cáo với Thượng úy Huệ, Sĩ quan thanh tra liên trại, nên bị sa thải tại chỗ. Tuy nhiên đêm trước đó, hắn đã ra lệnh nhốt tôi phòng cách biệt, phòng cách biệt rộng khoảng 1 thước vuông, làm bằng nứa, đổ đất ở giữa.

Đêm đến hắn cho lính canh vào đánh tôi, may là tụi lính canh thương hại nên chỉ đánh đá vào vách tường.

Tuần đầu tôi bị nhốt, do Trung sĩ Phát trông coi rất dễ chịu. Tuần thứ hai, tên Trung sĩ Minh đổi toán thay cho Trung sĩ Phát. Bàn giao xong, tên Trung sĩ Minh đi một mình xuống trại giam, bắt trói hai tay tôi ra sau, vào cột nhà.

Hắn đánh đập vào đầu, đá vào ngực tôi liên tục nhiều giờ.

Biết tên này hung dữ, lỡ đánh chết mình thì oan, hắn mang lòng thù oán vì có hai người anh tử trận ở miền Nam, tôi giả vờ nói:

“Qua một tuần lễ suy nghĩ, tôi biết việc làm sai trái, cán bộ để tôi cung khai, cả người mua lẫn người bán”.

Hắn tin, đưa tôi lên bàn ăn ngoài láng, đưa bút giấy cho tôi khai. Hắn giao cho tên Ngọc là Tàu lai đứng trên chòi, canh chừng tôi. Hết giờ làm việc, tên Ngọc quay mặt ra ngoài, chậm rãi đánh kiểng.

Đây là giờ khởi sự cho việc trốn trại của tôi.

Tôi vội chạy vào trại thay bộ đồ đi rừng, chụp cái nón lá, đạp hàng rào ra ngoài, rồi lẻn quay ngược lên khu vệ binh riêng biệt cạnh trại để trốn.

Bọn chúng không ngờ tôi còn ở trong trại, nên rải quân hàng ngang từ lính chí quan, lần lượt từ đồi sắn này đến đồi sắn khác, cán bộ dùng loa kêu gọi bảo lãnh tánh mạng cho tôi.

Ðến khoảng 2 giờ, mệt lả, đói bụng, chúng kéo nhau về.

Tôi xuống đồi, đến nhà anh Triệu Mai Tân, vợ anh người Tày tên Nghĩa. Anh cho tôi bộ bà ba đen, một dao phay và một cái nón cối. Trước giờ chia tay, tôi nhờ anh lên đồi đốn cho năm cây nứa cỡ bằng cườm chân để vượt hồ Thác Bà rộng chừng hai cây số.

Trời tối đen, tôi vượt hồ Thác Bà.

Ra giữa hồ tôi phải tránh né những bè mảng của dân câu cá. Trong lúc đó, trại cũng cho đốt đuốc truy lùng.

Tôi lên núi, đi bốn ngày đêm, ăn sắn tươi, bắp sống.

Công an, du kích, dân làng các xóm truy lùng tôi ngày đêm. Khi họ cầm đèn bão, bao vây chỉ còn cách nơi tôi trốn khoảng 50 mét, tôi biết mình sẽ bị bắt và sẽ bị đánh đến chết, tôi đọc kinh cầu nguyện dọn mình chịu chết. Bỗng trời đổ cơn mưa gió dữ dội, chịu không nổi vừa mưa gió vừa lạnh, nên họ từ từ rút dần xuống đồi.

Cảm tạ ơn Chúa, Mẹ đã cho tôi thoát chết.

Qua một ngày lội theo ven suối, vào khoảng sáu giờ chiều, tôi vào trình diện liên trại. Tôi được mấy ông Trung tá, Thiếu tá ở liên trại chỉ thị nhà bếp cho tôi một dĩa cơm.

Ăn xong, Thượng úy Huệ dùng đèn pin dẫn qua cánh đồng đưa đến trại 4. Ông này lấy thêm lời khai của tôi vụ Thượng úy Tẩu bớt xén gạo nhà bếp, chi tiết do anh Châu đầu bếp cho tôi biết.

Anh này bị lật mảng, chết đuối tại hồ Thác Bà khi mang cơm cho anh em lao động ăn trưa tại chỗ.

Trung tá Luyện ở trại cũ mang tư trang lên cho tôi, có tên Ngọc gác cổng dẫn đi. Tên Ngọc đi lên với hy vọng đánh tôi vài báng súng. Thiếu úy Huệ ở liên trại bảo hắn ra ngoài chờ bàn giao nên tôi thoát bị đòn.

Tôi được chuyển về trại 3 Tân Kỳ – Nghệ Tĩnh, được chỉ định làm tổ trưởng tổ chuyển vận gồm 10 người từ năm 1982.

Đến năm 1984 tôi được thả về.

Tôi về, ở cùng các con vùng kinh tế mới làm ruộng rẫy, chặt lồ ô về chẻ hom đem ra chợ bán.

Cuộc sống cha con khổ cực, cơm độn khoai sắn, mắm muối qua ngày.

Tại đây, người ta tổ chức một cuộc tập trung nhân dân toàn xã, bắt tôi đọc tiểu sử.

Trưởng công an huyện nói:

“Tiểu sử của anh rất huy hoàng, nhưng anh sống trên xương máu của nhân dân”.

Tôi trả lời:

“Sống chế độ nào, phục vụ chế độ đó, chính phủ trả lương, tôi chẳng bóc lột xương máu nhân dân bao giờ”.

Kết luận, hắn khuyên tôi hòa mình với nhân dân, xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.

Tôi bị trưởng Công an huyện, tù ở đảo về, coi “trọng” vì tôi là Sĩ quan ngành An ninh phản tình báo. Hắn buộc tôi phải ghi vào một quyển sổ những gì đã học tập, lao động, sinh hoạt hằng ngày… Trình diện, báo cáo cho Công an xã hàng tuần, Công an huyện hàng tháng, suốt ba năm.

Mấy năm sau, nhiều người lo thủ tục giấy tờ đi Mỹ diện “H.O”.

Cái khó khăn bấy giờ của chúng tôi là tiền đâu để lo thủ tục và ở ngoài Trung xa Saigon.

Tôi chạy đến anh em, bà con họ hàng xin xỏ vay mượn, được chừng nào thì lo chừng đó.

Thật tình thì cha con chúng tôi cũng không hy vọng gì mấy, làm hồ sơ thì làm chứ không có đủ tiền để lo lót đến nơi đến chốn, chỉ cầu may.

Chờ đợi mấy năm, chúng tôi nhận được giấy báo, rồi giấy phỏng vấn. Chúng tôi lại chạy vay tiền bạc vào Saigon phỏng vấn, khám sức khỏe. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được ngày được đi Mỹ.

Từ chốn núi rừng đói rách, đặt chân lên đất Mỹ văn minh, nhà cao, đường lớn, tâm trạng chúng tôi thật háo hức và cũng đầy âu lo.

Gia đình tôi đến Mỹ năm 1994.

Sau 16 năm định cư tại Hoa Kỳ, các con tôi ai cũng từ độc thân, tay trắng, nay đều đã có gia đình, con cái, nhà cửa, xe cộ.

Cuộc sống chúng tôi mọi sự thật đầy đủ, hạnh phúc, duy chỉ có điều buồn là tôi sắp lìa xa các con cháu vì tôi bị ung thư giai đoạn cuối.

Nằm nhà thương, như cây đèn cạn dầu, tôi thở, ăn uống bằng những ống dây, không nói được lời nào đã gần hai năm nay.

Thân xác tôi ốm yếu, nhỏ thó như một đứa con nít thiếu ăn, tinh thần yếu kém, mọi chăm sóc cá nhân đều nhờ người khác.

Bác sĩ nói, tôi không còn sống được bao ngày nữa.

Thế là hết một kiếp người.

Cảm tạ ơn trên đã quan phòng, che chở cho gia đình tôi bình yên.

Cám ơn các ân nhân đã giúp cha con tôi được định cư tại Hoa Kỳ.

“H.O” – 26, viết trên giường bệnh trước khi từ giã gia đình và bằng hữu…..

Phuoc An Thy

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay