Những đứa trẻ với ước muốn thoát nghèo

Những đứa trẻ với ước muốn thoát nghèo

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-03-28

nguồn:RFA

thanhhoa.gov.vn-305.jpg

Một lớp học ở trường tiểu học Trung Lý I, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa.

Photo courtesy of thanhhoa.gov.vn

Nghe bài này

Tải xuống – download

Chiềng, một bản xa và nghèo nhất xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nơi phần đông cư dân sống bằng nghề cuốc đất trồng khoai bao đời nay.

Trường học quá xa

Để đến trường mỗi ngày, các em học sinh ở bản Chiềng phải vất vả lội bộ năm cây số ra bản Cò Cài, nơi có trường  tiểu học Trung Lý 2.

Thầy Phạm Đăng Dung, hiệu trưởng trường tiểu học Trung Lý 2, cho biết:

“Bản Cò Cài thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa và đặc biệt khó khăn của tỉnh và của huyện. Đồng bào nghèo ở khu vực, căn bản dân tộc Thái là chủ yếu, Thái trắng, thì làm nương làm rẫy thôi.”

Thấy con đội nắng đội mưa đi học xa, cha mẹ ra Cò Cài dựng lán cho con ở gần trường để đi học:

“Gọi là làm nhà tạm cho hai em học sinh ấy ở, bố mẹ thì ở trên nương cách nơi các em 5 kilômét để lao động sản xuất. Thứ Bảy và Chủ Nhật các em lại về với bố mẹ, chiều Chủ Nhật lại vào khu trường. Hàng tuần như vậy gia đình cũng hỗ trợ ít thức ăn để các em tự túc, lo toan  cuộc sống.”

Hai em học sinh mà thầy hiệu trưởng Phạm Đăng Dung vừa nhắc tới là Phạm Thị Nguyệt và Ngân Thị Đòa, mười một tuổi, học lớp Năm trường Trung Lý 2. Từ mấy năm nay, cả hai ở ngoài lán do cha mẹ dựng gần trường, mang theo em nhỏ vào để trông và dẫn em đi học cùng.

Bản Cò Cài nằm ngoài vùng phủ sóng nên muốn nói  chuyện qua điện thoại thì mấy thầy trò phải ra một nơi có thể  bắt sóng liên lạc. Đây cũng là lần đầu Phạm Thị Nguyệt cầm đến cái điện thọai di động để  nói với Thanh Trúc. Năm bảy tuổi, còn học Lớp Một, Nguyệt đã ra lán ở với đứa em trai năm tuổi rồi:

Bố mẹ thấy trường xa quá nên bố mẹ vào dựng lều cho đi học. Cái lều bằng tre và gỗ lấy ở trên rừng. Em ở với hai em, em nhỏ của em học Lớp Ba và một em học Mẫu Giáo.
-Ngân Thị Đòa

Đêm đầu tiên ở một mình, Nguyệt nhớ lại, Kiên khóc vì thiếu bố mẹ, Nguyệt dỗ dành mãi em mới nín:

“Nhà của cháu lợp bằng tre, cháu là người dân tộc Thái, cháu học Lớp Năm trường tiểu học Trung Lý 2. Vì cháu muốn học mà bố mẹ ở xa  nên bố mẹ vào lợp nhà cho, nhà chỉ có một phòng thôi, không có bếp.”

Khi được hỏi ăn uống ra sao thì Nguyệt cho biết thêm là hai chị em tự nấu cơm ăn với rau hái trên rừng chứ không có tiền mua thịt.

Ước mơ của Nguyệt là “lớn lên làm bác sĩ vì mấy năm nay mẹ em ốm nên em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, nhà em nghèo. Em cũng không thích đồ chơi, Kiên thì thích xe ô tô.”

Đó là cô bé Phạm Thị Nguyệt mà chừng như khôn lớn trước khi kịp hồn nhiên tuổi nhỏ. Cứ mỗi chiều tan trường, Nguyệt về lán chuẩn bị nhóm lửa bắt cơm, giao cho Kiên trông giúp rồi mang quần áo xuống giặt dưới suối. Thực sự trước đó vì thấy con ham học, vả lại muốn con quen với cuộc sống tự lập, cả nhà Nguyệt dọn ra  Cò Cài một thời gian.

Được một năm, bố mẹ Nguyệt về lại dưới Chiềng để đi nương, còn hai chị em ở lại lán trên Cò Cài để tiếp tục đi học.

Theo thầy Phạm Đăng Dung cho biết, Vì lán ở cạnh suối, nước thường lên cao những ngày mưa, chị em Nguyệt dắt díu nhau trên chiếc cầu ghép bằng cây ngang giòng suối, có khi đến trường thì đã ướt ngoi ngóp. Vậy mà cô học trò siêng năng này không nghỉ học buổi nào.

Cách đó không bao xa là lán của Ngân Thị Đòa. Đòa vào Cò Cài đã hai năm. Ngày trước, Đòa đi học bên xã Mường Lý, mỗi lần đến trường thì phải ngồi bè qua sông Mã. Cảm giác hồi hộp mà Đòa nhớ lại là khi trời mưa nước dâng cao và chiếc bè  cây chở các em trở thành mong manh hơn bao giờ hết. Đòa phải nắm chặt lấy tay hai em và chỉ hết sợ khi bè tấp vào bờ bên kia. Những ngày mưa to quá thì ba chị em đều nghỉ học:

“Bố mẹ thấy trường xa quá nên bố mẹ vào dựng lều cho đi học. Cái lều bằng tre và gỗ lấy ở trên rừng. Em ở với hai em, em nhỏ của em học Lớp Ba và một em học Mẫu Giáo.

Bố mẹ ở ngoài Chiềng, làm nương rẫy để nuôi ba chị em ăn học. Ăn rau rừng và măng. Măng thì hái trên rừng, còn rau thì đi hái ở dưới suối. Gạo thì cuối tuần em ra ở ngoài Chiềng bố mẹ lại lấy cho, chiều Chủ Nhật lại vào. Thường thì ăn rau thôi, không có thịt, có lần bố đi săn được thì bố gởi vào cho.

Ước mơ của Đòa là lớn lên “làm công an, vì em muốn thế giới này không còn kẻ xấu.”

Phải ở lán mà đi học

PIC2-200.jpg

Pham Thi Nguyet va em trai ten Kien trong lan cua hai em. Photo courtesy of Hoang Phuong

Nhà của Đòa trong bản Chiềng có tất cả bốn chị em. Khi Đòa học xong Lớp Ba, bố mẹ muốn em nghỉ học vì sợ có lúc em sẽ bị  rơi xuống sông khi đi bè tới trường, hơn nữa tiền đi bè mảng xem ra còn nhiều hơn cả học phí. Đứa em gái kế Đòa đã phải nghỉ học để phụ bố mẹ đi nương. Sợ hai em sau thất học, Đòa khóc lóc năn nỉ bố mẹ cho ba chị em ra ở lán ngoài Cò Cài như bạn Nguyệt. Đó là lý do thúc đẩy em phải chăm em giúp em học cho giỏi để sau này hai em trở thành bác sĩ và giáo viên như mơ ước:

“Em phải cố gắng học thật giỏi để có thể đạt được ước mơ của mình. Em ao ước những giấc mơ của chúng em sẽ thành hiện thực.”

Thương quá các em tôi, những đứa bé  sớm hiểu biết trong  một góc khuất vùng xa  nghèo khó kia, nơi mà thầy hiệu trưởng  Phạm Đăng Dung  của trường Trung Lý 2  thường hãnh diện khi nhắc tới  hai tấm gương  hiếu học,  ngoan ngoãn và chăm chỉ của trường:

“Từ Lớp Một đến Lớp Bốn Nguyệt là học sinh tiên tiến, một trong những học sinh hàng đầu của trường về cả hạnh kiểm lẫn học lực. Vừa rồi em có đi thi giao lưu học sinh giỏi cấp huyện và cũng đoạt giải. Nói chung Nguyệt rất chăm chỉ học tập.”

Đòa cũng vậy, mới đây em cũng được đại diện trường cùng với Nguyệt góp mặt trong chuyến đi giao lưu học sinh giỏi từ các trường tiểu học trong địa bàn huyện Mường Lát:

“Đòa thì mới chuyển sang trường hai năm nay, học lực của Đòa  khá. Nguyệt là giỏi nhưng mà Đòa thì khá. Em Đòa được bố mẹ quan tâm hơn một chút vì bố mẹ có điều kiện hơn.”

Được cái dân tình ở bản Cò Cài  hiền lành và chơn chất, mọi người đều biết nhau và biết cảnh sống xa nhà của các học sinh nhỏ trong những ngôi nhà tạm của các em, thầy hiệu trưởng Phạm Đăng Dung nói:

“Đã nói nhà tạm thì không kiên cố được, nhà tạm cho em ở nói chung chỉ ở mức đảm bảo ở được thôi. Hầu hết dân trên địa bàn đều làm nhà sàn, mô hình nhà sàn của người dân tộc. Khí hậu cũng tương đối khắc nghiệt, mùa đông rất lạnh, mùa hè thì nóng mặc dù ở trên rừng nhưng giáp Lào. Điều kiện ở thì cũng có chăn có nệm, tương đối là đảm bảo cuộc sống”

Chăn mền, vài bộ quần áo và sách vở, là tất cả những gì đáng giá trong lán của Nguyệt và Đòa. Mỗi cuối tuần hai chị dẫn các em băng rừng về bản Chiềng, được bố mẹ gom góp cho ít  gạo và thức ăn, chiều Chủ Nhật dắt  nhau trở về lán ở bản Cò Cài.

Nhờ học giỏi, hai em được trường miễn mọi khoản đóng góp. Thấy cô cũng thường đến lán thăm nom khuyến khích các em học, xin điện từ nhà dân bắt vào lán để các em có ánh sáng học bài.

Học sinh trường Trung Lý 2  huyện Mường Lát hầu hết là người Thái và người H’mông, nhà nào cũng hoàn cảnh khó khăn, con cái không học đến nơi đến chốn, kịp đến tuổi thanh thiếu niên thì đi làm rẫy với bố mẹ rồi lập gia đình sớm:

“Về thực chất, trước nhất là xuất phát điểm thấp, hai nữa lực học của các em không được cao, thứ ba là điều kiện gia đình rồi cái quan tâm của gia đình còn nhiều hạn chế, nên  việc để học và thi đỗ vào các trường đại học hoặc là các trường cao đẳng trong cả nước là hơi ít.

Cái thực tế của địa phương là khi các em học hết Cấp Một thì lên học Cấp Hai trên xã. Đường lên xã là băng qua hai mươi lăm cây số đường rừng nữa. Qua Cấp Hai thì có thể vào học Cấp Ba, còn nếu như em nào không theo được thì nghỉ ở nhà, xây dựng gia đình, tiếp tục cuộc sống làm nương rẫy như bố mẹ hoặc đi làm công nhân viên miền Nam miền Bắc chẳng hạn.

Chính vì thế  dù như cha mẹ có cho con ra ở lán, ở trong nhà tạm gần trường để đi học như Nguyệt và Đòa , thầy Phạm Đăng Dung nói tiếp, tưởng cũng là những tấm  gương vượt khó tiêu biểu  và rất đáng kỳ vọng:

“Ở góc độ người giáo dục và người thầy cái vui nhất là các em đã vượt hoàn cảnh khó khăn và biết vươn lên trong cuộc sống của mình của gia đình, biết vươn lên trong học tập. Các em biết suy nghĩ, biết lo lắng, biết hướng tới một tương lai để sau này giúp ích được điều gì đó cho quê hương cho làng xã của các em, nơi đang còn rất nghèo.”

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi với câu chuyện ở lán nuôi em ăn học của Phạm Thị Nguyệt và Ngân Thị Đòa tại bản Cò Cài, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, chấm hết ở đây.

Xin liên lạc và  góp ý qua địa chỉ:  nguyent@rfa.org

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay