Bức thơ cũ gởi anh Dương Văn Long hồi năm 2006

Bức thơ cũ gởi anh Dương Văn Long hồi năm 2006

     Thân gởi anh Dương Văn Long (1)

           Nhận được thơ anh gởi và đồng thời anh cũng đã gởi cho thầy Bằng, cựu Hiệu Trưởng trường trung học Lương Văn Can và gởi cho Tuyết Lâm, cựu học sinh. Trong thơ gởi cho thầy Bằng, anh có nói “cùng tuổi nhau sao giờ tôi lại có trí nhớ kém quá, sức khỏe thì yếu hẳn’’ và anh viết “rồi anh em sẽ ra đi lần lần theo luật tạo hóa mà.”

Ðọc câu này của anh mà lòng tôi thấy một nỗi buồn thắm thía. Rồi “anh em sẽ ra đi theo luật tạo hóa mà” hay một cách khác có thể nói:

làm người ai cũng phải chết,

chúng ta là người,

vậy chúng ta phải chết.

***

                 Khi tôi về trường Lương Văn Can thì anh đã là Nghị viên Hội đồng Ðô Thành Sài gòn rồi. Tôi lúc đó 28 tuổi còn anh 31 tuổi. Tuổi này là tuổi của mộng mơ, trong tâm tư anh cũng như tôi đều nuôi những tham vọng lớn, làm việc hết sức mình, ngoài những công việc thuần túy dạy học, anh và tôi đều muốn đi vào con đường khác hơn là chỉ ngồi trong mái nhà trường, chỉ đi dạy học, để hy vọng giúp ích gì được cho đất nước, cho dân tộc.

                 Ba mươi mốt năm qua, anh và tôi cũng không còn làm nghề “gõ đầu trẻ”. Có vài người bạn nói rằng chúng ta đã không còn làm thầy giáo và đã “tháo giày’’ hay họ còn đùa nặng hơn nữa là đã… “mất dạy’’. Nói đùa cho cho vui theo kiểu nói lái của dân miền Nam để diễn tả hoàn cảnh bi đát của thầy giáo sau năm 1975.

             Tôi phải vào trại cải tạo gần 8 năm, trong những năm bị tù đày này, tôi không thấy còn có chút gì tương lai và đã nghĩ rằng sẽ được chỉ định cư trú ở Thanh Hóa (tướng Nguyễn Hữu Có lo việc này) – sự chỉ định cư trú vĩnh viễn này đã xảy ra ở Nga dưới thời Stalin, ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Ðông – vợ con sẽ về đó ở, nếu muốn. Ðó là tin tức được nghe từ trong trại cải tạo trong những năm 1980. Lúc đó tôi mới nghĩ là thôi hết rồi, cuộc đời mình đã tàn rồi, suốt đời sẽ cuốc đất trồng khoai, lên rừng đốn củi, xuống suối bắt cá, sẽ không còn nhìn thấy gia đình, bà con, bạn bè hay nhìn thấy thành phố Sài gòn nữa.

                 Anh ở bên ngoài, khi đi trình diện, cán bộ hỏi phần đảng phái, anh nói rằng: “anh ghi là không có. Cán bộ cộng sản ghi tên lúc đó đã kéo kiếng cận xuống, lõ con mắt ngó anh” và ra điều nghi ngờ lời khai của anh.

                  Sau khi đi cải tạo về khoảng đầu năm 1983 tôi có gặp anh mấy lần ở quận 8, khoảng cuối những năm 1984, 1985, lần chót gặp anh khoảng tháng 05 năm 2005 cùng với hơn 60 cựu hoc sinh tại nhà hàng 241, mà chủ nhà hàng này là Bửu Khánh, một cựu học sinh của trường Lương Văn Can, nhân tiện lúc tôi về chịu tang cha tôi mất.

***

               Từ nhà ga ở Hà Nội, tôi đón xe lửa về thành phố Sài gòn chỉ có cái “giấy ra trại” là tờ giấy lận lưng mà thôi. Tôi đem trở về Sài gòn mùng, mền, áo quần mà tôi đã mang đi theo khi vô tù, hồi tháng 06 năm 1975. Mùng, mền, áo quần này sau gần tám năm đã cũ, đã rách, đã rệu rã, vậy mà đi ngang qua thành phố Quảng Ngãi cũng bán được ít tiền để làm chuyến hành trình trở về nhà, về với gia đình, vợ con. Bán mùng mền, áo quần cũ có chút đỉnh tiền, mua được tô hủ tiếu và dư một ít trả tiền xe ôm về đến bến xe Nguyễn Biểu.

                Xa Sài gòn sau gần tám năm, lần đầu tiên trở lại, tôi như lạc bước vào thành phố nào lạ quắc, lạ quơ. Trên con đường Phạm Thế Hiển tôi đã đi lại thường xuyên lúc còn đi dạy học, vậy mà nay tôi thấy hoàn toàn đổi khác. Nhà cửa thấy lạ. Có nhiều nhà mới mọc lên. Có nhiều nhà nhô ra phía trước, dường như làm cho đường Phạm Thế Hiển nhỏ hẹp hơn.

                Tôi bước vào nhà gặp bốn năm đứa nhỏ đang ngồi học, tôi đâu biết đứa nào là con tôi, đứa nào là học trò. Bà xã tôi đang còn dạy học nên đem học trò về dạy thêm. Vừa bước vào nhà, để cái túi xách cũ xuống đất, tôi vội chạy một mạch từ đàng trước ra đàng sau, tới cửa sắt, ra ngoài sân phía sau nhà, thì nước mắt tôi tự nhiên trào ra, tôi đã khóc thực sự. Cái khóc này là cái khóc vì vui mừng, lần đầu tiên tôi khóc, tưởng rằng đã chết mà nay vẫn còn sống, không ngờ mình về được tới nhà, nơi mình đã sinh sống.

                Bây giờ làm sao để có tiền sinh sống nuôi bản thân, lo cho gia đình? Đã ở tù gần tám năm, đâu có nơi nào nhận mình dạy học trở lại.

                Phải làm đủ các nghề để sống. Mua bịt ni lông dơ ở các điểm thu mua ve chai, lông vịt đem về giặt sạch, phơi khô, bán lấy lời. Làm một hai chuyến bị ép giá, bán lỗ đành phải bỏ nghề này. Ði sang quận bảy tìm mua sách cũ đem ra chợ Sài gòn bán. Mới đi chuyến đầu, chưa bán được cuốn sách nào, đã bị tịch thu hết. Lúc đi bán đó, tôi có dẫn con gái 13 tuổi đi theo. Tôi không biết than thở cùng ai chỉ nói với con gái: “Mình mất sạch hết vốn rồi con ơi’’. Tôi còn phải ký biên bản không được buôn bán chợ trời nữa. Biết làm sao để kiếm tiền sống đây?

                 Gặp anh Ðạt, bạn tù cũ ở Vĩnh Phú, có chiếc xe xích lô đạp cho mượn. Vội vàng thay bộ đồ cũ, leo lên xe đạp chạy qua bến xe Chợ Lớn để tìm khách. Vừa đậu xe trước chợ, vì là lần đầu chạy xe nên không biết chỗ nào cấm đậu, chỗ nào được đậu rước khách, nên vừa đến cổng chợ, đang đứng lớ quớ kiếm khách, bị bảo vệ chợ lấy tấm nệm ngồi của khách. Phải bỏ bến xe Chợ lớn chạy vòng qua chợ Nguyễn Tri Phương chở hai vợ chồng người Hoa quá mập khoảng gần 200 kí lô. Hôm sau bỏ nghề luôn vì sau chuyến xe đó cả đêm không ngủ được vì quá mệt do phải đạp xe chở khách không quen.

                  Thôi đành đi bán vé số vậy. Cầm sấp vé số do anh Nguyễn Tấn Thời làm đại lý giao cho để đem bán. Anh Thời tốt nghiệp Cao Học Hành chánh, trước làm ở bộ Tài Chánh không phải đi tù. Không dám bán ở quận 8, sợ gặp học trò cũ, gặp người quen, dấu sấp vé số trong túi, đi qua quận năm để bán, hy vọng không gặp người quen. Nhưng vừa cầm vé số lên mời, lại gặp học trò cũ là Ðặng Thái Sơn, đang đậu xe xích lô đợi khách, mời uống cà phê đen, mời hút điếu thuốc có cán. Lúc đó hút được điếu thuốc có cán (thuốc thơm) là quí lắm rồi. Tôi thấy mắc cở, vội mang vé số về nhà, đưa cho đứa con gái út qua Chánh Hưng bán. Tôi giả từ nghề bán vé số luôn.

                  Rồi đi dạy kèm toán lớp 8, lớp 9, dạy Anh văn vở lòng. Phụ huynh học sinh thương tình thấy hoàn cảnh thất nghiệp, giới thiệu vài học sinh để dạy một tuần đôi ba giờ.

                  Mọi sinh hoạt trong gia đình nhờ bà xã và ba tôi phụ giúp trong những năm đầu khi về từ trại cải tạo.

Kể lễ nỗi niềm tâm sự cùng anh để anh biết cuộc đời tôi lắm gian nan, vất vả.

                 Mới đây anh cựu giáo sư Lương Văn Can, Trần Văn Hát cũng bị tai biến mạch máu não, chưa hồi phục hoàn toàn. Thầy Triết cũng bị bịnh mất trí nhớ. Học trò cũng có nhiều em đã ra đi như Ngô Thanh Hừng, Lê Thành Trưng, Cận chồng của Nguyễn Kim Phụng. Những em học trò này đang trong độ tuổi năm mươi, còn khá trẻ, còn đang sung sức để làm việc đóng góp cho đời.

                Lớp sau này có Nguyễn Thị Thanh Ngọc, đang học trường Lương Văn Can mất lúc 16 tuổi, vào ngày 30 tháng 04 năm 2005 vì bị phỏng nặng do nhà bị cháy. Mẹ của Thanh Ngọc cũng mất vì tình trạng phỏng nặng như trên.

***

                Trước năm 1975, anh là Nghị Viên năng nổ. Nghị Viên đối lập với chánh quyền. Sự can đảm chỉ trích những sai lầm của người đang có quyền lực không phải ai cũng làm được. Ði với quyền lực, tham gia, cộng tác với quyền lực luôn luôn có nhiều quyền lợi hơn là chống đối. Vì chống đối thường chịu nhiều thiệt hại cho bản thân, mất nhiều quyền lợi vật chất. Anh đã đứng vào vị trí đối lập.

                 Có lẽ gốc gác là thầy giáo cũng cần làm gương cho học trò chăng? đứng về phía dân chúng, về phía phụ huynh học sinh hơn là đứng về phía chánh quyền.

                 Nhưng rồi tất cả những nổ lực đó không còn cần thiết trong gia đoạn mới của xã hội mới.

                  Tất cả công việc đó như là “dã tràng xe cát” chăng? Thật ra những việc làm đó với cái tâm trong sáng, với tấm lòng chân thật muốn làm cái gì đó cho đất nước, cho bà con, đồng bào mình. Thì những việc làm đó chắc không thể là vô nghĩa được, phải không anh?

                    Chất keo nối kết những anh chị em Lương Văn Can với nhau, thường thăm hỏi nhau, chia xẻ vui buồn cùng nhau, tôi chỉ nghĩ đơn giản là chúng ta sống với nhau, cùng có tấm lòng quí mến nhau và chúng ta luôn có ý hướng đóng góp cái gì đó tốt hơn cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

***

                    Anh đi qua Mỹ thăm con anh là Phong, dự định xuống Houston cũng là lúc anh Hiệu Trưởng Uông Ðại Bằng đang đi du lịch qua Mỹ có ghé thăm tôi. Tôi cứ đinh ninh là anh sẽ đến thăm Houston luôn cũng là dịp gặp được anh Hiệu Trưởng.

                  Không ngờ anh bị bịnh nặng không thể đi thăm các nơi được.

                  Xin cầu nguyện ơn trên sớm cho anh mau lành bịnh, sức khỏe mau phục hồi.

                   Hy vọng trong năm nay chúng ta sẽ gặp nhau tại trường Lương Văn Can, kỷ niệm 40 năm thành lập trường trong ngày đưa ông Táo Tết cuối năm, Tết 2007 này.

Phùng Văn Phụng

 Ngày 01 tháng 6 năm 2006 – xem lại, tháng 12 năm 2021

(1) Cựu Giáo Sư trường Lương Văn Can, Cựu Nghị Viên Hội Đồng Đô Thành Sài Gòn trước năm 1975. Đã mất ngày 04 tháng 05 năm 2017

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay