Thơ gởi cho H. than phiền về sự vô ơn của bạn bè.

Thơ gởi cho H. than phiền về sự vô ơn của bạn bè.

Thân mến gởi H.,

Trả lời về vấn đề làm ơn cho bạn bè, xin việc cho bạn bè, giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm, rồi họ không thèm nhớ ơn, mà còn nói xấu mình nữa. Nhớ lại câu chuyện 10 người phong cùi được Chúa Giê-su chữa lành, trong đó chỉ có một người cám ơn Chúa mà thôi, còn 9 người kia thì vô ơn đối với Chúa.

***

Tạ ơn Thiên Chúa trong mọi sự, trong mọi hoàn cảnh.

Thông thường không ai có thể cám ơn Thiên Chúa khi gặp hoạn nạn hay gặp tai họa, điều này rất khó làm, nhưng nếu ta có ơn Chúa, nhờ Chúa giúp sức ta có thể làm được. (1)

Khi gặp tai họa hay hoạn nạn, hay người khác nói xấu ta, hảm hại ta, thông thường ta rất chán nản, đau đớn, than van, bực mình, khó chịu về những điều đau đớn mà ta không muốn có.

Nhưng khi than van, bực mình, khó chịu nào có ích gì cho tâm hồn ta. Tại sao ta không phó thác mọi sự trong tay Chúa. Hoặc ta vui vẻ chấp nhận những khó khăn, gian nan, hoạn nạn đó, hay là ta bực mình than thở, thì sự việc vẫn xảy ra như vậy, ta vẫn phải chịu đựng mà thôi. Nếu ta tạ ơn Chúa vì những hoạn nạn đó để ta thông phần, chia xẻ những khổ nạn của Chúa trên đường thập giá mà Chúa đã đi.

Vì có thể đó là chương trình của Thiên Chúa để mình học đức khiêm nhường, nhẫn nhục, học hỏi sự kiên nhẫn, yêu thương.

Nếu ta tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh, trong sự bất như ý, trong hoạn nạn, (rất khó chớ không dễ dàng đâu) khi đó, hạnh phúc và niềm vui sẽ đến với chính mình. Thông thường mỗi người sẽ có thể cảm nghiệm hạnh phúc, niềm vui riêng khi cầu nguyện, tạ ơn Chúa.

 Chúa Giê-su Kitô sẽ giúp cho H. thay đổi tâm tư, tình cảm và ý nghĩ của mình để yêu thương những người gây khó khăn cho mình và không giận hờn họ nữa. (2)

Nếu học và làm theo lời Chúa Giê su đã dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em” (Mt 5,44) mà họ đâu phải là kẻ thù, họ là bạn bè mà, nên ta có thể thay vì bực mình, thù ghét họ thì nên tha thứ và yêu thương.

Nho giáo cũng có dạy: “Thượng bất oán Thiên, hạ bất trách nhân” (trên không oán Trời, dưới không trách người)

Chúa Kitô là nhà tâm lý đại tài. Sự ghen ghét, tức giận làm cho tim ta đập mạnh, tay chân mình lạnh ngắt, khó chịu, mất ngủ, nhưng nếu tự mình thay đổi suy nghĩ, thay vì thù ghét thì tội nghiệp họ, yêu thương họ, thì tâm lý mình sẽ khác đi. Tâm hồn mình sẽ tìm thấy niềm vui. Khi gặp họ mình sẽ bình an, vui vẻ.Tất nhiên tâm hồn mình lạc quan, yêu đời.Trong lòng sẽ hân hoan và dĩ nhiên sẽ đem sự hân hoan, vui vẻ đó để gặp gỡ những người chung quanh, thì họ cũng sẽ hưởng lây tâm tình yêu thương, vui vẻ của mình. Mình vui thì họ cũng vui. Bầu khí chung sẽ vui lên.

***

Người đời thường nói “nhất quá tam: Đúng ra là “sự bất quá tam”, ý muốn nói không được quá ba lần. Tha thứ kẻ lầm lỗi, chỉ nên tha thứ ba lần, nếu vi phạm lần thứ tư phải trách phạt. Còn đối với Chú Giê-su thì tha bảy lần bảy.

Bấy giờ Ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,21-22). Nghĩa là phải tha thứ mãi mãi, tha thứ hoài, vô tận.

Làm sao học tha thứ như khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giê-su đã nói: “Hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”

 Phùng Văn Phụng

09-2021 

  • (1)Sách “Quyền năng của một tâm hồn biết ca ngợi” của Merlin Carothers, trang 16 (bản dịch của Linh mục Nguyễn Đức Mầu)
  • (2)Chuyện tái ông mất ngựa hay luật bù trừ,

Tìm hiểu thành ngữ TÁI ÔNG THẤT MÃ 塞翁失

 Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt.”

Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về lại dẫn thêm một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”

Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá nghĩ ngợi, Tái Ông điềm nhiên: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn nên bị quẫn trí.

Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông vì tàn tật nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.

https://www.facebook.com/vuihocchuhan/posts/2797912963662864/

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay