“Ông Bà Ơi, Tôi Đói Quá”…!

Kimtrong Lam

“Ông Bà Ơi, Tôi Đói Quá”…! –

Phạm Thanh Nghiên

Tình nguyện viên Nguyễn Huyền Trang trao phần cơm nhân ái cho một bà cụ

Hôm bữa, vô tình xem một clip người ta phát trên Facebook. Hình như là chương trình giải trí gì đó của Đài truyền hình Thành Hồ, được mấy fanpage trích đoạn rồi đăng lại. Nhiều năm không xem truyền hình nhà nước nên không biết chương trình nào với chương trình nào nữa. Đã định lướt qua, nhưng thấy nhạc sĩ Trần Tiến xuất hiện trên màn hình, tò mò nán lại xem. Dù gì, Trần Tiến vẫn là một trong số những nhạc sĩ ít ỏi còn lại mà tôi có cảm tình. Người dẫn chương trình hỏi nhạc sĩ Trần Tiến, rằng kỷ niệm nào của thập niên 80 khiến ông nhớ nhất. Trần Tiến trả lời, không đắn đo, đầy vẻ tự sự và (đương nhiên) rất nghệ sĩ: “Đói. Tôi nhớ nhất là những năm ấy đói”…

Cái “đói” nhạc sĩ Trần Tiến nhắc đến, thuộc về những năm 1980, tưởng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội ló mặt trên mảnh đất Sài Gòn này vài chục năm sau đó. Gì chứ cái nghèo thì vô số, nhưng đói, nếu có, cũng hiếm. Nghĩa là “cái đói” không còn phổ biến như trước, hồi mà nhà nhà đều đói, người người đều đói. Thế mà hôm nay nó xộc đến trước cơn thảng thốt của bao người.

Chẳng biết có nên so sánh cái đói của thời bao cấp với cái đói của ngày hôm nay không. Ừ thì xã hội bây giờ nó khác xưa, không còn cảnh ngăn sông cấm chợ, không còn cảnh mua một miếng thịt mà cả kẻ mua lẫn người bán đều vụng trộm, lén lút như đi ăn cắp. Ôi không, có cái gì đó giông giống thì phải. Ngừng đôi chút nghĩ lại coi. Đúng rồi, chả phải dăm hôm trước, mới dăm hôm trước thôi, chồng tôi chẳng đã làm cái việc “vụng trộm” bất đắc dĩ ấy còn gì. Suốt mấy hôm nhà không có rau ăn, chồng tôi đành xách xe lượn ra chợ, hy vọng sẽ mua được vài mớ rau. Các cụ ngày xưa nói cấm sai “ăn cơm không rau như đánh nhau không chửi”. Con bé Tôm thiếu rau, bị táo bón, ngồi bô rặn đỏ cả mặt. Thấy thương.

“Đi chợ” là cách nói theo thói quen. Chứ làm gì còn chợ mà đi. Người ta cấm tiệt từ khi “phong thành” rồi. Chính xác là đi vòng vòng từ nhà ra hướng chợ xem có kiếm được gì để mua không. Một lúc sau chồng tôi về, mồ hôi nhễ nhãi. Tôi chạy ra mở cổng, không giấu được vẻ hồi hộp: “Anh có kiếm được mớ rau nào không?” Chồng tôi không trả lời, chắc do mệt và căng thẳng. Anh gỡ từ quai xe ra hai cái túi đưa cho tôi. Kìa, có những hai mớ rau lang, một mớ rau muống.

Lại còn mua được cả một ký thịt bò ngoài dự định nữa. Mấy mớ rau này ăn dè cũng được vài bữa. Tôi vội vã mang vào bếp, lấy một ít ra nấu, còn lại cất trong tủ lạnh. Ôi chao, có nằm mơ cũng không thể hình dung nổi, ở tuổi ngoài bốn mươi, tôi lại chạm mặt với cái cảm giác “mong như mong mẹ về chợ” của một thời thơ ấu khó nghèo ngày ấy. Chỉ có điều, người đi chợ hôm nay không phải mẹ, mà là chồng tôi. Và tôi, đang là một người mẹ mang vác nỗi ám ảnh về cơn thiếu thốn con cái mình sẽ hứng chịu trong những ngày sắp tới, nếu Sài Gòn tiếp tục bị siết chặt.

Chồng tôi kể, anh ấy vừa đi khỏi thì đám công an và dân phòng ập tới, lập biên bản phạt bà bán thịt trong lúc bà đang bán cho hai người mới đến. Chồng tôi, thế là may. Nếu không thì lôi thôi to. Với anh ấy, sẽ chẳng có chuyện chấp nhận để bị phạt vô lý thế. Gì chứ chuyện cãi lý, đôi co là không tránh khỏi. Rồi biết đâu, lại bị lôi ra đồn công an. Tiện dịp, sẽ bị dí cho cái tai họa nào đó vì thuộc thành phần “phản động”.

Kể mãi chuyện nhà cũng chán. Dù gì, nói thật, nếu Sài Gòn bị siết chặt thêm dăm bảy ngày nữa, nhà tôi vẫn có cơm để ăn. May mắn hơn rất nhiều người khác. Họ đói. Đói từ khi Sài Gòn còn đang bị áp dụng “Chỉ thị 15”, chưa siết chặt bằng “Chỉ thị 16” như sau này. Câu chuyện xảy ra chừng ba tuần trước được chị bạn tôi kể lại. Chả là suốt gần hai tháng bị nhốt trong nhà, thằng con trai mười tuổi của chị có dấu hiệu tâm lý bất thường. Lúc thì như nổi loạn, khi lại trầm tư ít nói. Thương con, hai vợ chồng đánh liều chở thằng bé lên trung tâm thành phố chơi, hy vọng cuộc “thay đổi không khí” sẽ giúp con thoải mái hơn.

Đường sá vắng tanh vì ai cũng được khuyến cáo không nên ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Khu vực Nhà thờ Đức Bà bình thường đông đúc là vậy, hôm nay bỗng rộng mênh mông, nằm im như tiếng thở khẽ khàng, mệt mỏi của thành phố những ngày đau bệnh. Một người đàn ông đeo máy chụp hình, tiến lại gần chị bạn tôi, cất tiếng mời: “Anh chị và cháu chụp tấm hình lưu niệm, tôi chụp cho. Chỉ hai mươi phút là có hình thôi”.

Trong lúc chờ lấy hình, người mẹ đem gói bánh từ trong túi xách ra, đưa cho con. Thằng bé vừa ăn được mấy miếng, một người đàn ông tiến lại gần, vẻ rụt rè: “Cô ơi, làm ơn cho tôi xin chút gì để ăn. Tôi đói quá!”. Chị bạn tôi sững sờ. Không phải vì sự xuất hiện đột ngột của người đàn ông lạ mặt. Ba chữ “tôi đói quá” dội vào tâm can chị, cồn cào như chính cơn đói của người đối diện. Người đàn ông là một lao động tự do, từ khi Sài Gòn bị phong tỏa, ông thất nghiệp, đành xách xe ra đường hy vọng sẽ có ai đó thuê chở đi đâu. Nhưng dịch bệnh, giãn cách thế này, người ta đâu có nhu cầu đi lại. Hơn nữa, cần thì đã gọi Grab, đâu đến lượt xe ôm dạo. Ông ấy đã nhịn đói gần hai ngày, và ngồi bên vỉa hè chờ đợi. Có thể là chờ đợi một bữa ăn từ thiện nào đó, hoặc hy vọng một cuốc xe ôm từ khách vãng lai.

Người đàn ông ngồi bên vỉa hè với tấm bánh chị bạn tôi tặng. Vì lý do tế nhị, chị không dám chụp gần. Tấm hình này, như là một cách lưu giữ lại khoảnh khắc đau yếu của Sài Gòn

Nhưng hôm ấy, chị bạn tôi không chỉ gặp một người đói. Một cụ bà nhem nhuốc; một người mẹ mệt nhoài đang ôm con; một ông cụ gầy yếu; vài người thất nghiệp… Họ lê từng bước nặng nề tiến về phía cặp vợ chồng mới đến để xin sự giúp đỡ.

Gói bánh của cậu con trai không đủ chia cho họ. Số tiền ít ỏi trong ví của anh chồng dốc hết ra, chỉ giúp được vài người qua cơn đói trước mắt. Trên đường về, anh chồng bảo “Gặp nhiều cảnh khổ quá. Hôm nay có mang theo 20 triệu chắc cũng không đủ giúp họ như mình muốn”. Chị vợ không nói gì, người như lả đi vì cảm giác bất lực và xót thương.

Chị nói với tôi: “Em ơi, chắc chị đóng Facebook quá. Chị không chịu đựng nổi khi hàng ngày chứng kiến những cảnh đói khổ, tuyệt vọng của dân mình thế này. Thương quá”. Ừ, thì cũng chỉ dân mình thương dân mình thật sự. Thương bằng miếng cơm, tấm bánh san sẻ cho nhau giữa cơn khốn khó. Thương mộc mạc, thiệt tình thế thôi, cần chi những khẩu hiệu rổn rảng đinh tai nhức óc.

Sài Gòn nhiều người đang đói. Và có vẻ cái đói không muốn ở yên Sài Gòn. Hai hôm trước (ngày 17 Tháng Bảy), người ta đã quyết định siết chặt 19 tỉnh thành phía Nam bằng “Chỉ thị 16” . Vậy là cùng với dịch bệnh, với đủ loại chỉ thị, chỉ đạo, nghị quyết…, cái đói sẽ bủa vây nhiều phận người trong những ngày sắp tới. Cái đói của hôm nay khác nhiều so với cái đói của thập niên 1980 mà nhạc sĩ Trần Tiến nhắc đến. Hôm nay, cái đói bị bỏ quên, bị ai đó cố tình tẩy xóa bằng đủ thứ ngôn ngữ, hình ảnh phô trương trên mặt báo, trên loa phát thanh, trên truyền hình khắp cả nước. Nhưng nó vẫn hiện diện trên đường phố, khắp các ngõ nghách, trong những căn nhà trọ lụp xụp tồi tàn của thành phố một thời hoa lệ.

Vậy nên, chẳng thể gọi nó bằng một cái tên nào khác. Đói là Đói.

Phạm Thanh Nghiên

19 tháng 7, 2021

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay