Thánh Mác-cô-Cha Vương

Chúc bạn và gia đình một ngày tràn đầy sức mạnh và ơn sủng của Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Mác-cô, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 25/04/2024

Thánh Mác-cô là cháu của thánh Bác-na-ba. Người đã đi theo thánh tông đồ Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, và theo đến tận Rô-ma. Người cũng là môn đệ của thánh Phê-rô và là thông ngôn của thánh Phê-rô, đã soạn lời giảng của thánh Phê-rô thành sách Tin Mừng. Truyền thống cho rằng người đã sáng lập giáo đoàn A-lê-xan-ri-a. (Nguồn: Kinh Phụng Vụ)

Những gì chúng ta biết về Thánh Mác-cô thì trực tiếp từ Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Mác-cô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).

Phao-lô và Bác-na-ba  muốn đưa Mác-cô đi trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Mác-cô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Mác-cô, bất kể sự nài nỉ của Bác-na-ba, điều đó chứng tỏ Mác-cô đã làm phật lòng Phao-lô. Sau này, Phao-lô yêu cầu Mác-cô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.

Là Phúc  âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc  âm, Mác-cô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc  âm Thánh Mác-cô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rô-ma—sau cái chết của Thánh Phê-rô và Phao-lô khoảng giữa thập niên 60 và 70.

Cũng như các thánh sử khác, Mác-cô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: “Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Máccô 14:51-52).

Tương truyền thì Mac-cô thành lập Giáo Hội Alexandria (Ai Cập) và chịu tử đạo tại đó năm 68 (bị kéo lê trên đường đá cho đến chết). Thánh tích của ngài được đưa về Venice năm 815. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được cho là nơi chôn cất thánh nhân. Thánh Mác-cô là quan thầy của thành phố Venice và còn là quan thầy của những người làm nghề gương và các lục sự.

Dấu hiệu của Thánh Mác-cô là con sư tử có cánh, do bởi đoạn Mác-cô diễn tả Gio-an Tẩy Giả như một “tiếng kêu trong hoang địa” (Máccô 1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của sư tử là bởi áp dụng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh cho các thánh sử.

LỜI BÀN: Cuộc đời Thánh Mác-cô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương cách của Thánh Mác-cô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình.

LỜI TRÍCH: Hầu hết những gì Thánh Mác-cô viết đều có đề cập đến trong các Phúc  m khác — chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: “… Chuyện nước trời cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Máccô 4:26-29).

(Nguồn: Người Tín Hữu)

From: Do Dzung

Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa  (1 Cor 3:16)-Cha Vương

Ngày thứ 4 an lành nhé! Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn được sống để ca ngợi những vẻ đẹp và vinh quang của Chúa.

Cha Vương

Thứ 4: 24/04/2024

GIÁO LÝ: Đối với Kitô hữu, nền tảng của phẩm giá con người là gì?  Mọi người, từ giây phút đầu tiên trong bụng mẹ, đã có một phẩm giá không ai được xâm phạm, vì từ đời đời, Thiên Chúa đã muốn, đã yêu, đã dựng nên, đã cứu chuộc, và đã định cho họ được hạnh phúc muôn đời. Kitô hữu tin rằng phẩm giá con người có nguồn gốc từ Chúa. (YouCat, số 280)

SUY NIỆM: Nếu ta chỉ đánh giá một người tùy theo thành tích và khả năng của họ, thì những người kém cỏi, bệnh tật, không may mắn sẽ chẳng được quý trọng gì. Kitô hữu tin rằng phẩm giá con người bắt nguồn từ Thiên Chúa: Người coi trọng mỗi con người và yêu thương họ dường như họ là thụ tạo độc nhất của Người trên trần gian. Một em bé có phẩm giá vô hạn, vì Thiên Chúa nhìn đến em, và không ai có quyền phá hủy phẩm giá đó. (YouCat, số 280 t.t.)

LẮNG NGHE: Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (1 Cor 3:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, nền văn hoá sự chết đang hoành hành rất mạnh trong thế giới ngày nay, xin ban cho con lòng can đảm không lùi bước bênh vực cho nền văn hoá sự sống để mọi người đều có cơ hội tận hưởng nguồn hạnh phúc vô tận Chúa ban.

THỰC HÀNH: Cầu nguyện và cổ võ cho nền văn hoá sự sống.

From: Do Dzung

Mẹ ơi Xin Đừng Giết Con – Nguyễn Hồng Ân

Thánh George-Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh George, quan thầy của [các chiến binh], nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 23/04/2024

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.

Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 – 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.

Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.

Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.

Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người “mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa.”

Lời Bàn: Tất cả chúng ta đều có những “con rồng” để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những “con rồng” đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.

Lời Trích: “Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai” (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)

Thánh George, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung        

 Đời Con Có Chúa – Lm Duy Thiên – Nhóm Cadillac 

Tại sao ta cần đức tin và các bí tích để sống đời sống tốt lành và ngay thẳng?- Cha Vương

Ngày Thứ 2 tuyệt vời trong Chúa Kitô Phục Sinh nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 22/4/2024

GIÁO LÝ: Tại sao ta cần đức tin và các bí tích để sống đời sống tốt lành và ngay thẳng?

– Nếu ta chỉ cậy dựa vào chính mình, vào sức riêng mình, ta không thể đi xa hơn, dù cố gắng trở nên tốt lành. Nhờ đức tin, ta thấy mình là con Thiên Chúa, Chúa sẽ giúp ta mạnh sức. Sức mạnh Chúa ban, ta gọi là “ơn Chúa”. Đặc biệt trong các dấu tích thánh mà ta gọi là các bí tích. Chúa ban cho ta năng lực để thực hiện các việc lành mà ta phải làm.

– Vì Thiên Chúa đã nhìn thấy nỗi khổ của ta, Người đã nhờ Con của Người lôi kéo ta ra khỏi quyền lực của tối tăm (Cl 1,13). Người đã ban cho ta khả năng làm một cuộc khởi hành mới để hiệp nhất với Người và tiến đi trong con đường tình yêu. (YouCat, số 279)

SUY NIỆM: Hơn bao giờ hết thế giới đang cần Chúa! Nhiều người mất khả năng nghe lời Chúa và tiếng nói của đồng loại. Có người mất khả năng nói ngôn ngữ của tình yêu, hòa bình và xây dựng với chính mình cũng như tha nhân. Có người mù không nhìn thấy những điều kỳ diệu của Đấng Sáng Tạo mà ca tụng Chúa, cũng như không thấy được sự tốt đẹp nơi tha nhân. Do đó nhân loại cần Chúa để phục hồi lại những gì đã mất vì “Không có Thầy, các con không thể làm được việc gì.” (Ga 15:5)

❦  Đừng để điều gì làm bạn xao xuyến, đừng để điều gì làm bạn sợ hãi. Mọi sự qua đi, Chúa không bao giờ thay đổi. Kiên nhẫn đạt được tất cả. Ai có Chúa thì không còn thíếu gì nữa. Mình Chúa là đầy đủ rồi. (Thánh Têrêsa Avila)

❦  Khi Thiên Chúa biến mất, con người không lớn được. Trái lại, họ mất đi phẩm giá linh thiêng, mất đi sự huy hoàng của Thiên Chúa. Cuối cùng họ chỉ còn là sản phẩm của sự tiến hóa mà người ta có thể sử dụng và lạm dụng. Điều đang xảy ra trong thời nay xác nhận như vậy. (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, 15-8-2005)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Mình. (St 1:27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, như thân xác cần đến hơi thở như thế nào thì linh hồn con cũng cần đến tình yêu và ân sủng của Chúa như vậy, xin tăng thêm lòng ao ước muốn kết hợp với Chúa mỗi ngày càng thâm sâu và mãnh liệt hơn.

THỰC HÀNH: Trong khi làm những việc phải làm hôm nay, hãy hình dung ra Chúa đang làm chung với bạn.

From: Do Dzung

Con Cần Chúa

Chiên Ta thì nghe tiếng Ta.(Ga 10,27-30)- Cha Vương

Hôm nay Lễ Chúa Chiên Lành và cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi. Xin bạn hãy tiếp tục cầu nguyện cho các linh mục và nam nữ tu sĩ của Chúa nhé. Thành thật đa tạ!

Cha Vương

Chúa Nhật: 21/04/2024

TIN MỪNG: Khi đã cho chiên ra hết, anh [mục tử] ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. (Ga 10:4)

SUY NIỆM: Bạn không cần đi đâu xa, ngay trong môi trường sống của bạn bây giờ đang có những tiếng ồn ào náo nhiệt làm bạn mệt mỏi nhức cả đầu. Đúng là cuộc đời vốn luôn ồn ào náo nhiệt trong mọi nơi mọi lúc nếu bạn không biết tự chọn cho mình một nơi thanh vắng để lắng nghe tiếng Chúa. Điều đáng buồn cho con người trong thế giới hôm nay là dường như họ đang mất định hướng trong thế giới náo nhiệt. Họ rơi vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng nhưng rồi con người dường như không bao giờ hạnh phúc trong lợi thú khi họ vất vả tìm kiếm, và càng không có bình yên trong thế giới đầy bon chen tranh giành để sống. Vậy làm sao con người có thể thoát ra được thế giới ồn ào náo nhiệt này? Giải pháp hữu hiệu nhất là bạn phải dành một ít thời gian để lắng lòng, để nhận biết tiếng gọi Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Khi bạn có Chúa là trung tâm của cuộc đời mình, bạn có thể nhìn thấy Chúa trong mọi sự. Một khi bạn nhìn thấy Chúa trong mọi sự rồi thì những tiếng động sẽ không làm bạn nhức cả đầu nữa.  Mình mời bạn hãy tặng cho chính mình mỗi ngày một vài phút cô tịch để đọc Lời Chúa nhé. Đọc Lời Chúa để nghe và nhận ra tiếng thì thầm của Thiên Chúa đang ngỏ lời với bạn: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”(Ga 10,27-30)

LẮNG NGHE: Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2:37)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con người đang lạng lõng giữa muôn vàn âm thanh trong thế giới ồn ào, xin giúp con luôn chọn Chúa để được bước đi trong bình yên và hạnh phúc.

THỰC HÀNH: Thực hiện liệu pháp “2 Không” để sống bình an và hạnh phúc:

(1) Không để người khác cướp mất bình an của mình.

(2) Không để sự bình an của mình bị lệ thuộc vào cảm xúc, ồn ào, xôn xao, bàn tán, thì thầm của người khác.

From: Do Dzung

Chúa Chăn Nuôi Tôi – Nguyễn Hồng Ân

Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống-Cha Vương

Mến chào bình an trong Chúa và Mẹ! Trong những bận rộn của ngày cuối tuần, hy vọng Bạn đừng quên món quà cao quý của Chúa Thánh Thần. Hãy bắt chước Đức Mẹ Maria tại cửa nhà của Elizabeth, hãy mang niềm vui sướng của Chúa Thánh Thần đến cho những người mình gặp hôm nay. Nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 20/04/2024

NĂM SỰ MỪNG: Thứ ba thì ngắm—Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trước tâm trạng buồn sầu, chán nản của các tông đồ sau khi nghe Chúa Giêsu báo trước về việc Ngài sẽ bị bắt, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá (x. Ga 13; Mt 20: 17-19). Đặc biệt, trong lời tâm sự với các tông đồ trong bữa Tiệc Ly trước khi chịu chết để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu trấn an họ và hứa sẽ xin Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần đến ở với họ mãi mãi, và Ngài gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ, Đấng Bào Chữa (Ga 14:16;16:7).

Vậy mỗi khi buồn sầu, chán nản, yếu đuối, bối rối, hoặc gặp thử thách, Bạn hãy xin ơn Chúa Thánh Thần để Ngài truyền sức mạnh, soi sáng và hướng dẫn Bạn sống Đức Tin của mình mỗi ngày. Hôm nay qua việc suy gẫm 10 Kinh Kính Mừng này, Bạn hãy xin cho được lòng đầy rẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần. (Nêu ra ý chỉ cầu xin…)

+ Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

  1. Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. (Cvtđ 2:1) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  2. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. (Cvtđ 2:2) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  3. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (Cvtđ 2:3) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  4. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cvtđ 2:4) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  5. Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. (Cvtđ 2:5) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  6. Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói. (Cvtđ 2:14) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  7.  Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. (Cvtđ 2:38) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  8.  Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. (Cvtđ 2:41) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  9.  Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (Tv 103:30). Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  10.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. Kính mừng Maria đầy ơn phúc…

+ Kinh Sáng Danh: Sáng danh Đức Chúa Cha…

+ Câu Than Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…

+ Kinh Lạy Nữ Vương: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…

+Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay…

From: Do Dzung

Thánh Thần Hãy Đến – Diệu Hiền ft. Phi Nguyễn 

Việc an táng Kitô hữu có đặc điểm gì?-Cha Vương

Nếu không có đường thì kẹo cũng là thứ bỏ đi. Nếu không có cà phê, thứ 6 sẽ chẳng còn tinh thần. Nếu không Chúa cuộc đời sẽ tàn úa. Nếu không nhận được tin nhắn hôm nay, bạn cũng thiếu thiếu gì đó… 🙂 Ngày thứ 6 bình yên vui zẻ nhé!

Cha Vương

♪ Mời bạn nghe bài nhạc của Cha Thức địa phận  nhà—Galveston-Houston, cây nhà lá vườn. Hoan hô cha Thức!

Thứ 6: 19/04/2024

GIÁO LÝ: Việc an táng Kitô hữu có đặc điểm gì? An táng Kitô hữu là việc được cộng đoàn Công giáo thực hiện để cầu cho người quá cố được ơn phúc. Lễ nghi an táng bày tỏ nỗi đau buồn của thân nhân người đã qua đời, tuy nhiên, qua lễ nghi, Hội thánh muốn làm nổi bật đặc tính Vượt qua để phục sinh của cái chết Kitô giáo. Chúng ta chết trong Chúa Kitô để có thể cử hành lễ Phục sinh với Người. (YouCat, số 278)

SUY NIỆM: Nhờ cái chết mà ta không xa lìa nhau, vì ta đều đi cùng một đường, và ta sẽ lại gặp nhau tất cả ở cùng một nơi. (Thánh Symêon người Thessalônica, 1429 nhà thần học). Khi tôn kính thi hài người qua đời, là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh tuyên xưng niềm tin vào sự sống vĩnh cửu, qua việc đọc kinh cầu nguyện từ khi hấp hối, tắt thở đến khi chôn cất. Với ý nghĩa đó, việc cầu nguyện cho người quá cố được diễn ra theo từng giai đoạn: canh thức tại nhà tang, lúc nhập quan, chuyển linh cữu đến nhà thờ, Thánh lễ an táng, và nơi phần mộ.

❦ Tại nhà tang: người thân và cộng đoàn tập họp lại để nghe Lời Chúa, như những lời an ủi và khơi lên niềm hy vọng sống lại. Việc đọc Lời Chúa vừa là việc công bố mầu nhiệm phục sinh, khơi lên niềm hy vọng sẽ gặp nhau trong Nước Thiên Chúa, vừa hướng lòng người tín hữu tưởng nhớ đến người quá cố, và thúc đẩy họ trở nên nhân chứng trong đời sống Kitô hữu.

❦  Tại Nhà Thờ: Linh mục cử hành Thánh lễ, với tư cách là người giáo dục đức tin và là thừa tác viên an ủi. Ngài phó dâng người quá cố cho Chúa, khơi lên niềm hy vọng nơi người hiện diện, hun đúc niềm tin của cộng đoàn vào mầu nhiệm chết và phục sinh.

❦  Tại Đất thánh: là nơi thân xác người tín hữu được chôn cất để chờ ngày phục sinh. Hội Thánh cho phép hoả thiêu, nhưng không được rải tro cốt xuống biển, xuống đất hay trong không khí, mà đặt ở Đất thánh, nhà hài cốt hoặc ở một nơi xứng hợp, để chờ ngày phục sinh.

❦  Ngoài Thánh lễ, Nghi thức an táng cử hành tại nhà thờ có thể do phó tế chủ sự. Giáo dân được khuyến khích chủ sự các nghi thức tại nhà tang và nghĩa địa.

LẮNG NGHE: Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. (Rm 5:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, Chúa đã chết để cho con được sống, xin tăng thêm niềm tin và hy vọng vào mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Vực Sâu.

From: Do Dzung

Có Chúa Đời Không Úa – Sáng Tác: Mido – Lm. Thao Thức

Chặng đường Thánh giá là gì?- Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Nguyện xin Chúa cất đi những gánh nặng đang đè nặng trên vai bạn hôm nay.

Cha Vương

Thứ 5: 18/04/2024

GIÁO LÝ:  Chặng đường Thánh giá là gì? Theo Chúa Giêsu vác thánh giá lên núi Sọ bằng cách cầu nguyện và suy gẫm 14 chặng đàng là sự sùng kính rất cổ xưa trong Hội thánh, nhất là trong mùa Chay và Tuần Thánh. (YouCat, số 277)

SUY NIỆM: 

❦  Thánh giá của Chúa ôm ấp toàn thế giới. Đường thánh giá của Chúa đi ngang qua các lục địa và ngang qua cả thời gian. Theo dõi đường thánh giá, chúng ta không thể chỉ là những khán giả vô tư. Chúng ta cũng phải tham gia vào đường thánh giá và phải tìm xem chỗ của chúng ta là chỗ nào. Chúng ta đang ở đâu? (Đức Bênêđictô XVI, 14-4-2006)

❦  Thánh giá của bạn. Sự khôn ngoan vô cùng tự đời đời đã tặng ban cho bạn thánh giá như một món quà quý báu. Thánh giá này trước khi trao cho bạn, Người đã nhìn bằng đôi mắt biết hết mọi sự, Người đã suy nghĩ trong trí tuệ thần linh của Người, Người đã nghiên cứu với sự công chính dịu dàng của Người, Người đã đo để xem nó có to quá không, đã cân để xem nó có quá nặng không. Rồi Người đã chúc lành cho nó bằng danh Thánh của Người, Người đã xức dầu bằng ân sủng của Người, và nó được thấm nhuần sự an ủi của Người. Rồi Người còn đánh giá sự can đảm của bạn, và ngay bây giờ Người từ trời đến với bạn, như ân huệ của Thiên Chúa nhân lành, ân huệ của tình yêu thương xót của Người.—Thánh Phanxicô Salêsiô. (YouCat, số  277 t.t.)

LẮNG NGHE: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (Mt 16:24).

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa vác thập giá trên vai để biến nó thành Thánh Giá có gia trị cứu chuộc con và nhân loại, xin thêm ơn can đảm và sức mạnh cho con, để con tiếp tục vác thập giá theo Chúa cho đến cùng.

THỰC HÀNH: Đâu là những thập giá mà bạn đang phải gánh vác? Nhìn lên Thánh Giá Chúa Giê-su với niềm hy vọng vào ơn cứu độ của sự đau khổ.

From: Do Dzung

Thánh Giá Đức Kitô (Sáng tác: Sr. M. Tigon) 

Đi “Hành hương” có mục đích gì?-Cha Vương

Ước mong bạn gặp được Chúa là Đấng đang tìm kiếm bạn. Xin một lời cầu nguyện cho linh hồn Tu Sĩ Linh Mục Phêrô Têrêsa Nguyễn Minh Gần, Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ, 59 tuổi, mới qua đời ngày 14-4-2024,

Cha Vương

Thứ 4:17:04/2024

GIÁO LÝ:  Đi “Hành hương” có mục đích gì? Một ít người đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân”, họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằng cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa. (YouCat, số 276)

SUY NIỆM: Trong Cựu ước dân Israel hành hương lên Đền Thờ Giêrusalem. Các Kitô hữu thời Trung cổ cũng hành hương đến các nơi thánh, đến Giêrusalem, đến Rôma, đến mộ các thánh tông đồ … Kitô hữu đi bộ khi hành hương thường để đền tội, và thường người ta bị thúc đẩy bởi ý nghĩ sai lầm rằng những việc tự động hãm mình có thể làm cho mình nên công chính trước mặt Chúa. Ngày nay đã đổi mới, Kitô hữu đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi thánh. Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với Chúa. (YouCat, số  276 t.t.)

❦ Hội thánh bước đi vững vàng, tiến về đường hành hương của mình, giữa những thử thách trên đời và những an ủi của Thiên Chúa. (Thánh Augustinô)

❦ Những con đường của Thiên Chúa là những con đường mà chính Thiên Chúa đã mượn mà ngày nay ta phải bước đi cùng với Người. (Dietrich Bonhoeffer)

LẮNG NGHE: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa”. Chân chúng ta đã đứng nơi cửa tiền đình, Giêrusalem. (Tv 122:1-2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, “Ở trên đời, con là thân lữ khách”, xin cho mỗi bước chân con đi, những nơi con đến, những người con gặp hôm nay cũng là một cuộc hành hương nhỏ để gặp Chúa và gắn bó với Chúa nhiều hơn.

THỰC HÀNH: Mở rộng tầm nhìn để tìm gặp Chúa trong bất cứ thời điểm nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Td: Khi đang bị tắc đường, lúc ăn trưa, đến lớp học, lúc xếp hàng hay tham dự cuộc họp…

From: Do Dzung

Cho Con Thấy Chúa (Sáng tác: Sr. Hiền Hòa) – Uyên Nguyên 

Có được tôn kính các thánh tích không?-Cha Vương

Nguyện xin Chúa đoái nhìn đến bạn và gia đình luôn mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 16/04/2024

GIÁO LÝ:  Có được tôn kính các thánh tích không? Thánh tích có nghĩa là xương cốt của các vị thánh, hoặc là các vật dụng mà các ngài dùng. Tôn kính thánh tích là nhu cầu tự nhiên của con người, là cách tỏ lòng tôn kính sùng mộ các thánh. Tôn kính các thánh vì các ngài đã dâng hiến cả đời sống cho Chúa, đó là ta ca ngợi hành động của chính Chúa vậy. (YouCat, số 275)

SUY NIỆM: Thánh tích là những di vật của thân xác các thánh hoặc những đồ vật mà các ngài dùng. (YouCat, số  275 t.t.) Thân xác của chúng ta không chỉ là “vỏ bọc” bề ngoài cho chính chúng ta trú ngụ, mà còn là chính chúng ta. Chúng ta được dựng nên có tinh thần, thân xác và linh hồn, cả ba yếu tố đó kết hợp lại làm nên con người của chúng ta. Đó là những gì chúng ta làm đối với các vấn đề thể lý về mức độ tâm linh.

Khi đọc chuyện hoặc đi thăm viếng đền của các thánh, chúng ta thấy nhiều phép lạ đã được kể lại và nhiều người đã được chữa lành sau khi chạm thánh tích vào vết thương của mình, điều mà khoa học không thể chứng minh. Thiên Chúa đã dùng thánh tích của các thánh làm PHƯƠNG TIỆN để ban ơn chữa lành. Cũng có khi Ngài ban ơn chữa lành qua việc dùng một vật nào đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nguyên nhân chữa lành là Thiên Chúa, còn thánh tích chỉ là phương tiện để Ngài tác động. Nói cách khác, thánh tích không làm phép lạ. Thánh tích không có quyền năng nếu tách ra khỏi Thiên Chúa. Bất cứ điều tốt lành nào xảy ra qua thánh tích là chính Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa muốn dùng thánh tích của các thánh để chữa lành và làm phép lạ để chúng ta biết rằng Ngài muốn chúng ta chú ý tới các thánh là “những người cầu thay nguyện giúp” (Giáo lý Công giáo, số 828). Điều đó cũng cho chúng ta biết ý Ngài muốn dùng thánh tích để báo trước sự sống lại của nhân loại: Một ngày nào đó, các con cái trung tín của Thiên Chúa, các chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô, sẽ sống lại với Ngài trong vinh quang, và Ngài vẫn tác động trên thế gian qua thánh tích của các thánh.

 *Điều cần phải chú ý: “không được trưng bày thánh tích của các Thánh và các Chân phước cho các tín hữu tôn kính nếu không được thẩm quyền của Giáo hội chứng nhận tính xác thực của thánh tích ấy”. (Phụ lục của Huấn thị Sanctorum Mater, 2008)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1:27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, tình yêu và sức mạnh của Chúa mãi mãi tác động trong Giáo hội qua nhiều hình thức, xin giúp con nhận ra được sức mạnh và quyền năng của Chúa qua sự chuyển cầu của các thánh.

THỰC HÀNH: Đọc kinh thánh quan thầy của mình và xin ngài cầu bầu cho bạn hôm nay.

From: Do Dzung

TÌNH YÊU CHÚA TUYỆT VỜI – Mary Nguyễn

Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào?-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy nhiệt huyết để phục vụ Chúa và tha nhân nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 15/04/2024

GIÁO LÝ:  Việc “Đạo đức bình dân” quan trọng thế nào? Lòng đạo đức bình dân được biểu lộ qua sự tôn kính các thánh tích, rước kiệu, đi hành hương và các loại tôn sùng khác, đó là những việc giúp ta nhận ra tầm quan trọng của việc đức tin phải hội nhập vào văn hóa. Đó là việc tốt, bao lâu còn tùy thuộc vào Hội thánh, và đưa dẫn tới Chúa Kitô, chứ không nhằm để “vào” Thiên đàng nhờ các việc đó, mà không cần nhờ tin vào ơn Chúa. (YouCat, số 274)

SUY NIỆM: Đạo đức bình dân là một trong những sức mạnh của

chúng ta, vì nó diễn tả những lời cầu nguyện ăn sâu vào tận thâm tâm con người. Ngay cả những người đã xa Hội thánh, hoặc không có cảm thức nhiều lắm về đức tin, cũng có thể xúc động vì những hình thức cầu nguyện đó. Chỉ cần “làm cho sáng tỏ” các cử chỉ đó và “thanh tẩy” cái truyền thống đó, để tất cả được hội nhập trong đời sống Hội thánh. (Đức Bênêđictô XVI, 22-2-2007, YouCat, số  274 t.t.)

LẮNG NGHE: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, xin giúp con luôn làm cho danh Chúa được sáng tỏ qua những việc đạo đức bình dân mà con thực hiện trong ngày, và xin đừng để con làm một cách máy móc qua loa hình thức nhưng với một con tim yêu mến và tin tưởng vào Chúa.

THỰC HÀNH: Đọc kinh hàng ngày với một tấm lòng chân thành đầy niềm xác tín nhé.

From: Do Dzung

https://www.youtube.com/watch?v=R5mUmESSOiI

Niềm Xác Tin Của Con – Nguyễn Hồng Ân

 

“Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6:19)-Cha Vương

Ngày Chúa Nhật tràn đầy bình an và sức mạnh của Chúa nhé.

Cha Vương

 CN: 04/14/2024

TIN MỪNG: Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:39)

 SUY NIỆM: Ông F. Roosevelt nói: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính nỗi sợ” (F. Roosevelt). Trong cuộc đời ai cũng có những nỗi sợ. Nỗi sợ đến với bạn qua nhiều hình thức thí dụ như tai ương hoạn nạn, chiến tranh, bệnh tật, áp bức, khó khăn thử thách của cuộc đời, nó làm bạn hoảng hốt, sợ hãi. Có lẽ các môn đệ của Chúa cũng đã trải những nỗi sợ vì họ không biết phải làm gì và đi đâu khi Người Thầy của họ đã không còn ở với họ nữa. Họ bị lạc lõng và  hụt hẫng! Do đó Chúa hiện ra giữa họ trong khi họ đang lắng nghe hai môn đệ kể lại những gì đã xảy ra trên đường đi. Chúa hiện ra và ban cho các ông sự bình an và ơn can đảm. Sự bình an và lòng can đảm là 2 đặc điểm nổi bật của một người tin vào Chúa. Nó là món quà của Chúa Thánh Thần giúp bạn đối diện với những thử thách của thế giới chung quanh. Sự xuất hiện của Chúa không chỉ làm xoa dịu nỗi sợ hãi của các môn đệ nhưng với 3 mục đích:

1) chứng minh cho sự phục sinh của Ngài, hãy “nhìn chân tay Thầy coi”…,

2) giúp họ hiểu Kinh Thánh như Lời đã ứng nghiệm,

3) chuẩn bị cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng  trước thế giới đầy gian nan và sợ sệt.

Còn bạn thì sao? Nỗi sợ lớn nhất của bạn là gì? Mỗi khi gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể, được rước Chúa vào lòng, bạn cảm thấy thế nào? Bạn có được mạnh mẽ hơn không? Như các môn đệ, khi gặp được Chúa, nỗi sợ của họ dần dần biến mất, thay vào đó là niềm vui, năng lực sung mãn của người tông đồ hăng say giữa đời. Và như ông Phê-rô đã từng chối Chúa nay trở thành một người tông đồ nhiệt thành sống chết cho Tin Mừng. Đối với Chúa mọi sự đều có thể vậy bạn hãy đến với Chúa thường xuyên hơn đi nhé.

 LẮNG NGHE:  “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6:19)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Phục Sinh, nỗi sợ lấy đi tất cả khả năng trí óc và năng lượng thể lý của con. Xin giúp con luôn tin tưởng, cậy trông vào sự hiện diện quyền thế của Chúa bên con.

THỰC HÀNH: Trong Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu ở đó với trái tim nhân loại của Ngài. Mời bạn hãy thành tâm rước Chúa vào lòng với hết lòng tin tưởng vào sự hiện diện của Ngài.

From: Do Dzung

Tin Vào Tình Chúa – Nguyễn Hồng Ân