Vạch mặt Kẻ gieo Cỏ Lùng

Vạch mặt Kẻ gieo Cỏ Lùng

 Khổng Nhuận 

“Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.

Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng

vào giữa lúa, rồi đi mất. (Mt 13 : 24 -25)

Hạt giống tốt : thường được hiểu là hạt giống Lời Chúa

Cỏ lùng thường được hiểu là những hạt giống xấu: ích kỷ, gian tham, ghen tuông, nghi kỵ….

“Giống tốt” và  “Cỏ Lùng” đều lớn lên trong một con người như một vùng đất mang tính hỗn hợp:

Thiện và ác, tốt và xấu, ân sủng và tội lỗi như “đan cài” với nhau.

Thực vậy,  tôi vẫn cảm thấy khốn khổ như Phaolo đã từng rên lên ai oán:

Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy  sự ác  xuất hiện ngay….

Tôi thật là một người khốn nạn!

Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ??

Chúng tôi rất khoái câu này vì đây là bức bình phong lý tưởng mà chúng tôi đưa ra biện hộ cho những yếu đuối của mình…

Hậu quả là… cái tình trạng khốn nạn này chắc sẽ kéo dài suốt cuộc đời!!!

Với tình trạng này, cỏ lùng tha hồ mọc um tùm che lấp cả đám ruộng

khiến cho lúa mọc không nổi hoặc cố gắng lắm cũng chỉ nảy sinh được toàn những hạt lúa lép…

Bây giờ chúng ta cùng nhau vạch mặt kẻ gieocỏ lùng.

Theo nghĩa đen của Kinh Thánh.. Ông chủ là Thiên Chúa gieo giống tốt trong khi kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng..

Kẻ thù của ông Chúa đích thị là Satan rồi.

Theo linh mục Anthony De Mello: kẻ gieo cỏ lùng chính là giáo dục, truyền thống, tập quán….

Một vài thí dụ từ thực tế đời thường:

Giáo dục: Cha mẹ có thể gieo vào lòng con cáicỏ lùng tham lam, gian dối, ganh ghét, thậm chí lòng thù hận ngút trời…

Truyền thống dạy rằng: Dù đã được rửa tội, nhưng hậu quả của Tội Tổ Tông vẫn in hằn trên lưng ngựa hoang…

khiến cho tôi tin chắc rằng: Tôi chỉ có mộtnhân tính băng hoại duy nhất.

Đây chính là loại cỏ lùng nguy hiểm nhất, gai góc nhất, tàn khốc nhất…

khiến cho tôi không thể nào gần gũi và nên một với Chúa được….

Tập quán: Cứ vào mùa Chay, chúng tôi ra sức khắc vào tâm trí nhau:

Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro

bụi tro không những về thân xác mà còn y như thể bụi tro về tâm hồn.

Một bài nổi tiếng về Thánh Lễ Mở Tay Linh Mục chứng tỏ:

Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng…

Khổ nỗi dù lên hàng ông tướng…nhưng gốc bụi tro vẫn còn mịt mịt mờ mờ…

Tóm lại

Kẻ gieo cỏ lùng có thể chính là Satan

nhưng hắn còn mang khuôn mặt vô hình: giáo dục, truyền thống, tập quán….

Hầu như khó có thể thoát ra khỏi sự kềm tỏa của những Kẻ gieo cỏ lùng này…

Tuy nhiên vẫn có một số người tìm cách thoát ra được

Bằng cách để Thần Khí đổi mới tâm trí của mình một cách tích cực và sâu xa hơn:

Nhờ đó :  Nhận ra Chúa sống trong lòng mình

Để tập sống kết hiệp với Chúa ngay trong đời thường hằng ngày…

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

 Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng.  Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ.  Ma quỷ hiện hữu.  Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.  Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt.  Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người.  Chúa đã gieo những hạt giống tốt.  Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người.  Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình.  Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người.  Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố.  Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng.  Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà bị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa.  Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng.  Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối.  Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc.  Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt.  Nếu phạt ngay những người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành.  Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại.  Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu.  Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa.  Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa.  Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành.  Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa.  Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa.  Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện.  Có khó khăn để ta rèn luyện thêm nhân đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ.  Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng.  Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa.  Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa.  Sự lành cũng như sự dữ.  Hạnh phúc cũng như đau khổ.  Thành công cũng như thất bại.  Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

From Langthangchieutim

NGƯỜI TÍN HỮU VÔ THẦN

NGƯỜI TÍN HỮU VÔ THẦN

Cách nay chừng hai thập kỷ, hai chữ “vô thần” luôn gợi lên trong tâm trí chúng ta một ý thức hệ chính trị đối nghịch với các niềm tin tôn giáo.  Hệ thống chính trị này luôn phê phán, tuyên truyền bóp méo, kỳ thị, thậm chí là tìm cách xóa bỏ các tôn giáo.  Trong bối cảnh xã hội hôm nay, vô thần không chỉ là khái niệm dành cho những người kỳ thị tôn giáo hoặc vô tín ngưỡng, mà còn diễn tả một tình trạng đáng lo ngại nơi người Kitô hữu: đó là những người mang danh là tín hữu, nhưng lối sống của họ ngược lại với những gì họ tuyên xưng.  Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Mátta sáng 23-3-2017 đã nói đến những người tín hữu bịt tai trước lời mời gọi của Chúa và ngài gọi họ là những người tín hữu vô thần.

Đức Thánh Cha nói: “Khi chúng ta không chăm chú nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ lánh xa Ngài và quay lưng lại với Ngài.  Nếu chúng ta không lắng nghe Lời Ngài, chúng ta sẽ tìm nghe những lời khác…  Khi khước từ Lời Chúa và khi cứng lòng, chúng ta sẽ trở thành những người công giáo bất trung, những người dân ngoại, và tệ hại hơn, những người công giáo vô thần, bởi vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa hằng sống” (Nguồn: Zenit, 24-3-2017).  Theo vị Chủ chăn của Giáo Hội, khước từ Lời Chúa (mà ngài gọi là “điếc”) sẽ dẫn đến tình trạng thờ ngẫu tượng, tức là tôn thờ vật chất và những đam mê trần tục.  Việc chối bỏ Lời Chúa cũng dẫn đến hậu quả là lầm lẫn trong nhận định, trong phân biệt giữa điều thiện và điều ác.

Người Kitô hữu có Lời Chúa là kim chỉ nam cho cuộc đời.  Chúa Giêsu đã so sánh những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, sẽ giống như người xây nhà trên nền đá, luôn bền vững trước bão tố mưa sa.  Ngược lại, những ai không thực hành Lời Chúa giống như người xây nhà trên cát, sẽ sập đổ khi nước lũ dâng tràn (x. Mt 7,24-27).  Thiên Chúa vẫn luôn luôn ngỏ lời với chúng ta, qua Giáo Hội và qua những biến cố xảy đến xung quanh, nhất là qua Lời Chúa trong Thánh Kinh.  Thiếu ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta mất phương hướng và đi trong lầm lạc.

Trong thực tế, tình trạng những tín hữu vô thần khá phổ biến nơi các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta.

Có những người tin Chúa mà vẫn vô thần, vì họ không gặp gỡ Chúa và tâm sự với Ngài trong lời cầu nguyện.  Vì thế, trong đời sống của họ thiếu những “khoảng lặng” để suy tư về hạnh kiểm của mình.  Đối với họ, Thiên Chúa chỉ giống như một khái niệm.  Đức Giêsu chỉ thuần túy là một nhân vật lịch sử xa xưa và giáo huấn của Người cũng chỉ là một mẫu gương luân lý.  Người tín hữu không cầu nguyện giống như xác không hơi thở.  Thánh Gioan Maria Vianey đã viết: “Lời cầu nguyện cần thiết cho người tín hữu, giống như mưa cần thiết cho đất trở nên màu mỡ”.  Quả vậy, lời cầu nguyện là cầu nối giúp ta gặp gỡ Chúa, tiếp nghị lực siêu nhiên từ Ngài.  Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI khẳng định: “Tin là sự gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó, một định hướng dứt khoát” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 1).  Sự gặp gỡ này thể hiện qua lời cầu nguyện.  Đời sống nội tâm giúp ta càng ngày càng gắn bó với Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ngài mọi nơi mọi lúc.  Cảm nhận được sự hiện diện cao quý ấy, chúng ta sẽ mở rộng con tim, chăm chú lắng nghe và thực hiện lời Ngài.  Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong đời, chúng ta sẽ sống cao thượng hơn đối với những người xung quanh, sẽ dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm.  Xác tín có Chúa đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn mọi sự việc, mọi con người với cái nhìn mới, bao dung quảng đại và kiên nhẫn vị tha.  Như thế, khi sống ở đời này, dù còn nhìn thấy Chúa mờ mờ như trong gương, lòng chúng ta đã kiên vững và được sưởi ấm, vì chúng ta tin vào sự hiện diện và tình thương yêu của Ngài trong giờ phút hiện tại.  Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 3).

Có những người tin Chúa mà vẫn vô thần, vì ngôn hành của họ trong cuộc sống đời thường không tương ứng với đức tin mà họ tuyên xưng.  Đối với họ, giáo lý Kitô giáo rất cao đẹp và đầy tính nhân văn, nhưng chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà không được thể hiện trong cuộc sống.  Nói cách khác, đời sống của họ không được xây dựng trên nền tảng đức tin, cũng không được đức tin soi dẫn.  Lời Chúa mà họ nghe thường xuyên, chỉ giống như những thông tin trên các phương tiện truyền thông.  Hậu quả là có những người mang danh công giáo mà vẫn gian dối, vẫn chia rẽ bè phái.  Khi không ưng ý trong Giáo Hội thì họ phản ứng theo kiểu thế gian.  Với một đức tin hời hợt và bề ngoài, khi phải lựa chọn, họ sẵn sàng nghiêng về phía lợi lộc vật chất và từ bỏ Luật Chúa; sẵn sàng gạt bỏ tiếng nói của lương tâm để nghe theo tiếng gọi của tiền bạc.  Đây đó, vẫn có trường hợp cha mẹ công khai chối bỏ đức tin để con mình được vào học tại một số trường chuyên ngành hay làm việc ở một số cơ quan của nhà nước.  Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Thầy ở trên trời, kẻ ấy mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).  Do ảnh hưởng của quan niệm xã hội ngày nay, nhiều cá nhân và hội đoàn có khuynh hướng phô diễn đời sống đức tin qua những sinh hoạt tôn giáo sầm uất, nhưng tiếc thay, chỉ dừng lại bề ngoài.  Vì thế, họ coi nhẹ việc học giáo lý để củng cố đức tin và tình hiệp nhất giữa các thành viên của một hội đoàn đạo đức.  Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nghiêm khắc lên án những người biệt phái và luật sĩ.  Người ví họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ, bên trong thì thối tha.  Chúa Giêsu đã nhắc lại giáo huấn của ngôn sứ Isaia, lên án những người chỉ tôn thờ Chúa bề ngoài như sau: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệngcòn lòng chúng thì lại xa Ta (Mc 7,6).

Trong phần kết thúc bài giảng tại nhà nguyện thánh Mátta, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy kiểm điểm lương tâm trước mặt Chúa qua những câu hỏi: “Tôi có chuyên tâm nghe Lời Chúa không?”; “Tôi có cứng lòng trước lời dạy của Chúa không?”; “Tôi có đánh mất lòng trung tín với Chúa và chạy theo tôn thờ những ngẫu tượng đang tràn lan trong cuộc sống hôm nay không?”; “Phải chăng tôi đã đánh mất niềm vui của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu?”  Thiết tưởng mỗi chúng ta cần suy tư nghiêm túc để trả lời những câu hỏi này.

Mến Chúa, yêu người, đó là hai điều răn trọng nhất của Kitô giáo.  Nói đúng hơn, đó chỉ là một giới răn duy nhất, tức là tình yêu.  Tình yêu ấy hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân.  Người tín hữu đúng nghĩa là người thực thi tình yêu, yêu Chúa và yêu người.  Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chí cho tình yêu này: Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình ta vậy.  Thực hành được những tiêu chí này, chúng ta sẽ là người Kitô hữu đích thực.  Thiếu những điều kiện trên, chúng ta có nguy cơ trở thành vô thần.

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!  Người phán: “Các ngươi chớ cứng lòng”” (Tv 94, 8).  Ước gì mỗi chúng ta hãy để cho Lời Chúa thẩm thấu tâm can, trở nên con người mới, để hình ảnh của Chúa luôn tỏa rạng nơi cuộc đời tín hữu chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Hải Phòng, ngày 31-3-2017

From Langthangchieutim

HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

 HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

Ông Chirgwin, trong quyển sách mang tựa đề: “Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo”đã kể câu chuyện sau đây:

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế không thể tưởng tượng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, đàn bà, kể cả trẻ con.  Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết.  Nhưng cuối cùng, hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.  

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ đi công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may cảm lòng, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thủ.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về.  Hai bà chỉ để lại cho hắn quyển Thánh Kinh Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi mà tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực.

Niềm hy vọng của họ đã trở thành hiện thực, Ishi-I đã đọc những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt, khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.  Lời Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá:“Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”  Lời ấy đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn.  Sau đó Ishi-I thuật lại:

“Đọc đến lời ấy “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, tôi mới dừng lại.  Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài.  Tôi có thể gọi đó là lòng thương xót của Ngài?  Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin.”

Cuối cùng, ông Chirgwin, tác giả câu chuyện này, kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn Ishi-I đi hành quyết.  Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hoà nhã, lễ độ.  Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

(Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến một chuyện phim video mới đây được giải thưởng Oscar, mang tựa đề: “Dead man walking” (Người chết biết đi).  Ở các quầy cho thuê băng video, mang tựa đề: “Tên tử tội”).

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng.  Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên giết người không gớm tay như anh Tokichi Kshi-I và bao tâm hồn sa ngã khác.  Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ và giáo dân đang dấn thân phục vụ những trẻ em bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.  Đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng hôm nay: “Lời Chúa như hạt giống được gieo vào đất tốt.  Nó sẽ nẩy sinh một mùa gặt phong phú, một thành một trăm.”

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn “Người gieo giống” để mô tả số phận Lời Chúa được tung ra giữa nhân loại và đem lại kết quả như thế nào: Có hạt rơi xuống bên vệ đường, chim trời ăn mất.  Có hạt rơi xuống trên sỏi đá, không đâm rễ được, bị khô héo.  Có hạt rơi vào bụi gai, bị chết nghẹt.  Chúa không chú trọng đến phần mất mát đó cho bằng đến sự phát triển mạnh mẽ của hạt giống khi rơi vào phần đất tốt.  Nó sẽ nẩy sinh một mùa gặt phong phú, một thành ba mươi, sáu mươi hay một trăm.  Vậy thì chúng ta đừng ai nản lòng vì mất mát, thiệt thòi.  Người gieo giống cứ thẳng tay tung vãi khắp nơi một cách quảng đại, không dè xẻn.  Bên ngoài xem ra như mọi sự chống lại việc triển nở của hạt giống Lời Chúa.  Nhưng hãy chờ mùa gặt đến, kết quả sẽ vượt mức tưởng tượng, vì đây là công việc của Thiên Chúa.  (Một tên giết người không gớm tay như Ishi-I, thế mà Lời Chúa đã từ từ thấm nhập vào tâm hồn, đã cải hoá anh thành một con người mới, một người hoà nhã, lễ độ, sám hối và đã tin).

Thánh Justinô tử đạo vào năm 150, khi suy niệm về dụ ngôn người gieo giống này đã khuyên bảo những người rao giảng Tin Mừng, đừng bao giờ thất vọng: “Chính Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đã được gieo vào cánh đồng thế giới chúng ta.  Ngài cũng đã bị hiểu lầm, bị chống đối, đã gặp bao thất bại…  Nhưng sau khi bị chôn vùi vào lòng đất như hạt giống, Ngài đã nẩy sinh bao hoa trái sự sống dồi dào.”

Ngày nay Giáo Hội không ngừng rao giảng Lời Chúa qua các thế hệ trên khắp thế giới.  Giáo Hội cũng gặp nhiều khó khăn, thất bại như: thiếu phương tiện, bị bách hại, đời sống kém cỏi của một số giáo sĩ và giáo dân, số người rửa tội ngày càng ít đi trong một thế giới duy vật và trần tục hoá.  Thật đáng buồn khi thấy đời sống đạo ngày càng sa sút.  Lời Chúa như rơi vào sỏi đá, vào bụi gai hay ngoài đường lộ.  Tuy nhiên, như lời Thánh Justinô: đứng thất vọng, người gieo cứ việc gieo và để cho Lời Chúa âm thầm hoạt động.  Không có gì được phép làm cho chúng ta phải nghi ngờ hay chán nản.  Hạt giống Lời Chúa có thể là bé nhỏ, có thể bị đối xử tàn tệ, bị chà đạp, bị lấn át, nhưng năng lực của nó là vô hạn (x. Is 55,10-11).

Bổn phận của chúng ta là thành tâm đón nhận Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống giữa lòng đời.  Không phải chỉ nghe suông mà còn tìm hiểu ý Chúa muốn chúng ta phải làm gì.  Có bao nhiêu chướng ngại chống lại việc tìm hiểu và thực thi Lời Chúa: nào là những quyến rũ của đời sống trần tục, nào là những lo lắng việc đời, ham mê của cải.  Chúng như chim trời sà xuống cướp lấy hạt giống vừa rơi xuống, hoặc như sỏi đá, như bụi gai cản trở, bóp nghẹt Lời Chúa.

Mỗi Chúa Nhật, chúng ta họp nhau dự Tiệc Thánh, gồm có Lời Chúa và Thánh Thể của Chúa.  Hãy đón nhận với niềm tin yêu để Lời Chúa và Thánh Thể trở nên sức sống và ánh sáng, niềm vui và hy vọng cho cuộc đời chúng ta.  Rồi đến lượt chúng ta lại trở thành người ra đi gieo giống, người Tông đồ rao giảng Lời Chúa, góp phần vào mùa thu hoạch của Giáo Hội cho Nước Trời vào ngày sau hết.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

From: langthangchieutim

Phép lạ: Thi Thể Không Phân Hủy Của Chân Phước Tử Vì Đạo 14 Tuổi

TNTUCCONGGIAO.NET
Phép lạ: Thi Thể Không Phân Hủy Của Chân Phước Tử Vì Đạo 14 Tuổi

THI THỂ XÓT LẠI KHÔNG PHÂN HỦY CỦA CHÂN PHƯỚC TỬ VÌ ĐẠO 14 TUỔI NỔI TIẾNG VỚI CÂU TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN “CHÚA KITÔ VUA VẠN TUẾ ! ĐỨC MẸ GUADALUPE VẠN TUẾ”

Trên đường đến nơi hành quyết, bọn lính liên tục dùng con dao phay sắc bén đánh cậu một cách man rợ, cứ mỗi lần bị đánh cậu lại la lớn ” HOAN HÔ CHÚA KITÔ VUA ! “. Khi đến nghĩa trang, máu cậu chảy lênh láng, bọn lính tiếp tục lấy dao rạch sâu dưới 2 lòng bàn chân, sau đó bắt cậu đi trên muối và trên cả những con đường đầy đá nhọn, cậu khóc la thét trong đau đớn nhưng vẫn kiên quyết không chối bỏ đức tin của mình và chấp nhận chết để làm chứng Tình Yêu trọn vẹn vào Chúa Jesus Kitô. ” Mày chỉ cần nói to lên rằng: Khốn chết cho Kitô Vua thì chúng tao sẽ tha mạng cho mày ” bọn lính yêu cầu. Cậu liền từ chối và hô lớn ” CHÚA KITÔ VUA VẠN TUẾ ! ĐỨC MẸ GUADALUPE VẠN TUẾ ! ” Tên chỉ huy ra lệnh bọn lính dùng dao đâm cậu, nhưng cứ mỗi vết đâm, cậu càng hét lớn ” HOAN HÔ CHÚA KITÔ VUA ! “, tên chỉ huy giận điên lên liền rút súng bắn chết cậu ngay tại chỗ.

Phép lạ: Thi Thể Không Phân Hủy Của Chân Phước Tử Vì Đạo 14 Tuổi

TẤM GƯƠNG TỬ ĐẠO NỔI BẬT ĐẶC BIỆT CỦA VỊ THIẾU NIÊN CHÂN PHƯỚC NHỎ TUỔI

Cậu thiếu niên tên là Sanchez del Rio sinh ngày 28/3/1913 người Mexico, chết tử đạo10/2/1928 dưới thời cấm đạo của chính quyền Tổng thống Plutarco Elias Calles – một ” Con Quỷ ” khát máu căm ghét đạo Công Giáo không giới hạn, ông ta đã giết các linh mục và đốt cháy nhiều Nhà Thờ cùng nhiều giáo dân. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, cậu bé Sanchez đã có một tình yêu tuyệt vời và hăng say với Bí Tích Thánh Thể, và khuyến khích bạn bè của mình thêm lòng sùng mộ tận hiến Chúa và Đức Mẹ Guadalupe. Một hôm, cậu đã chứng kiến những tên vệ sĩ cất giấu một số con gà trống đắt tiền bên trong phòng thánh nhà thờ sau khi bị bắt nhốt tại đây, cậu liền nói: “Đây không phải là một sân nuôi gà vịt. Đây là một nơi dành cho Thiên Chúa !” Sau đó, cậu bắt giết hết số con gà này. Cậu đã bị bắt và là một trong số nhiều Tín Hữu chết cho Đức Tin trong cuộc tắm máu tàn sát Đạo Công Giáo năm 1927. Cậu đã được phong Chân Phước ngày 20/11/2005 bởi ĐTC Benedict XVI. Hiện nay thi thể còn lại của Sanchez Jose Luis được đặt tại nhà thờ Trái Tim Chúa Giêsu tại Sahuayo, Mexico.

Phép lạ: Thi Thể Không Phân Hủy Của Chân Phước Tử Vì Đạo 14 Tuổi

Cho đến nay, tấm gương anh dũng của vị Chân Phước nhỏ tuổi vẫn là bài học chói ngời về Đức Tin giành cho thanh thiếu niên ngày nay. Thi thể còn lại của vị tử đạo không hề bị hủy hoại như một phần thưởng và món quà Thánh Thiêng từ Thiên Đàng ban tặng cho các Kito hữu cùng lời kêu gọi ” Hãy tiếp tục làm sáng Danh Thiên Chúa giữa trần thế này ” và cũng là một Bằng Chứng Sống Động cùng thông điệp cho toàn thế giới biết rằng “ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA THÌ KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC “

CHÚA GỌI TRONG ĐÊM TỐI

CHÚA GỌI TRONG ĐÊM TỐI

 

Chúa đã gọi trong những đêm tăm tối.  Chúa đã gọi trong những hoàn cảnh tối tăm như tăm tối hãi hùng.  Đó là vấn đề đang làm tôi suy nghĩ, để sống ơn gọi hôm nay.

 

Đời tôi tương đối đã khá dài. 

Suốt dọc chuyến đi dài đó trong lịch sử, tôi đã trải qua nhiều chặng đường tăm tối.  Tăm tối như đêm.

Đêm có nhiều sợ hãi khủng khiếp.

Đêm có những cô đơn nặng nề.

Đêm có những thao thức dằn vặt.

Đêm có những trăn trở lăn mình vào thất vọng.

Nhưng chính trong một số đêm tăm tối đó, Chúa đã gọi tôi.

 

Không phải chỉ có tôi được Chúa gọi.  Số người được gọi là khá đông.  Họ khích lệ tôi.  Ở đây, tôi nhớ lại cách riêng một số nhỏ trường hợp Chúa gọi trong đêm đã được ghi trong Kinh Thánh, để tôi thêm vững tin vào Đấng đã gọi tôi.

 

Tôi nhớ tới Samuel.  Hồi đó, Samuel còn nhỏ, giúp việc trong đền thờ cho thầy cả Êli.  Một đêm, khi Samuel đang ngủ, thì Chúa gọi cậu.  Cậu không thấy ai, chỉ nghe thấy tiếng.  Tiếng gọi đến ba lần. Samuel được ơn gọi trong đêm ấy, để đi vào lịch sử với rất nhiều gian nan, nhưng luôn tin vào Chúa (x. 1Sm 3,1-18).

 

Tôi nhớ tới Thánh Giuse.  Ngài được sứ thần Chúa đến với Ngài trong lúc Ngài ngủ ban đêm tăm tối, để yêu cầu Ngài an tâm nhận Maria làm bạn trăm năm (x. Mt 1,20).  Thánh Giuse, một đêm tăm tối đang ngủ, thì được sứ thần Chúa đến, bảo Ngài hãy đem gia đình trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13).  Thánh Giuse, cũng một đêm tăm tối đang ngủ, thì lại được sứ thần Chúa đến, bảo Ngài hãy đưa thánh gia trở về Israel (x. Mt 2,19).  Thánh Giuse nhận được ơn gọi trong những đêm tăm tối, để đi vào lịch sử với rất nhiều gian nan, nhưng luôn tin vào Chúa.

 

Tôi nhớ tới Chúa Giêsu.  Đêm thứ Năm, trước cuộc thương khó, Người đã cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.  Tại đây, Người đã trải qua một cơn xao xuyến, như một cơn hấp hối đau đớn tột độ.  “Bấy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người” (Lc 22,43).  Chúa Giêsu đã nhận được sức mạnh từ Chúa Cha, trong đêm hãi hùng đó, để bước vào cuộc thương khó đầy khổ đau, với niềm tin phó thác vào Chúa Cha.  Cũng Chúa Giêsu, sau khi được an táng trong mồ đá, thì đêm đó là đêm đầy hãi hùng cho các môn đệ Chúa.  Nhưng chính trong đêm tăm tối ấy, Chúa Giêsu đã sống lại, đúng như lời Chúa đã báo trước.  Ơn gọi phục sinh cũng đã xảy ra trong một đêm đầy sợ hãi, buồn phiền, hầu như thất vọng.

 

Chúa đã gọi trong những đêm tăm tối.  Chúa đã gọi trong những hoàn cảnh tối tăm như tăm tối hãi hùng.  Đó là vấn đề đang làm tôi suy nghĩ, để sống ơn gọi hôm nay.

 

Một hôm, khi đang đi trong một xóm dân nghèo.  Cảnh nghèo, cảnh khổ, cảnh lầm than của họ là hình ảnh một đêm tăm tối.  Bỗng, tôi nhìn thấy mấy nữ tu đang ôm vào lòng những em bé nghèo, và đang âu yếm chăm sóc những người già yếu cô đơn.  Tôi chợt nghe tiếng Chúa gọi tôi qua những nữ tu đó, trong cảnh nghèo như đêm tăm tối ấy.

 

Một hôm, khi tôi đang sống trong sự sợ hãi, như mất niềm tin đối với một số những người quen biết.  Chính lúc đó tôi lại bị đau bệnh.  Tình trạng trên đây đưa tôi vào một đêm tăm tối trong tâm hồn. Ngay hôm đó, một người đến thăm tôi.  Họ đem đến cho tôi tình thương chân thành, khiêm tốn, tế nhị.  Họ giúp tôi thoát khỏi đêm tăm tối trong tâm hồn.  Tôi nhận ra Chúa nơi họ.  Chúa gọi tôi qua họ.

 

Những kinh nghiệm trên đây cùng với những gì Chúa đã làm cho tiên tri Samuel, cho Thánh Giuse, cho Chúa Giêsu, qua những sứ thần của Chúa trong những đêm tăm tối xưa đã dạy tôi hai điều:

 

Điều thứ nhất là tôi phải hết lòng cảm tạ Chúa, vì ơn Người đã cứu tôi bao lần khỏi những cảnh tăm tối như đêm hãi hùng.  Người đã sai một số người tốt đến với tôi.  Tôi nhận ra họ là người của Chúa.  Họ cứu tôi bằng tình thương tế nhị, khiêm nhường.  Họ như những sứ giả được Chúa sai đến với tôi, để cứu tôi, chứ không để kết án tôi.

 

Điều thứ hai là tôi phải hết sức khôn ngoan, khi muốn cứu cá nhân nào hay cộng đoàn nào khỏi những cảnh tối tăm như đêm giữa ban ngày.  Khôn ngoan là phải được Chúa sai đi.  Khi đến nơi, thì phải đem tình thương của Chúa đến.  Một tình thương khiêm tốn, chân thành, nhẹ nhàng, tế nhị.  Nếu người ta đón nhận tình thương đó, thì rất tốt.  Nếu người ta chối từ, thì tôi vẫn đợi chờ cũng bằng tình thương khiêm tốn kiên trì.

 

Khi thực hiện hai điều trên đây, tôi thấy tôi cần phải rất bé nhỏ.  Bé nhỏ và trở nên bé nhỏ, đó là một điều Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ nhỏ” (Lc 18,16).  Mấy ngày nay, khi nghĩ về lời Chúa trên đây, tôi liên tưởng đến ba trẻ nhỏ ở Fatima đã được xem thấy Đức Mẹ hiện ra, và đã được đón nhận các sứ điệp của Đức Mẹ Maria, để chuyển lại cho Đức Thánh Cha và cho toàn thế giới.  Tôi muốn được trở nên bé nhỏ như ba trẻ nhỏ ở Fatima, nhưng mong muốn của tôi sẽ chỉ được thực hiện nhờ ơn Chúa và theo ý Chúa mà thôi.

 

Trở nên bé nhỏ như trẻ nhỏ đã là điều khó. Trở nên bé nhỏ như một chút men, lại càng khó.  Thế mà Chúa Giêsu lại muốn tôi trở thành nắm mem, để vùi vào thùng bột.  Chúa phán: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả bột dậy men” (Mt 13,33).

 

Khi tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi được trở nên bé nhỏ, tôi cảm thấy bình an và hạnh phúc.  Cũng lúc đó, tôi nhìn về tương lai Hội Thánh tại Việt Nam, tôi được Chúa cho thấy: Truyền giáo tại Quê Hương tôi sẽ rất thành công với những ai bé nhỏ như men âm thầm, và sẽ thất bại với những ai tỏ mình như một quyền lực cạnh tranh ồn ào.

 

Đúng là Chúa đang gọi tôi trong đêm tối.  Vâng lời Chúa, tôi lên đường.  Chuyến đi sẽ gian nan.  Nhưng tôi tin Chúa đồng hành với tôi.  Tôi bé nhỏ phó thác mình cho Chúa.  Đó là hạnh phúc của tôi. Ánh sáng trong đêm tối chính là Chúa.

 

Gm GB Bùi Tuần

Langthangchieutim gởi

Phải Chăng Người Giầu Không Thể Được Vào Thiên Đàng?

 Phải Chăng Người Giầu Không Thể Được Vào Thiên Đàng?

  • Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích rõ về nguy cơ của tiền bạc đối với mục đích muốn được cứu rỗi để vào Nước Trời mai sau.

Trả lời:

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi là thế giới tôn thờ tiền bạc (Cult of money). Và đây là nguyên nhân của mọi bất công xã hội và bất an trên thế giới vì người chỉ chạy theo tiền của và dửng dưng trước sự nghèo đói, đau khổ,và bị đối xử bất công của con người ở khắp nơi trên thế giới tục hóa và vô nhân đạo này. Chính vì “tôn thờ tiền bạc” nên có quá nhiều người trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa,văn nghệ ở khắp nơi đã và đang nô nức nhau đi tìm tiền bạc bất chấp tiếng nói lành mạnh của lương tâm,của luân lý, đạo đức và liêm sỉ con người.

Cụ thể, bọn tài phiệt tư bản đen ở Mỹ đã dùng tiền bạc để mua cuộc, đút lót (lobby) cho giới lập pháp hành pháp và cả Tội Cao Pháp Viện để làm ngơ cho chúng, hay cho phép chúng mặc sức thao túng thị trường chứng khoán (Stock exchanges), kỹ nghệ dầu hỏa, kinh doanh ngân hàng (Wallstreeters) để vơ vết tiền bạc làm giầu cho bọn chúng, bất chấp mọi hậu quả gây ra cho giới lao động, người nghèo khó, vô gia cư, sống vất vưởng ngoài đường phố trên khắp các đô thị lớn nhỏ ở Mỹ mà không ai đoái hoài thương giúp họ!

Cụ thể là, vì ham tiền, nên giới lâp pháp và hành pháp Hoa Kỳ đã nhận tiền đút lót, hối lộ của bọn buôn bán súng đạn (NRA) và bọn chuyên nghề phá thai Planned Parenthood để làm ngơ cho bọn này tiếp tục hành nghề vô luân để kiếm tiền và làm giầu cách tội lỗi, mà không ai làm gì được chúng, vì chúng đã có chỗ dựa vững chắc trong giới lập pháp, hành pháp và cả Tư pháp (Tối cao Pháp Viện). Tệ hại nhất là bọn Planned Parenthood đã lấy các bộ phận của các thai nhi bị giết đem bán như những món hàng thương mại để kiếm rất nhiều tiền, nhưng việc làm vô luân này, vẫn không bị ngăn cấm, vì bọn này đã mua chuộc giới tư pháp làm ngơ cho chúng tiếp tục hành nghề vô luân vô đạo này, mặc cho dư luận báo chí tố cáo, và một vài dân biểu, nghị sỉ đã đòi mở cuộc điều tra. Nhưng mọi cố gắng đều không mang lại kết quả nào cho đến nay!

Cũng vậy, – ở bên kia thái cực- bọn tư bản đỏ, là bọn bề ngoài bô bô với khẩu hiệu phục vụ cho giới vô sản, cho người lao động bị bóc lột, nhưng thực chất họ lại là những kẻ bóc lột mọi tầng lớp nhân dân, nhất là dân lao động thấp cổ bé miệng, để tiếp tục làm giầu cho bọn chúng và tạo ra lớp người gọi là “đại gia” đang phè phỡn với tiền của đầy tay, đầy túi. Bọn này đã cấu kết và đút lót nặng túi cho kẻ cầm quyền để được tự do làm ăn phi pháp, vô lương tâm, vô luân khiến chúng trở thành giầu xụ và đang ngạo nghễ chế nhạo những người nghèo khó, đói rách, nạn nhân của chế độ cai trị vô luân, vô nhân đạo đã làm phát sinh ra mọi tệ nạn bất công xã hội và tụt hậu thê thảm về luân lý, đạo đức.

Mặt khác, cũng vì ham mê tiền bạc mà một số không nhỏ, những kẻ đã bỏ nước ra đi để tìm tự do,tìm cơ hội sống tốt hơn, nhưng nay đã vội quên lý do chậy trốn đó để trở cờ quay lại ca tụng chủ mới, trời mới đất mới để làm ăn kiếm tiền và vui chơi tội lỗi, vô liêm sỉ. Rõ nét nhất là giới văn nghệ sĩ, đa số từng bỏ trốn vì không được tự do viết lách, ca hát một thời, nhưng nay lại trơ trẽn trở về góp tiềng, góp giọng ca ngượi những người mà mình đã sợ hãi phải chậy trốn trước kia và nay đang làm ngơ cho mình đi về làm ăn, ca hát để kiếm tiền, mặc cho dư luận chê cười, phỉ nhổ là những kẻ vô liêm sỉ, chỉ vì ham mê tiền bạc và vui chơi tội lỗi !

Tóm lại, chỉ vì giầu lòng yêu mến tiền của, nhưng nghèo tình người, nghèo ý thức luân lý, đạo đức,và vô liêm sỉ, mà con người thuộc mọi giới ở khắp nơi đang cười nhạo chính lương tâm của mình, chà đạp mọi nguyên tác công bình, bác ai, nhân đạo, liêm sỉ để lao đầu vào việc tìm kiếm tiền bạc, rồi ăn chơi mất nết.

Nhưng khốn cho chúng, nếu đêm nay mà chúng phải từ giã cuộc sống này, thì thử hỏi chúng có thể đem theo những của cải kia về đời sau hay không,- và nhất là – có thể mua sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc bất diệt với của cải và tiền bạc chúng kiếm được ở đời nay hay không ?

Đây là câu hỏi đặt ra cho ai còn chút lương tâm và niềm tin có thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, Đấng đã dọn sẵn bàn tiệc Nước Trời với thực phẩm hảo hạng để khỏan đãi những ai đã vì tin có Người, nên đã sống một đời sống công bình, bác ái, trong sạch thánh thiện ở đời này, giữa những kẻ chỉ biết chạy theo, tôn thờ tiền của và mọi thú vui vô luân vô đạo hiện nay.

Nói thế không có nghĩa là phải khinh chê tiền bạc thì mới được cứu rỗi để vào Nước trời.

Thật vậy, sống thân phận con người trên trần gian này, ai ai cũng phải cần đến tiền bạc để chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu, như cơm ăn, áo mặc, nhà ở và phương tiện di chuyển và trả bills hàng tháng. Do đó, không ai có thể ngây thơ và thiếu thực tế để nói rằng mình không cần tiền của, chỉ cần tinh thần thôi.

Nhưng tại sao Chúa Giê su lại nói những lời sau đây với các môn đệ Người :

“Thầy bảo thật anh em : người giầu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết : Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19: 23- 24; Mc 10:25).

Chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng về lời Chúa trên đây ?

Chúa đã nói với các môn đệ những lời trên đây trong hoàn cảnh một thanh niên giầu có đển gặp Chúa để xin Chúa cho biết anh phải làm gì thêm nữa để được cứu rỗi mà vào Nước Trời. Nhưng khi Chúa bảo anh về bán hết tài sản, lấy tiền bố thí cho người nghèo rồi đi theo Chúa, thì anh đã buồn rầu bỏ đi, và không thể thi hành lời khuyên của Chúa được chỉ vì anh có nhiều tài sản và tiền của (Mc 10: 17-22). Chính vì anh không thể từ bỏ sang giầu ở đời này để đổi lấy kho tàng phú quí vĩnh cửu trên Trời, nên Chúa mới nói thêm với các môn đệ như sau “Những người giầu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (cf Mc 10:23)

Như vậy có phải Chúa lên án những người giầu có ở thế gian này không ?

Chắc chắn là không. Ngược lại, Chúa nói những lời trên để dạy chúng ta biết phải làm gì với tiền bạc để vừa có phương tiện sống chính đàng vừa theo đuổi mục đích tìm kiếm giầu sang, phú quí trên Nước Trời, là “nơi trộm cắp không bén bảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12: 33)

Thật vậy, đời sống con người bao gồm cả hai mặt tinh thần và thể xác. Do đó, không thể chú trọng về mặt này mà bỏ quên mặt kia. Không thể chỉ chú trọng đời sống tinh thần mà quên lãng hay lơ là nhu cầu chính đáng của thân xác, đòi hỏi có cơm ăn, áo mặc nhà ở và phương tiện di chuyển. (ở Mỹ, phải có xe hơi để đi làm và di chuyển, không thể đi bộ hay đi xe đạp được).

Do đó, thỏa mãn những nhu cầu trên là điều chánh đáng và phù hợp với đạo đức. Nghĩa là phải có tiền và những phương tiện vật chất cần thiết cho một đời sống hợp với nhân phẩm. Cho nên, không có gì là sai trái khi mọi người phải làm việc, hoặc buôn bán để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Giáo Hội cũng cần phải cố tiền để chi phí cho biết bao chương trình cần thiết như phúc âm hóa thế giới, đào tạo chủng sinh, trợ giúp các xứ truyền giáo, các địa phận nghèo ở Phi Châu và Á Châu v.v.

Như thế, không ai có thể ngây thơ nói rằng chỉ cần tinh thần chứ không cần tiền hay của cải vật chất. Sự thật phải nhìn nhận là con người nói chung và Giáo Hội nói riêng đều cần có tiền và phương tiện vật chất tối thiểu để chi phí và xử dụng cho những nhu cầu rất thiết yếu của đời sống con người và của Giáo Hội.

Nhưng cần phân biệt rõ là có tiền để chi dùng vào những mục đích chinh đáng, thì khác xa với lòng ham mê tiền đến mức làm nô lệ cho tiền bạc, khiến tôn thờ nó như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh cáo về nguy cô “tôn thờ tiền bạc = cult of money” của con người thời đại hôm nay. Nếu tôn thờ tiền bạc thì sẽ không thể nâng tâm hồn lên tới Chúa là cội nguồn của mọi phú quý giấu sang bất tận. Đó là lý do tại sao Chúa Giê su đã nói với các môn đệ là “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6:24).

Nghĩa là không thể yêu mến tiền của hơn cả những giá trị tinh thần và nhất là hơn cả yêu mến Thiên Chúa là chính mọi phú quý giầu sang vĩnh cửu. Người không có tín ngưỡng thì tiền bạc, của cải vật chất và danh vọng trở thành mục đích tôn thờ, yêu mến của họ. Người tín hữu Chúa Kitô, ngược lại, phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, và chỉ coi tiền bạc, của cải vật chất kể cả danh vọng như phương tiện tốt để sống hữu ích cho bản thân và làm việc bác ái mà thôi.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã chúc phúc cho “những ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3).

Chính vì muốn cho con người đi tìm phú quý, giầu sang của Nước Trời mà Chúa Kitô, “Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.”như Thánh Phao lô đã dạy (2Cor 8: 9)

Không phải chỉ người tín hữu giáo dân cần có tâm hồn nghèo khó, mà cách riêng, các giáo sĩ và tu sĩ phải là những người nêu gương sáng trước tiên về tinh thần khó nghèo của Phúc Âm để không còn đua nhau đi tìm tiền bạc hăng say hơn là lo rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, dạy dỗ chân lý và luân lý cho giáo dân để giúp họ sống đức tin vững vàng và làm nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô trước mặt bao người chưa nhận biết Chúa và Phúc Âm của Người.

Trở lại vấn đề nghèo khó nội tâm, người có nhiều tiền bạc và của cải vật chất vẫn có thể sống nghèo khó vì không tôn thờ hay làm nô lệ cho tiền bạc. Trái lại, chỉ dùng tiền bạc và của cải vật chất làm phượng tiện sống hữu ích cho mình, cho người thân trong gia đình, và thực thi bác ái với anh chị em kém may mắn. Cụ thể là chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khó thực sự về vật chất như không đủ cơm ăn, áo mặc và vô gia cư. Xử dụng tiền của vào những mục đích này chắc chắn là điều đẹp lòng Chúa và mưu ích thiêng liêng cho những ai giầu có mà biết khôn ngoan dùng tiền của để mua lấy “Kho tàng Nước Trời” như Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên giầu có trong Tin Mừng Marcô (Mc 10: 21).

Để chỉ rõ mối nguy hại của sự giầu có mà thiếu bác ái, Phúc Âm thánh Luca kể dụ ngôn về người giầu có bị phạt xuống hỏa ngục trong khi người nghèo Lazarô được vào Thiên Đàng bên Tổ Phụ Abraham (Lc 16: 19-26). Người giầu bị phạt không phải vì tội giầu có, phú quý khi còn sống, mà bị phạt vì không có lòng bác ái, không chút thương người nghèo La-za-rô hằng ngày ngồi ăn xin trước cửa nhà mình mà không được bố thí cho chút của ăn dư thừa.

Cụ thể hơn nữa là Dụ ngôn ngày Phán xét chung trong Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa (Đức Vua) nói với những người ở bên trái như sau:

Quân bị nnguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và sác sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các người đã không cho ăn; Ta khát các người đã không cho uống… Ta trần truồng các người đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom” (Mt 25: 41-43).

Như thế rõ ràng cho thấy, về một phương diện, Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi những người khèo khó, đói rách, bệnh hoạn và tù đầy. Và Người mong đợi những ai giầu có, sẵn phương tiện vật chất hãy mở lòng bác ái thương giúp những anh chị em xấu số, đang sống kiếp nghèo hèn trong mọi xã hội chuộng vật chất, ích kỷ, vô luân và phi nhân bản ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.

Chúa đến trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội, nhưng Người không tiêu diệt hết tội, bệnh tật, tai ương và nghèo đói trong trần gian này. Những thực tại này còn tồn tại đó để cho con người phải chiến đấu chống lại tội lỗi mà lập công, cũng như có dịp tốt để thi hành bác ái đối với những người nghèo khó, đau yếu bệnh tật, hoặc gặp những tai biến như động đất, sống thần (Tsunami) bão lụt, hỏa hoạn…

      Những người bị Chúa quở phạt trên đây là những kẻ, khi còn sống, có tiền và phương tiện vật chất dồi dào, nhưng đã không biết chia sẻ, thương giúp những người nghèo khó. Cho nên sự giầu có đã trở thành trở ngại cho họ được vào Nước Trời để hưởng vinh phúc giầu sang bất diệt với Chúa.

Điều nguy hại lớn nhất của lòng ham mê tiền của và sang giầu ở đời này là nguy cơ khiến con người trở nên ích kỷ, lãnh cảm (numb, incensitive) trước sự đau khổ vì nghèo đói của biết bao đồng loại ở khắp mọi nơi trên thế giới – và tệ hại hơn nữa- là bóc lột người khác cách tàn nhẫn để làm giầu cho mình. Ham mê tiền của cũng dẫn đưa con người đến chỗ phản bội, quên tình quên nghĩa với người khác kể cả ân nhân của mình.

Đó là trường hợp của Giuđa It-ca-ri-ôt, một trong 12 môn đệ của Chúa Giêsu đã bán Thầy lấy 30 đồng bạc và thất vọng đi treo cổ tự tử sau đó (Mt 27: 5).

Và chính vì mối nguy hại đó mà Chúa phải cảnh giác chúng ta chớ nên ham mê tiền của ở đời này đến nỗi không còn mong muốn tìm kiếm sự sang giầu đích thực của Nước Trời, nơi trộm cắp không thể lấy được. Nói khác đi, chỉ những ai giầu có mà không biết dùng của cải vào việc mưu ích cho phần rỗi của mình và giúp ích cho người khác thì mới đáng bị chê trách mà thôi. Ngược lai, nếu biết dùng tiền của như phương tiện hữu ích để thực thi đức ái thì chắc chắn không có gì phải phiền trách.

Tóm lại, Chúa không lên án những người giầu có chỉ vì họ giầu có mà vì có những người giầu làm nô lệ cho tiền của đến nỗi tôn thờ nó, thay vì phải tìm kiếm và tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa như sau:

Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn, vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước Thiên Chúa, còn những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12: 29-31).

Xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan của Phúc Âm để biết dùng tiền của và phương tiện vật chất để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho mình và cho người khác. Amen.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Anh chị Thụ & Mai gởi