Khủng bố ở Paris: Nhiều nghi can bị bắt, ISIS nhận trách nhiệm

Khủng bố ở Paris: Nhiều nghi can bị bắt, ISIS nhận trách nhiệm
Nguoi-viet.com

BRUSSELS, Bỉ (AP) – Bộ trưởng Tư Pháp Bỉ loan báo vừa bắt giữ nhiều người tình nghi có liên quan đến những vụ tấn công ở Paris vào đêm Thứ Sáu, trong khi ISIS nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

Biểu tượng về vụ tấn công ở Paris do nhà đồ họa người Pháp Jean Jullien vẽ ngay đêm thảm sát và đưa lên Twitter. Hình vẽ được retweet 20,000 lần. (Hình: Tweeter/Jean Jullien)

Bộ Trưởng Koen Geens nói qua hệ thống truyền hình VRT rằng vụ bắt khởi đầu sau khi một chiếc xe mang bảng số Bỉ, vào đêm trước đã thấy xuất hiện gần nhà hát Bataclan ở Paris.

Ông Geens cho biết đây là một chiếc xe thuê và cảnh sát Bỉ hôm Thứ Bảy tổ chức nhiều cuộc bố ráp tại St Jans Molenbeek, khu ngoại ô của thủ đô Brussels, nơi tập trung nhiều di dân gốc Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Tư Pháp Bỉ chỉ cho biết có trên một người bị bắt.

Đài RTBF của Bỉ loan tin, phóng viên thấy cảnh sát võ trang hiện diện tại khu vực phía Tây thủ đô vào chiều Thứ Bảy, thực hiện hai hoặc ba vụ lục soát. Một người đàn ông bị bắt.

Tại Anh, cảnh sát ở Sussex cho biết họ đang thẩm vấn một người đàn ông 41 tuổi từ Pháp qua, sau khi phát hiện một vật khả nghi, “có vẻ là vũ khí” tại phi trường Gatwick.

Cổng phía Bắc của phi trường được lệnh cho di tản hành khách và chuyên viên chất nổ được gọi đến vào sáng Thứ Bảy, sau khi cảnh sát thấy hành động khả nghi của một người đàn ông khi ông này quăng một vật gì đó.

Cảnh sát nói người đàn ông bị bắt vì tình nghi phạm tội liên quan đến vũ khí.

Khu vực này của phi trường bị lục soát trước khi hoạt động trở lại bình thường vào lúc 4 giờ chiều.

Gatwick là phi trường lớn thứ nhì của nước Anh.

Ở Đức, một người đàn ông 51 tuổi bị bắt hồi tuần trước, có một số vũ khí trong xe.

Thống đốc tiểu bang Bavaria nói người này có thể có liên hệ đến vụ tấn công ở Paris.

Cảnh sát Bavaria nói, họ tìm thấy một súng trường tự động, một kg chất nổ TNT và lựu đạn khi chận xét chiếc Volkswagen Golf của người đàn ông gần biên giới Đức và Áo vào hôm 5 Tháng Mười Một.

Cũng theo cảnh sát, các vũ khí này được giấu một cách chuyên nghiệp trong thân xe.

Họ không cho biết ông này có phải đang trên đường sang Paris để cùng các tay súng khủng bố tham gia cuộc tấn công hay không.

Bộ trưởng Nội Vụ Đức nói, dụng cụ tìm đường (GPS) của người đàn ông có chứa một địa chỉ ở Paris.

Ông Rainer Wendt, chủ tịch Liên Đoàn Cảnh Sát Đức, cho hay nhà chức trách Pháp đã lập tức được thông tin về vụ bắt giữ này.

Ông nói: “Người đàn ông bị câu lưu nhưng chưa chịu khai gì cả, vì thế chỉ với chừng đó thông tin, có vẻ không giúp gì mấy cho nhà chức trách Pháp. Ít nhất vụ tấn công đã không chận đứng trước được.”

Công Tố Viên Pháp Francois Molin hôm Thứ Bảy loan báo, ba nhóm tấn công khủng bố tại Paris có vẻ được phối hợp thực hiện.

Tổn thất nhân mạng đến nay được biết là 129 người chết và 352 người bị thương, trong đó có 99 người trong tình trạng nguy kịch.

Theo ông Molin, những người tấn công tại nhà hát Bataclan, nơi có 89 người bị giết, có nhắc đến Syria và Iraq trong khi tàn sát.

Trong khi đó, vào hôm Thứ Bảy, qua nhiều phương tiện truyền thong, ISIS nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Paris tối Thứ Sáu, nói rằng đây chỉ là “bước đầu của một trận bão.”

Ngoài ra, ISIS còn choc quê rằng Pháp là “thủ đô của tình trạng mại dâm và sự tục tĩu.”

Lời tuyên bố này được đăng bằng tiếng Ả Rập, tiếng Anh, và tiếng Pháp trên tài khoản của ISIS trên Telegraph, một chương trình để chuyển lời nhắn, rồi sau đó được chuyển qua Twitter cho mọi người đọc. (TP)

Người Việt ở Pháp ‘hạn chế ra khỏi nhà’

Người Việt ở Pháp ‘hạn chế ra khỏi nhà’

Cảnh sát tuần tra Quảng trường Place de la Republique sáng thứ Bảy sau một loạt các vụ tấn công chết người ở Paris, 14/11/2015.

Cảnh sát tuần tra Quảng trường Place de la Republique sáng thứ Bảy sau một loạt các vụ tấn công chết người ở Paris, 14/11/2015.

VOA Tiếng Việt

14.11.2015

Đại sứ quán Việt Nam ở Paris đã kêu gọi người Việt “bình tĩnh, hạn chế đi ra khỏi nhà và tuân thủ các chỉ dẫn của chính quyền Pháp”, trong khi chưa có thông tin về nạn nhân người Việt.

Cơ quan ngoại giao này cũng cung cấp hai đường dây nóng để người Việt liên hệ “nếu cần giúp đỡ” hay “có thông tin về nạn nhân là công dân Việt Nam”.

Quan chức đại sứ quán Việt Nam dẫn lời Cơ quan xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết “chưa có thông tin cụ thể về quốc tịch những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương”.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam ở Paris làm việc với các cơ quan chức năng ở địa phương để tìm hiểu thông tin liên quan đến công dân Việt ở những khu vực xảy ra tấn công.

Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở Paris nói riêng và Pháp nói chung đã kêu gọi mọi người “cẩn thận khi ra đường”.

Trên Facebook, nhiều người Việt ở Pháp đã sử dụng ứng dụng “Safety Check” để báo tin cho người thân và bạn bè biết rằng mình an toàn.

Trong khi đó, nhiều người khác đã thay ảnh đại diện bằng hình ảnh cờ Pháp nhằm bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông với những gì mà quốc gia này trải qua.

8 kẻ khủng bố đã bị triệt hạ, nhưng hiện chưa rõ là có thêm những kẻ tấn công hay các đồng phạm vẫn còn lẩn trốn ở Paris hay không.

Sau khi các vụ tấn công xảy ra làm hơn 120 người thiệt mạng, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập một phiên họp khẩn, tuyên bố tình trạng khẩn cấp khắp đất nước, đồng thời kêu gọi người dân Paris nên ở trong nhà ngày hôm nay, 14/11.

Tăng cường an ninh

Tin cho hay, hôm nay, tại thủ đô của Pháp, các trường học, viện bảo tàng, siêu thị và các địa điểm du lịch đã được đóng cửa và an ninh đã được tăng cường với 1.500 binh sĩ đã được triển khai trên đường phố Paris. Tất cả các sự kiện thể thao ở Paris đã bị hủy.

Một trong các mục tiêu tấn công là nhà hàng Campuchia có tên gọi ‘Le Petit Cambodge’, nơi một tay súng bắn chết hai khách hàng và khiến nhiều người khác bị thương.

Hôm nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết Việt Nam “hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào dân thường tại Pháp”.

“Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà Chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu”, ông Bình nói thêm.

“Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực Chính phủ và nhân dân Pháp đang triển khai, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng”.

Tin cho hay, các nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng “gửi điện chia buồn và thăm hỏi” tới những người đồng nhiệm của Pháp.

Hiện chưa có ai hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công ở Paris, nhưng chính quyền cho rằng nhiều khả năng có bàn tay của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo.

Số người chết tăng cao trong những vụ tấn công khủng bố ở Paris

Số người chết tăng cao trong những vụ tấn công khủng bố ở Paris

VOA
Các nạn nhân nằm trên vỉa hè một nhà hàng ở Paris, ngày 13/11/2015.

Các nạn nhân nằm trên vỉa hè một nhà hàng ở Paris, ngày 13/11/2015.

Những kẻ khủng bố đã tổ chức nhiều vụ tấn công cùng lúc vào tối thứ Sáu tại Paris, giết chết hàng chục người bằng súng tự động và những vụ nổ bom.

Nhiều người bị giữ làm con tin tại một nhà hát, nơi một buổi trình diễn của một ban nhạc Mỹ bị gián đoạn bởi những tiếng súng dồn dập của loại súng trường tự động Kalashnikov. Có tới 1.000 khán giả tại nhạc hội này; nhiều người thoát được, nhưng chưa rõ có bao nhiêu người bị bắt làm con tin hay bị hành quyết.

Tổng thống François Hollande cho biết ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh đóng cửa biên giới của Pháp – một hành động chưa từng có ở châu Âu trong thế kỷ thứ 21. Tại Washington, Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ sẵn sàng giúp đỡ bằng bất cứ cách nào có thể.

Một quan chức cảnh sát Pháp nói với VOA sáng sớm thứ Bảy (giờ địa phương) rằng số người chết hiện là 67 người, và vẫn đang tăng lên.

Chưa có tuyên bố nhận trách nhiệm ngay lập tức về những vụ tấn công.

Một nhân chứng bên trong nhà hát cho biết những kẻ tấn công đã liên tục xả súng vào đám đông và chỉ dừng lại để lên đạn. Người này khi đó đang ở gần một lối thoát và thoát được ra ngoài trong những giây mà những tay súng dừng lại.

Một trong những vụ đánh bom đầu tiên xảy ra ngay bên ngoài một sân vận động, nơi Tổng thống Hollande và một đám đông lớn đang xem một trận bóng đá giữa đội tuyển quốc gia Pháp và Đức.

Nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế cấp cứu nạn nhân tại một nhà hàng ở Paris, ngày 13/11/2015.

Nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế cấp cứu nạn nhân tại một nhà hàng ở Paris, ngày 13/11/2015.

Cảnh sát đã sơ tán ông Hollande, nhưng khi trận đấu dừng lại nhiều người trong đám đông đã chạy vào sân và đứng túm tụm trong nỗi sợ hãi.

Những nhà hàng và những quán bar trong một khu vực trung tâm đông đúc của thủ đô nước Pháp, gần Quảng trường Cộng hòa, cũng bị những kẻ tấn công nhắm mục tiêu.

Ông Hollande đã kêu gọi một cuộc họp nội các khẩn cấp lúc nửa đêm sau khi ông ra lệnh đóng tất cả cửa khẩu biên giới.

Quốc tế lên án

Tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi vụ tấn công là một “nỗ lực kinh hoàng nhằm khủng bố thường dân.”

Thủ tướng Anh David Cameron viết trên Twitter: “Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ.” Ông cho biết ông bàng hoàng về những sự kiện ở Paris và cầu nguyện cho người dân Pháp.

Tại Liên Hiệp Quốc, một phát ngôn viên cho biết Tổng thư ký Ban Ki-moon “lên án những vụ tấn công khủng bố hèn hạ” và “đòi phóng thích ngay lập tức nhiều người được nói là đang bị cầm giữ làm con tin ở nhà hát Bataclan.”

Khán giả đổ xô vào sân vận động Stade de France sau một vụ nổ gần đó, ngày 13/11/2015.

Khán giả đổ xô vào sân vận động Stade de France sau một vụ nổ gần đó, ngày 13/11/2015.

Giới chức Mỹ cho biết đại sứ quán Mỹ tại Pháp đang kiểm tra sự an toàn của tất cả công dân Mỹ ở Paris. Tuy nhiên, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết tại thủ đô của Mỹ rằng “không có mối đe dọa cụ thể hoặc đáng tin cậy nào nhắm vào Mỹ.”

Vụ tấn công quy mô lớn hôm thứ Sáu gợi nhớ tới vụ tấn công của những tay súng Hồi giáo vào tháng 1 giết chết 17 người.

Tháng trước, Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại của Pháp Bernard Bajolet cho biết tại một diễn đàn rằng có nhiều vụ tấn công rất khó phát hiện.

“Mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày 9/11. Ví dụ, trong tháng qua, chúng tôi đã phá vỡ một số lượng nhất định những vụ tấn công nhắm vào lãnh thổ của chúng tôi bằng phương tiện của chúng tôi hoặc nhờ sự hợp tác mà chúng tôi có với CIA, NSA và những cơ quan như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi lúc nào cũng có thể phá vỡ những vụ tấn công như vậy,” ông nói.

Trung Quốc chỉ trích Philippines và tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc

Trung Quốc chỉ trích Philippines và tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc

VOA

30-10-2015

Đảo Pag-asa, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: AP

Trung Quốc tuyên bố quan hệ với Philippines xuống ‘thấp nhất trong lịch sử’ sau khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc chấp nhận vụ Manila kiện bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh và tàu Mỹ tuần tra các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Bắc Kinh ngày 30/10 bác bỏ hai thách thức lớn đang đối mặt trong tranh chấp Biển Đông: hành động thực tiễn từ Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào vùng biển Trung Quốc nhận chủ quyền và biện pháp pháp lý của Philippines khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc tuyên bố có quyền phân xử vụ Manila kiện bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông.

Sau khi chỉ trích các cuộc tuần tra của Mỹ là ‘táo tợn’ và ‘khiêu khích’, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên án quyết định của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc là ‘vô giá trị, phi hiệu lực, không có tác động bắt buộc đối với Trung Quốc’.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “Trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải, Trung Quốc sẽ không công nhận bất kỳ giải pháp nào áp đặt lên Trung Quốc hoặc bất kỳ kế sách đơn phương nào mưu tìm một sự dàn xếp từ một bên thứ ba”.

Cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc nói hành động của Philippines làm phương hại tới lòng tin giữa Bắc Kinh với Manila và cảnh cáo Philippines chớ sa lầy ra khỏi con đường thương lượng song phương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên tiếng thúc giục Manila quay lại đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Đáp lại, Philippines hoan nghênh quyết định của tòa trọng tài và cho biết đã sẵn sàng đệ trình các hồ sơ luận cứ của mình.

Một giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận xét phán quyết của tòa cho thấy phân xử các vấn đề tranh chấp dựa trên luật lệ và thực hành của quốc tế là khả dĩ để xử lý mâu thuẫn nếu không giải quyết được chúng.

Việt Nam, nước cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, chưa lên tiếng bình luận về vụ việc.

Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược của hai đồng minh Mỹ và Philippines áp lực Trung Quốc phải xác minh các tuyên bố chủ quyền mơ hồ của họ ở Biển Đông dựa trên luật quốc tế.

Học giả Richard Javad Heydaria chuyên nghiên cứu về an ninh khu vực tại đại học De La Salle ở Manila nhận định Washington và Manila đang phối hợp hiệu quả trên bàn cờ Biển Đông.

Tuy nhiên, ít khả năng những diễn tiến này sẽ khiến Trung Quốc phải bẻ lái cho dù tòa có tuyên bố Philippines thắng kiện đi chăng nữa.

Phân tích gia về an ninh William Chooong thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược cho rằng “Không có gì đảm bảo là Trung Quốc sẽ tuân thủ bất kỳ phán quyết nào của tòa bất lợi cho họ”.

Tòa án ở La Haye tối ngày 29/10 tuyên bố có quyền tài phán trong vụ kiện của Manila chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và bác lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp Biển Đông nằm ngoài thẩm quyền phân xử của tòa.

Theo Reuters, Manila Bulletin, Wall Street Journal.

Trung Quốc bị tứ bề thọ ‘địch’

Trung Quốc bị tứ bề thọ ‘địch’

BẮC KINH (NV) – Một thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc vừa tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không tham dự tiến trình phân xử và không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa Trọng Tài Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Tổng Thống Benigno Akino của Philippines chỉ vào đường ranh giới trên bản đồ yêu
sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Hôm 29 Tháng Mười, tòa này chính thức tuyên bố họ có đầy đủ thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.

Tuyên bố vừa kể đẩy Trung Quốc lún sâu vào thế bất lợi trong quan hệ quốc tế.

Vì muốn độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc hung hăng đối đầu với nhiều bên, đẩy Hoa Kỳ đến chỗ phải nhập cuộc để kiềm chế và nay, Trung Quốc phải đối diện với cơ quan tài phán quốc tế.

Năm 2013, sau khi nhận đơn kiện của Philippines, tòa đã vài lần yêu cầu cả Philippines lẫn Trung Quốc bổ túc bằng chứng, lý lẽ.

Dẫu khăng khăng khẳng định có đầy đủ bằng chứng không thể tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông, thậm chí tuyên bố Biển Đông là tài sản do tổ tiên để lại, nhưng Trung Quốc dứt khoát không đáp ứng yêu cầu của tòa.

Thậm chí Trung Quốc còn cho rằng, tòa vô năng, không có thẩm quyền phân xử.

Việc tòa khẳng định cơ quan này có thẩm quyền phân xử vụ kiện, với Philippines là nguyên đơn và Trung Quốc là bị đơn, khiến Bắc Kinh vất vả hơn trong việc chống đỡ để bảo vệ tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Ông Lưu Chấn Dân, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, chống chế, vụ kiện mà Tòa Trọng Tài Về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc nhận thụ lý là một vụ phân xử thiếu thiện chí bởi vì không có sự thuận tình từ phía Trung Quốc. Philippines kiện Trung Quốc không phải vì muốn giải quyết các bất đồng mà chỉ nhằm phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Bởi vì thiếu các bằng chứng và lý lẽ biện bạch cho yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các quốc gia bị yêu sách này xâm hại chủ quyền. Nhiều chuyên gia về luật biển tin rằng, tòa sẽ bác yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.

Đó có thể cũng là lý do chính khiến ông Lưu Chấn Dân phải nói trước rằng, phán quyết của tòa sẽ không làm thay đổi quan điểm của Trung Quốc, cũng như không ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngay sau khi tòa tuyên bố, cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền để phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đề nghị Philippines quay lại “con đường đúng đắn” là đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để giải quyết bất đồng về chủ quyền.

Nếu tòa có phán quyết chính thức và phán quyết này phủ nhận yêu sách của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng, tất cả những hành động của họ Biển Đông đều nằm trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, rằng Trung Quốc luôn có thiện chí duy trì hòa bình và giữ gìn sự ổn định trong khu vực.

Cần nói thêm là mới đây, khi đến thăm Trung Quốc, bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, nhận định, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là một xung đột nghiêm trọng và nhấn mạnh là bà ngạc nhiên vì tại sao Trung Quốc luôn bảo rằng họ có thiện chí nhưng lại không chọn các tòa án quốc tế làm giải pháp giải quyết bất đồng. (G.Đ.)

Trung Quốc bị xếp hạng chót thế giới về tự do Internet

Trung Quốc bị xếp hạng chót thế giới về tự do Internet

VOA

Người sử dụng internet tại một quán cà phê internet ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc.Người sử dụng internet tại một quán cà phê internet ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Richard Green

28.10.2015

Một bản phúc trình mới được công bố cho thấy mạng Internet đã trở nên ít tự do hơn cho hàng triệu người trên khắp thế giới trong năm 2015. Thông tín viên Richard Green của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Trong bản phúc trình thường niên lần thứ 6 về quyền tự do diễn đạt trên Internet, Freedom House, một tổ chức bất vụ lợi ở Mỹ, cho biết tự do Internet đã bị sút giảm tại 32 trong số 65 quốc gia được khảo sát.

Bà Laura Reed, một nhà nghiên cứu của Freedom House cho bản báo cáo “Tự do Mạng 2015,” cho biết tình trạng này phát sinh phần lớn từ việc các cơ quan tình báo được dành cho nhiều quyền hạn hơn để thực hiện những hoạt động theo dõi điện tử nhắm vào công dân của họ.

Bà Reed cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tình trạng này thông qua việc các chính phủ ban hành những luật lệ và chỉ thị mới để nới rộng khả năng pháp lý của họ để thực hiện hoạt động theo dõi, để lưu giữ các dữ liệu của người sử dụng. Chúng tôi cũng nhận thấy sự phổ biến của các loại kỹ thuật theo dõi trên khắp thế giới, cả ở những nước dân chủ hơn lẫn ở những nước mà chính phủ đã lạm dụng những kỹ thuật đó trong quá khứ và đã dùng chúng để đàn áp những nhân vật tranh đấu nhân quyền, những nhà báo phê phán chính quyền và những nhóm khác.”

Bà Reed cho hay các chính phủ cũng tăng cường những nỗ lực để loại hẳn ra khỏi Internet những nội dung mà họ cho là không phù hợp, thay vì chỉ ngăn chặn những nội dung đó. Ngoài ra, các chính phủ cũng đòi hỏi chính những công ty cung cấp dịch vụ Internet phải thực hiện việc này.

Bà Reed nói: “Và giờ đây, vì chúng tôi nhận thấy các chính phủ thật sự nhắm vào nội dung ngay tại nguồn của nó, cho nên đó là một việc hết sức đáng lo. Một mặt vì nội dung đó sẽ bị xoá bỏ vĩnh viễn, không ai có thể truy cập nó ở trong nước hay ở nước ngoài. Mặt khác, có những áp lực đi kèm đối với các công ty truyền thông xã hội, đối với các cá nhân thông qua những vụ truy tố hay những thủ đoạn hăm doạ khác. Do đó tôi nghĩ rằng điều đáng chú ý trong bản báo cáo năm nay là sự thay đổi trong cách thức thực hiện việc kiểm duyệt.”

Việt Nam cũng bị xếp vào danh sách các nước không có tự do Internet.

Việt Nam cũng bị xếp vào danh sách các nước không có tự do Internet.

​66 nước được khảo sát chiếm khoảng 88% số người sử dụng internet trên thế giới. 50 nước trong số đó bỏ tù những người sử dụng vì đã phổ biến trên mạng những ý kiến về các vấn đề chính trị, xã hội – tăng đáng kể so với con số 38 nước của năm ngoái.

Trung Quốc bị xếp hạng chót về tự do Internet. Kế đến là Syria và Iran. Việt Nam cũng bị xếp vào danh sách các nước không có tự do Internet.

Trung Đông là khu vực có tự do mạng ít nhất thế giới, vì Iran tiếp tục đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng và Ả rập Xê út tuyên án đánh roi và thậm chí án tử hình cho một số người phê phán trên Internet.

Các tác giả của bản báo cáo ghi nhận rằng hoạt động tranh đấu tiếp tục là lực đẩy chính cho sự nới rộng của tự do Internet và tự do diễn đạt, chẳng hạn như phán quyết có tính chất dấu mốc của Toà án Âu châu trong vụ kiện về “quyền được lãng quên,” một vụ án thoạt đầu là do các nhân vật tranh đấu Internet khởi kiện.

Mỹ tuần tra Biển Đông: Việt Nam và Đông Nam Á cần tích cực ủng hộ

Mỹ tuần tra Biển Đông: Việt Nam và Đông Nam Á cần tích cực ủng hộ

Trọng Nghĩa

RFI

Mỹ tuần tra Biển Đông: Việt Nam và Đông Nam Á cần tích cực ủng hộ

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan (CVN 76) quá cảnh Biển Đông.@wikimedia/ U.S. Navy photo

Biển Đông phải chăng sắp sửa dậy sóng ? Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà quan sát đang đặt ra vào lúc khẩu chiến Mỹ-Trung đang càng lúc càng gay gắt sau khi Washington liên tiếp nhắc lại quyết tâm tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên biển tại vùng Trường Sa, sát các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp trên nền các bãi đá mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam và Philippines trước đây.

Lời khẳng định quyết tâm gần đây nhất của Mỹ đến từ Đô đốc Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP hôm 22/10/2015, Đô đốc Swift khẳng định rằng Hải quân Mỹ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ lệnh « giới hoạch định chính sách » – tức là Nhà Trắng – mà thôi.

Tuyên bố của Đô đốc Swift nằm trong một chuỗi những lời khẳng định theo cùng một chiều hướng của các nhân vật cao cấp trong quân đội cũng như chính quyền Mỹ, từ Bộ Quốc phòng đến Bộ Ngoại giao.

Trong một cuộc họp báo ngày 19/10 chẳng hạn, ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã không ngần ngại tái khẳng định ý định tuần tra Biển Đông của Mỹ để thể hiện lập trường chống lại « các yêu sách chủ quyền trên biển quá đáng ».

Trước những tín hiệu dồn dập đó, Trung Quốc đã có những phản ứng rất gay gắt, và như thông lệ, đã bật đèn xanh cho báo chí lớn tiếng đe dọa Mỹ và các nước chống lại tham vọng bành trướng ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.

Giới chức ngoại giao Trung Quốc chẳng hạn, đã xác định rằng Bắc Kinh « sẽ không cho phép bất kỳ nước nào vi phạm không phận và lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ».

Giọng điệu ngoại giao nói trên đã trái ngược hẳn với những lời đe dọa trên báo chí Trung Quốc. Tân Hoa Xã ngày 21/10, đã cho rằng Mỹ sẽ phạm phải một « sai lầm nghiêm trọng » nếu cho tàu tuần tra gần các hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, vì Trung Quốc « không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường khả năng phòng vệ ».

Hoàn Cầu Thời báo, nổi tiếng với lời lẽ dao to búa lớn, thì nói thẳng thừng là nếu Mỹ xâm phạm « các lợi ích cốt lõi » của Trung Quốc, thì Quân đội Trung Quốc sẽ « dùng vũ lực ngăn chặn ».

Khẩu chiến bùng lên giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến nhiều chuyên gia phân tích lo ngại về khả năng sự cố nảy sinh. Theo một số chuyên gia về an ninh, được hãng tin Anh Reuters hôm 24/10 trích dẫn, thì Hải quân Trung Quốc chẳng hạn có thể cho tàu ra cản trở hoặc bao vây tàu Mỹ, làm tăng nguy cơ xung đột.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều thấy rằng, Mỹ chắc chắn sẽ xúc tiến việc cho tàu Hải quân tiến vào khu vực bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa, vấn đề là lúc nào và bao lâu mà thôi.

Một câu hỏi quan trọng không kém là có nước nào đồng ý cùng tuần tra với Mỹ hay không, vì sẽ là một nghịch lý nếu Hoa Kỳ, nước không có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông lại năng nổ trong việc bảo vệ quyền tự do qua lại, đa số các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép qua hành động bồi đắp đảo, xây căn cứ có thể dùng vào mục tiêu quân sự, lại có phần im hơi lặng tiếng.

Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine (Hoa Kỳ), vào lúc mà ý đồ nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc đã bộc lộ rõ rệt, với tuyên bố công khai của ông Tập Cận Bình nhân chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 9 vừa qua, và với các hành động cụ thể của Bắc Kinh tại Trường Sa hiện nay, đã đến lúc các nước nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc, đứng đầu là Việt Nam không còn nhân nhượng được nữa, mà phải tích cực hơn trong việc hậu thuẫn cho các hoạt động của Mỹ.

Động đất mạnh làm rung chuyển Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ

Động đất mạnh làm rung chuyển Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ

Nhân viên cứu hộ khiêng người bị thương trong trận động đất đến bệnh viện Lady Reading ở Peshawar, Pakistan, ngày 26/10/2015.

Nhân viên cứu hộ khiêng người bị thương trong trận động đất đến bệnh viện Lady Reading ở Peshawar, Pakistan, ngày 26/10/2015.

26.10.2015

Một trận động đất mạnh xảy ra ở miền bắc Afghanistan hôm nay, làm rung chuyển thủ đô Kabul mà chấn động địa chất cảm nhận được ở tận Pakistan và Ấn Độ.

Tại Afghanistan, cơ quan y tế tỉnh xác nhận ít nhất 6 người đã thiệt mạng và gần 70 người bị thương ở tỉnh Nangarhar. Tại tỉnh Kunduz, giám đốc giáo dục cho VOA biết rằng 12 học sinh thiệt mạng tại thị trấn Takhar trong lúc 35 người khác bị thương.

Tại Pakistan, ít nhất 40 người đã thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương, chủ yếu là ở tỉnh Khyber Pakhtunkhaw giáp biên giới Afghanistan.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết cơn động đất mạnh 7,5 độ Richter có độ sâu 196 km với tâm điểm tại khu vực cách Feyzabad 82 cây số về hướng Đông Nam trong một vùng hẻo lánh của Afghanistan ở dãy núi Hindu Kush.

Tâm chấn của trận động đất cách Feyzabad 82 cây số về hướng Đông Nam trong một vùng hẻo lánh của Afghanistan ở dãy núi Hindu Kush.

Người đứng đầu quân đội Pakistan, Tướng Raheel Sharif, đã chỉ huy cho các tư lệnh huy động lực lượng và trực thăng phân phối thiết bị cứu hộ tới khu vực ngay lập tức.

Bác sĩ Muhammad Sadiq, trưởng khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở Thung lũng Swat của Pakistan cho hãng thông tấn Pháp biết có hơn 100 người bị thương trong trận động đất và rằng ‘nhiều người vẫn còn nằm bên dưới đống đổ nát.’

Tin nói các cao ốc ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) bị lắc lư khiến các nhân viên văn phòng tháo chạy ra đường.

Trận động đất này xảy ra gần đúng nửa năm sau trận động đất tàn phá Nepal giết chết hàng ngàn người và phá hủy hàng trăm hàng ngàn nhà cửa.

Biển Đông: Indonesia nhắc lại lập trường không chấp nhận đường lưỡi bò

Biển Đông: Indonesia nhắc lại lập trường không chấp nhận đường lưỡi bò

RFI

Trọng Nghĩa

media

Quần đảo Natuna của Indonesia tại Biển Đông. Đường lưỡi bò của Trung Quốc đã liếm vào một vùng biển ở khu vực này, được Indonsia cho là thuộc chủ quyền của mình.DR

Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ lên đường công du Hoa Kỳ, với cuộc họp thượng đỉnh với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama được dự trù ngày 26/10/2015 tại Washington. Hồ sơ Biển Đông được cho là cũng sẽ nổi bật trong chương trình thảo luận của ông Widodo với lãnh đạo Mỹ. Trước ngày Tổng thống Indonesia lên đường, Jakarta đã tái xác định quan điểm bác bỏ đường 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền tại Biển Đông.

Trong một phát biểu với báo giới vào hôm qua, 24/10, phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz xác nhận một số nội dung chính nhân Hội nghị Thượng đỉnh Obama-Widodo, từ biến đổi khí hậu cho đến thương mại, và nhất là hợp tác trong lãnh vực quốc phòng và hàng hải.

Cùng ngày, nhật báo Mỹ Wall Street Journal đã trích lời ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng đặc trách về các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh, một nhân vật được cho là có ảnh hưởng mạnh nhất trong chính phủ Indonesia hiện nay, xác định rằng Jakarta sẽ nhờ Washington giúp đỡ trong việc thành lập một lực lượng tuần duyên hiện đại để tuần tra các vùng biển chiến lược của mình, cũng như đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Pandjaitan, trong thời gian qua, Indonesia đã tập trung giải quyết ổn thỏa các vấn đề trong nước, đặc biệt là kinh tế, và giờ đây đến lúc nước này quan tâm nhiều hơn đến vấn đề khu vực và quốc tế.

Mỹ có quyền tiến vào vùng 12 dặm quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc

Về vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay là các tuyên bố liên tiếp của Mỹ, khẳng định rằng sẽ sớm cho tàu Hải quân tiến vào vùng biển bảo quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp tại vùng Trường Sa, ông Pandjaitan không ngần ngại cho rằng Mỹ có quyền làm như vậy.

Ông giải thích : « Chúng tôi không muốn làm như là chúng tôi mời Mỹ đến đó… Nhưng đấy là biển quốc tế, và tất cả mọi người đều có quyền đi qua khu vực đó. »

Nhân vật này đồng thời nhắc lại lập trường xuyên suốt của Indonesia liên quan đến yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông : « Chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn ».

Đường lưỡi bò : Một điều tưởng tượng

Theo ông Pandjaitan, đường lưỡi bò mà Bắc Kinh cho là phản ánh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, chỉ là một điều « tưởng tượng ».

Theo báo Wall Street Journal, khi được hỏi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Pandjaitan.

Trong hồ sơ Biển Đông, Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, khác với 4 thành viên khác trong cùng khối ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên, đường lưỡi bò mà Trung Quốc dùng để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông đã liếm vào vùng dầu khí Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia, gây bất bình không ít tại quốc gia này.

Mỹ: Con tin trong khu nhà IS được giải cứu lúc sắp bị hành quyết

Mỹ: Con tin trong khu nhà IS được giải cứu lúc sắp bị hành quyết

Thượng sĩ Joshua Wheeler tử thương trong một cuộc tấn công chống lại các nhóm Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Iraq.

24.10.2015

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết những con tin bị nhốt trong một khu nhà của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq đang sắp sửa bị hành quyết thì một cuộc đột kích hỗn hợp của Mỹ và người Kurd hôm thứ Năm giải cứu họ.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ông Carter cho biết một nấm mồ đã được chuẩn bị sẵn cho những con tin tại địa điểm này mà ông mô tả là một “trung tâm hành quyết.”

Cuộc đột kích táo bạo tại khu nhà của Nhà nước Hồi giáo ở khu vực Hawijah, phía tây thành phố  Kirkuk, giải thoát khoảng 70 con tin, trong đó có ít nhất 22 thành viên thuộc lực lượng an ninh Iraq.

Cuộc đột kích cũng khiến quân nhân Mỹ đầu tiên tử trận trong chiến dịch kéo dài một năm chống lại những kẻ cực đoan IS. Thượng sĩ Joshua Wheeler tử thương vì hỏa lực của Nhà nước Hồi giáo trong nhiệm vụ này.

Một phát ngôn viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq, Đại tá Steve Warren, nói với VOA rằng thượng sĩ Wheeler bị bắn một phát và cho biết rằng lực lượng người Kurd cũng hứng chịu thương vong trong vụ đột kích.

Những binh sĩ Mỹ, “những con người của hành động giữa chiến sự nóng bỏng, đã quyết định giúp đỡ,” ông Warren nói. “Chỉ huy trên thực địa đã ra lệnh tiến vào giúp diệt trừ kẻ thù.”

Ông Warren cho biết bốn con tin đã  bị hành quyết ở khu nhà này ngày hôm trước. “Đây là cuộc đột kích đầu tiên thuộc loại này và kịch tính như vậy” bởi vì nó diễn ra “đằng sau giới tuyến của kẻ thù, giải cứu con tin,” ông nói.

Mặc dù thượng sĩ Wheeler thiệt mạng, Ngũ Giác Đài phủ nhận quân đội Mỹ đang trực tiếp chiến đấu tại Iraq. Một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ cho biết hàng chục chiến binh người Kurd và Mỹ đã tham gia vào nhiệm vụ giải cứu tối thứ Tư và sáng thứ Năm, phối hợp với chính quyền khu vực người Kurd của Iraq.

Thượng sĩ Wheeler trúng đạn súng nhỏ trong cuộc đột kích, Bộ Quốc phòng Mỹ nói. Anh thuộc đơn vị hoạt động đặc biệt của Lục quân Mỹ đặt ở Fort Bragg, bang North Carolina.

 

Văn chương về nỗi đau con người giành Nobel 2015

Văn chương về nỗi đau con người giành Nobel 2015

RFA

Trong bối cảnh Nga đang căng thẳng với Mỹ, cùng nhiều nước Châu Âu, không ít người tin rằng việc trao giải Nobel Văn Chương 2015 cho bà Svetlana Alexievich là có động cơ chính trị. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều người được biết về bà Svetlana Alexievich, đã hiểu rằng cuối cùng là Nobel cũng đã chọn đúng được một con người đã âm thầm cống hiến cho các số phận và biên niên sử về đổ nát và cai trị trên thế giới này.

Và có lẽ để tránh gây ra những tranh cãi không cần thiết, tên của bà Svetlana Alexievich chỉ bất ngờ được xướng lên vào giờ chót, vượt qua các tên tuổi được đề cử năm nay là Haruki Murakami (Nhật), Ngugi Wa Thiong’o (Kenya), Jon Fosse (Na Uy), Joyce Carol Oates (Mỹ). Trong số những cái tên đề cử của Nobel Văn chương 2015, tỉ lệ cá cược phần thắng giành cho bà Svetlana Alexievich là rất ít ỏi. Thậm chí, bà Alexievich chỉ nhận được tin mình đoạt giải Nobel trước bản tin chính thức loan ra, cách đó 15 phút.

Đoạt giải Nobel Văn chương, nhưng nhiều tờ báo vẫn quen gọi bà Svetlana Alexievich là nhà báo, bởi việc bà đã bỏ ra nhiều năm để đi, tìm hiểu và ghi chép về những số phận con người trãi qua chiến tranh và sự cai trị chế độ Sô Viết cũ. Khi có người hỏi rằng bà có phải chỉ đang làm công việc chép lại lịch sử như một nhà báo hay không, bà Svetlana Alexievich dã lập tức trả lời rằng “tôi ghi lại lịch sử, nhưng bằng cảm xúc với những con người đã sống sót qua lịch sử”.

Số phận của bà Alexievich chứng kiến nhiều nghịch cảnh. Bà người Belarus, nhưng sinh ra tại Ukraine vào năm 1948. (mẹ bà là người Ukraine.) Khi cha của bà đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự của mình, gia đình chuyển lại cho Belarus, nơi Alexievich học báo chí tại Đại học Minks. Nhưng nhờ vậy mà bà lại có cơ hội nhìn và cảm nhận được toàn bộ về chiến tranh, xung đột, thảm kịch ở Liên Xô cũ, cũng như các nước chịu ách thống trị của cộng sản Nga. Giới nghiên cứu và sinh viên vẫn luôn coi các tác phẩm của bà Alexievich là nguồn cảm hứng quanh các đề tài Chiến tranh thế giới II, Chiến tranh Xô-Afghanistan và các thảm họa Chernobyl.

Công việc của bà Alexievich được giới thiệu ở giải Nobel như một điều mới mẻ. Chưa bao giờ Nobel Văn chương lại nhìn thấy công việc của một nhà văn nào như bà. Bà không sáng tác, bà vẽ lại thế giới, làm đầy những phần bị mất hoặc sẽ lãng quên cùng nỗi đau và tội ác. Trong thông cáo của mình, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nói về nhà văn 67 tuổi này “Giải thưởng xin dành cho cho các tác phẩm đầy âm điệu của bà, một tượng đài ẩn nhẫn và quả cảm trong thời đại chúng ta”.

Thư ký thường trực mới của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Sara Danius nói rằng 40 năm nghiên cứu con người của Liên Xô, mà nhà báo Belarus Svetlana Alexievich làm nên là “một cái gì đó vĩnh cửu, một cái nhìn thoáng qua để thấu đạt cõi đời đời.”

Nhà bình luận văn học Sarah Begley viết trên tờ Time rằng bà Alexievich là một bậc thầy về lịch sử truyền miệng. Khi phỏng vấn những người lính, phụ nữ và người dân về những cuộc đời của họ, bà Alexievich đã viết lại một cách tài tình, khiến cho câu chuyện của họ sống động trong một hình thức văn chương quyến rũ nhất.

“Tôi đã tìm kiếm một thể loại mà sẽ là thích hợp nhất để chuyển tải được cái nhìn của tôi về thế giới, để truyền đạt được cách tai tôi nghe, mắt tôi thấy về cuộc sống này”, bà Alexievich viết trên website của mình như vậy, “Tôi đã cố gắng tìm kiếm và cuối cùng chọn một thể loại là để con người cất lên tiếng nói của chính họ.”

Alexievich trở thành người phụ nữ thứ 14 giành được giải Nobel về văn học, nhà báo đầu tiên và những nhà văn đầu tiên của dòng văn chương phi hư cấu, trong nửa thế kỷ qua. Lúc này bà Alexievich đang viết diễn từ của mình, để đọc tại lễ trao giải Nobel vào 10 tháng 12 tới đây trong sự lo ngại của chính quyền Belarus và Nga, bởi bà là người luôn viết và nói về những thứ mà cả hai chính quyền này đều muốn dân chúng phải lãng quên.

Bà Alexievich cũng là một trong những trí thức đấu tranh ôn hoà, chán ghét độc tài và cộng sản. Khi báo chí Nga bình luận, tỏ vẻ muốn “giành” giải Nobel của bà cho dòng văn học Nga, bà Alexievich đã tuyên bố với báo giới rằng “Tôi mang trong mình một phần đời của Belarus, một phần của văn hoá Nga và còn lại thuộc về thế giới. Tôi yêu điều tốt đẹp, sự nhân ái của đời sống Nga, gồm cả văn chương, ballet, âm nhạc… Nhưng tôi không thể yêu nổi phần của Satlin, Beria, Putin và Shoigu” (chú thích: Sergei Shoigu là Bộ trưởng Quốc phòng Nga hiện nay). Vì không chấp nhận được xu hướng độc tài ở Belarus, bà Alexievich rời đi và định cư ở Tây Âu từ nhiều năm nay, viết sách bằng tiếng Nga. Alexievich đã dành nhiều năm sống bên ngoài Belarus, sau khi chỉ trích rằng Tổng thống Alexander Lukashenko cũng đang học đòi phong cách độc tài không khác gì Putin.

Cuộc đời của bà Svetlana Alexievich cũng cô đơn như những nhân vật trong tác phẩm của bà. Trong khi cả thế giới lên tin tức về một người mang văn hoá Nga, văn hoá Belarus vừa đoạt giải Nobel Văn chương, nhưng tất cả giới quan chức của Belarus và Nga đều im lặng như tờ, không khác gì Trung Quốc nghe tin Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hoà Bình. Khi được hỏi về điều này, bà Svetlana Alexievich nói “chính quyền Belarus lâu nay đã coi như tôi không tồn tại, họ đã không cho phát hành sách của tôi, và tôi cũng không được quyền nói trước công chúng ở bất cứ đâu”.

Trước bà Svetlana Alexievich, nữ văn sĩ người Đức Herta Muller, cũng là người ẩn nhẫn và kiên định với văn chương và thái độ tố cáo tội ác của cộng sản, cũng đã nhận giải Nobel vào năm 2009.

Kể từ tháng 1, nàm 2006, khi Hội đồng nghi viện của Uỷ Hội Châu Âu (gồm 46 quốc gia) thông qua nghị quyết 1481 tại Strasbourg (Pháp), khẳng định chủ nghĩa cộng sản chính là tội ác chống lại con người, dường như, văn chương phản ánh nỗi đau con người dưới các loại chế độ cộng sản luôn được trân trọng vinh danh. Đây là chi tiết mà nhiều báo tiếng Việt trong nước vẫn không muốn nhắc đến.

Nga sa lầy : Cơ hội cho một giải pháp chính trị với Syria

Nga sa lầy : Cơ hội cho một giải pháp chính trị với Syria

mediaMột SU-34 của không quân Nga trong chiến dịch oanh tạc ở Syria. Ảnh bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 9,/10/ 2015,REUTERS/ FOR EDITORIAL USE ONLY. NO SALES

Nga không kích tại Syria, ngày 30/09/2015, mở màn cho một cuộc chiến không hứa hẹn nhiều triển vọng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ bị sa lầy trong xung đột. Phương Tây, bị động với chiến dịch can thiệp Nga, chỉ có thể tham gia vào một giải pháp chính trị, một khi Nga chấp nhận đối diện với thực tế và hành xử có trách nhiệm. Trên đây là ghi nhận của nhiều nhà quan sát.

Không chỉ dùng phi cơ không kích « quân khủng bố », Matxcơva đã cho bắn hàng chục hỏa tiễn từ biển Caspie, cách Syria khoảng 1.500 km. Đây là một « thông điệp chính trị và chiến lược hết sức nghiêm trọng », theo nhận định của ông Thomas Gomart, giám đốc Viện quan hệ quốc tế Pháp (Ifri), được AFP trích dẫn. Trong thế bị động, phản ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh dừng ở chỗ cáo buộc Matxcơva cố làm mọi cách để bảo vệ chế độ Bachar al-Assad, và cảnh báo sẽ có thêm nhiều tổn thất thiệt mạng.

Cũng như tại Gruzia năm 2008, hay Ukraina năm 2014, trong khủng hoảng Syria, lập trường của Phương Tây là tránh đụng độ với Nga. Trên chiến trường Syria hiện nay, có một sự phân định bất thành văn. Hai bên Nga và liên quân do Hoa Kỳ dẫn dắt, mỗi bên tự khẳng định « vùng ảnh hưởng riêng » : khu vực của Nga là tại miền tây Syria, căn cứ địa của chế độ Bachar al-Assad, còn miền đông Syria, liên quân tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Nguy cơ phe nổi dậy ôn hòa chạy theo IS

Chiến dịch quân sự của Nga không mang lại nhiều triển vọng lạc quan. Theo nhà phân tích Julien Barnes-Dacey, thuộc viện tư vấn chính sách đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations), có trụ sở tại Luân Đôn, Matxcơva có một « trách nhiệm nặng nề » trong cuộc khủng hoảng tại Syria, bởi chiến dịch không kích mà Nga đang tiến hành có thể khiến một bộ phận « phe nổi dậy ôn hòa » đầu quân cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), làm bùng lên không khí bạo lực thánh chiến Hồi giáo nói chung.

Theo chuyên gia viện tư vấn chính sách đối ngoại Châu Âu, Matxcơva có thể đóng vai trò tích cực cho việc giải quyết khủng hoảng bằng cách gây áp lực, buộc chính quyền Assad chấm dứt việc thả thuốc nổ, gây thiệt hại ghê gớm cho dân thường, và tạo điều kiện cho « các trợ giúp nhân đạo » đến được với người dân.

Chiến dịch can thiệp tại Syria, một chiến dịch quân sự ngoài biên giới đầu tiên của Matxcơva sau 1979, cho phép Nga trở lại vị trí trung tâm trong cục diện chính trị quốc tế. Kịch bản lạc quan nhất đối với Nga có thể xảy ra là chế độ Bachar al-Assad sẽ được củng cố, qua đó Nga giữ vững được lợi ích chiến lược tại khu vực, và đứng trên thế mạnh trong các thương lượng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không có gì bảo đảm là Matxcơva sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này.

Cuộc chiến Nga -Tchetchenia lần thứ ba

Ngay sau khi Nga mở màn chiến dịch không kích tại Syria, truyền thông nói nhiều đến một « cuộc chiến tranh Thế giới thứ Ba » có thể đã bắt đầu. Nhưng có một « cuộc chiến thứ ba khác » ít được để ý hơn, đó là xung đột tái diễn giữa Nga và người Tchetchenia, sau hai cuộc chiến tranh 1994-1996 và 1999. Cuộc chiến thứ hai sau đó đã lan sang nhiều nước cộng hòa tự trị thuộc vùng Kavkaz, với nhiều dân cư theo đạo Hồi.

Theo AFP, tấn công vào vị trí của lực lượng Al-Norsa tại Lattaquié, Alep, Idleb, không quân Nga đã nhắm vào hàng nghìn chiến binh gốc Tchetchenia, và Kavkaz nói chung. Khu vực phía bắc Syria, cũng là nơi tập hợp nhiều cộng đồng thiểu số gốc Kavkaz, định cư tại đây từ 1870-1880, do chiến tranh Nga -Thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố : cần phải « đánh nhanh, tiêu diệt các chiến binh, quân khủng bố trên các vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát, và không đợi chúng xâm nhập vào đất nước chúng ta ». Can thiệp quân sự khẩn cấp của Nga vừa diễn ra phải chăng là để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố ngay trên đất Nga ?

Phương Tây chờ đợi thái độ thực tế của Tổng thống Nga, một khi việc sử dụng vũ lực ồ ạt không đạt được hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Pháp Camille Grand, giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS), Paris, sa lầy trên chiến trường, lúc đó chắc chắn ông Putin sẽ tìm cách thương lượng, giống như với cuộc xung đột tại miền đông Ukraina trước đây. Một số chuyên gia khác cho rằng, trong trường hợp này, kinh nghiệm đàm phán về hạt nhân Iran vừa qua, với phương thức 5+1, sẽ tỏ ra rất hữu ích.