VẪN CÒN NƯỚC MẮT –  DODUYNGOC

THÁNG TƯ. MỘT BÀI VIẾT CŨ

VẪN CÒN NƯỚC MẮT –  DODUYNGOC

Tháng tư. Khi cái nóng miền Nam lên đến đỉnh điểm và cờ đỏ giăng đầy lối phố, là đến ngày kỷ niệm. Ngày mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: Triệu người vui cũng có triệu người buồn.

Người bên thắng trận có triệu người vui, nhưng thật ra trong niềm vui cũng có chất chứa sâu kín nỗi buồn. Hàng ngàn thanh niên miền Bắc sinh Bắc tử Nam, đã đi và không về cho một chiến thắng cuối cùng. Họ nằm lại và cho đến giờ, cuộc chiến tranh chấm dứt đã 43 năm, gần nửa thế kỷ qua rồi, thịt  xương của họ đã thành cát bụi, đã hoà lẫn với đất cát, tro than, cây cỏ. Người thân của họ vẫn trông chờ, tìm kiếm trong vô vọng. Những bà mẹ miền Bắc chiều chiều vẫn ngóng về Nam, thắp nén nhang gọi hồn con về. Cắm nén nhang lên bàn thờ nhiều khi chỉ là khung ảnh trống không có hình, nhiều khi chỉ ghi một cái tên, cũng có khi là chân dung của một người rất trẻ. Họ ra đi trong chiến tranh và không trở về trong ngày hoà bình, thân xác của họ được vùi vội vàng đâu đó và bây giờ không còn dấu tích. Bạn bè, đồng đội trở về nhưng họ không về. Có người cho đến giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Và hàng ngày những bà mẹ già buồn bã vẫn đợi tin con. Ngày lễ chiến thắng nhiều người vui nhưng mẹ lại buồn dù con mẹ là người lính của đoàn quân thắng trận.

Một người không về là nỗi đau không riêng người mẹ, nó là nỗi xót xa, khổ đau của cha, của anh em và còn là nỗi đau của người vợ mất chổng, những đứa con lớn lên không biết mặt cha. Chiến tranh đi qua như một con lốc dữ, để lại những nỗi đau không lấp được.

Hàng dãy mộ bia trùng trùng điệp điệp ở Trường Son, ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều đến không còn nước mắt để khóc thương.

Người ta có thể tung hô, hùng hồn đọc diễn văn, vui chơi với ngày chiến thắng. Nhưng những bà mẹ, người cha, người vợ làm sao vui khi vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân của mình, hay chỉ thấy con, cháu mình chỉ còn là nấm mồ hiu quạnh.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, trong tất cả các cuộc chiến tranh kể từ sau năm 1945 (bao gồm Chiến tranh Đông Dương, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới Việt-Trung và một số chiến dịch chống thổ phỉ và FULRO), cả Việt Nam có trên 1.140.000 liệt sĩ. Theo tài liệu thống kê của cổng thông tin điện tử ngành chính sách quân đội – Cục chính sách – Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng thì đến năm 2012, toàn quốc có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.(Wikipedia)

Bên thua cuộc là hàng triệu người buồn. Họ bị mất nhiều thứ: công việc, nhà cửa, tương lai không biết về đâu? Là chia ly, là ly tán, là những bất hạnh dồn dập.

Họ cũng có những người thân cầm súng chết trong cuộc chiến. Và cũng có rất nhiều người không về. Trong cơn hoảng loạn của tháng ba, cả tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến bị kẹt lại ở biển Thuận An, pháo dội, súng nổ, nhiều người đã chết và vùi thây trong hố chôn tập thể. Trên con đường từ Phú Bổn về trong những ngày cuối tháng tư, bao nhiêu xác người đã nằm lại bên đường, họ nằm đó và cát bụi thời gian phủ thây họ, gia đình bặt tin và lấy ngày đó làm ngày giỗ. Những ngày cuối của cuộc chiến, xác người vẫn ngã xuống và nhiều người bây giờ cũng không tìm thấy xương cốt mộ bia. Rồi khi lá cờ của bên chiến thắng tung bay trên những thành phố, hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, và hàng ngàn người cũng không trở về, họ chết và thân xác được chôn vội vàng giữa vùng đồi núi xa lạ hoang vu. Người thân của họ đi tìm mà mấy người tìm gặp.

Con số 220.357 binh sĩ VNCH tử trận được Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Cộng thêm con số tử trận trong giai đoạn 1974-1975 và trước đó cho ra ước tính khoảng 300.000 tử trận. Nhà sử học R.J. Rummel đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 313.000 tử trận.

Theo thống kê chi tiết của Jeffrey J. Clarke thì tính từ năm 1960 tới 1974, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 254.256 lính tử trận. Cộng thêm con số tử trận trong các năm 1956-1959 và năm 1975 thì số lính Việt Nam Cộng hòa tử trận ước tính là khoảng 310.000 người.

Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các “đảng phái phản động”.

Hàng trăm ngàn người đi về phía biển, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đi ra biển và hàng trăm ngàn người chôn vùi thân xác dưới đáy đại dương. Hàng trăm, hàng ngàn người đàn bà bị hãm hiếp trên con đường đi về phía biển ấy, có người bị chết xác quăng xuống biển, cũng có người đi được đến nơi và sống đến bây giờ, nhưng dấu tích của vết thương theo suốt đời họ, không xoá được. Có hàng trăm, hàng ngàn cô gái bị bắt đi và mấy chục năm rồi không tin tức, có thể họ chết lần mòn trong những căn nhà chứa ở Thái Lan. Theo thống kê của cơ quan Tị nạn Liên Hiệp quốc thì có khoảng 500.000 người vượt biên đã bỏ xác ở biển Đông. Thế giới cho rằng đó là cuộc di dân tồi tệ nhất của lịch sử.

Nỗi đau tức tưởi đó làm sao quên, nên tháng tư đối với họ là tháng nước mắt.

Như thế, trong ngày chiến thắng của bên thắng cuộc, cả hai phía vẫn còn những nỗi đau khó xoá. Cả hai phía đều vẫn còn nước mắt. Nước mắt khóc cho một dân tộc bất hạnh có cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ hai mươi. Một cuộc chiến tranh giữa anh em mà đã 43 năm rồi vẫn chưa hàn gắn được. Thời gian đã trôi qua, cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng VẪN CÒN NƯỚC MẮT.

15.4.2018

DODUYNGOC


 

Chuyến Vượt Biển Kinh Hoàng – (Sài Gòn trong tôi – Hoàng Định)

Sài Gòn trong tôi

Chuyến Vượt Biển Kinh Hoàng

– Đoàn người chúng tôi vượt biển bằng chiếc ghe với chiều dài khoảng 10 thước, ngang 2 thước, kéo bằng chiếc máy đầu tám ngựa khỏi Bãi Giá, Đại Ngãi, Hậu Giang, Sóc Trăng chở 78 con người đủ lứa tuổi, riêng trẻ em khoảng 20 cả trai lẫn gái, hầu hết thuộc về làng ven biển, mà tôi chỉ biết một số người.

Chúng tôi rời quê hương tháng 2 năm 1990, thời tiết êm dịu, mọi việc kể như trót lọt, nhưng đồ ăn nước uống rất thiếu thốn, vì thế sau bảy ngày chịu đựng một em bé sáu tuổi khóc mãi và chết trong tư thế đang khóc, mọi người lấy ván có sẵn trong ghe làm tạm chiếc hòm với hy vọng ngày mai mang lên bờ chôn cất,

Tối đó có rất nhiều người nằm mơ nhiều chi tiết liên quan đến cái chết của cháu bé, riêng tôi thấy rất nhiều trẻ em kêu khóc, níu kéo ghe chìm xuống, thế là mọi người đều đồng ý cúng vái với một ít mì gói vụn và thả hòm xuống biển, mấy đêm sau đó mọi người không còn những giấc mơ kinh hoàng nữa.

Vài giờ sau chiếc ghe máy bị hỏng không ai sửa chữa được, thế là thuyền lênh đênh trên biển thêm bảy ngày đêm, đói thì ăn cả kem đánh răng, khát thì uống nước biển hoặc nước tiểu, cứ tối đến thì thỉnh thoảng đốt lửa kêu cứu bằng quần áo tẩm dầu. (SGtt-HĐ)

Một đêm, khoảng 2 giờ 30 sáng, trong lúc người ta đốt lửa làm hiệu thì nhận ra một chiếc tàu chạy đến và dừng lại trao cho chúng tôi chuối, nước, rồi tự động cột dây kéo đi. Người trên chiếc tàu đó không biết là người nước nào. Chúng tôi rất mừng vì được cứu. Khoảng mười phút sau đó, tàu dừng lại song song với ghe và ra dấu chỉ vào tai, vào ngón tay, cổ tay chúng tôi, mấy tiếng giọng lơ lớ “US đô la”.

Vì quá vui mừng nên chủ ghe Năm Be vội lấy mũ nỉ gom góp nữ trang của những người trên ghe, họ đứng nhìn và thấy nữ trang được bỏ đầy vào chiếc mũ thì nhẩy qua ôm chiếc mũ sang tàu họ. Một người có vẻ là chủ tàu ra dấu như không đủ vào đâu nên ra dấu bảo đưa thêm hoặc chính họ sang để lục soát. Rồi họ tự động cột giây từ bánh lái đến mũi ghe và cột vào tàu họ.

Tôi và một số thanh niên khác cảm thấy lo sợ và nghi ngờ hành động này thì tức thời họ ra dấu chỉ đám đàn ông đu dây xuống nước dọc thành ghe. Tôi và mọi người cùng biết đây là bọn hải tặc đang tìm cách hãm hại những người trên ghe, đang do dự không tuân lệnh nhưng chủ ghe Năm Be lại giải thích vì của cải chúng tôi nộp cho họ quá ít ỏi không đủ cho chuyến đánh cá của họ. Và vì họ ít người nên ngại chúng tôi đông người đó thôi. (SGtt-HĐ)

Thấy chúng tôi vẫn đứng yên, Năm Be vung tay nói; “Đ.M! có thằng nào chịu nổi cú đấm của tao không mà bày đặt chống cự?”, thế là chúng tôi hậm hực đu xuống, bọn họ chỉ tay ra dấu cho Năm Be đu xuống luôn. Cả đám đàn ông thanh niên đu dây trong biển dọc thành ghe mà nhìn họ.

Trời lờ mờ sáng và với đốm lửa cấp cứu mà chúng tôi đã đốt lên, nhận ra bọn họ khoảng năm tên, tay xách búa chặt cây bước sang lục soát những phụ nữ, trẻ em trên ghe, sau dó tên lái táu lái ghe chạy làm lệch ghe.

Đàn ông thanh niên dưới nước ôm chặt dây sát vào ghe, cố ngoi đầu lên thở còn thân mình và đôi chân trôi trong nước theo tốc độ của ghe bị kéo. Chúng tôi còn đang kinh hoảng thì những chiếc búa vun vút chém vào đầu, vào mình đám đàn ông thanh niên đang đu dây.

Cảnh tượng thật kinh hoảng, những tiếng la ó từ trên ghe của phụ nữ, trẻ con, những tiếng hét đau đớn, thảm thiết vang lên chỉ một lần để rồi tắt lịm của những nhát búa trúng đích vào đầu, tiếng la thất thanh của những ai bị bọn hải tặc man rợ chém trúng tay, cổ, vai hoặc lưng.

Tôi kinh hãi buông tay lúc nào không hay và lặn ngầm qua bên kia của ghe. Tên lái tầu rọi đèn pha đảo qua đảo lại để nhìn cho rõ ràng mà chém, chợt nhận ra tôi, một tên trong bọn lấy mỏ neo liệng theo nhưng may không trúng, thế là tôi lặn tiếp một hơi. (SGtt-HĐ)

Rời xa ghe một khoảng, tôi nhìn lên ghe, đèn sáng choang từ dưới mặt nước nhìn rất rõ, tôi thấy rõ bọn ác thú man rợ tách một đứa bé ra khỏi tay một bà nào đó rồi liệng đứa bé tội nghiệp xuống biển. Tôi tiếp tục bơi xa và nhìn thấy tàu của bọn ác thú hải tặc đã húc cho chiếc ghe của những người tỵ nạn khốn khổ chìm hẳn.

Tôi quá kinh hãi không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó nữa ! Mãi sau này khi qua đến trại Sikew và qua những lời kể lại của một bé gái 13 tuổi, tôi mới biết là những trẻ em quá nhỏ thì bị bọn ác thú hải tặc Thái Lan quăng xuống biển, còn bé gái đang lớn và tất cả phụ nữ thì bọn chúng bắt lên tàu bọn chúng và ngày đêm thay nhau hãm hiếp những nạn nhân nữ đáng thương. (Sài Gòn trong tôi)

Tôi vẫn tiếp tục bơi mà chẳng biết đi về đâu, mãi gần sáng gặp được tài công Thời (còn gọi là Chệt Lác) lưng bị chém một nhát búa, và ông Hùng bị một nhát búa ngang mang tai máu me còn rỉ ra.

Cả hai đang ôm một thùng nhựa đựng dầu 20 lít làm phao, tôi mệt quá ghé tay vịn vào nhưng cả hai năn nỉ tôi rời xa đi vì thùng dầu quá bé không đủ sức nổi cho ba người. Tôi thông cảm với họ và chợt nhớ ra vết thương của hai người máu đang rỉ ra và như vậy rất dễ làm mồi cho bọn cá mập hung ác.

Thế là tôi bơi đi và chợt nảy ra sáng kiến cởi chiếc quần dài thắt ống, lộn ngược làm phao, tôi dựa cổ vào đáy quần và cứ thế một vài giờ lập lại cách làm như vậy cho đến khoảng gần giữa ngọ ngày hôm sau. Nhìn xa xa thấy một vật mầu đen đen nhấp nhô, thế là tôi cố gắng lội đến và rất may vớ được thùng dầu từ chiêc ghe của chúng tôi.

Tôi vội ôm ngay vào ngực và thấy sung sướng lạ thường như vừa trút được một khối nặng nề mệt mỏi ra khỏi con người vậy. Nhìn quanh thấy kẻ ôm thùng, người bơi, người ôm ván, không biết ai là ai nhưng nhẩm đếm những điểm di động có vào khoảng 30 người. Tôi rất mừng vì còn được nhiều người sống sót, hoạt cảnh xẩy ra như thể chúng tôi đang chia từng nhóm bơi lội vậy. (SGtt-HĐ)

Có khá nhiều tàu đánh cá khoảng hơn mười chiếc không biết của nước nào đi ngang, nhưng họ tỉnh bơ nhìn chúng tôi như đang tắm biển vậy, có thể nói từng chiếc tàu đó nghe thấy tiếng kêu cứu não nề tuyệt vọng của chúng tôi trên mặt biển đều khoác tay từ chối.

(Khi đến trại chúng tôi được biết nếu họ cứu thì sẽ phiền đến họ vì phải khai báo, chụp hình chung với nhau theo luật Cao Ủy Tị Nạn để điều tra, và nhất là họ sợ bọn hải tặc nhận ra sẽ trả thù)

Chúng tôi cứ lênh đênh ngày đêm trên biển đến ngày thứ ba đã thấy lờ đờ vài ba xác chết và nhiều người bất động còn ôm thùng, ván, có một cái xác ngay sát gần bên tôi. Đến trưa, chợt một tàu đánh cá chạy lại gần lại một cặp vợ chồng.

Họ vớt vội người đàn bà, đó là chị Lên đang lả người bám vào ván, anh Vũ vội bám vào thành tàu để họ vớt lên thì bọn họ gỡ tay đẩy xô ra, nhìn xuống trông thấy tôi chị Liên vội la lên; “Hoàng ơi, giúp anh Vũ với !”.

Tôi chẳng giúp được gì, tôi cũng như anh ấy lều bều trên mặt nước, anh Vũ chỉ biết nhìn theo vợ, thẫn thờ như một cái xác không hồn.

Chiều đến sóng bắt đầu lớn, cha con ông Ba Vạn và cháu Hồng ôm thùng dầu bị dập vùi trong cơn biển động trông quá kiệt sức, đột ngột ông Ba Vạn thốt lên “Hồng ơi! Tao bỏ mày!”, thế là ông buông tay mất tăm.

Lúc này, chẳng mấy ai còn ai để ý đến ai nữa, tôi cũng như mọi người đều mê sảng, hoa mắt, có người thốt lên thấy cồn cát trước mặt, có kẻ thấy hàng dừa xanh mướt, kẻ thì thấy núi xanh thăm thẳm, người thấy cồn đất, còn tôi thì thấy bờ dừa và người đàn bà ngoắc tay như bảo tôi bơi vào, tôi bơi theo hướng tôi thấy, mạnh ai nấy lội theo hướng riêng. (SGtt-HĐ)

Tôi bơi rất lâu mà chẳng thấy đến gần, rồi người đàn bà hiện ra bảo tôi bỏ thùng mà bơi cho nhanh, tôi buông ra và ra sức bơi bằng tay, được vài phút cũng vẫn chẳng thấy bờ dừa đâu.

Chợt ôi như bừng tỉnh và cầu nguyện thì thấy cát biển, cây dưới nước, tôi đứng xuống rồi người tôi chìm hẳn và mê sảng, thấy như người nào cho ăn, tự nhiên tỉnh táo, mở mắt nhìn lại thấy mình đang chìm dần nên tôi hoảng hồn lội lên, một hồi mới nổi khỏi mặt nước.

Nhìn chung quanh toàn biển là biển, thì ra tôi đang mê man hoang tưởng, và kỳ lạ là không cảm đói khát chi, đêm hôm đó trải qua một đêm quả là kinh hãi.

Đến sáng tôi gặp được ba người lớn và ba trẻ em còn lại trên biển gồm người cha có đứa con sáu tuổi bị tách rời mẹ quăng xuống biển và vợ thì chúng bắt hãm hiếp, đứa bé chín tuổi con của anh ta, cô bé 13 tuổi có mẹ bị chúng bắt sang tàu hãm hiếp và hai người em nhỏ bị tách ra liệng xuống biển, cháu Hồng con ông Ba Vạn bị sóng dập kiệt sức buông tay, Từ Minh Tường, Thời (Chệt Lác).

Qua 5 ngày 4 đêm trên biển chúng tôi gặp một tầu sắt và một tầu đánh cá, họ dừng lại, chúng tôi cũng chẳng màng đến vì hàng trăm chiếc cũng đã qua đi như vậy. Thế nhưng họ đang vớt chúng tôi, tuy có muộn màng vì quá nhiều người kiệt lực trên biển, nhưng vẫn còn sống sót bảy người lớn nhỏ, tôi nhìn đồng hồ tay là 6 giờ 58 chiều. (SGtt-HĐ)

Nhìn họ nước da ngăm đen, quấn xà rông tôi không đoàn được họ là người nước nào, họ đang loay hoay nấu cháo cho chúng tôi ăn, uống từng chút như họ đã có kinh nghiệm cho những người vượt biển đói khát này rồi.

Họ chở chúng tôi và tiếp tục đi đánh cá, hơn một giờ sau đánh bắt được một con cá mập họ đem bỏ xuống hầm tàu, nó quậy ầm ầm, họ chỉ tay xuống hầm rồi chỉ chúng tôi như muốn nói sẽ bị cá ăn thịt nếu tụi tôi còn lêu bêu trên nước.

Tầu chở chúng tôi vào bờ khoảng 5 giờ sáng, họ ra dấu sẽ có cảnh sát tới giúp nhưng đừng nói số tàu của họ cứu, rồi họ vội quay tầu ra khơi (Sau này tôi mới biết vùng biển đó thuộc Mã Lai Á cạnh Thái Lan)

Khoảng nửa giờ sau, có cảnh sát đến, chúng tôi vẫn chưa rõ là người nước nào, một cảnh sát biết tiếng Việt chỉ vào một chiếc xe pick up truck và bảo chúng tôi “Lên xe đi” (Sài Gòn trong tôi).

Trên đướng đi họ hỏi chúng tôi có biết cô gái nào tên N. 13 tuổi không? Một anh nhận là cháu vợ, thế là họ trở về trạm cảnh sát và anh đã gặp được cô cháu gái thân xác ốm yếu, và nhất là đôi chân bước đi hai hàng trông đau đớn lắm. Gặp lại chúng tôi, cháu khóc nức nở kèm theo nỗi kinh hoàng ghê gớm trên khuôn mặt, chúng tôi cùng im lặng trong nỗi đau đớn chung.

Một chập sau đó cháu kể lại đã bị nhốt trên tầu 3 ngày đêm và bọn hải tặc liệng hết quần áo em mà đè ra thay nhau hãm hiếp, cháu khóc la hét đau đớn mà bọn chúng thì cứ hết đứa nọ đến đứa kia cho đến khi cháu không còn biết gì thì chúng xách liệng xuống biển cháu mới bừng tỉnh dậy.

Cũng may mắn là chỉ vài phút sau đó được tàu cảnh sát vớt. Anh ta hỏi thăm về vợ mình (là dì của cháu N), cháu cho biết là vẫn còn sống nhưng dì la hét suốt ngày đêm vì bọn họ hãm hiếp dì nhiều quá! thế là trong số 78 người ra đi, chỉ còn lại 8 người sống sót.

Sáng hôm sau một số người trong Cao Ủy Tị Nạn đến chích ngừa, chăm sóc cho bé N…Còn 7 người chúng tôi thì hình dáng gần như nhau, ai cũng lở loét khắp mình và mặt mũi, da sưng từng mảng, được thoa và uống thuốc trị liệu.

Tám người chúng tôi ở đó ba tháng rồi được làm hồ sơ đi trại Sikhew, 30 ngày sau được thanh lọc và tất cả chúng tôi được chấp thuận đi diện nhân đạo. Ở lại trại thêm 6 tháng nữa, riêng tôi định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ anh chị em ngày 20 tháng 10 năm 1992.

Mong rằng những câu chuyện đau thương này sẽ tạo khối đoàn kết mạnh hơn trong cộng đồng người Việt hải ngoại khắp thế giới. (Sài Gòn trong tôi – Hoàng Định)


 

“Cháu tôi chết, nhưng công lý cũng chết theo!”

Ba’o Tieng Dan

28/04/2025

Gia đình cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân

Kính gửi cộng đồng mạng và những tấm lòng nhân ái,

Hôm nay, trong nỗi đau không lời nào diễn tả được, gia đình chúng tôi viết những dòng này, khẩn thiết mong được sự quan tâm, chia sẻ và lan toả từ cộng đồng – để giành lại một điều thiêng liêng: Công lý cho cháu tôi – Nguyễn Ngọc Bảo Trân, đứa trẻ mới chỉ 14 tuổi đã bị cướp đi mạng sống trong oan khuất, và đến nay vẫn chưa được minh oan!

Vào sáng ngày 04/09/2024, tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cháu Bảo Trân – một nữ sinh lớp 8, đang trên đường đi học như bao ngày – thì bất ngờ bị một chiếc xe tải mang biển số 84C-102.77 lấn sang phần đường của học sinh và cán chết cháu tại chỗ. Vụ việc kinh hoàng ấy đã cướp đi mạng sống của một đứa trẻ ngoan hiền, hồn nhiên và luôn mơ ước về một tương lai tươi sáng.

Thế nhưng, điều khiến nỗi đau của gia đình chúng tôi thêm gấp bội là cách mà cơ quan chức năng xử lý vụ việc. Sau một thời gian điều tra, Công an huyện Trà Ôn đã ra kết luận rằng: “Vụ việc không đủ yếu tố để khởi tố hình sự vì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” – và từ đó, không khởi tố vụ án, không truy cứu trách nhiệm bất kỳ ai.

Cháu tôi chết, nhưng công lý cũng chết theo!

Càng không thể chấp nhận nổi khi bản kết luận vô cảm ấy gần như đổ lỗi ngược lại cho cháu tôi – một đứa trẻ không có khả năng tự vệ, bị chiếc xe tải tông thẳng vào. Gia đình tài xế lại có quan hệ với những người có chức có quyền tại địa phương – và chính vì điều đó, vụ việc rơi vào im lặng, sự thật bị bóp méo, hiện trường bị dựng sai lệch, và mọi tiếng kêu cứu đều bị phớt lờ!

Suốt hơn nhiều tháng qua, gia đình chúng tôi đã nhiều lần đội đơn đi kêu oan – từ xã, huyện đến tỉnh – nhưng thứ nhận lại chỉ là sự lạnh lùng, từ chối và bao che. Chúng tôi đã mất đi một người thân yêu nhất – một đứa trẻ còn chưa kịp sống trọn tuổi học trò – mà đến cả một lời xin lỗi, một sự minh bạch từ công lý cũng không có!

Và rồi, bi kịch chồng chất bi kịch. Khi công lý bị bóp nghẹt, khi tiếng nói của người dân bị bỏ qua, điều tồi tệ nhất đã xảy ra: Bố của cháu Bảo Trân – người cha cả đời lặng lẽ nhưng yêu thương con vô bờ bến – trong tuyệt vọng và uất hận, đã mang theo khẩu súng, tìm đến người mà ông cho là đã gián tiếp khiến con mình thiệt mạng, nổ súng rồi sau đó tự sát “Tôi chết để đòi lại công bằng cho con gái tôi”.

Hành động ấy không phải là sự trả thù – mà là một tiếng gào thét cuối cùng của một người cha bị dồn đến đường cùng trong một xã hội mà công lý dường như không còn dành cho những người dân thấp cổ bé họng. Đó là hệ lụy đau lòng nhất khi sự thật bị chối bỏ, khi người mất không được minh oan, và người sống bị đẩy vào hố sâu của tuyệt vọng.

Chúng tôi xin cúi đầu cầu xin cộng đồng mạng, các cơ quan báo chí, các tổ chức bảo vệ trẻ em, và tất cả những ai còn tin vào công lý – hãy lên tiếng giúp gia đình tôi! Hãy chia sẻ câu chuyện này – để Nguyễn Ngọc Bảo Trân không ra đi trong oan khuất, để người cha đã chết không bị quên lãng, và để những kẻ gây ra nỗi đau này không thể mãi mãi trốn tránh trách nhiệm!

Chúng tôi không có tiền, không có quyền, không có người chống lưng – chúng tôi chỉ có nỗi đau và khát khao được sống trong một xã hội công bằng. Xin hãy giúp chúng tôi biến nỗi đau này thành hành động, để công lý không còn là điều xa xỉ đối với những người không quyền không thế.

Cháu tôi đã mất, bố cháu đang trong cơn nguy kịch, nhưng chúng tôi không thể để công lý cũng bị chôn vùi theo! Xin hãy giúp đỡ chúng tôi, lan tỏa câu chuyện này – để sự thật không bị dập tắt và người đã khuất được yên nghỉ!

Gia đình cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân

_______

Một số hình ảnh từ gia đình:

SỢ TẦM THƯỜNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?”.

“Động lực sống của tôi bắt nguồn từ một nỗi sợ – ‘sợ tầm thường!’. Nỗi sợ đó luôn thúc đẩy tôi! Vì dẫu đã là ‘một ai đó’, nhưng tôi luôn phải chứng tỏ điều này. Cuộc chiến của tôi chưa kết thúc và sẽ không bao giờ kết thúc!” – Madonna, ‘Nữ hoàng nhạc Pop’.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ của Madonna hẳn cũng là nỗi sợ của Nicôđêmô! Vì sau câu hỏi đầy thách thức của Chúa Giêsu dường như cả con người Nicôđêmô đảo lộn – “Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?” – những gì ông suy tính đảo lộn, hướng đi của cuộc đời ông đảo lộn! Tại sao? Và đâu là lý do? Bởi lẽ, bên trong ông, đã có một động lực thánh; dễ hiểu hơn khi nói, ông ‘sợ tầm thường!’.

Ngoài Nicôđêmô, những người Pharisêu ít ỏi khác được ghi nhận đã cải đạo là Phaolô và Gamaliel; tuy thế, Công Vụ Tông Đồ 15, 5 còn chỉ ra một số biệt phái vô danh khác. Nhưng nếu xét toàn bộ các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những con người này, thì rõ ràng, họ là những người đã từng chống đối Ngài; để cuối cùng, cùng các vị lãnh đạo đương thời, họ chịu trách nhiệm về cái chết của Con Thiên Chúa.

Đó chính là bối cảnh của Tin Mừng khi biệt phái Nicôđêmô tìm đến với Chúa Giêsu. Biết ông có thiện ý, Ngài mời ông ngước mắt lên, chiêm ngắm một Đấng đến từ trời, “Đấng mà Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng”. Đúng hơn, Ngài chỉ cho ông con đường về trời, đó là tin vào Ngài, Đấng được “giương cao như con rắn trong sa mạc, để ai tin thì được sống đời đời”.

Vì thế, sẽ rất hữu ích khi chúng ta hiểu rằng, trách cứ Chúa Giêsu dành cho Nicôđêmô không phải là lên án; đúng hơn, một thách đố nhẹ nhàng nhưng trực tiếp. Ngài dịch chuyển ông từ một câu hỏi gây bối rối sang việc đào sâu đức tin. Và đó là chìa khoá! Nói cách khác, đó là một động lực thánh. Chính nhờ thách đố khá táo bạo nhưng đầy yêu thương này – ‘một cú hích’ cần thiết – Chúa Giêsu có thể đẩy Nicôđêmô vào tận ‘không gian ân sủng’ của Thánh Thần – nghệ nhân thực sự của sự thánh thiện – Đấng “muốn thổi đâu thì thổi”; để từ đó, ông có thể đón nhận quà tặng lớn lao: đức tin. Tất nhiên, thử thách của Ngài, cuối cùng, đã chiến thắng con người biệt phái ngay thẳng này.

Anh Chị em,

“Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?”. Như Madonna, như Nicôđêmô, ai trong chúng ta cũng bị ám ảnh bởi một nỗi sợ có tên ‘Tầm Thường’. Và còn hơn thế! Mặc dầu không cần chúng ta trở thành ‘một ai đó’, Chúa Giêsu đòi chúng ta trở thành ‘một vị thánh nào đó’; hoặc như Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Hãy nở hoa nơi Chúa đã gieo trồng!”. Cuộc chiến ‘nên thánh’ này “không bao giờ được phép kết thúc” và “sẽ không bao giờ kết thúc!”. Gió Thánh Linh sẽ thổi chúng ta không biết đến tận phương nào nếu mỗi ngày bạn và tôi một ước ao nên thánh hơn. Vậy điều gì đang khiến bạn bất an, bối rối? Áp lực nào, huyễn danh nào đang cầm chân khiến bạn và tôi chưa nên thánh? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, đừng tự quyết một điều gì, hãy phó mình hoàn toàn cho Chúa Thánh Linh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con sợ trở nên ‘tầm thường’; giúp con vượt mọi chướng ngại, không để trở nên ‘một ai đó’, nhưng trở thành ‘một vị thánh nào đó!’. Tại sao không?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 ****************************************

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh

Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ga 3,7b-15

7b Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi ; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người : “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?” 10 Đức Giê-su đáp : “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy ! 11 Thật, tôi bảo thật ông : chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ? 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”


 

 Thánh Gianna Molla (1922 – 1962)- Cha Vương

Chào buổi sáng! Hôm nay 28/4, Giáo Hội mừng kính Thánh Gianna Molla, quan thầy của các bà mẹ, bác sĩ và thai nhi. Ngài nêu gương sống từ bỏ phi thường. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thư 2: 28/4/2025

Gianna Beretta Molla (sinh 4-10-1922, mất 28-4-1962) là con thứ 10 trong gia đình Công giáo sùng đạo có 13 người con, được người mẹ dạy cách sống thánh thiện và thanh khiết. Hồi còn trẻ, bà viết trong nhật ký: “Con dâng Chúa mọi công việc, mọi thất vọng và đau khổ của con… thà chết hơn phạm tội.” Bà học trường y ở Milan và hành nghề thầy thuốc.

Trước khi kết hôn, bà viết: “Được gọi bước vào đời sống gia đình không có nghĩa là đính hôn ở tuổi 14… Người ta không thể đi theo con đường này nếu không biết cách yêu. Yêu nghĩa là muốn hoàn thiện chính mình và người bạn đời, để vượt qua tính ích kỷ và trao tặng chính mình trọn vẹn.” Bà kết hôn với Pietro Molla khi bà 33 tuổi.

Bà viết cho vị hôn phu vài ngày trước đám cưới: “Với sự nâng đỡ và ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được những điều chúng ta có thể để làm cho một gia đình mới trở thành nơi Chúa Giêsu điều khiển tình cảm, ước muốn và hành động… Chúng ta sẽ hành động với Chúa trong sự sáng tạo của Ngài; theo cách này chúng ta có thể trao tặng Ngài con cái của chúng ta, chúng sẽ yếu mến và phụng sự Ngài.”

Cả gia đình cùng tham dự Thánh lễ và cầu nguyện hằng ngày. Là một bác sĩ, bà tin mình có ơn gọi đem Chúa đến những nơi mà các linh mục không thể hiện diện. Bà xác tín: “Ai chạm đến thân thể bệnh nhân là chạm đến thân thể của Đức Kitô.”

Năm 1961, Gianna mang thai người con thứ tư. Không may bà được chẩn đoán bị ung thư. Để được cứu sống, bà phải chọn lựa mình sống hay con sống. Trước khi vào phòng sinh ngày thứ bảy tuần thánh năm 1962, bà nói với chồng: “Anh phải chọn em hay con, đừng lưỡng lự: Anh hãy chọn con. Em xin anh đó. Hãy cứu lấy con.” Vài ngày sau, bà yêu cầu chồng đưa bà về nhà.

Bà nói với chồng: “Anh có biết em thấy gì không?… Ở trên trời, chúng ta thỏa mãn, rất hạnh phúc, rất yêu mến, và Thiên Chúa đưa em đến đây để chịu đau khổ một chút, vì chúng ta không thể sống mà không đau khổ.” Trong cơn hấp hối, bà luôn lặp lại câu: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài.” Bà được Chúa gọi về khi bước qua tuổi 40.

Bà Gianna Molla được ĐGH Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1994 và phong thánh ngày 16-5-2004, Gianna Molla là nữ thầy thuốc đầu tiên được phong thánh trong thời hiện đại ngày nay.

Chúng ta được mời gọi đáp lại Ý Chúa bằng cách riêng theo cuộc đời của chúng ta. Bạn còn giữ lại gì cho mình? Bạn cần từ bỏ những gì để theo Chúa ngay bây giờ?

Thánh nữ Gianna Beretta Molla là một thầy thuốc, một người mẹ làm việc, một người vợ yêu thương. Thánh nhân là mẫu mực cho chúng ta noi gương.

(Nguồn: TRẦM THIÊN THU)

From: Do Dzung

*****************************

Thánh Ca Bảo Vệ Sự Sống Tuyển Tập Hay Nhất

HÃY DỠ BỎ NHỮNG CÁNH CỔNG TRONG ĐẦU CÁC THẾ HỆ

Luân Lê

Những đứa trẻ ở ngôi trường mầm non này làm sao hiểu được những gì chúng làm và càng không thể có đủ năng lực cảm nhận mọi giá trị hay ý nghĩa của những gì chúng (phải) làm – những thể nhân chưa có năng lực hành vi dân sự theo luật pháp. Chúng chỉ diễn tập lại, và tái hiện cảnh tượng của chiến tranh trên chiếc xe tăng 50 năm trước theo hướng dẫn của những người là giáo viên (và cả cha mẹ) của chúng.

Nếu ông TBT đã nói việc hoà hợp hoà giải là vấn đề quan trọng nhất hiện nay để tạo nên một dân tộc Việt Nam thống nhất – là một, thì người ta phải ngay lập tức cần hành động với một nguyên tắc cốt lõi, rằng chính những người ở hiện tại phải xây dựng một thực tại với hoà bình và tôn trọng, cũng như ông nói – không thể giữ mãi lòng hận thù mà cần xem lịch sử là các bài học.

Thử hỏi, những đứa trẻ hò reo lao vào húc đổ cánh cổng ấy học được gì, khi bản thân chúng còn không hiểu bất cứ điều gì về những gì mình làm?

Những đứa trẻ không có lỗi, nhưng những diễn cảnh được thực hành được tạo bởi những người có trách nhiệm nhận thức rõ ràng về lịch sử và giá trị các bài học của nó – nếu ở đó người ta tin rằng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, hẳn sẽ không để cho thế hệ tiếp theo lớn lên húc đổ cánh cổng nào nữa, thay vào đó chúng sẽ xây nên những sự vĩ đại trên những mảnh đất rộng lớn hơn hay xa xôi hơn nhiều.

Hãy chắp những đôi cánh cho những đứa trẻ bay đi những chân trời mới, không phải là gắng mọi cách chỉ để buộc chặt chúng vào những cánh cổng của thương đau, vốn đã đổ sập. Người ta không thể bay lên nếu tiếp tục ghìm nhau bằng gánh nặng và tính uy nghi chết lặng của quá khứ. Muốn vậy, hãy dẹp bỏ mọi rào chắn trong trí óc của những thế hệ mà họ đang đứng trong vai trò và đảm nhận việc giáo dục của hiện tại – tương lai của những đứa trẻ phụ thuộc vào việc đứng cách xa bao nhiêu trong một thái độ khiêm nhường và bao dung trước lịch sử.


 

Một cuộc hội ngộ làm nghẹn lòng

 Một cuộc hội ngộ làm nghẹn lòng – 28 năm sau vòng tay ấy.

Ngày ấy, cậu bé Brandon chỉ mới chào đời ở tuần thứ 29 của thai kỳ – bé nhỏ, yếu ớt, chiến đấu từng ngày trong lồng ấp tại khoa hồi sức sơ sinh (NICU) của một bệnh viện nhi ở California.

 Người luôn ở bên, chăm sóc và ôm cậu vào lòng suốt những tháng ngày mong manh ấy là cô y tá Vilma Wong – với hơn 30 năm tận tụy trong nghề, cô đã nắm giữ không biết bao nhiêu sinh mạng non nớt bằng cả trái tim mình.

 28 năm sau, trong một ca trực tại bệnh viện ấy, Vilma đọc được cái tên “Brandon Seminatore” trong danh sách bác sĩ nội trú chuyên ngành thần kinh. Cô khựng lại. Cái tên ấy khiến trái tim cô rung lên.

 Và rồi, không thể dừng được sự tò mò đang lớn dần trong lòng, cô hỏi chàng bác sĩ trẻ: – “Cháu có phải sinh ở đây vào những năm 90 không ? Bố mẹ cháu có tên là… ?” 

Brandon ngỡ ngàng, đáp khẽ:

 – “Vâng… Sao cô biết được ?”.

 Vilma mỉm cười, ánh mắt đầy xúc động:

  – “Cô chính là người đã chăm sóc cháu khi cháu mới sinh đấy”.

 Khoảnh khắc ấy – thời gian như dừng lại… Hai con người, hai thế hệ, từng kết nối với nhau bằng tình thương và hy vọng… Giờ gặp lại, nhưng trong một hoàn cảnh không ai ngờ tới : người từng là bệnh nhi giờ đã trở thành bác sĩ, đứng cạnh người y tá năm xưa như một đồng nghiệp.

 Khi biết chuyện, mẹ của Brandon đã gửi đến bệnh viện một bức ảnh cũ :

 “Vilma đang bế cậu bé Brandon sơ sinh trong tay – một vòng tay đầy yêu thương ngày ấy”, nay trở thành khoảnh khắc định mệnh.

 Brandon chia sẻ  :“Bố mẹ tôi luôn nhắc về một cô y tá tên Vilma – người đã mang đến cho tôi sự sống và hy vọng… Nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ gặp lại cô – và nhất là như thế này”.

 Một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, để nhắc ta nhớ :

 “Những điều tử tế bạn làm hôm nay có thể gieo mầm cho những điều kỳ diệu mai sau”.

 Pane e Vino – Vivian Phạm sưu tầm 

From: dominhtam9238 & NguyenNThu


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Phan Thắng Toán

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

28/04/2025

Giới yêu nhạc Việt, có lẽ, đều đã từng nghe bản nhạc “Tình Lỡ” của Thanh Bình (“Thôi rồi còn đâu chi anh ơi/ Có còn lại chăng dư âm thôi/ Trong cơn thương đau men đắng môi…) nhưng e không nhiều người biết đến tác phẩm “Lá Thư Về Làng” do Lúa Mới phát hành hồi 1956:

Từ miền Nam, viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền giang thương qua đèo Cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng                                                                        

Thương những già hôm sớm lang thang

Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhung rồi, thương quá lắm bé thơ ơi…

Đám “bé thơ” mà Thanh Bình “nhớ nhung” (hồi giữa thế kỷ trước) nay đều đã trở thành những công dân lão hạng, nếu mà sống sót. Còn tác giả thì qua đời từ lâu, sau một thời gian “hôm sớm lang thang” ngay tại Sài Gòn – một thành phố đã mất tên – nơi mà ông đã tìm đến để lánh nạn khi còn là một thanh niên.

FB Lâm Ái cho biết:

 “Ở cái tuổi 80, ít ai tin rằng một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không nhà không cửa, lang thang xin ăn ở chợ, bến xe. Các anh công an đưa ông về trại dưỡng lão thì phát hiện ra là nhạc sĩ Thanh Bình và đưa ông về ở với cháu gái (con gái của chị ruột).

Vợ chồng cháu gái làm công nhân, làm thuê đời sống hết sức khó khăn. Đầu năm nay ca sĩ Ánh Tuyết đã tổ chức đêm nhạc cho ông, chị cũng đã làm được 2 sổ tiết kiệm. Nhưng vì ông đột ngột mất, con gái đang đi tù nên không thể rút được tiền làm đám tang.

Ca sĩ Ánh Tuyết lại là người bên ông, lo cho đám tang của ông. Điều đáng buồn, dù ca sĩ Ánh Tuyết có kêu gọi hỗ trợ nhưng dường như số tiền vẫn không đủ để lo cho đám tang, đành xin quan tài lục giác của chùa để an nghỉ.”

Thôi thế cũng xong!

Cuối cùng, Thanh Bình cũng đã có nơi “an nghỉ” – dù hơi cô quạnh! Bạn đồng nghiệp và đồng thời với ông, lắm kẻ (tiếc thay) đã không có được chút may mắn đó:

“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình… Tháng 4 năm 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù.Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần… Vào một buổi sáng năm 1995, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân.” (Hoài Nam. “Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam 1930 – 2000”).

Sao lại đến nông nỗi thế nhỉ? Chả lẽ chỉ vì Trúc Phương “lỡ dại vượt biên”, và vì Thanh Bình “lỡ chân vượt tuyến” nên mới ra cớ sự chăng?

Không hẳn thế đâu!

Có những kẻ luôn sống ở miền Bắc, không hề di cư hay di tản (lần nào cả) nhưng vẫn phải trải qua một kiếp nhân sinh còn bầm dập/te tua và tơi tả hơn thế nữa. Ông tên là Phan Thắng Toán – biệt danh Toán Xồm –  sinh năm 1932, bị bắt giam từ năm 1968 (vì tội “tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc”) và đã lìa đời từ lâu.

Bi kịch của cuộc đời Phan Thắng Toán có thể hiểu được – phần nào – qua vài câu đối thoại (hơi hài) do nhạc sỹ Tô Hải ghi lại, trong một phiên tòa tại Hà Nội, vào hôm 12/ 01/1971:

Chánh án: Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?

Toán xồm: Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!

Chánh án: Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?

Toán Xồm: Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!

Chánh án: Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?

Toán Xồm: Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!

Chánh án: Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?

Toán xồm: Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!

Chánh án: Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!

Toán Xồm: Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!

Chánh án: Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!

Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.

Cuối cùng, toà luận án và tuyên án: “Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.”

“Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân …” (“Phan Thắng Toán và Đồng Bọn Đã Bị Xét Xử” – báo Hà Nội Mới 12/ 01/1971).

Chơi nhạc Tango, Rumba, Cha Cha Cha … thì có gì mà “nghiêm trọng” đến độ phải ngồi tù lâu dữ vậy, hả Trời?

Mãn hạn tù lại bắt đầu một bi kịch khác:

“Nhà tôi có 5 người chen chúc trong cái phòng 09 m2, thêm anh Toán Xồm nữa là sáu. Thế nên anh cũng không thể tá túc mãi ở chỗ tôi. Anh có mỗi bà chị ruột thì đã di cư vào Sài Gòn trước 1954, ở Hà Nội không còn ai thân thích. Anh Toán Xồm cứ lang thang ‘lãng tử’ nay đây mai đó, lúc màn trời khi chiếu đất.

Cho đến ngày 30/04/1994 … sáng đó là kỷ niệm ngày thống nhất đất nước nên công an phường đi dẹp đường. Họ bắt gặp anh Toán Xồm vạ vật và hấp hối trên vỉa hè, liền cho người báo tin. Nhưng anh chẳng còn ai trong giờ phút lâm chung, chỉ có cái vỉa hè … chứng kiến.”  [Kim Dung – Kỳ Duyên. Cung Đàn Số Phận (Hồi Ký Lộc Vàng). Hội Nhà Văn: Hà Nội, 2018].

Qua năm sau (1995) thì Trúc Phương qua đời tại Sài Gòn, cũng không có ai “chứng kiến” ngoài … “đôi dép nhựa dưới chân.” Tuy kẻ Bắc/người Nam nhưng số phận của cả ba ông, tưởng chừng, chả khác gì nhau?

Tưởng vậy thôi, chớ không phải vậy đâu.

Họ khác chớ và khác lắm!

Tuy sinh cùng thời (và cùng nơi) với Phan Thắng Toán nhưng nhờ di cư vào Nam nên Thanh Bình đã có cơ hội viết được nhiều bản nhạc bất hủ, trước khi cuộc cách mạng vô sản biến ông thành một kẻ trắng tay (rồi) một lão … ăn mày! Trúc Phương cũng thế, ông cũng kịp “để lại cho chúng ta một di sản vô giá” (theo nhận định của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam) rồi mới nằm chết cong queo ngoài bến xe đò.

Còn ở giữa lòng Hà Nội (nơi được mệnh danh là “Thủ Đô Của Lương Tâm & Phẩm Giá Con Người”) thì Toán Xồm chả hề có được chút cơ hội hay cơ may nào sất, và dường như ông không có chi để lại cho đời – dù chỉ là một “đôi dép nhựa”!


 

Mẹ đơn thân năm con bị cấm xuất cảnh vì “phản đối diễn binh”

Ba’o Dat Viet

April 27, 2025

HÀ NỘI – Một văn bản được dư luận viên Cộng Sản Việt Nam tung ra trên mạng hôm 26 Tháng Tư cho thấy, bà Hoàng Thị Hồng Thái, 45 tuổi, chủ tài khoản Facebook Hong Thai Hoang với gần 80,000 người theo dõi, vừa bị Công An Hà Nội áp lệnh cấm xuất cảnh với lý do “phục vụ điều tra tin báo về tội phạm.”

Bà Thái, quê Hưng Yên, nổi bật gần đây nhờ những phát ngôn thẳng thắn trên mạng xã hội. Bà viết: “Tôi phản đối việc tổ chức diễn binh tiêu tốn hàng ngàn tỷ tiền thuế của dân. Thay vì phô trương, hãy xây bệnh viện, trường học cho vùng cao.” Không dừng lại ở đó, bà cũng tuyên bố coi ngày 30 Tháng Tư là “ngày đau thương của dân tộc,” chứ không phải là dịp để tự hào hay hân hoan.

Những dòng chia sẻ này lập tức trở thành cái gai trong mắt bộ máy dư luận viên. Chúng nhanh chóng gạch chéo hình ảnh thông điệp của bà, bêu riếu bà là “kẻ vô ơn,” thậm chí mỉa mai rằng bà chỉ nổi tiếng nhờ “diễn sâu quá mức cho phép,” chứ chẳng có đóng góp gì cho xã hội.

Không chỉ phản đối diễn binh, bà Thái còn chia sẻ những video lay động lòng người, như cảnh một người cha nghèo nuôi ba đứa con sau cái chết của vợ vì tự tử. Dưới đoạn video ấy, bà bình luận: “Có ở đâu mà đứa trẻ không có nổi miếng cơm ăn như thế này? Sao không dùng tiền diễn binh để lo cho các em?”

Sau những phát ngôn và hành động trên, Công An Hà Nội ra tay. Lệnh cấm xuất cảnh giáng xuống trong lúc bà đang gồng gánh nuôi năm đứa con nhỏ, đứa út mới sáu tuổi và mắc chứng tự kỷ. Theo những chia sẻ trước đó trên Facebook cá nhân, bà Thái khẳng định mình tự tay nuôi con bằng mồ hôi công sức, “chưa một lần được hưởng dịch vụ miễn phí,” và thậm chí còn bị tước quyền được bảo vệ bởi chính hệ thống pháp luật mà đáng ra phải bảo vệ công dân.

Bà từng tâm sự: nếu chọn im lặng, có lẽ các con bà sẽ có cuộc sống đầy đủ vật chất hơn, “nhưng chúng sẽ lớn lên như những con chim trong lồng, không bao giờ thoát khỏi tư duy nô lệ.”

Trong bối cảnh nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng kiểm soát mạng xã hội và đàn áp những tiếng nói đối lập, câu chuyện của bà Hoàng Thị Hồng Thái không chỉ là nỗi buồn cá nhân, mà còn là tấm gương phản chiếu một xã hội mà tự do ngôn luận đang ngày càng bị bóp nghẹt.


 

Quan điểm dưới góc nhìn của một người Mỹ: Ai chiến thắng ở Việt Nam

Theo báo WSJ

Tờ Nhật báo phố Wall đã có một bài nhận định hay về thực trạng Ai thắng Ai trong cuộc chiến ở Việt Nam 50 năm trước.

 

Trong khi chính phủ Việt Nam ngày nay tự gọi mình là cộng sản, với lá cờ búa liềm vẫn tung bay, quyền sở hữu nhà nước của Việt Nam đối với mọi thứ đã kết thúc vào năm 1986. Những quân cờ domino không đổ quá xa hay quá lâu. Chủ nghĩa tư bản hiện đang thống trị, và Việt Nam đang hiện đại hóa. Tòa nhà Landmark 81 bằng kính và thép cao 81 tầng nằm trên một căn cứ hậu cần cũ của Quân đội Hoa Kỳ. Tôi đã thấy có những nơi, dân nghèo cắt đầu cá và họ rửa bát đĩa trên đường phố, coi vậy nhưng Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Việt Nam, với dân số hơn 100 triệu người, có hàng tấn nhà máy. Mức lương sản xuất trung bình là 2 đô la một giờ, so với 6 đô la ở Trung Quốc và 29 đô la ở Hoa Kỳ Mọi người ở Việt Nam dường như đều có xe tay ga và điện thoại thông minh gắn ứng dụng WhatsApp, mức sống tăng lên khi nền kinh tế dịch  chuyển lên các tầng nấc có giá trị cao hơn trong đế chế ngang hàng của chúng ta.

Danh sách các công ty Mỹ tại Việt Nam

Chính phủ sở hữu và kiểm soát các dịch vụ điện thoại di động, với các gói cước rẻ tới 4 đô la một tháng. Nhưng dịch vụ chậm và không đồng đều, tụt hậu so với chúng ta một thế hệ, họ đang thực hiện chủ nghĩa tư bản cổ điển với đặc điểm cộng sản. Nhiều người ở Việt Nam, vô cớ, nói với tôi rằng nỗi lo lớn nhất của họ là “Trung Quốc nuốt chửng Việt Nam”. Phải chăng đây là một bộ chuỗi domino khác?

Phương tiện truyền thông của chúng ta giờ đã khác. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân của Việt Cộng vào tháng 1 năm 1968 rất dữ dội nhưng cuối cùng đã bị đẩy lùi. Sau chuyến thăm một tháng sau đó, người dẫn chương trình của CBS Walter Cronkite đã bày tỏ sự nghi ngờ của mình về cuộc chiến: “Cách duy nhất hợp lý để thoát ra lúc đó là đàm phán, không phải với tư cách là người chiến thắng.” Điều đó đã làm chua chát dư luận, như được diễn đạt đúng trong một câu trích dẫn ngụy tạo thường được cho là của Lyndon B. Johnson: “Nếu tôi mất Cronkite, tôi đã mất Trung Mỹ.” Những bộ phim chiến tranh anh hùng của Hollywood như “Cát của Iwo Jima” và “Súng của Navarone” đã nhường chỗ cho (phim chủ bại)  “Deer Hunter” và “Apocalypse Now” chất chứa đầy ắp sự lo lắng.

Nhìn lại, chúng ta đã thắng trận Tết Mậu Thân nhưng lại thua phương tiện truyền thông và cuối cùng là bại trận trong cuộc chiến tranh tàn khốc và không cần thiết. Nhưng 50 năm sau, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là tư bản chủ nghĩa. Với một phần mười tiền lương của chúng ta, họ vui vẻ sản xuất các thiết kế của Mỹ trong lãnh vực làm quần áo và giày thể thao (bao gồm một nửa giày của Nike ) và thậm chí cả Apple AirPods và iPad để đổi lấy những mảnh giấy có hình Benjamin Franklin trên đó.

Khoảng 300 triệu đôi giày Nike được sản xuất ở Việt Nam một năm hé lộ chuỗi cung ứng khổng lồ với 152 nhà máy, tạo việc làm cho hơn 500.000 lao động

Trong năm tài chính 2022, doanh thu của Nike đạt hơn 46,7 tỷ USD, chi phí giá vốn 25,2 tỷ USD. Nike cho biết các nhà máy đối tác tại Việt Nam sản xuất khoảng 44% tổng số giày dép và khoảng 26% tổng sản phẩm hàng may mặc của thương hiệu Nike.

Với sự tôn trọng cao nhất đối với 58.220 quân nhân Hoa Kỳ và vô số thường dân đã mất trong Chiến tranh Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta đã thắng.

Bức tường đá đen: Đài tưởng niệm cho hiện tại sâu thẳm – dòng sông xưa


HÃY NHÌN XEM! – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy!”.

Cuộc sống là một quá trình liên tục làm quen với những điều không ngờ! Cũng thế, sự hiện diện và hoạt động của Chúa Phục Sinh trong thế giới là một quá trình liên tục không ngờ. Vì ‘liên tục’ là thuộc tính của lòng xót thương nơi Ngài. Hãy nhìn xem và trải nghiệm!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật Lòng Thương Xót phản ánh sự liên tục trong việc thực thi quyền năng của Chúa Phục Sinh. Lời Ngài nói với Tôma, “Hãy nhìn xem tay Thầy!” khác nào nói, “Hãy tin!” chứng tỏ tình yêu Ngài, “Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương!” – Thánh Vịnh đáp ca.

“Hãy nhìn xem!”. Từ những ngày đầu mãi cho đến thế kỷ thứ IV, Hội Thánh vẫn quy tụ, dẫu không có một nhà thờ nào, “Các tín hữu thường hội họp tại hành lang Salômon” – bài đọc một. Đó là khu công cộng được che chở khỏi các yếu tố; ở đó, Chúa Phục Sinh có mặt. Các tông đồ được ban quyền năng ‘còn hơn cả Thầy’; đến nỗi người ta khiêng những kẻ ốm đau ra đường, “Để ít nữa khi Phêrô đi ngang qua, chiếc bóng ông cũng phủ trên một bệnh nhân nào đó và tất cả được chữa lành!”. Luca muốn nói, “Hãy nhìn xem!”, Thiên Chúa không ngừng xót thương, Ngài chỉ thay đổi phương thức và cách thế!

Cũng thế, bị lưu đày ở đảo Patmos, Gioan vẫn rao giảng ‘Đấng là Đầu và là Cuối’ – bài đọc hai. Là một mục tử trải nghiệm sâu sắc, Gioan truyền đạt cho các Giáo Hội những bản văn được gọi là Khải Huyền. “Hãy nhìn xem!”, Chúa Phục Sinh luôn ở với Hội Thánh; lòng thương xót của Ngài vẫn thể hiện tỏ tường ngay giữa chốn Gioan lưu đày.

Với bài Tin Mừng, Gioan cho biết, Chúa Phục Sinh – Đấng đi qua các cửa đã khoá. Tuy nhiên, hơn cả cửa khoá, chính sự sợ hãi khiến các tông đồ bị giam cầm! Vậy mà, bất kể nguồn gốc của nỗi sợ là gì, Chúa Phục Sinh vẫn mời gọi “hãy nhìn xem” lòng thương xót của Ngài, Đấng vượt qua cái chết, và nay, đang sống, đang vượt qua ‘mọi loại hình cánh cửa khoá chặt’ của bất cứ nỗi sợ nào nơi con cái Ngài!

Đặc biệt với Tôma, một người ‘bi quan bẩm sinh’ – “Chúng ta cùng đi và chết với Người!” – và hôm nay, “Nếu tôi không nhìn thấy dấu đinh, lỗ đinh… tôi không tin”. Lịch sử đã gán cho Tôma một ‘bản rap tệ’; nhưng Chúa Giêsu thật dịu dàng với ‘bản rap tệ’ này. Ngài chiều chuộng và tưới gội Tôma bằng tất cả tình yêu. Và như thế, qua Tôma, Ngài muốn nói, Ngài không đợi cho đến khi chúng ta hoàn hảo để tìm kiếm chúng ta. Trái lại, ai càng xa cách, Ngài càng tìm kiếm; ai càng cứng cỏi, Ngài càng xót thương, “Phúc cho ai không thấy mà tin!”.

Anh Chị em,

“Hãy nhìn xem tay Thầy!”. “Phúc âm gọi Tôma là Didymus – Song Sinh – và trong điều này, ông thực sự là anh em song sinh của chúng ta. Vì đối với chúng ta, biết rằng Thiên Chúa hiện hữu là chưa đủ. Một Thiên Chúa đã phục sinh nhưng vẫn xa cách không lấp đầy cuộc sống chúng ta; một Thiên Chúa ở xa không thu hút đủ chúng ta, dù Ngài công bằng và thánh thiện đến đâu. Không, chúng ta cần “nhìn thấy Thiên Chúa”, chạm tay vào Ngài và biết rằng Ngài đã phục sinh và đã phục sinh vì chúng ta. Làm sao có thể nhìn thấy Ngài? Như các tông đồ: qua các vết thương của Ngài!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hãy đến với con hôm nay, tại đây, sau cánh cửa khoá chặt trong nỗi sợ hãi và nghi ngờ của con. Con tin, với lòng thương xót Chúa, con sẽ vượt qua tất cả!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

******************************

 CHU’A NHẬT II PHỤC SINH, NĂM C

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.