Tiểu khí của người nhỏ nhen.

Thái Hạo

 Anh em trong nhà, đánh nhau một trận, năm mươi năm sau còn ăn mừng chiến thắng. Đó là tiểu khí của người nhỏ nhen.

Người Mỹ đánh nhau, hai miền đều hạ vũ khí, không ai là kẻ thua trận, không ai bị sỉ nhục. Đó là phong độ của người quân tử: nhân văn và quảng đại. Không lạ khi Mỹ thành siêu cường.

Hòa giải chỉ có thể đến từ bên thắng cuộc. Thù hận hay ăn mừng, cả hai đều bít lối tương lai. Cờ quạt và lễ lạt chỉ chứng tỏ bụng dạ hẹp hòi, dân tộc không bao giờ lớn nổi.


 

2 đại sứ Việt Nam gây tranh cãi liên quan 30 Tháng Tư

Ba’o Nguoi-Viet

May 2, 2025

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 2 Tháng Năm dấy lên tranh cãi xoay quanh bài đăng của hai đại sứ Việt Nam đương nhiệm tại Đức và Liên Hiệp Quốc, liên quan 30 Tháng Tư.

Ông Vũ Quang Minh, đại sứ Việt Nam tại Đức, được nhìn thấy chia sẻ một bài đăng của Facebook “Tran Luong Son” về hành xử của cố Tổng Thống Abraham Lincoln sau nội chiến Hoa Kỳ, kèm bình luận bằng tiếng Anh: “Time for celebration. Time for reflection” (Thời để kỷ niệm. Thời để suy ngẫm.)

Bài đăng trên trang cá nhân của ông Vũ Quang Minh, đại sứ Việt Nam tại Đức, hiện đã xóa. (Hình: Chụp qua màn hình)

Bên dưới bài đăng, ông Minh trả lời bình luận của một người đọc: “[Nước] Đức may mắn thống nhất trong hòa bình, nhưng các chính sách hòa hợp và tái thống nhất hai miền cũng cho ta rất nhiều bài học. Vấn đề là ta có quan tâm học không và có tin rằng những bài học đó đáp ứng lợi ích lâu dài của dân tộc ta.”

Bài đăng và phản hồi của ông Minh được hiểu là cách ông ngầm tán dương chủ trương hòa giải sau 1975 phải được tiến hành chân thành, cũng như bày tỏ sự không tán thành việc Hà Nội tốn hàng trăm triệu đô la tiền thuế dân cho việc tổ chức diễn binh ở Sài Gòn, “ăn mừng” 50 năm ngày 30 Tháng Tư.

Tuy vậy, ông Minh sau đó đã xóa bài đăng mà không giải thích.

Ông Hà Quang Minh, nhà báo của tờ Công An Nhân Dân, bình luận trên trang cá nhân: “Cách ông Vũ Quang Minh, đại sứ Việt Nam tại Đức, chia sẻ quanh sự kiện 30 Tháng Tư rất đáng quan ngại về nhận thức chính trị của quan chức ngoại giao này. Đề nghị Bộ NG [Ngoại Giao] xem xét lại tư cách nhân sự của mình.”

Cùng thời điểm, mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến chỉ trích Đại Sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, do ông này đăng hình ảnh Cờ Đỏ Sao Vàng ở Times Square (quảng trường Thời Đại), thành phố New York, hôm 30 Tháng Tư bị công luận phát giác là “hình chế.”

Tấm hình do ông Giang đăng tải sau đó được Báo Chính Phủ, Thông Tấn Xã Việt Nam, Facebook Thông Tin Chính Phủ, báo Tuổi Trẻ, VietnamPlus, Người Lao Động… và hàng loạt trang của giới dư luận viên đăng lại.

Hình “Cờ Đỏ Sao Vàng Việt Nam ở Times Square, New York hôm 30 Tháng Tư” do Đại Sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đăng trên trang cá nhân và gỡ bỏ sau khi bị phát giác là “hình chế.” (Hình: Chụp qua màn hình)

Vài giờ sau khi bị cộng đồng mạng tố cáo tấm hình “do AI (Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo) chế ra,” các báo âm thầm gỡ đường dẫn mà không đăng lời cải chính, trong lúc ông Giang cũng khóa trang Facebook “Giang Dang” với hình “avatar” là một con mèo.

Nhiều Facebooker đặt câu hỏi về việc liệu ông Giang có bị phạt 7.5 triệu đồng ($288), tương tự trường hợp những người dân bị công an cáo buộc “đưa tin sai, gây hoang mang dư luận.”

Thậm chí, có những ý kiến đòi Bộ Ngoại Giao kỷ luật ông ta vì đăng tin giả.

Theo bản tiểu sử đăng trên trang web của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Đặng Hoàng Giang, 48 tuổi, có bằng cao học ngành Quan Hệ Quốc Tế do Học Viện Ngoại Giao ở Hà Nội cấp.

Trước khi làm trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông Giang từng giữ ghế thứ trưởng Ngoại Giao. (N.H.K) [qd]


 

KHÔNG BAO GIỜ LẠC LỐI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

“Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!” – H. E. Fosdick.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính hai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ chứng thực câu nói của Fosdick, “Người chọn nơi bắt đầu của một con đường, sẽ chọn nơi nó dẫn đến!”. Ai chọn Chúa Kitô, người ấy ‘không bao giờ lạc lối’ vì đã chọn đúng tuyệt đối. Ngài nói, “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”.

Chúa Kitô là Thiên Chúa, cũng là con người! Vì thế, bước theo Chúa Kitô, bạn tìm thấy đường đến với Thiên Chúa; tin Chúa Kitô, bạn nhận ra lẽ thật là chính Thiên Chúa; chấp nhận Chúa Kitô, bạn có sự sống của Thiên Chúa! Là Kitô hữu, bạn không chỉ tuân theo một số quy tắc, một số tín điều; nhưng là đi theo một Con Người! Fulton Sheen thật gãy gọn khi nói, “Tất cả giáo lý là Chúa Kitô!”. Chúa Kitô là câu trả lời cho mọi vấn đề; vấn đề sự sống, sự chết; vấn đề bên kia cái chết và sự sống vĩnh cửu. Ai chọn Chúa Kitô sẽ ‘không bao giờ lạc lối’ vì đã chọn đúng đường – đúng đích – dẫn đến Thiên Chúa!

Philipphê nói, “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!”; Chúa Giêsu đáp, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha!”. Một câu trả lời khá mơ hồ cho một người thực dụng; ấy thế, đó là câu trả lời không thể đúng hơn! Bởi lẽ, không ai thấy Thiên Chúa mà không chết, nên Con Thiên Chúa làm người để ai ‘thấy’ Ngài thì luôn ‘sống!’. Cốt lõi giáo lý về Nhập Thể là – giờ đây – “khuôn mặt” Thiên Chúa đã hiển hiện nơi Chúa Kitô. Thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha, thấy sự sống, thấy thiên đàng. Rất nhiều điều kỳ diệu đang chờ đợi bên kia cuộc sống, nhưng chúng ta có thể hưởng nếm chúng trước trong Chúa Kitô. Ngài ‘mang trời xuống đất’ khi nhập thể; ‘mang đất lên trời’, khi đem chúng ta về ‘Nhà Cha’. Với tư cách con đường, Ngài đưa chúng ta đến với Chúa Cha; tư cách sự thật, Ngài mặc khải Chúa Cha; và tư cách sự sống, Ngài chia sẻ sự sống của Cha.

Một trùng hợp thú vị khi Phaolô – đến mấy lần – đề cập việc nhìn thấy Chúa Phục Sinh. Chúa Phục Sinh đã hiện ra “với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt”; Ngài cũng hiện ra “với Giacôbê, với tất cả các tông đồ”; và sau cùng, với Phaolô như “một đứa trẻ sinh non”. Nhờ việc thấy Ngài, các tông đồ mạnh dạn đi đến tận cùng trái đất, rao giảng Tin Mừng Phục Sinh; “Tiếng các ngài vang dội khắp hoàn cầu!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống!”. Mỗi ngày, đi trên con đường Giêsu, mỗi bước chân của chúng ta đã “chọn nơi nó dẫn đến” – Chúa Cha! Có Chúa Cha, bạn và tôi có tất cả; có thiên đàng, có sự sống hôm nay, có sự sống vĩnh cửu! Vậy Kitô hữu sẽ không còn gặp bất cứ vấn đề nào nữa sao? Có chứ! Vấn đề cuộc sống vẫn còn đó, nhưng vì Con Thiên Chúa đã đi qua mọi nẻo gian khó của nó, và trên đường, Ngài đã toàn thắng khi đánh bại thần chết; vì thế, Ngài có thể dẫn chúng ta đi, cứu thoát chúng ta ở bất cứ hoàn cảnh nào. Và chắc chắn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến cùng đích!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đường đời muôn hướng nhưng ‘không dẫn đến đâu’. Giúp con chọn đường Giêsu mỗi ngày; vì chọn Ngài, con sẽ ‘không bao giờ lạc lối!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************************************

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh

Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh em chưa biết Thầy ư ?

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 14,6-14

6 Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’ ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.


 

Thánh A-tha-na-xi-ô  (295- 373) – Cha Vương 

Đêm qua ngủ có ngon không? Đừng có ngáp ngủ nhé. Nếu có ngáp thì hãy thốt lên: “Lạy Chúa xin giúp con…” Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh A-tha-na-xi-ô (296? – 373), Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh. Xin Chúa chúc lành cho bạn và gia đình.

Cha Vương 

Thứ 6, 2PS: 02/05/2025

Cuộc đời Thánh A-tha-na-xi-ô đầy bôn ba vì tận tụy phục vụ Giáo Hội. Ngài là quán quân bảo vệ đức tin đối với sự lan tràn của lạc thuyết Arian. Sự nhiệt huyết của ngài được thể hiện trong các trước tác giúp ngài xứng đáng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

    Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria khoảng vào năm 295 và được giáo dục kinh điển, A-tha-na-xi-ô gia nhập hàng giáo sĩ và là thư ký cho Ðức Alexander, Giám Mục của Alexandria, và sau đó chính ngài được nâng lên hàng giám mục. Vị tiền nhiệm của ngài, Ðức Alexander, từng là người lớn tiếng chỉ trích một phong trào mới đang bành trướng ở Ðông Phương thời bấy giờ, đó là lạc thuyết Arian, họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô và không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.

    Khi Ðức A-tha-na-xi-ô đảm nhận vai trò Giám Mục của Alexandria, ngài tiếp tục chống với lạc thuyết Arian. Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng để chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Công Ðồng Tyre đã được triệu tập và vì một vài lý do không rõ ràng, Hoàng Ðế Constantine đã trục xuất Ðức A-tha-na-xi-ô đến miền bắc nước Gaul. Ðây là chuyến đi đầu tiên trong một chuỗi hành trình và lưu đầy có nét phảng phất như cuộc đời Thánh Phaolô.

    Khi Constantine từ trần, người con trai kế vị đã phục hồi quyền giám mục của Ðức A-tha-na-xi-ô. Nhưng chỉ được có một năm, ngài lại bị truất phế vì sự liên hiệp của các giám mục theo phe Arian. Ðức A-tha-na-xi-ô đã đệ đơn lên Rôma, và Ðức Giáo Hoàng Julius I đã triệu tập một công đồng để duyệt qua vấn đề và các khó khăn liên hệ.

    Trong bốn mươi sáu năm làm giám mục, ngài đã phải lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ tín điều về thiên tính của Ðức Kitô. Trong một thời gian, ngài được an hưởng 10 năm tương đối bình an để đọc sách, viết lách và cổ võ lý tưởng của đời sống đan viện mà ngài hết lòng tận tụy.

    Các văn bản và giáo lý của ngài hầu hết là các bài bút chiến, trực tiếp chống lại mọi góc cạnh của lạc thuyết Arian. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Anthony được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô Giáo Tây Phương.

    Sau một cuộc đời đức hạnh và chịu đau khổ gian nan nhưng vẫn trung kiên với Đức Tin Công giáo. Ngài là một vĩ nhân của thời đại đã an nghĩ đời đời trong Chúa vào ngày 2 tháng 5 năm 373. Thánh tích của ngài hiện còn ở San Croce, Venice, nước Ý.

    Thánh A-tha-na-xi-ô được tuyên dương là Tiến sĩ của Hội Thánh do Đức Giáo Hoàng Pius V năm 1568.

LỜI TRÍCH: Những khó nhọc mà Thánh A-tha-na-xi-ô đã phải đau khổ trong khi lưu đầy – trốn tránh, bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác – nhắc nhở chúng ta về những gì mà Thánh Phaolô đã đề cập đến trong cuộc đời ngài: “Trong nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, ở sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; trong vất vả mệt nhọc, qua những đêm không ngủ, qua sự đói khát, thường xuyên phải nhịn ăn uống, qua sự lạnh lẽo và trần truồng. Ngoài những điều này, tôi còn bị ray rứt hằng ngày vì sự ưu tư lo cho tất cả các giáo hội” (2 Corinthians 11:26-28). (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Bạn đã và đang làm gì để giữ vững đức tin? Cái giá bạn phải trả là gì?

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho thánh giám mục A-tha-na-xi-ô được can đảm đứng lên bênh vực niềm tin của Giáo Hội về thần tính của Đức Ki-tô, Con Một Chúa. Xin nhậm lời thánh nhân chuyển cầu mà ban cho chúng con biết nghe lời người giảng dạy, để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin… 

(Lời nguyện trong kinh Thần Vụ)

From: Do Dzung

*******************************

Con Tin Chúa Ơi – Lm Duy Thiên

Kỹ Thuật Cuối Tuần:

Theo mạng SWN

Nhật Bản đã giới thiệu một khẩu súng đường sắt mà họ sẽ sử dụng để bắn hạ tên lửa siêu vượt thanh.

Vũ khí này bắn đạn với tốc độ 2.500 mét mỗi giây – gấp bảy lần tốc độ âm thanh – cho phép tấn công nhanh chóng các mối đe dọa của hỏa tiễn bay tốc độ cao mà các hệ thống thông thường phải vật lộn rất khó để chống lại.

Hình ảnh lưu trữ (tháng 1 năm 2017) cho thấy Súng điện từ do Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ tài trợ tại phạm vi đầu cuối đặt tại Trung tâm Tác chiến mặt nước Hải quân Dahlgren Division, Virginia. (Pix qua SWNS)
Vào ngày 9 tháng 4 năm 2025, Phó Đô đốc OMACHI Katsushi (trong bộ đồ màu xanh), Tư lệnh Hạm đội Phòng vệ (COMSDFLT), đã đến thăm tàu JS ASUKA, để quan sát tình trạng mới nhất của Railgun. (Pix qua SWNS)

Không giống như các loại súng thông thường dựa vào chất đẩy nổ, súng đường sắt sử dụng lực điện từ để tăng tốc đạn, giảm rủi ro trên tàu và cho phép nhắm mục tiêu tầm xa hơn vào các mối đe dọa bay trên không và trên biển.

Phó Đô đốc Omachi Katsushi, Tư lệnh Hạm đội Phòng vệ, đã đến thăm tàu thử nghiệm JS Asuka trong tháng này để quan sát các cuộc trình diễn của hệ thống này.

Nó được phát triển bởi Cơ quan Mua sắm, Công nghệ & Hậu cần (ATLA), cơ quan mua sắm và công nghệ quốc phòng chính của Nhật Bản được thành lập vào năm 2015 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Vào ngày 9 tháng 4 năm 2025, Phó Đô đốc OMACHI Katsushi, Tư lệnh Hạm đội Phòng vệ (COMSDFLT), đã đến thăm tàu JS ASUKA, để quan sát tình trạng mới nhất của Railgun. (Pix qua SWNS)

Hải quân Hoa Kỳ đã tạm dừng chương trình Railgun Điện từ (EMRG) vào năm 2021 sau 16 năm phát triển và chi tiêu 500 triệu đô la, do những thách thức kỹ thuật như nhu cầu năng lượng cao và độ mòn nòng súng. Kể từ đó, họ đã chuyển trọng tâm sang công nghệ tên lửa siêu thanh và vũ khí năng lượng định hướng.


“*Phép màu” tình mẫu tử – Truyện ngắn HAY

My Lan Pham 

Một sản phụ người Pháp, 31 tuổi, từng là tình nguyện viên tại Bệnh viện Đại học Lille, đã khiến cả giới chuyên môn kinh ngạc khi trải qua ca sinh nở hiếm gặp đến mức được đăng tải trên Tạp chí Sản – Phụ khoa và Sinh học Sinh sản, một trong những tạp chí y khoa danh giá nhất châu Âu. Bài viết mang tựa đề “Một ca chào đời diệu kỳ” – và quả thật, không có hai từ nào chính xác hơn.

Ở tuần thai thứ 36, người mẹ này cảm nhận những cơn đau bụng bất thường nên đến Bệnh viện Jeanne de Flandre để kiểm tra. Các bác sĩ siêu âm và ghi nhận thai nhi đang ở ngôi mông, nước ối vẫn ổn định, mẹ không có dấu hiệu xuất huyết – mọi thứ dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng, những cơn đau ngày một dữ dội, liên tục và vượt qua ngưỡng chịu đựng của cô.

Linh cảm của các bác sĩ mách bảo có điều không ổn. Nghi ngờ sản phụ có thể bị rách động mạch chủ – một biến chứng cực kỳ nguy hiểm – họ quyết định đưa cô đi chụp CT. Kết quả khiến tất cả bàng hoàng: cô đã bị vỡ tử cung, với vết rách dài tới 10cm – một biến cố sản khoa có thể cướp đi sinh mạng của cả mẹ lẫn con nếu không được xử lý kịp thời.

Nhưng ngay khi cái chết tưởng như đã cận kề, sự sống lại lên tiếng – lần này, là từ chính thai nhi.

Không ai biết bằng cách nào, nhưng bé trai trong bụng mẹ đã xoay lưng lại đúng vị trí lỗ thủng trên thành tử cung – như một “cục hít sinh học” – bít kín lại vết vỡ, không để máu tràn ra ngoài. Các bác sĩ tin rằng chính hành động này đã giúp ngăn tử cung tiếp tục rách toạc, tạo điều kiện quý giá để đội ngũ y tế kịp thời thực hiện ca mổ bắt thai khẩn cấp.

Đứa trẻ chào đời nặng 2,52 kg, khỏe mạnh, cân đối – duy chỉ có một chi tiết khác thường: một khối u lớn nổi lên trên lưng em, như vết tích của hành trình “bảo vệ mẹ” thần kỳ. Ban đầu, các bác sĩ lo ngại sẽ phải can thiệp để xử lý phần mô lạ này. Nhưng rồi, như thể chưa từng tồn tại, cục u biến mất chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Tiến sĩ Charles Garabedian – người trực tiếp theo dõi ca sinh – gọi đây là “một trường hợp đặc biệt của vỡ tử cung”, là bằng chứng sống động cho mối liên hệ sâu sắc giữa mẹ và con.

Người ta hay nói rằng: Suốt thai kỳ, người mẹ làm mọi cách để bảo vệ con. Nhưng đôi khi, chính đứa trẻ cũng đang âm thầm tìm cách bảo vệ lại mẹ mình – theo bản năng thuần khiết và mạnh mẽ nhất.

Bởi vì tình mẫu tử – luôn là điều kỳ diệu nhất mà tạo hóa từng tạo ra.

Họ gọi đó là một “phép màu” – nhưng thực ra, nếu tin vào sự gắn kết kỳ diệu giữa mẹ và con, bạn sẽ hiểu: đó là thứ tình cảm sâu thẳm vượt ra ngoài y học, vượt qua cả lý trí.

-Kiến thức thú vị-

Theo: babysitio

TokyoLife chia sẻ


CĂN NHÀ CỦA CON- Nguồn: Nguyễn Hélène My Hanh-Truyen ngan HAY

Kien Pham added a new photo to the album: Những câu chuyện cảm động !

Một câu chuyện có thật rất đau lòng cho phụ nữ miền nam Việt Nam sau ngày bị csvn cưỡng chế và cưỡng chiếm !

Căn nhà mặt tiền đường rất đẹp , khang trang và sang trọng của một chủ tiệm vàng , trên đường Lê Lợi , gần khu chợ Bến Thành .

Họ làm tiệm vàng đã qua nhiều đời gia truyền , từ đời Tổ Tiên , đến Ông Bà , Cha Mẹ , nay đến con trai và dâu. Một gia đình vui vẽ hanh phúc , có Ông Bà đã ngoài 70 đến 80 Tuổi , Con trai và dâu cũng đã trên dưới 50 tuổi và đàn cháu 2 trai 1 gái thật ngoan hiền đáng yêu xinh đẹp biết bao … Họ là những người hiền lành, làm ăn rất lương thiện và chính trực , không gian tham …

Thế nhưng đến những ngày cuối cùng của miền nam thất thủ , họ đã không rời Việt Nam vì nhiều lý do ! Cha Mẹ qúa già yếu , sợ không chịu nỗi chen lấn ồ ạt của những người đi chay trốn csvn ! Các con còn qúa nhỏ , con trai lớn chỉ mới 20 đang học Y khoa năm thứ hai , rồi con trai kế là 15 và con gái chỉ mới 10 Tuổi. Chưa đứa nào trưởng thành thật sự và học hành xong !

Chúng ta nhiều đời làm ăn lương thiện , không chận bớt xén gì của ai , hoà bình rồi , hết chiến tranh , có lẽ sẽ an cư lạc nghiệp hơn ….

Nhưng cuộc đời không như suy nghĩ !

Đến ngày sau khi csvn đã nắm quyền , họ dùng chiêu bài

“đánh tư sản mại bản “.  Họ vào vơ vét sạch tài sản trong căn nhà ngập tràn hạnh phúc này , họ cướp sạch không chừa một thứ gì cả ! Họ tống cả nhà ra ngoài đường , họ bắt đi người Chủ gia đình , là con trai , là chồng và cha của 3 đứa trẻ đem đi tù , vì là kẻ có tội ác bán vàng, là hút máu của nhân dân … Rồi số người còn lại là Ông Bà cụ già , đàn bà và trẻ con ! Họ tống hết lên xe thùng và tải thẳng đi kinh tế mới trong rừng thiêng nước độc để tự sinh , tự diệt !

Chỉ một ngày thôi thì tan nát hết cả gia đình !

Trong vùng gọi là ” kinh tế mới ” họ đói rách , họ bệnh tật , họ chết dần mòn bắt đầu từ Ông đến Bà. Rồi đến cậu con trai cả , vì đi phá rừng để làm rẫy bị rắn độc cắn chết , rồi cậu em kế bị sốt rét rừng mà chết. Chỉ còn lại Mẹ và cô con gái , đã ba năm trôi qua , không tin tức của người chồng và cha , hai mẹ con gồng gánh nương nhau mà sống , những người thân ruột thịt không còn ai hết !

Đến một ngày hơi cùng lực kiệt , cạn nước mắt và qúa đau khổ , đói rách , rét mướt , bệnh hoạn vì sốt rét rừng …

Người Mẹ cũng trút hơi thở sau cùng , bỏ lại cô bé 13 Tuổi bơ vơ !

Cô bé ơi như nụ hoa chùm gởi , sẽ biết đi đâu và về đâu ?

Trước khi mất , người mẹ trao lại cho con mãnh giấy bé tí , ghi lại địa chỉ căn nhà ngày xưa và căn dặn :

” Đây là Căn Nhà Của Con ” con trở về tìm có gặp lại cha con không nhen con … Và ra đi vĩnh viễn !

Sau khi chôn Mẹ bằng manh chiếu bó thân , cạnh với Ông , Bà và hai anh trai !

Cô bé 13 Tuổi quyết định trở về tìm lại mái nhà xưa !

Cô bé đi bộ , đi từng đoạn đường đến đâu xin làm việc nơi đó để đổi chén cơm qua ngày .  Cứ như vậy mà đi … Cứ hỏi đường mà đi …

Trở về Sài Gòn , nơi cô bé được sinh ra và lớn lên , nơi có ” căn nhà của con “.  Nơi mà một thời cô bé rất hạnh phúc , ấm êm , vui vẽ bên Ông Bà , cha mẹ và gia đình !  Nơi mà cha cô thường gọi cô là viên ngọc qúy của ba !  Đi mãi , có khi đi bộ , có lúc đi xe chuyền , có người thương tình hoàn cảnh cùng là người miền nam , đã cho cô bộ quần áo cũ , thay cho bộ áo quần rách nát của cô !

Trôi nổi một cuộc đời , một cánh hoa Lục Bình !

Rồi cô cũng về đến địa chỉ , ” Căn Nhà Của Con “.  Căn nhà đó hiện nay là của một ông bà ” cán bộ cao cấp “. Họ cư trú , họ xài và sử dụng toàn bộ tài sản mà của gia đình cô ngày xưa , từ nhà cửa đến xe cộ , ti-vi , máy lạnh , tủ lạnh …. Người chủ mới này không ai xa lạ đó là người đã vào nhà cô năm xưa để tịch thu tài sản !

Trở về nhà nhưng không được vào nhà !

Cô ngủ ngay dưới ” mái hiên nhà của con “

Đã 16 tuổi , cô bé nay đã lớn , trở thành cô tiên nhỏ , với nét đẹp thiên thần , nụ cười duyên dáng , đôi mắt rất buồn !  Buồn vì đời cô côi cút , buồn vì tan nát gia đình , buồn vì mất hết hạnh phúc mà đáng lẽ cô đã có được … !

Mỗi ngày cô đi phụ dọn hàng làm việc cho một bà bán hàng bánh canh bột mì và cháo , vậy là bà cho ăn , bà cho vài bộ quần áo cũ còn lành mà thay đổi . Tối về lại ngủ dưới hiên nhà của cô , vì không có ” hộ khẩu ” không ai dám chứa chấp thời đó !

Cái thời bao cấp , ăn mì sợi , lúa mì , bo bo và khoai lang , khoai mì , cháo với muối … Bột mì rồi tự chế thành bánh mì và bánh canh bột mì sắc thành cọng …

Cô gái đẹp ngủ ngoài hàng hiên , đương nhiên đầy nguy hiễm !

Cái thời mà lộng hành của qủy đỏ , cái thời mà qủy đỏ từ rừng ra thèm những cô gái Sài Gòn đến nhỏ vãi , vì chúng đã không thèm ôm những củ khoai sùng trong rừng như xưa , mà đã biết thèm thuồng khi nhìn thấy sự mỹ miều của các cô gái miền nam !

Cô đã bị loài qủy đỏ phá hoại sự trong trắng , trinh tiết vào một đêm khi chúng nó đi ăn nhậu ở cơ quan về !

Trên đường về thấy cô gái trẻ co ro dưới mái hiên nhà , chúng nó thay nhau cưỡng bức !  Mặc cho cô kêu gào thất thanh trong đêm , chủ mới là cán bộ csvn , chúng nó nghe rõ mồn một , nhưng im hơi lặng tiếng , chúng bỏ mặt cô gái trẻ không nơi nương tựa đau khổ vì bị vùi dập trong đêm !

Sau đêm kinh hoàng đó , cô bị mang thai , cái thai của lủ qủy đỏ , không biết của tên nào trong số đó ! Cô đã đau khổ nay càng khốn khổ hơn , vì cái bụng ngày càng lớn lên !

Vẫn ngủ ngoài mái hiên ” Căn Nhà Của Con “. Thời gian cứ trôi qua và cái ngày cô khai hoa nở nhụy cũng đã đến !  Đêm đó , cô đã quằn quại đau đớn , vì đứa trẻ kia muốn ra đời ! Nhưng không ai giúp , đêm đó cũng là đêm cuối cùng của cuộc đời trầm luân của cô , một cuộc đời bất hạnh do csvn đã gây ra !

Cô đã ra đi cùng với đứa con trong bụng , một xác hai mạng , trước khi trút hơi tàn , lần đầu tiên cô biết cười sau 6 năm khi gia đình cô tan nát và cô đã mĩm cười nói ” Căn Nhà Của Con ” , con đã về và con chết tại căn nhà mà cha mẹ đã dành cho con !

Dạ , ” Căn Nhà Của Con “

Nguồn: Nguyễn Hélène My Hanh

(Bị Chú: hình minh họa)


 

DẪY ĐẦY – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng”.

Sau cơn nguy kịch, một bệnh nhân biết mình phải trả 1,3 triệu tiền Oxy; anh thốt lên, “Vậy tôi phải trả bao nhiêu cho khí trời đã hít thở trong suốt 53 năm? Trời cho tôi nhiều quá!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Trời cho tôi nhiều quá!”. Những gì Trời cho thường dư dật ‘dẫy đầy!’. Tin Mừng hôm nay tường thuật phép lạ Chúa Giêsu thết hơn năm ngàn người từ năm chiếc bánh và hai con cá; và sau khi tất cả đã ăn no nê, người ta thu được “mười hai thúng”. Sao nhiều thế?

Augustinô giải thích, Chúa Giêsu đã cung cấp nhiều hơn những gì người ta có thể hưởng dùng. Đây là cách thức mô tả đầy biểu tượng những chân lý tâm linh. “Mười hai thúng” biểu tượng cho những chân lý siêu việt hơn mà đám đông không thể lãnh hội, trừ những ai sống thiết thân với Ngài. Họ được ban dư dật ‘dẫy đầy!’.

“Mười hai thúng” còn tượng trưng cho “Nhóm Mười Hai”. Họ là những người được nhận nhiều hơn. Hãy nhớ lại, nhiều lần – khi đã về nhà – Chúa Giêsu giải thích riêng cho các môn đệ một số chân lý mà đại đa số không thể hiểu hoặc dễ chấp nhận. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xét xem ba nhóm khác nhau trong phép lạ này.

Nhóm đầu tiên là những người thậm chí “không có mặt” khi phép lạ xảy ra; đây là những kẻ không cùng hành trình với Chúa Giêsu. Nhóm này ‘lớn nhất’ trong thế giới, họ sống mà không hề biết phải tìm cho mình một nguồn ‘lương thực thiêng liêng’ tối thiểu. Tiếp đến, “đám đông” theo Chúa từ những vùng xa xôi, họ ở lại với Ngài. Nhóm này đại diện cho những ai trung thành tìm kiếm Chúa mỗi ngày qua Thánh Lễ, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, lắng nghe và được các Bí tích nuôi dưỡng. Nhiều người ước ao được như họ; nhìn họ bình an, hạnh phúc – dẫu không miễn trừ gian nan, thử thách – không ít người thèm thuồng.

Cuối cùng, “Nhóm Mười Hai” – những môn đệ gắn kết với Chúa Giêsu, tiếp tục được Ngài nuôi dưỡng một cách đặc biệt – dư dật ‘dẫy đầy’ đến nỗi nhiều lúc, họ thốt lên “Trời cho tôi nhiều quá!”. Đây là những người tìm cách đào sâu và nắm lấy những chân lý tâm linh siêu việt và họ được biến đổi ở mức độ sâu sắc nhất; sau đó, ra đi, họ chia sẻ cho người khác. Nhật ký Hội Thánh sơ khai cho biết, “Mỗi ngày, trong đền thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô!” – bài đọc một.  

Anh Chị em,

“Họ chất đầy được mười hai thúng!”. Thiên Chúa quảng đại vô song; hồng ân Ngài khôn lường – chính Ngài – “Tôi đến cho chiên tôi được sống và sống dồi dào!”. “Đối mặt với tiếng kêu đói – đủ mọi loại “đói” – của nhiều anh chị em ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta không thể là những khán giả vô cảm và bình tâm. Việc loan báo Chúa Kitô – Bánh sự sống vĩnh cửu – đòi hỏi một cam kết quảng đại đối với những người nghèo, những người yếu đuối, những người bé nhỏ nhất, những người không có khả năng tự vệ!” – Phanxicô. Hãy ra sức tìm kiếm “mười hai thúng” chân lý thiêng liêng còn lại, bạn và tôi khám phá ra rằng, sẽ không có hồi kết đối với chiều sâu biến đổi của ân sủng ‘dẫy đầy’ Thiên Chúa ban.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘hời hợt thiêng liêng’ trước bất cứ ân huệ lớn nhỏ nào. Dạy con ‘hít thở’ bầu khí tạ ơn, vì luôn xác tín rằng, ‘Trời cho tôi nhiều quá!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

******************************************************

 Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh

Đức Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ga 6,1-15

1 Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” 10 Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.


 

 Trầm tích-Thu Hoài

Kimtrong Lam

April 30, 2025 : 9:45 AM

Thu Hoài

Chiếc ghe oan nghiệt rơi trong tay của hải tặc. (Hinh minh hoạ: BBC).

Mới đó đã Tháng Tư. Thêm một lần nữa, mùa Xuân chóng qua!

Như sóng xô bờ: những diễn biến liên tục sau chiến tranh Việt Nam – từng lớp sóng tràn ngập, phủ chồng lên nhau. Khỏa lấp!

Bên cạnh, những tàn phá do bởi chiến tranh, dấu tích, di chứng còn nhìn thấy được những gì, khi tất cả mọi tài liệu, phim ảnh còn lưu giữ được bao nhiêu, giữa thật hư? Để lại?

Những thương tích không hẳn xảy ra trong thời điểm giao tranh. Đáng nói là sự ảnh hưởng về đau khổ mất mát, chia cách vẫn còn âm ỉ cho mãi đến nhiều năm, sau cuộc chiến.

Sự còn lại là trầm tích. Là đất đá phù sa, lắng đọng lại thành tầng lớp, qua thời gian. Là sự tích tụ của cảm xúc, ký ức, hoặc những thứ vô hình lắng đọng trong tâm hồn, qua bao năm tháng.

Như những câu chuyện viết về sự âm ỉ trong lòng. Tôi cũng có một bài viết được ghi chép lại đã lâu, nói về một tâm sự – mà nội dung: Là uẩn khúc của một gia đình. Ghép lại qua từng mảnh vỡ, từ hồi tưởng của một thanh niên, là bạn học của con tôi. Trong đó, bao gồm hoàn cảnh gia đình, cùng nỗi nhục hình phải gánh chịu Và cha mẹ của y thật ra không xa lạ với chúng tôi. Là những người bạn thân, quen biết nhau từ những ngày bắt đầu lập nghiệp ở quê người.

Ngoài sự ghi nhận, cùng với diễn bày trong câu chuyện – nhân vật được xưng TÔI hẳn nhiên không phải là tôi. Tôi chỉ là người viết. TÔI, ở đây, thay mặt như lời người con. Hiện là giảng sư, bác sĩ giải phẫu tim mạch, làm việc tại University of British Columbia, Vancouver, Canada.

Ở đây, khi nói đến tâm sự bên đời, thường, mình hay mỗi ai cũng có chút ít tâm tư, hoặc đến rồi đi! Nhưng đôi khi, có những niềm riêng day dứt khôn nguôi, theo suốt một đời!

Điều muộn màng, bất hạnh nhất, đáng ghi lại: Khi nỗi lòng về sự ngộ nhận được giải bày, cha mẹ của y đã không còn nữa!

Đây là nỗi lòng. Trầm tích:

Cho đến khi TÔI trưởng thành – tuổi có thể gọi đã đầy đủ trí khôn, để hiểu những gì xảy ra trong gia đình, cha mẹ tôi đã không còn. Bên nỗi lòng ấm ức, dằn vặt, tôi thường xuyên tự hỏi với chính mình: Có phải sự hiện diện của tôi, kể từ khi ra đời, một hình ảnh luôn nhắc nhở về kỷ niệm đau lòng? Và có phải chính tôi là nghiệp chướng, là nguyên nhân gây ra những bức xúc, cấu xé trong tâm hồn của cha mẹ?

Có lẽ vậy. Tất cả như nghiệp chướng, bắt đầu thành hình từ những ngày, tôi chưa có mặt với đời này.

Sau 30 Tháng Tư, 1975, vì là sĩ quan phục vụ cho quân đội miền Nam, cha tôi bị giam giữ, gọi là cải tạo, hơn 5 năm.

Trở về, cha tôi rơi trong cùng quẫn. Thiếu thốn. Bên sự nương tựa của những ngày cùng khổ, cha mẹ tôi tìm đến nhau vào thời kỳ kinh tế tối tăm, ở cuối thập niên 70s.

Số phận chừng như đã sắp đặt! Sau đêm ngày cưới, cả hai âm thầm cùng với một nhóm 27 người rời vùng quê Rạch Giá bằng chiếc ghe mong manh – hầu mong thoát khỏi Việt Nam qua đường vượt biển.

Định mệnh phũ phàng!

Tưởng có thể chạy trốn với cảnh đời tối tăm, nhóm người vô tội trên ghe làm sao có thể lường được những hãi hùng đang chờ đợi trên biển cả.

Chiếc ghe oan nghiệt rơi trong tay của hải tặc – một đám cướp biển, săn người đã rình rập tự khi nào. Những gì xảy ra sau đó là địa ngục trần gian!

Sau khi lấy hết những gì gọi là quý giá như vàng, bạc, kế đến là phụ nữ!

Trong số đó có mẹ tôi, bị hãm hiếp dã man.

Riêng đàn ông, bao gồm cha tôi – bị cột chặt, để chứng kiến cảnh cưỡng hiếp và giết người hung bạo. Tất cả sau đó, từng người một bị đập vào đầu bằng cán chèo, hoặc bị đâm vào người bằng dao hay vật nhọn.

Hình ảnh để lại trên sàn ghe có thể mường tượng sự hành hạ ghê rợn, trước khi đối diện với cái chết thê thảm! Thân xác nạn nhân bị ném chất chồng lên nhau như cá mòi, bê bết!

Dân làng ở ven biển tìm thấy chiếc ghe trôi dạt vào bờ, sau những ngày mưa bão! Và oái oăm thay, lẫn lộn trong đống xác người, cha mẹ tôi được cứu sống khi đang còn thoi thóp – để đối diện với sự đọa đày, nối tiếp theo những tháng năm sau này: Đó là nỗi đau của tủi nhục!

Có lẽ, nếu ngày đó cha mẹ tôi chết đi, họ sẽ không bị đau đớn, dằn vặt kéo dài theo những năm lê lết với khổ đau, ray rức, quằn quại sau này. Hay trời đất đã dàn xếp, để cha mẹ tôi phải sống – phải trả cho xong món nợ: Đó là tôi! Bởi vì cùng thời gian này, mẹ tôi có triệu chứng bắt đầu mang thai…

Sau hơn 9 tháng, kể từ thời gian được cứu vớt đến trại tỵ nạn Thái Lan. Trong nỗi oan khiên, mơ hồ – về ai, là tác giả của bào thai mà mẹ tôi đang cưu mang trong người: Tôi, sinh ra nơi đây.

Đời mong manh, nổi trôi như chiếc ghe trên biển ngày ấy – gia đình chúng tôi được định cư tại Vancouver, Canada không lâu sau khi tôi sinh ra đời.

Những gì xảy ra sau đó là địa ngục trần gian! (Hình minh hoạ: BBC Tiếng Việt)

Mặc dầu, tôi lớn lên ở những vùng đất cởi mở, hiền hòa thuộc tỉnh British Columbia, Canada – nơi mà đa số di dân đến đây tìm kiếm đời sống hân hoan, gia đình tôi vẫn sống một cách âm thầm và lẻ loi.

Mãi đến những năm ở tuổi vị thành niên, tôi bắt đầu ghi nhận một cách rõ ràng – cả ba, chúng tôi đều rất cô đơn:

Về Cha tôi

Sau cơn hành hạ dập dìu thập tử nhất sinh trên chiếc ghe ngày ấy, cha tôi sống bên lề đời như người tàn phế – không còn đi đứng bình thường vì ống xương của chân phải đã bị đánh gãy dập!

Ông bệnh hoạn, gầy yếu. Sự sinh sống chỉ dựa vào trợ cấp của xã hội.

Cha tôi như chiếc bóng!

Chỉ một đôi lần, rất hiếm hoi, ông dành để chút tình cảm cha con, chẳng hạn nhường cho tôi những món ăn… trong im lặng! Ông hay ngồi trong những xó góc, uống rượu khi trời sẫm chiều. Và đây là thời gian tôi tìm thấy cha tôi trở nên xa lạ. Những cơn say mịt mờ qua khói sương. Nơi đó chừng như không có hướng về. Và đôi khi tự hỏi, cha đang lạc về đâu?

Tôi thường nghe những câu than trách hay nguyền rủa một mình. Lời, của một người sa cơ thất thế, mặc cảm vì bất lực. Ám ảnh khôn nguôi, vì không thể bảo vệ được người vợ thân yêu? Hay bởi vì: sự có mặt của tôi khơi động đến vết thương lòng vẫn còn lở loét?

Nên có lẽ, chỉ có rượu vào mới có thể thoa dịu, cởi thoát ra được chút nào những nỗi đau cùng cực.

Cha tôi yếu đuối dần theo ngày, không biết làm gì hơn, chỉ còn cách trốn chạy với chính mình. Chìm theo men say, mộng mị trong ảo ảnh sương mờ. Lẫn lộn, mơ hồ giữa địa ngục và thiên đường, trong ảo giác!

Mẹ tôi

Nếu ví cha tôi như chiếc bóng; hình ảnh của mẹ tôi có thể so sánh như ngọn đèn le lói giữa trời khuya!

Hằng đêm mẹ tôi mắc bệnh mất ngủ, nên phải uống thuốc mỗi ngày. Nhiều đêm, không biết bao lần, mẹ tôi choàng tỉnh la hét chạy quanh nhà. Nỗi khiếp sợ tưởng chừng như có người đang đuổi bắt sau lưng. Cho dẫu trấn an đến cách nào, những cơn ác mộng nào đó chừng như luôn chờ chực khi người rơi vào giấc ngủ. Vì thế, chỉ mỗi thuốc an thần mới có thể giảm đi phần nào.

Tuy nhiên, những liều thuốc có tác dụng lúc ban đầu, dần dà đã không còn hiệu nghiệm. Càng lo lắng hơn, khi biết được nếu tình trạng kéo dài, mẹ tôi có thể phải đưa vào những nhà thương trị bệnh cho người điên. Những nơi đó, chắc chắn sẽ khiến mẹ tôi trở thành người mất trí vĩnh viễn vì những lượng thuốc rất nặng về trị liệu tâm thần. Chưa nói đến nơi đây, xứ người – luật của xã hội rất quan tâm về vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em. Vì vậy, tôi có thể bị tách rời khỏi cha mẹ, nếu người ta khám phá ra cả hai, không còn đủ khả năng nuôi dưỡng được tôi.

Bên cạnh bao nỗi bất hạnh đã xảy ra, lại thêm những bất an đang chờ đợi, dù sao, chúng tôi cũng còn chút ân sủng của đất trời: Được gặp người thầy thuốc chữa bệnh cho mẹ tôi – người, đã từng phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam.

Không những ông là một bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm chữa trị về những căn bệnh bị khiếp đảm vì chứng kiến những chết chóc ghê rợn trong chiến tranh – Post Traumatic Stress Disorder (PTSD); thêm vào đó, ông là một người bác sĩ rất có lòng. Ông bảo lãnh cho gia đình chúng tôi về ở phía sau vườn, nằm sau căn nhà nghỉ mát của ông ở vùng West Vancouver. Không ngoài mục đích giúp cho mẹ tôi có cơ hội phục hồi với gió biển, bên đời sống rất bình lặng nơi đây.

Mẹ tôi khỏe phần nào do nhờ ngủ được ít nhiều. Nhưng dẫu thế nào, căn bệnh tâm tưởng vẫn thường xuyên ám ảnh.

Tôi bắt gặp mẹ tôi lắm lần đi thẳng ra bờ vực, nơi có sóng biển đập mạnh vào ghềnh đá. Tôi càng sợ hãi khi biết – sẽ không ai có thể ngăn cản, nếu mẹ tôi muốn tự hủy diệt lấy chính mình. Nhưng đó cũng là lúc, tôi khám phá: Mẹ tôi chưa dám rời khỏi cuộc đời này vì không muốn cắt đứt giọt máu yêu thương vô tội, bỏ rơi đứa con duy nhất: đó là tôi!

Và tôi

Bên đời, tôi sống với chiếc bóng của người cha – khi ẩn khi hiện! Nương theo, với sức sống mỏng manh của mẹ tôi, yếu ớt như ánh sáng của ngọn đèn khuya – khi tỏ khi mờ! Cùng với bao lần, tôi phải lắng nghe những tâm sự của cha mẹ tôi được thốt ra trong những cơn – khi tỉnh khi mê! Tôi bất chợt thấy mình bơ vơ, như đang đứng giữa trời đông, giá lạnh!

Tôi luôn tự nhủ với lòng: Tôi phải sống, để có thể bảo vệ lấy mình và cha mẹ. Vì thế, tôi chấp nhận với đời sống hẩm hiu, tự làm quen với tất cả thăng trầm, không để niềm vui kéo dài sau giờ học. Cứ vậy khi tan học, tôi lo hối hả chạy một mạch về nhà. Vì hơn ai hết, tôi biết, ngoài tôi, không ai có thể đem lại cho mẹ tôi lòng an tâm và niềm tin tưởng.

Có lần, không thấy tôi về như mọi hôm vì bài vở dở dang, mẹ tôi nóng lòng muốn đến đón tôi ở trường. Năm đó, tôi còn đang ở tiểu học. Và trường thì nằm ngay ở bên con đường xe cộ qua lại rất đông. Trong lúc chúng tôi cùng băng qua đường dành cho người đi bộ, bất ngờ có tiếng thắng của xe rít trên mặt lộ, mẹ tôi bấn loạn, hốt hoảng ôm lấy đầu và chạy ra ngay giữa ngã tư, khi dòng xe cộ đan nhau như mắc cửi, trong giờ cao điểm… Khi nhìn thấy, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra trong gang tấc, tôi liều lĩnh lao vào dòng xe qua lại. Những gì xảy ra hôm đó, không làm tôi bận tâm hay sợ hãi! Tôi chỉ có một mục đích duy nhất là bằng mọi cách tôi phải bảo vệ, ôm lấy mẹ tôi! Hơn thế nữa, tôi không có sự chọn lựa nào hơn là không thể bỏ rơi mẹ mình trong cơn nguy cấp.

Tôi nhớ vô cùng khi nhìn vào đôi mắt mẹ – bất chợt, tôi tìm thấy giọt nước rưng rưng như muốn thay lời: Chỉ có tôi mới đem lại cho người nỗi sống. Hay đúng hơn, nếu không có tôi, mẹ tôi đã không còn tha thiết với cuộc đời này.

Tôi không biết có lối nào để có thể đưa dắt cha mẹ tôi thoát ra khỏi bóng đen u buồn, mờ mịt của cuộc đời. Riêng cá nhân tôi, chỉ còn mỗi cách: Tôi tìm kiếm niềm vui qua sách vở, bằng cách cắm cúi lo học nhiều hơn. Tôi ý thức, chỉ có góp nhặt kiến thức – để từ đó, tôi mới có thể tìm ra lối thoát cho chính mình!

Năm tôi vừa xong Trung Học, cha tôi qua đời. Ông ta đã ngủ quên trong cơn say.

Xác ông, khô lạnh co quắp, được tìm thấy ở kho chứa đồ, trong một đêm đông tuyết phủ ngập ngoài sân. Để lại mẹ tôi với tâm trạng càng hoang mang và cô đơn. Ngày đưa cha về lại đất, tuyết phủ ngập đầy, trắng xoá như màu tang. Thênh thang tẻ lạnh.

Những năm tôi được nhận vào Đại Học, mẹ tôi bắt đầu yếu dần, bịnh phát ngày mỗi nặng.

Trong giai đoạn bế tắc cuối cùng, không còn cách nào hơn, phải đưa vào trung tâm y tế để có người chăm sóc. Càng đau lòng hơn, mẹ không có cơ hội tham dự ngày lễ tốt nghiệp Y Khoa của tôi vì người đã không còn. Ngày mẹ ra khỏi cuộc đời, trời đổ cơn giông,và không biết nơi cuối ngàn, tiếng sét có phải là lời tìm nhau vang vọng, khi trong lòng còn chất chứa bao nỗi niềm băn khoăn – biết tỏ cùng ai.

Cả hai, cha mẹ tôi, đã nằm xuống, quạnh hiu nơi xứ người, với nỗi lòng trăn trở.

Vài lời cho cha mẹ

Kính lạy hương hồn cha mẹ.

Cho đến bây giờ, con tin chắc cha mẹ đã thoát ra khỏi nỗi lòng u uất mà từ lâu cha mẹ chưa có cơ hội, hay có lẽ không dám đối diện: Con là con của ai?

Vâng, đã từ lâu – chính vì sự mơ hồ con là của ai, đã ngăn cách tình yêu thương của cả ba: cha, mẹ và con.

Có những lúc thấy cha mẹ buồn vì tủi phận; dù rất muốn, nhưng có gì làm con ngần ngại. Đúng hơn, con không biết làm sao để có thể nói lên những lời an ủi, khi mang cảm tưởng bị bỏ rơi vì xa lạ!

Cũng như rất tội tình, ngay khi lòng cảm thấy cô đơn, con cũng không dám đến gần cha mẹ để được ôm vào lòng, những mong có thể tìm kiếm dỗ dành, khuyên nhủ, trong những năm con còn tuổi ấu thơ!

Hôm nay, nhân sinh nhật của chính mình, con muốn gởi đến cha mẹ một nỗi niềm hân hoan mà con vừa nhận được thử nghiệm về DNA – kiểm tra sự trùng hợp giữa tế bào của con và tro cốt của cha mẹ.

Qua kết quả khám nghiệm: Con, thật sự là con của cha mẹ.

Khi nói lên những lời này, con vô cùng kính mong cha mẹ nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành cho sự hy sinh cao cả mà cha mẹ đã chịu đựng sống còn qua bao nhiêu năm tủi nhục. Con xin hứa sẽ trở nên người hữu dụng hầu không phụ lòng cha mẹ: người đã sống trong quằn quại, thoi thóp, cưu mang – nuôi nấng con được đến ngày hôm nay.

Kính lạy hương hồn cha mẹ nhận nơi đây lòng tri ân của con.

Con yêu quý của cha mẹ.

Viết cho những Trầm Tích của Tháng Tư. Cùng lúc, cũng là lời tưởng niệm đến hai bạn Bảo Trúc. Và lời chúc hạnh phúc, bình yên và may mắn đến với gia đình cháu: Bác sĩ Kh. N. Trần – Cardiologist.

Thân ái.

Thu Hoài