Thiên đàng vĩnh cửu là gì?

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Trong đời sống hàng ngày, nếu biết yêu thương, tích đức, làm nhiều việc thiện, lòng thanh thản, vô ưu. Luôn luôn biết tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa toàn năng. Nếu làm được như vậy thì đời sống hàng ngày có hạnh phúc, có niềm vui, chính đó là thiên đàng. Khi chết sẽ kéo dài hạnh phúc, niềm vui đó sang bên kia thế giới. Cho nên theo tôi nghĩ, thiên đàng là sự kéo dài hạnh phúc, bình an, vui vẻ ở đời này sang đời sau, sau khi chết.

Muốn có hạnh phúc, niềm vui, bình an phải thực hiện Thánh Ý Chúa vì “Thánh Ý Chúa là sự bình an của con”.

“Con người chỉ hạnh phúc thực sự khi chu toàn và bước đi trong đường lối mà Thiên Chúa đã vạch ra cho họ.”

Thánh Augustino nói: “Lạy Chúa Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, và tâm hồn chúng con không tìm thấy sự bình an cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” (Tự thú,I)

"In God Alone We Find Our Rest" - The Abundant Life Center

Học hỏi, thực hiện sự khiêm nhường, chịu đựng và chấp nhận những điều trái với ý của mình. Làm sao giữ được bình tĩnh khi ta bị la lối, bị nói xấu, cự nự, bị vu cáo, đặt điều những việc ta không có làm? Làm sao bình tĩnh, không gây gỗ, không to tiếng lại?

Suy niệm, học hỏi và thực hành lời Chúa Giê Su dạy. “Hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Tập yêu thương, thương xót người dầu người đó đã công kích mình. Dầu có bị công kích, bị nói xấu, bị chạm tự ái, phật lòng cũng lấy tình yêu thương và lòng thương xót mà đối xử “như Cha trên trời là đấng có đầy lòng thương xót.”

Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa vì họ sẽ thấy “Ngài đúng như Ngài là” (1Ga 3,2) “mặt giáp mặt(Câu 1023 Sách GLGHCG)

Thiên đàng là: “Mắt chưa từng xem thấy, tai chưa từng nghe thấy, lòng trí con người chưa từng nghĩ tới, đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai yêu mến Ngài (1Cr 2, 9)” (Câu 1027 Sách GLGHCG)

***

Làm việc theo lương tâm thường là làm đúng với ý của Thiên Chúa.

Nếu coi tiền bạc là quan trọng, tiền bạc là trên hết, “tiền là tiên, là phật” dùng mánh khóe lường gạt người khác để làm giàu. Nếu có quyền lực, khi làm quan, mà tham nhũng kiếm đồng tiền bất chính, hại người để giàu có, tâm không bình an làm sao lúc chết bình an được.

Tiền bạc không cần phải quá giàu có, đủ ăn, đủ tiêu xài. Nếu may mắn, Chúa thương, trong tuổi già không phải nhờ trợ cấp của chánh phủ đã là quý rồi. “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc” (Biết đủ là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ)

Khi về hưu, đến cuối đời mới thấy: có một gia đình êm ấm, đoàn tụ, hoà thuận, yêu thương nhau, con cháu thường xuyên gặp gỡ nhau là quan trọng hơn là “phải thật giàu có, nổi tiếng, danh vọng, địa vị cao trong xã hội.”

Gia Đình Xum Họp Đầu Xuân 2018 - YouTube

***

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 đời sống quá khó khăn, nhiều người sống chỉ vì tiền, đưa đến sự lường gạt lẫn nhau. Mượn tiền không trả. Mua gian bán lận. Mướn người làm không trả lương tháng cho họ, mượn nợ không bao giờ trả. Ở biệt thự, đi xe sang, BMW, Mercedes, để người khác tưởng giàu có, để dễ mượn tiền.

Nhìn bề ngoài thấy anh là người thành công, làm ăn lớn, nhà cao cửa rộng, đi xe sang, có vẻ rất giàu có. Nhưng thực chất anh nợ nần tứ tung. Cuối đời, anh bán xe sang, anh mất biệt thự, không dám nhìn ai, không

dám gặp gỡ người thân, không dám gặp mặt bạn bè, vì anh nợ quá nhiều, không thể trả nổi, sợ gặp lại những người chủ nợ của mình.

Tâm bất an, làm sao bình an khi ra đi được.

Mời xem vài sự việc tiêu biểu đã xảy ra ở Việt Nam:

1)Dr Trần Quí Thanh là Nhà sáng lập và thành viên hội đồng quản trị của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát,

Đã gài bẫy bắt anh Minh chịu tù 7 năm. Vụ con ruồi trong nước giải khát và nhiều vụ khác.

Mời đọc: Vì sao cha con ông chủ Tân Hiệp Phát bị bắt?

Trước đó, Bộ Công an đã giao C01 điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TP.HCM và Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020

2)Trong đại án Việt Á, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố tổng số hơn 60 bị can về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mới đây nhất, tối 7/6, Bộ Công an khởi tố, bắt giam các ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Hà Nội) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) sau khi xác định 3 bị can có nhiều sai phạm trong vụ án này.

Tại họp báo Chính phủ chiều 4/6, khi đề cập dòng tiền trong vụ Việt Á, trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết bị can Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) khai đã thu lãi 4.000 tỷ đồng và chi “bôi trơn” khoảng 800 tỷ đồng.

3)Truy tố 54 bị can Đại án ăn tiền nạn nhân Covid trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Các bị can ăn tiền hối lộ từ 4 tỉ cho đến 42 tỉ

Chúng tôi xin trích dẫn ra tên những kẻ ăn hối lộ nhiều nhất bao gồm:

Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng.

Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng.

Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng.

Đỗ Hoàng Tùng, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 12,2 tỉ đồng.

Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42,6 tỉ đồng.

Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ công an cục quản lý xuất nhập cảnh nhận hối lộ hơn 27,3 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 22,8 tỉ đồng

4)Vụ bạo hành bé gái đến chết: ‘Dì ghẻ’ nhận án tử hình, cha đẻ bị kết án tù vì che giấu tội phạm

Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang vì bạo hành đến tử vong con gái của người tình và kết án Nguyễn Kim Trung Thái nhiều năm tù vì hành hạ con đẻ

Tâm bất an sẽ kéo dài sự bất an đó về bên kia thế giới.

Nước thiên đàng chẳng ở đâu xa, nước thiên đàng có ngay ở đời này chính là niềm vui, bình an, hạnh phúc và được nối tiếp sang đời sau vĩnh cửu, sau khi mất.

Kết:

Cuối đời mới có thể biết được con người như thế nào? Sự giàu có do làm ăn lương thiện hay không lương thiện? Làm việc với tâm thiện hay với tâm ác.

Các suy nghĩ và những việc làm của con người từ lúc hiểu biết cho đến già, đưa đến những hậu quả khác nhau. Những việc làm tốt hay xấu, thiện hay ác, ta sẽ mang nó sang bên kia thế giới sau khi chết.

Nước thiên đàng vĩnh cửu luôn dành cho những người tốt, biết yêu mến Thiên Chúa và yêu mến, giúp đỡ tha nhân.

Phùng Văn Phụng

Tháng 05/2023

Tin vui cộng đồng công giáo

Trong đêm Lễ Vọng Phục sinh năm nay, tối ngày 08 tháng 04 năm 2023, có tất cả 36 người được rửa tội và có 3 em thêm sức.

Trong số người được thanh tẩy đa số là học đạo để lập gia đình, có người vì con đã rửa tội, đang sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, nên cũng đi học đạo, để mục đích hướng dẫn con cái sống theo tinh thần phúc âm.

Đặc biệt có anh Minh (David) Trần và vợ là Sương Trần là hai vợ chồng 78 tuổi và vợ 77 tuổi đã tham gia lớp này. Cùng có một người nữa anh Duy (Thomas) mới vừa về hưu, trên 70 tuổi cũng đã ghi danh học đạo năm nay. Chị Trần Lợi năm nay trên 70 tuổi cũng tham gia lớp Tân tòng này và cũng được rửa tội dịp lễ phục sinh vừa qua. Anh Đinh Sơn và vợ là chị Liên, niên khóa rồi (2021-2022) đã học hết khoá tân tòng, nhưng vì hoàn cảnh lo lập gia đình cho con ở tiểu bang khác, anh phải đi xa, nên không rửa tội được. Năm nay anh cũng đã trở về Houston và được rửa tội kỳ này.

Xin chúc mừng, chúc mừng.

Hình Cha Chánh Xứ, Cha Phó Xứ, hai thầy Phó Tế, các Giáo Lý Viên và các Tân Tòng chụp đêm vọng Phục Sinh 08-04-2023 tại Giáo Xứ Ngôi Lời Nhập Thể

Phùng Văn Phụng ghi nhận

Vài điều trông thấy- tác giả Phùng Văn Phụng

Trong thời gian qua có vài sự kiện rất đáng cho ta suy nghĩ.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

1)Virus Vũ Hán bùng nổ từ tháng 02 năm 2020 cho đến nay tháng 02 năm 2023 là đúng ba năm,

thống kê đến ngày thứ tư ngày 15 tháng 02 năm 2023) cho biết:

*Số người chết vì Virus Corona:

*Toàn thế giới có 6,785,896 người chết.

* Ở Hoa Kỳ có 1,141,220 người chết.

Thêm thiên tai vừa mới xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6 tháng 02 năm 2023, số người chết lên đến trên 46,000 người theo đài VOA

Cứu hộ động đất ở Syria, ngày 8/2/2023.

Cứu hộ động đất ở Syria, ngày 8/2/2023.

2)*Những người giàu có đang bị bắt giam:

-a)Trịnh Văn Quyết

Giá trị tài sản từng được ước tính khoảng 22,7 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,02 tỷ USD.[2

Theo tin tức từ đài BBC báo Tuổi trẻ

Ngày29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán

b)Tân Hoàng Minh

Theo tin tức từ đài Á châu tự do (RFA):

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015. Bộ Công an thông báo tin này trên cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ vào ngày 5/4/2022. Theo báo Dân Việt Khối tài sản gần 10.000 tỷ đồng của ông chủ Tân Hoàng Minh

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) đã điều tra và xác định: trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng ba công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành chín đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Ngoài ông Đỗ Anh Dũng, công an cũng khởi tố và bắt giam sáu lãnh đạo khác thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt giam vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Ông Đỗ Anh Dũng Chủ Tịch Tập Đoàn Tân Hoàng Minh

-c)Bà Nguyễn Phương Hằng

Theo báo Dân Việt thì bà Nguyễn Phương Hằng đã Sở hữu Khu du lịch Đại Nam có quy mô xây dựng lên đến 6.000 tỷ đồng

Bà Hằng khẳng định: “Nếu nói về tài sản, thì 500, 700 triệu đô đến 1 tỷ đô tôi có... Mỗi lần tôi xuất hiện sẽ có một bộ trang sức khác. Kim cương của tôi lên đến hàng kí. Vì tôi đam mê nên tôi nỗ lực làm ra tiền. Tất cả các hiệu kim cương ở nước ngoài đều biết mặt tôi hết… Tôi đi những chiếc xe 40, 50 chục tỷ, có đến vài chiếc là chuyện bình thường. Tôi ở bao nhiêu căn nhà mặt tiền, sổ đỏ tôi cân kí nhưng tôi chưa bao giờ đem điều đó ra tự hào”

Vợ chồng bà Hằng, ông Dũng sở hữu dàn siêu xe với những mẫu xe đắt đỏ bậc nhất Việt Nam, có thể kể đến như Rolls-Royce Phantom, Rolls-Royce Ghost Series II, Rolls-Royce Wraith, Bentley Mulsanne EWB, Mercedes-Maybach S600 và Bentley Continental GTC.

Bà Nguyễn Phương Hằng sở hữu nhiều viên kim cương có giá trị

Việt Nam: Mạng xã hội ‘cuộn sóng’ khi bà …Nguyen Phuong Hang bi bat (BBC)

Dư luận Việt Nam, ít nhất qua mạng xã hội, cùng ngày bị thu hút vì tin bà Nguyễn Phương Hằng, 50 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam, bị Cơ quan cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP HCM bắt tạm giam.

3)*Những người có nhiều quyền hành đang bị bắt giam:
a)Đỗ Hữu Ca

Ngày 18 tháng 2 năm 2023, Đỗ Hữu Ca bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt khẩn cấp về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì liên quan đến một vụ án hình sự về Trốn thuế, Mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng.(RFA)

Nguyên Giám đốc Công an TP Hải phòng, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

*b)Vụ Việt Á:

Hơn 50 người bị khởi tố do liên quan đến vụ Việt Á gồm những ai?

Đặc biệt, gần đây nhất, trong ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 3 lãnh đạo cấp cao thuộc Bộ Y tế, Bộ KHCN. Trong đó có nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN vì có sai phạm liên quan Công ty CP Việt Á

Trong gần nửa năm, có hơn 50 lãnh đạo cấp bộ, thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành bị bắt, khởi tố do liên quan đến vụ án ở Công ty Việt Á.

*c)Vụ chuyến bay giải cứu:

Toàn cảnh vụ ‘chuyến bay giải cứu’ sau 1 năm khởi tố điều tra

4 bị can từ trái qua: Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Chử Xuân Dũng và Trần Văn Tân

Riêng tại Bộ Ngoại giao, 10 bị can bị khởi tố, phần lớn về tội nhận hối lộ. Trong số này có ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và bà Nguyễn Thị Lan Hương, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự. Dính líu đến sai phạm còn có một loạt cựu cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia như Angola, Nhật Bản, Nga, Malaysia…

Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, 3 bị can cùng bị khởi tố tội nhận hối lộ, trong đó có ông Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng. Tại Bộ Y tế và Bộ GTVT đều có 2 bị can bị khởi tố.

Văn phòng Chính phủ cũng có 3 bị can cùng bị khởi tố tội danh trên, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế. Vướng vòng lao lý còn có ông Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực.

Mới đây nhất, kết quả điều tra mở rộng đánh dấu sự liên quan của 2 địa phương, với việc Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng bị khởi tố về tội nhận hối lộ.

Kết: Thành thật mà nói cái chết rất dễ dàng xảy ra cho bất cứ ai, nhất là trong đợt bịnh “virus corona” lây lan trên toàn thế giới vừa qua. Trong số những người đã ra đi chắc hẳn đã có bạn bè ta. Cái chết đâu chừa một ai?

*Hệ thống luật pháp không có tam quyền phân lập, không có tự do báo chí, không có tự do ngôn luận… Chế độ độc tài toàn trị đã không muốn nghe sự phản biện. Những người dám lên tiếng, nói khác với ý của nhà cầm quyền đều bị đi tù, nên “không bao giờ bài trừ được tham nhũng”.

Những trường hợp tiêu biểu trên cho chúng ta thấy rằng tài sản, quyền lực không phải là vĩnh cửu.

Đặt nặng tài sản, tiền bạc lên trên hết, không tuân thủ pháp luật, không chịu làm ăn đàng hoàng, cuối cùng rồi ai cũng phải chết, phải trả lời ra sao về những hành vi gian dối của mình trước đấng tối cao.

Con người ai ai cũng chỉ cần một cái giường để ngủ, ăn cơm ngày ba bữa, một bữa vài chén cơm. Không hiểu nổi tại sao nhiều người làm ăn bất hợp pháp để rất giàu có, cuối cùng phải chịu cảnh tù đày?

“Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc”, trong bài “Chữ Nhàn” của Nguyễn Công Trứ đã nói như vậy mà.

Rồi ai cũng phải chết tại sao lại tích trữ nhiều của cải quá như vậy, mấy đời con cháu xài không hết, quả là lòng tham không đáy?

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Lời nguyền của một dân tộc

Tác giả: Phùng Văn Phụng

1)Có lẽ bản tính kiêu ngạo của con người là do tội tổ tông mà ra. Kinh Thánh nói tới hành động của ông Adam và bà Eve, không vâng lời Thiên Chúa, ăn trái cấm, mục đích để biết sự tốt và sự xấu, sự lành và sự dữ, muốn ngang bằng Trời.

Đối với người Việt Nam, có lẽ đa số đều quá kiêu ngạo, kiêu ngạo hơn các dân tộc khác chăng? Chỉ làm ăn hơi khá một chút hay có vài bằng cấp (có khi bằng cấp mua nữa) thì “coi trời bằng vung”. Ta là nhất rồi, đâu có ai hơn ta được? Trẻ con được dạy ở nhà trường “Nước ta rừng vàng biển bạc, đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ: Nhật, Mỹ, Pháp… sau này thêm đánh thắng quân Trung quốc xâm lược. Do đó càng tập cho người dân Việt Nam kiêu ngạo.

-Thắng trận Điện Biên Phủ năm 1954, chiếm được miền Nam, sự kiêu ngạo lên cao độ. Đó là “kiêu ngạo cộng sản”. Đã thắng được ba đế quốc sừng sỏ Mỹ, Pháp, Nhật cái gì mà ta chẳng làm được. Năm 1975, Lê Duẩn nói: “Mười năm nữa, là năm 1985, ta sẽ bằng Nhật.???”

Còn dân thường, thói kiêu ngạo cũng không phải là ít. Tất cả những ai không phải là người Việt Nam đều bị gọi là THẰNG. Thằng Tây (Pháp) thằng Mỹ, thằng Chệt, thằng Tàu. Còn dân trong nước gọi đồng bào Thượng là Thằng Mọi.

2) Sự kiêu ngạo đó, tạo nên tính cách của người Việt Nam chăng?

Người Việt Nam KHÔNG TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT, người nào khác ý kiến của mình thì loại trừ. Trong chính trị thì tìm cách vu cáo, nói xấu, triệt hạ, tìm cách tiêu diệt, GIẾT đối thủ.

Từ chế độ vua chúa, lệ thuộc nhà vua, chịu sự cai trị của người Pháp, họ tôn trọng nhà vua, tôn trọng kẻ cầm quyền, không dám phản kháng. Khi chuyển sang chế độ dân chủ có lẽ không thích hợp chăng? Cho nên người dân lại thích hợp? với chế độ độc tài như độc tài Ngô Đình Diệm (chỉ có đảng Cần Lao được hoạt động) ở trong Nam và độc tài cộng sản (Hồ Chí Minh, đảng cộng sản) ở miền Bắc.

*Khi có quyền hành, các quan chức thường không phục vụ người dân mà tìm cách ức hiếp dân lành – để đòi hối lộ, để chứng tỏ ta có quyền hành?

*Khi cộng sản chiếm được miền Nam rồi, áp dụng chế độ độc tài toàn trị, tàn phá đất nước, gây quá nhiều đau thương cho dân miền Nam.

a)Đánh tư sản: tất cả các nhà máy đang hoạt động đều phải đóng cửa và giao cho cán bộ không chuyên môn, quản lý.

Ngăn sông cấm chợ, hàng hoá không lưu thông được trở thành đắt đỏ. Đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ăn bo bo. Thiếu thuốc men, chỉ có thuốc “xuyên tâm liên”, phải chết vô lý vì khi bị bịnh không có thuốc uống, để được điều trị đúng mức.

b)Mọi thứ tự do đều phải bị chấm dứt. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bầu cử, tự do tôn giáo, tự do kinh doanh, tự do nghiệp đoàn v.v… không còn nữa. Mọi ngành nghề, mọi đoàn thể đều do đảng cộng sản kiểm soát. Người dân mất mọi thứ tự do.

c) Bỏ tù dài hạn viên chức miền Nam.

*Nhốt tù dài hạn khoảng triệu công chức và binh lính VNCH

3)Nước Đức đã thống nhất đâu có phải đánh nhau triền miên như Việt Nam, Việt Nam đánh nhau 30 năm). Nhiều nước như Ấn độ, Phi Luật Tân đâu có phải đánh nhau, vẫn dành được độc lập. Còn nước Việt Nam ta tốn quá nhiều xương máu thoát khỏi thực dân Pháp lại bị lệ thuộc cộng sản Tàu.

*Trong chiến tranh 30 năm  số người chết chừng 2 đến 4 triệu người. (1)

Ảnh hưởng bởi thuyết đấu tranh giai cấp, căm thù, giết chốc, tàn sát người giàu có, bắt chước Mao,

*áp dụng cải cách ruộng đất, họ giết chết đâu cỡ gần hai trăm ngàn nông dân (vì bị quy là thành phần địa chủ) trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất xẩy ra hồi 1953 – 1956.

*Đuổi những người giàu có, chủ các hảng xưởng, chủ nhà máy hoặc trí thức không theo cộng sản. Tiêu diệt các thành phần địa chủ, kỹ nghệ gia, các nhà kinh doanh lớn nhỏ, những nhà quản lý có khả năng bị bắt đi tù hay đày đi vùng kinh tế mới. Những thành phần trên bị đàn áp, trù dập, không sống nổi họ phải vượt biên.

*Vượt biên ước lượng chết “vài trăm ngàn trên biển cả”

Đất nước Thái Lan, Malaysia, đâu cần ra ngỏ gặp anh hùng (ngày nay ra ngỏ gặp hoa hậu) mà đất nước họ vẫn phát triển hơn đất nước chúng ta.

Lòng thù hận đến nay vẫn chưa chấm dứt, sau 47 năm chiếm đóng, cai trị miền Nam.

Tại sao không hoà giải, hoà hợp dân tộc giống như chiến tranh Nam Bắc ở Hoa Kỳ (từ ngày 12 tháng 4 năm 1861 đến ngày 9 tháng 5 năm 1865 – 4 năm và 27 ngày).

Nước Mỹ sau nội chiến và bài học hoà hợp dân tộc: tất cả mồ mả của chiến binh hai bên đều được tôn trọng. Bên thua cuộc không có ai bị bắt đi tù cả. Họ còn được đem ngựa, tài sản của họ về quê quán làm ăn. (2)

Kết: Hậu quả sau 47 năm cộng sản chiếm miền Nam người dân chịu quá nhiều đau khổ:

-phải đi ra nước ngoài để làm mướn (gọi là xuất khẩu lao động)

-Vẫn tìm đường vượt biên qua các nước tư bản như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn quốc để kiếm sống.

-Du học sinh tìm cách ở lại luôn nước sở tại để sinh sống chứ không chịu về nước tìm cách lập gia đình với người có quốc tịch hay nhiều cách khác…luôn cả ở lại bất hợp pháp.

Nước Nhật chấp nhận thua trận sau đệ nhị thế chiến năm 1945. Hai mươi năm sau, năm 1965 nước Nhật trở thành cường quốc, xe Honda tràn ngập Đông Nam Á.

Còn nước ta sau 47 năm cai trị của cộng sản, tại sao nước ta tụt hậu quá nhiều so với các nước láng giềng Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore… (3)?

Trước năm 1975, Lý Quang Diệu, Thủ Tướng Sigapore đã từng nói: “Ao ước làm sao Singapore bằng được Sài gòn”. Nửa thế kỷ sau, GDP của Việt Nam là $3,600.00. Còn GDP của Singapore là $72,000.00 đô la. Như vậy, Việt Nam cần 45 năm nữa mới bắt kịp Singapore nếu Singapore không tăng trưởng (đứng yên). Tại sao vậy???

Tác giả: Phùng Văn Phụng

(1)Tổn thất nhân mạng trong chiến tranh Việt Nam (Bách Khoa Toàn thư mở)

(2) Nước Mỹ sau nội chiến và bài học hoà hợp dân tộc

(3) MẤT BAO LÂU ĐỂ VIỆT NAM BẮT KỊP THẾ GIỚI?

+Tiếng Nước Mình – STTD Tưởng Năng Tiến

+VƯỢT BIỂN DO NHÀ NƯỚC TỔ CHỨC VÀ NHỮNG CÁI CHẾT TANG THƯƠNG   

Làm sao “vui để đợi chết”

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Hắn cứ hay suy nghĩ vẫn vơ. Tới tuổi “bát thập” rồi, hắn luôn tạ ơn Chúa vì hắn còn sống, còn đi đứng được, còn ăn uống được, lại được sống ở nước Mỹ đầy đủ tiện nghi và tự do nhất thế giới. Dầu vậy, hắn cũng hiểu rằng, tới tuổi 80, 81 rồi hắn sẽ ngã bịnh nặng bất cứ lúc nào?

+ Sẽ bị bịnh gì chưa biết; cao máu, tiểu đường, cao mở, stroke rồi bị liệt, mất trí nhớ (Alzheimer)… Nếu khi bị Stroke hay Alzheimer hắn sẽ không thể nói cho con cháu nghe được nữa, nên hắn muốn viết trước vài suy nghĩ, để lại cho con cháu.Hắn viết:Sinh Lão Bịnh Tử đó là con đường ta phải trải qua trong cuộc sống nhân sinh này. Ta được sinh ra không được hỏi ý kiến vì ta chỉ là đứa trẻ nít, chưa biết gì. Khi già lão thì biết, sức khỏe càng ngày càng suy yếu, hay mệt nhọc, không còn làm việc nhiều được nữa. Chạy xe gần thì được. Chạy xe đi xa hơn 30 phút là thắm mệt. Đọc sách cũng không còn tha thiết như xưa nữa.

Sáng thức dậy, cứ muốn ngủ thêm, dậy không nổi, không thấy khoẻ như trước của tuổi U70”.

1)Có một điều không dự đoán được là:

+Chắc chắn là sẽ bị bịnh gì đó rất nặng, sẽ nằm nhà thương hay nằm tại nhà bao lâu rồi mới ra đi. Rồi cũng phải chịu đựng tình trạng không tự lo cho mình được? Không tự đánh răng được, không mặc áo quần được, không tự ăn uống được, không thể đi lại được chỉ nằm chờ chết là bao lâu?

+Sẽ chết như thế nào? Chết ở nhà hay ở nhà thương?

+Khó khăn là ta phải đương đầu với bịnh tật. Khi bị bịnh nặng, ta sẽ buồn rầu chán nản, than thân, trách móc Chúa, gây gỗ với người chung quanh. Làm sao sống vui vẻ, không than thân, khóc lóc lúc bị bịnh nặng. Làm sao không gây sầu khổ, đau buồn, lo lắng cho con cháu, cho gia đình, cho người thân, bạn bè, bà con? Làm sao không gây lo lắng, khó khăn cho người chung quanh.Vô cùng khó.

Chỉ có thường suy nghĩ về sự bịnh hoạn, về sự đau đớn thể xác, sự đau khổ về tinh thần, sống dựa vào Chúa, nhờ ơn Chúa giúp sức, may ra mới chịu đựng được những đau đớn, khổ sở của bản thân mình?

2)Đối diện với đau khổ, phải có thái độ như thế nào?

+Để có thể chịu đựng được đau đớn thể xác và đau khổ về tinh thần? Làm sao chấp nhận những khó khăn, đau khổ đó ở đời này. Xem những đau khổ, khó khăn đó là món quà hy sinh, chịu đựng, dâng lên Chúa.

Ở Mỹ không có thiếu thốn về vật chất nhưng cũng không thoát khỏi sự đau khổ về tinh thần.

Ở Việt Nam nhiều người thiếu thốn về vật chất, gặp nhiều khó khăn, đau khổ. Còn những người giàu không thiếu thốn về vật chất, nhưng họ vẫn phải chịu đựng sự đau khổ về tinh thần, như con cái không chịu học hành, bỏ nhà đi bụi đời, chồng hoặc vợ ngoại tình, gia đình ly tán…

Bịnh tật và sự chết không chừa một ai. Đó là quy luật sinh lão bịnh tử.

+Trước những vấn đề đau khổ đó thái độ của chúng ta như thế nào mới là quan trọng?

Trong bài: “Đối Diện Với Đau Khổ” (trích Bài học Kinh Thánh Hằng ngày)

“Khi đối diện với đau khổ, con người có khuynh hướng than thân trách phận, trách cả Đức Chúa Trời, thậm chí có người còn chối bỏ đức tin. Nhưng ông Gióp trong mọi đau khổ xảy đến vẫn không phạm tội và không hề nói lời nào trách móc hay phạm thượng với Chúa. Khi nhận biết sự tể trị của Chúa trên cuộc đời mình, chúng ta có thể sấp mình thờ phượng, cầu nguyện, và ngợi tôn Chúa ngay cả trong cơn khủng hoảng nhất xảy đến cho mình. Bạn từng đối diện với những đau khổ nào? Bạn đã phản ứng ra sao? Gương của ông Gióp nhắc nhở bạn điều gì?

Lạy Chúa, khi cuộc đời con chan đầy nước mắt, con vẫn tin rằng Chúa ngự trên cao, tình yêu Ngài vẫn phủ trùm mặt đất, và quyền năng Ngài vẫn tỏa vượt trăng sao”

3)Tuyệt vời là ở sự chịu đựng đau đớn, đau khổ.

Sống lạc quan, vui vẻ, tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (Tx 5, 18). Tuyệt vời là ở sự chịu đựng đau đớn về thể xác, tuyệt vời là ở sự chịu đựng đau khổ về tinh thần. Không biết có làm được không?

Khi tâm hồn lạc quan, sống vui thì ngay lúc chết, sự vui vẻ lạc quan đó giúp cho linh hồn tràn ngập niềm vui để về với Chúa, hưởng phúc thiên đàng.

 Phùng Văn Phụng

04 tháng giêng năm 2023

Xem thêm:

+Bài Học Tịnh Tâm

+Vui Để Đợi Chết

Vài suy nghĩ trong mùa Giáng sinh 2022

Nhân mùa Giáng Sinh 2022 và sắp bước sang năm mới 2023, năm Quý Mão, xin gởi đến bà con, anh chị em, các con cháu mấy câu nói đáng lưu ý như sau và xem có giúp ích gì được cho mình để có lòng thanh thản, vui tươi, bình an, lạc quan yêu đời chứ không bi quan chán đời?

*Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em (Mt 5,44)

*Tức giận là lấy sự sai lầm của người khác mà trừng phạt chính mình.

*Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu. (1Gioan 4,8)

*Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. (Mt 4,4)

*Việc đời, sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp theo ngay là quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau. (Nguyễn Hiến Lê)

*Chính sự chết cũng là một bổn phận cuối cùng mà con làm cách sẵn sàng và đầy yêu mến (Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận).

*Thánh Therese of Lisieux có nói: “Sự chết là con đường thật đẹp dẫn đến thiên đàng.”

Phùng Văn Phụng sưu tầm.

Tạ Ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (1)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Người ta dễ dàng cám ơn khi thành công, khi nhận được lời nói yêu thương, khi nhận quà tặng với tâm tình yêu mến. Khi gặp sự thất bại, bị hành hạ, tủi nhục, đau đớn, bất hạnh… mở lời nói cám ơn Chúa vì những bất hạnh, đau khổ, bịnh tật nghèo nàn, cô đơn thật khó vô cùng. Nhưng giữa sự oán trách, hận đời, bực tức, đắng cay và nếu nhìn sự kiện đó với khía cạnh sâu xa hơn, chịu đựng sự khó khăn để thông phần đau khổ với Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập tự, lòng ta sẽ dịu lại và dễ chấp nhận khó khăn, đau khổ đó.

1)Tạ ơn Thiên Chúa vì bị tù đày.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 hầu hết những người có trình độ ở miền Nam đều bị đi tù cộng sản.

Những người ưu tú của miền Nam làm việc cho Việt Nam Cộng hoà đều đóng tiền đi tù vì nghe theo lời của Ủy Ban Quân Quản Sài gòn lúc bấy giờ ra thông báo học tập một tháng cho sĩ quan từ thiếu úy trở lên và các viên chức của chánh quyền Sài gòn từ Chánh sở trở lên.

Sự thơ ngây, lầm tưởng thông báo trên của cộng sản là sự thật, cho nên quân nhân, công chức miền Nam đều bị lừa gạt đi tù từ 5 năm đến 17 năm.

Tôi cũng chung số phận những người miền Nam thơ ngây đó. Tôi trình diện đi tù từ ngày 14 tháng 6 năm 1975 và được thả ra ngày 28 tháng 02 năm 1983. Còn thiếu 3 tháng 14 ngày nữa là đủ trọn vẹn 8 năm. Chịu đựng thiếu thốn, đói rét, lạnh lẽo ở các miền rừng núi âm u ở miền Bắc: Lào Cai, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh… Trong tù có nghe tin Tướng Nguyễn Hữu Có đang xây dựng trại ở Thanh Hóa, Nghệ An để các tù nhân cộng sản định cư và vợ con muốn đoàn tụ thì xin ra khu định cư đó để ở cùng các tù nhân.

***

Sau khi được thả về, tôi thường nghe lén đài VOA, BBC có nói đến chương trình ra đi trong trật tự cho những người cải tạo.

Cuối cùng có sự thoả thuận giữa Mỹ và Việt Nam. Những người ở tù trên ba năm được di cư sang Mỹ. Dưới ba năm thì không được.

Tôi tạ ơn Chúa vì tôi đã ở tù trên ba năm nên được qua Mỹ theo diện HO cùng với gia đình.

Từ ngày qua Mỹ cách nay 29 năm tôi được hưởng không khí tự do, không còn hồi hộp, lo âu, bị bắt bỏ tù lại bất cứ lúc nào. Không có ai khám nhà, hỏi thăm, theo dõi, rình mò.

Không đi tù không cảm nghiệm được tự do là quý.

Không đi tù không học được tính khiêm nhường, chịu nhẫn nhục trước cán bộ đáng em cháu mình.

Không đi tù, cuộc sống bình thường trôi chảy, đi dạy học và con đường hoạn lộ êm ả, thênh thang, không có bất cứ trở ngại nào để làm tôi suy nghĩ, có lẽ tôi không biết đến đạo Chúa, không biết Chúa Giê su là ai.

2)Tạ ơn Thiên Chúa vì bị bịnh nan y:

Khi bị bịnh nặng bịnh nan y chẳng hạn, thông thường con người phản ứng, tức giận trách Chúa sao người khác không bịnh mà Chúa để tôi bịnh. Cho nên tạ ơn Thiên Chúa khi bịnh nan y là một điều rất khó. Làm sao có thể tạ ơn được khi thân thể đau nhức, mệt mỏi, rã rời và biết mình sắp chết. Nhưng cũng có người nhân lúc bịnh hoạn, có thì giờ suy nghĩ, soát xét lại cuộc đời của mình, để ăn năn sám hối những lỗi lầm đã qua. Và trong bài: Lời tạ ơn lạ thường, một bà 84 tuổi đau đớn vì bịnh ung thư, đã dâng lời tạ ơn Chúa như sau:

 “Tôi rất cám ơn Chúa đã cho tôi một cơ hội để tỏ lòng biết ơn Ngài! Năm nay tôi 84 tuổi, đang bị bệnh ung thư và phải nằm cấm cung ở nhà. Tôi xin dâng những tật bệnh và những cơn đau này cho Chúa để cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, cho những người mẹ đã và đang dự định phá thai, và cho các thai nhi vô tội…! Tôi rất vui và hạnh phúc khi có được cơ hội để đền đáp lại hồng ân và tình yêu vô bờ bến mà Ngài đã dành cho tôi, một tạo vật nhỏ bé và bất xứng…!”(2)

3)Tạ ơn Thiên Chúa vì bị tật nguyền.

Rất khó tạ ơn Chúa vì bị tật nguyền. Thông thường tạ ơn Chúa vì ta được lành lặn, làm ăn giàu có, thành công. Chứ tật nguyền làm sao tạ ơn Chúa cho được.

Nhưng có nhiều trường hợp con người vẫn tạ ơn Chúa vì những bất hạnh, khiếm khuyết của cơ thể. Như trường hợp Nick Vujicic.(3)

Nick Vujicic đang nói chuyện tại một nhà thờ ở Ehringshausen, Đức (tháng 4 năm 2011)

Nicholas James “Nick” Vujicic sinh ngày 4 tháng 12 năm 1982, tại Brisbane, Úc, là một người truyền bá Phúc Âm và diễn giả truyền cảm hứng người Úc gốc Serbia, khi được sinh ra đã không có tứ chi mà chỉ có 1 bàn chân và 2 ngón chân nhỏ.

Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả bốn chi.

Cha mẹ của anh là Dushka (Душка) và Boris Vujicic (Борис Вујичић). Mặc dù là một đứa trẻ khỏe mạnh nhưng từ khi sinh ra Nick đã không có cả hai chi trên và dưới mà chỉ có hai bàn chân nhỏ (một trong số đó có hai ngón chân). Anh có hai anh chị em ruột là Michelle và Aaron.

Nick Vujicic có đến Việt Nam từ ngày 22 tháng 5 đến ngày 26 tháng 5 năm 2013.

Nick viết sách để truyền bá sự lạc quan, vui vẻ, niềm tin vào tương lai, niềm tin vào Chúa và niềm hy vọng.

Cuốn sách đầu tay của Nick – Life Without Limits: Inspiration for a Ridiculously Good Life (nhà xuất bản Random) – ra mắt công chúng năm 2010. Nick đưa ra thị trường DVD Life’s Greater Purpose – một bộ phim tài liệu được bấm máy vào năm 2005, có nội dung thuật lại cuộc sống gia đình và những hoạt động thường ngày của Nick. Phần thứ hai của DVD được quay tại hội thánh Tin Lành địa phương của anh ở Brisbane – một trong những bài nói chuyện về động lực cuộc sống đầu tiên của anh. Nick cũng giới thiệu đĩa DVD dành cho giới trẻ với nhan đề No Arms, No Legs, No Worries: Youth Version.

Nick vẫn làm việc bình thường giống như mọi người.

Anh đã tốt nghiệp đại học và trở thành một diễn thuyết gia nổi tiếng về chủ đề làm chủ cuộc sống. Anh truyền cảm hứng cho rất nhiều người nhất là giới trẻ.

Nick hiện đang định cư ở Los Angeles, California, Mỹ.  Ngày 12 tháng 2 năm 2012, anh kết hôn với Kanae Miyahara. Ngày 13 tháng 2 năm 2013, con trai họ là Kiyoshi James Vujicic chào đời, cân nặng khoảng 3,9 kg.

Nick đã xuất bản ba cuốn sách và hai DVD:

Sách: Life Without Limits, 2010 (Cuộc sống không giới hạn, dịch giả: Nguyễn Bích Lan)

Sách: Unstoppable (Không thể bị cản)

Sách: Limitless (Không giới hạn)

DVD: Life’s Greater Purpose (Mục đích lớn hơn của cuộc sống)

DVD: No Arms, No Legs, No Worries: Youth Version (Không tay, Không chân, Không lo lắng: Phiên bản Tuổi trẻ)

Nick là một tấm gương kiên nhẫn đáng học hỏi và bắt chước, nhất là giới trẻ có nhiều cơ hội, tương lai phía trước đầy triển vọng.

(1)Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5, 18).

(2) Lời Tạ Ơn Lạ Thường

(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nick_Vujicic

Tác giả: Phùng Văn Phụng

24 tháng 11 năm 2022

(ngày lễ Tạ ơn)

Tạ ơn Trời, cám ơn đời

Bài cũ thấy hay hay. Xin đăng lại

Tác giả: Phùng Văn Phụng 

Suy tư nhân ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) ở nước Mỹ  

Hôm qua, ngày 21 tháng 11 tôi gặp lại người bạn thân quen gần 20 năm, là giáo sư toán ở Vĩnh Long,(2) anh nhìn tôi chỉ cười, tôi hỏi anh có khoẻ không, anh cũng chỉ cười và không trả lời.Tôi thấy nụ cười rất hiền từ nhưng có cái gì đó bất ổn. Tôi hỏi vợ anh đang đi bên cạnh:

– Anh khoẻ không chị?

Chị vợ trả lời: Anh bị bịnh mất trí nhớ và bị bịnh rung tay. Tôi lớn hơn anh hai tuổi.

****

Tôi tạ ơn Trời, tạ ơn Thiên Chúa, đấng tối cao đầy quyền năng, đã cho tôi sống được tới tuổi này (75) tôi không có bịnh gì nhiều, sức khỏe tốt, mặc dầu tôi cũng từng bị bỏ đói triền miên gần 8 năm trong các trại tù của cộng sản từ năm 1975 đến 1983.

Cũng nhờ bị bỏ đói lâu ngày như thế để tôi cảm nghiệm được rằng thức ăn rất quý và nhờ đó mới có cảm nghiệm rằng, sau khi bị bỏ đói, không ăn cơm lâu ngày, khi gia đình gởi gạo ra, được ăn cơm với muối, cảm giác ngon kỳ lạ, tưởng chừng như ăn cơm với đường cát.

Tôi xin cám ơn ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã sinh ra tôi sống ở miền quê nghèo nàn làng Đông Thạnh, quận Cần giuộc, tỉnh Long An, để tôi biết thông cảm với bà con nông dân chất phác, cực nhọc làm ruộng hai mùa mưa nắng.

Tôi được may mắn sống trong hai chế độ tư bản tự do và chế độ độc tài cộng sản để tôi có thể so sánh chế độ nào đem lại bình an, ấm no, hạnh phúc thực sự cho người dân.

Tôi cũng được may mắn sống trong thời kỳ mà ít có ai dám nghĩ tới là nhìn thấy sự tan rã hàng loạt của các chế độ độc tài từ Ba Lan, Đông Đức, Hung, Tiệp Khắc, Roumanie, Albanie và tại cái nôi của chủ nghĩa cộng sản là Liên sô trong những năm 1990-1991.

Tôi cũng cám ơn Trời đã cho tôi sống trong các trại cải tạo gần 8 năm qua các trại Long Thành, Thủ Đức, trại trung ương số 1 Lào Cai, trại Vĩnh Phú K3 và K4, trại Hà Nam Ninh. Vì nếu bị giam giữ dưới ba năm thì không thể được đinh cư tại Hoa Kỳ.

Tôi cũng cám ơn Chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã giúp đỡ, cho gia đình tôi đến bến bờ tự do, trợ cấp chỗ ở và thức ăn trong 8 tháng để chúng tôi hội nhập vào đời sống ở Mỹ.

Suốt 25 năm sống ở Mỹ tôi chưa bao giờ bị một nhân viên cảnh sát nào vào nhà hỏi thăm. Chẳng bù những ngày tôi ra tù 1983-1993, từ công an thành phố, công an phường, công an khu vực, Ủy ban nhân dân phuờng tôi ở, thường xuyên theo dõi tôi làm gì, đi đâu, tiếp xúc với ai, tại sao nhiều sĩ quan chế độ cũ đến nhà như vậy?

Tôi cũng cám ơn bạn bè, bà con đã giúp đỡ tôi trong những ngày đầu tiên đến Houston. Giới thiệu chỗ làm, chỉ dẫn từng việc nhỏ như đỗ xăng, mua tem, làm giấy “social”, thi bằng lái xe, hướng dẫn mọi điều tôi chưa biết vì mọi việc đối với tôi đều xa lạ, bỡ ngở.

Cám ơn bà xã, các con đã nổ lực tối đa để ổn định cuộc sống nơi xa lạ là nước Mỹ này.

So với những ngày đầu tiên đến Mỹ cách nay 25 năm, phải đi xe bus trong mùa đông giá lạnh, phải học tập, làm việc cật lực, phải tiết kiệm tối đa để lo cho mọi sinh hoạt điện, nước, bảo hiểm xe… cùng để dành tiền lo cho, có một căn nhà để ở và môt chút tiền gởi về gia đình ở Việt Nam.

Cám ơn những bạn bè, cựu giáo sư, cựu học sinh trường Lương Văn Can đã chia xẻ tâm tình, an ủi nhau trong những lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Tôi xin cám ơn khách hàng đã tin tưởng ủng hộ tôi trong 24 năm qua, và cũng cám ơn những người vì nghi ngờ hay hiểu lầm đã nặng nhẹ, gây gỗ, chửi bới tôi, nhưng cũng nhờ đó tôi học được tính kiên nhẫn, lòng khoan dung, có giận hờn đó nhưng rồi quên và tha thứ vì cần học “yêu kẻ thù”(1) như Chúa dạy.

Tôi cố quên thời gian cộng sản đã đày tôi đi biệt xứ, nhốt tôi trong những vùng rừng thiêng, nước độc, bỏ đói tôi, tôi đi ra đồng để cuốc đất, trồng khoai lang, khoai mì không muốn nỗi, bị cảm hoài, tưởng chết vì kiệt sức.

Tôi cũng tập quên, tập tha thứ khi bị chửi bới, nặng nhẹ. Tôi đã có kinh nghiệm, thông thường những người chửi bới nặng nhẹ tôi đều có tâm hồn bất ổn, bất an. Hay có những lý do riêng vì gia đình bất hoà, vì tức giận vợ (chồng) hay đang bị bịnh nan y hay bị bất ổn tâm lý do bị ngược đãi, mang từ trong trại cải tạo cộng sản vẫn còn ám ảnh, ảnh hưởng đến tâm hồn họ. Do đó, tôi là đối tượng để họ có cơ hội trút nổi giận hờn, đau đớn lâu ngày trong tâm hồn họ. Đó là một rủi ro nghề nghiệp hay đó cũng là thử thách mà Thiên Chúa đưa đến để mình học tập tính kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương?

Nhân ngày lễ Tạ Ơn, xin cám ơn tất cả.

Ngày 22 tháng 11 năm 2018

Tác giả: Phùng Văn Phụng 

  • Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em (Mt5,44)

Vài suy nghĩ về tuổi 80

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Thứ bảy ngày 05 tháng 11 năm 2022 tôi đi dự thánh lễ tạ ơn, mừng thọ 80 tuổi của thầy Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch ở nhà thờ Prince of Peace Catholic Church – để Tạ Ơn Chúa về Ân Sủng của Sự Sống.

Tôi cũng được lên gần cung thánh để Cha chủ tế và cộng đoàn dân Chúa đưa tay cầu nguyện, chúc mừng vì thọ được 80 tuổi, trong số những người này có Phó tế Huỳnh Mai Trác, Phó tế Đỗ Nguyên Chương, Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch, Ông Nguyễn Đức Cung, Bà Nguyễn Thị Bích Lê- Ông Trần Tấn Định

Trong quyển sách nhỏ  gởi đến các thân nhân, bà con, thân hữu để dùng trong nhà thờ, tôi đã nhận được hai câu sau đây – tôi rất cảm kích và xin được ghi nhận và chia sẻ:

-1)Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Con ca ngợi Chúa đã dựng con nên cách lạ lùng, Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi” Tv 139:13-14

– 2) “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì chỉ một số người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Vượt Qua một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội”.

(Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II)

***

Theo giáo sư Đào Duy Anh trong tác phẩm Hán Việt Từ điển thì: 60 tuổi gọi là Hạ thọ, 70 tuổi gọi là Trung thọ, 80 tuổi gọi là Thượng thọ.

Tuổi Thượng Thọ – 80 tuổi rất hiếm.

Vì tuổi thọ trung bình (cả hai giới tính) ở Việt Nam là 75,6 tuổi. (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/)

Trong khi tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi). Tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,5 tuổi. Tuổi thọ trung bình của nữ giới là 79,7 tuổi. (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/)

Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0h ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người,

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người, tỉ lệ khoảng 2% dân số.

Ở Mỹ có 6 triệu 500 ngàn người trên 80 tuổi, dân số Mỹ là 332 triệu 400 ngàn người, tỷ lệ gần ~2% dân số.

Cho nên dầu ở Mỹ hay ở Việt Nam tỉ lệ người sống trên 80 tuổi rất hiếm và họ là tấm gương sống và là kho tàng kinh nghiệm sống cho con cháu.

***

+Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3:1)

Ân huệ được sống tới tuổi già vì sống tới tuổi 80 rất hiếm. Đầu tháng 11 này được tin, Nguyễn H. N. , một người bạn học chung lớp B1 trường trung học Cần Giuộc, niên khóa 1955-1959, đã ra đi, anh nhỏ hơn tôi một tuổi.

“Tuổi già là một ân huệ” vì rồi đây còn phải chịu đựng những sự đau đớn, mệt mỏi trong bịnh hoạn trước khi lìa đời. Làm sao “vui để đợi chết”? Khó khăn lắm chứ không phải dễ dàng gì đâu. Nhưng niềm tin phục sinh cho ta niềm hy vọng, an ủi để chịu đựng đau khổ ở đời này để hưởng vĩnh phúc ở đời sau, một “sinh nhật mới” trong nước trời vĩnh cửu.

***

Người Việt Nam cũng thường có tổ chức mừng lễ thượng thọ cho cha mẹ. Trong lễ thượng thọ, cha mẹ trong y phục trang trọng, thường là y phục khăn đống, (trang phục có màu đồng nhất, màu đỏ hoặc màu vàng) ngồi trước bàn thờ hay nơi sang trọng nhất trong căn nhà như gian chính con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu (thọ), rồi lễ bái cha mẹ, sau đó mời các cụ dự tiệc mừng . Đôi khi họ mời bà con xa gần đến chung vui và chúc mừng các cụ.

Hình lượm trên net, tượng trưng trong lễ thượng thọ

Bìa tập sách nhỏ dùng cho thánh lễ

Xem thêm:

1)VẤN ĐỀ VỀ NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2)Lễ mừng thượng thọ   

Tác giả: Phùng Văn Phụng

tháng 11 năm 2022

Đọc “Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi” của Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska (1905-1938)

Đọc “Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi” của Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska (1905-1938)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Sách xuất bản năm 2004 – Hiệu sách Regina

Chuyển ngữ: Matthias M.Ngọc Đính, CMC

Sách dày 666 trang

 Quá nhiều sự kiện ghi trong sách này, đọc rất lôi cuốn, tôi chỉ rút ra vài câu tôi cho là hay, rất ý nghĩa, cần thiết đối với riêng tôi, để suy gẫm và tập áp dụng trong đời sống thường nhật, nhất là tập sống trong cuối đời của tôi để đón nhận bịnh hoạn, đau khổ và cái chết.

– Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Việc đau khổ triền miên của con sẽ đem lại cho họ ánh sáng và sức mạnh để chấp nhận thánh ý Chúa” (câu 67).

-Lời Chúa hứa: “Linh hồn nào đọc chuổi kinh này sẽ được lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống và nhất là trong giờ chết” (câu 754).

-Phúc cho linh hồn nào khi còn sống biết dìm mình trong suối mạch xót thương, bởi vì phép công thẳng sẽ không đụng đến họ (câu 1075).

-Đau khổ chính là nhiệt kế để đo lường mức độ tình yêu Thiên Chúa của linh hồn (câu 774).

-Đâu có con đường nào khác dẫn lên trời ngoài con đường thánh giá và

– Linh hồn đau khổ là linh hồn gần gũi với trái tim Cha nhất (câu 1487).

-Thánh nữ viết: “Thật là một cơn đau kinh hoàng đến độ tôi không sao động đậy được một chút; thậm chí đến nuốt nước bọt cũng không nổi. Việc này kéo dài chừng ba tiếng. Tôi phó thác trọn vẹn cho thánh ý Chúa và nghĩ rằng ngày chết, ngày mong ước của tôi đã đến. Đó là dịp cho tôi kết hợp với Chúa Giê su chịu đau khổ trên thập giá” (câu 696).

-Ai tín thác vào Lòng Thương Xót của Cha sẽ không bị hư mất.

-Trong đau khổ tôi phải tìm sự khuây khoả trong cầu nguyện (câu 792)

– Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina Kowalska: “Cha mong muốn con hãy luôn bày tỏ lòng thương xót ra khắp mọi nơi. Con không thể tự biện minh gì về điều này!” Phương thế tốt nhất để chứng tỏ chúng ta tin cậy vào Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu là biết tỏ bày lòng thương xót và luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cùng nhau thực hiện như vậy không?

-Chúa đã ủy thác cho chị nữ tu hèn mọn nhưng mạnh mẽ, khiêm nhu và tín thác cao độ của Người một sứ mạng đặc biệt:

“Hiện nay Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha (NK 1588).

Bấy giờ, tôi (thánh nữ) liền thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con chấp nhận mọi sự Chúa muốn gửi đến cho con; con tín thác vào lòng nhân lành của Chúa.” Lúc đó, tôi

(thánh nữ) cảm thấy mình đã tôn vinh Thiên Chúa rất nhiều nhờ hành vi này. Nhưng tôi cũng trang bị cho mình lòng nhẫn nại. Ngay khi vừa rời nhà nguyện, tôi đã phải đối đầu với thực tế” (NK 190).

Toàn bộ chương trình của Chúa tập trung quanh những đau khổ. Chúa Giêsu truyền cho thánh nữ Faustina không những hãy đón nhận, mà còn phải tìm kiếm đau khổ như nhiên liệu cần thiết để được biến đổi nên vàng ròng trước Thánh Nhan Thiên Chúa.

Nữ tu Faustina đã viết trong quyển nhật ký của mình:

Tôi đau đớn rất nhiều khi thấy đau khổ của người khác. Tất cả những đau khổ ấy đều vọng lại trong tâm hồn tôi. Tôi mang những khổ ải của họ trong trái tim đến nỗi khiến thể xác của tôi tiều tụy. Tôi muốn tất cả những đớn đau ấy trút xuống mình tôi để xoa dịu cho người chung quanh’ (NK 1309).

***

Vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho Nữ Tu Faustina, Đức Thánh Cha đã tuyên bố trong bài giảng của ngài:

‘Hãy cảm tạ Thiên Chúa, vì Người nhân lành, vì ơn Người miên man vạn đại (Tv 118:1).

Thánh nữ Maria Faustina Kowalska đã về trời vào ngày 05 tháng 10 năm 1938 vừa tròn 33 tuổi, vì bị bịnh lao phổi.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Xem thêm:

httpv://www.youtube.com/watch?v=300Ih5mEqKw&t=57s 

 1)Thánh Maria Faustina Kowalska

2)Hạnh các Thánh]: 05-10 Thánh Maria Faustina Kowalska

https://dongten.net/2019/10/04/hanh-cac-thanh-05-10-thanh-maria-faustina-kowalska/

3)Tiểu Sử Thánh Nữ Faustina Kowalska (1905- 1938)

https://giesu.net/tieu-su-thanh-nu-faustina-kowalska/

Đến cuối cuộc đời còn gì để tiếc?

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Đến cuối cuộc đời, khi tuổi tác đã xế chiều, hay nói như nhà văn Huy Phương đến “Ga cuối đường tàu” rồi, ngẫm nghĩ, soát xét lại đời mình, có mấy điều ghi nhận như sau:

Những khó khăn nào rồi cũng qua đi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau đau khổ là có niềm vui. Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai. Chuyện thánh Job trong kinh thánh, chuyện tái ông mất ngựa hay luật bù trừ an ủi chúng ta rất nhiều.

Xưa nay, người ta thường nói “thất thập cổ lai hy”, sống được đến 70 tuổi khó lắm. Nay nhờ ơn Trời, được 80 tuổi, thì quý lắm rồi. Tạ ơn Trời. Cám ơn đời. Sống thêm ngày nào đều phải được xem là ân phúc, là “bonus” của Trời ban cho mà thôi.

Thi sĩ Nguyễn Du, tác giả truyện Kiều, đã từng nói:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” còn tôi là người tầm thường, vô danh tiểu tốt, thì sao?

*1)Suy tư cuộc đời theo vận nước nổi trôi

Nhìn lại quãng đời đã qua từ lúc còn nhỏ, sinh ra ở làng Đông Thạnh, quận Cần Giuộc, nghèo nàn, đường sá trơn trợt mỗi khi trời mưa, có bao giờ dám nghĩ về một tương lai phải sống xa nơi chôn nhau cắt rún đến nửa vòng trái đất.

Nổ lực học tập, hết sức khó khăn, để qua được các kỳ thi ở trung học, ở trường Đại học, rồi hoạt động chính trị, đi tù cộng sản rồi ra tù, không được dạy học nữa, phải làm đủ các nghề linh tinh để sống. Qua Mỹ lại bắt đầu từ số không, lại làm việc cật lực-nghề không ưa thích- để sống và về hưu.  

Tôi vẫn thích câu nói như sau: “Giá trị của bạn chính là việc bạn đã làm được gì, đóng góp gì, chứ không phải vỏ bọc hình thức bạn tốt nghiệp trường nào, có bao nhiêu bằng cấp.”

*Gia đình: Tất cả kho tàng trên trái đất không thể nào so sánh nổi với hạnh phúc gia đình. (Calderon)

Tôi cám ơn gia đình tôi vì đến ngày hôm nay- tháng 07 năm 2022- đã sống với bà xã tôi, vài tháng nữa, được 55 năm.  Sóng gió, gây gỗ, giận hờn, lục đục không biết bao nhiêu mà kể. Trong thời gian dài gần 8 năm tôi bị tù cộng sản, bà xã tôi một mình vừa đi dạy, vừa lo cái ăn, cái mặc cho bốn đứa con từ 8 tháng tuổi cho đến 7 tuổi. Khi đứa con gái út đi nằm nhà thương vì bịnh phổi có nước, cần săn sóc, mới là vấn đề nan giải. Làm sao sắp xếp thì giờ vừa đi dạy, vừa lo cho cháu nằm ở nhà thương, vừa lo cho các cháu còn lại ăn uống, tắm rửa, cơm nước, học hành?

Khi tôi bị đày ra Bắc, bà xã tôi phải vất vả thăm nuôi, mang đồ ăn từ trong Nam ra, lặn lội, gồng gánh, đem đến trại giam, ở trong thung lũng của rừng núi tỉnh Vĩnh Phú, gặp chồng được 15 phút rồi về. Tù chết quá nhiều nên trại mới cho thăm nuôi để gia đình của tù nuôi tù.

Cám ơn cha mẹ để gia đình vợ con cùng sống trong nhà, lúc tôi đi tù ở nơi rừng thiêng nước độc từ 1975 đến 1983. Để rồi sau khi tôi ra tù, qua thời gian dài 10 năm từ 1983-1993, gia đình tôi cũng nương tựa vào nhà ở của cha mẹ tôi mà làm ăn sinh sống.

* Sự nghiệp:

Thiên Chúa ban cho sức khỏe, khả năng, trí tuệ, sự hiểu biết; ta cần phải đem hết khả năng Thiên Chúa ban cho để kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình và đóng góp cho xã hội càng ngày càng tốt đẹp hơn. Làm việc đàng hoàng, kiếm tiền lo cho gia đình, cũng là đóng góp cho xã hội rồi.

*2)Đến cuối cuộc đời còn gì để tiếc?

Ôn lại cuộc đời đã qua tôi thấy gì?

Đau thương, đau khổ, vui mừng, đói khát, no đủ, đắng cay, ngọt bùi trong cuộc đời tôi nếm đủ cả.

Tù đày: gần 8 năm trong các trại cải tạo miền Bắc, chịu nhục nhã, lạnh lẽo, đói khổ ở các vùng rừng núi âm u, sơn lam chướng khí, hy vọng sống còn để trở về gia đình rất mong manh. Địa danh Mai Côi, Thác Guồng ở K4 Vĩnh Phú là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với tôi cho đến ngày hôm nay.

Con chết: Con trai mới 48 tuổi, tuổi đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong công ăn việc làm, lương bổng bắt đầu khá lên … Nhưng bất ngờ, đã ra đi, mọi sự đều bỏ dỡ hết. Để lại hai cháu nội ông bà phải để ý, lo toan.

Bôn ba làm việc kiếm tiền, đem hết trí khôn, sức lực để tạo một ngôi nhà để trú ngụ, một số tiền để dành khi hữu sự như bịnh hoạn hay rủi ro khác, rồi đến lúc nào đó, với tuổi già, không còn sức khỏe nữa… cuộc đời sẽ ra sao?

*Rồi 5, 10 năm nữa sau khi ta lìa đời, kẻ thương người ghét mình, chắc cũng chẳng ai còn nhớ đến mình đâu?

Con cái, cháu chắt, có thân phận của chúng nó, mình chỉ có thể làm việc hết khả năng của mình mà thôi. Thiên Chúa sẽ tiếp tục nâng đỡ, lo lắng cho các con cháu.

Tôi luôn tự nhủ rằng hãy cố gắng sống với tinh thần lạc quan, tích cực, vui tươi.

Tôi cố quên đi – nhưng vẫn nhớ – những đau khổ, khó khăn mà mình đã chịu đựng thí dụ gần 8 năm tù bị bỏ đói, sống lê lết trong các trại tù Long Thành, Thủ Đức, Lào Cai, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh… vừa đói, vừa lạnh, đi không muốn nổi vì bị suy dinh dưỡng…

*Con người có trí óc, khả năng để làm việc, để sống; nhưng con người còn có trái tim biết yêu thương, để biết phải quấy ở đời. Còn nợ ân nghĩa, ân tình làm sao mà trả được?

*Đã qua rồi những đau thương, khó khăn, khổ sở về vật chất và về tinh thần, gian nan, thử thách rất nhiều trong suốt thời gian đã qua. Vì vậy:

Tạ ơn trời – hôm nay tôi còn sống
Mắt còn nhìn, còn đọc được Emails
Đời còn vui, đâu đến nỗi cô liêu.
 ……

* – Cám ơn tất cả các bạn đã cho tôi biết bao kỷ niệm vui buồn, những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được.

*. – Xin cám ơn tất cả … những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi từng biết mà chưa quen.
* – Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này thật vô cùng ý nghĩa

*Tôi vẫn thường xuyên tập luyện, suy nghĩ vui tươi, lạc quan mỗi ngày, nghe những lời nói vui vẻ, nói những lời nói tích cực, tránh nghe lời nói chê bai, chỉ trích, công kích người khác. Để chi vậy? Để tâm hồn được thanh thoát, vui tươi, hạnh phúc từng ngày. Khó lắm. Nhưng, tạ ơn Chúa. Nhờ Chúa giúp sức mỗi ngày. Để giữ gìn cho tâm bình an, giúp ngủ được, nhờ đó giữ gìn được sức khỏe, giảm sự suy sụp, mệt mỏi.

Sống lâu, có sức khỏe thì tốt. Nếu sống lâu mà nằm một chỗ, không nói năng gì được, cuộc sống thực vật, không còn biết gì nữa, không tự sinh hoạt hay tự ăn uống được, sống bằng “máy thở, ống thức ăn”, nếu con cháu thấy bịnh không thể phục hồi được, không nên duy trì sự sống mà làm gì?

*Vì vậy nên cứ để cho người thân ra đi từ từ, vì sự chết là qui luật tất yếu của trời đất. Đâu có ai thoát được chuyện sinh tử đâu.

Hằng ngày, mỗi buổi sáng, khi vừa thức dậy cần nói “Tạ ơn Chúa vì tôi còn sống”, sẽ làm cho tâm hồn ta vui vẻ, bình an. “Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy, Cho con còn ngày nữa để yêu thương”.

*Mỗi ngày còn sống là một niềm vui

Tôi đã lo trước phần hậu sự. Con cái không phải lo lắng về chi phí cho đám tang. Khi chết, ở mộ bia nên ghi câu sau đây: “Chính lúc chết đi là khi sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi)

Mỗi tuần, chúng ta mất một giờ đi nhà thờ ca ngợi, chúc tụng Chúa, rồi khi chết, linh hồn được sống đời đời, được hưởng đời sống vĩnh cửu, thật tuyệt vời và đời sống chúng ta có ý nghĩa biết bao.

Khi còn sống, sinh hoạt cộng đồng hay ở nhà thờ, “sống cùng, sống với” bà con, bạn bè, người thân vẫn thú vị hơn. Kết thân, có thêm nhiều người bạn ở nhà thờ vẫn tốt hơn là kết thân với những người bạn ở Casino hay là kết thân với các bạn nhậu. Có phải như vậy không?

*Mặc dầu nước Việt Nam đã thống nhất sau 47 năm (gần nửa thế kỷ)

Lòng người vẫn ly tán, chưa có hòa hợp, hòa giải thực sự, vẫn phân biệt đối xử, vẫn chưa có tự do nghiệp đoàn, tự do bầu cử, tự do ngôn luận, chưa có đa đảng, đối lập chính trị; những quyền căn bản này đã được thực thi trước đây ở miền Nam Việt nam, cách nay 55 năm, dưới thời đệ nhị cộng hoà, với hiến pháp 01-04-1967.

             -Nơi nào có tình thương yêu, thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu. (Loilla Cather)

              -Yêu thương là cái gì đó vĩnh cửu. (Vincenl Van Gohg)         

Cùng đích của cuộc đời chúng ta là gì?

 Dân gian ta có câu “sống gởi, thác về”. Sự sống chỉ là tạm bợ. Chết mới là trở về. Trở về đâu? Trở về với cội nguồn, trở về với Thượng Đế, Đức Chúa Trời, đấng đã tạo dựng ra mình, rồi chúng ta sẽ gặp nhau ở nước Thiên đàng, gặp lại tất cả những người thân yêu, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân nhân, bạn hữu của chúng ta, những người mà ta đã gặp gỡ ở trên trần thế này, đã ra đi trước chúng ta.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

11 tháng 07 năm 2022

Kỷ niệm ngày sinh thứ 80

 Mời xem thêm:

*BỨC THƯ CUỐI CÙNG CỦA MARIA THẢO LINH gửi cho các soeur…

*Sống như thể mình không bao giờ chếtLm Anmai, CSsR

*Tuổi Xế Chiều…!

Sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc đời.

Phùng Văn Phụng

 Ngày hôm qua đã qua. Ngày mai chưa tới. Không nên tiếc nuối những ngày đã qua, không thể thay đổi được gì. Ngày mai nào ai biết được sẽ ra sao?

Đến tuổi này rồi, vài tháng nữa đến tuổi 80, sức khỏe dĩ nhiên không còn được như xưa nữa nhưng bù lại được sự bình tĩnh, trầm tĩnh, không còn hơn thua gì nữa, bớt giận hờn, không còn giận hờn lâu dài vì “đời người thì ngắn lắm”. Nếu ngày hôm nay mình chết, mình có còn giận hờn ai nữa không?

*Đến tuổi này rồi mới biết

Sự kiện xảy ra chỉ là một phần rất nhỏ, còn thái độ của chúng ta đối với sự kiện đó mới là quan trọng. 9 phần 10 hậu quả xấu hay tốt là do chúng ta phản ứng ra sao?

Trước những khó khăn, trở ngại trên đường đời, sự kiên nhẫn vô cùng quan trọng. Đức khiêm nhường sẽ giúp đời sống vui hơn, giúp vượt qua những khó khăn, bớt va chạm với người xung quanh.

Con người sống cần có một tấm lòng và lời nói không chưa đủ, còn phải thực hiện lời nói, tấm lòng tốt nữa.

 Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ nâng đỡ để có một gia đình bình an, vui tươi. Không có gia đình nào sống không có cãi vã với nhau nhưng biết làm hoà, tha thứ nhau mới là quan trọng.

*Sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng trong cuộc đời.

Tranh đua, bươn chải, hơn thua, kiếm tiền cho thật nhiều, dùng hết khả năng, sức lực nhiều khi quá sức rồi cuối cùng cũng già và chết.

Trong trại cải tạo, đâu ai biết ngày nào, chừng nào được thả ra, được về với gia đình. Không biết mình chịu “mấy cây gậy”. Một cây gậy là ba năm. Tù không án. Sẽ ở tù 5 năm, 10 năm, 20 năm hay chung thân, đâu có biết? Ngày mai ra sao đâu có biết.

Những năm cuối cùng của cuộc đời còn lại điều gì?

Con cháu đoàn tụ, sum họp, yêu thương tìm dịp để gặp nhau, để hỏi thăm nhau, tay bắt, mặt mừng, vậy là quý lắm, hạnh phúc lắm rồi.

Đó là chuyện của gia đình.

*Còn chuyện xã hội thì sao?

Giai thoại thời vua chúa.

+Có một giai thoại, người cận vệ của nhà vua khi đến một quán ăn, nhiều người ngồi trong quán chỉ trích nhà vua, chê bai nhà vua về rất nhiều việc làm của nhà vua. Khi về triều đình người cận vệ này xin nhà vua ra lịnh bắt họ.

Nhà vua nói: “Ta rất cám ơn họ chỉ trích ta. Ngươi không cần bắt bớ họ. Ngươi nghe họ nói về ta như thế nào, về đây trình bày với ta. Nếu họ chỉ trích đúng thì ta sửa chữa, nếu học chỉ trích sai cũng là bài học cho ta. Nếu bắt bớ họ còn ai dám chỉ trích ta để ta thấy sự sai lầm mà sửa chữa.”

+Giai thoại hai:

Thời Việt Nam Công Hoà trước năm 1975 nhiều đảng phái sinh hoạt. Có một lãnh tụ đảng phái nọ kia cứ công kích, chỉ trích lảnh tụ đảng phái kia. Rồi khi vị này mất, người bị công kích có đến đám tang, khóc lớn tiếng, “Anh mất rồi còn ai chỉ trích tôi nữa, để tôi biết những sai lầm của tôi đây?”

Đa thọ, đa nhục

Trong trại cải tạo, K3 Vĩnh Phú, của cộng sản miền Bắc khoảng năm 1979-1980, khi tách vỏ đậu phọng để lấy hột. Vì đói quá anh em tù vừa làm vừa lén bỏ ăn hột đậu phọng. Khi bị “cán bộ” thấy đã chửi thậm tệ, mấy anh là sĩ quan, từng chỉ huy, các anh có bằng đại học, sao không tự trọng còn “ăn cắp” đậu phọng của trại.

Một giáo sư trung học là nghị viên Hội đồng tỉnh, khi đói quá, một người vất xương gà? xuống đất, anh nhanh nhẹn chụp ngay? Thấy nửa điếu thuốc thừa của ai đó vứt bỏ dưới đất, cũng vội vàng lượm liền, sợ người khác lượm mất.

Người ta nói nhịn nhục, khi nhịn là phải chịu nhục mà thôi.

*Đời người thật quá ngắn ngủi.

Chuyến xe đời cứ lặng lẽ trôi đi. Bạn bè tuổi nhỏ hơn, nhiều khi lại xuống ga tàu trước, nhưng rồi trên hành trình chuyến xe đời, cứ bình thường, lặng lẽ di chuyển, mình không xuống bến này thì bến sau mình lại xuống. Ga cuối đường tàu rồi (1), chắc chắn là mình sẽ xuống thôi.

Tuổi tám mươi còn tính toán gì nữa, còn mong muốn gì nữa?

Hãy vui vẻ lên, ung dung tự tại, không oán hận, không lo âu, không buồn chán, không nản lòng.

Trong nhà thờ Ngôi Lời Nhập Thể, tuần nào cũng có một hai người ra đi.

Ngày xưa tuổi 30, 40 có bao giờ nghĩ đến cái chết đâu, sao bây giờ bạn bè, người thân cứ tiếp tục ra đi, nhất là trong mùa bịnh dịch covid này.

Hôm nay, thứ bảy 23 tháng 04 năm 2022 lúc 5 P.M

Trên thế giới có 509,038,133 người bịnh Covid 19

Số người chết là: 6,241, 619 người

Riêng ở Hoa Kỳ:

Só người bịnh: 82,640,993 người

Số người chết: 1,018,196 người  

 *Chiến tranh xảy ra ở Ukraina đã gây đau thương tang tóc, người dân bị thương tật, chết quá nhiều. Cũng do kiêu ngạo của Putin mà ra.

Hai nước đang yên bình sống hoà thuận với nhau cùng nhau phát triển đời sống của hai dân tộc Nga và Ukraina bình an hạnh phúc biết bao nhiêu.

Cũng vì tham vọng của cá nhân Putin gây nên chiến tranh đau khổ tang thương khoảng 10 triệu người đã rời Ukraina lánh nạn.

Bí quyết hạnh phúc mỗi ngày:

Theo một nghiên cứu khoa học, những người sống có niềm tin thường hạnh phúc, ít bệnh tật và sống lâu hơn. Đây là 9 điều mà những người tin Chúa Trời thường thực hành để có cuộc sống sung mãn:

  1. Hãy ban phát điều gì cho một người nào đó (mà bạn không có mối quan hệ ràng buộc).
  2. Làm ơn cho ai đó (và quên nó đi).
  3. Dành ra một vài phút với người cao tuổi (kinh nghiệm của họ là một hướng dẫn tốt).
  4. Cười thường xuyên (là chất làm trơn cuộc sống).
  5. Tạ ơn Chúa Trời (ngàn lần một ngày chưa đủ, là Đấng ban cho bạn sự sống).
  6. Cầu nguyện (để Chúa hướng dẫn bạn làm điều đúng).
  7. Làm việc (với cả tiềm năng và sức sống).
  8. Lên kế hoạch như thể bạn sẽ sống mãi mãi (vì linh hồn bạn sẽ sống đời đời với Chúa trên Thiên Đàng).
  9. Sống như thể bạn sẽ chết vào ngày mai (vì cơ thể vật lý của bạn sẽ chết vào một ngày nào đó bạn không biết).                                                        (1)Tên một quyển sách của nhà văn Huy Phương

 Phùng Văn Phụng

Ngày 23 tháng 04/2022

Nguyễn Hồng Ân – Nếu chỉ còn một ngày để sống

PBN 95 Opening | Nếu Chỉ Còn Một Ngày Để Sống

Đọc sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của LM Nguyễn Văn Tuyên DCCT

Đọc sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của LM Nguyễn Văn Tuyên DCCT (1)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

  • Sự Đau khổ.

Vì đọc cuốn sách “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” thấy có nhiều điều đáng suy gẫm và học hỏi nên tôi xin ghi lại vài suy tư về đề tài này mặc dầu trước đây tôi cũng đã có viết bài: “Đời là bể khổ: Thái độ của chúng ta trước đau khổ. (2)

*Chúng ta khổ vì bị thương tật, mất tay, mất chân, tàn tật… hay chết chóc do tai nạn xe cộ, tàu thuyền, máy bay hay do chiến tranh như ở Việt Nam trước năm 1975, ở Ukraine hiện nay (2022). Chúng ta khổ vì nhà cửa bị bom đạn tàn phá, gia đình ly tán, chạy tị nạn khắp nơi, đói khát, đau bịnh… bị khủng hoảng tâm lý, hoảng loạn tinh thần … Một phần tư người Ukraine phải bỏ xứ đi tị nạn ra nước ngoài, tình trạng cũng giống như người Việt chúng ta bỏ nước ra đi sau tháng 04 năm 1975 và tiếp tục tị nạn như vậy, vượt biên bằng thuyền, máy bay, đi bộ…  nhiều năm sau đó…

*Chúng ta khổ tâm vì những sự đau lòng, buồn phiền… sự bất như ý như ly dị, ly thân, con cái bỏ nhà ra đi, tù tội vì bài bạc, say rượu, hút xách, sì ke ma túy, con cái không chịu học hành, chỉ ăn chơi lêu lổng… Khổ vì vợ chồng con cái bất đồng quan điểm, gây gỗ, xung đột … tính tình quá khác biệt, quan liêu, bảo thủ, gia trưởng… Khổ vì nợ nần chồng chất không thể trả nỗi…

2)Nhìn đau khổ với đời sống đức tin kitô giáo.  

Với đức tin của người Kitô giáo, gặp sự đau khổ là để chúng ta thông phần với Chúa Giêsu Kitô chịu khổ nạn trên thập giá. Người ta thường nói, sau cơn mưa trời lại sáng, hết mưa trời sẽ nắng, hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai. Cho nên người bình dân vẫn tin tưởng ở tương lai dầu đang gặp đau khổ.

Còn đối với người Kitô hữu: Trong sách “Ý nghĩa sự đau khổ” tác giả có viết:

Sự khó chỉ là con đường đưa đến thánh thiện (trang 107)

Lạy Chúa, con sung sướng vì được chịu đau khổ cho được lòng Chúa. (trang 110)

Không gì đẹp lòng Chúa, không gì ích lợi cho chúng ta ở đời này bằng vui lòng chịu đau khổ vì Chúa Giêsu Kitô. (trang 146)

Không qua núi sọ không thể tới núi Cây Dầu là chỗ Chúa đã lên trời…” (trang 147)

Cố gắng nên giống Chúa: Yêu đau khổ, nhẫn nại chịu đau khổ và vui mừng chịu đau khổ (trang 131)

3)Vài trường hợp đau khổ tiêu biểu để học hỏi

*Chuyện Thánh Gióp bị mất hết tài sản, con cái chết hết mà không có một lời oán trách Thiên Chúa. Thánh Gióp vẫn một lòng ca ngợi, tôn vinh, chúc tụng Chúa. (trang 162 và Cựu Ước)

*Chuyện thánh nữ Lidvi (trang 165)

Năm 15 tuổi, cô bị sảy chân ngã trên nước đông, gãy một xương sườn, phải nằm liệt ba mươi tám năm, nghĩa là nằm liệt cho đến chết.

Để được an ủi, bà chỉ còn biết ngày đêm ngắm sự thương khó Chúa.

*Chuyện thánh An phong sô (trang 166-168)

Thánh An phong sô bị chứng đau đầu khiến Người có lúc như bị hấp hối. Suốt mười bảy năm trường chứng bịnh tê thấp của Người khiến Người biến hình, đầu Người gập quặp xuống ngực…

Nhưng Thánh nhân luôn luôn vui vẻ tuân theo Thánh Ý Chúa. Không ai thấy Người tỏ dấu buồn phiền hay thốt ra lời ta thán… Người nói: “… Lạy Chúa con cám ơn Chúa vì đã thương gởi đến sự đau đớn cho con… Chúa không ném con xuống hỏa ngục đã là may cho con lắm rồi… Con sẵn sàng chịu hết mọi sự đau đớn… Chúa muốn định về con thế nào tùy Thánh Ý Chúa…” (trang 168)

4)Nhờ đau khổ mới đi đến vinh quang, hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu.

Sách “Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo” đã giải thích Thiên đàng như sau:

Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa vì họ thấy Ngài “đúng như Ngài là”, “mặt giáp mặt” (Câu 1023)

Thiên đàng là cùng đích tối hậu và là sự thực hiện những khát vọng sâu xa nhất của con người đó là tình trạng hạnh phúc cao nhất và vĩnh viễn. (Câu 1024)

Mắt chưa từng xem thấy, tai chưa từng nghe thấy, lòng trí con người chưa từng nghĩ tới, đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai yêu mến Ngài (Câu 1027)

Theo tác giả, Lm Nguyễn Văn Tuyên nói về Thiên đàng như sau:

Thiên đàng là chốn nghỉ ngơi đời đời. Trên Thiên đàng không còn đau khổ nữa, không còn bịnh tật nữa, trên thiên đàng không còn chết nữa: trên thiên đàng chỉ có nghỉ ngơi trong một cuộc đời dài vô tận, không còn bị phản bội nữa…

… được nhìn ngắm chính sự Đẹp, được yêu chính tình yêu, được hưởng chính hạnh phúc, được hưởng thật tất cả những thứ ấy cùng một lúc và đời đời: đó là Thiên đàng.

Kết: Như vậy sự đau khổ ở đời này chính là môi trường, cơ hội, hoàn cảnh để chúng ta học hỏi, suy gẫm, áp dụng, thực hành để xứng đáng được làm môn đệ Chúa, bắt chước Chúa, noi gương Chúa, tuân theo Thánh Ý Chúa. Không ai muốn đau khổ cả, nhưng nếu gặp hoàn cảnh đau khổ, chúng ta sẵn sàng vui vẻ chịu đau khổ ở đời này để được hưởng phúc Thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Phùng Văn Phụng

Ngày 17 tháng 04 năm 2022

(Lễ Phục Sinh)

Yêu thương và tha thứ

Yêu thương và tha thứ

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Trong một cuộc phỏng vấn giữa hằng mấy ngàn bác sĩ y khoa với câu hỏi:

Trong số các bệnh nhân đến phòng mạch bác sĩ trong tuần, có bao nhiêu phần trăm bác sĩ thấy mình có đủ khả năng để điều trị cho họ?

Câu trả lời bất ngờ, bất ngờ đến kinh ngạc.

Các bác sĩ trả lời rằng: Trong số 100 bịnh nhân thì chỉ có độ 10 người là chúng tôi nghĩ mình có đủ khả năng điều trị thôi! Còn 90 bệnh nhân kia cũng là những ngườí đau ốm thực sự. Nhưng bệnh của họ không phải là thứ bệnh về thể lý mà về tâm lý.

Bệnh họ là tâm bệnh không thể điều trị theo phương pháp y khoa.

Cội rễ cơn bệnh của họ là LÒNG GIẬN DỮ, HẰN THÙ, GHEN GHÉT và những điều khác như vậy.

Về các vấn đề như thế, chúng tôi, giới y sĩ đã không được dạy và chuẩn bị để đối phó khi còn đi theo học ở nhà trường y khoa”. Trích lịch phụng vụ Nhâm Dần 2022 (trang 125-126)

*Đa số người bịnh do tâm lý mà ra. Do thù hằn, ghen ghét, giận dữ, bất mãn người khác thành ra tâm hồn không ổn định, sinh ra mất ngủ, đau đớn về thể xác và đau đớn về tâm hồn, mà đau đớn về tâm hồn mới là quan trọng, sinh ra đủ thứ bịnh tật ung thư, đau dạ dày, trầm cảm v.v…

Cho nên để có thể được mạnh khỏe về thể xác hầu có tâm hồn vui vẻ, thoải mái nên đọc và thực hành thường xuyên Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô dạy rằng: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp…”

*Dụ ngôn người Cha nhân lành, yêu thương người con thứ, sau khi đứa con hư hỏng này tiêu hết nửa gia tài của người cha, trở về xin cha tha thứ làm cho chúng ta liên tưởng đến lòng thương yêu vô tận của Cha trên trời đối với chúng ta nếu chúng ta biết yêu thương, tha thứ, chúc phúc, cầu nguyện cho những người đã ngược đãi chúng ta. (Lc15,1-3 và 11-32)

Yêu thương, tha thứ không dễ dàng đâu. Nhưng nếu chúng ta cầu nguyện thật nhiều xin Chúa giúp sức, trông cậy vào Chúa thì chúng ta có thể làm được, vì sao vậy?

Vì nếu chúng ta không yêu thương và tha thứ cho người khác,(người đã làm hại chúng ta), thì người thiệt thòi trước tiên là chúng ta. Nếu chúng ta nuôi hận thù, điều trước tiên chúng ta chịu đựng là ăn không ngon, ngủ không yên. Thời gian dài mất ngủ sẽ sinh ra bịnh hoạn, được gọi là tâm bịnh. Tâm bịnh thì không có thuốc thang nào chữa được.

*Rũi ro khi ra đi với tâm trạng không yên, lòng chất chứa hận thù thì làm sao linh hồn ta thanh thoát, bình an được?

Muốn có thiên đàng trần thế này và thiên đàng vĩnh cửu mai sau không còn cách nào khác là thực tập yêu thương, tha thứ mỗi ngày.

Phùng Văn Phụng

Ngày 24-03-2022

Viết về Giáo sư Trần Văn Trạm

Viết về Giáo sư Trần Văn Trạm

Để làm kỷ yếu kỷ niệm về giáo sư Trần Văn Trạm theo như yêu cầu của giáo sư Nguyễn Thị Phi Phượng, xin ghi lại vài việc mà hai vợ chồng tôi đã may mắn được gặp gỡ hai lần:

1)Mùa hè năm 2001 vợ chồng tôi có duyên gặp vợ chồng anh Trạm và Phi Phượng ở Hayward, Cali lúc hai người mới qua định cư ở Mỹ.

Năm đó, hãng bảo hiểm tổ chức đi Lake Tahoe, nhân dịp đó, chúng tôi đã tìm cách đến Hayward để gặp vợ chồng Phi Phượng, là bạn của bà xã tôi lúc còn học trường trung học Châu Văn Tiếp, Bà rịa (Phước Tuy).

Rồi cuộc gặp gỡ đó cũng là cơ duyên để hai gia đình chúng tôi thường xuyên trao đổi tâm tình với nhau chuyện xưa, chuyện nay, chuyện con cái, các cháu nội ngoại.

2)Cách nay vài năm, hai vợ chồng Trần Trạm và Phi Phượng có ghé thăm Houston. Vợ chồng tôi lại được đón tiếp tại nhà khoảng một tuần lễ để có dịp đi thăm bà con, thân nhân cùng bạn hữu những người bạn mà cái thời gọi nhau rất thân mật “mày, tao” rất quý mến, dễ thương.

Nhất là đi thăm người cậu thứ tư là Giáo sư Trần Thượng Thủ, (1) cựu giáo sư trường Petrus Trương Vĩnh Ký.  Giáo sư Trần Thượng Thủ là hậu duệ khoảng 5,6 đời của Tướng Trần Thượng Xuyên, tướng nhà Minh phải tị nạn sang Việt Nam cùng với Tướng Dương Ngạn Địch để trốn tránh sự truy lùng của quan quân nhà Thanh vào năm 1679. Trần Thượng Xuyên là người có công khai phá cù lao Phố Đồng Nai (Biên Hòa). (2)

Chúng tôi cũng có đến thăm vợ chồng thầy Chấn, cựu giáo sư Châu Văn Tiếp ở Sugarland.

Bà xã tôi vẫn thường nhắc nhở, nhớ lại thời còn đi học ở trường Châu Văn Tiếp khoảng trước năm 1965, khi nhà trường cho nghỉ học bất ngờ, tài xế của gia đình Phi Phượng được yêu cầu chở chúng tôi, đi Long Hải để vui chơi, tắm biển?

Qua hai lần gặp mặt anh Trạm, tôi có nhận xét anh rất hiền lành, ít nói nhưng rất gần gũi, dễ thân thiện.

Rồi bất ngờ Nguyễn Phi Phượng cho hay anh Trạm bị bịnh, không đi lại bình thường được, phải dùng “walker” khung tập đi, dành cho người tàn tật, để di chuyển. Sau một cơn “stroke”, tay chưn yếu mỗi lần đi thường hay bị té.

Mới đây cũng được tin từ bạn bè cựu học sinh trường Châu Văn Tiếp là anh Trạm đã ra đi. Rất bất ngờ vì mới đây thôi, hai vợ chồng qua Houston vẫn khoẻ mạnh đâu có triệu chứng, bịnh hoạn gì đâu, mà nay anh Trạm lại bỏ gia đình vợ con, bạn bè, rời bỏ thế gian này mà ra đi. (3)

Quả thật, không ai có thể tính toán được lúc nào, thời gian nào mình sẽ ra đi.

Cũng như đầu tháng mười năm rồi (2021) con trai tôi cũng đã ra đi lúc 48 tuổi để lại vợ và hai con 16 tuổi và 11 tuổi. Đi câu cá mà gặp tai nạn, bị nước cuốn và bị ngộp nước. Thật là sự kiện rũi ro hiếm hoi, ít gặp, khó mà tin được.

Cho nên lúc nào tôi cũng thường tự nhắc nhở rằng: “sống hôm nay như là ngày cuối cùng trong đời của mình” để lúc nào tôi cũng cố gắng sống tốt, sống tích cực, luôn cảm thấy hạnh phúc vì tôi còn sống.

Cám ơn vợ chồng anh Trạm và Phi Phượng để lại nhiều kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên được.

Người Việt Nam chúng ta cũng thường nhắc nhở với nhau rằng “sống gởi, thác về”, sống trên trần thế này chỉ là tạm bợ, ai may mắn lắm cũng chỉ được trăm năm hay hơn một chút. Và ai ai cũng phải “trúng số độc đắc một lần” đó là sự chết.

Chỉ khi chết đi rồi chúng ta mới về với ông bà tổ tiên, về với thân nhân chúng ta đã ra đi trước chúng ta theo niềm tin rằng “sẽ gặp lại nhau trong ngày sau hết” ở nước Thiên đàng Vĩnh Cửu.

Phùng Văn Phụng & Võ Thị Điện ghi lại

(1) Thầy Trần Thượng Thủ mất 18/10/2017 thọ 89 tuổi. Xem thêm:

    MỘT SỐ NGÔI TRƯỜNG KỲ CỰU Ở NAM KỲ

https://petruskyaus.net/mot-so-ngoi-truong-ky-cuu-o-nam-ky-tran-thuong-thu/

(2)Trần Thượng Xuyên (tiểu sử)

https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Th%C6%B0%E1%BB%A3ng_Xuy%C3%AAn

(3)Giáo sư Trần Văn Trạm đã vừa mới ra đi ngày ngày 31- 07 – 2021, thọ 79 tuổi

Tám mối Phúc Thật là gì? 

Tám mối Phúc Thật là gì?

Tác giả: Gioan PhùngVăn Phụng

Tám mối phúc thật còn gọi là Hiến Chương Nước Trời hay Bài Giảng trên núi.

Đọc Tin Mừng theo thánh Mátthêu ở chương 5, từ câu 3 đến câu 12, và đọc các Mối Phúc để hiểu được con đường tươi đẹp biết bao, vui vẻ, an toàn biết bao và cũng hạnh phúc biết bao mà Chúa đã đề nghị cho chúng ta nghe theo và áp dụng vào cuộc sống.

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.(1)

 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.(2)

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

SUY NIỆM:

(Luca chương 6 câu 20 đến 23 cũng nói đến các phúc này).

Đọc các mối phúc thật này nghe rất là nghịch lý, không thuận tai chút nào.

1-Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ.

Tâm hồn nghèo khó là gì? Đó chính là tâm hồn đơn sơ, không kiêu ngạo, không cho rằng giỏi nhất, không ai hơn mình được. Vì có tâm hồn nghèo khó nên biết nương cậy vào Chúa, suy phục Chúa, luôn luôn sống với tâm tình vâng phục, có Chúa ở cùng khi làm mọi việc. Lúc nào cũng có tâm tình tạ ơn Chúa khi còn sống trên cõi đời này. Khi làm việc, dầu thành công hay thất bại vẫn tạ ơn Chúa.

Còn nếu ta đã giàu có, thành công, có địa vị cao, có chức vụ, quyền lực trong xã hội liệu ta còn có nghĩ đến Chúa, nương cậy vào Chúa nữa không?

2- Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Hiền lành là gì? Người ta thường xem sự hiền lành là nhu nhược, không dám phản ứng khi bị đàn áp, gây gỗ, mắng chửi. Thật ra hiền lành chính là nhân đức – kiềm chế sự nóng giận. Không phải ai cũng làm được đâu. Phải thực tập thường xuyên, tự rèn luyện bản thân hàng ngày, dẹp bỏ tự ái, dẹp bỏ cái TÔI đi, tức là dẹp bỏ sự nóng giận. Cậy vào sức của mình ta, ta không làm được. Nhưng cậy dựa vào sức Chúa, chúng ta sẽ làm được. Chúa Giêsu nói: “Hãy bắt chước ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. (2)

3-Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Sầu khổ là gì? Là nhìn thấy và cảm nghiệm, chia xẻ những đau khổ của người khác, cũng như đau khổ của chính mình vì tội lỗi của chính mình. Ngày nay, người ta thường dùng chữ “vô cảm” để nói đến những người vô tâm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình. Biết sầu khổ nghĩa là không vô cảm, biết đau cái đau của đồng loại, thương cảm những đau khổ của người khác. Những người sầu khổ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

4-Phúc thay ai khao khát nên người công chính vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Khát khao nên người công chính tức là ý thức về điều ngay thẳng, tốt lành. Làm việc với sự công bình, yêu thương, hợp với đạo lý làm người, với lương tâm nhắc nhở. Người công chính không làm vì lợi mình mà hại người.

5-Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Xót thương người là cảm thông với nỗi đau của người khác, biết đau với nỗi đau của người khác… đặt mình vào vai trò, vị trí của người khác, cùng chia xẻ sự khổ nạn với Chúa Kitô, nên một với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Xót thương người khác vì sự đau đớn về vật chất, sự đau khổ về tinh thần, tâm linh của người khác. Cần học hỏi, thực hành lòng xót thương như Thầy chí thánh là Chúa Giêsu là đấng xót thương.

6-Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa

Có tâm hồn trong sạch là không ích kỷ, không tham lam, không tư lợi, hết lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em đồng loại.

7-Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa

Xây dựng hoà bình là đem bình an đến cho người chung quanh, hàn gắn các vết thương giữa con người với nhau.

8-Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính vì Nước Trời là của họ.

Bị bách hại, bị người ta sỉ vả, vu khống đủ điều xấu xa vì Chúa, là vui vẻ chấp nhận sự khó khăn, đau khổ… Dầu bị bách hại, bị loại trừ, bị sỉ vả, vu khống đủ điều xấu xa mà không oán hờn, trách móc. Nhờ đó chúng ta có được bình an trong tâm hồn, hạnh phúc trong cuộc sống, đó chính là nước trời hiện diện giữa chúng ta trong đời này rồi phải không?

Chính 8 mối phúc thật này là căn tính của người kitô hữu, đó là cách thức, là con đường người môn đệ của Chúa phải đi.

Tám mối phúc thật hay Hiến Chương Nước Trời, đây là mục đích chính mà người theo Chúa Giêsu kitô cố gắng đạt được để có nước trời (thiên đàng) nơi trần thế này và được hưởng thiên đàng vĩnh cửu mai sau.

Gioan Phùng Văn Phụng

Xem thêm:

(1)Nước trời là gì vậy Thầy?

https://dongten.net/2020/07/23/nuoc-troi-la-gi-vay-thay/

(2) Hiền lành và khiêm nhường

http://www.vncatholic.net/hien-lanh-va-khiem-nhuong/

Các bà vợ của vài vĩ nhân

Các bà vợ của vài vĩ nhân

Tác giả: Phùng Văn Phụng

*Nhà văn Leon Tolstoi (sinh ngày 09-09-1828 chết 20-11-1910)

Tolstoi là nhà văn vĩ đại của nước Nga. Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có quyển Chiến tranh và Hòa bình (1865), Anna Karenina (1877) v.v…

Lúc còn trẻ, bà Sophia vợ ông, đã giúp cho Tolstoi, viết lại bản thảo cuốn Chiến Tranh và Hoà Bình rất nhiều lần, sau mỗi lần sửa chữa bà Sophia, vợ ông viết lại trên trang giấy mới. Ông lại sửa chữa. Vợ ông lại viết lại cho sạch sẽ. Bản thảo được viết đi viết lại nhiều lần trước khi đem in, xuất bản. Bà viết hàng chục lần như vậy mà bà vẫn vui vẻ không phiền hà gì.

Vậy mà đến cuối đời, tính tình ông bà xung khắc nhaum quá sức, không hoà thuận được với nhau. Ông phải chịu đựng quá mức về sự can thiệp quá đáng của bà vào đời sống của ông. Ông là nhà tư tưởng lớn và có tinh thần xã hội. Ông dự định sau khi ông mất, ông sẽ dành riêng lợi tức của một số tác phẩm của ông cho công chúng và một số tác phẩm thuộc về gia đình. Bà không chịu. Bà đòi lợi tức của tất cả tác phẩm đều phải thuộc về gia đình bà. Bà làm tình làm tội ông.  Bà đã từng nhảy xuống ao để để hăm dọa ông. Bà lục lạo sách vỡ của ông để tìm di chúc mà ông đã viết. Bà gây khó khăn cho ông đủ điều.

Cuối cùng, ông không thể chịu đựng nỗi bà vợ của ông. Một đêm, giữa mùa đông

rét mướt của nước Nga, nhiệt độ dưới không độ C, độ đông đá, ông đã bỏ nhà ra đi lang thang trên xe lửa xuôi về phương Nam và Tolstoi đã chết vì bịnh viêm phổi ở nhà ga xe lửa ở Astapovo,

Ông thọ được 82 tuổi.

Nhà văn Leon Tolstoi

 *Tổng Thống Abraham Lincoln (sinh 12-02-1809 bị ám sát chết 15-04-1865)

Tổng thống Lincoln của Mỹ là một Tổng Thống được sự thương yêu và quý mến của người dân Mỹ, vì đã thành công trong việc thống nhất đất nước của Mỹ và giải phóng người nô lệ da đen.

Nhưng ông lại có bà vợ xem thường và khinh dễ ông. Bà vợ ông được mô tả là người đàn bà dữ dằn và rất hỗn hào đối với ông.

Trước khi làm Tổng thống, lúc còn làm luật sư, khi ông hành nghề, nhiều khi phải xa gia đình nhiều tháng. Có lúc ông không muốn về nhà vì mỗi lần về nhà, ông phải gặp bà vợ dữ dằn đối với ông. Bà chê ông đủ điều, nào là ông có lỗ mũi trâu, lỗ tai lừa, ăn nói thì cục mịch, vô duyên. Nghĩa là đối với ông, bà không có chút cảm tình nào và rất xem thường ông. Bà không ưa ông, hể thấy mặt ông là bà nặng lời với ông.

*Triết gia Socrates (sinh 470 – chết 399 BC)

Socrates là một triết gia nổi tiếng của Hy Lạp.

Ông sinh ra tại Athens, Hy Lạp vào khoảng năm 470 trước công nguyên.

Socrates bị buộc tội và bị hành quyết vào năm 399 trước công nguyên, khi ông 70 tuổi. 

Socrates là nhà hiền triết. Ông dạy học trò không lấy tiền học phí vì ông chủ trương cần phải truyền bá tư tưởng của mình. Đã truyền bá tư tưởng sao có thể lấy tiền được.

Bà vợ ông đã gây gỗ với ông, cự nự ông. Ông bảo là ông sẽ làm thêm nghề đẽo đá? mà nuôi bà chứ ông nhất định dạy học, truyền bá tư tưởng, thì không được lấy tiền.

Câu chuyện thường được nhắc đến là có lần người bạn của ông Socrates đến thăm ông, hai người đang nói chuyện dưới hiên nhà, bà vợ của Socrates đang đứng trên lầu, đang tức giận ông, bà đổ luôn một thau nước lên đầu ông và bạn ông. Socrates bình tĩnh nói: “Hôm nay có bảo nên trời mưa.”

Socrates cũng đã từng nói: “Dù sao thì một khi đã kết hôn, nếu lấy được người vợ hiền thì bạn sẽ hạnh phúc; nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia”

Bức tượng Socrates đang suy nghĩ tại học viện Athens

Phùng Văn Phụng

Bức thơ cũ gởi anh Dương Văn Long hồi năm 2006

Bức thơ cũ gởi anh Dương Văn Long hồi năm 2006

     Thân gởi anh Dương Văn Long (1)

           Nhận được thơ anh gởi và đồng thời anh cũng đã gởi cho thầy Bằng, cựu Hiệu Trưởng trường trung học Lương Văn Can và gởi cho Tuyết Lâm, cựu học sinh. Trong thơ gởi cho thầy Bằng, anh có nói “cùng tuổi nhau sao giờ tôi lại có trí nhớ kém quá, sức khỏe thì yếu hẳn’’ và anh viết “rồi anh em sẽ ra đi lần lần theo luật tạo hóa mà.”

Ðọc câu này của anh mà lòng tôi thấy một nỗi buồn thắm thía. Rồi “anh em sẽ ra đi theo luật tạo hóa mà” hay một cách khác có thể nói:

làm người ai cũng phải chết,

chúng ta là người,

vậy chúng ta phải chết.

***

                 Khi tôi về trường Lương Văn Can thì anh đã là Nghị viên Hội đồng Ðô Thành Sài gòn rồi. Tôi lúc đó 28 tuổi còn anh 31 tuổi. Tuổi này là tuổi của mộng mơ, trong tâm tư anh cũng như tôi đều nuôi những tham vọng lớn, làm việc hết sức mình, ngoài những công việc thuần túy dạy học, anh và tôi đều muốn đi vào con đường khác hơn là chỉ ngồi trong mái nhà trường, chỉ đi dạy học, để hy vọng giúp ích gì được cho đất nước, cho dân tộc.

                 Ba mươi mốt năm qua, anh và tôi cũng không còn làm nghề “gõ đầu trẻ”. Có vài người bạn nói rằng chúng ta đã không còn làm thầy giáo và đã “tháo giày’’ hay họ còn đùa nặng hơn nữa là đã… “mất dạy’’. Nói đùa cho cho vui theo kiểu nói lái của dân miền Nam để diễn tả hoàn cảnh bi đát của thầy giáo sau năm 1975.

             Tôi phải vào trại cải tạo gần 8 năm, trong những năm bị tù đày này, tôi không thấy còn có chút gì tương lai và đã nghĩ rằng sẽ được chỉ định cư trú ở Thanh Hóa (tướng Nguyễn Hữu Có lo việc này) – sự chỉ định cư trú vĩnh viễn này đã xảy ra ở Nga dưới thời Stalin, ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Ðông – vợ con sẽ về đó ở, nếu muốn. Ðó là tin tức được nghe từ trong trại cải tạo trong những năm 1980. Lúc đó tôi mới nghĩ là thôi hết rồi, cuộc đời mình đã tàn rồi, suốt đời sẽ cuốc đất trồng khoai, lên rừng đốn củi, xuống suối bắt cá, sẽ không còn nhìn thấy gia đình, bà con, bạn bè hay nhìn thấy thành phố Sài gòn nữa.

                 Anh ở bên ngoài, khi đi trình diện, cán bộ hỏi phần đảng phái, anh nói rằng: “anh ghi là không có. Cán bộ cộng sản ghi tên lúc đó đã kéo kiếng cận xuống, lõ con mắt ngó anh” và ra điều nghi ngờ lời khai của anh.

                  Sau khi đi cải tạo về khoảng đầu năm 1983 tôi có gặp anh mấy lần ở quận 8, khoảng cuối những năm 1984, 1985, lần chót gặp anh khoảng tháng 05 năm 2005 cùng với hơn 60 cựu hoc sinh tại nhà hàng 241, mà chủ nhà hàng này là Bửu Khánh, một cựu học sinh của trường Lương Văn Can, nhân tiện lúc tôi về chịu tang cha tôi mất.

***

               Từ nhà ga ở Hà Nội, tôi đón xe lửa về thành phố Sài gòn chỉ có cái “giấy ra trại” là tờ giấy lận lưng mà thôi. Tôi đem trở về Sài gòn mùng, mền, áo quần mà tôi đã mang đi theo khi vô tù, hồi tháng 06 năm 1975. Mùng, mền, áo quần này sau gần tám năm đã cũ, đã rách, đã rệu rã, vậy mà đi ngang qua thành phố Quảng Ngãi cũng bán được ít tiền để làm chuyến hành trình trở về nhà, về với gia đình, vợ con. Bán mùng mền, áo quần cũ có chút đỉnh tiền, mua được tô hủ tiếu và dư một ít trả tiền xe ôm về đến bến xe Nguyễn Biểu.

                Xa Sài gòn sau gần tám năm, lần đầu tiên trở lại, tôi như lạc bước vào thành phố nào lạ quắc, lạ quơ. Trên con đường Phạm Thế Hiển tôi đã đi lại thường xuyên lúc còn đi dạy học, vậy mà nay tôi thấy hoàn toàn đổi khác. Nhà cửa thấy lạ. Có nhiều nhà mới mọc lên. Có nhiều nhà nhô ra phía trước, dường như làm cho đường Phạm Thế Hiển nhỏ hẹp hơn.

                Tôi bước vào nhà gặp bốn năm đứa nhỏ đang ngồi học, tôi đâu biết đứa nào là con tôi, đứa nào là học trò. Bà xã tôi đang còn dạy học nên đem học trò về dạy thêm. Vừa bước vào nhà, để cái túi xách cũ xuống đất, tôi vội chạy một mạch từ đàng trước ra đàng sau, tới cửa sắt, ra ngoài sân phía sau nhà, thì nước mắt tôi tự nhiên trào ra, tôi đã khóc thực sự. Cái khóc này là cái khóc vì vui mừng, lần đầu tiên tôi khóc, tưởng rằng đã chết mà nay vẫn còn sống, không ngờ mình về được tới nhà, nơi mình đã sinh sống.

                Bây giờ làm sao để có tiền sinh sống nuôi bản thân, lo cho gia đình? Đã ở tù gần tám năm, đâu có nơi nào nhận mình dạy học trở lại.

                Phải làm đủ các nghề để sống. Mua bịt ni lông dơ ở các điểm thu mua ve chai, lông vịt đem về giặt sạch, phơi khô, bán lấy lời. Làm một hai chuyến bị ép giá, bán lỗ đành phải bỏ nghề này. Ði sang quận bảy tìm mua sách cũ đem ra chợ Sài gòn bán. Mới đi chuyến đầu, chưa bán được cuốn sách nào, đã bị tịch thu hết. Lúc đi bán đó, tôi có dẫn con gái 13 tuổi đi theo. Tôi không biết than thở cùng ai chỉ nói với con gái: “Mình mất sạch hết vốn rồi con ơi’’. Tôi còn phải ký biên bản không được buôn bán chợ trời nữa. Biết làm sao để kiếm tiền sống đây?

                 Gặp anh Ðạt, bạn tù cũ ở Vĩnh Phú, có chiếc xe xích lô đạp cho mượn. Vội vàng thay bộ đồ cũ, leo lên xe đạp chạy qua bến xe Chợ Lớn để tìm khách. Vừa đậu xe trước chợ, vì là lần đầu chạy xe nên không biết chỗ nào cấm đậu, chỗ nào được đậu rước khách, nên vừa đến cổng chợ, đang đứng lớ quớ kiếm khách, bị bảo vệ chợ lấy tấm nệm ngồi của khách. Phải bỏ bến xe Chợ lớn chạy vòng qua chợ Nguyễn Tri Phương chở hai vợ chồng người Hoa quá mập khoảng gần 200 kí lô. Hôm sau bỏ nghề luôn vì sau chuyến xe đó cả đêm không ngủ được vì quá mệt do phải đạp xe chở khách không quen.

                  Thôi đành đi bán vé số vậy. Cầm sấp vé số do anh Nguyễn Tấn Thời làm đại lý giao cho để đem bán. Anh Thời tốt nghiệp Cao Học Hành chánh, trước làm ở bộ Tài Chánh không phải đi tù. Không dám bán ở quận 8, sợ gặp học trò cũ, gặp người quen, dấu sấp vé số trong túi, đi qua quận năm để bán, hy vọng không gặp người quen. Nhưng vừa cầm vé số lên mời, lại gặp học trò cũ là Ðặng Thái Sơn, đang đậu xe xích lô đợi khách, mời uống cà phê đen, mời hút điếu thuốc có cán. Lúc đó hút được điếu thuốc có cán (thuốc thơm) là quí lắm rồi. Tôi thấy mắc cở, vội mang vé số về nhà, đưa cho đứa con gái út qua Chánh Hưng bán. Tôi giả từ nghề bán vé số luôn.

                  Rồi đi dạy kèm toán lớp 8, lớp 9, dạy Anh văn vở lòng. Phụ huynh học sinh thương tình thấy hoàn cảnh thất nghiệp, giới thiệu vài học sinh để dạy một tuần đôi ba giờ.

                  Mọi sinh hoạt trong gia đình nhờ bà xã và ba tôi phụ giúp trong những năm đầu khi về từ trại cải tạo.

Kể lễ nỗi niềm tâm sự cùng anh để anh biết cuộc đời tôi lắm gian nan, vất vả.

                 Mới đây anh cựu giáo sư Lương Văn Can, Trần Văn Hát cũng bị tai biến mạch máu não, chưa hồi phục hoàn toàn. Thầy Triết cũng bị bịnh mất trí nhớ. Học trò cũng có nhiều em đã ra đi như Ngô Thanh Hừng, Lê Thành Trưng, Cận chồng của Nguyễn Kim Phụng. Những em học trò này đang trong độ tuổi năm mươi, còn khá trẻ, còn đang sung sức để làm việc đóng góp cho đời.

                Lớp sau này có Nguyễn Thị Thanh Ngọc, đang học trường Lương Văn Can mất lúc 16 tuổi, vào ngày 30 tháng 04 năm 2005 vì bị phỏng nặng do nhà bị cháy. Mẹ của Thanh Ngọc cũng mất vì tình trạng phỏng nặng như trên.

***

                Trước năm 1975, anh là Nghị Viên năng nổ. Nghị Viên đối lập với chánh quyền. Sự can đảm chỉ trích những sai lầm của người đang có quyền lực không phải ai cũng làm được. Ði với quyền lực, tham gia, cộng tác với quyền lực luôn luôn có nhiều quyền lợi hơn là chống đối. Vì chống đối thường chịu nhiều thiệt hại cho bản thân, mất nhiều quyền lợi vật chất. Anh đã đứng vào vị trí đối lập.

                 Có lẽ gốc gác là thầy giáo cũng cần làm gương cho học trò chăng? đứng về phía dân chúng, về phía phụ huynh học sinh hơn là đứng về phía chánh quyền.

                 Nhưng rồi tất cả những nổ lực đó không còn cần thiết trong gia đoạn mới của xã hội mới.

                  Tất cả công việc đó như là “dã tràng xe cát” chăng? Thật ra những việc làm đó với cái tâm trong sáng, với tấm lòng chân thật muốn làm cái gì đó cho đất nước, cho bà con, đồng bào mình. Thì những việc làm đó chắc không thể là vô nghĩa được, phải không anh?

                    Chất keo nối kết những anh chị em Lương Văn Can với nhau, thường thăm hỏi nhau, chia xẻ vui buồn cùng nhau, tôi chỉ nghĩ đơn giản là chúng ta sống với nhau, cùng có tấm lòng quí mến nhau và chúng ta luôn có ý hướng đóng góp cái gì đó tốt hơn cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.

***

                    Anh đi qua Mỹ thăm con anh là Phong, dự định xuống Houston cũng là lúc anh Hiệu Trưởng Uông Ðại Bằng đang đi du lịch qua Mỹ có ghé thăm tôi. Tôi cứ đinh ninh là anh sẽ đến thăm Houston luôn cũng là dịp gặp được anh Hiệu Trưởng.

                  Không ngờ anh bị bịnh nặng không thể đi thăm các nơi được.

                  Xin cầu nguyện ơn trên sớm cho anh mau lành bịnh, sức khỏe mau phục hồi.

                   Hy vọng trong năm nay chúng ta sẽ gặp nhau tại trường Lương Văn Can, kỷ niệm 40 năm thành lập trường trong ngày đưa ông Táo Tết cuối năm, Tết 2007 này.

Phùng Văn Phụng

 Ngày 01 tháng 6 năm 2006 – xem lại, tháng 12 năm 2021

(1) Cựu Giáo Sư trường Lương Văn Can, Cựu Nghị Viên Hội Đồng Đô Thành Sài Gòn trước năm 1975. Đã mất ngày 04 tháng 05 năm 2017

Đọc Hồi ký của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Nhìn từ khía cạnh đời sống tâm linh.

Đọc Hồi ký của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc: Nhìn từ khía cạnh đời sống tâm linh.

  Tác giả: Phùng văn Phụng

Đọc xong cuốn “Thời Đại Của Tôi” “Đời Tôi trải qua các thời biến” do Người Việt xuất bản năm 2010, tôi đã nhìn thấy sự cố gắng phi thường, làm việc không mệt mỏi của Giáo Sư cùng với tấm lòng yêu mến quê hương đất nước thiết tha. Nhưng thời thế đã dẫn đưa con người tài năng hiếm có và có lòng với đất nước ấy phải rời bỏ nước Việt Nam yêu quí ra đi và sống định cư ở Pháp.

Tôi đã học Giáo Sư Vũ Quốc Thúc ở Đại Học Luật Khoa Sài Gòn niên khóa 1963-1964.

Giáo Sư sinh năm 1920 tại Nam Định,Bắc Việt. Tiến sĩ Luật, Thạc sĩ Đại Học Kinh tế ở Pháp. Giám Đốc trường Luật Hà nội (1951-1954). Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Sài gòn (1957-1963). Giáo sư các viện Đại học Đà Lạt, Sài gòn và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (1954-1975). Giáo Sư Viện Đại Học Paris XII (1978-1988)

Từ năm 1946 đến 1975 từng giữ các chức vụ: Ủy Viên Hành Chánh Kháng Chiến cấp tỉnh, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục, Thống Đốc Ngân hàng Quốc Gia , Cố Vấn Phủ Tổng Thống, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia, Quốc Vụ Khanh đặc trách Tái Thiết và Phát Triển…

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Giáo sư cũng như hầu hết trí thức miền Nam đều rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng giống nhau. Thất nghiệp, bị theo dõi, bị làm khó dễ, nơm nớp lo sợ không biết lúc nào bị bắt đi cải tạo (đi tù) nếu còn ở ngoài đời. Đa số người trí thức miền Nam lúc bấy giờ đều sống trong lo âu, hồi hộp vì họ không ít thì nhiều đều có dính líu với chế độ cũ, mà cộng sản gọi là “ngụy quân, ngụy quyền”. Giáo sư Vũ Quốc Thúc không thể thoát khỏi tình trạng đó.

Trong sách trên, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc viết: “ Tôi không theo Thiên Chúa Giáo, nhưng cũng không phải là một Phật tử. Tôi theo đúng truyền thống Khổng giáo của gia đình không quy y Phật giáo, mặc dầu chấp nhận Phật giáo; không theo Thiên Chúa Giáo nhưng vẫn tôn trọng Thiên Chúa Giáo… Sau khi bị bắt vì mưu toan vượt biên tôi thấy tương lai của mình u ám vô cùng…

Hằng ngày mặc dầu tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo tôi đã đến nhà thờ Đức Bà… Tôi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ, xin Đức Mẹ run rủi cho gia đình tôi được thoát khỏi Việt Nam toàn vẹn. ..Hôm chủ nhật đó nếu tôi không lầm là ngày lễ Pentecôte, tôi đã đạp xe lên nhà thờ Bình Triệu. (1)

Tôi ngồi trước tượng Đức Mẹ và tôi lẩm nhẩm cầu nguyện… Khi tôi vừa dứt lời cầu nguyện bỗng thấy tượng Đức Mẹ sáng rực lên. Tôi cần phải nói rằng hôm đó trời ở ngoài cũng âm u vì vào mùa mưa…Khi tôi cầu nguyện xong bỗng thấy tượng Đức Mẹ sáng rực lên từ trên xuống dưới có lẽ khoảng vài giây đồng hồ thôi. Đặc biệt trên gò má tay mặt của bức tượng có một giọt nước mắt long lanh. Sau đó tôi nhìn kỹ thì trên gò má bức tượng không thấy có gì cả. Như  vậy, giọt nước mắt mà tôi nhìn thấy chỉ  là  một ảo ảnh. Từ  lúc đó  trở  đi, suốt buổi  chiều tôi thấy trong lòng hồi hộp như mình đang chờ  đợi một chuyện gì sắp xảy ra. (2)

Sau đó Giáo Sư mở đài BBC nghe lén, đã nghe thấy ông Raymond Barre một người cùng thi Thạc sĩ năm 1950 được Tổng Thống Pháp là Valéry Giscard d’Estaing cử làm Thủ Tướng và Giáo sư đã  thảo bức thơ gởi Thủ Tướng Pháp kể lại hoàn cảnh của mình đang lâm vào sự khốn khó, nhờ đó ông Raymond Barre mới biết và đã can thiệp với Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Phạm văn Đồng để giúp đỡ gia đình của Giáo sư sang Pháp.

Giáo sư Vũ quốc Thúc viết tiếp: “ Sự linh ứng của Đức Mẹ Bình Triệu khiến cho tôi tìm được lối thoát tình trạng bế tắc. Bổn phận của tôi rồi đây là phải thi hành đúng lời nguyện của mình trước Đấng Thiêng Liêng”.(3)

              GS Vũ Quốc Thúc đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo (4)

Paris, Hôm 8.4.2012, Lễ Phục Sinh, Giáo xứ Việt Nam Paris đã đón nhận 25 tân tòng nhập đạo, trong đó có Giáo sư Vũ quốc Thúc. Trong bữa tiệc tiếp tân chúc mừng, do Hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu, quy tụ các cựu Giáo Sư và Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt, tổ chức sau lễ rửa tội, ông đã nhắc đến ba điều ông đã thấy và đã tin. Đặc biệt: Ông đã thấy ơn Đức Mẹ.

Ông muốn xin được rửa tội công khai và trang trọng theo đủ các nghi thức của Giáo hội, như mọi tân tòng khác, như một biểu lộ và dấu chứng làm chứng nhân, công khai công bố đức tin của mình.

Nhân dịp này trong niềm vui chung của cộng đoàn Giáo Xứ đại gia đình Thụ Nhân trên khắp thế giới và riêng tại Paris, các cựu Giáo sư, sinh viên và gia đình thuộc Viện Đại học Đà lạt đã tổ chức một bửa tiệc chúc mừng lễ rửa tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo của Giáo sư Jean Paul Vũ Quốc Thúc, vừa để chúc mừng sinh nhật thứ 92 của Giáo sư. Trong bửa tiệc tiếp tân chúc mừng, Giáo Sư  đã nhắc đến ba điều ông đã thấy và đã tin. Đặc biệt ông đã thấy ơn của Đức Mẹ.

      Tác giả: Phùng văn Phụng

               17-04-2012

  • 1) trang 540 Sách “Thời Đại Của Tôi” cuốn II
  • 2) trang 542 Sđd
  • 3) trang 543 Sđd (người viết in đậm và in nghiêng).
  • 4) Trong bài Gs Vũ Quốc Thúc đã cùng 24 tân tòng khác gia nhập Giáo Hội Công Giáo của tác giả Trần văn Cảnh đăng trong Việt Catholic ngày 12 – 04 – 2012        xem thêm

Linh hồn sẽ đi về đâu sau khi ta rời bỏ thế gian?

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời… (Thánh Phanxicô Assisi)

I)Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mất (1)

*Lễ cúng 49 ngày (Hán-Việt: Chung thất) là một dạng tín ngưỡng, đồng thời nó cũng là buổi lễ cúng giỗ vô cùng quan trọng của người còn sống đối với người đã khuất. Đây là một buổi lễ cúng giỗ mở đầu sau ngày người chết qua đời được 49 ngày.(1)

Phong tục này được người Việt Nam dựa theo thuyết Phật giáo: Âm hồn sau khi đã qua đời phải trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần kéo dài 7 ngày. Sau đó linh hồn phải đi qua 1 điện lớn ở âm ty, sau 7 tuần vong hồn sẽ được siêu thoát.

II)Cầu nguyện cho người đã mất là bổn phận của người còn sống. Khi chết rồi, thông thường linh hồn người chết phải qua luyện ngục để thanh luyện con người cho sạch tội. Vì muốn diện kiến Thánh Nhan Chúa phải thật tinh tuyền sạch tội. Khi linh hồn con người còn có tội không dám gặp Thiên Chúa. Chỉ khi nào thật sự sạch tội mới dám diện kiến Ngài. Cho nên luyện ngục là con đường linh hồn người chết phải qua để thanh luyện cho sạch các tội đã phạm.

Vậy người sống phải cầu nguyện cho người chết để linh hồn người chết sớm rời khỏi nơi luyện ngục mà vào chốn thiên đàng. Khi linh hồn người thân đã được vào Thiên đàng rồi, sẽ cầu nguyện lại cho chúng ta hiện còn ở thế gian này.

Thời gian luyện ngục không ai biết được bao lâu, nên tốt nhất, nếu yêu thương người chết, phải cầu nguyện mỗi ngày mà thôi.

Trong tháng 11 năm nay (2021), có Sắc lệnh của Toà Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh về ơn Toàn Xá. (2) Nếu đọc kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính cùng đi thăm nghĩa trang để cầu nguyện cho người quá cố thì linh hồn nguời thân của mình sẽ được hưởng ơn Toàn Xá này. Nếu đọc thêm kinh Vực sâu nữa thì càng tốt.

Hiện nay tôi có tham dự Nhóm cầu nguyện kính Lòng Thương Xót Chúa và mỗi ngày đọc kinh ba lần 8 giờ sáng, 3 giờ trưa và 9 giờ tối, và cũng đã đi viếng nghĩa trang cầu cho linh hồn Phaolô rồi.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

tháng 11/ năm 2021

Xem thêm: (1) Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày cho người đã mấthttp://hoavienvinhhang.com/y-nghia-cua-viec-cung-49-ngay-cho-nguoi-da-mat/

(1)LM. Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ: Giỗ 49 – 100 ngày bên Công giáo đúng sai?- https://www.youtube.com/watch?v=lES0hNS2Hjg

(2) Sắc lệnh cho phép các tín hữu được lãnh nhận Ơn Toàn Xá dành cho các tín hữu đã qua đờihttps://keditim.net/?p=103600

(2) Sau khi chết linh hồn sẽ đi về đâu? – LM Mathew Nguyễn Khắc Hy- https://www.youtube.com/watch?v=s1WfahdjFy4

Cuối cùng rồi ai cũng phải chết

Cuối cùng rồi ai cũng phải chết

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Vậy mà chỉ những người lớn tuổi mới để ý tới cái chết chứ những người dưới 50 tuổi ít có ai để ý tới cái chết vì cảm thấy nó, cái chết, còn lâu lắm mới tới. Thật ra cái chết xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ tuổi nào.

Dĩ nhiên người già thì thời gian đến gần cái chết rõ ràng hơn, ngắn hơn, gần hơn.

Trước cái chết, ai cũng lo sợ, nhưng làm sao, cách nào bình tĩnh được trước cái chết.

Làm thế nào cuộc sống có ý nghĩa và có hạnh phúc?

*Đặt ra công việc để làm.

Đặt cho mình mục đích sống. Sống để làm gì? Có phải mục đích sống của mình chỉ là để kiếm thật nhiều tiền không? Dĩ nhiên phải làm việc để có tiền mà sống, nhưng chỉ duy nhất để kiếm tiền không mà thôi là chưa đủ. Cần xem làm việc là một niềm vui. Còn hơi thở, còn sức khỏe là còn phải làm việc. Dĩ nhiên mình làm việc nào mình thấy thích.

Về hưu rồi, tôi đặt ra công việc để làm, dĩ nhiên là công việc không kiếm được tiền. Viết bài, gởi gấm tâm tư tình cảm cho bạn bè, cho thế hệ sau. Đọc tin tức, gởi E.mail cho bạn bè. Thành lập, chủ biên: website keditim.net. Mỗi ngày đều có bài vở hay và hữu ích cho website này (mời các bạn vào đọc).

*Giữ gìn sức khỏe: Lee Kim Hee (1) chủ tịch tập đoàn Samsung đã nhắc nhở chúng ta là cần phải tập thể dục thường xuyên để giữ cho thân thể khỏe mạnh. Dầu giàu có cỡ nào con người “không thể vượt qua cơn bạo bệnh và phải chịu kết thúc thất bại”vì khi bệnh tật đến không chừa một ai.

+Steve Jobs (2) chủ tịch và cựu giám đốc điều hành của Apple qua đời ở tuổi 56 (sinh 24-02-1955 mất 5-10-2011) vì ung thư tuyến tụy tạng. Ông nhắc nhở chúng ta rằng “cái giường bệnh” là đắc giá nhất.

+Bác sĩ Richard Teo (1972-2012) (3) bác sĩ thẩm mỹ, triệu phú ở Singapore qua đời ở tuổi 40 vì ung thư phổi.

Ông viết: “Nhưng trớ trêu là mọi thứ mà tôi có – thành công, cúp chiến thắng, những chiếc xe, ngôi nhà – là do tôi đã mua chúng để mang về niềm hạnh phúc. Nhưng giờ đây tôi chẳng mỉm cười được nữa. Nghĩ về việc sở hữu của cải, tôi chẳng có một chút niềm vui nào. Các bạn ạ, tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari vào giấc ngủ. Nó chẳng khiến tôi thoải mái hơn trong những ngày tháng cuối cùng.

Vậy điều gì đã và sẽ làm tôi hạnh phúc ở khoảng thời gian này? Đó là thời gian với mọi người – những người tôi yêu, bạn bè, những ai thật lòng lo cho mình, cùng khóc cùng cười, cùng đau khổ và chấp nhận mọi chuyện. Điều ấy đem lại cho tôi niềm hạnh phúc”. (1)

*Làm thế nào để sống vui vẻ và hạnh phúc.

Hạnh phúc của con người là một hành trình chứ không phải là đã đạt mục đích.

Như vậy, hạnh phúc đơn giản chỉ là một cảm giác. Hạnh phúc không hiện hữu trong bóng hình quá khứ hay niềm mong mỏi nơi tương lại, hạnh phúc là hạnh phúc trong thực tại nếu bạn biết nắm bắt nó.

Vậy bí quyết của hạnh phúc là: sống trong phút hiện tại, biết yêu thương và tha thứ.

Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất.

Trong trại tù tôi bị bỏ đói triền miên từ năm này sang năm khác, chỉ được ăn bo bo, bắp trái, ăn rau rừng đỡ đói. Khi Tết nguyên đán, trại tù phát cơm trắng. Lúc đó, ăn cơm trắng với muối tưởng chừng như ăn cơm với đường. Hạnh phúc ngay lúc đó.

* Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc (Biết đủ thì đủ, đợi đủ bao giờ đủ) trong bài thơ Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ.

Con người thường tham lam, không bao giờ biết đủ. Khi làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều tiền ai ai cũng muốn kiếm thêm nhiều hơn nữa chứ đâu biết dừng lại.

Sự giàu có, tiền bạc không biết bao nhiêu là đủ. Cái khó là biết dừng lại, biết đủ.

Đặc biệt ở nước Mỹ có người Amish, họ sống biệt lập ở tiểu bang Ohio, Pennsylvania và cũng có một số ở Canada nữa. Họ không xài điện thoại cầm tay, không dùng xe hơi (ô tô), TV các loại máy móc, bài trừ sự ly dị… họ bài trừ lối sống hiện đại ở nước Mỹ.

Người Amish sống đơn giản không có những nhu cầu hiện đại như chúng ta.

Như vậy,

Cách sống khác nhau, kết quả khác nhau

Nếu cuộc sống của bạn lấy tiền làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất khổ cực.

Nếu cuộc sống của bạn lấy phụ nữ làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất mệt mỏi.

Nếu cuộc sống của bạn lấy ái tình làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất đau thương.

Nếu cuộc sống của bạn lấy leo cao làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất phiền muộn.

Nếu cuộc sống của bạn lấy khoan dung làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất hạnh phúc.

Nếu cuộc sống của bạn lấy tri túc làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất vui vẻ.

Nếu cuộc sống của bạn lấy cảm ơn làm trung tâm, thì bạn sẽ sống rất thiện lương.

Người đi tìm sự khiếm khuyết của mình mới có được sự hài lòng.

Người nhận biết hạnh phúc mới có được hạnh phúc.

Vui để đợi chết

Trước khi chết thường chịu cảnh bịnh hoạn, đau đớn, buồn khổ, cô đơn. Làm sao trong tâm hồn mình có “Vui để đợi chết”.

Lúc cuối đời nếu tâm hồn mình thanh thản, bình an thì sự bình an đó kéo theo cho đến lúc lâm chung, còn ngược lại nếu ta chứa đựng nhiều uẩn khúc đau thương, uất hận; sự buồn sầu này sẽ kéo dài theo lúc chết.

Cho nên làm sao vui để được chết đó là điều rất khó, khó nhưng không phải không làm được?

Tạ ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy

Cho con còn ngày nữa để yêu thương.

Xem thêm:

(1) Thư từ Chủ tịch Lee Kun-hee

(2) Steve Jobs chủ tịch và cựu giám đốc điều hành của Apple

(3) Bác sĩ Richard Teo (1972-2012)(3) bác sĩ thẩm mỹ, Lời trăn trối của bác sĩ triêu phú mắc bệnh ung thư

Xem: Tưởng niệm 4 năm Bác Sĩ Richard Teo

Phùng Văn Phụng

Ngày 02-11-2020

(Lễ cầu hồn)

Đời là bể khổ? Thái độ của chúng ta trước đau khổ.

Đời là bể khổ? Thái độ của chúng ta trước đau khổ.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

1)Có ai trong chúng ta nói rằng suốt đời không có đau khổ?

Nhà Phật nói đến Khổ đế (là một trong tứ diệu đế): Sự thật về đau khổ có ba thứ làm chúng ta đau khổ là:Tuổi già, bịnh tật và cái chết. Ngay cả khi không già, không bịnh tật và chưa chết, con người vẫn đau khổ vì khi ta có những ham muốn và thèm khát nhưng ta không đạt được ước nguyện đó. Ngay cả khi thoả mãn những nhu cầu đó rồi sau đó ta vẫn chán nãn, không hài lòng nên dẫn đến đau khổ (1)

 Dầu nghèo nàn hay giàu có, dầu sang trọng hay hèn kém đều đã trải nghiệm đau khổ.

Nếu nghèo không có tiền đi bác sĩ mua thuốc trị bịnh. Khổ vì không có tiền để trả tiền điện, nước, tiền chợ, tiền sinh hoạt tối thiểu cho các nhu cầu căn bản để sống còn, để tồn tại. Khổ vì nợ nần chồng chất không biết bao giờ trả được.

Người có tiền cũng khổ; hoặc bị mất tiền vì bị lường gạt, bị đánh cắp, hoặc con cái hư hỏng không chịu học hành theo băng nhóm hút sì ke, ma túy, phá làng phá xóm v.v…

Có người đau khổ vì bị người yêu bất ngờ chia tay.  

Khổ thể xác vì không đủ cơm ăn, áo mặc, cực nhọc cả ngày, đổ mồ hôi để kiếm miếng ăn.

 Khổ vì chẳng may gặp gặp bịnh nan y như ung thư, stroke heart attack rồi bị tê liệt nằm một chỗ không chữa trị được.    

Hoặc con người bị bịnh đui mù, què quặt do bẩm sinh hay do biến chứng từ các bịnh khác.

Khổ tinh thần vì mất người thân yêu, mất do tai nạn trên bờ như bị xe đụng hay tai nạn dưới nước như tắm biển, câu cá bị nước cuốn, hay bị lật thuyền.

Con người còn bị đau khổ vì mất chức, mất quyền, mất tiền bạc v.v…

Con người còn chịu đau khổ vì bị mất danh dự do bị vu cáo, vì vô tình hay cố ý bị đặt chuyện, dựng chuyện để nói xấu, hạ uy tín, hạ nhục làm cho chúng ta đau khổ.

 2)Đau khổ không chừa một ai. Còn sống là còn đau khổ.

*Cảm nghiệm đau khổ, cay đắng, đau đớn khi tôi mất đi đứa con trai đang sống chung trong nhà chỉ mới 48 tuổi. Đóng góp mọi thứ sinh hoạt trong gia đình. Ra đi vì tai nạn khi hai con còn nhỏ 16 và 11 tuổi. Con trai tôi chịu sống chung mặc dầu đủ điều kiện ra ở riêng. Ở chung nhà để đóng góp mọi chi phí sinh hoạt trong nhà như điện nước, thuế má…

Khi vắng bóng con trai, bầu khí trong nhà vô cùng trống vắng, vẫn còn cảm giác con tôi đi đâu đó, sẽ trở về?

*Sau tháng 04 năm 1975, đang có đời sống tự do thoải mái với vợ và các con. Bị cộng sản lường gạt, kêu gọi “trình diện học tập cải tạo”, đi trình diện, bị tù gần 8 năm trong các trại tù trong rừng núi âm u, sơn lam, chướng khí ở miền Bắc như Lào Cai, Vĩnh Phú… bị bỏ đói triền miên. Ăn bo bo không xay, ăn khoai mì (ngoài bắc gọi là sắn) cứng ngắt, ăn bắp, khoai trừ cơm. Mỗi bữa cơm vài khúc khoai mì đắng nghét, hoặc vài trái bắp cứng ngắt với tô canh rau cải chỉ lỏng bỏng nước và rau.

Trong tù tất cả anh em đều sụt cân, ốm nhom ốm nhách như những bộ xương cách trí biết đi. Những năm 1978, 1979 cứ vài ngày anh em tù chúng tôi đã ra đi vì kiệt sức.

Đây là cảm nghiệm đau khổ lâu dài nhất.

 * Cuộc đời của thánh Gióp cũng là bài học suy gẫm về cuộc đời mà nhiều người hay than thở “đời là bể khổ”.

Ông Gíóp là người kính sợ Thiên Chúa. Bảy người con trai và ba người con gái đều chết hết và tài sản của ông cũng bị cướp hết nhà cửa không còn.

Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói:

“Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA (Gióp 1-20,21)

3)Tại sao Thiên Chúa là Đấng tốt lành và nhân từ vô cùng lại để chúng ta phải chịu đau khổ?

Lm Paul O’Sullivan đã viết như sau:

*Nguyên nhân rất đơn giản chỉ vì đau khổ là một hồng ân trọng đại (trang 113) (1)

Khó khăn lớn nhất về đau khổ là chúng ta không biết cách chịu đau khổ.

(trang 115) (2)

Những đau khổ hằng ngày của chúng ta, đau khổ nhỏ nhất cũng như đau khổ lớn nhất, nếu như chịu được cho nên, sẽ đem lại cho chúng ta triều thiên tử đạo.

-Nếu chúng ta không chịu đau khổ cho nên thì chúng ta sẽ bị mất hết các ân sủng và phần thưởng vô giá mà đau khổ lẽ ra đã đem đến cho chúng ta.

Chúng ta hãy ghi nhớ những điều này về vấn đề đau khổ:

*Mỗi khi gặp đau khổ, chúng ta được thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, vì thế đau khổ đem lại một công phúc khôn lường.

*Nếu chúng ta biết chấp nhận một cách nhẫn nại vì lòng mến Chúa, đau khổ sẽ mất hết nọc độc và sự cay đắng của nó.

*Nếu chúng ta cầu xin, nhất định Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta dư đủ sức mạnh để chấp nhận đau khổ Người gởi đến cho chúng ta.

*Những đau khổ sẽ cứu chúng ta khỏi những cực hình ghê rợn trong luyện ngục.

*Đau khổ, nếu chịu cho nên, sẽ làm cho chúng ta trở nên những vị thánh.(3)

(1) (2) (3) Trích Sách “Con đường nên thánh dễ dàng” của Lm Paul O’Sullivan, O.P

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

(1) Tứ diệu đế là gì?

Ngày 25-10-2021

Thơ gởi cho H. than phiền về sự vô ơn của bạn bè.

Thơ gởi cho H. than phiền về sự vô ơn của bạn bè.

Thân mến gởi H.,

Trả lời về vấn đề làm ơn cho bạn bè, xin việc cho bạn bè, giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm, rồi họ không thèm nhớ ơn, mà còn nói xấu mình nữa. Nhớ lại câu chuyện 10 người phong cùi được Chúa Giê-su chữa lành, trong đó chỉ có một người cám ơn Chúa mà thôi, còn 9 người kia thì vô ơn đối với Chúa.

***

Tạ ơn Thiên Chúa trong mọi sự, trong mọi hoàn cảnh.

Thông thường không ai có thể cám ơn Thiên Chúa khi gặp hoạn nạn hay gặp tai họa, điều này rất khó làm, nhưng nếu ta có ơn Chúa, nhờ Chúa giúp sức ta có thể làm được. (1)

Khi gặp tai họa hay hoạn nạn, hay người khác nói xấu ta, hảm hại ta, thông thường ta rất chán nản, đau đớn, than van, bực mình, khó chịu về những điều đau đớn mà ta không muốn có.

Nhưng khi than van, bực mình, khó chịu nào có ích gì cho tâm hồn ta. Tại sao ta không phó thác mọi sự trong tay Chúa. Hoặc ta vui vẻ chấp nhận những khó khăn, gian nan, hoạn nạn đó, hay là ta bực mình than thở, thì sự việc vẫn xảy ra như vậy, ta vẫn phải chịu đựng mà thôi. Nếu ta tạ ơn Chúa vì những hoạn nạn đó để ta thông phần, chia xẻ những khổ nạn của Chúa trên đường thập giá mà Chúa đã đi.

Vì có thể đó là chương trình của Thiên Chúa để mình học đức khiêm nhường, nhẫn nhục, học hỏi sự kiên nhẫn, yêu thương.

Nếu ta tạ ơn Chúa trong nghịch cảnh, trong sự bất như ý, trong hoạn nạn, (rất khó chớ không dễ dàng đâu) khi đó, hạnh phúc và niềm vui sẽ đến với chính mình. Thông thường mỗi người sẽ có thể cảm nghiệm hạnh phúc, niềm vui riêng khi cầu nguyện, tạ ơn Chúa.

 Chúa Giê-su Kitô sẽ giúp cho H. thay đổi tâm tư, tình cảm và ý nghĩ của mình để yêu thương những người gây khó khăn cho mình và không giận hờn họ nữa. (2)

Nếu học và làm theo lời Chúa Giê su đã dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em” (Mt 5,44) mà họ đâu phải là kẻ thù, họ là bạn bè mà, nên ta có thể thay vì bực mình, thù ghét họ thì nên tha thứ và yêu thương.

Nho giáo cũng có dạy: “Thượng bất oán Thiên, hạ bất trách nhân” (trên không oán Trời, dưới không trách người)

Chúa Kitô là nhà tâm lý đại tài. Sự ghen ghét, tức giận làm cho tim ta đập mạnh, tay chân mình lạnh ngắt, khó chịu, mất ngủ, nhưng nếu tự mình thay đổi suy nghĩ, thay vì thù ghét thì tội nghiệp họ, yêu thương họ, thì tâm lý mình sẽ khác đi. Tâm hồn mình sẽ tìm thấy niềm vui. Khi gặp họ mình sẽ bình an, vui vẻ.Tất nhiên tâm hồn mình lạc quan, yêu đời.Trong lòng sẽ hân hoan và dĩ nhiên sẽ đem sự hân hoan, vui vẻ đó để gặp gỡ những người chung quanh, thì họ cũng sẽ hưởng lây tâm tình yêu thương, vui vẻ của mình. Mình vui thì họ cũng vui. Bầu khí chung sẽ vui lên.

***

Người đời thường nói “nhất quá tam: Đúng ra là “sự bất quá tam”, ý muốn nói không được quá ba lần. Tha thứ kẻ lầm lỗi, chỉ nên tha thứ ba lần, nếu vi phạm lần thứ tư phải trách phạt. Còn đối với Chú Giê-su thì tha bảy lần bảy.

Bấy giờ Ông Phêrô đến gần Chúa Giêsu và hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,21-22). Nghĩa là phải tha thứ mãi mãi, tha thứ hoài, vô tận.

Làm sao học tha thứ như khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giê-su đã nói: “Hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”

 Phùng Văn Phụng

09-2021 

  • (1)Sách “Quyền năng của một tâm hồn biết ca ngợi” của Merlin Carothers, trang 16 (bản dịch của Linh mục Nguyễn Đức Mầu)
  • (2)Chuyện tái ông mất ngựa hay luật bù trừ,

Tìm hiểu thành ngữ TÁI ÔNG THẤT MÃ 塞翁失

 Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt.”

Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về lại dẫn thêm một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”

Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá nghĩ ngợi, Tái Ông điềm nhiên: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn nên bị quẫn trí.

Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông vì tàn tật nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.

https://www.facebook.com/vuihocchuhan/posts/2797912963662864/

Lời cám ơn đọc trong buổi lễ phát tang

Lời cám ơn đọc trong buổi lễ phát tang

6 giờ tối ngày 13-10-2021

Kính thưa Cha Phó Xứ, quý Thầy Phó Tế, quý vị trong Hội Đồng Mục Vụ và Tài Chánh, các ban ngành của Giáo Xứ Đức Ki Tô Ngôi Lời Nhập Thể cùng cộng đồng dân Chúa.

Kính thưa quí vị,

Con xin đại diện nhà hiếu, trước hết xin cám ơn quí Cha, quí Thầy Phó Tế cùng Ông Bà cô bác và quí anh chị em tham dự lễ phát tang tối hôm nay.

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Thiên Chúa đã soi sáng để con tôi là Quốc gia nhập hội Thánh Chúa, đã được rửa tội trong dịp lễ Vọng Phục sinh vừa qua, vào ngày 03 tháng 04, cách nay 6 tháng, để được làm con cái Chúa.

 Nhờ vậy, trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh và niềm tín thác vào Thiên Chúa toàn năng, chúng con rất đau buồn phải xa cách người thân yêu. Nhưng hy vọng vào lời hứa của Chúa:

“Lòng các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em, và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho anh em rồi, Thầy sẽ trở lại đem anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó.” (Ga 14, 1-3)

Phaolô Phùng Ái Quốc chẳng có công nghiệp gì đáng kể trong đời thường, nhưng cũng nhờ vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa toàn năng, xin Cha trên trời mở lượng hải hà đem linh hồn Phaolô Phùng Ái Quốc vào nước hằng sống của Cha trên trời.

Chắc chắn trong đời sống thường nhật của Phaolô Phùng Ái Quốc đã làm nhiều tội lỗi với Thiên Chúa và phiền lòng các ông bà anh chị em. Chúng con xin cầu cùng Thiên Chúa toàn năng, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria tha mọi tội lỗi cho linh hồn Phaolô. Chúng con cũng xin ông bà và anh chị em tha thứ những lỗi lầm của Phaolô Phùng Ái Quốc đã xúc phạm đến ông bà và anh chị em trong thời gian qua.

Chúng con kính xin ông bà và anh chị em tiếp tục cầu nguyện thêm cho linh hồn Phaolô Phùng Ái Quốc để linh hồn Phaolô sớm được hưởng vinh quang của nước Chúa trên quê Trời thật, hưởng vĩnh phúc đời đời, trong tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa toàn năng.

Con xin đại diện toàn thể gia đình kính xin cám ơn Cha Phó xứ, quí Thầy Phó Tế, quí ông bà, cô bác cùng anh chị em đã bỏ thì giờ đến tham dự lễ phát tang tối hôm nay.

Chắc chắn chúng con có nhiều điều sơ sót. Vì lòng thương yêu gia đình chúng con, xin quí vị niềm tình tha thứ.

Một lần nữa chúng con vô cùng cảm tạ và tri ân.

Phùng Văn Phụng

13 tháng 10 năm 2021

Đọc trong buổi lễ phát tang cho Phùng Ái Quốc

Mời xem vài kỷ niệm hình ảnh của Phaolô Phùng Ái Quốc

https://www.dignitymemorial.com/obituaries/houston-tx/phaolo-phung-ai-quoc-10393661

Thư Cảm Tạ

Thư Cảm Tạ

Gia đình chúng con xin chân thành tri ân và cảm tạ:

Linh mục Gioan Vianney Nguyễn Ngọc Thụ

Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể

Linh Mục Giuse Bùi Phương Tiến

Phó Xứ Giáo Xứ Ngôi Lời

Thầy Phó Tế Nguyễn Sỹ Bạch và Chị Nguyễn Phương

Thầy Phó Tế Đoàn Hồng Phúc và Hạnh

Thầy Phó Tế Nguyễn Cường và Hằng

Thầy Phó Tế Hoàng Dũng và Tâm

Thầy Phó Tế Phạm Hưng và Lan.

Hội đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chánh Giáo Xứ Ngôi Lời

Anh Bùi Minh, Nguyễn Đình Khuyến và anh em Đoàn Liên Minh Thánh Tâm

Anh Vũ Duy Chinh và Ban Xã Hội

Chị Nguyễn Thi Anna và Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Legio Marie, Anh chị Hưng Đại và Đoàn Tông Đồ Fatima, Chị Nguyễn Thị Thê và Dòng Ba Đa Minh. Anh Nguyễn Mỹ và Huynh Đoàn Đa Minh

Ban Điều Hợp Giáo Lý Tân Tòng

Lớp Học Hỏi Thánh Kinh- Con Hẹn Gặp Chúa

Nhóm Cầu Nguyện Kính Lòng Thương Xót Chúa

 Anh Nguyễn Duy Khang và Quý Anh chị em Ca đoàn. Anh Đinh Tấn Nhà quàn Vĩnh Cửu. Anh chị Rung Nga Nguyễn, Cựu Chủ Nguyền Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia đình

Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, Dòng Nữ Đa Minh Houston. Dòng Sứ Giả Fatima

Anh Cao Minh Kim và Hội Ái Hữu Cựu Học sinh trường Châu Văn Tiếp

Lê Hồng Kỉnh và Nhóm Đồng Hương Cần Giuộc và Cần Đước

Thầy Uông Đại Bằng và Cựu Học sinh trường Lương Văn Can

Bố Mẹ đỡ đầu anh chị Phạm Tác và Lưu Thị Sâm

Gia đình Chú Thím Tư, Gia đình chú Thím ba, Chú thím năm, Chú thím sáu, gia đình cô Hà và Diệp Dallas, Gia đình chú thím Phùng Văn Thành ở Việt Nam. Gia đình Anh chị Bày Tri-Kỷ và các con, cháu

Gia đình Thông Gia Bà Quả Phụ Đinh Vương Thân và các con cháu

Gia đình Thông Gia Bà Quả Phụ Ngô Văn Ruy- Chính Taylor và các con cháu

Gia đình Thông Gia Trương Văn Thành và các con cháu

Gia đình Anh Chị Nguyễn Văn Ri và các con gồm Thuyên, Uyên Thy và Bé My.

Anh chị Lê Phát Minh, Nguyễn Tấn Trí và các anh chị em Liên Minh Dân Chủ Việt Nam

Anh chị Nhà Văn Nguyễn Thế Giác

Anh chị em Đoàn Financial Group, Đoàn Hữu Đức, Bảo Hân, Bảo Thy

Anh chị em Bưu Điện

Nhân viên của Hillcroft Medical Clinic

Quý Thân nhân và bạn hữu xa gần ở các tiểu bang khác trong nước Mỹ, ở Úc, Canada, Pháp.

Đã điện thư, điện thoại, an ủi, thăm viếng, cầu nguyện, hiệp thông trong nghi thức phát tang, Thánh Lễ an táng để tiễn đưa người thân của chúng con là:

Phaolô Phùng Ái Quốc

Đến nơi an nghỉ cuối cùng

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria, Thánh cả Giuse ban muôn ơn lành cho quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể quý vị.

Trong lúc tang gia bối rối, có điều chi thiếu sót, kính xin quý Cha, quý Thầy cùng toàn thể quý vị niệm tình tha thứ.

Tang Gia Đồng Bái Tạ

Cha Mẹ: Ông Bà Phùng Văn Phụng

Vợ: Trương Kim Tâm