Trung Quốc lớn mạnh, nền dân chủ ở Đông Nam Á đang chết dần

 Trung Quốc lớn mạnh, nền dân chủ ở Đông Nam Á đang chết dần

Phan Trọng Hoà

Chỉ 5 năm trước, nhiều người lạc quan rằng Đông Nam Á cuối cùng đã đạt được bước ngoặt trên con đường đi tới dân chủ. Vào thời điểm đó, quân đội Myanmar cuối cùng đã nới lỏng quyền lực kéo dài hàng thập kỷ của mình khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015.

Ba năm sau, đảng đối lập của Malaysia đã loại bỏ quyền lực của đảng Mặt trận Dân tộc (BN), liên minh chính trị cầm quyền lâu năm, đánh dấu sự thay đổi chế độ đầu tiên ở Malaysia kể từ khi độc lập năm 1957. Đây là những thay đổi chính trị mang tính địa chấn. Quan trọng hơn, cả hai lần thay đổi quyền lực đều diễn ra sau các cuộc bầu cử tự do, mặc dù không hoàn toàn công bằng nhưng không có đổ máu.

Thụt lùi dân chủ từ Manila đến Naypyidaw

Ngày hôm nay, sự lạc quan đó đã không còn nữa. Thế giới đã đổ dồn chú ý vào sự sụp đổ của Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng 2/2021, dẫn đến các cuộc bạo loạn gây thương vong và mất tích. Tuy nhiên, không chỉ ở Myanmar, tiến trình dân chủ đã có những bước thụt lùi trên khắp khu vực.

Ở Thái Lan, chúng ta đang chứng kiến sự quay trở lại chế độ quân chủ-quân sự với vị vua mới, Maha Vajiralongkorn, người đã yêu cầu thay đổi hiến pháp để giành thêm quyền hành pháp cho chính nhà vua và kiểm soát trực tiếp Cục Quản lý Tài sản Hoàng gia. Hiện ông đã trở thành một trong những quốc vương giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính khoảng 60-70 tỷ USD.

Các vụ đàn áp theo luật “lese-majeste” khét tiếng của Thái Lan (còn được gọi là luật về tội khi quân) ngày càng gia tăng. Luật này thường nhắm tới những người viết bài đăng trên mạng xã hội có nội dung chống chế độ quân chủ. Năm 2020, chính phủ Thái Lan đã khởi kiện Facebook và Twitter vì phớt lờ yêu cầu xóa nội dung bị coi là vi phạm pháp luật. Đáng lo ngại hơn, một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Thái Lan cũng đã chết một cách bí ẩn ở các nước láng giềng.

Tại Philippines, ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền Tổng thống vào tháng 6/2016 và phát động một chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy khiến khoảng 12.000 người nước này thiệt mạng. Ông Duterte cũng đã chỉ trích các phương tiện truyền thông đưa tin về các vụ xét xử tội phạm ma túy này. Trong đó, một nhân vật “có tiếng” chỉ trích chính phủ Philippines đã bị kết tội phỉ báng vào năm 2020. Mạng truyền hình lớn nhất của đất nước, ABS-CBN, cũng đã bị đình chỉ hoạt động dưới áp lực của các đồng minh của ông Duterte trong quốc hội.

Sự lạc quan về “Mùa Xuân Malaysia” đã hoàn toàn biến mất. Hồi năm 2020, chính phủ Pakatan Harapan theo chủ nghĩa cải cách sụp đổ và một liên minh Hồi giáo-Mã Lai mới lên nắm quyền. Với xã hội đa sắc tộc và đa tôn giáo ở Malaysia, việc thành lập Đảng PN không phải là một dấu hiệu tích cực cho nền dân chủ.

Sau đó, hồi tháng 2 vừa qua, chính phủ Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp và ngừng họp quốc hội trong 6 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này nhằm ngăn cản phe đối lập thách thức chính phủ mới.

Singapore, quốc gia giàu có nhất trong khu vực, vẫn nằm trong sự kìm kẹp của Đảng Hành động Nhân dân (PAP), đảng vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2020. PAP đã liên tục nắm quyền kể từ năm 1959.

Điểm sáng duy nhất trong khu vực xuất hiện là Indonesia. Thế nhưng, những đám mây đen đã xuất hiện ở phía chân trời. Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) dường như đang quay lưng lại với các cải cách và “nương tay” với các phần tử Hồi giáo, những người đang muốn biến Indonesia thành một quốc gia Hồi giáo.

Kể từ sau năm 1975, khi Đảng cộng sản thành công trong việc nắm quyền cai trị đất nước, Việt Nam luôn là nước bị phương Tây đánh giá là đất nước thiếu dân chủ vì toàn bộ các thể chế Nhà nước đều do Đảng cộng sản kiểm soát và chi phối.

Đảng Cộng sản Việt Nam mới tổ chức đại hội lần thứ 13 vào hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay. Phải hai tháng sau, nhân sự chủ chốt trong hệ thống chính trị Việt Nam hay còn gọi là “Tứ trụ” thì ngoại trừ chức vụ Tổng Bí thư đã công bố khi kết thúc đại hội, còn lại 3 chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội vừa mới được công bố cách đây không lâu, với lý do để Quốc hội họp và bầu ra. Tuy nhiên, các thông tin rò rỉ từ hồi trước Tết Nguyên đán đã cho biết chính xác từng người sẽ giữ các vị trí còn lại. Điều đó cho thấy sự sắp xếp và dàn dựng các màn bỏ phiếu, như diễn một “vở kịch dân chủ” vậy.

Các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước Trump đều quan tâm đến vấn đề dân chủ ở Việt Nam, nên Chính phủ Việt Nam cũng e dè trong việc kết tội những người bất đồng chính kiến, tuy nhiên dưới thời Trump làm Tổng thống, Mỹ không đặt nặng vấn đề dân chủ, nên chính quyền Việt Nam đã mạnh tay bắt bớ và kết án tù nặng nề rất nhiều những người bất đồng chính kiến, cho dù họ chỉ nói lên tiếng nói của mình, không có một tấc sắt trong tay để chống lại chính quyền.

Cho dù nhà nước Việt Nam luôn tuyên bố Quốc hội là cơ quan dân cử và là cơ quan quyền lực cao nhất, đồng thời người dân được tự do ứng cử, nhưng trong thực tế thì tất cả đều ngược lại. Quốc hội Việt Nam chỉ được quyền phát biểu về những vấn đề Đảng cho phép, cũng không có cơ chế để Quốc hội có thể cách chức những người vi phạm, mà quyền đó sẽ do các cơ quan Đảng phụ trách. Những người dân nào tự ứng cử mà Đảng không cho phép thì sẽ bị bắt giữ, như trường hợp ông Trần Quốc Khánh, Lê Trọng Hùng mới đây.

Tại sao dân chủ lại mong manh ở Đông Nam Á?

Tất cả những động thái trên đang diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc quyết tâm khẳng định vị thế cường quốc thống trị ở Đông Nam Á.

Bắc Kinh đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng họ không thực sự quan tâm đến những chế độ hay hệ thống chính trị nào đang điều hành các nước Đông Nam Á, miễn là các nước này thừa nhận Trung Quốc là cường quốc khu vực không thể tranh cãi và không đặt câu hỏi về chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Điều này đã gián tiếp củng cố bàn tay của các lực lượng phản dân chủ trong khu vực, với một số người công khai ngưỡng mộ hệ thống “nhà nước mạnh” của Trung Quốc.

2019-08-06T055224Z_1623793915_RC1BFB2540B0_RTRMADP_3_VIETNAM-CHINA-SOUTHCHINASEA.JPG

Biểu tình phản đối Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 6/8/2019. Reuters

Trong khi đó, phe ủng hộ dân chủ phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan khá nghiêm trọng. Một mặt, những người ủng hộ đã hy vọng có thêm sự giúp đỡ từ phương Tây, chủ yếu là Mỹ và Australia, để thúc đẩy nền dân chủ trong khu vực. Mặt khác, họ lo lắng họ có thể bị cáo buộc là điệp viên phương Tây, khiến người dân rơi vào tay những kẻ chuyên quyền ủng hộ chủ nghĩa dân tộc dân túy.

Một thách thức khác là sự đa dạng của Đông Nam Á. Không có một khuôn mẫu hay mô hình lịch sử duy nhất nào cho một hệ thống chính trị ổn định và dân chủ trong khu vực. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á là thuộc địa của các cường quốc châu Âu, những nước đã áp đặt các ý tưởng chính trị khác nhau của họ lên các xã hội mà họ kiểm soát. Một điều mà các nhà cai trị thuộc địa đã không làm là thúc đẩy dân chủ. Họ chỉ làm điều này sau khi các thuộc địa cũ của họ giành được độc lập.

Theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á còn tương đối trẻ. Hầu hết các nước hình thành sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Ranh giới và hệ thống chính trị của các quốc gia này phần lớn được quyết định bởi những ông chủ thuộc địa. Điều này có nghĩa là quá trình xây dựng quốc gia vẫn đang diễn ra và phương Tây không nên giả định rằng các quốc gia này tự nhiên sẽ hướng tới xây dựng các nền dân chủ tự do.

Ở nhiều nước Đông Nam Á này, quyền lực truyền thống, thường là chuyên quyền, phong kiến và chuyên chế, vẫn rất mạnh. Trên thực tế, nhiều tầng lớp tinh hoa ở các nước này có thái độ khác nhau đối với nền dân chủ tự do. Mặc dù họ chấp nhận khái niệm bầu cử phổ thông để chọn các nhà lãnh đạo chính trị, song họ cũng tin vào khái niệm “lãnh đạo được định hướng” (guided leadership) để bầu ra nhà lãnh đạo “đúng đắn”.

Ví dụ, Sukarno, nhà lãnh đạo đầu tiên của Indonesia sau khi giành được độc lập, nổi tiếng vì thực hành một “nền dân chủ có định hướng”, trong đó, chính phủ cần phải có sự đồng thuận chính trị và đảm bảo tận dụng các cuộc bầu cử để hợp pháp hóa các nhà lãnh đạo do chế độ lựa chọn.

Đây là lý do tại sao gian lận, mua phiếu bầu và gian lận thùng phiếu là những đặc điểm phổ biến trong các cuộc bầu cử Đông Nam Á. Đây là những cuộc bầu cử mà đôi khi được biện minh là cách thức để có được nhà lãnh đạo “phù hợp”.

Không có câu trả lời dễ dàng nào cho việc thúc đẩy nền dân chủ thực sự ở Đông Nam Á. Đơn giản là chúng ta có thể phải đợi một sự thay đổi thế hệ trước khi điều này bén rễ trong khu vực. Những người trẻ tuổi khao khát dân chủ thực sự, nhưng hiện tại, họ không là lực lượng then chốt trong quân đội hoặc không có quyền hành trong quốc hội.

– Hình minh hoạ. Những người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar cầm cờ Trung Quốc chuẩn bị đốt ở Yangon hôm 5/4/2021

Reuters

– Biểu tình phản đối Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở Manila hôm 4/4/2020. Reuters

– Biểu tình phản đối Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 6/8/2019. Reuters

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay