HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HOA KỲ.
Người Việt đa số mất căn bản chính trị từ gốc nên tranh luận với họ rất mệt. Nhưng nếu họ chịu tranh luận còn đỡ, một số kẻ trái ý là nhảy vào chửi bới, còn không, dùng hình ảnh đại diện của mình đi dán các nơi khác, sau đó viết những comment rất vô học. Họ chẳng biết văn hóa tranh luận mà chỉ biết văn hóa tấn công cá nhân, chửi bới thô tục. Họ nghĩ rằng điều đó có thể hạ thấp người họ chửi, nhưng thật ra chỉ hạ thấp chính họ. Nhưng mặc kệ, loại người này luôn hả hê, sung sướng khi được chửi một ai đó mà không bị chửi lại. Trên thực tế họ là những kẻ hèn nhát, tự ti và hay sống ảo.
Post lại một số bài viết căn bản đi từ cái gốc về nền chính trị Hoa Kỳ nhưng chắc số chịu đọc và chịu suy ngẫm cũng rất ít. Số thích nghe tin giả, xạo láo vẫn nhiều hơn.
HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HOA KỲ.
Hoa Kỳ là một nước cộng hoà liên bang thực hiện chế độ chính trị tam quyền phân lập. Hiến pháp Hoa Kỳ qui định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Mỗi bang có hệ thống hiến pháp và pháp luật riêng nhưng không được trái với Hiến pháp của Liên bang.
Quốc hội Liên bang: Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ gồm Thượng viện và Hạ viện. Ngoài quyền lập pháp, Quốc hội còn giám sát hoạt động của bộ máy hành pháp và tư pháp.
Thượng viện: Gồm 100 thượng nghị sĩ, trong đó mỗi bang có hai thượng nghị sĩ. Các khu hành chính trực thuộc không có đại diện tại Thượng viện. Nhiệm kỳ thượng nghị sĩ là 6 năm. Hai năm một lần, Thượng viện tổ chức bầu cử lại 1/3 số thượng nghị sĩ. Về mặt pháp lý, Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng viện. Song trên thực tế, điều hành công việc hàng ngày của Thượng viện là thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện. Phó Tổng thống chỉ bỏ phiếu khi cần thiết để tránh bế tắc trong trường hợp Thượng viện rơi vào tình huống 50/50 về một vấn đề nào đó.
Hạ viện gồm 435 hạ nghị sĩ. Nhiệm kỳ của hạ nghị sĩ là 2 năm. Khác với Thượng viện, số hạ nghị sĩ đại diện cho bang phụ thuộc vào dân số của bang. Mỗi bang có quyền có tối thiểu một hạ nghị sĩ. Việc phân bổ số hạ nghị sĩ cho các bang được tiến hành 10 năm một lần dựa trên kết quả điều tra dân số. Ngoài ra, các khu hành chính trực thuộc như Samoa, Thủ đô Washington DC, Guam, và Virgin Islands cũng có đại diện không có quyền bỏ phiếu; Khu vực Puerto Rico được đại diện bởi một Cao uỷ thường trú. Đứng đầu Hạ viện là Chủ tịch Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện là người thứ hai sau Phó Tổng thống kế nhiệm Tổng thống.
Phân chia quyền lực giữa hai viện: Cả hai viện đều có quyền quyết định chiến tranh, kiểm soát các lực lượng vũ trang, đánh thuế, vay tiền, phát hành tiền, điều tiết thương mại, và ban hành luật cần thiết cho hoạt động của chính quyền. Trong đó, Thượng viện có đặc quyền cố vấn và thông qua các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài và các chức vụ do Tổng thống bổ nhiệm. Ví dụ, Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được chính phủ hai nước ký tháng 7 năm 2000 và đến tháng 11 năm 2001 mới được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua và đến 10/12/2001 mới có hiệu lực thi hành.
Tất cả các dự luật liên quan đến tài chính (thuế và phân bổ ngân sách) đều do Hạ viện đề xuất; Thượng viện có thể bỏ phiếu thay đổi dự luật của Hạ viện và khi đó hai viện sẽ họp chung để giải quyết bất đồng. Hạ viện có quyền bỏ phiếu buộc tội Tổng thống và các các quan chức liên bang, và Thượng viện có quyền quyết định có bãi chức người bị buộc tội đó hay không.
Cả Thượng viện và Hạ viện đều có những uỷ ban riêng của mình. Tuy nhiên, giữa Thượng viện và Hạ viện có một số uỷ ban phối hợp để xử lý một số công việc chung.
Dân biểu (thượng và hạ nghị sĩ liên bang và bang) được bầu từ các khu vực bầu cử: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các dân biểu là bảo vệ và đem lại càng nhiều lợi ích cho các cử tri của mình càng tốt. Một trong những cách thông thường nhất để thực hiện nhiệm vụ này là đấu tranh dành ngân quĩ liên bang và bang cho các dự án ở khu vực bầu cử của mình. Khá nhiều khoản tiền dành cho các dự án ở địa phương được lẩn trong các khoản tiền phân bổ cho các cơ quan của chính quyền liên bang và bang.
Một cách khác mà các dân biểu thường làm là kiến nghị và vận động các cơ quan lập pháp và hành pháp thông qua các luật pháp và quyết định có lợi cho cử tri của mình. Ví dụ, nhiều thượng và hạ nghị sĩ của các bang ở Hoa Kỳ có nuôi cá catfish đã bảo trợ và tích cực vận động Quốc hội Liên bang thông qua dự luật cấm cá da trơn của Việt Nam mang tên catfish trên thị trường Hoa Kỳ.
Chính quyền liên bang: Quyền hạn của chính quyền liên bang do Hiến pháp Liên bang qui định và chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực có ảnh hưởng đến toàn liên bang như ngoại giao, quốc phòng và an ninh, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý di dân, bảo hộ sở hữu trí tuệ, và một số lĩnh vực khác.
Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp liên bang và được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm. Theo luật hiện hành, mỗi tổng thống chỉ được phục vụ không quá 2 nhiệm kỳ. Tất cả các dự luật liên bang được Quốc hội liên bang thông qua phải được Tổng thống ký mới trở thành luật. Hiến pháp cho phép Tổng thống quyền phủ quyết dự luật đã được Quốc hội liên bang thông qua.
Ngoài Tổng thống, bộ máy hành pháp Hoa Kỳ còn có Phó Tổng thống, 15 bộ và trên 60 ủy ban độc lập. Các bộ trưởng do Tổng thống bổ nhiệm và phải được Thuợng viện thông qua.
Trong hệ thống hành pháp liên bang còn có Văn phòng Nhà trắng, Văn phòng quản trị và tài chính, các hội đồng cố vấn. Các hội đồng cố vấn đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách của Tổng thống. Đáng chú ý nhất là Hội đồng an ninh quốc gia, Hội đồng cố vấn kinh tế, và Hội đồng chính sách phát triển.
Hệ thống tòa án liên bang: Hệ thống tòa án liên bang gồm Tòa án liên bang tối cao và các tòa án liên bang khu vực. Chánh án và các thẩm phán Tòa án tối cao liên bang do Tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện thông qua với nhiệm kỳ suốt đời. Những người này chỉ từ nhiệm khi họ muốn hoặc bị buộc tội. Toà án tối cao liên bang có quyền vô hiệu hoá bất cứ luật lệ liên bang hoặc bang nào mà toà xét thấy là trái với Hiến pháp. Ví dụ, năm 1897, Toà án tối cao liên bang đã ra phán quyết bác bỏ luật của Bang Louisiana cấm mua bảo hiểm của các hãng bảo hiểm ngoài bang trừ phi các hãng bảo hiểm đó đáp ứng đuợc một số điều kiện tiên quyết nhất định.
Các đảng phái chính trị: Hệ thống chính trị Hoa Kỳ chủ yếu do hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa kiểm soát. Đảng Dân chủ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục và công ăn việc làm cho nguời nghèo, và do vậy được đông đảo người nghèo và giới công đoàn ủng hộ. Đảng này chủ trương tăng cường quyền quản lý hành chính trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Ngược lại, Đảng Cộng hòa muốn giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ đối với nền kinh tế, để nền kinh tế vận động theo qui luật của thị trường. Đảng này thường quan tâm nhiều hơn đến các giới chủ, các thế lực tài phiệt, giới chuyên gia và các tầng lớp trung lưu. Trong lĩnh vực đối ngoại, Đảng Cộng hòa thường chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự và cứng rắn hơn trong việc giải quyết các xung đột quốc tế.
Trong các cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ ứng cử viên Đảng Cộng hòa thường có ưu thế tại các bang phía Nam, trong khi đó ứng cử viên Đảng Dân chủ thường có ưu thế tại các bang phía Bắc.
Hệ thống chính quyền bang: Hệ thống chính quyền bang nói chung cũng tương tự như hệ thống chính quyền liên bang. Đứng đầu ngành hành pháp bang là thống đốc bang. Thống đốc bang do cử tri bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 2 hoặc 4 năm tùy theo bang. Có bang giới hạn số nhiệm kỳ của thống đốc bang, có bang không. Ngoài quyền hành pháp, thống đốc bang còn có quyền kiến nghị và phủ quyết luật pháp bang, và một số quyền tư pháp.
Ở cấp bang cũng có quốc hội bang gồm 2 viện như liên bang (trừ Bang Nebraska chỉ có một viện). Quốc hội bang cũng có quyền làm một số luật áp dụng trong bang (chủ yếu trong các lĩnh vực an sinh xã hội như y tế, giáo dục, an toàn, đạo đức, và phúc lợi của dân chúng trong bang). Quốc hội bang có quyền sửa đổi và thông qua ngân sách bang do thống đốc bang đề xuất, trong đó có việc tăng, giảm, hoặc hoàn thuế. Dưới bang là quận, thành phố, thị trấn, và làng.
Hoạt động vận động hành lang: Có thể nói vận động hành lang là một trong những đặc trưng nổi bật của hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Tại Thủ đô Washington DC hiện nay có tới trên 12 nghìn người vận động hành lang chuyên nghiệp hoạt động. Các doanh nghiệp, các công đoàn, các hiệp hội kinh doanh, các nhóm tôn giáo, các trường đại học, các bang, các tổ chức xã hội, thậm chí cả chính phủ nước ngoài đều tiến hành các hoạt động vận động hành lang.
Vận động hành lang được coi là một hình thức đề đạt ý nguyện của dân chúng đến các các cơ quan quản lý nhà nước; do vậy, được pháp luật Hoa Kỳ cho phép. Trên thực tế, các nhóm lợi ích thường tiến hành các hoạt động vận động hành lang để tác động tới các quyết định lập pháp và hành pháp nhằm phục vụ cho lợi ích của mình. Vận động hành lang cũng có thể không liên quan đến một biện pháp luật pháp hoặc chính sách hoặc quyết định cụ thể mà chỉ nhằm cổ vũ cho một quan điểm hoặc một mối quan tâm nào đó.
Vận động hành lang không chỉ đơn thuần là nêu kiến nghị hoặc nguyện vọng. Những người vận động hành lang thường phải cung cấp các lý lẽ, chứng cứ, và thậm chí các bằng chứng khoa học có sức thuyết phục hỗ trợ cho kiến nghị hoặc nguyện vọng của mình. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, những thông tin và lý lẽ thu lượm được từ các hoạt động vận động hành lang cũng là những nguồn thông tin bổ xung tốt phục vụ cho các cơ quan này trong công việc lập pháp và hành pháp của mình.
Các hoạt động vận động hành lang có thể do nhóm hoặc cá nhân có lợi ích trực tiếp tiến hành bằng cách gặp gỡ, gọi điện thoại, hoặc gửi kiến nghị đến các dân biểu của mình cũng như với các cơ quan chính quyền. Vận động hành lang cũng có thể được tiến hành một cách gián tiếp thông qua các chiến dịch báo chí truyền thông, thuê các công ty hoặc cá nhân vận động hành lang chuyên nghiệp thay mặt tiến hành những việc nói trên, thông qua các tổ chức quần chúng, đảng phái, thậm chí thông qua các cuộc biểu tình…
Các tổ chức và cá nhân làm dịch vụ vận động hành lang chuyên nghiệp có thu tiền đều phải đăng ký với Quốc hội, trừ những những trường hợp có mức phí dịch vụ dưới 5.000 USD trong thời gian 6 tháng. Thời hạn đăng ký là trong vòng 45 ngày kể từ khi bắt đầu tiếp xúc vận động hành lang hoặc kể từ ngày ký hợp đồng với khách hàng.
Hầu hết các hiệp hội kinh doanh và công ty lớn của Hoa Kỳ đều có đại diện của mình ở Thủ đô Washington DC và ở thủ phủ các bang mà họ có hoạt động kinh doanh để tiến hành các hoạt động vận động hành lang đối với quốc hội và chính quyền liên bang và bang.
Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, các công ty Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến các vòng đàm phán thương mại đa biên và song phương giữa Hoa Kỳ và các nước. Họ thường xuyên vận động và thậm chí gây sức ép với Quốc hội và Chính quyền liên bang để đảm bảo kết quả các cuộc đàm phán thương mại quốc tế có lợi cho hoạt động kinh doanh của mình.