‘Con người là vốn quý!’
Huy Phương
Saving Private Ryan (Giải cứu Binh Nhì Ryan) là một bộ phim chiến tranh sản xuất năm 1998, lấy bối cảnh của cuộc Đệ II Thế Chiến, tác giả là Robert Rodat và đạo diễn là Steven Spielberg, dựa theo một chuyện có thực ngoài đời.
Câu chuyện bắt đầu khi Tham mưu trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Tướng George C. Marshall, được thông báo việc ba người con trai trong một gia đình tử trận ngoài chiến trường, và người mẹ đã nhận được tin buồn này của Bộ Quốc Phòng trong cùng một ngày.
Khi biết rằng người mẹ này đang còn một đứa con trai thứ tư là Binh Nhì Ryan vẫn đang chiến đấu ngoài mặt trận, Tướng George C. Marshall quyết định cử một toán quân nhân có nhiệm vụ đặc biệt là vào trận chiến, đi tìm người lính này và đưa anh ta về với một gia đình đã bị mất mát quá nhiều trong chiến tranh. Khu vực tìm kiếm rất nguy hiểm vì trận chiến khốc liệt, và các đơn vị thì liên tục di chuyển, cũng không biết binh II Ryan còn sống hay đã tử trận, vì quân đội Hoa Kỳ không biết chính xác Ryan đang ở đâu.
Đơn vị đặc biệt này gồm có 8 người được cử đi tìm Ryan trong bom đạn, cuối cùng đã mang anh ta về được với gia đình, nhưng toán binh sĩ đặc nhiệm này đã bị mất mát, không còn nguyên vẹn.
Chúng ta bỏ qua việc “Saving Private Ryan” được Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ Mỹ xếp là bộ phim Mỹ vĩ đại thứ 71 trong vòng 100 năm và sự thành công vượt bực tại các phòng vé, cũng như, bộ phim đã được đề cử 11 giải Oscar trong lễ trao giải Oscar lần thứ 71 (1999), mà nói đến nội dung của cuốn phim.
Đi tìm một người lính trong 174,000 người lính đang hành quân chiến đấu trong vùng trời lửa đạn không phải là một công việc dễ dàng, nhưng chỉ vì những cấp chỉ huy quân đội muốn “giải cứu” một người con trai cuối cùng trong một gia đình đã hy sinh quá nhiều, đem về cho gia đình họ. Sinh mạng nào cũng đáng quý, và nỗi khổ đau tuyệt vọng của gia đình nào cũng được đất nước quan tâm. Chuyện này không phải ai cũng làm được và ở chế độ nào cũng có.
Trong hoàn cảnh của miền Nam Việt Nam, ngay trong thời điểm có chiến tranh khốc liệt là lúc Cộng Sản Bắc Việt dốc toàn lực để thôn tính miền Nam, trong “Sắc Lệnh Động Viên mới” (1968,) vẫn có điều khoản ấn định rõ ràng về chuyện hoãn dịch gia cảnh.
Có 3 trường hợp được hoãn dịch về gia cảnh:
1- Con độc nhất trong gia đình.
2- Đương sự có 5 con phải nuôi dưỡng.
3- Gia đình có cha mẹ già từ 60 tuổi trở lên, có 2 con trai, nhưng một người đang tại ngũ, người còn lại được hoãn dịch.
Quốc gia nào cũng quý mạng sống con người và thấu hiểu đến từng hoàn cảnh gia đình của từng công dân.
Nhưng đối với người Cộng Sản thì không! “Cứu cánh biện minh cho phương tiện,” là câu giải thích, miễn sao hoàn thành được mục đích, còn phương tiện không đáng kể!
“Non! Pas du tout!” Đó là câu trả lời lạnh lùng của Võ Nguyên Giáp nói với báo chí quốc tế khi người ta hỏi viên tướng này là ông có hối tiếc gì về chuyện 4 triệu người Việt chết vì chủ nghĩa Cộng Sản hay không?
Nhà báo Nick Turse trên New York Times viết: “Với người Mỹ, mạng sống ở Việt Nam từng quá đỗi rẻ mạt,” và Tướng Westmoreland, cựu tham mưu trưởng Lục Quân Mỹ, cho rằng Tướng Võ Nguyên Giáp đã “không tiếc tính mạng binh lính để đổi lấy chiến thắng.”
Câu nói thường nghe trong chế độ Cộng Sản là “cứu cánh biện minh cho phương tiện,” nên “dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn,” “đánh Mỹ đến cái lai quần,” để thôn tính miền Nam, người ta vẫn làm!”
Có người phê bình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi ông nói: “Nếu Mỹ viện trợ 1.4 tỷ đô la Sài Gòn sẽ kiểm soát được toàn miền Nam; 1.1 tỷ đô la, Sài Gòn sẽ mất một nửa Quân Khu I về phía Bắc; nếu chỉ còn 900 triệu đô la, sẽ mất toàn bộ Quân Khu I và Quân Khu II.”
Nhưng Lê Duẫn lại nói về sinh mạng con người: “Nếu Trung Quốc nhiệt tâm giúp đỡ thì miền Bắc đỡ hy sinh 2-3 triệu người,” có nghĩa là đàn anh không giúp đỡ thì Bắc Việt sẽ hy sinh 2-3 triệu người đó, sẵn sàng nhuộm đỏ miền Nam, giữ vững tinh thần quốc tế vô sản!
Trong cuộc tiến công miền Nam, khi chiến trường miền Nam hao hụt nhân mạng, Lê Duẫn vét cả 10,000 người gồm cả sinh viên và giảng viên trẻ từ cả 30 trường đại học và cao đẳng Hà Nội, mặc áo trận, qua sông Bến Hải để quyết thắng.
Trong câu chuyện “Saving Private Ryan,” chỉ thị từ Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ là phải vào trận chiến khốc liệt để tìm cho ra Binh Nhì Ryan, người lính đã có ba người anh hy sinh trong cuộc chiến để mang về cho gia đình anh, một câu chuyện đầy tính nhân bản trong một quân đội của các nước dân chủ, tự do. Đối với ý thức cộng sản, vét tận nhân lực được chừng nào hay chừng đó, cho mục đích cuối cùng, không cần thương tiếc.
Báo chí Việt Nam đã từng ca tụng những “Bà Mẹ Anh Hùng” cống hiến hết cho đảng đến giọt máu cuối cùng.
Đến tháng 12 năm 2008 có gần 50,000 phụ nữ được tặng, hoặc truy tặng danh hiệu này. Một “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng,” được ca tụng là Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010), quê Điện Bàn, Quảng Nam, đã vét hết sinh mạng của gia đình gồm có chồng, chín người con trai, một con rể và hai cháu ngoại dâng hiến cho sự nghiệp “giải phóng miền Nam của đảng.” Bà Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận và bà Nguyễn Thị Rành ở Sài Gòn, mỗi nhà có 8 người con liệt sĩ.
Sinh mạng con người ở trong chế độ nào là đáng quý? (Huy Phương)