Hai người Trung Quốc đào trộm mộ vua ở Thanh Hóa

Ba’o Dat Viet

May 8, 2025

Hai người đàn ông Trung Quốc bị bắt khi đang trên đường trốn về nước sau khi mang thiết bị dò kim loại đến khu di tích Lam Kinh để đào bới lăng mộ vua Lê Túc Tông – một phần linh thiêng của lịch sử Việt Nam.

Chiều ngày 6 Tháng Năm, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hai nghi can Deng Zhiji (41 tuổi) và Shen Jiangyang (43 tuổi), đều quê ở Quảng Tây, Trung Quốc. Cả hai bị cáo buộc “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và đã được bàn giao cho công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra.

Trước đó, vào tối 3 Tháng Năm, trong lúc tuần tra khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, lực lượng bảo vệ di tích phát hiện dấu hiệu lạ: một khu đất có dấu vết đào bới, kèm theo một điện thoại di động có cài đặt tiếng Trung, giấy tờ tùy thân và một dụng cụ kim loại để xăm dò lòng đất. Tất cả đều nằm gần khu vực nơi từng an táng vị vua thứ bảy của triều Lê sơ – người chỉ trị vì vỏn vẹn bảy tháng trước khi băng hà vào năm 1504.

“Chúng dùng thiết bị dò xuyên đất để tìm đồ tùy táng có giá trị, có thể là vàng bạc, ngọc ngà hoặc cổ vật quý hiếm,” đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa xác nhận. Vụ việc đã lập tức được báo cáo lên Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Nhận tin báo, công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với công an tỉnh Quảng Ninh lập tức mở cuộc truy bắt. Đến khoảng 2 giờ 15 chiều 4 Tháng Năm, cảnh sát giao thông Quảng Ninh kiểm tra một xe taxi ở khu vực Móng Cái – cửa ngõ biên giới Việt – Trung, thì phát hiện và bắt giữ hai nghi can đang chuẩn bị xuất cảnh.

Tại cơ quan điều tra, cả hai khai nhận đã nhập cảnh vào Việt Nam hôm 28 Tháng Tư qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, mang theo thiết bị dò kim loại và bộ dụng cụ chuyên dụng để “săn cổ vật.” Tại Thanh Hóa, họ thuê xe máy để tiếp cận khu di tích Lam Kinh, nghiên cứu địa hình và chuẩn bị dụng cụ như khoan điện, dây thừng, cưa tay, bao bì, cuốc xẻng.

Ngày 3 Tháng Năm, họ thực hiện hành vi đào bới tại lăng mộ nhưng không tìm được gì đáng giá. Khi thấy có người xuất hiện gần đó, cả hai vội bỏ lại dụng cụ, trốn chạy.

Theo báo Dân Trí, lăng mộ vua Lê Túc Tông từng bị tàn phá trong quá khứ, chỉ còn lại một số gạch vồ mỏng. Sau khi khảo sát lại vào năm 1997, khu mộ được phục dựng, xây bằng gạch và trát xi măng bên ngoài.

Hành vi đào trộm mộ không chỉ là hành vi phạm pháp nghiêm trọng, mà còn là sự xúc phạm đến di sản quốc gia và linh hồn tổ tiên người Việt. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử hàng trăm năm tuổi, vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về lỗ hổng trong việc bảo vệ các khu di tích linh thiêng – đặc biệt là trước sự nhòm ngó từ bên ngoài.

Liệu đây chỉ là vụ việc đơn lẻ, hay đằng sau còn một đường dây săn cổ vật xuyên biên giới? Nhà Cầm Quyền CSVN có dám làm rõ đến tận gốc, hay sẽ chỉ dừng lại ở việc xử lý “hai cá nhân xâm phạm”?


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay