Một chuyến đi đầy nước mắt: Thăm viếng người cùi ở Việt Nam

Ba’o Nguoi-Viet

January 3, 2025

Kiều Mỹ Duyên

QUI NHƠN, Việt Nam (NV) – Phái đoàn Hội Bạn Người Cùi vừa đi Qui Nhơn, Việt Nam, thăm một số người cùi hôm 26 Tháng Mười Một, 2024.

Linh Mục Đặng Văn Chín (bìa phải) thăm hỏi người cùi tại trại Quy Hòa. (Hình: Kiều Mỹ Duyên cung cấp)

Phái đoàn gồm có Linh Mục Đặng Văn Chín (hải quân trung tá quân đội Mỹ và là linh hướng của hội), ông bà Lê Quang và Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông bà Lê Khoa và Bình Nguyễn, ông bà Lê Thanh Phong và Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm, và người viết bài tường thuật này.

Khi về đến Sài Gòn, phái đoàn được Soeur Bảy Phụng, mẹ bề trên Dòng Mến Thánh Giá, đón tiếp tại nhà dòng ở Phú Nhuận. Soeur Bảy Phụng là em ruột Đức Ông Nguyễn Văn Phương, cựu chánh văn phòng Bộ Truyền Giáo Tòa Thánh Vatican.

Sau đó, chúng tôi đi thăm Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, nguyên giám mục Giáo Phận Vinh và từng là giám mục tiên khởi Giáo Phận Hà Tĩnh. Sau đó, phái đoàn đi thăm Giám Mục Trần Đình Tứ, nguyên giám mục Giáo Phận Phú Cường.

Ngày hôm sau, chúng tôi bay đến Qui Nhơn thăm bệnh nhân cùi ở trại cùi Quy Hòa. Nhà thơ Hàn Mạc Tử với những vần thơ tuyệt tác cũng gắn liền với căn bệnh phong cùi quái ác đã khiến ông có những tháng ngày cuối đời sống trong đau đớn, ra rồi ra đi ở tuổi 38 tại trại cùi Quy Hòa.

Bà Nguyễn Thị Soi (bìa phải) ân cần hỏi thăm người cùi. (Hình: Kiều Mỹ Duyên cung cấp)

Trại cùi này do Linh Mục Paul Maheu thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) thành lập hồi thập niên 1920, cách Qui Nhơn 5km về phía Nam, tại một thung lũng bình yên vắng lặng hiếm có, xung quanh là núi đồi, mặt hướng ra biển.

Hiện nay, trại có khoảng 1,000 người với gần 300 gia đình. Họ sống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt lên nỗi đau bệnh tật. Tượng Linh Mục Paul Maheu được tạc đặt trang trọng trên bục cao trong cổng bệnh viện.

Trong trại có một nhà thờ nguy nga tráng lệ, xung quanh là rừng cây.

Chúng tôi đi thăm nhà quàn, do Hội Bạn Người Cùi giúp tiền để xây trong làng người cùi. Nhà quàn để quan tài người chết. Phật Giáo thì có hình Phật, Công Giáo thì có hình Chúa. Gần nhà quàn là nghĩa trang của người cùi. Giám Mục, linh mục, dì phước từ Pháp đến đây, suốt đời sống với người cùi, lây bệnh cùi, chết rồi lại không đem về Pháp, ở lại đây, chôn trong nghĩa trang người cùi.

Anh Bình Nguyễn, chuyên viên thu hình làm việc với Hội Bạn Người Cùi hơn 20 năm, hướng dẫn chúng tôi đi thăm nghĩa trang này. Nghĩa trang không người chăm sóc, cả hai nghĩa trang cùng như thế. Nghĩa trang trong rừng ít người biết đến thì làm sao có người chăm sóc? Người sống không đủ cơm ăn, áo mặc thì làm sao chăm sóc mồ mả người chết chứ?

Ông Lê Quang (bìa phải) trao học bổng cho con em người cùi. (Hình: Kiều Mỹ Duyên cung cấp)

Phái đoàn được soeur bề trên hướng dẫn đi thăm người cùi. Mỗi gia đình ở trong một ngôi nhà nhỏ xíu, lợp bằng tôn, trước nhà không có vườn, sân nhỏ xíu gồm cha mẹ, con gái, con rể, con trai, con dâu, và các cháu, vì ở chung nên bị lây. Bác sĩ cho biết bệnh cùi không lây, nhưng nếu người cùi ẵm con cháu, thì mủ của người cùi sẽ lây cho người nào ở gần người cùi. Muỗi đốt người ban ngày, khi bị muỗi đốt thì ngứa, gãi, sau đó dễ bị người cùi lây lan. Một thanh niên 26 tuổi bị cùi mất các ngón tay, ngón chân. Không hiểu sao đến bây giờ có thuốc chữa bệnh cùi, vậy mà người cùi vẫn có mặt ở khắp nơi. Có lẽ vì sống chung với nhau, quý vị nhìn những hình ảnh trong bài này sẽ không cầm được nước mắt. Phái đoàn chúng tôi người nào cũng rơi nước mắt trong suốt chuyến đi.

Hôm sau, chúng tôi họp mặt để trao học bổng cho 78 con cháu người cùi. Trong đó có Bác Sĩ Hòa, từng sang Mỹ thăm đồng hương. Hiện nay, có một số cháu đang học y khoa, một số lớn đã tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm, là y tá, dược sĩ, kỹ sư, giúp đỡ lại các gia đình cùi.

Một chuyến đi đầy nước mắt, người khốn khổ trên thế gian này nhiều quá. Người cùi không đủ cơm ăn, áo mặc, ở trong rừng, ở khắp nơi. Những nơi có người cùi nhiều nhất là ở rừng núi, cao nguyên Trung Phần, Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku, biên giới Việt Miên, Việt Lào, Bảo Lộc, Lâm Đồng, rừng núi Bắc Việt, đồng bằng sông Cửu Long. Các tu sĩ chăm sóc người cùi là linh mục, dì phước, thượng tọa, đại đức, ni sư, sư cô và được sự giúp đỡ của các đồng hương từ các quốc gia Mỹ Châu, Úc Châu, Âu Châu,… Hội Bạn Người Cùi cảm ơn quý đồng hương ở hải ngoại gửi tiền giúp bệnh nhân cùi trong 30 năm qua. Mỗi gia đình một tháng được $15 và gạo, mì, thực phẩm,…

Linh Mục Nguyễn Đình Phụng (giữa), thuộc Giáo Phận Kontum, cùng một số người cùi tại trại cùi Quy Hòa. (Hình: Kiều Mỹ Duyên cung cấp)

Mong các hội từ thiện quốc tế biết được những người cùi ở Việt Nam tình trạng như thế nào để giúp đỡ họ. Hiện nay, Hội Bạn Người Cùi giúp đỡ 4,000 người cùi ở Kontum, Gia Lai, Qui Nhơn, Bến Cát, Bình Dương. Nhưng còn hàng trăm ngàn người cùi ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, Đà Lạt hay những nơi khác như Lạng Sơn, Bắc Ninh, và nhiều nơi ở Việt Nam. Mong đồng hương có về Việt Nam nên thăm người cùi, hỏi các soeur, các sư cô là biết những trại cùi ở đâu?

Đến thăm những người tận cùng của sự đau khổ mới biết mình có phước, được sống hạnh phúc ở đây, con cháu được học hành tử tế. Mỗi năm, ở Mỹ, thức ăn thừa đem đổ, tiêu tốn cả tỷ đô la, trong lúc người nghèo khổ ở Việt Nam, những trẻ em mồ côi, những người cùi cần thức ăn, cần lắm bà con ơi!

Xin Trời Phật, xin Chúa ngó xuống thương xót người tàn tật, người mù, người cùi, người khốn khổ ở Việt Nam.

Xuân năm nay, chúng tôi chân thành cầu nguyện cho người cùi, người nghèo, người mù ở Việt Nam có được một bữa ăn đầy đủ trong mùa lễ và Tết này. [đ.d.]


 

Được xem 4 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay