Tác Giả: Nguyễn Văn Lục
25/10/2024
Những cố gắng cuối cùng để thoát khỏi Sài Gòn. Nguồn: Hugh van Es/REUTERS
50 năm nhìn lại ngày 30 tháng Tư, chỉ mong rằng sau này, người ta biết coi là một bài học đau thương của cả một dân tộc.
15-4, 1975 | Phúc trình về số vũ khí viện trợ còn lại ở miền Nam
Theo thông tin của hãng AP, tin từ Ngũ Giác đài cho hay số vũ khí, đạn dược, máy bay bị hủy hoại hiện nay tính bằng tiền là 780 triệu Mỹ kim. Nhưng nếu tính cá các kho hàng, phi trường, bến cảng thì số tiền lên đến từ 5 đến 10 tỷ. 300 máy bay mà một nửa là trực thăng đã bị mất, hoặc bất khả dụng vì thiếu phụ tùng thay thế.
Trong cuộc triệt thoái Tây nguyên, chúng ta để mất hầu như hơn phân nửa các xe tải, súng đại bác cũng như các xe tăng.
15- 4 | Lời tuyên bố của Thái tử Sihanouk
Theo tin của hãng Reuters, từ Paris cho hay, thái tử Norodom Sihanouk của Cam Bố tuyên bố, ông sẽ rút lui khỏi chính trường trong trường hợp chính quyền hiện tại rơi vào tay cộng sản. Ông nói, “Sau chiến thắng, tôi tin chắc là tôi sẽ rút lui. Tôi đã ở ngôi vua từ lúc 18 tuổi cho đến nay tôi dã 52 tuổi. Tôi nghĩ rằng tôi đã phục vụ đầy đủ xứ sở của mình.” Ông nói thêm, “Tôi không phải người cộng sản, tôi cũng không phải Khmer rouge. Tôi không muốn là thứ bù nhìn của Khmer rouge.”
15-4, 1975 | Sau 7 ngày bị bao vây và pháo kích liên tục
Bản đồ mặt trận Xuân Lộc , tháng Tư 1975. Nguồn: Gucci | vnafmann.com
Xuân Lộc (Long Khánh), sau 7 ngày đêm bị bao vây và phái kích liên tục. Nhưng vẫn đứng vững. Phát ngôn viên quân đội Việt Nam cho hay hiện nay họ rút ra bên lề thành phố.
Về phía cộng sản, sau 7 ngày giao tranh, Văn Tiến Dũng đã liên lạc với Bộ chính trị tại Hà Nội cho thêm thời gian để tổng tấn công Sài Gòn.
Văn Tiến Dũng nhận định rằng sư đoàn 18 của tướng Lê Minh Đảo đa cầm cự một cách dũng cảm. Mặt khác, tướng Nghi ở Phan Thiết cũng gây cản trở không ít cho việc tiến quân từ Phan Rang vào. Các cánh quân từ vùng một chưa thể kịp thời điều động kịp thời vào miền Nam để tiếp tay đánh chiếm An Lộc
Bộ chính trị từ Hà Nội đã cấp thời trả lời: Đồng ý thời hạn cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong bức điện tín ký tên Lê Duẩn.
Tin buồn cho Xuân Lộc là Phan Rang đã mất. Phần phi trường Biên Hòa thì bị cộng quân pháo kích nặng nề và trở nên tê liệt. Việc tiếp tế cũng như hỗ trợ bỏ bom bị giới hạn rất nhiều. Số phận An Lộc sẽ tùy vào đó để có thể đương đầu với sự tấn công của cộng quân.
Nhưng trong suốt cuộc thoái quân của quân đội VNCH, người ta thấy rằng nếu muốn, chúng ta có thể cầm cự lâu hơn là chúng ta tưởng! Xuân Lộc đứng vững từ 9 đến 22 tháng Tư, 1975 là một bằng chứng.
Sáng ngày 15 tháng tư, 1975
Đây là lần đầu tiên, phi trường Biên Hòa bị pháo kích. Đoàn 325 từ Huế đã vào vị trí tân công ở Xuân Lộc. Trung bình một ngày Xuân Lộc nhận lãnh 2000 quả đạn pháo kích. Một đơn vị quân đội ở phía Đông Xuân Lộc đã được trực thăng bốc đi.
Tình hình quân sự càng lúc càng tỏ ra lún sâu thì các vận động chính trị càng trở nên ráo riết.
26 nhà chính trị ở Sài Gòn trong một thông cáo vào ngày 13 thúc dục chính quyền nhường lãnh thổ để có thể để đạt tới ngưng bắn.
Tinh thần chủ bại lan rộng vào nhiều tầng lớp dân chúng.
TT Trí Quang, nổi tiếng một thời, tuyên bố một cách buồn bã vào ngày 15-4 là “Chiến tranh đã thua. Tất cả mọi chuyện, ngay cả tín ngưỡng rồi cũng sẽ bị tiêu diệt khi cộng sản nắm chính quyền.”
Lời tuyên bố muộn màng. Nhưng có còn hơn không!
16 tháng tư, 1975
Bản đồ VNCH Ngày 16 tháng Tư. Nguồn AP
Cánh quân ở Phan Rang với 2500 binh sĩ đã rút lui khỏi Phan Rang bằng đường biển, khi bị cộng quân với quân số 5000 người tấn công có xe tăng yểm trợ. Phan Rang cách Sài Gòn 165 dặm.
Cộng quân nay kiểm soát 18 thành phố trên tổng số 44 và chiếm hai phần ba lãnh thổ miền Nam.
Nguồn tin quân sự cho hay sau khi quân đội VNCH rút đi, máy bay đã đến bỏ bom phi trường Phan Rang. Có thể có hai sĩ quan cao cấp của VNCH đã bị cộng sản bắt cầm tù.
Cũng ngày hôm nay, phi trường Biên Hòa tiếp tục bị pháo kích và bộ chỉ huy của quân đoàn III. Có 4 máy bay phản lực F5 đã bị phá hủy và căn cú không quân Biên Hòa phải tạm đóng cửa.
Sư đoàn 18 đóng ngoài Xuân Lộc cho đến lúc này cũng khó thoát khỏi bị tràn ngập. Hàng ngàn quả pháo đã rót vào Gia Kiệm, cách Xuân Lộc 8 dặm và có khoảng 2000 binh sĩ sư đoàn 18 đang trấn giữ ở đó. Gia Kiệm cách Sài Gòn 38 dậm.
Người ta nhận thấy cộng quân dùng chiến xa của VNCH bỏ lại khi tháo chạy để tấn công ngược lại binh sĩ VNCH. Tinh Thần binh sĩ vì thế càng xuống thấp.
Ngày 16 tháng Tư | Tin vui hay tin buồn
Theo tin của UPI, từ Washington cho hay Quốc Hội Hoa Kỳ vừa chấp thuận chuẩn chi 200 triệu đô la để giúp việc di tản 5000 người Mỹ và 174.000 người Việt Nam. Thượng nghị sĩ John. J. Sparkman thuộc tiểu bang Alabama nói thêm rằng Quốc Hội cũng cho phép di tản ngay 4000 người Mỹ nội trong tuần này, còn lại 1000 người trong tuần sau. Ngoài ra còn có khoảng 200 triệu cho viện trợ nhân đạo.
Cho đến lúc này, Kissinger còn yêu cầu Quốc Hội Mỹ cấp tốc chuẩn chi 1.3 tỉ đô la cho Việt Nam.
Khả năng và sức mạnh duy nhất mà quân đội miền Nam có được là các cuộc thả bom xuống các vùng do địch chiếm đóng. Vậy mà phần đông các máy bay F-5 và A-37 tại căn cứ không Biên Hòa không cất cánh được vì các cuộc pháo kích của cộng quân.
Chỉ có không quân mới có thể làm chậm bước tiến của cộng sản.
Và theo các giới chức Hoa Kỳ, không có máy bay, VNCH sẽ bị tràn ngập bởi ưu thế về người và ưu thế quân sự và những tuần lễ tới đây là những tuần lễ quyết định cho số phận miền Nam. Đã thế, do sự cung cấp của Nga Xô các loại hỏa tiễn surface-to-air missile đã làm giảm thiểu khả năng uy thế của máy bay của không lực Việt Nam.
Ngày 20 tháng tư, 1975
Đại sứ Mỹ Martin đến gặp Thiệu không phải với tư cách đại diện nước Mỹ hay đại sứ Mỹ mà như một người bạn để bàn vệc Thiệu cần ra đi. Cuộc nói truyện kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Đại sứ Martin không hẳn khuyến khích ông Thiệu từ chức. mà ông nghĩ rằng trước lúc chia tay, Tổng thống Thiệu hứa rằng, ông sẽ làm điều gì xét rằng tốt nhất cho đất nước của ông.
Ngày 22 tháng Tư | Thiệu từ chức
Trong diễn văn từ chức, ông Thiệu, một lần chót trước công chúng, đã có dịp trả một món nợ cho một người mà ông thù ghét nhất, Henry Kissinger.
“I never thought a man like Mr. Kissinger would deliver our people to such a disastrous fate.” – President Thieu in resignation speech.
Ông Thiệu đã có lý để làm như vậy trước khi từ chức.
Sau này dù Tổng thống Gerald Ford có phủ nhận giá trị ràng buộc những thư mật giữa Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu thì điều đó cũng chỉ cho thấy, người Mỹ đã phản bội những lời hứa hẹn của Tổng thống Nixon. Thượng nghị sĩ Henry Jackson gọi đó là những thỏa thuận bí mật (secret agreement) không chối bỏ được.
Trước khi từ chức, ông Thiệu có gọi cho đại sứ Martin có thể nào giúp ông rời khỏi Việt Nam không? Dĩ nhiên là vì đại sứ Mỹ có thể làm được. Đại sứ Martin liền nhờ trùm tình báo Thomas Polgar lo việc này. Polgar lại giao trách nhiệm cho Frank Snepp. Ông này có bổn phận đến ông Thiệu ở tư dinh tướng Khiêm trực tiếp lái xe, đưa ông Thiệu ra phi trường và đại sứ Martin đã ở sẵn đó, có lời giã biệt Thiệu.
Trước lúc đó trên một chiế xe Volkswagen, tướng Timmes cùng với viên Đại sứ đi gặp tướng Kỳ. Ở đây, ông Đại sứ khuyên tướng Kỳ không nên hành động gì vì kết quả sẽ chẳng đi đên đâu.
Cũng được biết rằng trước đó, ông Hoàng Đức Nhã nhận được một cú điện thoại của Thủ tướng Lý Quang Diệu mời sang Singapore. Sang đến nơi, thủ tướng Lý Quang Diệu cho Hoàng Đức Nhã hay là người Mỹ đã dàn xếp để ông Thiệu có thể rời Việt Nam đến một nước nào đó thuộc Đông Nam Á.
Hoàng Đức Nhã gọi điện thoại về cho ông Thiệu. Ông Thiệu trả lời ông đang mong chờ tin tức như thế.
Cuộc ra đi của ông Thiệu cùng với Trần Thiện Khiêm cùng với vài sĩ quan phụ tá bay sang Đài Loan. Có tất cả 14 người trong chuyến bay đêm này. Tất cả bọn họ đều là đàn ông.
Thư cựu TT Nguyễn Văn Thiệu gởi TT Trần Văn Hương xin người đi công tác, 25/1975.
Có nhiều người không ngờ rằng, đêm nay ông Thiệu và ông Khiêm lại cùng đến một điểm hẹn. Trước đây dư luận Sài Gòn cho rằng giữa hai người có nhiều khác biệt và thủ tướng Khiêm đang tìm cách để lật đổ ông Thiệu.
Rõ ràng là sai lầm. Ông Khiêm luôn luôn chứng tỏ là một người trước sau trung thành với ông Thiệu. Cũng có dư luận cho rằng ông Thiệu mang theo nhiều vàng. Theo ông trùm mật vụ Thomas Polgar, ông Thiệu đã không mang theo một chút vàng nào trong mười mấy chiếc valise của ông. Tổng thống Thiệu hiện có anh ông đang làm đại sứ ở Đài Loan, còn thủ tướng Khiêm cũng từng là cựu đại sứ VNCH tại đây. Người Mỹ đã dùng một chiếc máy bay DC-6 có thể bay đi bất cứ đâu mà không cần tiếp tế nhiên liệu.
Ông Thiệu còn cẩn thận xin Tổng thống Trần Văn Hương ký cho một sự vụ lệnh sang Đài Loan thăm viếng, lễ tang Tổng thống Tưởng Giới Thạch, mặc dầu ông này đã chết từ ngày 6 tháng Tư, và đã an táng hôm 16.
Tin TT Tưởng Giới Thach qua đời (7/4) và lễ an táng ngày 16/4 và công văn viết tay ngày 25/4 của TT Trần Văn Hương cử cựu TT Nguyễn Văn Thiệu và ĐT Trần Thiện Khiêm đi dự lễ an táng TT Trung Hoa Dân Quốc.
Còn lại là số phận miền Nam. The game is over!
Theo tin hãng AP từ Sài gòn thì nay Tổng thống Trần Văn Hương định giao cho tướng Minh làm thủ tướng chính phủ, nhưng nhất định từ chối lời yêu cầu của tướng Minh là vai trò tổng thống. Tổng thống Trần Văn Hương sau đó đã mời chủ tịch Thượng Nghị Viện Trần Văn Lắm để chính thức nhường ngôi vị cho ông Dương Văn Minh. Với sự chuẩn y của Quốc Hội. Với 134 thượng nghị sĩ còn sót lại đã tới dự bầu Minh làm tổng thống.(*)
Trong khi đó cộng quân vẫn tiến hành cuộc tấn công vào Sài Gòn và chờ đợi một giải pháp chính trị như họ yêu cầu.
Theo nguồn tin của tình báo phương Tây thì cộng quân đã ở vào vị trí sẵn sàng tấn công vào Sài gòn vào ngày thứ hai.
Nội các của thủ tướng Nguyễn Bá Cấn thì đã từ chức vào thứ tư vừa qua sau chỉ 11 ngày như một nội các tạm thời chờ được thay thế.
Những áp lực đòi Tổng thống Trần Văn Hương, 71 tuổi, rút lui để ông Dương Văn Minh có thể tạo một chính phủ mới mà cộng sản có thể chấp nhận thương thảo.
Phía bên kia, tướng Dũng gửi một điện cho tướng Tấn, “Phải vượt mọi khó khăn để chùng ta có thể ngày 29 tháng tư mở trận đánh cuối cùng vào Sài gòn.”
Nay dù đã thay ông Hương bằng Dương Văn Minh thì phía Hà nội đã cương quyết không có thương lượng gì cả, từ chối đàm phán với ông Minh.
Đó chỉ là những đòn phép chính trị giả mạo mà thôi.
Người Mỹ đã dùng trực thăng đưa được 4500 người ra tầu biển đậu ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Ngày 24 tháng tư, 1975. Viet Nam war finished for Americans-Ford
Vào tối thứ tư, Tổng thống Ford đã đến đọc một bài diễn văn tại đại học Tulane trước 4700 sinh viên đang vui mừng.
Tổng thống Ford tuyên bố, “Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt. Và ông kêu gọi người dân Hoa Kỳ ‘to write a new agenda for the future”.
Và ông cho rằng nay là thời gian để Hòa giải, hàn gắn những vết thương và những bất đồng để xây dựng một đất nước Hoa Kỳ tốt đẹp hơn cho tương lai.
Các sinh viên đã vỗ tay tán thường khi ông Ford tuyên bố:
“Today, America can regain the sense of pride that existed before Vietnam. But it cannot be achieved by re-fighting a war that is finished as far as America is concerned.”
26 tháng tư, 1975 | Một vớt vát cuối mùa
Theo tin của hãng AP, Tổng thống Trần Văn Hương đã khởi sự sẵn sàng nói chuyện với Bắc Việt về một giải pháp hòa bình. Ông Trần Văn Hương còn muốn gửi một bộ trưởng trong nội các ra hà nội để thăm dò quan điểm của Hà Nội. Một ngôn viên chính phủ còn cho biết, người Mỹ sẵn sàng cung cấp một máy bay của quân đội Mỹ bay ra Hà Nội.
Đó là những dự tính ảo tưởng, cuối mùa và tỏ ra đã quá trễ.
Trong khi đó thì tòa đại sứ Canada đã cuốn cờ, khăn gói về nước một cách lặng lẽ.
Trong khi đó Ngoại trưởng đương nhiệm của Canada, ông Mitchell Sharp tiết lộ cho hay Canada sẵn sàng chấp nhận 14.000 người Việt sang tỵ nạn Canda. Danh sách cũng như người bảo trợ đã được gửi cho chính quyền Việt Nam cách đây hai tuần. Nhưng Canada đã không nhận được sự chấp thuận chính thức nào. Hàng trăm người Việt đã tức giận đến trước cửa tòa đại sứ Canada. Và họ được ông Ernest Hebert yêu cầu họ quay lại ngày thứ Sáu xem có tin tức gì mới.
CBC DIGITAL ARCHIVES | Apr 24, 1975 | 4:40 | Peter Kent | Canadians pull out of Saigon
Trong khi đó, cộng quân có đủ khả năng để mở một cuộc tấn công vào Sài Gòn bất cứ lúc nào.
Cho đến giờ này đã có khoảng hơn 6000 người Mỹ đã rời khỏi Việt Nam, nay chỉ còn lại khoảng 1681 người tính đến ngày thứ tư tuần này.
Và trong một hai ngày nữa, con số sẽ tụ xuống còn 500 người.
American luxuries weakened S. Viet backbone
Chắc hẳn nhiều người sẽ không quên tên ký giả Malcolm W. Browne vào thời kỳ năm 1963 trong vụ Phật giáo.
Bài báo của M. Browne được đăng trên tờ N.Y. Times News Service. Ông ta đặt câu hỏi, tại sao quân đội VNCH lại rơi vào hoàn cảnh như hiện nay? Câu trả lới là quân đội miền Nam đã quá quen thuộc lối đánh nhau của con nhà giàu. Không bao giờ thiếu súng, thiếu đạn, tạo mọi điều kiện cho việc đánh nhau. Đi đâu có xe, có trực thăng chuyên chở. Đến nỗi mỗi khi di chuyển, không ai còn muốn đi bộ, lội rừng, lội suối. Vì thế cũng dễ bị phục kích. Cách đánh nhau như thế khác hẳn với bộ đội cộng sản. Có thể so sánh như một bên đi giầy, một bên đi đất.
Ôi! Lúc này bình luận gì, nói gì chả được!
South Viets use deadly fire bomb
Theo tin của UPI từ Sài Gòn gửi đi cho hay, quân đội Việt Nam được cung cấp loại bom lửa 5 tấn (five-ton fire bomb) có thể sát hại mọi thứ trong vòng bán kính 100 bộ anh.
Nguồn tin cho hay không quân Việt Nam đã xử dụng ít lắm là một lần.
Nguồn tin này được tiết lộ ra do đài phát thanh Hà Nội tố cáo không quân Việt Nam đã xử dụng một loại vũ khí mới. Họ tố cáo người Mỹ và Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế. Và tội phạm ấy chẳng khác gì tội phạm của Hitler trong quá khứ.
Loại bom này cùng một loại với bom Napalm, được thả xuống bởi các máy bay C-130 Hercules, bay ở độ cao 20.000 bộ tạo ra một quả cầu lửa làm bốc cháy tất cả, tạo ra hiện tượng thiếu Oxy làm cho con người chết nghẹt thở trong vòng bán kính 100 bộ Anh.
Theo nguồn tin của các binh sĩ VNCH cho hay họ đã thấy hàng chục những thây người bộ độ chết bề ngoài không thấy có vết thương gì. Và họ tin rằng đó là một vũ khí mới trong trận đánh ở Xuân Lộc, cách Sài gòn 38 dặm.
Ngày 28 tháng tư, tướng Minh lên thay Tổng thống Trần Văn Hương
Các thành phần chính phủ Dương Văn Minh gồm luật sư Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng thống, ông Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng. Người ta thấy vắng mặt trong những ngày cuối cùng của một số người thân tín của ông Dương Văn Minh như các ông Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Nguyễn Hữu Chung,…
Sự vắng mặt này có lý do của nó. Một số họ là những người có liên hệ chặt chẽ với cộng sản nên đã được khuyến cáo là không tham gia chính phủ, số khác đã lên tàu vượt biển.
Phần cuộc đời ông Dương Văn Minh có thể tóm tắt vào ba việc:
- Giúp ông Diệm dẹp Bình Xuyên, Bảy Viễn và đã được đền bù bằng số vàng tịch thu được của Bảy Viễn mà khọng khai báo. Sau đó còn được Ông Diệm cho một căn nhà rộng 270 m quay mặt ra Trần Quý Cáp và Hồng Thập tự.
- Thứ hai đã có công tham gia vào việc lật đổ ông Diệm cũng như ám sát hai anh em ông Diệm theo sự sắp xếp của Mỹ.
- Có công làm Tổng thống hai ngày mà mục đích chính là trao miền Nam cho cộng sản Bắc Việt.
Giờ tuyên bố đầu hàng
Cái giờ chính thức mà ông Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn là khoảng gần trưa.
Trong khi đó số người tỵ nạn đến được đảo Guam là 40.000. Con số này sẽ còn tăng thêm trong vài ngày sau đó. Người trách nhiệm đứng đầu trông coi sắp xếp người tỵ nạn đến Guam là ông James Megellan. Họ cũng tiết lộ cho hay bà Nguyễn Cao Kỳ đã đến West Coast từ đêm thứ hai, ba ngày trước khi ông Nguyễn Cao Kỳ tố cáo những kẻ trốn chạy là hèn nhát. Bà Kỳ sẽ ở với bà con ở San Francisco.
Ông Kỳ khi đó cũng đã lên được chiến hạm USS Blue Ridge, chiến hạm chỉ huy của Hạm đội có trách nhiệm trong Chiến dịch Frequent Wind, di tản người Mỹ và một số đồng minh.
Các sĩ quan của Việt Nam thì theo thủ tục phải bị tước vũ khí và khám xét (submitted to the same body search as privates).
Một tướng ba sao đã mang theo bên mình một valise. (Trích trong journal News Services nhan đề: Hordes of refugees en route to US.)
Món nợ mà Kissinger phải trả với người Việt Nam
Cuộc chiến nay đã chấm dứt. Hậu quả để lại nặng hai vai người Miền Nam.
Người Mỹ có thể ra đi mà không mất gì. Người Việt miền Nam bây giời mới thật sự họ đang phải chịu đựng một chế độ mới, Họ phải lên tiếng về chính sách của người Mỹ trong 6 năm qua. Người có trách nhiệm về chính sách ấy không ai khác là ngoại trưởng Kissinger.
Trong thất bại làm sụp đổ miền Nam ông chịu trách nhiệm một phần không nhỏ. Ít nhất ông cũng phải từ chức vì những chính sách thất bại của ông ở miền Nam.
Cũng vậy, khi nước pháp bại trận thì chính phủ Pháp phải xin từ chức và đưa một người khác lên thay là Thủ tướng Mendes France. Nhờ đó Thủ tướng mới có thể rộng tay thương thuyết với phía cộng sản.
Trường hợp ông ngoại trưởng Kissinger có phần khác. Ông đã tiến hành một chính sách bất nhất, hoài nghi. Ông biết rõ những nhược điểm của ông mỗi khi cần thương lượng.
Hiệp định Ba Lê hoàn toàn là một sản phẩm của Kissinger với nhiều khoản nhượng bộ đến phi lý. Quan điểm hòa bình của ông chỉ là những điều khoản ràng buộc về trách nhiệm của Hoa Kỳ và Việt Nam để rảnh tay cho phía cộng sản thao túng.
Chính sách của Hoa Kỳ do một người soạn thảo, một người thương lượng, một người điều hợp tỏ ra không thực tế và ảo tưởng một người ký kết thỏa thuận bất chấp sự chống đối của đồng minh của Hoa Kỳ.
Cái hòa bình cũng như khả năng rút quân mà vẫn duy trì được ổn định nay trở thành một ảo tưởng và kết quả là miền Nam rơi vào tay cộng sản.
Cái hòa bình mà Kissinger lúc thì đề cao Peace at hand, lúc thì Peace in honor. Thực ra thì đó là Peace with horror!
Chúng ta hãy nghe lại những lời tuyên bố của Tổng thống Nixon về Hiệp định Ba Lê và ‘Peace With Honor’ trên đài truyền thanh và truyền hình Mỹ ngày 23 tháng Hai, 1973:
…, let us be proud that America did not settle for a peace that would have betrayed our allies, that would have abandoned our prisoners of war, or that would have ended the war for us but would have continued the war for the 50 million people of Indochina.
…, chúng ta hãy hãnh diện vì nước Mỹ không thương lượng một giải pháp hòa bình chỉ cho chúng ta mà có thể phản bội lại các đồng minh của mình và bỏ rơi tù binh Mỹ và có thểchấm dứt cuộc chiến cho mình nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục đối với 50 triệu người dân Đông Dương.
Sau đó, Kissinger còn định ra Hà Nội quảng cáo cho cái Hòa bình giả hiệu ấy vào ngày 31 tháng 10, chỉ vài ngày trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi Hiệp Đinh đuợc ký kết, tình trạng quân sự của miền Nam càng ngày càng yếu đi, mất dần các phần đất đã kiên trì bảo vệ trong 21 năm.
Chúng ta chỉ cùng nhau đọc những điều giả dối trong Điều 11 là đủ:
Ôi. Đều là bánh vẽ thôi!
Ông Clark Clifford đã yêu cầu Kissinger phải ra đi. Và ngày hôm nay có những câu hỏi đặt ra về chính sách của Hoa Kỳ dựa trên quan điểm của Kissinger trong nhiều năm là một sự thất bại hoàn toàn. Chính sách ngoại giao con thoi và bí mật chẳng qua chỉ là để che đậy về những yếu kém và nhượng bộ địch!
Trong một bài viết của Anthony Lewis với nhan đề “Should Kissinger Quit?” Bài viết đó một cách gián tiếp ám chỉ chính sách của Hoa Kỳ do Kissinger thao túng đã trở nên sai lầm không sửa đổ được như trong trường hợp Việt Nam.
Đọc bài viết này, người viết cảm thấy hả dạ một chút. Tên Kissinger được coi như kẻ phản bội Việt Nam số 1. Vì y mà Việt Nam nên nỗi như thế này!
Viet Cong Flag Flies over Ho Chi Minh City
Những cố gắng cuối cùng để thoát khỏi Sài Gòn. Nguồn: Hugh van Es/REUTERS
Theo lời phóng viên Leon Daniel, UPI, có mặt tại chỗ tại Sài Gòn khi những người cộng sản đầu tiên vào thành phố trên những chiếc xe tăng do Nga chế tạo. Họ trước tiên đến đường Tự Do, nơi mà trước đây là nổi tiếng ăn chơi của người Mỹ với hàng loạt các quán bar, nay vắng ngắt, cửa đóng im ỉm. Sau đó họ tiến vế phía Dinh Độc Lập, nơi mà ông Dương Văn Minh cùng với nhân viên chính phủ đang kiên nhẫn đứng đợi họ. Những người lính Việt Cộng xem ra kỷ luật trong khi chiến thắng cũng như khi chiến trận.
Phần đông người dân Sài Gòn mở hé cửa nhìn ngắm những chiếc xe tăng chạy qua một cách im lặng. Chỉ một vài người vỗ tay, hoan hô. Nhưng phần đông chỉ đứng nhìn và trông đợi một tương lai không mấy sáng sủa gì về những người chủ mới tới.
Chỉ còn vài người Hoa Kỳ còn sót lại, chắc là ký giả Mỹ. Phần ông đại sứ Martin đã rời tòa đại sứ trên một chiếc trực thăng sớm hôm nay.
Ông có thể được coi như người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam
Trên tờ Le Devoir ở Montreal, “Tous les américains ont quitté”.
Tờ Le Devoir, hiện nay vẫn còn xuất bản mỗi ngày, đã chạy tít “La Chute de Sai Gon est Imminente”.
Theo tin AFP, 81 trực thăng của Mỹ đã vận chuyển được 6400 người ra các Hàng không Mẫu hạm và tầu chở trực thăng của Mỹ. Cuộc vận chuyển khổng lồ này chỉ kéo dài trong thời gian 13 tiếng đồng hồ và chấm dứt 25 năm người Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Nhiều tiếng súng bắn lên các trực thăng này khi họ bay qua những đám quân nhân uất hận vì bị kẹt ở lại.
Đại sứ Graham Martin đã rời tòa đại sứ tại Sài Gòn vào khoảng nửa đêm với những chiếc trực thăng chót.
The Ottawa Journal. Wednesday, April 30, page 21: No Viet Flowers as Marines leave
Nhà báo Peter Arnett, người từng nhận được giải thưởng Pullitzer Prize, ông còn ở lại Sài Gòn khi những người lính Thủy quân lục chiến cuối cùng rời Việt Nam. Ông còn nhớ lại, cách đây 10 năm, ông là những người lính trong đơn vị Thủy quân lục chiến lần đầu tiên tại bãi biển Đà Nẵng. Ở nơi đây, ông được đón tiếp bằng những vòng hoa do các thiếu nữ xinh đẹp ở Đà Nẵng choàng vào cổ.
Một thập niên đã đi qua.
Và hôm thứ ba này, tôi được chứng kiến những thủy quân lục chiến lên máy bay. Họ trông cũng vẫn vậy, trông vẫn vóc dáng khỏe mạnh, trẻ đẹp. Cũng vẫn những bộ quân phục là ủi thẳng thướt như lần đấn đây.
Nhưng thái độ của người Việt Nam thì có khác.
Sau đó đã có khoảng 20 chục ngàn sĩ quan Việt Nam được gửi sang Mỹ để được huấn luyện đánh giặc theo kiểu Mỹ.
Một lối đánh giặc chủ yếu dựa vào bom và trọng pháo và sẽ chỉ hữu hiệu bao lâu mà vẫn có đủ máy bay, bom đạn trọng pháo.
Binh đội VNCH đã học được thói quen đánh giặc kiểu nhà giàu (luxury of the US way). Không có những thứ ấy, họ trở thành bất khiển dụng.
Để có thể thắng trận và chiến thắng cộng sản ở Việt Nam, phải có một cách đánh trận theo kiều Việt Nam.
Phải chăng đây chỉ là những lời khuyên, hay nhắn nhủ quá muộn màng!
Và may mắn ra, chính quyền đệ nhất cộng hòa nghĩ ngay tới chuyện đấu thầu cho khai thác dầu hỏa ngay tứ năm 1955-1956 thì đến 1973 có thể ngoài khơi Vũng Tàu đã có dầu hỏa phun lên. Lúc ấy ta có cần chi đến tiền của Mỹ và ta sẽ đánh trận theo kiểu Mỹ?
Rất tiếc là mọi sự ở đời đã không xảy ra như vậy!
30-4 -1975 | Cheers, fears, suicide in Saigon
Saigon (AP) Một số chừng một chục chiếc xe tăng, xe kéo theo pháo cũng như xe tải làm tại Trung Quốc ngụy trang các lá cây đang chạy trên đại lộ Thống Nhất để tiến vào Dinh Tổng thống vào lúc buổi chiều nay.
Một số người miền Nam vỗ tay khi đàn xe đi qua vẫy cờ màu xanh và đỏ của họ với một ngôi sao vàng ở giữa rồi họ dừng xe ngay giữa đại lộ rộng thênh thang.
Trong khi đó, trước tiền đình Quốc Hội, một viên trung tá cảnh sát bước đến sát một bức tượng trên đài kỷ niệm, ông dơ tay chào nghiêm và tự nổ súng vào đầu.
Ông chết sau ít lâu khi được chở vào nhà thương.
Người ta cũng nghe thấy tiếng súng nổ ở gần tòa nhà quốc hội. Một người lính Bắc Việt đứng canh gác trước tiền đình tòa nhà trong bộ quân phục mầu Olive với đôi dép cao su đen.
Họ bắn qua lại bằng vài phát súng khi có những cánh tay dơ ra ở một chỗ nào đó gần đấy. Một vài người đi xe gắn máy chạy xe qua đó với vẻ sợ hãi xem ai đang bắn. Một lúc sau thì mọi chuyện trở lại yên tĩnh.
Trong khi Tổng thống Dương Văn Minh còn đang đọc diễn văn đầu hàng trên đài truyền hình và cộng quân đang tiến vào thành phố, người dân miền Nam cả binh sĩ cũng như thường dân còn chen chúc nhau trên mấy chiếc tầu chạy ven biển còn neo dọc theo bờ sông Sài Gòn.
Giờ phút chót, họ vẫn hy vọng họ có thể đi thoát.
Nhưng họ đã phải rời tầu khi thấy một đoàn xe díp chở bộ đội dọc theo bờ sông rồi một phản ứng rất đột ngột, họ vẫy cờ cộng sản và hoan hô.
Mộ số dân chúng đứng trước cửa nhà và quan sát đám việt cộng và lính Bắc Việt đi qua. Lúc đầu, họ rụt rè không có phản ứng gì..
Sau đó thì có người bắt đẩu hoan hô khi thấy có nhiều đám bộ đội khác tiến vào thành phố.
Kỳ Nhân, một nhiếp ảnh viên người Việt từng làm việc cho hãng The Associated Press trong ba năm đi cùng với một người Việt cộng vốn là bạn và hai lính cộng sản từ miền Bắc vào nói với phóng viên hãng thông tấn AP rằng,
“Tôi bảo đảm an ninh cho mọi người ở đây. Tôi từng theo Cách Mạng từ 10 năm nay. Công việc của tôi là liên lạc với báo chí thế giới và thông báo lại cho việt cộng tin tức.Tôi bảo đảm an ninh cho mọi người ở đây.”
George Esper, Văn phòng trưởng hãng thông tấn AP, đã tiếp họ nước Coca-Cola và một ít bánh ngọt còn lại.
Một trung sĩ Việt cộng tên là Binh Huan Lam, 25 tuổi, anh nói anh dến đây từ Hà Nội và đã đi lính được 10 năm. Tôi đã không cưới vợ bởi vì không cần thiết trong thời chiến tranh.
Nhiều người dân thành phố Sài Gòn đi bộ hoặc đi xe đạp trong thành phố. Lính miền Bắc tỏ ra tò mò khi quan sát sinh hoạt thành phố còn người dân cũng tò mò không ít nhìn ngắm cách ăn mặc của bộ đội miền Bắc.
Nhưng đã có rất nhiều người khác thì quyết định ở trong nhà. Một phụ nữ 26 tuổi nói: Họ xem ra tử tế, nhưng vẫn phải chờ xem.
Nhận xét được coi là khuôn vàng thước ngọc. Phải chờ xem
Một thương gia Pháp có được một khung hình quý giá của gia đình Tổng thống Nixon vói chữ viết, To Ambassador and Mrs. Graham Martin with appreciation for their service to the nation. Khung ảnh này chắc do mấy tên thổ phỉ nhặt được trong tòa đại sứ Mỹ, thấy vô dụng nên quẳng đi. Ông người Pháp thì lại nhìn khác. Đây là một bức hình với chữ ký tặng thật có ý nghĩa.
Người thương gia Pháp nói, “Tôi quen biết ông đại sứ tôi sẽ tìm trả lại cho ông bức hình này.”
Trước tòa đại sứ Mỹ phóng viên Peter Arnett nhìn tòa nhà 6 tầng và thấy rằng tòa nhà tuy rộng, nhưng không thích hợp cho hàng ngàn người dân miền Nam kéo vào xin di tản.
Nay thì nhiều người vào hôi của, họ lấy đi tất cả những gì có thề lấy. Nói chung, mặt dân chúng biểu lộ nhiều lo âu hơn là sung sướng.
Resignation, relief greet end of war của các nước láng giềng
Bài bình luận của phóng viên hãng AP-Reuters:
Nói chung nhiều quốc gia phản ứng về sự đầu hàng của chính quyền Nam –Việt Nam bằng sự chịu đựng và thở dài cho chuyện chẳng đặng đừng.
Thủ tướng Thái Lan nói cơn hấp hối kéo dài của miền Nam đã đến hồi chung cục. Đó là ý kiến của bộ trưởng bộ Ngoại giao. Phần thủ tướng Thái Kikrit Pramoj chính phủ của ông sẵn sàng nhìn nhận chính quyền mới.
Bộ trưởng ngoại giao Phi Luật Tân Carlos Romulo chấp nhận cuộc đầu hàng, nhờ đó nhiều sinh mạng đã được cứu vớt.
Ngoại trưởng Indonesia Adam Malik thì nói chính phủ ông không thấy khó khăn gì chẤp nhận chính quyền mới bất kể họ là ai.
Ông tiên đoán rằng chính phủ Malaysia sẽ mời chính quyền mới ở Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào 13, 15 tại Kual Lampur.
Tại Đài Loan, phát ngôn viên chính phủ cho rằng việc thành lập một chính phủ lưu vong tại Đài Loan của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một hy vọng mỏng manh.
Chính phủ Úc Đại Lợi trước đây trong 11 năm đã gửi quân chiến đấu sang Việt Nam và 500 binh sĩ Úc đã chết tại Việt Nam. Úc đại lợi sẵn sàng viện trợ cho cả hai bên, miền Bắc cũng như miền Nam.
Phần Bộ trưởng bộ ngoại giao Kim Dong-jo của chính phủ Đại Hàn cho rằng Bài học cộng sản ở Việt Nam cho thấy các quốc gia phải mạnh và phải tự cứu lấy mình. Ông Kim nói thêm, “Chúng ta có thể nhìn thấy ở Cao Mên cũng như tại Sài Gòn, họ đã không đủ sức mạnh nên cũng không thể thương thuyết, không thể hòa giải mà chỉ có đẩu hàng.”
Chính phủ Do Thái đặt câu hỏi là chính quyền Mỹ học được bài học gì trong những sai lầm ở Việt Nam? Và có thể làm suy yếu Israel?
Chính quyền Nhật qua bộ trưởng Bộ ngoại giao Miyazawa cho rằng chính quyền Sài Gòn quyết định đầu hàng là một quyết định khôn ngoan. Và chính phủ đang nghĩ tới nhìn nhận chính quyền mới.
Saigon devient Ho Chi Minh. Le transfert se fait dans l’enthousiasme
Lâu lắm mới có một bản tin bằng tiếng Pháp. Mấy anh Tây viết thì cứ cho là 3 phần trúng, bảy phần trật. Viết sạo là nghề của các ký giả Pháp. Chúng ta cùng nhau đọc bản tin này do ký giả Pháp viết cho AP, AFP và Reuters nhé.
Hầu như không có một sự chống đối nào khi mà các quân đội cách mạng tiến vào Sài Gòn, theo đó chấm dứt một cách đột ngột sau một thế kỷ có mặt của người Âu Châu tại Việt Nam.
Giữa những tiếng hoan hô và vỗ tay của đám đông, các lực lượng vũ trang đã phân tán đi khắp mọi đường phố ở Sài Gòn và họ kéo cờ chinh phủ lâm thời cách mạng miền Nam ở ngay nóc dinh Độc Lập mà trước đó vài giờ, ông tổng thồng Dương Văn Minh đã đọc thông cáo đầu hàng vô điều kiện của quân đội miền Nam.
Tin tức về sự sụp đổ Sài Gòn, được đổi tên là Hồ Chí Minh đã làm cho hàng ngàn người dân trên các đường phố Hà Nội khóc vì sung sướng. Thành phố này nay trở thành phố ‘La ville la plus heureuse et la plus bruyante du monde’ (thành phố hạnh phúc nhất và náo nhiệt nhất trên thế giới) theo các phóng viên báo chí.
Ở Bắc Kinh, các nhà ngoại giao đã nhảy mùa và hát giữa những tiếng pháo nổ.
Ở Washington, cũng là một điều khuây khỏa mặc dầu có đượm nét cay đắng.
Kết cục là c’est terminé!
Sai gon nay mang một bộ mặt bình thường. Những ngưởi bộ hành lễ phép chào các ông bộ đội vả dơ tay cười bắt tay họ,
Những chiến xa rồi những binh lính trang bị súng ống, lựu đạn vào thành phố. Các chiến xa này được chế tạo tại Liên Xô mà một trong những chiến xa ấy đã cán sụp một cánh cửa sắt của dinh Độc Lập..
Trong thành phố, có cái không khí của ngày lễ hội. Dân chúng xúm quanh các anh bộ đội mới từ trên rửng trở về để hỏi thăm với sự tò mò thích thú. Amen
Tin từ Wagshington, Georges Deschodt, “Hoa Kỳ ngăn chặn mọi giao thiệp thương mại với Việt Nam và được coi như một nước thù nghịch.”
Hoa Kỳ đã phản ứng ngay tức khắc khi được tin miền Nam bị sụp đổ vào tay cộng sản. Một biện pháp có hiệu lực ngay là bất cứ quốc gia nào rơi vào một chính quyền được coi là thù nghịch với với nước Mỹ, phong tỏa tất cả mọi giao dịch thương mại và tài chánh.
Sẽ không có một chuyến hàng hóa được vận chuyển đến miền Nam, không có chuyễn vốn đến xứ này, căt mọi quỹ mà trước đây VNCH đã ký kết, không có việc nhập cảng bất cứ thứ gì từ xứ này.
Nói chung là phong tỏa và cấm vận, xiết chặt và cô lập hóa Việt Nam với thế giới bên ngoải.
Việc phong tỏa này không ảnh hưởng gì đến kinh tế Hoa Kỳ. Hoa Kỳ hầu như không nhập cảng gì từ Sài Gòn và nếu có xuất cảng thì qua trung gian viện trợ kinh tế mà nay không có lý do gì tồn tại nữa.
Sẽ gây nhiều trở ngại cho những người Việt Nam có tiền ở nhà băng Hoa Kỳ. Các compte nhà băng này đều bị phoa tỏa.
Đặc biệt là Washington cũng như Quốc Hội Hoa Kỳ đã hoàn toàn yên lặng về sự đầu hàng này. Kissinger cũng sẽ làm như vậy và không tuyên bố gì cả.
Thắng trận xong, Bắc Việt Nam hầu như bị cô lập với hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt với Hoa Kỳ. Chỉ trừ vài nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Việc Định cư người Việt di tản sang Hoa Kỳ
Phần đông người Việt khi được định cư ở Hoa Kỳ hay các nước Tây Phương thì coi như việc đương nhiên và trong lối phát biểu đượm nét tự hào vượt khuôn khổ. Thử hỏi xem đã có bao nhiêu người Việt di tản được định cư ở Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Mã Lai và Nam Dương? Cuối cùng chỉ có 4 nước sau đây là đón nhận rộng lượng nhất.
Đó là Mỹ, Canada, Úc Đại Lợi, và Pháp(**).
Việc quyết định số lượng người Việt được tỵ nạn sang Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại.
Để tiếp đón người tỵ nạn sang Mỹ, Florida và Arkansas cần 80.000 nhân viên đủ loại. Chi phí tính vào khoảng 327 triệu đôla. Chi phí này đã bị quốc hội từ chối.
TT Ford tức giận về sự phủ quyết này và tuyên bố, theo Associated Press, “not worthy of a people which has lived by the philosophy symbolized in the Statue of Liberty.”
Theo phát ngôn viên chính phủ, ông Robert Anderson cho hay cho đến thứ Tư này đã có khoảng 80.000 người di tản đến được nước Mỹ. Sẽ còn ít nhất vài chục ngàn nữa.
Đã có 40 chiếc tầu chiến của Hoa Kỳ tham dự cuộc di tản người này.
Người viết bài này tự hỏi và so sánh: Có bao nhiêu tàu chiến Mỹ trong việc người di cư năm 1954 và bao nhiêu tàu chiến năm 1975?
Hiện nay còn 60.000 được tạm thời di trú ở Fort Chaffee, Ark., Eglin air force base, Fla., Camp Pendleton, California.
Những người di tản đầu tiên đã tới Camp Pendleton là 2315 người
Trước khi viết phần này, xin được trích dẫn một đoạn văn được ghi khắc trên Bức tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước:
Give me your tired, your poor,
Your huddled masses yearning to breahte free,
The Wretched refuse of your teeming shore,
Send these, the homeless, tempest-tossed to me…
Emma Lazarus, The New Colossus, inscribed on the Statue of Liberty
Tinh thần của Bức tượng Tự Do thì đã nêu rõ như thế. Nhưng trong dư luận người Mỹ thì đã có sự chia rẽ và bất đồng về việc thu nhận người Việt vào Nước Mỹ.
Thomas Campbell, 24 tuổi, Louisville cho rằng làm thế nào nước Mỹ có thể thu nhận hàng loạt những người Việt Nam tỵ nạn trong khi chính nước Mỹ đang có trở ngại trong vấn đề thất nghiệp? Chúng ta chắc sẽ lại trở thành một thứ melting pot?
Phần John Faltin ở New York thì nói rằng, “It seems we’ve got enough refugees here as it is.”
Glen Owen, Lansing, Mich thì nói, “I’d burn a cross in their front yard if they moved next door to me.”
Bà Rose Gutenkust, New Jersey nói, “Tỉ lệ thất nghiệp ở đây là trên 10% và hầu như đi đến chỗ phá sản. Nếu chính chúng ta không có công việc làm, thì làm thế nào giúp họ được? Người của chúng ta có quyền có công ăn việc làm trước nhất.”
Về phần Quốc Hội Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Ford yêu cầu khẩn cấp giúp đỡ khoảng 150.000 người tỵ nạn Đông Dương đã nhận được sự đồng ý của Hạ Viện Hoa Kỳ. Không có con số rõ ràng về việc chuẩn chi này nhưng Tổng thống Ford cần khoảng 507 triệu đô la.
A cold life in Tent 57 for Vietnamese refugee
Câu chuyện sau đây là của cô Trần Mộng Tú viết từ Camp Pendleton, California do AP tường thuật lại.
Trần Mộng Tú là cô gái với thân hình nhỏ bé, mắt sáng vốn là thư ký cho văn phòng The Associated Press ở Sài Gòn cho đến ngày 22 tháng tư khi cô và bố mẹ được đưa ra khỏi Việt Nam.
Đây là câu chuyện của cô ở Camp Pendleton, lều 57.
“Ban đêm chúng tôi chợt tỉnh dậy, vì trời lạnh quá lạnh không ngủ được. Cái giá lạnh từ những sườn đồi, vì đây không phải là ở thành phố.
Chúng tôi xếp hàng, nói chuyện để chờ hàng nửa giờ để đến lượt lãnh phần ăn trong doanh trại. Có người nói ước gì được ăn ở trong một nhà hàng ở Sài Gòn.
Chúng tôi thường nói về những người thân thuộc còn kẹt lại Sài Gòn, nói về các gia đình. Chúng tôi hỏi thăm người khác về những người họ hàng. Các gia đình Việt Nam thì thường có mối liên hệ gần gũi như thế.
Ở đây tôi sống chung với bố mẹ tôi, chị và chồng con của họ với 5 đứa trẻ, với các chị dâu các ông chồng của họ và 4 đứa nhỏ. Tất cả chui rúc trong 4 căn nhà và một cửa tiệm bán cà phê.
Cô cho biết những người lính Mỹ thì cực kỳ tử tế. Đồ ăn thì OK. Có một ông hạ sĩ người Mỹ còn muốn mời mấy cô về nhà dùng cơm. Họ cũng mang đến cho các cô các đôi bít tất.
Ở nơi đây, đôi lúc cô nhớ nhà, nhưng làm sao về lại Sài Gòn được và cô có thêm vài người bạn mới!
Người tị nạn ở Camp Pendleton, không ở lều 57.
Đọc bài của cô, đúng là cung cách tiểu thư con nhà.
WJS | 40 Years After the War, Saigon
Đôi dòng cuối cùng sau khi viết “40 năm nhìn lại những ngày mất Sài Gòn”
Sau khi viết xong bài viết này, vào một đêm tỉnh dậy lúc 2 giờ sáng. Tôi dở ra đọc lại, tự nhiên nước mắt tuôn trào…
Biết bao nhiêu sự kiện diễn ra lần lượt trong đầu óc tôi như một cuốn film quay chậm.
Những tâm trạng buồn, phẫn uất, chán nản như ngày nào sau 30 tháng Tư còn đọng lại.
Trách nhiệm về ai? Dĩ nhiên là người Mỹ từ trong cái Situational Room của Tổng thống Ford và các chính khách Mỹ như tiến sĩ Kissinger, v.v.
Nhưng người Việt Nam, chúng ta cũng chia sẻ cái phần trách nhiệm ấy. Trách nhiệm làm mất miền Nam là các tướng lãnh, lãnh đạo cấp cao. Còn nhớ ông Nguyễn Cao Kỳ khi đến Hoa Kỳ vào đêm thứ hai, được hãng thông tấn Associated Press phỏng vấn tại camp Pendleton, California, ông đã tuyên bố một câu xanh rờn khi bước ra khỏi phi cơ:
“I will try and be a leader for them.”
Tôi không biết phải nói thế nào nữa!
Trong khi đó nhà chức trách Mỹ ngay khi ông còn ở đảo Guam đã lo sợ cho an ninh bẩn thân của ông Kỳ vì ông đã bỏ trốn đi.
Nhưng kể từ đó đến nay, sau 40 năm. Tôi cũng nhận thấy một cách chua chát có một hội chứng sau chiến tranh.
Đó là trận chiến ký ức (Memory battlefield) giữa kẻ thua, người thắng.
Năm nay kỷ niệm 40 năm miền Nam bị mất vào tay cộng sản. Cuộc chiến tranh với xác người chết không còn nữa. Di hại của người những người bị chết từ hai phía, những người bị thương tật cho đến nay vẫn chưa có một thống kê đầy đủ và rõ ràng.
Sự hàn gắn những vết thương chiến tranh hầu như không đáng kể gì!
Người chết trên chiến trường và ở các trại tù cải tạo nay vẫn chưa tìm ra dấu tích mồ mả. Chết chưa có chỗ về, thiếu hương khói.
Người bị phế tật, nhất là thương phế binh VNCH hầu như bị bỏ rơi cho số phận của họ. Họ đã chết dần chết mòn mà ngày nay số còn lại chỉ còn là một dúm người như vật phế thải.
Sự bất nhân của kẻ cầm quyền là sự mất ý thức về lòng nhân bản (Nếu cho là người cộng sản có ý thức nhân bản).
Thật vậy, nếu trước đây có hội chứng hậu thuộc địa sau gần 100 năm người Pháp cai trị thì cũng có một hội chứng hậu 1975. Hội chứng ấy là những chấn thương tinh thần mà cả hai bên nhiều khi không chịu nhìn nhận.
Nó được hun đúc biến thành một thứ huyền thoại của kẻ thắng trận đồng thời cũng có một thứ huyền thoại của kẻ thua trận.
Đó là một cuộc chiến dai dẳng với ký ức đã bị bôi son, trát phấn làm chất liệu. Càng gần đến ngày 30 tháng Tư trận chiến ký ức nhìn lại càng trở nên sôi động từ trong ra đến ngoài nước.
Đủ các loại bài viết, các loại tài liệu mật, các bài phỏng vấn từ nhiều phía, các nhân chứng còn sống sót từ phía người Mỹ, người cộng sản, cựu tướng lãnh miền Nam, những người làm báo cho cộng sản, những người cầm bút từ hải ngoại, v.v. Tất cả như chờ đợi trong dịp này thôi, để được bày tỏ, nói lên bằng nhiều tâm trạng khác nhau.
Thà rằng nói thật, thà rằng đau xót nhìn nhận trách nhiệm và lỗi lầm. Không. Hầu như đã không ai muốn làm điều đó cả.
Nói chung thì đã có một hiện tượng phổ biến về huyền thoại của kẻ thắng trận và một huyền thoại của kẻ thua trận.
- Phía người chiến thắng
Tôi nhớ lại khi De Gaulle đi bộ trên đại lộ Champs-Élysées vào tháng 8-1944 với hàng triệu dân chúng đón tiếpp ông.
Điều đó rõ ràng là một sự thật! Một chiến thắng cảm nhận được trên các khuôn mặt của hàng triệu dân chúng Paris với những màn ôm hôn những chiến sĩ trẻ với những vòng hoa, với những nụ cười rạng rỡ, với nước mắt mắt mừng mừng, tủi tủi.
Đó là ý nghĩa trọn vẹn của chiến thắng của ngày Giải Phóng Paris. Tôi đã nhận ra được thứ nhân cách chững chạc, phong cách của kẻ anh hùng đó nơi một De Gaulle khi vào Paris.
Tôi đã không nhận ra bất cứ điều gì như thế nơi dân chúng miền Nam.
Có một vòng hoa nào không? Một thôi cũng được. Có tiếng hoan hô nào không? Có các thiếu nữ ăn mặc đẹp đẽ tươi cười hớn hở ra ôm các anh chiến sĩ ‘giải phóng’ không? Một cô thôi. Ai tiêu biểu cho cuộc chiến giải phóng đó? Lê Duẩn hay Nguyễn Hữu Thọ?
Và dĩ nhiên cái không khí sung sướng đến hoan lạc của người dân Paris trên đại lộ Champs-E1ysées ngày nào thì không phải là không khí của đường Tự Do của Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ngược lại, đó là thứ không khí của sự lo sợ, đau buồn và tủi nhục. Ngay giữa trung tâm thành phố, xác của Trung tá cảnh sát Nguyễn Văn Long còn nằm đó. Ít ngày sau, đại tá tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện bị đem ra trước công chúng xử bắn.
Đô thành Sài Gòn – 30 tháng 4: Cảnh sát Trung tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết trước tượng đài Thủy quân lục chiến (khuôn viên Công trường Lam Sơn)
Và nói cho thật chính xác là có một không khí của sự tủi nhục và sự cao ngạo!
Sự thật rõ ràng là như thế!
Chỉ nhìn cái quang cảnh khi những chiếc xe tăng đầu tiên vào Dinh Độc Lập người hiểu chuyện sẽ phải tự hỏi tại sao người dân Sài Gòn thờ ơ đến sợ hãi, nghi ngờ những kẻ chiến thắng? Hàng triệu người đã sợ hãi trốn chạy làm sao có cảnh vui mừng được!
Làm thế nào để chúng ta học được bài học lịch sử này mới là điều quan trọng.
Trên thế giới ngày nay, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã chấm dứt. Vậy thì cách hành xử, thái độ của những người từng coi nhau như kẻ thù, họ đã có thái độ như thế nào? Có những sự việc thuộc lịch sử của nhà viết sử, có những sự việc của người làm chính trị từ nhiều phía, có những việc thuộc quá khứ mà các thế hệ sau không có trách nhiệm và cũng có những việc thuộc hiện tại mà người ngày hôm nay phải chọn lựa, phải làm. Chọn lựa nào là thích hợp? Người Đức, người Pháp từng là kẻ thù của nhau, nay họ cùng nhau kỷ niệm thì họ đã chọn một thái độ nào?
Khi bức tường Bá Linh sụp đổ thì người Đức thuộc Tây Bá Linh đã hành xử ra sao?
Câu hỏi ấy, tôi đặt ra cho những kẻ tạm gọi là thắng cuộc! Bởi vì họ là kẻ trách nhiệm toàn thể cái hậu quả sau ngày 30 tháng Tư!
Sau 30 tháng Tư, mặc dù có thể có hằng triệu người muốn chạy trốn khỏi cộng sản. Nhưng chỉ có chưa đầy 200.000 có được cái may mắn ấy. Còn lại phải chịu chung số phận của cả miền Nam!
Nếu trước 1975, người dân miền Nam chỉ sợ cộng sản thì sau 1975, người dân miền Nam ngoài nỗi sợ còn thêm thù hận và sự khinh miệt người cộng sản.
Trước chỉ có 200.000 người trốn chạy khỏi cộng sản thì sau 1975, con số ấy tăng lên gần 2 triệu người.
Nhìn những cảnh tượng người dân Syria hôm nay bằng bất cứ giá nào chạy trốn ra khỏi đất nước của họ, chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi vượt biển họ đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải thì có khác gì các thuyền nhân người Việt vào cuối thập niên 1970?
- Phía người thua cuộc
Nhiều người bên phía kẻ thua cuộc, nay là dịp may cuối cùng muốn chứng tỏ một điều gì đó với một quá khứ quay quắt chưa hòa giải được, cũng chưa tìm ra một giải pháp gì.
Người ta cũng cố gắng giữ lại những hoài niệm đẹp oai hùng của cả một thời và cảm thấy bị xúc phạm nếu ai nói sự thật về họ. Nhưng ít ra họ vẫn nhận ra sự hữu ích của mình, hữu ích theo nghĩa họ còn sống, họ có mặt; họ muốn làm nhân chứng của ký ức, của lịch sử theo nghĩa còn có tôi đây, tôi có mặt trong giai đoạn ấy.
Bằng bất cứ giá nào, họ không muốn kẻ thắng trận chà đạp trên lòng tự trọng, trên danh dự của một người lính ngoài mặt trận.
Và hơn thế nữa họ muốn đồng hóa thảm cảnh năm 1975 cũng chính là họ với tư cách là nạn nhân của cộng sản. Thảm cảnh ấy chính là đời họ, số phận khắc nghiệt đã phủ lên cuộc đời họ sau 1975. Họ bị tù đầy, mất nhà, mất cửa, mất vợ, mất con và mặc dù đã sang đây trên dưới 30 chục năm, họ vẫn gọi cái ngày 30 tháng Tư là ngày Quốc Hận. Một cụm từ đóng kín bất di dịch và khó để chấp nhận bất cứ danh xưng nào khác.
Cái quá khứ ấy với nhiều đau thương lẫn tủi nhục làm sao bắt họ quên được?
Về phía người Mỹ, những người trong cuộc, họ thường không có thói quen thù hận người cộng sản nên họ tránh được những thiên khiến. Họ cố gắng dùng cái lăng kính con người nhân bản, nhìn cuộc chiến ấy và chỉ thấy ở đó một thảm kịch con người mà họ đã góp phần. Họ nhìn nhận cái miền Nam sau 21 năm dưới con mắt chia sẻ và hiểu biết hơn là lúc họ còn đang tác nghiệp ở đây trước năm 1975.
Tiêu biểu nơi người Mỹ là họ chia xẻ số phận người miền Nam của họ và cảm thấy như một kẻ bội phản. Sau dây là lời trần tình của Frank Sepp, một nhân viên cao cấp CIA được trích lại trong sách của ông.
“But that last day, there were no euphemisme for what we’d done. We’d betrayed the Vietnamese who’d depended on us, and those of us who’d worked most closely with them -the young CIA and State Department officers from the trenches- now had blood on our hands, for it was we who in our daily contacts had convinced them to trust us’.(17)
Chúng ta tự hỏi, có bao giờ một cách chính thức, người cộng sản miền Bắc nhìn nhận những việc họ đã làm tan hoang miền Nam không? Không, chưa bao giờ. Chẳng những thế, họ còn làm ngược lại.
Kể từ sau 30 tháng Tư cuộc sống của con người miền Nam không còn như trước nữa. Họ mất tất cả những cái họ có. Người cộng sản gọi ngày này là Ngày Giải Phóng, Người Quốc Gia gọi nó là Ngày Quốc Hận. Giữa hai cụm từ này là tội ác chống lại con người (crimes contre l’humanité) nhân danh hai chữ Giải Phóng.
Tôi đã đọc bài báo: “Không có ngược đãi sau 30 tháng tư”, trao đổi với BBC ngày 18 tháng Tư 2015 của ông phó giáo sư Vũ Quang Hiền, từ Đại học quốc gia Hà Nội. Ông dám nói như thế này:
“Sau chiến tranh chấm dứt ngày 30 tháng Tư, 1975, ở Việt Nam không có sự ngược đãi đối với mọi người, trong đó với các lực lượng cựu quân, cán chính của chính quyền Sài Gòn.”
Ông nói tiếp:
“Tức là tuyên truyền vu cáo về miền Bắc xâm lược miền Nam và dẫn đến sự tàn sát đẫm máu thì rõ ràng là điều đó không có ở miền Nam.”
Đang cầm ly cà phê trên tay, nghe những lời tuyên bố trên của tên Phó Giáo sư, tôi chỉ muốn cầm ly cà phê hắt vào mặt tên Vũ Quang Hiền này.
Các bài viết mang tính huyênh hoang, chạy tội, dối trá, tuyên truyền bịp bợm đến ngớ ngẩn không thiếu. Họ càng nói càng mất thế giá. Họ càng tìm cách trình diễn, càng trở nên lố bịch!
Hà Nội nhân dịp này đang nỗ lực tổ chức hội thảo, rồi tiệc tùng ăn mừng chiến thắng, rồi cho dân nghỉ lễ, rồi có pháo bông để dân nghèo cũng có cơ hội nhìn pháo bông mà quên đi cái thân phận họ. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ có duyệt binh có cả 6000 binh lính tham dự để diễn lại cái cảnh xâm chiếm miền Nam năm 1975! Chắc là cũng tốn kém bạc tỉ?
50 năm nhìn lại, chỉ mong rằng sau này, người ta biết coi đó là một bài học đau thương của cả một dân tộc.
Tiếc thương. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hạnh.
Lời cảm tạ của người viết | Người viết thấy cần bổ túc một sơ xuất khi bài được đăng lần đầu là đã không đề cập đến nguồn của những bản tin về diễn tiến của cuộc chiến Việt Nam cách đây hơn 46 năm; 1975 chưa phải là thời đại của xa lộ thông tin nên đến khi viết loạt bài này, ngay cả nếu có khả năng truy cập mạng Internet, người viết cũng khó có thể tìm được những bản tin về lịch sử cận đại từ 50 năm trước. Chân thành cảm ơn hảo ý của người bạn đa giao cho tôi nguyên tập tài liệu gồm những bản tin anh đã cắt, dán và lưu trữ suốt hơn 40 năm trong giai đoạn trước khi Sài Gòn xụp đổ khi còn là sinh viên du học tại Canada. Anh Lê Phan Lân, một lần nữa, xin cảm ơn anh.
(17) Frank Snepp, Irreparable Harm, trang XVII
(*) Quốc hội không có thẩm quyền bầu Tổng thống theo Điều 39, Quyền hạn của Quốc hội, trong Hiến pháp 1967 của Việt Nam Cộng Hòa. Căn cứ vào Điều 56 của Hiến pháp, nhiệm vụ của một Tổng thống chỉ có thể bị chấm dứt trước khi mãn nhiệm trong những trường hợp sau đây: chết, từ chức, mang trọng tội/truất phế, bị bệnh nặng kéo dài. Tất cả những trường hợp vừa kể không thể áp dụng với Tổng Thống Trần Văn Hương. Luận tội/truất phế Tổng thống là một trong những thẩm quyền của Tòa án Đặc biệt theo quyết định dựa trên hai Điều 85 và 87. Như vậy, hành động của Quốc hội trong việc bầu chọn Tướng Dương Văn Minh thay thế Tổng Thống Trần Văn Hương vào ngày 26 tháng tư năm 1975 có thể được coi là không hợp hiến. [Tham khảo: Văn bản của Hiến pháp mới, Việt Nam Perspectives. Vol. 3, số 1 (Tháng Tám, 1967), trang 24-40. Một phiên bản tiếng Việt của “Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967” có thể được tìm thấy ở đây: http://snipurl.com/24o4sn5]
(**) Theo statistiques de France-terre d’asile, từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng năm 1990, Pháp đã nhận tổng cộng 42.694 người tị nạn Việt Nam, 1/3 của người tị nạn Đông Dương đến Pháp (126.100) trong giai đoạn này. (Nguồn: Lam Thanh Liem et Jean Maïs, La Diaspora Vietnamienne En France Un Cas Particulier: La Region Parisienne, Bulletin EDA n° 207, 16/10/1995.) Trong cùng thời gian đó có 543.000 người Việt tị nạn tại Mỹ (Hataipreuk Rkasnuam and Jeanne Batalova, Vietnamese Immigrants in the United States, August 25, 2014.) Từ khoảng 3000 người trước 1975, đến 1991 dân số người gốc Việt tại canada tăng lên 91.000 sau những đợt di cư của người tị nạn (Louis-Jacques Dorais, “From refugees to transmigrants: the Vietnamese in Canada”). Trước năm 1975 chỉ có khoảng 700 người gốc Việt Nam tại Úc, con số này tăng lên 124.800 người vào năm 1991 (ABC.net.au, Timeline: Vietnamese immigration to Australia.)