Thích Chân Quang xài bằng ‘tú tài’ giả để lấy bằng tiến sĩ Đại Học Luật Hà Nội

Ba’o Nguoi-Viet

August 13, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hai tháng sau khi Thượng Tọa Thích Chân Quang bị cộng đồng mạng xã hội phanh phui vụ lấy bằng tiến sĩ “thần tốc” của Đại Học Luật Hà Nội, các báo tại Việt Nam đồng loạt đưa tin xác nhận ông này “không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba (tú tài) “bổ túc văn hóa” năm 1989.”

Ông Thích Chân Quang, tên thật là Vương Tấn Việt, trụ trì thiền tôn Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện đang bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) áp lệnh cấm thuyết giảng hai năm do có các phát ngôn và bài giảng gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Thượng Tọa Thích Chân Quang có nhiều bài thuyết giảng gây tranh cãi cho đến khi bị vỡ lở vụ lấy bằng tiến sĩ “thần tốc.” (Hình: VietNamPlus)

Ông Thích Chân Quang cũng từng gây sự phẫn nộ trên mạng xã hội, vì trong một bài giảng trước các Phật tử, ông này ám chỉ và xách mé gọi sư Thích Minh Tuệ, người tu theo hạnh đầu đà, là “thằng ba trợn.”

Bằng tú tài (tốt nghiệp cấp ba, hay trung học) là điều kiện cần để có thể học tiếp lên đại học (bằng cử nhân) hay thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu bằng này là giả, thì các bằng cấp tiếp theo sẽ trở nên vô giá trị, không được công nhận.

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm 13 Tháng Tám, trong báo cáo đề gửi Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Bộ Nội Vụ Việt Nam, Sở Giáo Dục và Đào Tạo ở Sài Gòn cho biết xác minh bằng tú tài “bổ túc văn hóa” của ông Việt thì không có tên ông trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm hồi năm 1989.

Ngoài ra, cũng không có tên ông Việt trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba “bổ túc văn hóa” ngày 6 Tháng Sáu, 1989 của Sở Giáo Dục ở Sài Gòn.

Như vậy, tấm bằng tú tài của ông Chân Quang rò rỉ trên mạng xã hội từ vài tháng trước chính thức được xác nhận là “đồ giả.”

Công bố của Sở Giáo Dục ở Sài Gòn bỗng nhiên đẩy trường Đại Học Luật Hà Nội vào thế kẹt vì ông Chân Quang nộp bằng tú tài nêu trên để lấy tiếp bằng cử nhân ngành Luật, “văn bằng hai hệ vừa học vừa làm.”

Tiếp đó, ông này làm nghiên cứu sinh ngành Luật Hiến Pháp- Hành Chính tại Đại học Luật Hà Nội rồi bảo vệ luận án “với điểm cao gần như tuyệt đối.”

Cũng theo bản tin của báo Tuổi Trẻ hôm 13 Tháng Tám, ông Tô Văn Hòa, hiệu phó trường Đại Học Luật Hà Nội, cho biết nhà trường “sẽ thực hiện theo kết luận, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.”

Ông Hòa không nói thêm về khả năng có tước bằng tiến sĩ của ông Chân Quang hay không và liệu có bất kỳ giới chức nào của Đại Học Luật Hà Nội phải chịu trách nhiệm về quy trình cấp bằng tiến sĩ cho người chưa có bằng tú tài.

Theo giới quan sát, phản hồi này cho thấy ban giám hiệu trường Đại Học Luật Hà Nội giờ đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan,” do trước đó họ đã cố gắng biện hộ rằng việc ông Chân Quang lấy bằng tiến sĩ “thần tốc” là “đúng quy định” và rằng ông này “đã hoàn thành chương trình đào tạo.”

Trong vụ này, ngoài trường Đại Học Luật Hà Nội, công luận còn đặt dấu hỏi về sự trợ giúp của những nhân vật được coi là “có uy tín” khác.

Ông Thích Chân Quang (thứ nhì, phải qua) nhận bằng tiến sĩ luật vào Tháng Tư, 2022 . (Hình: Tuổi Trẻ)

Tờ Pháp Luật TP.HCM hồi cuối năm 2021 từng ghi nhận ý kiến của Giáo Sư Hoàng Chí Bảo, cựu ủy viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, cho rằng luận án của ông Thích Chân Quang “là sự đột phá, có những sự phá cách trong quá trình bảo vệ luận án.”

Hồi đầu Tháng Tám, trong thư ngỏ đề gửi ông Tô Lâm được đăng trên trang cá nhân, Luật Sư Lê Ngọc Luân, ở Sài Gòn, viết: “Mong ông sẽ có ý kiến chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng để vụ việc [Thích Chân Quang] sớm sáng tỏ trước công luận. Đó là cách bảo vệ uy tín tốt nhất cho trường Đại Học Luật Hà Nội và công dân Vương Tấn Việt nếu họ đúng. Còn trường hợp cấp bằng sai, vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm mà lúc còn sống cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra.”

Đến nay, công luận không hề thấy ông Nguyễn Kim Sơn, bộ trưởng Giáo Dục, cũng như hiệu trưởng Đại Học Luật Hà Nội lên tiếng về sự việc. (N.H.K) [kn]


 

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay