Tưởng Năng Tiến
5-7-2024
Tôi hoàn toàn (và tuyệt đối) không có năng khiếu hay tham vọng gì ráo trong lãnh vực thơ văn/thi phú. Suốt đời chỉ dám mong sao có sách báo để đọc, và có cơ hội để thưởng thức những lời hay ý đẹp của giới văn nhân thi sĩ, là vui thích lắm rồi. Sở thích, cùng niềm vui, tuy giản dị thế thôi nhưng đôi lúc tôi vẫn bị lôi thôi vì những câu cú (vô cùng) tối nghĩa:
“Một hôm gầu guộc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
Bôm ha? Đạn hả? Bao gồm
Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen”. (Bùi Giáng – Ngẫu Hứng)
Hiểu chết liền!
May mắn là thường khi thì thơ của Bùi Giáng cũng dễ hiểu thôi:
“Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Khi không anh bỗng nhẩy tưng lên trời!”
Xem xong, tôi “thấu” ngay cái tâm trạng phấn khích của tác giả khi thấy một người đồng hương “bỗng” bay tuốt luốt lên tận trời xanh. Chả những thế, qua thơ Bùi Giáng, tôi còn biết thêm rằng, ổng rất mù mờ về chuyện thế sự hay quốc sự.
Làm gì mà có chuyện (khi khổng) “khi không” mà Phạm Tuân “bỗng nhẩy tưng” như vậy, cha nội! Chuyến “mang dép lốp đi vào vũ trụ” của phi hành gia Việt Nam được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo lắm nha – theo như nguyên văn lời của chính người trong cuộc:
“Tôi mang theo một mớ quốc kỳ, quốc huy, chân dung của bác Hồ, bản tuyên ngôn độc lập do bác viết, di chúc bác để lại, cùng với một túi đất của quảng truờng Ba Ðình (nơi xây lăng của Hồ Chí Minh) và nhiều phù hiệu nữa…” – “I took several national flags, national emblems, portraits of Uncle Ho, his national independence proclamation, his testament, a small pack of soil from Ba Dinh Square [site of the Ho Chi Minh mausoleum] and many other badges.” (“Vietnam Marks Anniversary Of Giant Leap” – BBC 24 July, 2000).
Đi quá giang mà mang theo đất cát và đủ thứ hành trang rình rang, lỉnh kỉnh, lảng cảng như thế thì e hơi quá tải (và ngó cũng quá kỳ) nhưng chưa hế́t. Phóng viên Nguyễn Dũng Sĩ (Tuổi Trẻ Cuối Tuần) còn ngần ngại cho biết thêm một chi tiết (động trời) khác nữa: Ngoài chân dung bác Hồ, Phạm Tuân còn na thêm “một tấm ảnh của Tổng Bí Thư Lê Duẩn” nữa cơ.
Thiệt là quá đã và quá đáng!
Tuy đã từng được “bốc” lên đến tận giời nhưng khi Lê Duẩn qua đời (vào hôm 10 tháng 7 năm 1986) đám con ông vẫn cứ lo ngay ngáy. Hồi ký “Làm Người Là Khó” của cựu Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành, có đoạn như sau:
“Ra đến Hà Nội được 2-3 ngày thì anh Ba mất. Tôi vội đến ngay gia đình anh. Chị và các cháu xúm lại hỏi tôi đi đâu mấy tháng: “Lúc anh Ba yếu nặng sao chú không lại”. Tôi nói chuyện đi công tác miền Nam nên thất lễ với anh Ba trong những ngày cuối cùng. Cả nhà anh Ba lo lắng, nhất là mấy cháu gái: Cừ, Muội, Hồng, các con rể Lê Bá Tôn, Hồ Ngọc Đại. Nói là cháu, nhưng các cháu chỉ kém tôi 5-7 tuổi. Tất cả xúm lại hỏi tôi và lo lắng: “Ba cháu mất rồi, liệu họ… có giết gia đình nhà cháu không”.
Tất nhiên là “không”!
Dù đã đẩy cả nước đến bước đường cùng (“đổi mới hay là chết”) sự quyết tâm và lòng kiên trì với chủ nghĩa Marx– Lenin của Lê Duẩn vẫn được giới lãnh đạo của nhà nước hiện hành “đánh giá cao”. Vì thế, đại lộ Lê Duẩn vẫn có mặt khắp nơi. Đền thờ Lê Duẩn vẫn được khánh thành. Con cái của ông không chỉ tuyệt đối an toàn mà còn có thừa cơ hội để trở thành những người thành đạt.
Chả những thế, Thiếu tướng Lê Kiên Trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (cậu con út của Lê Duẩn) có lúc còn phàn nàn về sự vô ơn của thiên hạ đối với cha ông:
“Chúng ta ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ, của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh hạnh phúc riêng của mình vì đất nước. Nhưng ba tôi, người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của cuộc chiến ấy, đã ít được nhắc đến suốt một thời gian”.
Tế nhị hơn, TS Lê Kiên Thành – thứ nam của ông cố tổng bí thư Lê Duẩn – cũng đã nhắc nhớ đến phụ thân trong một tác phẩm (Những Khoảnh Khắc Sống) vừa được ra mắt vào hôm 14 tháng 4 vừa qua.
Báo Tiền Phong tường thuật: “Không gian Hội trường gác 3 mới tân trang khá bắt mắt của Trụ sở Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du chật ních các văn nhân… Sách gồm 2 phần TRUYỆN & TỰ SỰ. Giá không hề mềm (399.000 đồng), vậy mà khách mua tơi tới. Tác giả Lê Kiên Thành (LKT) ký tặng mỏi tay”.
Giới nghệ sĩ/ văn nhân không chỉ “chật ních” hội trường mà còn phát biểu tới tấp, và toàn là những lời có cánh:
– Thành Chương: “Thú thực rất lâu rồi, tôi mới lặp lại được cảm giác… đọc. Có lẽ sự chân thành của tác giả đã cuốn hút và thuyết phục được tôi”.
– Nguyễn Quang Thiều: “TS Lê Kiên Thành đã mang sự tử tế hơn 50 năm trước, và lâu hơn nữa, kể lại với chúng ta, phục hồi vẻ đẹp của thời đại ông đang sống, vừa cảnh báo về những gì có thể giết chết vẻ đẹp ấy”.
– Y Nguyên: “Trong cuốn sách, tác giả không dành bài viết riêng nào về bố mình, nhưng người đọc vẫn nhận thấy bóng dáng cố Tổng bí thư Lê Duẩn qua các bài viết về gia đình, người thân”.
– Lưu Trọng Văn: “Lê Kiên Thành muốn chứng minh rằng ông yêu bố mình biết chừng nào, ông muốn mọi người hãy tin một ông vua như bố ông không bao giờ xa dân, vì vậy mới có một đứa con sống như một người dân thường nhất giữa nhân dân. Và có khát vọng sống tử tế như nhân dân”.
Ngoài những lời ngợi khen nồng nhiệt kể trên – đây đó – cũng có đôi lời bàn ra (nghe) cũng bớt vui, dù hoàn toàn không trật:
– Phùng Hi : “Tôi đã nhận ra nét lưu manh của tên này khá lâu. Hắn luôn mồm nhắc đến cha mình như một bảo chứng. Tiếc có vài nhân vật danh giá đương thời xúm vô ca ngợi hắn”.
– Trần Thị Hải Ý: “Nhờ Ba Duẩn vương ‘băng hà’ Việt Nam xã nghĩa mới có cái gọi là ‘đổi mới’… tức là quay về hệ thống kinh tế cũ, kinh tế thị trường”.
– Bạn Trần Văn: “Ở thể chế chính trị dân chủ thì nguyên thủ quốc gia đừng có nói chuyện xa dân, gần dân. Cái khái niệm này chỉ có ở thể chế chính trị phong kiến, độc tài mà thôi”.
– Truong Huy San: “Đánh giá một nhà lãnh đạo, gần hay xa dân, phải dựa trên chính sách và hậu quả chính sách mà họ mang lại chứ không thể dựa trên tình cảm gia đình”.
Thế “hậu quả” sau một phần tư thế kỷ mà Lê Duẩn cầm quyền ra sao? Ông “gần hay xa dân”?
Tuy là đôi câu hỏi khó nhưng phần trả lời lại có thể tìm được rất dễ dàng qua một mẩu chuyện hài, ngăn ngắn:
Một hôm, ba nhà lãnh đạo cao nhất của đảng đi chung một chuyến chuyên cơ, ngó xuống hạ giới thấy dân tình nheo nhóc, đói khát, mặt mũi thểu não. Bỗng một người hỏi:
“Bây giờ mình ném cái gì xuống thì đám dân ấy mới tươi tỉnh lên được nhỉ?”
Bác Đồng nói trước: “Chắc họ đang đói. Hãy ném cho họ mấy bữa cơm không độn”.
Bác Chinh cho rằng: “Điều họ thiếu là lý tưởng. Hãy ném cho họ lý luận về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Bác Duẩn lắc đầu: “Không phải! Không phải! Họ cần làm chủ tập thể”.
Trong khi ba bác còn chưa thống nhất được nên ném gì cho dân thì anh phi công lái chuyến chuyên cơ rụt rè đề nghị: “Dạ thưa, cháu có ý kiến được không ạ?”.
Ông Lê Duẩn nói ngay: “Tại sao không? Cứ phát huy dân chủ”.
Bấy giờ anh phi công mới nói: “Dạ, muốn cho đám dân tình dưới đó reo vang hạnh phúc thì chỉ có cách là ném cả ba bác ra khỏi máy bay thôi ạ”. (Huy Đức – Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Tác giả còn “rủ rỉ” thêm:
“Người dân gọi những năm đầu thập niên 1980 là thời kỳ ‘Ba-Đồng-Chinh’… Có những câu đồng dao được mọi người đọc cho nhau: Anh Đồng, anh Duẩn, anh Chinh/ Ba anh có biết dân tình cho không/ Rau muống nửa bó một đồng/ Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân”. (Sđd 330 – 331).
Hai anh kia – tuy thế – chỉ vướng vào chuyện rau dưa, cơm áo, gạo tiền, chứ không mang tiếng sát nhân “đại trà” như anh Ba Duẩn. Theo công trình nghiên cứu (Statistics Of Vietnamese Democide Estimates, Calculations, And Sources) của giáo sư R.J Rumel thì chỉ trong vòng chục năm, từ năm 1975 đến năm 1986, nhân vật lịch sử này đã khiến cho hơn một triệu người (1,040,000) mất mạng:
– Executions: 100,000
– Camp Deaths: 95,000
– Forced Labor: 48,000
– Democides in Cambodia: 460,000
– Democides in Laos: 87,000
– Vietnamese Boat People: 500,000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)
Không phải vô cớ mà cùng với Hồ Chí Minh, Lê Duẩn cũng có tên trong trong danh sách tội phạm chống nhân loại. Trang History Collection, còn xếp hạng ổng thuộc “top ten” (“10 Monstrous Dictators”) chứ không phải loại xoàng!
Lịch sử, rõ ràng, đã dành một chiếu riêng cho ông Tổng Bí Thư rồi. Mọi nỗ lực lặt vặt của con cháu trong nhà để trải một cái chiếu hoa (khác) cho người quá cố e không có kết quả chi đâu, ngoài sự lố bịch.
Con hơn cha là nhà có phước. Con bênh cha hay thương cha cũng thế. Tuy thế, trong trường hợp của Lê Duẩn thì cách thương mến tốt nhất dành cho người quá cố là hãy để cho ổng yên đi. Leave him alone. Không nên nhắc đến sợi dây thừng ở một nơi đã có cả triệu kẻ bị chết oan!