May 17, 2024
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong hai ngày liên tiếp, Giáo Hội Phật Giáo CSVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ phát đi văn bản “cảnh báo” người dân về nhà sư Thích Minh Tuệ.
Từ vài tháng qua, nhà sư Thích Minh Tuệ trở thành “hiện tượng,” được đông đảo người dân mến mộ vì cách ông thực hành “hạnh đầu đà” (tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm) hoàn toàn đối lập với các “sư quốc doanh” như Thích Thanh Quyết, Thích Trúc Thái Minh, Thích Chân Quang…
Nhà sư Thích Minh Tuệ chia sẻ về hành trình đi bộ suốt sáu năm qua. (Hình: Đức Hùng/VNExpress)
Theo báo Người Lao Động hôm 17 Tháng Năm, văn bản của Ban Tôn Giáo Chính Phủ đề nghị chính quyền các địa phương “quan tâm,” bằng cách khi ông Minh Tuệ đi ngang qua địa bàn thì “không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật.”
Cơ quan nêu trên cũng nhấn mạnh việc chính quyền “định hướng dư luận, không để các đối tượng thiếu thiện chí có cơ hội lợi dụng tuyên truyền, kích động gây mất ổn định xã hội.”
Một ngày trước, Giáo Hội Phật Giáo CSVN bình luận rằng việc người dân cúng dường vật phẩm, đồ ăn cho nhà sư Thích Minh Tuệ “tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”
Đáng lưu ý, tổ chức tôn giáo nêu trên cho rằng nhà sư Thích Minh Tuệ “không phải là tu sĩ Phật Giáo” và rằng ông này tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống.
Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài chuyến đi bộ từ tỉnh Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Sau khi Giáo Hội Phật Giáo CSVN ra văn bản, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Hoàng Đình Chung, trưởng Phòng Nghiên Cứu Lý Luận Và Chính Sách Tôn Giáo, Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, cho biết giáo hội chỉ nên lên tiếng khi người ta nhận nhầm ông ấy với một tu sĩ trong hệ thống mà giáo hội quản lý. Hoặc từ trường hợp này mà có người quay phim, chụp ảnh đưa ra thông điệp trái chiều mà ảnh hưởng đến dư luận xã hội mới cần lên tiếng.
“Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật Giáo thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo Hội Phật Giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật Giáo. Phật Giáo không phải của riêng ai, không phải của riêng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam,” Tiến Sĩ Chung bày tỏ.
Báo Pháp Luật TP.HCM viết: “Tiến Sĩ Chung cũng cho rằng bản thân ông Minh Tuệ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình, chưa cần đến mức bên ngoài phải can thiệp sâu như thế. Thậm chí, ông ấy nhân thân thế nào, xuất phát thế nào đó là câu chuyện riêng tư và không được phép đem những việc đó để tấn công ông ấy với cuộc sống hiện tại.”
“Theo tôi, văn bản của giáo hội cần phải có nhìn nhận khách quan, giữ khoảng cách tốt hơn chút nữa. Những vấn đề liên quan đến dư luận, giáo hội phải liên tục giữ gìn và chấn chỉnh hình ảnh của tăng sĩ trong giáo hội của mình,” ông Chung được dẫn lời nói.
Nhà sư Thích Minh Tuệ. (Hình: Người Lao Động)
Hôm 17 Tháng Năm, báo VNExpress có bài viết về sư Thích Minh Tuệ, khi ông dừng chân nghỉ ngơi tại bãi đất trống ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm người đã vây quanh ông nghe trò chuyện. Khi nói chuyện, ông Tú luôn xưng là “con.”
“Ông Tú cho hay mình không phải là tu sĩ Phật Giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi…),” VNExpress viết.
Từ năm 2017 ông Tú bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành. Đến nay, ông đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước. “Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình,” ông Tú được trích lời nói.
Ông Tú chia sẻ, khi quyết định bỏ nhà, bỏ việc để bộ hành, bản thân ông đã suy nghĩ rất kỹ, sau đó mới xin phép cha mẹ lên đường.
“Vì quyết tâm theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ ông Tú luôn tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho ông sẽ không nhận. Mỗi ngày ông chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì ông dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối ông dừng lại tắm rửa. Buổi tối, ông thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng,” báo VNExpress kể.
Suốt quãng đường ông đi, có nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo, nhưng “ông Tú nói họ không phải đệ tử của mình, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì cũng không cản. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, ông luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.”
“Còn nếu ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng. Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý,” báo VNExpress thuật lời ông Tú nói.
Phản hồi việc Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khẳng định ông Tú không phải là tu sĩ Phật Giáo, ông Tú nói từng đi tu, nhưng chưa có duyên ở chùa và “từ lâu nay ông chưa từng nhận là tu sĩ và bản thân cũng ‘cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó,’” theo báo VNExpress.
Dù không liên lạc với gia đình suốt sáu năm qua vì không dùng điện thoại, mạng xã hội, song ông Tú chia sẻ lúc nào cũng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Đám đông đi theo chân nhà sư Thích Minh Tuệ tại mỗi nơi mà ông đi qua. (Hình: VNExpress)
Từ xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, ông Lê Xuân, 84 tuổi, cha của ông Tú, chia sẻ với VNExpress cho biết, gia đình có bốn người con, Lê Anh Tú là con thứ hai, học hết phổ thông thì đi nghĩa vụ. Khi xuất ngũ, Tú chuyển sang học trung cấp rồi theo người bạn về Phú Yên làm đo đạc địa chính cho một công ty tư nhân.
Đến năm 2015, Tú bất ngờ trở về nhà xin cha mẹ xuất gia để “giải thoát.” Sau một đêm suy nghĩ, vợ chồng ông Xuân đồng ý cho con đi tu. Và từ đó đến nay, gia đình không còn liên lạc với con nữa.
Mấy hôm trước người trong làng cho xem các video gây chú ý trên mạng, ông Xuân mới nhận ra con mình.
“Vợ chồng thấy con ăn uống kham khổ, gầy, đen cũng thương, nhưng cái nghiệp cháu vậy thì gia đình luôn ủng hộ. Mong con chân cứng đá mềm, không ham mê tiền bạc, vật chất và tu thành chính quả,” ông Xuân nói.
Trong khi đó, mạng xã hội dấy lên nhiều chỉ trích việc Giáo Hội Phật Giáo CSVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ độc quyền công nhận tu sĩ Phật Giáo là những người tu tập tại các chùa do chính quyền quản lý.
Facebooker Thành Nguyễn, nhà hoạt động, bình luận trên trang cá nhân: “Công văn của Giáo Hội Phật Giáo CSVN về sư Thích Minh Tuệ thể hiện bản chất bị chính trị hóa tổ chức này, nó đi ngược với tinh thần độc lập của một tổ chức xã hội dân sự và tinh thần dung hòa của nhà Phật. Qua đây, ta có thể hiểu hơn thế nào là tính chất toàn trị của chế độ hiện hành, đây là điểm khác biệt của nước mình [Việt Nam] so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.”
Ông Thành dự báo hiện tượng sư Thích Minh Tuệ “sẽ bị dìm xuống trong thời gian tới,” và công văn của Giáo Hội Phật Giáo CSVN “mới chỉ là phát súng đầu tiên.” (N.H.K) [qd]