TẾT THA-HƯƠNG!-Truyện ngắn hay

“Chú ơi, đánh giày đi chú.”

Tôi quay lại. Trời ơi, chú bé ốm như con mèo ướt. “Trời mưa. Ai lại đánh giày?”

Chú bé nói giữa hai hàm răng run cầm cập: “Thế nên từ sáng đến giờ cháu chưa đánh được đôi nào cả.”

Tôi kéo chiếc ghế ra. Thân thiện nói: “Cháu ngồi xuống đây cho đỡ lạnh.”

Chú bé ôm hộp đánh giày khúm núm. Tôi giục hai ba lần chú mới dám khẽ kê mông, ngồi xuống. “Cháu uống sữa đậu nành nóng nghe?”

Chú bé sáng mắt lên. Nhưng chú lại lắc đầu. Tôi biết chú đang đói. Cố ép: “Cháu uống sữa đậu nành, ăn xong cái bánh pâté chaud là chú sẽ để cho cháu đánh giày.”

Chú bé mở đôi mắt tròn xoe nhìn tôi như không tin, lắc đầu: “Cháu không dám đâu.”

Tôi cười: “Chú đãi cháu mà.”

Chú bé vẫn ngần ngại. Tôi vẫy tay kêu người hầu bàn. Chú bé khẽ dò hỏi: “Thế chú có cho cháu đánh giày không?”

Tôi đùa: “Cháu đánh xong, chú ra ngoài mưa, bùn bắn. Lại như không!”

Mặt chú bé lại tái đi. Nỗi thất vọng chực tràn những giọt nước mắt quanh khoé. Tôi vội trấn an: “Chú đùa thôi.”

Chú bé hăng hái ngồi thụp xuống đất cởi giày tôi ra. Tôi cản: “Từ từ. Chú không chạy đâu.”

Trong lúc đó, người hầu bàn bưng ly sữa đậu nành bốc khói cùng đĩa bánh đến. Tôi nghe chú bé nén nước bọt đánh ực trong cuống họng. Tôi kéo tay chú: “Cháu ngồi lên ghế, ăn đi.”

Chú bé tự nhiên ăn uống một cách ngon lành. Tôi châm thuốc nhìn ra bầu trời trước mặt.

Bên kia đường là chợ Đà- Lạt, người người co ro trong những chiếc áo mưa tơi. Những cô bán hoa ngồi héo mặt trong góc khuất chờ mưa tạnh. Những bà bán trái cây buồn rầu nhìn ông đi qua, bà đi lại; có bà tỉ mỉ lau bóng những trái táo nhập cảng như sợ nước mưa sẽ làm mẹt trái cây chóng thối. Bà bán bún ngồi ủ rũ khều mấy cục than trong lò ra, vì sợ lửa lớn sẽ chóng làm cạn nồi nước lèo. Những người bán rau tranh thủ ngồi nhặt những chiếc lá héo bên ngoài.

Trời Đà Lạt buồn rầu đón thêm một cái Tết lạnh lùng. Không khí như đặc lại bởi cơn mưa cứ nhỏ hạt lê thê. Chợ búa như khép kín với nỗi buồn muôn thuở. Tôi đã nghe những người chung quanh than vãn suốt hai ngày qua. Lạ, Tết đến rồi sao ông trời chẳng cười giùm cho một chút, ông khóc sụt sùi hoài thì dân chúng làm sao mà dám cười?

Tôi nhìn qua khu Hòa Bình. Xe cộ thưa thớt, đường phố đắm chìm trong mưa. Phố Đà Lạt nhỏ, trời mưa khiến những con đường chảy nước ràn rụa, làm tăng vẻ rét mướt. Tôi nhìn lại, chú bé đã uống cạn ly sữa nóng.

Gợi chuyện:

“Ba mẹ cháu đâu? Sao để cháu ra làm thế này?”

“Bố mẹ cháu ngoài Bắc.”

“Như vậy cháu ở với ai?”

“Cháu ở với chúng bạn.”

“Cháu không có bà con gì trong Nam sao?’

“Không. Ngoài Bắc đói lắm, chúng cháu mới rủ nhau vào đây kiếm ăn!”

“Cháu bao nhiêu tuổi rồi hả?’

“Mười hai.”

“Mười hai? Nhìn cháu như mới lên bảy, tám là cùng.”

“Đói quá làm sao mà nhớn được chú?”

Chú bé cười sau câu nói, nhe hàm răng cáu vàng. À, thì ra chú bé cũng biết đùa.

Tôi hỏi tiếp:

“Cháu vào đây bao lâu rồi?”

“Hai năm.”

“Vậy cháu bỏ nhà vào Nam lúc cháu mới mười tuổi?”

Chú bé cãi: “Cháu không bỏ nhà đi. Bố mẹ cháu cho phép.”

Tôi cười thành tiếng: “Ừ, thì ba mẹ cháu cho phép. Cháu đi một mình?”

“Không. Cháu đi cùng chúng bạn.”

“Vậy mấy bạn đâu rồi?”

“Chúng cháu chia nhau đi làm. Đêm đến mới gặp.”

“Tối về cháu ở đâu?”

Đứa bé đưa tay chỉ. Tôi bật lên âm thanh hơi lớn, khiến một vài cái đầu trong quán quay lại nhìn: “Trong chợ?”

Đứa bé gật đầu. Tôi nghĩ, trời lạnh như thế này, rồi chặc lưỡi: “Tại sao ba mẹ cháu lại để cho tụi cháu đi như vậy?”

“Bố mẹ chúng cháu nuôi chúng cháu không nổi.” Chú bé thản nhiên trả lời.

Tôi bần thần nhìn đứa bé còi cọc trong chiếc áo “sida” bằng nỉ rộng thùng thình. Chiếc áo vượt không biết bao nhiêu đất trời, từ những người hảo tâm bên Tây, bên Mỹ, về Việt-Nam được hân hạnh khoe mình trên những sạp đồ cũ ngoài chợ trời, với cái tên đầy vẻ“thời thượng” – sida – Tôi biết nếu chủ nhân cũ của nó nghe được chắc chẳng bao giờ dám mang áo quần đi cho.

Lạ, đầu óc tôi khi không lại đảo một vòng quanh thế giới. Tôi nhìn lại mình, nhìn lại chú bé bên cạnh đang kín đáo thè chiếc lưỡi nhỏ liếm vành môi còn đọng lại chút sữa.

Tôi hỏi. Cháu uống thêm ly nữa nhé. Trong khi bàn tay như thói quen kêu người chạy bàn thêm một lần nữa, không để ý đến sự phản đối yếu ớt của chú bé.

Tôi bỗng buồn. Tại sao tôi lại trở về Việt-Nam để thấy lòng mình buồn hơn bao giờ hết? Tôi chợt nghĩ đến những đứa cháu tôi bên Mỹ. Những đứa con nít ở Mỹ mới sung sướng làm sao! Buổi sáng, mẹ chúng phải năn nỉ chúng uống từng hớp sữa trước khi đến trường. Chiều về, lại dán mắt vào TV, hoặc những chiếc máy vi tính. Những trò chơi điện tử, chúng chơi chưa qua một ngày, đã chán!!!

Chú bé rụt rè đặt ly sữa thứ hai xuống bàn. Xong, hăng hái ngồi xuống đất gỡ dây giày tôi ra. Tôi lại kéo chú ngồi dậy, cười: “Chú có một đề nghị.”

“Gì cơ?”

“Trời mưa, chú đi chơi không được. Cháu làm việc cũng không được. Bây giờ, cháu ngồi nói chuyện với chú, coi như là làm việc với chú. Được không?”

“Thế đôi giày của chú?”

“Chú không cần cháu đánh giày cho chú đâu.”

“Sao cơ?” Chú bé có vẻ hốt hoảng.

Tôi trấn an: “Chú trả tiền cho cháu đàng hoàng mà. Đừng lo!”

Tôi hỏi thăm về chú bé, về công việc mưu sinh hàng ngày. Chú bé nói mới thông thạo làm sao. Tôi yêu quá tiếng Việt được nói ra lưu loát từ cửa miệng của một em bé. Đã lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp nghe em bé Việt-Nam nói chuyện một cách mạch lạc. Ở Mỹ, tôi đã quen với những tràng tiếng Mỹ xen với những câu tiếng Việt ngô nghê của mấy đứa cháu khi bị ba mẹ lườm mắt, ý không được nói tiếng Mỹ ở nhà.

Chú bé quay qua hỏi tôi: “Chú về thăm gia đình hở?”

“Chú có đi đâu mà về?” Tôi nheo mắt trêu.

Chú bé cười, ra vẻ hiểu biết: “Nhìn chú, cháu biết chú là người nước ngoài rồi.”

“Sao biết?”

Chú bé thân thiện hơn: “Không sao cả. Biết là biết.”

“Chú cũng là người Việt mình mà?”

“Chú khác với những người Việt ở đây. Chú là Việt kiều!”

“Chú thấy có khác gì đâu?”

“Tại chú không thấy. Nhưng cháu thấy!”

Tôi đổi sang chuyện khác, nói vu vơ: “Tết năm nay hoa anh đào bị tàn hết vì mưa?”

“Vâng!” Chú bé vội vã nói tiếp: “Nhưng cháu thấy hoa đào ở ngoài cháu đẹp hơn nhiều.”

“Phải!”

Chú bé reo lên: “Chú cũng thấy nữa sao?”

“Chú chưa ra Bắc lần nào, nhưng chú thấy trên phim ảnh.”

“Ở ngoải cũng có phim ngoài Bắc nữa sao?”

Tôi bật cười vì khi không chú bé lại nói giọng Nam: “Phải, ở ngoải cũng có. Chú thấy những cành hoa đào thật đẹp ngoài Bắc.”

“Đẹp mà làm gì hở chú? Nhà cháu không bao giờ ăn Tết bằng hoa đào.”

“Ai lại ăn Tết bằng hoa đào?”

Chú bé không hiểu tôi đùa. Nghiêm giọng: “Thật đấy chú. Đắt lắm chú ạ. Có cành cả bạc triệu cơ đấy. Chỉ có nhà giàu mới sắm hoa đào ăn Tết!”

“Thế Tết cháu không về, ba mẹ có mong không?”

“Tiền đâu mà về chú. Cháu để dành tiền vé xe lửa gửi về cho bố mẹ còn hơn!”

“Cháu nhớ nhà không?”

“Cháu nhớ lắm chú. Cháu nhớ cái Hà nữa cơ. Cái Hà em cháu còn bé mà ngoan lắm, giúp được việc cho mẹ cháu lắm!”

Tôi cao giọng, vui lây với chú bé đôi mắt cứ nhấp nháy khi nhắc đến đứa em gái:

“Cái Hà giúp được việc gì nào?”

“Cái Hà giúp mẹ cháu đi nhặt lúa rơi.”

“Thế ba mẹ cháu làm gì?”

“Bố mẹ cháu làm nông. Nhưng bây giờ cũng ít ruộng để làm rồi.”

“Sao vậy?”

“Người ta lấy ruộng để xây nhà hết.”

“Thế hả?” Rồi tôi trầm ngâm.

Chú bé hỏi: “Chú cũng về quê ăn Tết à?”

Tôi thở dài: “Chú không có quê. Chú không còn ai thân ở Việt-Nam cả!”

“Thế chú về làm gì? Ở ngoải sướng hơn. Cháu nghe nói bển cũng có bánh tét, bánh chưng, có… đủ thứ. Đâu cần phải về!”

Tôi cười xòa: “Chú đâu thèm bánh tét, bánh chưng,… Thế cháu thèm bánh tét, bánh chưng lắm phải không?”

Tôi bật cười hồn nhiên. Khi không, nói chuyện với chú bé một hồi, chú bé lại giả giọng Nam, tôi lại lái qua giọng Bắc.

Chú bé le lưỡi: “Cháu thèm bánh chưng. Mà đắt lắm chú ơi. Nhưng cháu nhất định sẽ ăn nó vào Tết năm nay!”

Chú bé nói chữ “nhất định” nghe ra thật cương quyết. Tôi thấy bồi hồi. Ước mơ và mục tiêu của em bé nghèo Việt- Nam chỉ đơn giản như thế sao?”

Tôi khỏa lấp: “Tại sao lại nhất định?”

Chú bé cắt nghĩa: “Này nhé. Chúng cháu gửi tiền về nhà. Còn dư, chúng cháu góp lại mua được những hai chiếc bánh chưng lận!”

Tôi cười: “Mấy đứa mà những hai chiếc lận?”

“Lẽ ra là mười đứa. Nhưng hai đứa xuống Phan-Rang nhảy tàu về quê, còn lại tám đứa. Cháu tính rồi, mỗi đứa được một phần tư cái. Cháu mong cái Hà năm nay cũng được ăn bánh chưng như cháu!”

Tôi quay mặt nhìn xuống lòng đường. Nước cuồn cuộn dưới chân. Vài chiếc xe hơi đời mới chạy ngạo nghễ bắn bùn vào khách bên đường, để lại những tiếng chửi rủa tục tằn. Chú bé tò mò nhìn tôi. Chắc chú chẳng hiểu tại sao mắt tôi lại ngầu đục?

Trở về Đà Lạt lần này, tôi muốn ăn Tết với gia đình người bạn thân thời trung học một cách bất ngờ. Nhưng dự định của tôi tiêu tan! Bao nhiêu năm rồi, nếu lòng tôi không thay đổi, chưa chắc người khác đã không đổi thay như tôi. Bây giờ tôi mới biết, hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau đã khiến con người ta khó thể gần gũi nhau được. Bạn bè ngày xưa từng mặc áo lẫn nhau, bây giờ nhìn lại mới thấy thời gian đã làm thay đổi nhiều quá! Không có gì tồn tại mãi!

Tôi lần mò đến con dốc cũ, chẳng buồn biết nó có bị thay tên hay chưa? Đà Lạt không có những thay đổi lớn lao, ngoài khí trời hình như không còn lạnh như năm nào.

Căn nhà cũng như xưa, không được sửa sang, trông già nua quá thể, giàn hoa giấy cũ đã bị chết khô tự bao giờ! Và, cánh cửa gỗ nứt nẻ không buồn sơn phết lại. Tôi gõ cửa. Người đàn ông yếu đuối, tóc lưa thưa bạc phếch, mở cửa nhìn tôi bằng đôi mắt mệt mỏi.

Tôi lễ phép: “Thưa bác có Thuần ở nhà không ạ?”

Người đàn ông ngạc nhiên, cau mày nhìn tôi một thoáng rồi bảo tôi vào nhà ngồi chờ.

Một lúc khá lâu, cũng người đàn ông ấy chậm rãi bước ra, vỗ vào vai tôi: “Thằng Thuần không có ở nhà con à.”

Chưa kịp che giấu nỗi thất vọng hiện ra trên khuôn mặt tôi, thì người đàn ông lại đánh đét vào đầu tôi, la lớn, giọng Huế đặc sệt: Tuân ‘tồ’!! ‘Mi không nhận ra tau hỉ?”

Bây giờ thì đến phiên tôi ngạc nhiên: “Sao bác lại biết tên tục của cháu?”

Người đàn ông đấm mạnh vào vai tôi: “Bác cái mả cha mi! Tau là Thuần đây, khỉ à!!!”

Tôi há hốc miệng: “Trời ơi! Mày… mày giống ba mày quá!”

“Mi lại nói móc tau đó hỉ? Con khỉ, nói tau già thì nói đại đi! Bày đặt!!!”

Tôi ngượng ngùng: “Mấy chục năm rồi mày à. Nói thật, tao không nhận ra mày! Chỉ thấy có nét giống ông cụ nên tao tưởng là bác trai chứ???”

Thuần cười móm mém: “Tau hiểu. Đời sống khó khăn. Mau già lắm!”

Tôi nheo mắt cười. Thuần đổi giọng: “Về hồi nào vậy?”

“Một tuần rồi. Tao mới lên Đà Lạt ngày hôm qua! Ở Mỹ hàng năm có tổ chức sinh hoạt cựu học sinh, anh em vẫn thường nhắc tới mày!!!”

Thuần lơ đãng: “Thế à!”

Tôi nhìn vào mắt Thuần, đục ngầu màu khói thuốc. Thuần già đến nỗi tôi không thể nào tưởng tượng ra được! Ngày còn đi học, Thuần chăm chút hình hài lắm! Sau một cuộc thất tình, Thuần bỏ ngang năm thứ hai Luật khoa, đi lính!!!

Sau đó chúng tôi ít gặp nhau, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc. Năm 1979, tôi vượt biên, nghe đâu Thuần vẫn còn bị học tập cải tạo.

Thuần mang đầy mặc cảm, tự ái! Thuần ăn nói nhiều khi rất cay độc với người, và cả chính mình!

Tôi thân với Thuần vì học cùng lớp thời trung học, lớn lên trong một thành phố. Xong tú tài hai, chúng tôi cùng xuống Sài-Gòn ghi danh vào trường Luật, ở chung phòng trọ.

Khi ra đi, tôi mang theo rất nhiều kỷ niệm thời thơ trẻ cùng Thuần. Trở về, tôi có rất nhiều điều muốn nói với anh, nhưng khuôn mặt Thuần lạnh căm, không bày tỏ một chút xúc cảm, làm tôi thấy thất lạc!

Thuần hất hàm:

“Ở khách sạn hả? Đúng rồi, Việt kiều phải vậy chứ? Ở nhà rách chắc không quen!”

Tôi nhăn nhó: “Mày nói nghe nhột quá!”

Thuần đổi đề tài: “Hai bác và mấy đứa em mi bên đó vẫn khỏe chứ?”

“Ba mẹ tao đã qua đời. Mấy đứa em vẫn khoẻ.”

Thuần chặc lưỡi: “Ba mạ tau cũng vậy. À! Ngôi nhà của gia đình mi nhà nước cấp cho cán bộ cao cấp, họ sửa lại thành biệt thự đẹp lắm. Mi tới đó chưa?”

“Tao định thăm mày xong tao qua đó coi cho biết.”

“Ừ ngôi biệt thự đó bây giờ không rẻ đâu. Phải rồi, nghe nói mi vừa ly dị?”

Tôi thở nhẹ: “Năm năm rồi.”

Thuần đùa: “Tin tức đi chậm, nhưng chính xác! Mấy cháu?”

“Một. Ở với mẹ nó.”

“Về đây kiếm vợ hả?”

“Mẹ. Mày đừng có đùa. Tao già rồi!”

“Mi còn “sữa” chán. Lúc xưa ai cũng kêu mi là “tồ” vì lớn con nhất đám. Không ngờ bây giờ trông mi “sữa” nhất đám!”

Tôi đùa: “Bộ mấy cô thích “sữa ông già” như tao lắm sao?”

“Sữa gì cũng thích. Sữa Hà-Lan, sữa Con Chim, sữa Ông Già, sữa quá đát (date)… miễn là hàng ngoại!”

Tôi cười lớn: “Ông cũng còn giễu như lúc xưa!”

Thuần cũng há miệng cười thành tiếng, không thèm che đậy chiếc răng cửa đã rụng: “Giễu để mà sống chứ!”

“Bộ liệt tao vào thứ hàng ngoại thiệt sao?”

Thuần nhìn tôi từ đầu đến chân: “Mi là hàng ngoại một trăm phần trăm!”

Tôi chưa kịp mở miệng. Thuần lại tiếp: “Áo da của Mỹ, áo thun của Mỹ quần bò của Mỹ. Cả đôi giày cũng Made in USA tuốt! Thế mà không phải là hàng ngoại một trăm phần trăm à???”

Tôi thấp giọng: “Đừng giễu nữa. Tao là người Việt-Nam một trăm phần trăm!”

“À! Điều này chỉ có mi biết! Ra đường ai nói mi là người Việt-Nam đâu. Họ bảo mi là Việt…. kiều!!!”

Tôi xua tay đổi đề tài: “Mày càng nói càng đi xa vấn đề. Bà xã đâu? Con mày ra sao?”

Thuần thở dài: “Tau cứ bịnh lên bịnh xuống, nên bả phải lo chạy gạo! Tụi con tau lớn hết trơn rồi. Chúng nó cũng sống trôi nổi lềnh bềnh như tau! Chỉ có đứa út là dính vào vợ chồng tau, trôi được khúc nào hay khúc đó.”

Tôi nén tiếng thở dài.

Tôi đứng dậy cáo từ. Thuận tay, tôi xoa đầu cậu bé đang khép nép bên khung cửa, tôi nghĩ là con út của Thuần. Tôi khéo léo nhét vào túi áo cháu ít tiền. Rồi đi!

Nhìn gia cảnh Thuần, tôi hiểu nó túng thiếu lắm! Năm cùng tháng tận!!! Không có một bình hoa trên bàn thờ. Ngay cả ly nước trà cháu mang cho tôi uống cũng rất loãng. Tôi hiểu bạn tôi lắm. Nhưng tôi không biết chia sẻ bằng cách nào. Bạn tôi tự ái rất cao!!!

Thành phố bắt đầu lên đèn. Cơn mưa còn chút bụi nước bay lất phất qua những ngọn đèn đường trên cao.

Chú bé níu áo tôi: “Chú thật không muốn đánh giày hả?”

Tôi giật mình nhìn chú bé, thương hại: “Chú không đánh. Hôm nay là bao nhiêu rồi nhỉ?”

“Hai chín Tết!”

“Sao không thấy chợ Tết hả cháu?”

“Mưa quá. Người ta nhóm chợ bên trong!!!”

“Thế làm sao cháu ngủ?”

“Đợi đêm đến chúng cháu mới lẻn vào!”

Tôi xoa đầu đứa bé: “Chúng ta kiếm cái gì ăn không?”

“Cháu không dám đâu!!!”

Tôi đùa: “Dám một chút đi mà!”

Đứa bé cương quyết: “Cháu thật không dám!”

Tôi móc tiền cho chú bé. Số tiền nhỏ lắm đối với tôi, nhưng có thể là cả ước mơ của chú bé! Cho chú bé và các bạn tha hồ ăn bánh chưng năm nay.

Chú bé tròn mắt nhìn tôi, ngần ngại. Tôi dúi tiền vào tay chú. Chú cầm lấy, miệng lí nhí cảm ơn – hình như hai tiếng cảm ơn rất khó nói đối với chú – rồi, chú vùng chạy. Hộp đồ nghề đánh giày lắc lư một bên. Cứ chạy dăm ba bước, là chú bé dừng lại, ngoái đầu nhìn tôi. Có thể chú đang sợ tôi đổi ý, đòi tiền lại chăng?

Tôi đưa bàn tay lên vẫy, bỗng thấy hụt hẫng vô cùng. Tôi nhìn theo cho đến khi chiếc bóng nhỏ bé kia lẫn trong màn sương.

Đêm hai chín Tết. Không biết đêm mai tôi đón giao thừa ở đâu? Ngay trong khách sạn, một mình? Không biết Tết năm nay đến với tôi là năm thứ mấy mươi tha hương? Riêng chú bé thì hẳn tôi đã biết mấy năm chú tha hương rồi!!!

VietH.

From: haiphuoc47 & NguyenNThu


 

Được xem 42 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay