Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, và 2 con gái là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại khoản 4 điều 175 bộ luật Hình sự.
Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp nổi tiếng, kinh doanh nước giải khát với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Gần đây, giới chủ Tân Hiệp Phát bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với những động thái mạnh mẽ và những tai tiếng. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát của ông Trần Quí Thanh được thành lập từ năm 1994, tiền thân là nhà máy bia Bến Thành. Tân Hiệp Phát đang sở hữu hơn 40 loại sản phẩm như nước tăng lực Number 1, trà xanh Không Độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành Soya, nước uống Number 1…
Lâu nay, thành công của Tân Hiệp Phát luôn gắn liền với hình ảnh của ông Trần Quí Thanh. Đây là một trong số những doanh nhân hiếm hoi dùng hình ảnh của mình làm thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, ông Thanh lại không hề sở hữu cũng như nắm giữ các chức vụ của Tân Hiệp Phát.
Mới đây, ông Trần Quí Thanh đảm nhận chức vụ tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát. Ngoài ra, còn có ông Riddle David Charles (73 tuổi, quốc tịch Anh) làm phó tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật và bà Trần Ngọc Bích làm Giám đốc.
Tại thời điểm ngày 9/9/2022, Công ty Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng với các cổ đông, gồm bà Phạm Thị Nụ nắm 54,49% vốn điều lệ, bà Trần Uyên Phương nắm 29,38% vốn điều lệ, bà Trần Ngọc Bích nắm 16,12% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến ngày 22/9/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỷ đồng nhưng các tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Thanh không thay đổi.
Người con duy nhất của gia tộc ông Trần Quí Thanh tên Trần Quốc Dũng không tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình mà lập công ty riêng, chuyên kinh doanh về collagen.
Ngoài nhà máy sản xuất chính đặt tại Bình Dương, các sản phẩm đồ uống của Tân Hiệp Phát còn được sản xuất tại các công ty thành viên như Number 1 Hà Nam, Number 1 Chu Lai, Number 1 Hậu Giang. Các công ty này đều do gia đình ông Trần Quí Thanh trực tiếp sở hữu thay vì do Công ty Tân Hiệp Phát góp vốn.
Năm 2014, Tân Hiệp Phát đạt doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 930 tỷ đồng và lãi sau thuế 730 tỷ đồng.
Năm 2019, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương, Tân Hiệp Phát đã ghi nhận doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 648 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lợi nhuận giữ lại chiếm phần lớn, đạt hơn 472 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “trốn thuế”, “cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11.2020.
Lấn sân qua bất động sản
Tích lũy nguồn tiền mặt lớn từ mảng đồ uống, gia tộc Trần Quí Thanh những năm gần đây bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với những động thái mạnh mẽ.
Tháng 6/2018, ông Trần Quí Thanh xuất hiện trong vai trò thành viên ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TPHCM, chia sẻ ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các hội viên khi họ thiếu vốn cho các dự án.
Trước đó, vào tháng 3/2018, giới chủ Tân Hiệp Phát đã thể hiện sự nhạy bén khi thành lập Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Với lượng tiền mặt lớn, Tân Hiệp Phát sở hữu một lợi thế đáng kể về nguồn lực để tham gia các thương vụ xử lý nợ xấu cho các ngân hàng, qua đó nhận về các tài sản bảo đảm mà phổ biến hơn cả là các bất động sản.
Dữ liệu trên tờ Vneconomy ngày 15/11/2020 thì cho biết, từ năm 2018, Tân Hiệp Phát đã thành lập hơn 20 doanh nghiệp vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng để hiện thực hoá kế hoạch tỷ đô ở lĩnh vực địa ốc.
Hàng loạt các pháp nhân mới được thành lập, như: Công ty Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền (vốn 3.830 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản HBT (vốn 1.500 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản HTK (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản MDC (1.500 tỷ), Công ty Long Châu Thành (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bầu Trời Xanh (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Thiên Thanh (1.500 tỷ), Tân Quý Thanh (1.500 tỷ), Hồng Thiên Mã (1.500 tỷ), Công ty TNHH Đầu tư Quang Vinh (1.200 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ), Number One Quang Vinh (300 tỷ)…
Quỹ đất của Tân Hiệp Phát được cho là trải rộng khắp đất nước. Nhưng khẩu vị yêu thích của đại gia ngành nước giải khát này đó là nhắm vào những khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng mang ra đấu giá để tích lũy quỹ đất. Với chiến lược này, Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều lô “đất vàng” tại nhiều tỉnh thành đang thu hút đầu tư như Đà Nẵng, Tp. HCM và Vũng Tàu.
Công An Nhà Nước ra tay
Quá trình điều tra đến nay, C01 đã có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái ông này là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 8.4, C01 đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh và các con gái của ông này là Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Ngày 10.4, C01 thi hành lệnh bắt tạm giam đối với các bị can Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 9 địa điểm đối với 3 bị can.
Vụ án này được C01 khởi tố tháng 3.2021, sau khi cơ quan này nhận được đơn của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai, cùng một số cá nhân khác tố cáo dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đơn, ông Lâm cho rằng ông Thanh và con gái cùng một số người liên quan có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp, gây thiệt hại cho công ty của ông Lâm hơn 1.000 tỉ đồng.
Quá trình xác minh, C01 gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở ngành giữ nguyên hiện trạng pháp lý; tạm dừng các biến động tài sản (mua bán, tặng cho, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất…) với Công ty Minh Thành Đồng Nai, dự án khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành. Khu đất này được phía ông Lâm cho là tài sản đã bị chiếm đoạt.
C01 sau đó tiếp tục gửi văn bản đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các UBND quận Thủ Đức, quận Bình Tân giữ nguyên hiện trạng 33 thửa đất đứng tên bà Phương tại các địa phương này.
Phan Sinh Trần