Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Nhiều giới chức ngoại giao ‘ăn’ tiền nhưng thoát án

Báo Nguoi-viet

April 9, 2023

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Có ít nhất năm giới chức Sứ Quán Việt Nam tại Đức, Nga và Canada bị Bộ Công An CSVN xác nhận “ăn” tiền trong đường dây “chuyến bay giải cứu” nhưng lại thoát án nhờ “không đủ căn cứ xử lý hình sự”.

Báo Dân Trí hôm 9 Tháng Tư nêu cụ thể danh tính và vụ việc của những người này, gồm: ông Lê Quang Long (tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt, Đức), Phạm Hoàng Tùng (cựu cán bộ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Đức), Nguyễn Tùng Lâm (cựu cán bộ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nga) , Đinh Văn Đông (tổng lãnh sự Việt Nam tại thành phố Yekaterinburg, Nga) và Nguyễn Trung Dũng (cựu cán bộ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Canada).

Ông Lê Quang Long (trái), tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt, Đức. (Hình: Quốc Tế)

Bản tin cho biết, ông Tào Đức Hiệp, giám đốc công ty Công Đoàn Đường Sắt, tổ chức các chuyến bay “combo” đưa người từ Nga, Đức về Việt Nam trong những tháng dịch COVID-19 hoành hành.

Ba ông Long, Tùng và Lâm lần lượt nhận tiền “bôi trơn của ông Hiệp 200 triệu đồng ($8,529), 115 triệu đồng ($4,904), 50 triệu đồng ($2,132). Theo một bản tin của báo Nhân Dân, Nguyễn Tùng Lâm giữ vai trò tham tán và trưởng Ban Công Tác Cộng Đồng của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nga.

Kết quả điều tra kết luận, số tiền trên được nghi can Hiệp ngụy tạo là “để mua xì gà, chúc mừng đại sứ quán nhân ngày Quốc Khánh 2 Tháng Chín và trả phí quảng cáo trên báo Nga”, nên không có căn cứ xử lý hình sự ba ông Long, Tùng và Lâm.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Đông hồi cuối năm 2021 được bà Đào Thị Chung Thúy, chưa rõ doanh nghiệp nào, nhờ mua vé máy bay cho khách của bà này hồi hương trên chuyến bay combo. Sau đó, ông Đông đã mua 25 vé từ công ty Thuận An và bán lại cho Thúy với giá cao để hưởng chênh lệch 105 triệu đồng ($4,478).

Theo bản kết luận điều tra của Bộ Công An Việt Nam, các vé máy bay trên là của chuyến bay “combo,” do tổ công tác năm bộ cấp phép, ông Đông không hỗ trợ, can thiệp vào việc xin cấp phép của công ty Thuận An, cũng như không duyệt danh sách công dân hồi hương, vì vậy giao dịch giữa ông Đông và bà Thúy là “quan hệ dân sự, không có căn cứ xử lý hình sự”.

Về trường hợp Nguyễn Trung Dũng, ông này được xác nhận “giúp” bà Nguyễn Thị Tường Vy đưa sáu người quen của bà này vào danh sách hồi hương trên chuyến bay ngày 30 Tháng Sáu, 2021. Tuy giữa bà Vy và ông Dũng không có thỏa thuận gì về chi phí “lót tay”, nhưng sau khi chuyến bay hoàn thành, Vy đã gửi cho ông Dũng 70 triệu đồng ($2,985) “tiền cảm ơn”. Sau khi sự việc bại lộ, ông Dũng “tự nguyện” nộp lại khoản tiền nêu trên. Theo Bộ Công An, hành vi trên của Nguyễn Trung Dũng “chỉ diễn ra một lần nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.

Đến nay, nhân vật nhiều tai tiếng nhất tại Sứ Quán Việt Nam dính vụ “chuyến bay giải cứu” là ông Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia, cùng các thuộc cấp “tận thu” số tiền 44.6 tỷ đồng ($1.9 triệu) khi tổ chức tám “chuyến bay giải cứu” dành cho 1,900 người Việt mãn hạn tù ở Malaysia hồi đại dịch COVID-19.

Từ Tháng Năm, 2020, đến Tháng Giêng, 2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã tổ chức 21 “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước. Trong đó, có tám chuyến dành riêng cho 1,900 người mãn án.

Ông Nguyễn Tùng Lâm (giữa, tham tán Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nga. (Hình: VOV)

Với nhóm này, ông Trần Việt Thái chỉ đạo thuộc cấp thu tiền họ theo các mức giá khác nhau: 20 triệu đồng ($852) với người có sổ thông hành (passport), 25 triệu đồng ($1,066) trong trường hợp họ không có giấy tờ này, 30-35 triệu đồng ($1,279-$1,492) đối với những người ở đảo xa cần mua vé máy bay về thủ đô Kuala Lumpur trước khi nối chuyến về Việt Nam.

Sau khi thu được 44.6 tỷ đồng từ thân nhân những người mãn án tù và trừ đi các chi phí tổ chức “chuyến bay giải cứu,” ông Trần Việt Thái cùng các thuộc cấp chia nhau khoản còn dư.

Ông Trần Việt Thái bị bắt hồi đầu Tháng Giêng với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”(N.H.K)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay