Front Line Defenders: Nhà hoạt động Đỗ Công Đương bị giết trong năm 2022

RFA 2023.04.05 Ông Đỗ Công Đương trong một bài nói chuyện về sai phạm đất đai trước khi bị bắt năm 2018
Tổ chức nhân quyền Những người Bảo vệ tuyến đầu (Front Line Defenders- FLD) đưa nhà báo công dân Đỗ Công Đương của Việt Nam vào danh sách 401 người hoạt động nhân quyền trên thế giới bị giết trong năm 2022. Ông Đỗ Công Đương chết không rõ nguyên nhân trong Trại giam số 6 (Nghệ An) đầu tháng 8 năm ngoái trong khi đang thi hành án tù tám năm, thi thể của ông không được giao cho gia đình mai táng mà phải chôn luôn ngay trong nghĩa trang của trại. Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Dublin, Ireland ghi tên ông Đương trong phần tưởng nhớ các nhà hoạt động nhân quyền bỏ mạng trong báo cáo về tình hình nhân quyền của thế giới năm vừa qua mang tựa đề Global Analysis 2022 công bố ngày 04/4. Ông Đương, sinh năm 1964, hoàn toàn khoẻ mạnh trước khi bị bắt giữ năm 2018 về cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Ông là một trong số nhiều tù nhân lương tâm chết trong thời gian thi hành án tù trong vài năm gần đây. Những người khác được ghi nhận là cựu giáo chức Đào Quang Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Văn Thu và Đoàn Đình Nam. Việt Nam phải cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân lương tâm Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng bị giam giữ ở hơn 10 trại giam ở Việt Nam bao gồm cả Trại giam Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Trại giam số 6 nơi xảy ra cái chết của nhiều tù nhân lương tâm, nói điều kiện chăm sóc y tế kém và hình thức đối xử tàn bạo đối với tù nhân lương tâm là nguyên nhân gây ra những cái chết trên. Từ California, ông Hải cho rằng, chính quyền Việt Nam cần cải thiện điều kiện giam giữ và chăm sóc y tế đối với tù nhân lương tâm để bảo vệ tính mạng của họ. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại ngày 5/4: “Giam giữ tù nhân chính trị như mọi tù nhân hình sự khác. Những người mắc bệnh hiểm nghèo cần được phép giữ một cơ số thuốc nhất định để phòng trường hợp đột quỵ hoặc bệnh trở nặng thì họ có thuốc uống. Cái thứ ba là phải cải thiện đường dây liên lạc giữa khu giam giữ tù chính trị với bộ phận chăm sóc y tế. Khi người tù có bệnh nặng phải đưa đi chữa trị.” Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng có hai lần bị cầm tù vì hoạt động dân chủ và nhân quyền, cho biết Chính phủ Việt Nam có chính sách không chỉ tước đoạt tự do của tù nhân lương tâm mà còn áp dụng mọi biện pháp để tước đoạt sức khoẻ của họ. “Để mà ngăn chặn chính sách độc ác này của Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam, chúng ta cần sự phối hợp của các chính phủ và các tổ chức quốc tế, phải lên án mạnh mẽ chính sách vô nhân đạo của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với các tù nhân lương tâm. Đồng thời, gia đình các tù nhân lương tâm phải thường xuyên thăm hỏi và đưa tin về tình trạng đàn áp trong tù đối với người thân của mình.” Phóng viên đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của Những người Bảo vệ tuyến đầu nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi có gửi email cho cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi. Bỏ tù người hoạt động nhân quyền Trong báo cáo công bố vào thứ ba, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp người hoạt động nhân quyền, bắt giữ và tiếp tục cầm tù dài hạn nhiều người đấu tranh cho quyền con người bên cạnh việc sử dụng công cụ luật pháp để kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Việt Nam và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, và Sri Lanka sử dụng luật an ninh quốc gia và chống khủng bố như công cụ để hình sự hóa, bức hại và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng luật pháp và các biện pháp đàn áp khác để nhắm mục tiêu vào người bảo vệ nhân quyền, bao gồm bắt giữ và giam giữ tùy tiện, sách nhiễu, giám sát và hạn chế quyền tự do đi lại của nhiều nhà hoạt động. Những người Bảo vệ tuyến đầu cũng nhắc lại trường hợp nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã bị bắt giữ với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với mức án có thể lên đến 20 năm tù giam. Tổ chức này nói Hà Nội vi phạm quy trình tố tụng và quyền được xét xử công bằng của ông Nguyễn Lân Thắng khi biệt giam ông trong thời gian dài mà không được gặp luật sư và người thân trong khi sức khỏe của ông xấu đi. Những người Bảo vệ tuyến đầu đưa ra trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức như một minh chứng về việc Nhà nước Việt Nam tiếp tục giam giữ người hoạt động với án tù dài hạn. Ông Thức, 57 tuổi, đang thụ án tù năm thứ 15 về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” chỉ vì các hoạt động nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ. Sử dụng công cụ luật pháp để hạn chế quyền tự do thông tin Phúc trình của Những người Bảo vệ tuyến đầu nói, việc đe dọa và giám sát kỹ thuật số phổ biến trong khu vực châu Á, ngoài ra các chủ thể nhà nước và phi nhà nước sử dụng giám sát kỹ thuật số như một phương tiện để kiểm soát và trừng phạt những người bất đồng chính kiến. Nhiều chính phủ đã tìm cách tăng phạm vi và năng lực giám sát của họ thông qua một loạt các sửa đổi luật ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Trong nỗ lực lâu dài nhằm kiểm soát quyền truy cập thông tin và ngăn chặn quyền tự do ngôn luận trực tuyến, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 53 điều chỉnh Luật An ninh mạng 2018. Theo quy định mới, các công ty công nghệ bị yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng trong thời gian tối thiểu 24 tháng và bàn giao dữ liệu cá nhân cho chính phủ nếu có yêu cầu. Báo cáo dài 88 trang nói những điều khoản như vậy gây rủi ro nghiêm trọng cho các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền, đồng thời làm tăng nguy cơ các công ty công nghệ thông đồng lạm dụng chống lại họ. Vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn Những người Bảo vệ tuyến đầu nói trong năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã vi phạm quyền không bị trục xuất của người tị nạn trong trường hợp ông Đổng Quảng Bình (Dong Guangping), một nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc. Ông Đổng Quảng Bình, 65 tuổi, bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù ba lần vì các hoạt động đòi hỏi nhân quyền và dân chủ ở trong nước, trong đó có việc vận động tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ông được cho là bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 8/2022 sau gần ba năm lánh nạn ở Hà Nội để chờ được định cư ở Canada như một người tị nạn và đoàn tụ với gia đình ở đó. Tháng trước, trong công văn phản hồi chất vấn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) về ông Đổng Quảng Bình, Hà Nội nói không có thông tin gì liên quan đến việc ông Đổng Quảng Bình có mặt tại Việt Nam. Những người Bảo vệ tuyến đầu cho rằng ông đã bị cưỡng chế trục xuất về Trung Quốc, hoặc sắp có nguy cơ bị trục xuất như vậy. Bằng việc trục xuất ông về Hoa Lục, Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ không được từ chối người tị nạn, một quy định nghiêm cấm việc đưa bất kỳ người nào trở lại một quốc gia nơi họ thực sự có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Hành động trên của Hà Nội cũng là biểu hiện của việc tham gia đàn áp xuyên quốc gia đối với người hoạt động nhân quyền, Những người Bảo vệ tuyến đầu nói. HRW nói Việt Nam đang giam giữ 160 tù nhân chính trị Ngày 03/4, trong thông cáo báo chí, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói hơn 160 tù nhân chính trị đang giam giữ ở Việt Nam chỉ vì thực hành các quyền cơ bản. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) nói blogger và nhà hoạt động nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa, theo dõi và thẩm vấn của công an hàng ngày. Nhà nước cảnh sát không dung thứ bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động phải đối mặt với thời gian dài bị giam giữ trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư hoặc gia đình, HRW nói. HRW cũng kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế hành động để buộc Hà Nội chấm dứt cuộc đàn áp có hệ thống đối với những người chỉ trích ôn hòa và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị cầm tù chỉ vì đã thực hiện các quyền của họ một cách ôn hòa.
Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay