VNTB – Những cái chết bí ẩn của quan chức
Tử Long
(VNTB) – Trong vòng 2 tháng rưỡi đầu năm 2023, đã có 4 cán bộ treo cổ chết tại cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh – chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng – đã bị bắt. Ông Ánh bị bắt khi đương chức. Việc ‘bắt nóng’ như vầy phải chăng có liên quan đến hàng loạt cái chết bí ẩn trong thời gian qua mà báo chí đưa tin là họ đã tự vẫn?
Trong vòng 2 tháng rưỡi đầu năm 2023, đã có 4 cán bộ treo cổ chết tại cơ quan: 6g sáng 14/3/2023, phó Chi cục thuế huyện Kỳ Anh, Phan Văn A được phát hiện treo cổ trong phòng làm việc!
20 giờ ngày 3/3/2023, ông C.V.T. (47 tuổi), phó Trưởng Phòng quản lý vận tải và phương tiện – Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, được phát hiện đã tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng làm việc. Lúc 14g30 ngày 20/2/2023, nhân viên mở cửa phòng làm việc ông N.H.S – phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới, Quảng Bình thấy ông đã tử vong trong tư thế treo cổ. 4g sáng 27/2/2023, tại nhà xe của cơ quan UBND phường Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, người dân phát hiện ông Nguyễn Hữu A. – Trưởng Công an phường Điện An tử vong trong tư thế treo cổ!
Tất cả cái chết trên đều được kết luận là tự vẫn. Vì sao họ lại phải chọn cái chết treo cổ đầy rùng rợn để giải thoát, thay vì sử dụng thuốc an thần sẽ ra đi nhẹ nhàng hơn? Và những vụ tự sát liên tiếp khiến người ta lo ngại và nghi ngờ về môi trường quan chức, tâm lý quan chức và hậu trường các vụ án…
Tình tiết các vụ tự vẫn ở trên khiến người ta cũng liên tưởng đến nhiều tham quan tại Trung Quốc, việc tự tử được xem như biện pháp để bảo vệ gia đình khỏi bị điều tra, bởi vụ án thường khép lại khi nghi phạm chết.
Chỉ riêng trong ngày 12/6/2016, ít nhất hai quan chức Trung Quốc đã tự sát. Theo truyền thông đại lục, phó tổng thư ký (tương đương phó chánh văn phòng) tỉnh ủy Quảng Đông Lưu Tiểu Hoa, đã tự vẫn bằng cách treo cổ tại nhà. Chỉ ít giờ trước đó, bà Tiêu Bích Ba, người đứng đầu cơ quan bảo mật khu Diêm Điền, Thẩm Quyến, đã tự sát bằng cách gieo mình từ trên cầu xuống.
Một bài bình luận trên Guangming Daily, có trụ sở tại Bắc Kinh, trong giai đoạn 2003 – 2012, khi ông Hồ Cẩm Đào là chủ tịch Trung Quốc, ít nhất 68 quan chức đã tự kết liễu đời mình, còn từ khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức, chỉ trong hai năm đầu đã có ít nhất 77 quan chức tự tử.
Số vụ tự tử gia tăng trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn được ông Tập chỉ đạo diễn ra tại mọi cấp trong chính quyền, quân đội cùng các doanh nghiệp quốc doanh.
Viên Dụ Lai, một luật sư nổi tiếng tại tỉnh Chiết Giang, cho rằng không có gì ngạc nhiên khi nhiều quan chức tự vẫn trước khi họ bị thẩm vấn bởi các điều tra viên chống tham nhũng của đảng cộng sản Trung Quốc, trong một quá trình còn được gọi là shuanggui (song quy – điều tra nội bộ).
“Từng đối xử cứng rắn và khó khăn với những người dân thường, một số quan chức lại bị đối xử tương tự khi họ phải đối diện với các quan chức cấp cao hơn”, ông Viên nói. Các quan chức bị cáo buộc tham nhũng thường phải đối diện với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), và sẽ không được liên lạc với bên ngoài trong thời gian thẩm vấn, trước khi bị chuyển cho cơ quan công tố. Các công tố viên sau đó hỗ trợ quá trình điều tra và đưa ra các cáo trạng.
Nhưng do hệ thống này được xem là cơ chế kỷ luật nội bộ, mọi việc thường không diễn ra công khai. Không hề có quy định rõ ràng nào về thời gian tối đa cho mỗi shuanggui, và đã có nhiều chỉ trích xem cơ chế này là sự lạm dụng quyền lực của một số điều tra viên.
Theo truyền thông Trung Quốc, sáng ngày 1/11/2018, Lý Chí Bân, Phó giám đốc Sở Công an Nội Mông, Cục trưởng Công an thành phố Huvhot, thủ phủ Khu tự trị Nội Mông thắt cổ tự tử tại nhà nghỉ công vụ của công an thành phố. Tại hiện trường thu được một di thư của người xấu số nói ông ta “tự tìm đến cái chết” do mắc phải chứng trầm cảm đã lâu.
Tuy nhiên, theo trang tin Đông Phương, người ta lưu ý đến việc Lý Chí Bân “tự sát vì trầm cảm” xảy ra sau một loạt vụ quan chức địa phương này liên tiếp bị điều tra: ngày 25/10/2018, Hình Vân, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân khu mặc dù đã nghỉ hưu 3 năm vẫn bị cơ quan Ủy ban Kiểm tra kỷ luật – Ủy ban giám sát điều tra vì “có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”;
Ngày 29/10/2018, Đỗ Bảo Quân, Cục phó Công an thành phố Huvhot, cấp dưới của Lý Chí Bân bị điều tra; ngày 30/10/2018, đến lượt Mạnh Kiến Vĩ, nguyên Phó Giám đốc Công an khu Nội Mông đã nghỉ hưu 1 năm trước nay cũng bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”. Hai ông Hình Vân và Mạnh Kiến Vĩ được biết có mối quan hệ thân thiết với Lý Chí Bân.
Trước đó, vào tháng 4/2018, Viện Kiểm sát tối cao đã chính thức phát lệnh bắt Bạch Hướng Quần, nguyên đảng ủy viên, Phó chủ tịch chính quyền khu tự trị Nội Mông; Quần đã bị xử lý khai trừ đảng tịch và công chức hồi tháng 10/2018. Chưa hết, hôm 29/10/2018, Viện Kiểm sát thành phố Thông Liêu đã khởi tố Dương Quốc Văn, nguyên Bí thư thành ủy Ulancha về tội nhận hối lộ và có tài sản không thể giải trình rất lớn.
Theo Đông Phương, tư liệu công khai cho thấy, Lý Chí Bân công tác trong hệ thống công an Nội Mông nhiều năm. Trong thời gian là Phó thị trưởng, Cục trưởng Công an thành phố Xích Phong đã xử lý nhiều vụ án quan trọng, trong đó có vụ Triệu Lê Bình, Giám đốc Sở Công an, Phó chủ tịch Chính Hiệp Nội Mông cố ý giết hại người tình (Triệu Lê Bình đã bị tử hình năm 2017).
Cuối năm 2015, Lý Chí Bân được thăng chức Phó Giám đốc Sở kiêm Cục trưởng Công an thành phố Huvhot – thủ phủ của Khu tự trị Nội Mông. Ông ta từng được truyền thông ca ngợi là “cán bộ lãnh đạo trẻ, tài năng trưởng thành từ nhân viên đồn cảnh sát ở cơ sở”. Chỉ mấy ngày trước khi Bân tự sát, ông ta còn tháp tùng Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa khi ông này tới Nội Mông thị sát.
Ở Việt Nam dường như cũng không mấy sai biệt, khi cũng được bắt đầu từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương…