RSF: Phạm Đoan Trang là một trong 73 nhà báo nữ phải đón 8/3 sau song sắt nhà tù

RFA

2023.03.08

Nhà báo Phạm Đoan Trang

ICJ

Nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang thuộc số 73 nữ phóng viên phải đón ngày 8/3 trong nhà tù. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố như vừa nêu vào ngày 8/3/2023.

Thông cáo báo chí của RSF nêu rõ, tại Việt Nam tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, người từng được tổ chức này trao giải Tác Động năm 2019, bị chuyển đến nhà tù cách gia đình bà chừng 1.000 km về phía nam. Đây là biện pháp của Chính phủ Hà Nội nhằm ém nhẹm tất cả mọi thông tin về tình hình sức khỏe của bà trong tù mà được nói nghiêm trọng.

Bà Phạm Đoan Trang được RSF đưa vào nhóm tù nhân nữ đang phải đối mặt với tình trạng ngược đãi, bị tước đoạt quyền được chăm sóc y tế, và đối mặt cái chết từ từ trong nơi giam cầm.

Hiện bà Phạm Đoan Trang đang phải thụ án chín năm tù tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Vào tháng 10 năm ngoái, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Tường Thụy, sau chuyến thăm chồng đến Trại An Phước về, cũng chia sẻ một số thông tin có được về Phạm Đoan Trang. Đó là sức khỏe của bà Trang không được ổn, chân sưng phù khi ra gặp gia đình phải có xe của trại chở ra.

Tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang, 45 tuổi, từng là phóng viên cộng tác cho một số tờ báo Nhà nước Việt Nam. Sau nghỉ làm việc tại các cơ quan này, bà trở thành nhà báo tự do, tham gia hoạt động cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận. Bà là tác giả của một số cuốn sách như “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”. Bà cũng tham gia thực hiệm một số báo cáo song ngữ Việt-Anh về các vụ việc, trong đó có báo cáo về vụ mấy ngàn cảnh sát cơ động và lực lượng chức năng tấn công vào làng Đồng Tâm hồi tháng 1/2020.

Bà Phạm Đoan Trang đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tác Động năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Giám sát Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay