Làm người cộng sản Việt Nam có dễ không?

Bauxit Việt Nam

Nguyễn Hữu Liêm

Tuần trước, ngày 2 tháng 2, nhân dịp được nhận huân chương 55 tuổi đảng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, trong diễn từ gởi gắm cán bộ, đã tuyên bố rằng, “Nếu là người hãy là người cộng sản.” Đây có thể là một lời kêu gọi mang mệnh lệnh đạo đức chính trị cao cả, nhưng nó cũng gây không ít ngạc nhiên và đàm tiếu trong nhân gian, nhất là giới kiều bào Việt ở hải ngoại. Có người hỏi là ông Trọng đang ở thế kỷ nào vậy?

Tuy nhiên, để công bằng với ông TBT, chúng ta hãy thử dùng phép biện chứng Marxist-Leninism để đánh giá hiệu triệu làm người đó. Chúng ta biết rằng GS Trọng là một tiến sĩ lý luận chính trị Marxist, người hơn ai hết nắm vững quy luật chuyển động của ý chí chính trị và tư duy lịch sử ở nơi con người cộng sản Việt Nam bây giờ – nhất là trong hoàn cảnh đất nước hiện nay.

Từ nỗi cô đơn cổ điển

Trước tiên, chúng ta hãy suy nghĩ về một hiện tượng kinh tế và tâm lý gần như hiển nhiên ở Việt Nam hiện nay. Đó là sự giàu có của giai tầng cán bộ cộng sản – mà nhân gian gọi là giới “tư bản Đỏ.” Đây là giai cấp mới, vốn nhân danh lý tưởng vô sản để làm chủ các khối tài sản kếch xù, kể cả bất động sản, vốn là của toàn dân.

Vì dù sao thì chủ nghĩa Mác đã bắt nguồn từ siêu hình học và biện chứng pháp Hegel và Marx, như GS Trọng vẫn sử dụng, vậy chúng ta hãy thử đánh giá hiện tượng này qua phép biện chứng đó.

Ở đây, xin phép được mượn lời khách quan hơn từ kẻ khác. Trong cuốn The Owl at Dawn (Con Ó Bình minh) (1995), khi diễn tả một khúc quanh siêu hình học Hegel, theo mô thức kinh điển của Hiện tượng luận Trí năng (Phänomenologie des Geistes), triết gia Mỹ Andrew Cutrofello viết về Thời quán Duy vật Biện chứng như là một bước chân mới của Chân tâm – Geist – trên hành trình Trở về chính mình. Đó là lúc mà ngã thức cá nhân giã từ đức tin tôn giáo và khoa học để tìm đến chân lý trong ý chí chính trị và cách mạng.

Thoạt đầu, người chiến sĩ vô sản là những con người cô độc với nhiều tâm tư. Cutrofello viết, “Sự sụp đổ của tri kiến tuyệt đối – mà Hegel nhân danh qua Hiện tượng luận Trí năng – đã nhường bước cho sự rút lui của những ngã thể cô đơn. Cũng như là các tâm hồn cao thượng (beautiful souls), vốn không có hạnh phúc, cái ta đơn lẻ rơi xuống đáy vực tuyệt vọng để rồi hắn có thể xưng hô niềm bất hạnh của mình. Bằng cách xưng tội, hắn tự trách chính mình – vì khả thể dung hợp với đại thể tính của thời đại đã bị bỏ mất cơ hội.”

Đây là giai thời khi mà con người tiền cộng sản chưa đối diện với cám dỗ duy vật – lúc mà mỗi ngã thể chỉ đối diện chính mình trong nỗi cô đơn tuyệt vọng với một vũ trụ đầy thần linh.

Gốc rễ tình đồng chí cách mạng vô sản

Lành thay, nỗi cô đơn trong phận người vô sản, nghèo khó, trong một cõi sống đầy thần linh đó, đã cho người tiền duy vật một niềm hạnh phúc khổ hạnh bao la. Họ là những người vô tội – hay chưa có tội – nhưng vẫn nghĩ rằng ta có tội, với người và trời đất. Họ luôn xưng tội với Trời trong nỗi cô đơn tuyệt vọng nhưng đầy cảm lạc.

Cutrofello viết tiếp, “Tuy nhiên, khi hành vi xưng tội này được đáp trả bởi một kẻ xưng tội cô độc khác, thì từng kẻ đó nhận ra rằng hai chúng ta cũng có khả năng thừa nhận hỗ tương cho nhau. Từ đó, nỗi niềm tuyệt vọng của cái ta cô độc nay trở thành tình đồng chí với nhau.” Nỗi niềm cô độc, vong thân của họ nay đã có người cùng chia sẻ. “Nhưng vì bản sắc dung hợp tạm thời này mà tình đồng chí vẫn còn mơ hồ vì hai kẻ cô đơn phủ định thể tính tha hóa chung bằng cách xác định nó. Vì thế mà cả hai đã không hóa giải được tính vong thân như là một tình thế được công nhận từ kẻ kia. Sự đi đến với nhau như là một chia sẻ ý thức về cái trở ngại cho tình đồng chí đó.”

Từ trong vực sâu của tâm tư trăn trở, các đồng chí tiền cộng sản muốn biến nỗi niềm bất hạnh của ta thành nên một ước vọng chân lý. Sự tha hóa nhân vị nay đã trở nên ý chí phục hưng nhân cách làm người. Tuy nhiên, hình thái và cấu trúc xã hội bất công chính là một chướng ngại lớn cho ước vọng làm người chân chính.

Cho nên, “Trở lực này được coi như là gốc rễ của tha hóa, nhưng vì họ – các đồng chí tiền cộng sản – đến với nhau cho nên nó cứ như là không thực, mang bản sắc huyền bí, để cả hai muốn tìm hiểu. Bằng cách đi thật sâu vào tận đáy tuyệt vọng trong tính tha hóa của ta, những cái ta nửa vời đó muốn nâng cao chính mình – và tha nhân – lên đến tầm mức ý thức chân thật về một căn cước tính cho ta trong một số phận khắc nghiệt.”

Và, “Bằng ý thức như vầy, lập trường tuyệt đối sẽ được đạt đến trong một cộng đồng mà ở đó tình đồng chí là chân thật – hơn là cái ta được định hình bằng sự khác biệt. Đây chính là bản sắc Chân lý và là công tác khởi nguyên cho những người mang lý tưởng cộng sản ban đầu,” vẫn theo Cutrofello.

Mâu thuẫn biện chứng Duy vật: Khi người Cộng sản làm chủ bất động sản

Trên bình diện luân lý và đạo đức, tuy nhiên, cái ta Vô sản và Duy vật không những tự mâu thuẫn với chính ta từ góc độ bản thể, mà là về bản sắc ý chí nội tại. Vì sao? Vì khi cách mạng vô sản đã thành công, thì thực tế vô sản từ cấu trúc xã hội bất công được san bằng. Thay vào đó là nguyên tắc tài sản tập thể và chế độ sở hữu chung. Chủ thuyết chung hữu này biến người vô sản, nhân danh nhà nước, thành chủ nhân tất cả tài sản.

Từ đó, chiến lược cai trị của con người cách mạng vừa nắm quyền là một chuyển động duy kinh tế cho tham vọng chủ nhân của họ. Việc trước tiên là chiến thuật chia chác tài sản chung như là thủ pháp phân định chức năng công tác phục vụ Đảng và nhân dân. Khẩu hiệu vô sản như là tiếng súng lệnh xung phong cách mạng cộng sản ngày trước thì nay trở nên một tấm màn gian lận che đậy ước vọng làm chủ tài sản vô hạn của người cộng sản.

Không có gì chinh phục nỗi cô đơn hơn là trở thành giàu có. Tài sản và tiền bạc là thang thuốc vạn năng cho niềm tuyệt vọng vô sản. Vì thế, khi kẻ cùng khổ lên nắm quyền, tiếc thay, thảm kịch quyền lực vẫn như của xã hội cũ. Giai cấp cai trị mới ngày nay cũng gian lận, tàn bạo, trơ trẽn, đầy đểu cáng và đạo đức giả như bao nhiêu chuyện chính trị xưa nay – nếu không nói là tinh tế và gian manh hơn nhiều.

Vì khi cái ta vô sản phủ nhận thiết yếu tính vật chất cho ngã thể bằng cách từ chối tư sản và chức năng chủ nhân, nó chỉ có thể phủ nhận bằng ý thức và khẩu hiệu; trong khi trên thực tế, từ tổ chức Đảng cho đến từng đồng chí cộng sản, vẫn là chủ nhân de facto rất nhiều tài sản, nhất là bất động sản. Vì thế, ta chỉ là vô sản như là một bình diện duy chính trị, còn thực tại thì ta không thể phủ nhận yếu tố chủ nhân được. Vậy nên, mỗi chiến sĩ vô sản – như ở Việt Nam ngày nay – là một con người in bad faith đầy giả dối với chính mình và xã hội, Cutrofello viết.

Theo đó thì khi người chiến sĩ Cộng sản – nay không còn đơn độc – tự cho mình như là hiện thân của giai cấp vô sản, họ bỗng nhận ra mình là gian dối, đạo đức giả khi thấy được rằng bản sắc ước vọng của ta nay lại được định hình bằng năng ý phủ định và tiêu cực. Bởi vì cái ta vốn đang có nhiều tài sản trên thực tế, nhưng đứng từ quan điểm chính trị thì ta từ chối điều đó. Tính giả dối này mang thực chất ở bình diện nguyên tắc khi ta chỉ phủ nhận quyền tư hữu nơi tư tưởng, trong khi ta vẫn là chủ nhân nhà cửa, xe cộ, hãng sản xuất, tài khoản ngân hàng.

Lặp lại lịch sử Chủ nô cổ điển

Cutrofello so sánh rằng, sự thể vong thân nơi con người Cộng sản gần giống như hoàn cảnh và kinh nghiệm xưa cũ của chủ nhân ông trên biện chứng Chủ-Nô. Chủ nhân bị tha hóa và xa lạ với tên nô lệ và ngay cả chính mình vì, cũng như tên nô lệ, chủ nhân ông không làm chủ những gì mình tạo ra, mà chỉ làm chủ những gì mà kẻ khác tạo ra.

Ông viết, “Cũng như thế, cái ta vô sản cũng bị tha hóa không phải vì hắn không làm chủ tài sản, mà bởi vì trên bình diện tư duy, hắn không công nhận tài sản mà hắn sở hữu là tư hữu của mình. Ta ý thức ra tệ nạn thần bái vật thể của con người tiền cách mạng, nhưng ta muốn giải hóa ảo thức thần bái tài sản này trên bình diện ý thức mà không ở thực tế.”

Hay nói một cách khác, người cộng sản trên bình diện lý tưởng và khẩu hiệu thì phủ định tư sản để rồi trên thực tế lại phủ quyết ý thức phủ định này bằng cách tiếp tục sở hữu chúng.

Nó cũng giống như là một đại gia người giàu thường nghĩ đến việc làm từ thiện giúp đỡ kẻ nghèo khó nhưng chưa có dịp thực sự thực thi ý tưởng đó. Trái lại, họ chỉ say sưa nói lời đạo đức trong khi bằng mọi cách tích lũy cho khối tài sản của mình và thân nhân.

Một màn hài kịch dở dài vô tận

Tức là, chiến sĩ vô sản Việt Nam ngày nay là những diễn viên tấu hài không biết ngượng. Vì nói trắng ra, họ là những kẻ biết rõ mọi chuyện chỉ là một màn kịch vụng về, kéo dài lê thê -– khi khán giả đã chán lên tới cổ nhưng vẫn bị ép ngồi xem màn diễn gần như bất tận.

Tuy vậy ta phải nhớ rằng họ vẫn là những con người Việt có lương tâm. Cho nên, các diễn viên hài cộng sản đó không thoát khỏi sự giằng xé nội tâm khi đóng vai tuồng vô sản giả dối. Vì năng lực đầy mâu thuẫn nội tại này ở nơi cán bộ cộng sản, đang nhân danh vô sản, giữa lý tưởng cách mạng từ ý thức đối với một đời sống mang thực chất phản động, đã trở nên bản sắc nền tảng cho một phép biện chứng ngã thức mới.

Để rồi, khi họ muốn vượt qua thực trạng nội tâm đầy mâu thuẫn và đạo đức giả này, người cộng sản chuyển hệ ý thức của mình sang chủ nghĩa duy chụp giựt – như là một thiết yếu tính cho tân chân lý cách mạng nhằm nắm đầu mối ưu tiên cho ngã thể thực dụng đầy lo sợ và tính toán, thay vì chỉ nuôi dưỡng một lý tưởng thuần tư duy. Đây mới chính là thách thức chính trị lớn cho GS Trọng.

Nhu cầu cách mạng mới trước thế tiến thoái lưỡng nan

Tóm lại, thưa ông TBT, cuộc cách mạng kế tiếp cho người Cộng sản Việt Nam – như lời kêu gọi của ông – là họ phải thật tâm làm người cộng sản chân chính. Tức là phải nhận thức được bản chất đạo đức giả của mình, tự lật ngược biện chứng duy vật, để tìm lại con đường đồng chí vô sản như thưở ban đầu cách mạng.

Nhưng đòi hỏi như thế là một yêu sách ý chí tự phủ định chính mình, một điều mà con người cộng sản, nay thực chất là các nhà tân tư bản, không thể vươn lên được. Thế nên, khi Tổng Trọng tuyên bố rằng, “Nếu là người thì hãy là người cộng sản,” thì ông chỉ muốn đưa cán bộ đảng viên vào một thế tiến thoái lưỡng nan.

Nếu họ tiến tới con đường tư bản thì bị coi là chệch hướng, tự diễn biến; nếu họ rút lui về lý tưởng vô sản thì không khả thi, không tưởng. Chính GS Trọng biết rõ điều này. Nhưng những khẩu hiệu cộng sản ông vẫn cứ tung hô. Vì ông biết rằng thần linh vô sản nay đã chết, thần dân không còn đức tin vào Đảng; tuy nhiên, vì thực tế quyền lực đòi hỏi rằng các câu sớ cũ mèm vẫn phải dâng cúng trước đình làng nhằm cứu vãn trật tự xóm thôn.

Đế quốc Mỹ – hay chùa Tam Chúc – là tân hợp đề?

Khi thế cờ đi vào bế tắc, biện chứng duy vật đòi hỏi một năng lực thăng hóa (Aufhebung) mới. Về thực tại của các ẩn số chính trị và kinh tế thì GS Trọng có lẽ cũng được báo cáo mật rằng, để thoát ra khỏi bế tắc đạo đức chính trị này, tập thể cán bộ hầu hết đang muốn đi vào hai ngả thoát ly.

Một đằng thì muốn tìm đường sang Hoa Kỳ, hay Canada, Âu châu, làm lại cuộc đời – cho chính họ và gia đình họ. Vì chỉ ở các xứ đó, nơi ít đạo đức giả hơn Việt Nam, họ sẽ không còn bức xúc bất an về tính vong thân từ cơ bản nội tâm cho lý tưởng vô sản nữa. Tức là họ công khai giàu có mà không lo sợ nhà nước và Đảng biết, và họ cũng không mang mặc cảm tội lỗi vì mình như thế. Không những vậy, họ còn công khai khoe khoang sự giàu có to tát của họ.

Đằng kia thì họ phải ở lại nước để đóng tiếp vở kịch tập thể. Khi những cán bộ không đi ra nước ngoài vì không thể hay không muốn thì nay họ hay gia đình họ sẽ đến các chùa to lớn, cầu vong, xin sớ giải hạn. Họ khấn nguyện ơn trên thương xót và thông cảm cho họ, mong cuộc đời này không bị nghiệp báo nhãn tiền hay là kiếp sau không còn phải trở lại làm người cộng sản Việt Nam. Điều này giải thích tại sao các chùa ở miền Bắc, như Tam Chúc, Ba Vàng, hằng cuối tuần đông kín tín đồ như thế.

Đám đông đi chùa cầu cơ giải hạn thì GS Trọng cũng đã từng chứng kiến, nhưng chuyện tư bản đỏ Việt ở Mỹ thì chắc ông chưa tận mắt thấy. Nếu nghi ngờ thì xin mời ông Tổng hãy xuống miền Nam California để quan sát. Ví dụ, vùng New Port Coast hay Huntington Harbour chẳng hạn, nơi giá mỗi căn nhà lên đến hàng chục triệu đô. Ở những nơi đó, mỗi cuối tuần, trong các buổi picnics và tiệc tùng liên miên, thực khách Việt Nam hầu hết là những con em cán bộ cộng sản nay là giai cấp tân tư bản đỏ, the nouveau riche, mới di cư sang Mỹ trong vòng mấy năm gần đây. Thay vì bàn đến biện chứng Marxist và đạo đức Hồ Chí Minh, họ chỉ bàn chuyện làm sao để chuyển tài sản ra khỏi nước.

Và cũng nghịch ngẫu thay, như phép biện chứng Marxist nhiều lần chứng minh qua lịch sử, trong các đám đông vui nhộn đầy lo toan ấy, có không ít những kẻ hậu vô sản, hậu cộng sản, một cách chân thành, thầm cám ơn những hy sinh ngút ngàn với lý tưởng vô sản của thế hệ cộng sản cha ông thuở trước đã cho họ hôm nay được vươn thoát cảnh ngộ lưỡng nan khi phải làm người Cộng sản Việt Nam.

N.H.L.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay