21 tháng 11 2022
Hải Di Nguyễn
Một cảnh Sài Gòn tháng 6/1965
Vietnam Film Club, một nhóm làm phim tài liệu độc lập tại Mỹ về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đang trong thời gian thực hiện ‘My South Vietnam’, một phim tài liệu nhiều tập về nhiều khía cạnh của Việt Nam Cộng Hòa.
Với chủ trương “Trình bày sự thật lịch sử và bảo tồn văn hoá Việt Nam”, Vietnam Film Club được thành lập năm 2010 bởi Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và ông Chu Lynh.
‘My South Vietnam’ là một nỗ lực “vẽ lại bức tranh tổng quát của Miền Nam Việt Nam, tức VNCH, dưới nhiều hình thức, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, âm nhạc, thể thao, phụ nữ cho tới quân đội.”
BBC News Tiếng Việt hôm 17/11 đã có dịp phỏng vấn ông Chu Lynh ở Virginia, Hoa Kỳ, nhà làm phim ‘My South Vietnam’.
Nội dung và hình thức của ‘My South Vietnam’
Sài Gòn tháng 1/1970
‘My South Vietnam’ sẽ có hơn mười tập, mỗi tập một chủ đề khoảng 30-50 phút, đề cập đến những lãnh vực của xã hội miền Nam trước năm 1975.
Theo ông, bộ phim “không những cho những người đã sống ở Miền Nam Việt Nam nhìn lại bức tranh miền Nam với những kỷ niệm, và những nỗ lực chiến đấu, xây dựng Miền Nam” của họ, mà còn cho người miền Bắc và giới trẻ không can dự vào chiến tranh hiểu được về xã hội thực của miền Nam.
‘My South Vietnam’ sẽ có song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh.
Trước đây Vietnam Film Club làm phim tài liệu rồi bán DVD, nhưng ‘My South Vietnam’ sẽ được phổ biến trên YouTube, dự tính phát hành đầu năm 2023.
Vì sao thực hiện?
Ông Chu Lynh nói VNCH đã thành quá khứ, “những cái gì xảy ra tại Miền Nam Việt Nam chỉ còn trong hồi tưởng và internet”.
‘My South Vietnam’ là một cách hệ thống hóa, để vẽ lên toàn bộ bức tranh xã hội VNCH.
Ông cho biết Vietnam Film Club không gây quỹ, không kêu gọi đóng góp, và cũng không có nhà bảo trợ. Các thành viên tự lo chi phí, và vì thế gặp nhiều khó khăn.
“Sở dĩ chúng tôi thực hiện các phim tài liệu, là vì chúng tôi thấy hải ngoại có nhiều video nói về lịch sử và chiến tranh Việt Nam trên internet, nhưng những video này chưa được thực hiện một cách có hệ thống về các khúc quanh lịch sử quan trọng.”
Bộ phim được “thực hiện như một sự lót đường, cho giới trẻ sau này thực hiện những phim giá trị hơn”.
Cách nhìn về VNCH
Ông Chu Lynh cũng nói người Mỹ thường không hiểu và có cái nhìn sai lệch về cuộc chiến hoặc về Quân đội VNCH, và “đa số những cuốn phim, những tác phẩm của họ là bào chữa cho sự rút quân khỏi Miền Nam Việt Nam, và đổ lỗi cho quân đội VNCH.”
“Trên thực tế, nhiều điều đúng một phần, nhưng đa số là sai lầm về Chiến tranh Việt Nam.”
Ông nói “Khi nhận được độc lập từ tay người Pháp, Miền Nam Việt Nam nghèo xơ xác, tan hoang vì chiến tranh” nhưng “trong chín năm trời, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ổn định được xã hội Miền Nam, và làm thêm một việc lớn lao là ổn định cho một triệu người di cư từ Miền Bắc trốn khỏi chế độ cộng sản.”
Đó là Đệ nhất Cộng hòa.
“Qua Đệ nhị Cộng hòa, chiến tranh tiếp diễn khốc liệt, nhưng Miền Nam vừa chiến đấu vừa xây dựng. Cái xây dựng đó rất khó khăn, xây lên một cái cầu là bị Việt Cộng giật sập, đường sá làm xong là bị phá hoại. Vì vậy người Miền Nam không phải như người Miền Bắc, người Miền Bắc chỉ vào đây để thôn tính, còn người Miền Nam vừa chiến đấu chống cộng sản vừa xây dựng đất nước.”
Tuy nhiên ông nói bộ phim “tập trung vào bức tranh Miền Nam Việt Nam trước 75 mà thôi, nếu có thêm thì là sự nối dài ra hải ngoại, chứ chúng tôi không làm cuốn phim để giải thích về chiến tranh, để có những sự tranh cãi, có những phản ứng khác nhau.”
“Theo lý thuyết, chúng tôi không đả động đến vấn đề chính trị, không so sánh chế độ VNCH hay chế độ Miền Bắc, chế độ XHCNVN hiện nay”.
Người xem, theo ông, sẽ tự so sánh.
“Bảo tồn văn hóa”
Sài Gòn tháng 3/1962
“VNCH chỉ là một chế độ. Đệ nhất, Đệ nhị Cộng Hòa, hay CHXHCNVN cũng chỉ là một chế độ mà thôi. Nhưng việc xây dựng đất nước đặt trên nền tảng một thể chế chính trị và văn hoá dân tộc Việt Nam,” ông Chu Lynh nói.
“Ngày hôm nay tại hải ngoại chúng ta có những cộng đồng, các hội đoàn, các hội ái hữu. Một số tổ chức rồi sẽ thưa thớt hoặc giải tán. Thế hệ thứ nhất rồi sẽ dần dần ra đi. Vấn đề là trách nhiệm các thế hệ đi sau vẫn phải bảo tồn văn hoá dân tộc.”
Qua bộ phim ‘My South Vietnam’, Vietnam Film Club cũng muốn “tập trung vào bảo tồn văn hóa, truyền thống Việt Nam.”
“Nên nhìn nhau từ tổ tiên”
Ông Chu Lynh cho rằng “Lịch sử Việt Nam quá nhiều đau thương. Nói đến người dân Việt Nam là nói đến những thảm kịch của chịu đựng, đau khổ, chết chóc, tan nát trong chiến tranh và sau chiến tranh.
“Chúng ta nên nhìn lại căn cước của mình thuộc về một tổ tiên xây dựng đất nước và chống ngoại xâm. Nhìn nhau như vậy thì thấy gần gũi nhau hơn, và không lấy một chi tiết nhỏ như ‘anh theo đảng này, tôi đảng kia’ rồi trở thành đả kích, chia rẽ.”
Cuối cùng ông nói “Người Việt Nam nên nghĩ thân phận dân tộc Việt Nam đã đau khổ quá nhiều trong chiến tranh. Tìm hiểu quá khứ để có những bài học, đễ lý giải được hiện tại, từ đó có cái viễn kiến về tương lai.
“Người Việt Nam làm được việc nếu hiểu được quá khứ lịch sử của đất nước mình, và coi trọng tinh thần dân tộc hơn tất cả quyền lợi cá nhân và đảng phái.”