12-10-2022
Vụ án Vạn Thịnh Phát có vẻ như không phải là vụ án kinh tế đơn thuần mà nó mang màu sắc chính trị. Một thứ chính trị ngoài biên giới Việt Nam. Một tập đoàn kinh tế của một người gốc Hoa và sau lưng là những mối quan hệ phức tạp với phương Bắc. Đường dây chính trị mượn mặt nạ kinh tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam từ rất lâu và ngày nay nó đang bị khui.
Có thể ví quan hệ kinh tế là cái cây, thì các quan hệ chính trị là gốc rễ của vụ án. Mà gốc rễ lại là phần chìm không ai thấy hết được, người ta chỉ thấy phần nhỏ những gân rễ nổi lên mặt đất. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, phần gân rễ nổi lên mà gương mặt quen thuộc đất Sài Gòn – Lê Thanh Hải.
“Những gì không chơi được bằng luật pháp thì chơi bằng luật ngầm”, đó chính là luật chơi rất đặc trưng của giới làm chính trị cấp cao ở các chính quyền độc tài. Người ta không thể xử Trần Đại [Quang] bằng luật pháp thì xử bằng luật ngầm, trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh cũng tương tự. Vụ án Vạn Thịnh Phát trên danh nghĩa là vụ án kinh tế, nhưng cách hành xử của nó theo loại luật ngầm rất đặc trưng của thế giới chính trị độc tài Cộng Sản.
Dấu hiệu hiện nay cho thấy, phe đứng đằng sau Vạn Thịnh Phát đang cố tình bịt những đầu mối nào có thể khui ra những bí mật ẩn giấu ở phần rễ của vụ án. Như vậy, không loại trừ khả năng có những cái chết bí ẩn tiếp theo nếu phe điều tra cứ cố làm tới. Khi người ta cố tình bịt kín những đầu mối có thể khui ra bí mật chính trị thì họ không màng tới vấn đề kinh tế nữa. Thị trường tài chính rối loạn họ mặc kệ.
Chỉ nói riêng về phần quan hệ kinh tế, thì Vạn Thịnh Phát đã phát triển thành một khu rừng rậm rạp. Khi Hà Nội vớ tay bứt dây Vạn Thịnh Phát thì nó đã động đến SCB. Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập SCB “đột tử” bí ẩn là lời đáp trả cho việc Vạn Thịnh Phát bị đe dọa. Bà Nguyễn Phương Hồng bị chết một cách bí ẩn là câu trả lời cho việc bắt giam bà Trương Mỹ Lan.
Những trò bịt đầu mối mang màu sắc luật ngầm ấy đã dẫn đến hệ quả, ngân hàng SCB bị lâm vào khủng hoảng. Người dân nháo nhào rút hết tiền tiết kiệm khỏi ngân hàng này. Tình hình rất nguy, vì một ngân hàng sụp đổ thì có nguy cơ kéo cả hệ thống ngân hàng Việt Nam chao đảo.
Mặc dù báo chí trấn an là việc bắt bà Trương không ảnh hưởng gì SCB và thông báo cái chết của ông Nguyễn Tiến Thành chỉ là “đột quỵ”. Tuy nhiên, chính quyền vẫn không trấn an được lòng tin người dân. Ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng lên tiếng đảm bảo thanh khoản cho SCB nhưng dân vẫn cứ rút tiền. Một ngân hàng khủng hoảng thì Ngân hàng Nhà nước đảm bảo thanh khoản nhưng nhiều ngân hàng rơi vào khủng hoảng thì khó nói trước điều gì.
Trong bức tranh này hiện lên hai thế lực rất rõ, thế lực bắt và thế lực bịt đầu mối để bảo vệ kẻ bị bắt (không biết có bảo vệ tổ chức hay không?). Phía bắt người cố trấn an người dân để tránh khủng hoảng tài chính thì phe bịt đầu mối bất chấp, họ không quan tâm đến chuyện náo loạn thị trường mà họ chỉ có mục đích duy nhất là bịt đầu mối. Bất chấp người dân hoang mang, bà Nguyễn Phương Hồng vẫn bị đột tử bí ẩn.
Ngày 10 tháng 10, tờ Vnmedia.vn đã lên bài “Tập đoàn Him Lam: Tài sản tỷ đô, 93,2% là nợ, vi phạm tại dự án “bắt tay” Vạn Thịnh Phát”. Bài báo này mới lên chưa được bao lâu thì lại gỡ xuống.
Được biết, ông chủ Him Lam là Dương Côn Minh, cũng là ông chủ của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín – Sacombank. Nếu khui thêm Him Lam thì sợi dây Vạn Thịnh Phát động tới cả Sacombank. Lúc đó không biết vụ án này sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam “lở loét” đến đâu nữa?
Như vậy, có vẻ như phía nhà nước Cộng sản đang cân nhắc việc đánh Vạn Thịnh Phát nhưng sao cho vẫn ổn định thị trường tài chính nên họ đã ém cái têm Him Lam nằm im. Tuy nhiên, phe bảo vệ Vạn Thịnh Phát thì họ lại không quan tâm đến sự mong manh của thị trường tài chính. Không biết sắp tới họ hạ ai?
Những việc làm của họ là ngoài sự kiểm soát của chính quyền Cộng sản, cho nên, việc thị trường tài chính có ổn định hay không thì Chính quyền Cộng Ssn cũng không thể hoàn toàn tự quyết được.