Nam Hàn tiếp tục ngưng nhận người Thanh Hóa xuất cảng lao động
August 17, 2022
THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Năm 2022, còn hai địa phương tại tỉnh Thanh Hóa bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc ở Nam Hàn do “số lượng cư trú bất hợp pháp tại Nam Hàn còn cao,” tờ Tuổi Trẻ hôm 17 Tháng Tám cho hay.
Cụ thể đó là hai huyện Hoàng Hóa và Đông Sơn. Trước đó, “danh sách đen” của Nam Hàn cấm người Thanh Hóa xuất cảng lao động còn bao gồm thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn.
Một người lao động Việt Nam ở Nam Hàn. (Hình: Đoàn Trung/Tuổi Trẻ)
Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lê Đình Tùng, phó giám đốc Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết thêm hiện tỉnh này đang có hơn 32,000 lao động đang làm việc ở ngoại quốc, chủ yếu ở Đài Loan, Nhật, Nam Hàn và khu vực Trung Đông.
Hàng năm, những người này được ghi nhận gửi về cho gia đình ở Thanh Hóa khoảng $120 triệu-$150 triệu.
“Hộ nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đã thoát nghèo và có hướng phát triển vươn lên làm giàu,” ông Tùng được dẫn lời.
Tuy vậy, ông này cũng thừa nhận tình trạng người Thanh Hóa đi làm việc ở ngoại quốc khi hết hợp đồng thì bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp, “làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam.”
Bản tin trích dẫn thống kê của Trung Tâm Lao Động Ngoại Quốc thuộc Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội CSVN rằng tính đến hôm 30 Tháng Sáu, vẫn còn 890 trong tổng số hơn 6,000 người lao động làm việc tại Nam Hàn đang cư trú trái phép.
Theo ông Lê Đình Tùng, một trong những giải pháp cho tình trạng người lao động trốn lại Nam Hàn là nhà chức trách xây dựng cơ chế bảo lãnh người đi làm việc ở ngoại quốc, ký quỹ với người lao động và khuyến khích họ về nước đúng hạn khi hết hạn hợp đồng. Những trường hợp ở lại quá hạn và nhập cảnh “sẽ bị xử phạt nghiêm.”
Panô tuyên truyền “xuất cảng lao động là [cách] giảm nghèo nhanh nhất” ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Lao Động)
Việc một số nước như Nam Hàn công bố “danh sách đen” nhắm vào người Thanh Hóa và các tỉnh thành phía Bắc được cho là nguyên do khiến Bộ Công An Việt Nam quyết định bỏ phần “nơi sinh” trong sổ thông hành (passport) mẫu mới, lưu hành từ đầu Tháng Bảy.
Tuy vậy, biện pháp này được ghi nhận ‘tính già hóa non”, khi Sứ Quán Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha… mới đây yêu cầu người có sổ thông hành mẫu mới khi xin thị thực phải “bị chú” nơi sinh và nộp kèm giấy khai sinh. (N.H.K)