Đã là trường công thì sao còn thu học phí?
Hoàng Hải Vân
Học phí trường công đang rục rịch tăng bằng lần, giá sách giáo khoa cũng đang rục rịch tăng bằng lần. Hai năm qua công cuộc phong toả chống dịch khiến cho dân chúng nghèo đi, một bộ phận khá đông lâm vào cảnh điêu đứng, học phí trường công tăng giá, sách giáo khoa cũng tăng đè thêm gánh nặng cho dân trong khi thu ngân sách không những không giảm xu nào mà còn tăng cao đến mức Chủ tịch nước cũng lấy làm lạ.
Thu ngân sách tăng mạnh mà học phí trường công giá sách giáo khoa cũng tăng mạnh là điều lạ lùng, bất kỳ sự giải thích nào cũng không có sức thuyết phục.
Công cuộc Đổi mới đất nước đã mang lại rất nhiều thành tựu, nhất là thành tựu xoá đói giảm nghèo, nhưng sự nghiệp giáo dục thì rối như gà mắc tóc.
Nước ta từng có một nền giáo dục tiên tiến trước năm 1975, ở cả hai miền Nam Bắc. Ở miền Bắc, đã từng có một nền giáo dục hoàn toàn miễn phí từ mẫu giáo đến đại học với chất lượng không thể nói là không cao (sự miễn phí này đã kéo dài thêm một số năm sau khi Việt Nam thống nhất). Ở miền Nam, ngoài giáo dục tiểu học bắt buộc và miễn phí, toàn bộ trường công cũng hoàn toàn miễn phí, em nào không đủ năng lực thi tuyển vào trường công thì có thể học trường tư, dù học trường công hay trường tư đều thi lấy bằng cấp quốc gia như nhau.
Vì không một nền kinh tế thị trường nào có thể chịu đựng được việc học miễn phí toàn bộ ở mọi cấp học như miền Bắc trước đây, nên khi tiến hành công cuộc đổi mới chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, lẽ ra Nhà nước áp dụng học miễn phí hoàn toàn ở giáo dục bắt buộc (hiện nay là bậc tiểu học) và duy trì trường công ở mức hợp lý, còn lại để cho trường tư phát triển cạnh tranh nhau cung cấp dịch vụ giáo dục tốt nhất cho trẻ em, thì nhà nước vẫn “tham lam” vừa muốn ôm hết sự nghiệp giáo dục vừa thi với tư nhân thu học phí, ngay cả bậc tiểu học. Hiến pháp quy định không thu học phí vẫn thu khoản này khoản kia không khác gì học phí.
Chi phí cho giáo dục hiện chiếm tới 20% tổng chi ngân sách, tỷ lệ đó thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhưng do ôm đồm nên nhà nước phải trả lương cho một bộ máy gồm thầy giáo và người quản lý giáo dục lên tới 1,2 triệu người. Người dạy học lẽ ra phải được hưởng một mức sống trên trung bình của xã hội nhưng lại trở thành nhóm người có thu nhập thuộc hàng thấp nhất trong xã hội, rất ít người có thể sống được bằng tiền lương. Ngân sách chi cho giáo dục lại dành không ít tiền cho những dự án chỉ để thể hiện vai trò của ngành chớ không đóng góp gì cho chất lượng dạy và học. Đó là chưa kể đội ngũ tiến sĩ ra đời hàng năm đông một cách dị thường, tốn kém không biết bao nhiêu là tiền bạc từ ngân sách nhưng phần lớn các tiến sĩ đó không hề có đóng góp gì cho khoa học hoặc quốc kế dân sinh.
Hậu quả là nền giáo dục và đào tạo nước nhà yếu kém đến mức có không ít cán bộ cấp cao phải được đưa sang các nước tư bản học để lấy bằng cấp, nhiều người trong số đó đã trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng và Bộ trưởng. Và một loạt quan chức cấp cao phải cho con sang các nước tư bản học, được gọi là đi “tỵ nạn giáo dục”. Trong khi trong thế giới hiện đại, chỉ cần xoá bỏ các rào cản thì tất cả hệ thống tri thức, dù là tri thức mới nhất, đều có thể được liên thông.
Mấy chục năm nay các quan chức ngành giáo dục không hề có ý định thoát khỏi những nghịch lý gà mắc tóc đó, mà càng “cải cách” càng rối rắm, càng bị ăn chửi.
Một nền giáo dục hợp lý chỉ đơn giản như thế này:
Thứ nhất, thực hiện giáo dục cưỡng bách (bắt buộc) ở bậc học phù hợp với điều kiện của nền kinh tế. Ở nước ta hiện nay được ghi trong Hiến pháp là bậc tiểu học. Đã giáo dục bắt buộc thì học sinh đi học hoàn toàn không mất tiền, không những không trả học phí mà còn được phát không sách giáo khoa và không có bất cứ khoản đóng góp nào cho trường lớp. Chỉ có như vậy mới bảo đảm cho đứa trẻ nào cũng được đi học, mới gọi là giáo dục bắt buộc.
Thứ hai, duy trì hệ thống trường công từ phổ thông đến đại học một cách hợp lý phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và điều kiện ngân sách. Hệ thống trường công chỉ tuyển chọn học sinh giỏi nhằm đào tạo nhân tài. Hệ thống trường công này phải được bảo đảm đầy đủ các phương tiện và công nghệ tiên tiến nhất cùng đội ngũ thầy giáo giỏi. Học trường công cũng phải hoàn toàn miễn phí. Trường công nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện ngân sách.
Thứ ba, sự giới hạn của trường công sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các tổ chức, các nhóm xã hội phát triển trường tư. Học sinh nào không đủ khả năng thi tuyển vào trường công sẽ vào học các trường tư. Các trường tư sẽ cạnh tranh về học phí và chất lượng đào tạo. Học sinh không đủ khả năng vào trường công không có nghĩa là các em dốt hơn, vì các trường tư tốt chắc chắn sẽ tạo ra các học trò giỏi.
Thứ tư, trên thế giới đã có phong trào học mà không cần đến trường (Homeschooling, Unschooling). Như đã nói, trong thế giới hiện đại, nếu không bị rào cản thì tri thức có thể liên thông khắp mọi nơi. Trẻ em không cần đến trường vẫn có thể tiếp nhận tri thức tại nhà thông qua phụ huynh hoặc tự học. Nhà nước không cần can thiệp vào cách học của các em mà bằng hệ thống thi cử để công nhận trình độ. Nhà nước tạo điều kiện để các em không đến trường vẫn có thể đi thi để lấy bằng cấp nếu các em có nhu cầu.
Đạo lý dễ hiểu nói trên không mới mẻ gì, mà đã từng được áp dụng ở miền Nam nước ta trước năm 1975.
Tóm lại, vấn đề không phải là tăng hay giảm học phí trường công. Mà đã là trường công thì phải hoàn toàn miễn phí. Người dân đã nộp thuế để Nhà nước thực hiện sự nghiệp giáo dục, bởi vậy thu học phí trường công thực chất là thuế chồng lên thuế.
H.H.V.
Nguồn: FB HOÀNG HẢI VÂN