18/03/2022
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên đã có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng. Bài viết có in trong sách Viết Về Nước Mỹ, tuyển tập I, ấn hành lần thứ nhất tại California, tháng 11 năm 2000. Tác giả thắng giải đặc biệt 2017 và giải danh dự 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
***
Tôi biết:
Đất trời có bốn mùa: hết Xuân thì tới Hạ , rồi Thu và tới Đông …
Con người: có Sinh thì ắt có Tử…
Biết là một chuyện, chấp nhận và bằng lòng với quy luật đó là một chuyện khác.
Cho dù thế nào thì tôi cũng phải làm quen và tập sống với thực tế: cuộc đời của tôi đã thay đổi từ khi người chồng đáng kính của tôi đi xa. Anh đã sang qua một thế giới khác.
Trong 53 năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau trong những năm tháng cuối đời…
Nhờ duyên lành, tôi được học Phật khi tôi còn ở bậc trung học đệ nhất cấp. Tôi rất lí thú nghe Pháp và thực tập theo cách sống Bi – Trí – Dũng của Phật từ lúc còn rất trẻ đó. Tôi biết, thông hiểu và chấp nhận sự vô thường của muôn loài.
Nhưng, khi chồng tôi nằm xuống vĩnh viễn, người bạn đời của tôi đã bỏ tôi, tôi mới chợt nhận ra bấy lâu nay tôi như con vẹt, lập lại và nhìn mọi vật, có đó rồì mất đó – trong cái vô thường của đất trời – nó tự nhiên, nó nhẹ nhàng như tôi đang thở, nay, không phải như thế nữa. Với chính thực tế mất mát của bản thân, mọi suy nghĩ trước đây của tôi về sự vô thường của một kiếp nhân sinh đã bị đảo lộn, rồi quay cuồng…. Đây có phải là một tổn thất quá lớn trong cuộc đời mà từ trẻ cho tới bây giờ tôi chưa hề trải qua, tôi chưa hề có kinh nghiệm? Tôi hụt hẵng, tôi níu kéo và cố bám vào ảo tưởng: “Ông nhà tôi đi đâu đó rồi Anh sẽ về thôi mà…”
Tôi đợi Anh trở về, hết ngày rồi tới đêm… Một tuần, rồi hai tuần …và tôi thất vọng…
Tôi không chấp nhận sự thật.
Tôi đang sống thời gian khó khăn nhất.
Nguyễn Thị Phi Phượng và cố tác giả giám khảo VVNM Bồ Tùng Ma
Thế rồi, tôi cũng phải ráng tập lối sống mới: một mình , tự lo thân, tự quyết định mọi việc… Mà sao khó quá, tôi không cảm thấy dễ chịu chút nào… Bất chợt , trong tiềm thức của tôi, hiện lên qui luật mới: học nhớ dễ hơn học quên vạn lần!… Với tôi, không nỗi đau nào hơn nỗi đau của tuổi già bị mất người phối ngẫu. Không có sự trống vắng nào hơn ở tuổi xế bóng bị mất người chồng( hoặc người vợ), người đã đồng hành, đã cùng mình vượt qua bao khổ nhọc của cả một đời. Tôi không còn ai để nói hết, nói thật… nói tất cả… những lo toan, những vui buồn tôi đang gặp phải. Không còn ai để tôi “cằn nhằn”! Tôi vẫn thường nghe câu nói đầu môi từ vài người bạn: “Vợ chồng tôi không cải nhau bao giờ”. Tôi không bao giờ tin những lời nói này. Với tôi, chuyện vợ chồng tranh cải vì khác ý kiến trong một vấn đề, đó cũng là bình thường. Ông bà mình vẫn luôn nói: chén dĩa trong sóng còn khua thay.
Hai năm cuối đời, ước lượng được sức khoẻ của mình, Anh đã nói với thằng cháu lớn nhất 17 tuổi: “ Ông Nội ráng đợi ngày Con tốt nghiệp đại học, Ông sẽ có mặt trong ngày Con ra trường. Con nhớ dẫn Ông đi ăn một bữa thịnh soạn rồi Ông Nội sẽ đi xa.” Tội nghiệp thằng cháu không rành tiếng Việt và cũng không hiểu “đi xa” là Ông Nội sẽ đi đâu thế mà ngày Ông Nội nằm xuống, Cháu cũng biết tại sao Ông không thể giử lời hứa với Cháu. Và bữa ăn thịnh soạn ngày Cháu tốt nghiệp sẽ mãi mãi không bao giờ có mặt Ông Nội nữa…
Năm nay, mùa đông California rét buốt hơn mọi năm. Trời lạnh, cái nhà của tôi càng lạnh hơn vì chỉ một mình tôi lẻ loi…
Nhớ lời dặn: “Anh chết rồi, buồn lắm, em ơi. Hãy về một đứa con mà ở.”
Tôi tới nhà con trai út ở thành phố San Francísco – đứa con gần tôi nhất – ở chơi vài hôm. Ở đó, có con cháu vây quanh, tôi nguôi ngoai phần nào mà sao tôi vẫn nhớ, vẫn thích trở về cái nhà nhỏ quen thuộc của tôi. Trong ngôi nhà xưa thân quen, hằng ngày, tôi “nói chuyện” với Anh như Anh vẫn còn đó. Tôi cảm thấy Anh vẫn loanh quanh đâu đây, bảo vệ và mang về sự bình yên cho tôi. Tôi tự do khóc, tự do ăn, tự do ngủ… bất cứ khi nào… theo “thời dụng biểu bất thường” trong lúc này của tôi. Và điều quan trọng mà vợ chồng tôi đã nhận thấy từ lâu, nay, càng rõ ràng hơn, đó là: các con – các cháu của tôi, chúng có suy nghĩ của chúng. Chúng nó trẻ. Chúng say mê công việc và theo đuổi sự nghiệp. Chúng lo làm việc để trả nợ nhà, nợ xe… và nhất là lo việc nuôi dạy con cái. Chúng không có cùng cách giải quyết vấn đề như thế hệ già của chúng tôi. Làm sao tôi có thể bộc bạch hết những tâm tư sâu kín của tôi với chúng nữa.
Chồng tôi đã có chỗ ở mới, chắc chắn rất an vui. Còn lại tôi, bơ vơ, chới với. Người đi trước sao mà ấm áp, được mọi người lo cho đầy đủ, chu toàn.
Tôi bắt đầu ganh tỵ với chồng tôi.
Hồi tưởng lại vài năm sau này, khi hai chúng tôi đã về hưu và nhờ có con vi rút covid , chúng tôi có nhiều thì giờ ngồi bên nhau. Không biết tìm đâu ra, chồng tôi thường đọc cho tôi nghe bài thơ xưa ( không biết tên tác giả) của người chồng già viết tặng vợ:
…Mất gì thì mất Bà ơi,
Xin Trời để lại còn Tôi, còn Bà
Nếu mà có phải đi xa
Để Tôi đi trước còn Bà đi sau
Mong Bà đừng ốm đừng đau
Để Tôi có bát cơm rau sáng chiều
Càng già, càng quí, càng yêu
Bâng khuâng lại nhớ ít nhiều ngày xưa ….
Mất gì thì mất Bà ơi,
Xin Trời để lại còn Tôi, còn Bà
Tôi – Bà nay tuổi đã già
Mà Tôi vẫn sợ còn Tôi, mất Bà…
Thế là ước muốn “ xin được đi trước” của chồng tôi đã được thỏa theo ý nguyện.
Chồng tôi, cả đời là một nhà giáo đạo hạnh. Anh có chánh nghiệp. Anh có một đời sống viên mãn. Nay, nghiệp đã trả xong, Anh ra đi nhẹ nhàng. Anh được thay cái xác mới. Tôi tin: nhất định Anh đã đến được cõi an lành.
Rồi thì ai cũng sẽ phải theo con đường của Anh thôi mà. Tôi cũng sẽ như thế.
Hai tháng, … rồi ba tháng, …
Tôi không thể nào khoẻ mạnh trong tình trạng sống đau buồn mãi được.
Tôi bắt đầu đọc sách nhiều hơn, nghe giảng Pháp nhiều hơn. Tôi thiền định lâu hơn. Tôi làm vườn, công việc này chồng tôi phụ trách trước đây, tôi nào biết tới. Và tôi tiếp tục lại các việc đang dang dở mà thời gian qua vì phải chăm sóc Anh bịnh tôi đã xin tạm nghỉ. Tôi có Chùa Phổ Từ ở Hayward, gần nhà. Tôi có Camp Metta ở Los Gatos. Tôi có nhiều bạn đạo rất thành thật ở hai nơi đó. Tôi có những bạn thiện tri thức của hai nhóm Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm và Chánh Hòa, nơi tôi đang dạy thiện nguyện Tiếng Việt cho các em đoàn sinh và nhất là hằng ngày tôi được tu tập qua những câu viết ngắn dưới đề mục “Morning Coffee” của Sư Bhante . Dần dà, tôi đã lấy lại sự quân bình trong suy nghĩ. Niềm vui và sự tin tưởng vào Chánh Pháp đã vực tôi đứng lên . Tôi nhận ra thế nào là Chơn Thường trong Vô Thường của sự vậ , của cuộc sống. Đã có sẵn Chánh niệm và Chánh Tư Duy, tôi cảm nhận được sự sống đang có mặt trong từng giây phút của hiện tại. Sự tiếc nuối và suy nghĩ về mất mát trở về lại với tôi nhẹ nhàng như tôi đang thở.
Tôi đăng ký học vẽ ở Chabot College – Hayward. Tôi tập vẽ trên giấy canvas để áp dụng vẽ trên áo dài, niềm say mê nhất của tôi từ khi còn trẻ nhưng vì quá bận rộn phải xếp qua một bên.
Tôi đang suy nghĩ để xem tôi có còn thích hợp để học khiêu vũ không. Đây là môn thể dục lý thú của tuổi già.
Tôi sẽ tiếp tục gặp lại học trò qua hai lớp dạy thiện nguyện Tiếng Việt của tôi sau thời gian dài dạy chúng qua zoom.
Tôi sẽ tiếp tục dịch sách chương trình “Early Childhood Education” ( Ngành Mẫu Giáo Nhà Trẻ). Sách tôi dịch, in ra, đã và sẽ giúp các cô giáo dạy chương trình này ở Việt Nam làm giàu thêm kiến thức nghề nghiệp của họ.
Cám ơn Phật pháp đã giúp Con sáng ra và chấp nhận thực tế đúng như tính chất vô thường nó đang là.
Cám ơn Anh đã cùng Em đi hơn nửa cuộc đời. Anh đã giúp Em hiểu được sự chịu thương chịu khó, sự hy sinh cho một tình yêu đích thực. Anh đã để lại cho Em quá nhiều kỷ niệm, Em chẳng thể nào quên. Em sẽ chuyển nỗi đau thành niềm thương nhớ. Anh ơi, hãy chờ Em bên kia sông, vài năm nữa mình sẽ gặp lại, nhé Anh.
Mẹ cám ơn hai Con Trai của Mẹ. Các Con đã giúp Mẹ tiếp tục giữ cuộc sống an nhàn như khi Ba Mẹ có nhau.
Bà Nội cám ơn ba Cháu yêu. Các Cháu rất ngoan, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, học giỏi. Cám ơn các Cháu luôn báo tin vui về việc học của các Cháu cho Bà nghe.
DT – Th H ơi , Nh – Ng ơi ! Các Em đang đủ đôi . Đó là hạnh phúc quý báu nhất Thượng Đế ban tặng cho riêng các Em và cho cả loài người. Các Em hãy yêu thương – chăm sóc nhau với tất cả những gì có thể để rồi mai kia, khi một người đi xa trước, người ở lại không có gì để hối hận…
Tôi cũng vậy.
Tôi đã là người vợ tốt.
Tôi đã là người mẹ tốt.
Tôi đã hết lòng chăm sóc chồng tôi khi Anh bịnh hoạn.
Tôi không có gì để hối hận.
Tôi phải vui lên để được sống khỏe mạnh. Cầu mong tôi giử được sức khoẻ này lâu dài cho tới khi nào quá yếu. Khi đó, tôi sẽ về sống cùng với con cháu.
Tôi đang bước vào khúc quanh mới của đoạn cuối con đường và tôi sẽ thanh thản đón hoàng hôn./.
Hayward – California
Tháng Hai, 2022.
Nguyễn Thị Phi Phượng