Tịnh Thất Bồng Lai: Những câu hỏi quanh việc ‘đàn áp tôn giáo’ và tội ‘loạn luân’
- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Ông Lê Tùng Vân (giữa) cùng 2 đệ tử của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ
Hiện nay một số luật sư đang đăng ký thủ tục để bảo vệ pháp lý cho các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai (hay Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ ). Trong khi chờ đợi vụ việc được đưa ra xét xử, nhiều câu hỏi nhức nhối đang được dư luận đặt ra.
Có hay không việc đàn áp tôn giáo?
Giới chức cho rằng các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai là ‘sư giả’, không thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, không được nhà nước công nhận nhưng ‘vẫn cạo đầu, mặc áo tu hành’.
Vậy đi tu mà không nằm trong hệ thống cơ sở tôn giáo của nhà nước có phải là tu không?
Trao đổi với BBC hôm 11/1, tu sĩ Thích Đồng Long ở Thành phố Hồ Chí Minh, một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, không được nhà nước công nhận, nói:
“Hiện tại, không có tiêu chuẩn cụ thể nào để khẳng định một người có tu hay không. Nhưng thông thường, theo truyền thống Phật giáo, có hai hình thức là tu tại gia và tu xuất gia.
“Phật tử tu tại gia vẫn được có gia đình và tham gia vào mọi hoạt động xã hội. Họ chỉ có trách nhiệm giữ gìn 5 giới hay cao hơn là bồ tát giới hoặc thập thiện… Việc giữ gìn này cũng là tự nguyện.
“Với người xuất gia, tùy mức độ thọ giới mà họ phải giữ các giới pháp của họ. Nếu sai phạm thì tùy theo mức độ mà bị xử lý theo luật của Phật.
“Tịnh Thất Bồng Lai khẳng định họ tu tại gia. Họ cạo tóc là việc bình thường. Xưa nay không có quy định nào cấm người tu tại gia không được cạo tóc, thờ Phật hay ca hát. Những việc làm của họ dù đúng hay sai theo Giáo Pháp, thì đứng trên phương diện tự do dân chủ về tín ngưỡng, tôn giáo, không ai có quyền can thiệp hay phán xét họ. Bởi vì người ta có quyền có một lập trường, quan điểm và cách tu tập theo nhận thức của mình.”
“Sự việc xảy ra với Tịnh Thất Bồng Lai thể hiện sự thiếu tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, và cũng là một hình thức đàn áp tôn giáo với cá nhân, tổ chức không tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
Chính Thượng tọa Thích Nhật Từ, Chủ nhiệm Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bài trả lời Báo Giác ngộ năm 2017 cũng khẳng định những người ở Thiền Am tu tại gia, ông Lê Tùng Vân chưa bao giờ nhận mình là hòa thượng và cũng chưa từng nói mình là ‘trụ trì’ chùa Bồng Lai.
Ông Thích Nhật Từ khẳng định hai bị cáo “Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên tu tại gia, cạo đầu, mặc áo nâu sòng từ nhỏ, họ không hề giả mạo tăng sỹ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc”.
Việc họ tham gia các chương trình ca hát, theo ông Thích Nhật Từ, là không có gì vi phạm giới luật của đạo Phật.
“Vấn đề cốt lõi là ban tổ chức chương trình games show phải nói rõ trong thông cáo báo chí và cho giới truyền thông biết họ chỉ là những người tu tại gia…. Khu Bồng Lai viên chỉ là một tịnh thất, không có bảng hiệu chùa, nên không đăng ký với Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An.
Ông Thích Nhật Từ cũng nói rằng ông ngạc nhiên vì sao Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An chưa cử đại diện đến Bồng Lai viên để nắm rõ thực hư vấn đề, dẫn đến các ‘phát ngôn vội vã’.
Có hay không tội loạn luân?
Trước khi bốn thành viên của Thiền Am bị khởi tố, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin rằng ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), có thể bị kết tội ‘Loạn luân’. Rằng kết quả xét nghiệm DNA bước đầu cho thấy nhiều người tại Tịnh Thất Bồng Lai có quan hệ huyết thống với ông Vân, trong đó “có những đứa trẻ chỉ vài tuổi”. Và rằng “kết quả điều tra ban đầu cũng xác định, ông Lê Tùng Vân có ba con với ít nhất hai người con gái ruột của ông“.
Hàng loạt báo lề phải đăng các bài viết với tiêu đề gây xôn xao như ‘Hé lộ gây sốc về chuyện loạn luân tại “Tịnh thất Bồng Lai” (Vietnamnet), Vụ án loạn luân tại Tịnh thất Bồng Lai: Mẹ của những đứa trẻ “mồ côi” sống cùng ông Lê Tùng Vân là ai? (Kenh14.vn), Ông Lê Tùng Vân có 3 con sau khi loạn luân với 2 con gái ruột (Soha)…
Tuy nhiên, ngay sau đó, có ý kiến từ nhà khoa học rằng có thể có sai số trong xét nghiệm DNA, đồng thời có những quy định nghiêm ngặt liên quan đến quy trình này.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn từ ĐH New South Wales, Australia, xét nghiệm huyết thống vẫn có thể sai lầm, dao động trong khoảng 1% đến 30%. Sai lầm có thể là vô ý nhưng cũng có thể cố ý.
Bên cạnh đó, do tầm quan trọng của việc xét nghiệm huyết thống, không phải labo nào cũng được phép làm. Với những labo được cấp phép, việc xét nghiệm DNA chỉ được thực hiện với sự đồng thuận của ‘khách hàng’.
“Lấy mẫu máu của người ta đi làm xét nghiệm mà người ta không biết là một vi phạm về nhân quyền và vi phạm đạo đức khoa học”, theo GS Tuấn.
Sai lầm cố ý phổ biến trong xét nghiệm DNA là khi có sự can thiệp nhằm thay đổi kết quả xét nghiệm theo ý đồ của ai đó.
“Đó cũng chính là lí do tại sao người ta không đặt niềm tin vào những xét nghiệm do cảnh sát làm,” GS Tuấn viết trong một bài phân tích đăng trên Facebook cá nhân.
Sai lầm cũng có thể xảy ra do vô ý, như lấy mẫu xét nghiệm sai chỗ, không bảo quản mẫu xét nghiệm đúng tiêu chuẩn (đúng nhiệt độ và vô trùng) trước khi làm xét nghiệm, không xử lý mẫu xét nghiệm tốt khiến mẫu bị nhiễm, dẫn đến kết quả sai, vẫn theo GS Tuấn.
Trong vụ việc Tịnh Thất Bồng Lai, dư luận đặt câu hỏi giới chức đã lấy mẫu xét nghiệm như thế nào, vào bao giờ, có được sự đồng ý của gia đình hay không? Tại sao báo chí lại được phép thông tin về kết quả này khi đang trong giai đoạn điều tra, và ngay sau đó lại đưa tin cơ quan chức năng truy tố ông Lê Tùng Vân một tội khác không liên quan?
“Cần sự có mặt của luật sư từ giai đoạn điều tra, bao gồm cả việc thu thập mẫu DNA và giám định DNA để bảo đảm tính khách quan của vụ án,” luật sư Đặng Đình Mạnh – người đang nộp hồ sơ đăng ký bào chữa cho ông Lê Tùng Vân, nói với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn.
Luật sư Mạnh ủng hộ việc giám định DNA tại các cơ sở giám định tư pháp độc lập. Tuy nhiên ông ‘lấy làm tiếc’ vì Việt Nam chưa có các cơ sở giám định DNA độc lập nào. Hầu hết các cơ sở xét nghiệm DNA có tư cách giám định tư pháp đều thuộc nhà nước.
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng chỉ có cách là mời nước ngoài để giám định DNA độc lập.
“Nhưng điều đó thì gần như không thể và chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng Việt Nam,” luật sư Tuấn nói với BBC.
Báo chí VN vi phạm quyền riêng tư?
Một số thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ
Các báo chính thống của Việt Nam và nhiều diễn đàn, tải khoản Facebook của người Việt mới đây cũng đăng tải hình ảnh, tên tuổi của các thành viên Thiền Am, trong đó có các trẻ nhỏ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC rằng “việc chia sẻ các thông tin này là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của những người liên quan, đặc biệt là trẻ nhỏ”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng cho rằng “mọi sự đưa tin không đúng sự thật về người khác của bất kỳ ai đều là sự vi phạm pháp luật Việt Nam”.
“Nó vi phạm quyền tự do cá nhân, quyền bí mật cá nhân bất khả xâm phạm của mọi cá nhân được Hiến pháp bảo vệ. Luật pháp đã có quy định rõ ràng nhưng việc có quá ít cá nhân, tổ chức bị xử lý trách nhiệm nên việc sai phạm cứ ngang nhiên diễn ra lâu nay và vẫn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới,” luật sư Tuấn nói.
Hôm 12/1, Cục Trẻ em đề nghị Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, kiểm tra, xử lý các tài khoản, fanpage chia sẻ hình ảnh trẻ em trong vụ “tịnh thất Bồng Lai” ‘chưa đươc kiểm chứng’, có thể gây tổn hại đến trẻ, theo VNExpress.
‘Tránh oan sai và chia rẽ’
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên cần cẩn trọng trong việc điều tra, xử lý để không làm tổn hại thêm, khoét sâu thêm mâu thuẫn và sự chia rẽ trong xã hội giữa những người đứng về hai phía: bảo vệ và bài trừ.
LS Đặng Đình Mạnh cho rằng việc sớm tiếp nhận và hoàn tất thủ tục luật sư đăng ký bào chữa (nếu có) sẽ là bước tích cực bảo đảm sự khách quan, vô tư của cơ quan điều tra và quyền hợp pháp của những người bị khởi tố.
“Ngay sau khi nhận quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thì ông Lê Tùng Vân và các thành viên ở Tịnh Thất Bồng Lai nên nhờ luật sư giúp bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình ngay từ giai đoạn bắt đầu chính thức điều tra vụ án. Đó là một trong những cách để họ tự bảo vệ mình. Đối với những người bị tạm giam, thân nhân của họ có thể thay mặt họ nhờ luật sư.”
Luật sư Mạnh cho hay hom 07/01/2022, ông đã đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để nộp hồ sơ đăng ký bào chữa cho ông Lê Tùng Vân.
“Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến lãnh đạo thì trực ban đã không nhận hồ sơ của tôi với nhiều lý do không đúng quy định luật pháp,” luật sư Mạnh thuật lại.
Luật sư Mạnh sẽ trở lại đây để tiếp tục thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký bào chữa. Riêng đối với ông Lê Tùng Vân, dù được tại ngoại điều tra, nhưng lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa cơ sở Tịnh Thất Bồng Lai và đã ngăn cản luật sư vào tiếp xúc với ông, theo lời luật sư Mạnh.
Vụ việc Tịnh Thất Bồng Lai diễn ra như thế nào?
Hôm 7/1, công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố ông Lê Tùng Vân (SN 1932); Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990); Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991) và Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995). của Tịnh Thất Bồng Lai về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
Chỉ trước đó vài ngày, báo Việt Nam đăng tải thông tin khả năng ông Lê Tùng Vân sẽ bị khởi tố tội ‘loạn luân’, ‘lừa đảo’ và ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
Thông tin trên truyền thông Việt Nam cũng cho hay trước đó, cơ quan của tỉnh Long An nhận được nhiều đơn tố cáo Tịnh Thất Bồng Lai “có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi góp vốn từ thiện và lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân; có dấu hiệu loạn luân… nên gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại phương”.
Trước khi bị khởi tố, cơ sở Tịnh Thất Bồng Lai nhận là nơi tu tại gia, nuôi dưỡng 9 trẻ mồ côi. Các trẻ này, cùng một số thành viên khác của Tịnh Thất từng tham gia một số games show ca hát trên truyền hình và nhận được một số giải thưởng.
Hiện ba bị cáo đã bị tạm giam, ông Lê Tùng Vân được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú, trong khi Tịnh Thất bị phong tỏa.